Đôi nét văn hóa - văn học Công giáo Tây Nguyên

Lan Mary
     
  •  




ĐÔI NÉT VĂN HÓA - VĂN HỌC CÔNG GIÁO TÂY NGUYÊN

Lê Minh Sơn
Kon Tum, ngày 16 tháng 9 năm 2021


Mục lục

DẪN NHẬP

I. THỜI KỲ HÌNH THÀNH MIỀN TRUYỀN GIÁO KON TUM (1848-1932)

1. Giai đoạn 1848-1908: đặt nền móng

2. Giai đoạn 1908-1932: nỗ lực xây dựng

II. THỜI KỲ GIÁO PHẬN TÔNG TÒA (1932-1960)

1. Văn

2. Thơ ca

III. THỜI KỲ GIÁO PHẬN CHÍNH TÒA (1960- 2020)

1. Giai đoạn trưởng thành 1960-1975

2. Từ 1975-nay: Giai đoạn chuyển biến

THAY LỜI KẾT

DẪN NHẬP

Giáo phận Kon Tum được khai sinh trong trường hợp khá đặc biệt và đa dạng vì là miền truyền giáo cho các sắc tộc vùng Tây Nguyên bắt đầu từ thế kỷ XVIII-XIX, với những nỗ lực có thể nói đầy gian nan, nhưng thật can trường và không ngừng nghỉ.

Thật vậy, Tây Nguyên từ lâu đời là nơi sinh sống của các dân tộc bản địa như: Bahnar, Jơlơng, Rơngao, Jrai, Sêđăng, Hlăng, Jeh-Triêng...Cho đến đầu thế kỷ XIX, vùng đất này hầu như vẫn còn “khép kín” so với thế giới bên ngoài và chưa có bóng dáng người Kinh nào lui tới.

Năm 1848, thầy sáu Phanxicô Nguyễn Do, vâng lệnh Đức Cha Stêphanô Cuénot Thể - Giám Mục Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) đã hướng dẫn các vị thừa sai người Pháp cùng một số thầy giảng người Việt lên Kon Tum.

Năm 1851, Đức Cha Stêphanô Cuénot Thể đã thiết lập 4 Trung tâm Truyền giáo đầu tiên cho các sắc dân chính như: Bahnar, Rơngao, Jơlơng, Sêđăng, Jrai[1]. Như thế Miền Truyền Giáo Thượng (Mission des pays Moys) được hình thành. Và cũng từ đó, lịch sử - văn hóa - và cả văn học Công giáo Tây Nguyên được bắt đầu, song hành theo tiến trình phát triển của giáo phận Kon Tum, trong dòng chảy chung của nền văn học dân gian của các dân tộc bản địa, làm công cụ đắc lực cho công cuộc truyền giáo và phục vụ cho nhu cầu văn hóa của xã hội.

Trước khi tìm hiểu về đôi nét văn hóa - văn học Công giáo Tây Nguyên trong giòng lịch sử của giáo phận Kon Tum từ buổi đầu cho đến ngày nay, chúng tôi xin phép trình bày một số giới hạn và nhận định sau:

1. Tây Nguyên mà chúng ta muốn đề cập vào thời kỳ truyền giáo ban đầu bao gồm vùng rừng núi rộng lớn phía Tây dãy Trường Sơn, kéo dài cho đến Hạ Lào. Năm 1932, năm tách Giáo phận Tông tòa Kon Tum ra khỏi Giáo phận Tông tòa Qui Nhơn, Miền truyền giáo Kon Tum có diện tích 70.000 km2 gồm 3 tỉnh người sắc tộc là Kon Tum, Pleiku, Ban Mê Thuột của Việt Nam, và tỉnh Attopeu thuộc nước Lào. Đến năm 1944, tỉnh Attopeu tách khỏi giáo phận Kon Tum, nhập về Lào. Ngày 22.06.1967, Tòa Thánh tách tỉnh Dak Lak khỏi Kon Tum lập giáo phận mới Ban Mê Thuột. Giáo phận Kon Tum còn lại 3 tỉnh: Kon Tum, Pleiku và Phú Bổn. Hiện nay Giáo phận Kon Tum gói gọn trong phạm vi 2 tỉnh: tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai với khoảng 350.000 tín hữu mà 2/3 là đồng bào các sắc tộc thiểu số, chỉ 1/3 là dân tộc Kinh.

2. Do tính chất đặc thù đa sắc tộc và nhiều yếu tố khác nên văn học, văn chương Tây Nguyên luôn gắn liền với văn hóa các bộ tộc Tây Nguyên. Văn học thường phản ánh nét văn hóa bản địa và ngược lại các tác phẩm viết về văn hóa bản địa tùy mức độ lại chứa đựng nhiều yếu tố văn học. Điều này không chỉ có đối với văn học Tây Nguyên mà cũng đúng với nhiều vùng miền khác.

3. Do tính cách Công giáo của văn học cũng như tương quan giữa văn học và đức tin, đối tượng của Văn học Công giáo Việt Nam nói chung, Văn học Công giáo Tây Nguyên nói riêng rất đa dạng. Ngoài những tác phẩm thuần túy văn chương như văn thơ, các sách Kinh Thánh, giáo lý, huấn đức…; các tác phẩm biên khảo về phong tục, nghi lễ, sách dịch thuật.v.v. cũng là đối tượng của văn học Công giáo. Tương tự về ngôn ngữ văn học, chẳng hạn các tác phẩm bằng tiếng của các sắc tộc bản địa, tiếng Pháp, tiếng Việt…; về quốc tịch các tác phẩm và tác giả: Việt, Pháp (thừa sai người Pháp), Thượng.v.v. đều là đối tượng của văn học Công giáo Tây Nguyên[2].

4. Và cuối cùng, bên cạnh những nét đặc sắc mà văn học Công giáo Tây Nguyên đã đóng góp, cũng đề cập đến đời sống văn học thường nhật diễn ra trong quá khứ cũng như hiện tại, để có thể hiểu rõ hơn khuynh hướng văn học Công giáo nơi Miền Thượng này.

Trong phạm vi bài lược trình này chúng tôi chỉ dám gợi qua một số nét tiêu biểu về các tác giả và tác phẩm qua các thời kỳ:

- Thời kỳ hình thành Miền Truyền Giáo Kon Tum (1848-1932)

- Thời kỳ Giáo phận tông tòa Kon Tum (1932-1960)

- Thời kỳ Giáo phận chính tòa Kon Tum (1960-nay)

I. THỜI KỲ HÌNH THÀNH MIỀN TRUYỀN GIÁO KON TUM (1848-1932)

Các tác phẩm viết thời kỳ này chủ yếu bằng tiếng Pháp và tiếng các dân tộc bản địa: Bahnar, Sêđăng và Jrai. Có thể chia thành 2 giai đoạn:

1. Giai đoạn 1848-1908: đặt nền móng

Năm 1851, vừa đặt được cơ sở truyền giáo, quan tâm hàng đầu của các Thừa sai là học tiếng bản xứ và xây dựng bộ chữ viết các sắc dân. Người Thượng vốn không có chữ viết và họ lý giải là do tổ tiên ngày xưa đánh mất[3]. Mà để giảng Đạo, để giải thích tín lý cao siêu bằng một thổ ngữ rất nghèo từ ngữ trí thức, thì cần phải nắm vững và biết tường tận thổ ngữ đó, cho nên, sau một tháng rưỡi xin ở trọ nhà ông Hmur, chủ làng Kon Kơxâm để học tiếng, các linh mục như Dourisboure, Combes, Fontaine đã sử dụng mẫu tự Latin để ghi âm tiếng Bahnar, các ngài đã có được một quyển sổ lớn ghi các từ, bắt đầu là những từ đơn giản[4]. Công việc cứ thế tiếp tục…

Vào năm 1853, sau 2 năm tìm tòi, nghiên cứu ngôn ngữ, Cha Combes (Bok Bê) đã soạn xong một tập giáo lý nhỏ bằng tiếng Bahnar và đã dịch xong các kinh mà mỗi Kitô hữu phải biết và phải đọc. Cha Dourisboure (cố Ân) dựa vào tập này dịch sang tiếng Sêđăng[5]. Các tân tòng đầu tiên của Kon Tum đã học Đạo theo tập giáo lý và kinh nguyện này.

Ngày 29.9.1853, Cha Combes (1825-1857) đã viết bài tường thuật tổng hợp đầu tiên, dưới dạng một lá thư gởi các Cha trong ban giám đốc Hội Thừa sai, trong đó miêu tả thật chi tiết về vùng đất mà cho đến nay chưa một ai biết đến. Tác phẩm này xứng đáng là một bài khảo cứu đầu tiên về miền truyền giáo Thượng. Bài khảo cứu này cùng với trích đoạn Thư của Cha Dourisboure ngày 12.12.1871 đều được in trong phần phụ lục của tác phẩm Les Sauvages Bahnars, xuất bản năm 1929[6].

Tại Kon Kơxâm, vào năm 1865, Cha Dourisboure (1825-1890) bắt đầu viết tác phẩm hồi ký thời danh: Les Sauvages Bahnars - Souvernirs d’un missionaire và hoàn thành tại Chủng viện Hội thừa sai Paris ngày 28 tháng giêng năm 1870. Tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1929, tức 39 năm sau ngày tác giả qua đời. Ngoài giá trị là một sử liệu truyền giáo Tây Nguyên, tác phẩm này còn là một khảo sát lý thú và là thiên hồi ký đặc sắc, đơn sơ, thành thật, tả chân, đến độ gây cảm xúc mãnh liệt[7]. Ngay sau đó, Les Sauvages Bahnars đã được phóng tác sang tiếng Việt qua tác phẩm “Mở Đạo Kontum” in tháng 5/1933 và loạt “Truyện các đấng mở đàng giảng đạo mọi Kontum”, in từ năm 1936[8], và đến năm 1972, toàn bộ tác phẩm này được dịch sang tiếng Việt với tên sách: DÂN LÀNG HỒ, in tại Sài Gòn.


Tác phẩm “Les Sauvages Bahnar” xuất bản năm 1929 và bản dịch “Dân Làng Hồ” của TGM Kon Tum, NXB Tôn giáo năm 2008

Trở lại công trình tạo ra chữ viết Bahnar, sau thời gian định hình mẫu tự và thống nhất phiên âm, Cha Dourisboure đã hoàn thiện và viết thành sách “Vocabularium apud barbaros Bahnars” vào năm 1870 (dày 268 trang, cỡ sách 20x26cm) gồm 3 thứ tiếng: Bahnar-Việt-Pháp; tiếp đến là Hlabar abo, sách dạy đánh vần tiếng Bahnar, nhà in Nazareth, Hong Kong 1888; sau cùng là cuốn tự điển “Dictionaire bahnar-francais” in tại nhà in Hội Thừa sai Paris năm 1889[9]. Hình thành chữ viết là cả một quá trình lâu dài của tập thể các vị thừa sai, tuy nhiên vẫn mang đậm dấu ấn riêng tùy theo mỗi vị. Như Cha Dourisboure, với sự cộng tác và giúp sức của các thừa sai Combes, Fontaine…; của ông Hmur người Bahnar, và tất nhiên của Cha Do. Linh mục người Việt này xuất thân từ Chủng viện Pi-năng, ngoài tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ ngài cũng hiểu biết tiếng Latin và tiếng Pháp, và còn thông thạo tiếng Bahnar nữa.

Đến năm 1874, cả Miền Truyền Giáo có 987 tín hữu, trong đó số tín hữu người Kinh là 542 người, tập trung chủ yếu ở hai làng đạo Tân Hương và Phương Nghĩa[10].

Năm 1875, Cha Vialleton Truyền (1848-1909) được tăng cường cho Miền truyền giáo Thượng, ngài nhận chức Bề trên từ năm 1881 và hăng say hoạt động truyền giáo trong suốt 27 năm. Chính ngài có sáng kiến dạy con em Thượng viết và đọc chữ quốc ngữ, song song với tiếng thổ âm của họ. Đích thân ngài về Bình Định mời thầy Hương[11], một thầy giảng có tiếng, đang phục vụ tại Qui Nhơn, lên Cao nguyên để sắp đặt chương trình, tổ chức lớp học văn hóa đầu tiên trên vùng dân tộc[12]. Nhờ đó, một số thanh niên Bahnar sau này thành Yao Phu tiên khởi xuất sắc, làm thầy dạy tại trường Cuénot. Năm 1894, ngài xuất bản cuốn “Cuộc đời Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, bằng tiếng Bahnar tại nhà xuất bản Nazareth trong lúc ngài ở Hồng Kông dưỡng bệnh[13].


Sách kinh tiếng Bahnar in ở Nhà in Làng Sông Qui Nhơn năm 1909

Cha Guerlach Cảnh (1858-1912) đến Kon Tum cuối năm 1882, lòng nhiệt thành truyền giáo và óc uyên bác của ngài đã làm ngài trở nên người có ảnh hưởng lớn trên các tín hữu lẫn lương dân. Một số bài viết của Cha Guerlach[14] như:

-”Moeurs et superstitions des sauvages Bahnars” (Những điều mê tín dị đoan ở xứ Bahnar) Mission Catholiques, XIX, 1887.

-”La variole chez les Sodang, Rongao et Bahnar” (Dịch đậu mùa ở xứ Thượng), Mission Catholiques, 1893.

- Chez les sauvages de la Cochinchine orientale, Bahnars, Reungaos, Sedangs (Xứ Bahnar, Rơngao, Sêđăng ở Giáo phận Đông Đàng Trong), Mission Catholiques, 1984.

- Mariages et cérémonies des noces chez les Bahnars (Tục cưới xin và lễ cưới ở xứ Thượng), Annales 1901.

- Chez les sauvages Bahnar Reungao (Cochinchine orientale), Annales 1902.

Từ năm 1905-1908, thừa sai Nicolas Cận (1876-1947) đến truyền giáo vùng Hà Bầu - Tiên Sơn (thuộc Gia Lai ngày nay) cũng đã dựa theo mẫu tự Latin, thêm một số dấu cho nguyên âm để viết thành chữ của bộ tộc Jrai và soạn thảo tập giáo lý “Catéchisme en Jrai”. Tập giáo lý tiếng Jrai này được đánh số đoạn gồm các phần: Giáo lý cơ bản - Kinh nguyện - Bí tích, và một số tờ đang biên soạn chưa phân loại được[15].

Từ việc xây dựng bộ chữ viết các bộ tộc Tây Nguyên, các thừa sai đã tiến tới thành lập các trường học.Năm 1906, trường Cuénot được thành lập theo hình thức nội trú, nhằm đào tạo lớp thầy giảng người sắc tộc. Ngôn ngữ sử dụng trong trường là tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Bahnar và tiếng Jrai; cũng có dạy tiếng Latin do Cha Alberty (Hiền) đảm trách[16].

Miền truyền giáo Kon Tum bước vào giai đoạn nỗ lực xây dựng có chiều sâu hơn.

2. Giai đoạn 1908-1932: nỗ lực xây dựng

Trường Cuénot bắt đầu xây dựng năm 1906, khánh thành năm 1908, đào tạo nên một lớp trí thức người Công giáo bản địa chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay. Chính Cha Vialleton Truyền là người khởi xướng và đóng vai trò định hướng, còn Cha Jannin Phước là người thành lập và điều hành ngôi trường này.

Song song với việc mở trường học, một nhà in cũng được thành lập, đặt ngay trong trường (Nhà in hnam trưng Kuenot), ban đầu còn đơn sơ nhưng được hoàn thiện dần. Nhà in này cung cấp hầu hết các loại sách cho Giáo phận: từ sách giáo lý, phụng vụ thánh lễ, bí tích, hạnh các thánh, thánh ca…đến các sách giáo khoa, khoa học thường thức, các loại sách học vần, tự điển; các tạp chí của Giáo phận.v.v.

Trường Kuenot khóa đầu tiên năm 1908 và Nhà in Kuenot thiết lập từ năm 1911


Tạp chí Hlabar Tơbang dành riêng cho các Yao Phu ra đời số đầu tiên vào năm 1911, trở thành “con chim đầu đàn” của việc xuất bản ấn phẩm tiếng dân tộc, qua thời gian đã góp phần làm giàu, đẹp ngôn ngữ Bahnar, làm tiền đề phát triển ngôn ngữ các sắc dân khác nữa trong tương lai. Các tác phẩm viết trong tạp chí này gồm những bài giáo lý, chuyện kể truyền giáo, sưu tầm giải thích tục ngữ, những bài tường thuật, những bài văn vần…trong đó có những áng văn có thể tiêu biểu cho văn học Kon Tum thời kỳ đầu[17].


Một bài văn vần tiếng Bahnar trích từ tạp chí “Hlabar Tơbang” số 49, năm 1915.

- TUỒNG SINH NHỰT: Đặc biệt ấn phẩm “Tuồng Sinh Nhựt”, Nhà in Kuenot xuất bản năm 1912, gồm 5 vở tuồng về lễ Giáng Sinh, nội dung kịch bản dựa theo Kinh Thánh được soạn theo lối nhạc kịch rất sống động, được học sinh trường Kuenot và giáo dân biểu diễn. Đây thực sự cũng là một đóng góp có giá trị cho di sản văn hóa-văn học Công giáo Tây Nguyên.


Bìa và một trang tác phẩm “Tuồng Sinh Nhựt”, Nhà in Kuenot năm 1912

Các linh mục ngày càng quan tâm tìm hiểu nghiên cứu phong tục tập quán, văn hóa các dân tộc, đặc biệt các Cha Bề trên: Vialleton (Truyền), Guerlach (Cảnh), Kemlin (Văn), Jannin (Phước); các Cha người Việt có Cha Phaolô Ban, Cha Simon Thiệt.v.v.

+Cha Kemlin Văn (1875-1925) có rất nhiều bài khảo luận in trong Tạp chí nghiên cứu Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient (Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ, BEFEO), đặc biệt là các tác phẩm: Les Rites Agraires des Reungao 1909 (Nghi lễ đồng áng của người Rơngao), Les Songes et leur interprétation 1910 (Chiêm mộng và giải mộng nơi cư dân Rơngao), Les Alliances chez les Reungao 1917 (Giao kết của người Rơngao); L'Immigration annamite en pays Moï -Brochure- Saigon 1923…

+Đức Cha Jannin Phước (1867-1940):

- Hlabar abo, sách học vần Bahnar in thành nhiều bản, Hội thừa sai 1908, đợt xuất bản khác vào năm 1910.

- Sách dạy kinh dịch từ tiếng Việt sang Bahnar: dựa theo “sách thiên”, trường Kuenot, 1910.

-Sách dạy nói tiếng Việt, những khái niệm đầu tiên của Tiếng Việt, trường Kuenot 1915.

-Phép toán bằng tiếng Bahnar, trường Kuenot 1919.

-Địa lý Đông dương thuộc Pháp, (các bản đồ), trường Kuénot 1922.

-Sách dạy nói tiếng Việt, trường Kuénot 1923.

– Những khái niệm cơ bản của tiếng Việt. Còn đang soạn từ điển Pháp - Bahnar - Sêđăng – Jrai…Chưa đóng thành sách, 160 trang, khổ 16cm x 25cm, bìa bằng giấy, AMEP 1924.v.v.

(Trích Tập Tin: Martial Jannin, Anonyme 31/12/2008, số 1924)

Sách dạy kinh dựa theo “sách thiên”, Lm Martial Jannin, 1910

Đến năm 1928, lần lượt các trường học được mở tại các xứ đạo người Kinh: Tân Hương, Phương Nghĩa, Phương Hòa, Phương Quý[18]

Tất cả những nỗ lực phát triển văn hóa trong thời kỳ này làm tiền đề cho việc “bùng nổ” văn học viết, nhất là văn thơ Công giáo tiếng Việt trong thời kỳ kế tiếp.

II. THỜI KỲ GIÁO PHẬN TÔNG TÒA (1932-1960)

Sau 82 năm (1850-1932), Miền Truyền giáo Kon Tum phát triển về mọi phương diện, được Tòa Thánh nâng lên thành Giáo phận Tông tòa Kon Tum tách khỏi giáo phận Tông tòa Qui Nhơn.
Ngày 29/6/1932, ba thanh niên Bahnar đầu tiên đã lãnh nhận tác vụ linh mục: đó là các cha Micae Hiâu (1900 - 1949), cha Giuse Châu (1900 - 1955), cha Antôn Đen (1903 - 1987). Một trong 3 vị đã có một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử giáo phận Kontum: cha Antôn Den (Học), một nhà trí thức, một học giả Bahnar: dịch Thánh Kinh, dịch sách phụng vụ, viết hạnh các thánh và phụ trách tờ Hlabar Tơbang. Rất nhiều ấn bản của nhà in Kontum do Cha Antôn Den soạn thảo đã phục vụ hữu hiệu cho công việc mục vụ, giảng dạy, bảo tồn và truyền bá văn hóa văn học Tây Nguyên suốt một thời gian dài cho đến ngày nay.


Lm Antôn Den (Bahnar) với bản dịch Kinh Thánh

Vào đầu thập niên 1930 này, thơ văn tiếng Việt ở Kontum mới dần định hình - nghĩa là mới bắt đầu có thơ văn lưu hành. Trong khi “tác phẩm văn học Đời” - thơ văn được sáng tác bởi các tác giả ngoài công giáo - chưa thấy xuất hiện nhiều và được ghi chép tản mạn[19], thì với việc ra đời của Tạp chí “Chức dịch Thơ tín” - tạp chí của “Hội chức việc Á thánh Năm Thuông” của Địa phận Kontum, năm 1933, rất nhiều tác phẩm văn thơ công giáo đã được sáng tác bởi các tác giả là linh mục, quí ông câu, biện, giáo dân, chủng sinh…lần lượt được đăng trong tạp chí này. Tuy là một tờ báo nội bộ của hàng chức việc, nhưng “Chức dịch Thơ tín” - do linh mục Phaolô Lê Đình Ban làm chủ bút (từ 1933 đến 11.1937, Cha Simon Nguyễn Thành Thiệt thay thế), dưới sự chuẩn nhận của Đức Cha Martial Jannin Phước (imprimatur), đã đề ra đường hướng mở rộng, cả về nội dung lẫn đối tượng độc giả:

…Tô điểm văn chương lòng sở nguyện,
Khai đường thánh giáo ý hằng chăm.
Việc đời rao bảo người tri thức,
Lẽ đạo vẽ bày bạn phúc tâm.

(“Tặng Thơ tín”-Lương ngọc Anh,
CDTT số 39, 7.1936, tr.475)

Và trong tạp chí này có hẳn một mục “Văn Uyển”, hầu như số nào cũng có văn thơ đăng.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số tác giả và tác phẩm văn thơ công giáo chủ yếu được in trong Tạp chí “Chức dịch Thơ tín” từ năm 1933-1940.

1. Văn

Tác giả đáng kể nhất trong giai đoạn này là Lm Phaolô Lê Đình Ban (1881-1945), quê quán họ đạo Suối Nổ, địa sở Nhà Đá, tỉnh Bình Định, lên Kon Tum năm 1914. Cha Ban là chủ nhiệm kiêm quản lý tạp chí “Chức dịch Thơ tín” với khá nhiều bài viết về đủ loại đề tài: thời sự, lịch sử, tu đức, khoa học thường thức.v.v. như “Truyện các đấng mở đàng giảng đạo xứ Kontum”, “Năm Ất Dậu (1885)”, “Về vệ sinh (nhiều kỳ): Vệ sinh về đồ ăn, sự ngủ, áo mặc, cách làm việc, về bệnh rét…; “Một đều giao hòa vua Annam với nước Lang-sa”, “Chức việc phải ở với bạn đồng liêu là thể nào”, “Coi sách”, “Giảng khéo”, Hạnh đấng chơn phước Minh-ghê Hồ-đình-Hy, thới bộc chịu tử vì đạo (năm 1857), Gốc tích cây café sẻ xứ Kontum, Truyện một ông già, Tên đầy tớ dạy khôn, Hạnh tích cha Đề.v.v. Đặc biệt là tác phẩm “MỞ ĐẠO KONTUM” (nhà in Qui Nhơn 05.1933) soạn chung với Cha Simon Thiệt, là một cuốn sách có nhiều chi tiết rất hay về lịch sử truyền giáo Kon Tum, một lịch sử vừa kịch tích, hấp dẫn, vừa hào hùng. Ngoài ra, còn rất nhiều bài khác đăng trong báo “Lời thăm”, “Thông tin địa phận Qui Nhơn” của địa phận Qui Nhơn (vd: “Tử đạo tại Truông Dốc (Nhà Đá), P. Ban, “Lời thăm”, địa phận Qui Nhơn 15-22 April, 1943.v.v.). Những tác phẩm của Cha Phaolô Lê Đình Ban (bút hiệu P. Ban hoặc Phaolô Ban) có lối viết giản dị, cách hành văn trong sáng, sử liệu dồi dào, vững chắc…là đóng góp không nhỏ cho văn học sử Tây Nguyên nói chung, văn học công giáo Kon Tum nói riêng.


Tác phẩm “Mở Đạo Kontum của 2 Cha P.Ban và S.Thiệt xuất bản 5/1933

Tiếp đến có các tác giả, tác phẩm tiêu biểu:

-Lm Phêrô Nguyễn Cơ (1890-1967), giáo sư trường Cuénot. Một số bài viết của ngài dưới bút danh P. C: “Đa ngôn đa quá luận đàm”, “Tháng các đẳng”, “Nghĩa vụ phu thê”, “Vấn đề lương giáo”, “Phương giúp trừ muỗi”, “Cảm tưởng về ngày khai trường Probatorium”[20].v.v.

-Lm Antôn Ngô Đình Thận (1903-1982), bút danh A. Ngô Đình, A. Ngô Đồng: “Luận câu : Dưỡng bất giáo phụ chi quá” (Nuôi con chẳng dạy tội rày cha mang), “Cái hạnh phúc gia đình”, “Cảm tưởng bạn thanh niên miền Thượng”, “Tính cuộc trăm năm”, “Cõi trần sơ luận”, “Phép lịch sự lúc ra ngoài”, “Luân lý có phải là nghĩa vụ của mọi người chăng?” “Ăn mà sống không phải sống mà ăn”, “Sao oai thế?”, “Hữu thể bất khả ý tận”, “Minh niên cảm tưởng”, “Hỏi kẻ có vợ chồng cùng kẻ đồng trinh ai hơn?.v.v.

-Ngoài ra, một số tác giả khác góp mặt trong giai đoạn này như: Ngọc Thanh, Lương Ngọc Anh, Phú Sơn, Alexis Hồ v. Lư, Giám mục Ma-xi-a-li (Martial Jannin) viết thư mục vụ bằng tiếng Việt: “Gởi lời thăm cùng chúc mọi sự lành, cho các giáo hữu địa phận Ta đặng hay”, Hương Ba, Bế Ngọc, P. Thiệt, Nhà-đá.v.v.

-Đặc biệt tiểu thuyết “RỪNG XANH LƯU LẠC” của tác giả Bế Ngọc, in trong tạp chí “Chức dịch thơ tín” từ số 36, tháng 4/1936 đến số 51, tháng 7/1937, về tài phiêu lưu mạo hiểm Tây Nguyên. Có thể nói đây là một đóng góp rất đáng ghi nhận của văn học Công giáo Tây Nguyên.


Một trang của tiểu thuyết “Rừng xanh lưu lạc” trong Tạp chí “Chức dịch thơ tín”, in năm 1936 tại Nhà in Kuenot Kontum

2. Thơ ca

Mặc dù là những cây bút “cây nhà lá vườn” với thiện ý “việc đời rao bảo người tri thức,/ lẽ đạo vẽ bày bạn phúc tâm”, nhưng các tác giả thơ “không chuyên” ở đây cũng đã cố gắng “cạn lời vàng ngọc vun trồng”, nên những vần thơ đạo Kon Tum thời kỳ này ngoài giá trị về nội dung truyền giáo, chúng cũng mang những giá trị nghệ thuật nhất định.

*Về thể loại: khá phong phú như thất ngôn, thất ngôn bát cú, lục bát, ngũ ngôn, vè.v.v., cũng có một số bài được làm theo thể thơ tự do (xem bài “Kỷ niệm tiễn bạn”), hay trong cùng một bài có những cách đặt câu gieo vần theo lối thơ mới (“Nhớ bạn”.v.v). Nên nhớ phong trào “Thơ mới” ra đời từ năm 1932 đã chủ trương cách tân về hình thức và cách diễn đạt thơ, tuy vậy cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến những miền quê, vùng miền núi, vùng sâu vùng xa…

*Về ngôn ngữ thơ: Các tác giả góp phần quảng bá và làm trong sáng vốn tiếng Việt. Tuy vẫn còn nhiều bài theo hình thức cũ, sử dụng từ ngữ cũ, từ Hán-Việt…nhưng cũng không hiếm những tìm tòi sáng tạo. Nhiều câu thơ đã lột tả những uẩn khúc bên trong, như tâm sự của một cựu chủng sinh: “Xưa vui đó ai gọi vui buồn,/ Rày buồn đây thật là buồn vui” (“Kỷ niệm tiễn bạn”), diễn tả ý “trong niềm vui đã chực sẵn nỗi buồn, trong nỗi buồn cũng có những niềm vui” ta vẫn hay gặp nhiều trong “thơ mới”. Hay cách chọn lọc từ ngữ tinh tế có sức biểu đạt cao.

*Về tác giả: Bên cạnh một số tác giả là cộng tác viên thường xuyên của tạp chí “Chức dịch Thơ tín” như A. Ngô Đình (bút danh của Lm Antôn Ngô Đình Thận), Xuân Thanh (tức ông Lôrenxô Nguyễn Xuân Thanh (1915-2008), là ông biện họ đạo Tân Hương, nguyên trước là thầy giáo làng)…Một số tác giả khác góp mặt với tên đầy đủ hoặc sử dụng bút danh - họ là người Kontum hoặc cũng có thể là cộng tác viên ở nơi khác như Lương Ngọc Anh, Cẩm Hương, Paul Thà (thầy Thà-Phương Nghĩa), Antoine X., Philippe T., Nhà đá, P. T., Đào Minh Nguyệt, Paul Tân Bút, Chúc dưng, Thanh Xuân, Con út họ Môn-giang, Michel N., Paul T. P. N., Tên Tôi, Nguyễn Hướng, N. khắc Toàn, T. N., Nguyễn Nhạn Hồng, Nguyễn Khắc Đoàn, L. Sáng Bạch, T. t. Thành…Một đội ngũ người viết khá dồi dào xuất thân từ tầng lớp có học như linh mục, thầy giáo, công chức, chức việc, chủng sinh…

*Về nội dung: Chúng tôi xin tạm chia thành 3 phần, theo nội dung của các bài thơ. Đây chỉ là một cách chia tạm thời, mang tính tương đối, để bạn đọc dễ hình dung hơn mà thôi.

a. Thơ, vè chúc mừng, chào mừng:

Gồm một số bài chúc Tết, chúc bổn mạng Đức Cha, quí Cha và cộng đoàn, chúc mừng bổn báo; có bài được sử dụng kết hợp với múa chào mừng (xem bài “Ba đăng vũ ca”) hay bái lạy (“Minh Niên Trâu qua Cọp đến”, Bài I, Bài II). Những câu chúc thường khi vượt ra khỏi ranh giới của họ đạo, của giáo phận …mang ý nghĩa đại đồng.

b. Thơ ca giáo lý, cầu nguyện, giảng dạy, khuyên răn:

Đây là phần chủ lực, gồm những bài thơ diễn giải giáo lý, nguyện gẫm (xem bài: “Thánh Thể”, “Tháng Trái Tim Đức Chúa Giêsu”, “Lời cầu”, “Tháng Đức Bà”, “Tiến-ba ngâm”.v.v.) ; những lời cha mẹ dạy dỗ khuyên răn con cái, các Cha khuyên bảo quí chức và giáo hữu, thầy khuyên trò, bạn đồng lưu đàm đạo nhắc nhở nhau.v.v., thuộc nhiều đề tài như về đạo làm con, về hôn nhân gia đình, về cách đối nhân xử thế…(“Khuyên con gái lấy chồng”, “Khuyên học trò”, “Huấn tử ca”, “Dạy con ở cho có đức”.v.v.).

c. Thơ tự sự, tả cảnh…

Thơ đề tài này rất phong phú, gồm những lời tâm sự, tâm tình hoài hương, gợi nhắc kỷ niệm, ghi nhận cảm tưởng (“Gởi cho bạn ở Trung Châu”, “Nhớ”, “Nhớ cảnh”…; miêu tả sự việc, cảnh vật qua đó rút ra bài học luân lý (“Văn vần mồi chim”, “Cây trắc với cây lau”, “Chim mèo”…; “Cảnh hố Đangria”, “Vịnh mặt trăng”, “Trường Thừa sai”, “Nhìn phong cảnh nhớ người xưa”…) ; những ngẫm ngợi thế thái nhân tình (“Cánh hoa tàn”, “Than già”, “Thơ rượu”).v.v.

Có thể nói các tác phẩm thơ Đạo của các thế hệ tiên hiền ở Kontum, tuy không nhiều và không xuyên suốt qua các thời kỳ, nhưng cũng chuyên chở được những ý tứ sâu xa và văn phong đầy thi vị, từng là công cụ chuyển tải nội dung Tin Mừng đến cho các thế hệ con em. Những vần thơ này thường tự ẩn mình chìm khuất giữa dòng đời, rất dễ bị quên lãng, nhưng kỳ thực chúng rất đáng được trân trọng, sưu tầm và đọc lại, để hiểu thêm ngày xưa ông bà ta đã sống đức tin như thế nào.

4. Đặc biệt có những bài thơ, văn vần bằng tiếng Pháp, tiếng Bahnar, được sáng tác bởi Cha Louison (Cố Lui) và các Yao Phu trường Kuenot. Cha Hồ Ngọc Cẩn đã chuyển ý các bài ca tiếng tiếng Pháp và tiếng Bahnar này sang các thể thơ bát ngôn và lục bát thật khéo léo và ý vị, góp thêm vào gia sản thơ Đạo trên miền Kontum (các bài thơ của Cha Hồ Ngọc Cẩn được in trong báo “Nam Kỳ Địa Phận, số tháng 7.1935)[21].

Tiếc rằng phong trào sáng tác văn học công giáo đã không trở thành dòng chảy liên tục, vì đến năm 1940, Tạp chí “Chức dịch Thơ tín” do thời cuộc (chiến tranh thế giới II bùng nổ, ĐC Jannin qua đời năm 1940, Cha P. Ban qua đời năm 1945…) đã không thể tiếp tục sứ mạng, đành chuyển đổi vai trò sau gần chục năm phụng sự “tô điểm văn chương, khai đường thánh giáo”, và cũng vì thế mà “Văn Uyển” từ đây vắng bóng những vần thơ, bài văn, để lại một lỗ hổng trên con đường phát triển văn học nhà Đạo trên miền Tây Nguyên.

Sau “Chức dịch thơ tín”, Giáo phận có chuyên san Les Echos (1941) - sau đổi thành tờ Dư âm, năm 1968 đổi thành tờ Tiếng Vang, dành riêng cho các linh mục trong giáo phận.

III. THỜI KỲ GIÁO PHẬN CHÍNH TÒA (1960- 2020)

Tiếp tục kế nhiệm Đức Cha Gioan Sion Khâm là Đức Cha Phaolô Seitz Kim (1952-1975). Năm 1960, giáo phận tông tòa Kon Tum được nâng lên giáo phận chính tòa. Đây là giai đoạn trưởng thành của giáo phận truyền giáo Kon Tum.

1. Giai đoạn trưởng thành 1960-1975

- Linh mục Jacques Dournes (1922-1993): Năm 1955, Cha Jacques Dournes nhận chỉ định đi truyền giáo trong giáo phận Kon Tum sau 8 năm làm việc tông đồ nơi người Srê ở Kala, Di Linh (Lâm Đồng ngày nay). Đức Cha Phaolô Seitz Kim cử ngài đến với người Thượng Jrai, vùng Cheoreo. Tại đây, Cha Dournes say mê nghiên cứu về con người bản địa, phong tục tập quán, tín ngưỡng và ngôn ngữ của họ. Ngài đã cho ra đời một số sách rất dồi dào thông tin và suy tư về những khuynh hướng mới trong khoa truyền giáo, đã làm cho ngài trở nên nổi tiếng trong các giới công giáo và thu hút sự quan tâm của các nhà thần học thời đó. Trong số các tác phẩm của ngài nổi trội là cuốn “Dieu aime les Paiens” (“Thiên Chúa yêu thương muôn dân”, bản dịch của TGM Kon Tum, NXB Tôn giáo, 2011). Năm 1970, Cha Jacques Dournes trở về Pháp để tiếp tục công trình nghiên cứu và viết sách. Công việc truyền giáo cho người dân tộc Jrai vùng Gia Lai-Phú Bổn được giao cho Dòng Chúa Cứu Thế tiếp tục.


Những tập viết bằng tiếng Jrai để hướng dẫn người Jrai gia nhập đạo là những tác phẩm mục vụ còn lưu giữ đến hiện tại có hơn 10 tập, in từ năm 1956-1969[22]. Năm 1973, Tân Ước tiếng Jrai được các Cha dòng Chúa Cứu Thế dịch và phát hành qua nhà xuất bản Đức Mẹ Sài gòn. Không kể những quyển tự điển và sách dạy tiếng Bahnar do thừa sai Alberty và các cộng sự đã cho xuất bản trước đây (Lexique Francais-Bahnar et Bahnar-Francais, Hà Nội 1940), gia đoạn này có Lm Hutinet soạn : Ebauche de dictionnaire francais-bahnar-jơlơng, 1965; Lexique comparébahnar-jolong-vietnamien- francais, Kontum 1969…Các Lm Bianchetti (sách giáo lý Rahdê), Lm Marty (kinh nhật tụng tiếng Bahnar); Thể loại khác như Lm Simonnet : La Mission des Grands Plateaux, 1961; Les tigres auront plus pitié, 1977).v.v.

-Cha Gioan Nguyễn Trí Thức (1909-1977), năm 1960 phụ trách giáo xứ Thăng Thiên, Pleiku. Ngài là một nhà giáo dục có chuyên môn, đã thành lập trường tiểu học Minh Đức ngay tại trung tâm thị xã Pleiku. Để giúp các giáo lý viên trong việc soạn bài học cho trẻ em, đồng thời giúp trẻ em dễ ghi nhớ những điều phải biết, phải học, cha Gioan Thức đã sáng tác những bài giáo lý bằng thi ca. Hai tập “GIÁO LÝ DIỄN CA”: tập 1 về Kinh Tin Kính, và tập 2 về Các Bí Tích, mỗi tập trên dưới 40 bài, mỗi bài tối đa 14 câu lục bát, kèm bên dưới là một đoạn chú giải ngắn giải thích thêm về bài giáo lý đó, đã được ĐGM Phaolô Seitz chuẩn nhận (imprimatur) và in tại nhà in Saigon năm 1961 (tập 1), 1962 (tập 2), tái bản năm 1970.“GIÁO LÝ DIỄN CA đã được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh, nhiều độc giả còn viết thư yêu cầu cho ra mau những tập kế tiếp…”. Hai tập thi ca giáo lý này được đánh giá là: “…ngắn gọn, bình dị, xuôi trơn…đặc sắc vì có những bài học hàm súc, diễn tả một cách thấu đáo, có chỗ nói được là tài tình”[23].

“Giáo lý diễn ca” tập 1 & tập 2 in năm 1961 & 1962, tái bản năm 1970

Năm 1967, Tòa Thánh tách tỉnh Đăklăk thuộc Gp Kon Tum và tỉnh Quảng Đức, tỉnh Phước Long thuộc Gp Đà Lạt để lập Gp Ban Mê Thuột.

Chiến tranh ngày càng leo thang, các hoạt động viết trong giai đoạn này chủ yếu tập trung trong các tập san Hlabar Tơbang (tiếng Bahnar) và tập san Tiếng Vang (tiếng Việt), với các thông tin giáo phận, bài giáo lý, huấn đức, thuật chuyện lịch sử truyền giáo, thư mục vụ giám mục.v.v.

-Năm 1970, Lm Antôn Ngô Đình Thận (1903-1982) hoàn thành tập “Sơ lược lịch sử truyền giáo giáo phận Kontum” dựa theo cuốn “Dân Làng Hồ” của thừa sai Dourisboure (cố Ân) và “Mở đạo Kontunm” của hai Cha P. Ban và S. Thiệt, cập nhật thêm những nét chính yếu của Gp Kon Tum liên tục cho đến năm 1970. Với văn phong hiện đại, gọn ghẽ, sắp xếp chuỗi sự kiện khoa học, thống kê chính xác, tập sách này thật hữu ích để tra cứu, tìm hiểu thêm về lịch sử Gp Kon Tum.

Về dịch sách: Cha Giuse Trần Sơn Nam (bút danh Lưu Tấn) đã dịch một số sách thần học, tu đức…của các tác giả nước ngoài nổi tiếng sang tiếng Việt, như: “Như thấy Đấng vô hình”(Comme s’il voyalt l’invisible, tác giả: Jacques Loew), nhà in Xây Dựng, Saigon 1970; “Thiên Chúa mà tôi không tin” (Tác giả: Juan Arias); “Đức Kitô luôn mới lạ” (Tác giả: Juan Arias); “Đỉnh trời yêu thương” (Tác giả: John Wu); “Mối tình từ muôn thuở” (The world’s first love, tác giả: Fulton Sheen, tái bản NXB Phương Đông 2008)…

Ấn phẩm dịch của Lưu tấn (Lm Giuse Trần Sơn Nam)

2. Từ 1975-nay: Giai đoạn chuyển biến

Biến cố 1975 xảy đến đem lại nhiều khó khăn cho Gp Kon Tum. Giáo dân di tản, một số hồi cư trở về làng cũ hoặc tìm nơi định cư khác, đời sống bị xáo trộn. Mọi sinh hoạt tôn giáo đều trầm lắng, trong đó có mảng văn học. Trường Cuénot bị trưng thu cùng với Nhà in Kon Tum. Mọi hoạt động in ấn, phát hành đều bị đình trệ. ĐC Phaolô Seitz Kim và các Thừa sai ngoại quốc bị trục xuất khỏi Việt Nam. Tiếp theo làn sóng nhập cư tự phát hoặc theo chương trình kinh tế mới của Nhà Nước đã làm số lương dân cũng như giáo dân tăng đáng kể, đặt ra nhiều vấn đề về mục vụ văn hóa…

Các Lm thừa sai từng phục vụ Gp Kon Tum nay trở về cố hương, các ngài tiếp tục viết và hoàn thành những tác phẩm về truyền giáo Tây Nguyên như ĐC Paul Seitz, Cha Simonet, Cha Léger[24]

Trong hoàn cảnh thiếu linh mục và hoạt động tôn giáo bị hạn chế, các Yao Phu đóng vai trò quan trọng. Học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện bằng Lời Chúa được đề cao trong suốt thời gian dài.

Từ 2003-2009, Ban dịch thuật làm việc tích cực, san định, hiệu đính những sách từ điển đã được biên soạn trước đây. Các bản dịch Tân Ước Bahnar và Jrai đã có trước đây (do Lm Antôn Den và các vị khác dịch) nay được đọc lại và chỉnh sửa cho phù hợp; tiếp tục cho dịch Kinh Thánh trọn bộ bằng các ngôn ngữ địa phương: Bahnar, Jrai, Sêđăng và Rơngao.

Đáp ứng nhu cầu mục vụ ngày càng tăng nơi các tín hữu đồng bào sắc tộc, Bộ sách Lễ Rôma và Sách Các Bài Đọc bằng tiếng Bahnar được hiệu đính lại từ các bản dịch trước đây, và dần dần cho dịch Bộ sách Lễ Rôma và các nghi thức ra tiếng Jrai, Rơngao, Sêđăng.

Một số linh mục, tu sĩ, giáo dân trong đời sống mục vụ, sống đạo cũng sáng tác những vần thơ, bài văn, viết bút ký, hồi ký ghi lại những chặng đường truyền giáo đã qua, những suy tư về hiện tại, về giới trẻ…Tuy đa phần đều in nội bộ, ra đời vào dịp kỷ niệm lễ, để tặng bổn đạo, bạn hữu.v.v. nhưng điều đó cũng thể hiện hoạt động văn hóa-văn học ít nhiều tùy ở từng mức độ.

- Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung: “HỒI KÝ”, Kontum 2008.

-Linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn: “Tập thơ” (Phú Bổn 1984), “Tình sử”, tập thơ kỷ niệm 25 năm TpLm (1996), cùng rất nhiều bài nghiên cứu, biên khảo về lịch sử Gp Kon Tum thuộc nhiều lĩnh vực; một số bài nghiên cứu lịch sử, bài thơ được đăng trong Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo, trong tờ thông tin PATER, trên trang trang web của giáo phận Kon Tum.

-Lm Giuse Trần Sĩ Tín (CSsR): “Hạt giống Kitô trong đất Jrai”, Pleikly 2009…

-Lm Simon Phan Văn Bình: “Người mục tử Trường Sơn”, bút ký, Kon Tum….

-Lm Phêrô Nguyễn Vân Đông: “Mùa đông ấm áp”, Kon Tum 2013”Tâm bút”, Kon Tum 2015;

-Lm Tôma Nguyễn Văn Thượng với những bài khảo cứu về công giáo Tây Nguyên.

-Lm Luis Nguyễn Quang Vinh, “Suy niệm Lời Chúa Năm A-B-C”, Kon Tum, 2016.

-Lm Giuse Trần Ngọc Tín với tác phẩm tìm hiểu về Giáo luật: “Giáo luật và quy tắc tổng quát”, “Giáo luật và nhiệm vụ thánh hóa”, “Giáo luật và Dân Thiên Chúa”.v.v.




Một số tác phẩm

- Một số tác giả góp mặt trong Sưu tập thơ CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO của Ban MV Văn hóa và Giáo dục Gp Qui Nhơn (tập 5: Bay tới cõi Thiên Đàng, NXB Hồng Đức, 2015): Nữ tu Lucia Huỳnh Thị Thu Huyền, Cát Vàng, Minh Sơn.

-Một số giáo dân tham gia và đạt giải trong các cuộc thi thơ văn Đồng Xanh Thơ (Gp Qui Nhơn): Lý Tân, Tâm Ngọc, Nguyễn Đình Văn, Y Blon…

+Cuộc thi văn thơ HOA NÚI RỪNG:

Từ năm 2015, nhằm tạo một sân chơi lành mạnh cho các em học sinh, sinh viên, qua đó tìm kiếm các tài năng văn, thơ, nhạc Công giáo, đồng thời đào tạo bồi dưỡng những cây bút trẻ trong giáo phận, cuộc thi viết văn thơ “Hoa Núi Rừng” của Ban Mục vụ Văn hóa Giáo phận Kon Tum ra đời. Trải qua 7 năm (2015-2021), cuộc thi HOA NÚI RỪNG đã gặt hái được những thành quả nhất định. Mỗi kỳ thu hút hàng trăm cây bút trẻ tham gia với đại biểu của các sắc tộc như: Kinh, Ba Na, Gia Rai, Sêđăng. Cuộc thi được đánh giá mỗi năm tăng lên về số lượng và chất lượng, và Ban tổ chức cũng trao nhiều giải thưởng khích lệ cho các cá nhân và tập thể giáo xứ. Qua 7 năm đã in được 7 tuyển tập HOA NÚI RỪNG gồm tất cả các bài thơ, văn đạt giải và những bài tuyển chọn khác. Hy vọng với truyền thống dòng “Văn học Làng Hồ” - Văn thơ công giáo Kon Tum sẽ ngày càng tỏa ngát hương sắc trên đại ngàn núi rừng Tây Nguyên, trở nên phương tiện hỗ trợ rất hữu hiệu cho công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay và trong tương lai.




Tập san văn thơ “Hoa Núi Rừng”

THAY LỜI KẾT

Trên đây là phác thảo đôi nét diện mạo văn hóa văn học Tây Nguyên - Giáo phận Kon Tum. Qua đây chúng ta thấy nơi ánh lửa bập bùng của miền rừng núi, ngoài di sản cồng chiêng, sử thi v.v., còn có cả văn chương, văn học Kitô giáo. Các vị thừa sai và ông bà tổ tiên đã vận dụng tất cả phương tiện, tiếp thu, chắt lọc, hội nhập và phấn đấu hết mình trong suốt 170 năm qua (1851-2021) để vun trồng đạo đức làm người và làm con Chúa cho nhiều thế hệ người bản địa, Kinh cũng như Thượng. Nhiều tác giả, tác phẩm văn hóa văn học Tây Nguyên vẫn còn “phủ lớp bụi thời gian”, chưa được phát hiện, tìm hiểu hết. Trong khuôn khổ bài trình bày đơn sơ này, chắc chắn sẽ còn rất nhiều thiếu sót và sai sót. Rất mong các nhà chuyên môn và quý vị độc giả thông cảm và góp ý sửa chữa, bổ sung để văn hóa - văn học Công giáo Tây Nguyên tiếp nối quá khứ, hướng tới tương lai được khởi sắc, phục vụ tích cực cho công cuộc loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay.



Nguồn: WGPKT(16/09/2021), giaophankontum.com


[1] x. P. Dourisboure, Dân Làng Hồ, TGM Kon Tum, NXB Đà Nẵng 2008, tr. 91.


[2] x. Võ Long Tê, LỊCH SỬ VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM, NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, đặc biệt Chương II: Thế nào là văn học Công giáo?


[3] Theo thần thoại Bahnar do Lm André Rannou sưu tầm, 1974: “Bok Phu Jei, vị chúa tể thời gian, đặt chữ viết trong một miếng da trâu và giao cho người Thượng Bahnar, đồng thời họ cũng cho họ một cuốc nhỏ bằng bạc để làm rẫy. Những người Bahnar ấy đặt miếng da trâu xuống đất và ngất ngây trước cái cuốc bạc nhỏ đó. Khi định nhặt lại miếng da trâu thì họ nhận ra rằng một con chó đã ngốn mất rồi. Như thế người Bahnar đánh mất chữ viết!” (x. Paul Seitz, Des hommes debout, xuất bản St. Paul 1977, tr. 11).


[4] P. Dourisboure, sđd, tr. 78-79.


[5] P. Dourisboure, sđd, tr. 122.


[6] P. Dourisboure, sđd, tr. 274-307.


[7] P. Dourisboure, sđd, Lời Tựa, tr. 6.


[8] P. Ban và S. Thiệt, Chức dịch thơ tín, Địa phận Kontum số 33, tháng 1/1936, tr. 384.


[9] Notice biographique: Pierre DOURISBOURE (1825-1890), Archives MEP.


[10] Père Hugon, Etat des chréchientés de Rơhây et Kontum au mois d’Octobre 1873 et pour l’année 1874, Baptêmes 1873-1892.


[11] Lm P.X Hương (1856-1929). Thầy Hương lên Kon Tum năm 1881, đến năm 1887 về lại Bình Định và thụ phong linh mục ngày 14/10/1894.


[12] P. Ban và S. Thiệt, sđd, tr. 222,


[13] Jeju Kritô (Vie de Notre-Seigneur Jésus-Christ) [illustrée]. Imprimerie de Nazareth, Hong-kong, 1894, 12 in, 212 trang.x. Notice biographique: Jules VIALLETON (1848-1909), Archives MEP.


[14] Notice biographique: Jean Baptiste GUERLACH (1858-1912), Archives MEP.


[15] Lm Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, Một văn bản cổ bằng tiếng Jrai: “Catéchisme en Jrai” của Cha G. B Nicolas, MEP, website Gp. Kon Tum 24/6/2011.


[16] Kỷ yếu Năm Thánh Yao Phu, TGM Kon Tum, 2008.


[17] Chúng tôi xin giới thiệu một đoạn văn đã được dịch từ tiếng Bahnar, tường thuật việc dựng Nhà thờ Chính tòa Kon Tum vào năm 1913: “Trời mùa hè ấm áp! Mặt trời vừa ló rạng khỏi dãy núi phía đông. Lòng người rộn rã như tiếng sấm mùa hè. Tùng, tùng, tiếng trống vang dội kêu gọi dân làng đến để dựng nhà thờ! Từ sáng sớm, có hai cha là cha Phước và cha Lê đã chuẩn bị đầy đủ, nào dây thừng v.v…Dân Kontum, anh em người Kinh và tất cả người Bahnar ra tập trung để chung sức kéo dựng. Đức cha và các cha đứng gần đó để coi. Gian đầu tiên, người ta kéo từ từ coi thử dây cột có chắc không; biết đã chắc rồi, cha Phước hô một tiếng to: phắt, tùng tùng, ông già đánh trống giữ nhịp độ kéo, người ta kéo các cột từ từ lên và dựng đứng thẳng. Trong lòng mọi người an tâm; họ thấy dễ dàng và không lo gì nữa. Từ sáng sớm đến trưa, người ta dựng được hai gian rồi. Trưa nghỉ ăn cơm. Ăn xong, họ bắt tay vào việc cho đến chiều tối, cũng dựng được hai gian. Ngày hôm sau, cũng dựng được 4 gian nữa; ngày thứ tư đã hoàn tất. Cảm ơn hai cha Phước và cha Lê đã hướng dẫn, chỉ bảo trong công việc dựng nhà thờ này. Trời đẹp quá, nếu sau này làm hoàn thành tất cả, thì sẽ đẹp hơn các nhà thờ khác: chiều dài, cũng dài hơn nhà thờ Rơhai; chiều rộng có phần ngắn hơn đôi chút. Hiện giờ, nhà thờ Kontum này họ đã lợp tranh. Cho nên, ngày kiệu Thánh Thể, cha Đệ đã dâng Thánh lễ tại đó để cầu xin Chúa ban phúc lành hồn xác cho các ân nhân ngoại quốc đã giúp dân làng Kontum có nhà thờ đẹp mới này”. (x. Hlabar Tơbang số 27 năm 1913, tr.34-35. Lm Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn chuyển sang tiếng Việt, x. Nhà thờ Chánh tòa Kontum, Gp Kontum, 2008).


[18] Kon Tum - 100 năm lịch sử và phát triển, NXB Chính trị quốc gia 2013, tr.365.


[19] Đáng kể nhất là những bài khảo cứu lịch sử như: Lược khảo về tỉnh Kontum, Trần Đình Nam, phụ trương bằng chữ Pháp, Nam Phong Tạp Chí, số 74, tháng 8/1923; Kontum tỉnh chí, Võ Chuẩn, Nam Phong Tạp Chí số 193, tháng1-2/1934. Ngoài ra có một vài bài thơ thấy nhắc tới và in lại trong ký sự Ngục Kontum của Lê Văn Hiến xuất bản ở Đà Nẵng năm 1938…


[20] Chúng tôi xin giới thiệu một đoạn văn giàu hình ảnh, âm thanh, xúc cảm…trong bài viết này, đăng trong CHỨC DỊCH THƠ TÍN của Địa phận Kontum, số tháng 04.1935, tr.281-284:

“Sục sục, ù…Chú lái vô tình đã dứt đoạn câu từ biệt, chiếc xe phóng tới, tay khoát đầu chào, hai bên nhìn nhau mà chỉ thấy đám bụi nổi lên mốc phếu. Chiếc xe từ từ thẳng lối, cứ lèo tây theo con đường quan lộ. Khỏi hai ba tiếng đồng hồ, thì không còn dấu gì là đất tổ quê cha, lên ải xuống đèo, càng thấy bao la những rừng cùng núi. Trong xe một lũ trẻ thơ, đơn sơ thanh tịnh, đương cố nói nói cười cười, lòng vui phới phở : “Ta đi đâu? Lên Kontum là nơi rừng núi, ắt sẽ thấy những cây mục lá khô; ta lên xứ Mọi, ắt sẽ gặp những đao cùng tác”.

Nào có dè, bóng ác vừa tan, thì xe kia đã tới. Thấy mọi sự đều khác hẳn trí suy: kìa lầu sứ, nọ sở nhà thương, lố xố dinh quan, mấy hàng trại lính, hai bên phố xá đàng thẳng dọc ngang. Đổ về ngả đông sáu bảy trăm thước, bẻ lái ra bắc, ấy là trường Probatorium. Bắc mặt xem lên là một ngôi nhà ba từng, nguy nga đồ sộ, trên một gò khoản khoát tư vuông; trước sau có những quan lộ chiều ngang dãy dọc, dưới xa có chợ là chốn bổ dưỡng học sinh, kế gần một bên có mương nước chảy, sạch sẽ trong veo đi ngang cửa hang Đức Mẹ, tứ vi là nhà người Annam ở, lợp ngói cái đỏ cái vàng, xen cùng màu cây lá cỏ, trên cao xem rất ngoạn mục, tợ hồ vườn hoa nở của thợ thiên nhiên”.


[21] Xin trích một đoạn:

SURSUM CORDA

(Cha Fr. Rég. Louison )

1- J’attirerai à moi toutes les âmes
A dit Jésus.
Par les rayons de pénétrantes flammes
Sur mes élus.
La clef du ciel est dans la confiance
C’est mon appât
Rien ne m’est dur comme la défiance
Sursum corda!

2- Quand nos ainés s’en allaient dans la brousse
Chez les Bahnars,
Le Grand Cuénot leur répétait en douce
Pas de fuyards
Restez là haut, quoique le diable fasse,
Jusqu’ au trépas.
Le Roi des rois vous donnera sa grâce,
Sursum corda.

(Cha D. Hồ Ngọc Cẩn dịch nghĩa:)

1. Chúa Giêsu đã di ngôn:
Tao sẽ kéo hết linh hồn người ta.
Tao đem ngọn lửa chói lòa
Soi cho những kẻ Tao đà chọn lên.
Lòng trông cậy, chí vững bền
Là những chìa khóa để lên cõi trời
Môi Tao hạp ấy là lời
Chỉ như sơn dạ, ắt thời Tao ghê
Vậy ta rủn chí chớ hề
Hãy quyết một bề: Sursum corda

2- Các anh ta đã chẳng phiền
Quyết đi đàng hiếm lên miền Ba-na
Đức cha Thể nói thiết tha
Khuyên đừng đào thoát cứ mà ở trên
Quỷ ma dầu khuấy liên liên.
Dầu mà phải chết cũng kiên đến cùng.
Chúa là Vua cả thiên cung,
Sẽ ban ơn giúp, sự cùng cũng xuôi
Vậy thì bền chí đừng lui
Hãy nhớ một lời: Sursum corda


[22] Lm Giuse Trần Sĩ Tín, Kinh nguyện và phụng vụ Kitô giáo hội nhập trong bối cảnh văn hóa Tây Nguyên, 2014.


[23] Gioan Nguyễn Trí Thức, Giáo Lý Diễn Ca tập II, Saigon 1970, tr.93.


[24] ĐC Phaolô Seitz Kim: -Des Hommes Debout - Les Montagnards du Sud Viêtnam. Xuất bản: St. Paul, Paris 1975; -Le temps des chiens muets - Flammarion 1977. Các thừa sai khác: tác phẩm được phổ biến qua nhiều tài liệu như “Niên giám nghiên cứu của Việt Nam”…