Ở làng đạo có âm thanh nào quen thuộc và ấm áp hơn tiếng chuông nhà thờ? Tiếng chuông ai cũng nghe từ lúc nhỏ, suốt thời ấu thơ, lớn lên và cả về chiều xế bóng. Tiếng chuông báo hiệu lễ sáng, lễ chiều, báo cho những bà mẹ đưa con đầy tháng tuổi đến nhà thờ rửa tội, báo tin một người thân quen trong giáo xứ đã qua đời, về thế giới bên kia, về với Chúa.
Tiếng chuông nhà thờ cùng báo sinh và báo tử, báo niềm vui và nỗi buồn. Mỗi làng đạo đều có một ngôi nhà thờ. Mỗi nhà thờ có một tháp chuông. Và mỗi tháp chuông có một ông từ nghèo khó, siêng năng và lặng lẽ đứng kéo sợi dây chuông để giật lên những âm thanh vui buồn hay hạnh phúc.
Người gác chuông nhà thờ gắn đời mình vào gác chuông, không thể đi đâu. Tiếng chuông nhà thờ ngân vang réo rắt nhưng người gác chuông thì vô cùng thầm lặng. Họ ít được biết tên và thậm chí bị lãng quên.
Có một người gác chuông ở một ngôi làng đạo bị lãng quên như thế. Rất ít người biết tên ông, mọi người gọi ông là “ông Từ”. Ông nhỏ con hơn mức bình thường, có một người vợ mù cũng nhỏ con và không con cái. Hai vợ chồng già không có nhà. Cha xứ cho họ một căn phòng cũ nhỏ, trong dãy nhà xứ dạy giáo lý. Họ ở đó, ngày ngày ông đi kéo chuông. Còn bà thì chống cây gậy đi từ căn phòng nhỏ lên nhà thờ dự lễ, rồi từ nhà thờ về nhà, không cần ai dẫn dắt. Họ cứ sống như thế.
Trẻ con trong ngôi làng đạo đánh nhau loạn xạ vì phân biệt “xóm trên” và “xóm dưới”. Xóm trên là những người khá giả, có ruộng, có tiền, có tầm nhìn cho con đi học nên trẻ con ở xóm trên phần lớn biết đọc chữ. Xóm dưới là những nhà lao động nghèo, ruộng vườn bán hết vì nợ, vì nghèo, vì...đánh bạc...Người lớn ở xóm dưới nhiều người bỏ làng ra đi kiếm miếng ăn ở thành phố lớn, bỏ những đứa trẻ lại với ông bà già ở nhà. Trẻ con xóm dưới thường không được đi học, nói tục và đánh lộn giỏi trở thành nỗi ám ảnh của con nít xóm trên.
Rồi cũng tới tuổi con nít xóm trên và xóm dưới phải đi học rước lễ bao đồng. Xóm trên thì dễ rồi. Trẻ con biết chữ nên cứ cầm cuốn sách thiên mà đọc thôi. Còn trẻ xóm dưới thì sao? Một chữ bẻ đôi cũng không biết. Có đứa chưa từng sờ vào một cuốn sách, làm sao đọc kinh thiên đây?
Rồi lại tức, rồi lại lao vào đánh lộn. Trẻ xóm dưới đánh xóm trên vì tụi xóm trên kêu xóm dưới là “đồ không biết chữ”. Nhà thờ lúc nào cũng lùm xùm sau khi lễ tan, một bầy con nít lao vào đánh nhau, người lớn can ra, bữa sau lại đánh tiếp.
Làm thế nào để những đứa nhóc không biết chữ vẫn thuộc kinh thiên, giáo lý của Chúa đây? Chẳng lẽ vì không biết chữ mà để tụi nhỏ không được rước Chúa hay sao? Chúa đến thế gian này là để yêu thương tất cả mà. Chúa rao giảng Tin Mừng cho mọi người, chứ có ưu tiên người biết chữ và bỏ qua những người không biết chữ đâu?
Vậy là mấy đứa nhóc xóm dưới được gom lại, chắc cũng khoảng hơn chục đứa. Những đứa trẻ không biết chữ này được giao cho...ông Từ nhà thờ. Ông sẽ kêu mấy đứa nhỏ này rung chuông giúp ông ư? Không phải. Ông lùa tụi nhỏ vào căn phòng nhỏ xíu xiu trong dãy nhà xứ của ông cho bà vợ mù của ông xử lí.
Một bà cụ mù ngồi giữa một bầy con nít không biết chữ, lì lợm, không có cha mẹ ở bên vì cha mẹ tụi nó đa số đi làm ăn xa. Đứa nào đứa nấy tóc vàng hoe, mặt đầy sẹo vì thường xuyên gây trò đánh nhau, người cũng hôi hám vì lười tắm. Ban đầu đúng là khủng khiếp. Bọn nhóc thi nhau chọc ghẹo bà. Đứa lấy nồi cơm của bà giấu đi, đứa lấy cây gậy của bà khèo khèo cái chân bà rồi cười khanh khách. Đứa phá cái này, đứa phá cái nọ, rồi cãi nhau, đánh nhau, văng tục um sùm.
Cô giáo mà ngồi giữa đám học trò cá biệt này đảm bảo chạy dài liền. Chỉ có phép mầu của Chúa mới trị nổi chúng thôi. Mà đây lại là một bà cụ già, đã vậy còn mù nữa, làm gì để trị chúng bây giờ?
Trị không nổi, la cũng không xong, bà cụ mù tội nghiệp chỉ biết chịu trận với chúng thôi. Ngày nào chúng nghịch nhiều bà căng mình ra chịu đựng, ngày nào chúng nghịch ít mà thầm cảm ơn Chúa trong lòng. Rồi bà bắt đầu dạy cho chúng những câu kinh mà bà đã thuộc. Bà cũng giống chúng, có biết chữ đâu. Đời bà chưa từng sờ vào một cuốn sách vì bà mù, lại không biết chữ sờ vào thứ ấy làm gì. Nhưng bà siêng đi đọc kinh, dự lễ nên cuốn sách kinh thiên hay những bài hát thánh ca nằm gọn trong đầu bà, không sót một bài nào. Xuân- hạ- thu- đông, mùa nào bà cũng dự lễ, đọc kinh. Đọc rổn rang, chưa từng quên một câu kinh nào. Giờ bà ngồi giữa đám nhỏ lì lợm và tội nghiệp, truyền miệng cho chúng những câu kinh.
Ban đầu chẳng có đứa nào chịu học. Khó quá. Lì quen rồi, giờ học thấy không quen. Nhưng rồi chúng cũng học. Không thuộc kinh thiên thì không rước lễ bao đồng, đâu có được xếp hàng rước Chúa? Nên phải ráng thôi.
Tiểu quỷ thì không thể nào trở thành thiên thần được nhưng cũng có ngày chúng hiền như bầy cừu. Ngồi xung quanh bà, lặp lại câu kinh bà vừa đọc, lặp lại nhiều lần cho đến khi nhớ thì thôi. Rồi bà như một cô giáo, gọi hết đứa này tới đứa kia, gọi rất đúng tên nhờ vào tiếng động quen thuộc chúng phát ra để dò lại bài kinh bà vừa truyền miệng. Việc thật khó tưởng như không bao giờ làm nổi. Vậy mà bà đã làm. Ngày nào cũng có một đám tiểu quỷ chui vào căn phòng nhỏ của hai vợ chồng bà, nghịch hết thứ này tới thứ khác. Nghịch chán lại đến bên bà ngồi, nghe bà đọc kinh và lặp lại. Bà còn bắt chúng đi đọc kinh, dự lễ cùng với bà. Lúc trước khi ông Từ chồng bà vội vã đi kéo chuông, thì bà một mình chống cây gậy vào nhà thờ sớm nhất. Bây giờ bà không đi một mình nữa vì có mấy đứa nhóc bà dạy kinh đến dắt bà đi. Đứa cầm gậy giúp bà, vẫn nghịch, có khi giấu luôn cây gậy, cười ha hả. Mấy đứa khác đã chạy tới đỡ bà, dắt bà đi mà không cần gậy. Bà chỉ còn biết mắng yêu.
Rồi cũng đến lúc trả kinh thiên để rước lễ, cái nhóm xóm dưới dù thuộc kinh không được trôi chảy nhưng cũng đã được rước Chúa. Đứa nào đứa nấy mặc áo trắng, hân hoan chạy tới khoe với hai vợ chồng bà. Tiễn hết lớp này đi, bà lại dạy tiếp lớp mới. Vì trong làng vẫn còn nhiều đứa trẻ không biết chữ, không thuộc nổi kinh thiên. Bà kiên nhẫn dạy chúng.
Không ai đếm bà đã dạy bao nhiêu đứa trẻ không biết chữ trong làng thuộc kinh thiên để rước Chúa. Cũng không ai nhớ hai vợ chồng người gác chuông đã sống bao lâu ở ngôi nhà thờ nhỏ? Đều đặn mỗi sáng, hè hay đông, ai cũng nghe tiếng chuông vang lên thật đúng giờ. Ông cụ thì đi kéo chuông, bà cụ mù thì dạy kinh thiên cho trẻ nhỏ. Họ cứ sống thầm lặng và đơn sơ như thế.
Một buổi sáng ông dậy sớm như thường lệ, đi trong đêm tối, rảo quanh nhà thờ để mở các cánh cửa. Bước tới gác chuông ông vấp phải một cái bọc. Ai đó trong làng đã bỏ một đứa trẻ trước gác chuông. Ông đã đem đứa nhỏ về cho bà nuôi. Một bà cụ mù, chưa từng có con, run run đón nhận một đứa bé trong cuộc đời mình. Không thấy mặt mũi đứa bé, bà sờ từng đường nét trên gương mặt nó. Những đứa nhóc bà dạy giáo lý rất thích thú khi nhà bà có một đứa nhỏ. Chúng thi nhau giúp bà quấy sữa, giúp em bé uống sữa rồi bồng bế mỗi khi em bé khóc. Mấy đứa nhóc ngày thường lì lợm vậy nhưng do ở nhà giữ em nhiều nên cũng rành rẽ công việc chăm sóc trẻ nhỏ. Hết đứa này đến đứa khác thi nhau ẵm em bé, hát cho em nghe rồi chọc em cười. Đứa nào bận phải dò kinh thì trao em bé cho đứa khác bế. Vậy mà em bé cũng lớn, lẫm chẫm đi, rồi lẫm chẫm cười, học nói. Căn phòng nhỏ vui hơn, có sức sống hơn khi có tiếng cười trẻ nhỏ.
Ông Từ thường mỉm cười hoài khi đi kéo chuông. Ông nhớ buổi sáng ông ôm đứa bé về nhà. Nhưng ông nhớ hơn cái buổi sáng ông, bà và lũ trẻ ôm đứa nhỏ đến nhà thờ rửa tội. Ngày thường ông chỉ kéo chuông cho các bà mẹ trong làng ôm con đến nhà thờ rửa tội thôi. Lần này ông bước hẳn vào trong, đứng sau lưng bà, vừa làm một người ông, vừa làm một người cha. Bà cụ mù thì ôm chặt đứa bé vào lòng, rưng rưng khóc khi cha xứ đổ nước thánh lên đầu nó.
Đứa nhóc hai ông bà nuôi lớn thật nhanh giống như một cái cây. Ông thầm cảm ơn Chúa khi cho một đứa nhỏ xuất hiện trong cuộc đời của hai ông bà. Nhưng niềm vui đó của ông bà không kéo dài mãi mãi. Một buổi chiều khi ông chuẩn bị đi kéo chuông, một người phụ nữ trong làng đã đến căn phòng nhỏ của hai vợ chồng ông, quỳ sụp xuống, khóc nức nở. Chị muốn nhận lại con, đứa con vì tình yêu và một lần lỡ dại. Hồi đó chị sợ nhưng giờ chị gan dạ rồi. Chị cũng đã có tiền để cho con ăn học.
Ông nhìn bà. Bà đưa đôi mắt mù lòa nhìn vào khoảng không. Biết làm sao được! Con thì phải theo mẹ ruột của nó chứ? Mình có quyền gì mà bắt nó ở bên. Nước mắt ngắn dài, bà bịn rịn tiễn nó về nhà mẹ nó. Hai ông bà lại như xưa, lủi thủi trong căn phòng bé nhỏ. Bây giờ trong làng nhiều đứa trẻ đã biết chữ hơn, ngay cả những đứa xóm dưới nên lớp học của bà cũng ít học trò học kinh hơn. Thời gian làm mọi thứ đổi thay. Ông già đi, bà già đi, những đứa trẻ thì lớn lên và tiếng chuông nhà thờ vẫn réo rắt.
Có ai nhớ đến ông Từ nhà thờ cho dù ngày nào dân làng cũng nghe tiếng chuông. Công việc kéo chuông là một công việc vô cùng thầm lặng. Những đứa nhóc học lớp kinh của bà rồi cũng lớn. Chúng lại bước vào cuộc đời giống cha mẹ chúng: không biết chữ, không có nghề nghiệp ổn định, phải bỏ làng bỏ xứ kiếm miếng ăn nơi xứ lạ. Lâu lâu có đứa về thăm ông bà, cho chút quà nhỏ. Nhưng phần lớn chúng quên. Vì kiếm miếng ăn nơi xứ người cũng vất vả quá rồi. Ai còn nhớ lớp học kinh ngày xưa mà cô giáo là một bà cụ mù để về thăm cơ chứ?
Một ngày tiếng chuông nhà thờ bỗng nhiên khang khác ngày thường. Có người nhận ra, có người không. Hình như nhà thờ đã thay người kéo chuông mới? Có người hỏi, có người không. Ai kéo chuông thì cũng vậy thôi, có gì quan trọng đâu cơ chứ?
Một buổi chiều chạng vạng, một chàng thanh niên ghé lại thăm làng, đứng tần ngần trước gác chuông. Người gác chuông giờ là một người đàn ông trung niên hỏi thăm chàng trai:
- Cháu ở làng mình hả? Cháu từ đâu về? Muốn hỏi về ai?- Chú kéo chuông hỏi.
- Cháu hỏi vợ chồng ông Từ trước kéo chuông ở nhà thờ nè, giờ hai ông bà sống ở đâu hả chú?
- Hai ông bà mất lâu rồi. Mất bình yên nhưng đám tang nghèo lắm, vì họ không con cái.
- Có nhiều người dự đám tang ông bà không? Có ai đeo tang không?- Chàng trai hỏi.
- Cũng có người làng nhưng ít lắm. Có vài đứa hồi đó học kinh ở nhà bà tới lo tang lễ. Có một đứa đeo tang. À, cái thằng nhóc hồi đó bị bỏ trước gác chuông mà ông bà nuôi đó. Chính nó đeo tang và lập mộ.
- Dạ.
- Mà cháu là đứa nào? Còn ở làng mình không?
- Cháu từng học lớp kinh của ông bà. Giờ ở xa lắm. Ở làng không kiếm nổi miếng ăn nên đi tứ xứ chú ơi. Thôi cháu ghé nghĩa trang thắp cho ông bà nén nhang. Hôm nay cháu ghé về làng rồi đi tứ xứ biết bao giờ ghé lại.
Người gác chuông nhìn chàng thanh niên quẩy chiếc ba lô sau lưng, rồi nhìn đồng hồ để kéo chuông báo thánh lễ.
Không có ai trong làng nhận ra tiếng chuông quen hay lạ. Tiếng chuông chỉ là tiếng chuông thôi. Người trẻ kéo chuông hơi mạnh, người già kéo chuông hơi yếu. Nhưng chuông vẫn là chuông thôi: ngân vang, réo rắt trong gió khi báo tin vui và da diết, thê lương khi báo tin buồn.
Nhưng Chúa thì biết sự khác biệt của những tiếng chuông. Chúa còn biết rõ từng người gác chuông trên tất cả mọi nhà thờ khác nhau, từ thời này qua thời khác. Chúa không quên ai dù đó là công việc vô cùng thầm lặng.
Không ai nhớ, nhưng chắc chắn Chúa luôn nhớ ông Từ già và người vợ mù, người kéo chuông, người dạy kinh dùm Chúa. Chúa đã ở bên họ, quan sát họ và giúp đỡ họ theo kiểu của Người. Để rồi cuối đời, có một người đeo tang cho họ và có một chàng thanh niên không biết chữ ở lớp học kinh ngày xưa về thắp cho họ nén nhang.
Tình nghĩa chỉ có vậy nhưng ở thế giới bên kia hai vợ chồng họ cũng sẽ thấy ấm lòng.
Người gác chuông
Với cuộc đời thầm lặng
Ai nhớ? Ai quên?