Ngôn ngữ và tôn giáo: Các định hướng nghiên cứu: Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Công Đức- Linh mục Giuse Vũ Văn Khương

Anne de Jesu

NGÔN NGỮ VÀ TÔN GIÁO: CÁC ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU
PGS. TS. Nguyễn Công Đức- Linh mục Giuse Vũ Văn Khương

 




Tóm tắt: “Ngôn ngữ và tôn giáo” là một lãnh vực mới mẻ trong Ngôn ngữ học, dù hai nhân tố này có mối quan hệ hữu cơ rất quan trọng với nhau. Chính vì vậy việc nghiên cứu ngôn ngữ và tôn giáo là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích. Bài viết bàn đến các phương diện lý thuyết nhằm gợi ý các định hướng nghiên cứu giúp cho nhu cầu nêu trên và giúp cho việc viết tổng quan nghiên cứu trong lãnh vực hữu quan còn rất mới mẻ này.

Từ khóa: Ngôn ngữ học, ngôn ngữ và tôn giáo, từ vựng, từ nguyên, ngôn ngữ học nhân chủng, ngôn ngữ học xã hội.

Abstract: “Language and religion” is a new field to linguistic, although these two disciplines have a close organic relationship. Studying this relationship is not only necessary but also benefitial. This article discussed theoretical aspects of this relationship on order to highlight directions for furture research and assist literature review in this field. 

Keywords: linguistic, language and religion, lexicology, etymology, anthropological linguistics, social linguistics.



1. Dẫn nhập

Trong đời sống tinh thần của con người, tôn giáo luôn đóng một vai trò nhất định. Cách riêng đối với những ai tin vào đời sống tâm linh, thì tôn giáo là một sinh hoạt quan trọng không thể thiếu. Tôn giáo, có thể nói, là một hiện tượng xã hội phổ biến, là một trong những đặc trưng của xã hội loài người như Đức Khổng Tử nói: “Nhân linh ư vạn vật”: trong muôn loài, chỉ con người mới có linh. Linh chính là nguồn gốc của sinh hoạt tôn giáo.

Bên cạnh tôn giáo thì ngôn ngữ cũng là một đặc trưng của xã hội loài người. Tác giả cuốn Dẫn luận ngôn ngữ học phát biểu về điều này: “Ngoài xã hội loài người không có ngôn ngữ (được hiểu là ngôn ngữ của loài người). Ngôn ngữ chỉ phát sinh và phát triển trong xã hội, do ý muốn và nhu cầu của chính loài người là phải giao tiếp với nhau (…)”[1].

Hai đặc trưng ngôn ngữ và tôn giáo có mối liên hệ hữu cơ mật thiết và rất đặc biệt, dễ dàng nhận thấy trong nội bộ các tôn giáo hoặc/và trong các xã hội mà có các yếu tố tôn giáo ảnh hưởng. Quả thế, bất kỳ tôn giáo nào thì cũng cần phải truyền bá các giáo thuyết, tư tưởng. Vì thế, ngôn ngữ trở thành công cụ không thể thiếu. Đặc biệt, Kinh Thánh Tân Ước Kitô giáo còn đồng hóa tên gọi của một Ngôi Vị Thiên Chúa với ngôn ngữ (tiếng Việt dịch là Ngôi Lời): “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1) hay “Người khoác một áo choàng đẫm máu và danh hiệu của Người là: Lời của Thiên Chúa” (Kh 19,13)[2]. Bộ Kinh Thánh Cựu Ước của Do Thái giáo và Kitô giáo còn lý giải nguồn gốc và sự bất đồng ngôn ngữ bằng các sự kiện lịch sử của tôn giáo này. Sáng Sáng Thế ký thuật lại truyện Ađam – nguyên tổ loài người – tập hợp chim trời và muông thú rồi đặt tên cho chúng. Thế là xuất hiện ngôn ngữ trên trái đất (St 2,20). Việc bất đồng ngôn ngữ hay tình trạng đa ngôn ngữ là truyện con cháu ông Nôê sau nạn hồng thủy đã hoạch định xây dựng tháp Babel cao tới trời. Trước sự nổi loạn đó, Thiên Chúa làm cho tiếng nói của họ xáo trộn nên công việc không thể hoàn thành (St 11,1-9)[3]. Hai câu chuyện sau về nguồn gốc ngôn ngữ và tình trạng đa ngữ chính là những câu chuyện ngụ ngôn tôn giáo nhưng lại phản ánh rất thực tế sự ảnh hưởng của tôn giáo lên ngôn ngữ trong các xã hội có sinh hoạt tôn giáo. Sự ảnh hưởng qua lại này sâu đậm đến nỗi giới Ngôn ngữ học phương Tây cho rằng “Nếu lựa chọn một nhân tố xã hội có thể làm nảy sinh ra những ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với lịch sử ngôn ngữ và ngược lại cũng chịu ảnh hưởng nhất định của ngôn ngữ thì đó chính là tôn giáo”[4].

Tôn giáo và ngôn ngữ có mối quan hệ hữu cơ và quan trọng như thế, nhưng nhìn trên bình diện chung của Ngôn ngữ học thì các nghiên cứu về mối quan hệ này chưa được chú trọng. Châu Âu là châu lục bị ảnh hưởng sâu rộng của Kitô giáo đến độ được kể là những quốc gia có nền văn minh Kitô giáo, nhưng cho đến đầu thế kỷ XX lãnh vực nghiên cứu này mới được thành hình. Ở Việt Nam, vấn đề ngôn ngữtôn giáo lại càng mới mẻ, đến nỗi người nghiên cứu khó tìm được một giáo trình lý thuyết chuyên biệt tương đối đầy đủ, và tất nhiên sẽ lung túng trong việc định hướng nghiên cứu. Bài viết này tổng hợp một số công trình, bài viết ở trong nước và nước ngoài, mong muốn xác định ra vài hướng đi khi nghiên cứu lãnh vực mới mẻ này – lãnh vực ngôn ngữ và tôn giáo – để làm gợi ý cho những người quan tâm.

2. Nghiên cứu theo hướng từ vựng, từ nguyên học:

Từ vựng học (lexicology) là một bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu từ vựng của ngôn ngữ, nghĩa là tập hợp tất cả các từ và đơn vị tương đương với từ trong ngôn ngữ như những cụm từ cố định (thành ngữ, quán ngữ).

Đây là hướng đi thú vị và lâu đời nhất của lãnh vực nghiên cứu ngôn ngữ và tôn giáo. Đến thế kỷ XX, “ngôn ngữ và tôn giáo” mới chính thức trở thành đối tượng nghiên cứu của ngành Ngôn ngữ học, nhưng các từ vựng trong tôn giáo chắc chắc đã được nghiên cứu, tìm hiểu từ lâu trước đó để đáp ứng các nhu cầu giảng dạy, giải thích các từ ngữ (thuật ngữ) tôn giáo. Trong “Thư gửi người Magnesie” của Đức giám mục Ignace phụ trách Tổng giáo khu Antioche, khoảng đầu thế kỉ thứ II đã ghi nhận và giải thích các từ vựng Công giáo như: Kitô hữu (Christophores): tức là người mang Đức Kitô; Giáo lý (Christomathie): giáo huấn của Đức Kitô; Kitô giáo (Christianisme): cuộc đời của người Kitô hữu (ngày nay hiểu là đạo Kitô hay hệ thống lý thuyết Kitô giáo)…[5] ; hay trong cuốn “Tam Tự Kinh”, một giáo trình căn bản cho đời sống tri thức của người Trung Quốc và Việt Nam xưa kia, được khởi soạn và tu chỉnh qua ba triều đại Tống – Minh – Thanh dành một phần riêng với gần 70 đơn vị cho mục từ ngữ tôn giáo, cụ thể là kinh điển Nho giáo (từ “Phàm huấn mông...” - câu 107 - đến “Cập Lão, Trang...” - câu 174); hoặc Huỳnh Tịnh Paulus Của trong cuốn từ điển biên soạn năm 1895 đã chú thích các đơn vị từ vựng Công giáo tiếng Việt như “Phép Rửa tội: Phép làm cho khỏi tội tổ tông; Lễ Rửa chơn: Phép riêng trong đạo Thiên Chúa” [6]

Theo hướng Từ vựng học, nhà nghiên cứu phải giải quyết vấn đề gì trong phạm trù “ngôn ngữ và tôn giáo”?

Trước tiên, khái niệm từ vựng tôn giáo phải được xác định, tại sao các đơn vị từ vựng đang xét được xem thuộc lớp từ vựng tôn giáo? Tiếp theo vấn đề nghĩa của từ, trường từ vựng tôn giáo … là những bước khảo sát cần thiết.

Nếu nghiên cứu từ vựng tôn giáo đương đại, các đơn vị nghiên cứu sẽ được phân tích, mô tả theo cách nhìn đồng đại, nghĩa là mô tả hiện trạng của lớp từ vựng này trong một khoảng thời gian nào đó mà không quan tâm đến những biến chuyển của nó trong lịch sử; Nếu nghiên cứu với cách nhìn lịch đại, người nghiên cứu thường sẽ khảo sát sự diễn biến của lớp từ vựng này trong quá trình phát triển hay lịch sử phát triển của nó. Ở đây, phương pháp so sánh lịch sử và các nhân tố ngoài ngôn ngữ, sẽ rất được chú ý khai thác, sử dụng.

Từ nguyên học là một từ Hán Việt: từ = từ vựng, nguyên = nguồn gốc, học = khoa học. Tiếng Anh, Từ nguyên học được viết là etymology bắt nguồn từ etymonologia trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là khoa học cảm nhận thật sự (về từ). Có thể nói, Từ nguyên học là bộ môn được tách ra từ Từ vựng học nhằm tìm hiểu, giải thích và xác định những hình thức, những ý nghĩa có tính chất cội nguồn của từ. Nó tiếp cận đối tượng nghiên cứu bằng cách nhìn lịch đại là chủ yếu. Trong thực tế, nghiên cứu từ nguyên thường bao gồm ba công việc chính (nhưng cũng có thể bị lược bớt) là: 1. Xác định thời gian xuất hiện của một từ; 2. Tìm hiểu nguồn gốc của từ; 3. Tìm hiểu những biến đổi ngữ nghĩa của từ.

Nghiên cứu từ nguyên nói chung và nghiên cứu từ nguyên các từ ngữ tôn giáo là công việc đầy khó nhọc, nhưng chắc chắn sẽ rất thú vị và hữu ích.

Các công trình nghiên cứu về vấn đề ngôn ngữ và tôn giáo trước đây thường theo hướng từ vựng, từ nguyên học. Tác giả Otto Jesperson (1912) với tác phẩm Sự tăng trưởng và cấu trúc của tiếng Anh đã dành khá nhiều trang liệt kê và phân tích nguồn gốc các từ ngữ có gốc Kitô giáo được du nhập vào tiếng Anh qua ngôn ngữ La Tinh, Hy Lạp hay tiếng Pháp[7]; Tác giả Donald M. Ayers với công trình English words from Latin and Greek elements có công tương tự khi ghi nhận và chú thích nguồn gốc nhiều từ ngữ Công giáo sử dụng trong tiếng Anh đương đại có gốc tiếng La Tinh và Hy Lạp.

Việc nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tôn giáo theo hướng Từ vựng học, Từ nguyên học hứa hẹn những đóng góp hữu ích cho việc biên soạn các sổ tay ngôn ngữ hay các từ điển ngôn ngữ, từ điển thuật ngữ tôn giáo chung hay từ điển thuật ngữ tôn giáo riêng biệt từng tôn giáo, giúp cho việc sử dụng đúng, chuẩn lĩnh vực hữu quan, thuộc địa hạt ngôn ngữ văn hóa, địa hạt ngôn ngữ đòi hỏi bó buộc việc chuẩn ngôn ngữ trong sử dụng.

3. Hướng xếp ngôn ngữ và tôn giáo vào bộ môn Ngôn ngữ học nhân chủng (Anthropological linguistics).

Nghiên cứu mối liên hệ giữa ngôn ngữ và tôn giáo dưới quan điểm Ngôn ngữ học nhân chủng phải kể đến Claude Lévi-Strauss (1908), Emile Benveniste (1902-1976)… Các tác giả này đi sâu vào phân tích, chứng minh mối liên hệ nội tại giữa ý nghĩa cơ bản của từ ngữ với các tổ chức kinh tế, xã hội, chính trị, tôn giáo của nền văn hoá cổ đại hiện đang còn ảnh hưởng đến nền văn hoá hiện đại.

Trong tác phẩm xuất bản năm 2000 tại Nhà xuất bản Đại học ngôn ngữ văn hóa Bắc Kinh, với một chương riêng biệt, giáo sư Chu Văn Tuấn đưa “ngôn ngữ và tôn giáo” thuộc vào bộ môn Nhân học ngôn ngữ (hay Ngôn ngữ học nhân chủng). Theo tác giả nêu trên “Đại đa số các kiểu ngôn ngữ trên thế giới, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Hán, tiếng Hy Lạp, tiếng La Tinh, tiếng Arập thời cổ đều có kinh văn hoặc kinh thư, hơn nữa đều xuất hiện sớm nhất trong ghi chép văn tự. Như thế có thể nói, sự phát triển của ngôn ngữ viết thời cổ hoàn toàn không phải là từng bước hình thành từ ngôn ngữ nói, mà hơn nữa, nó được dùng để ghi lại các truyền thông của tôn giáo, thánh sự ở một trình độ rất cao”[8]. Ông cũng phát hiện ra: “Trên thế giới, hầu như tất cả các tôn giáo trong quá trình sáng lập hoặc viết các sách kinh thánh thì hoặc là sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ mới, hoặc là phát triển rộng các phương ngôn, thổ ngữ của mình đến các vùng đất khác, thậm chí phổ cập ra toàn thế giới”[9]. Đây là những phát biểu ý nghĩa về mối quan hệ ngôn ngữ và tôn giáo được đúc kết từ cách tiếp cận của Ngôn ngữ học nhân chủng. Tác giả cũng đưa ra một sơ đồ nghiên cứu phạm trù hữu quan giúp định hướng cho người nghiên cứu gồm các khía cạnh: Mối liên hệ giữa ngôn ngữ và tôn giáo; Sự ảnh hưởng của tôn giáo lên ngôn ngữ; và Tìm nguồn gốc văn hóa cho các từ ngữ tôn giáo[10].

Ở Việt Nam, một số công trình, bài viết dù không đặt mục đích theo hướng Ngôn ngữ học nhân chủng nhưng ít nhiều cũng đã đụng chạm tới địa hạt này khi nghiên cứu về ngôn ngữ biểu tượng trong tôn giáo, chẳng hạn: giáo trình Văn hóa và biểu tượng dành cho Nghiên cứu sinh của tiến sĩ Đinh Hồng Hải tiếp cận biểu tượng tôn giáo bằng ngôn ngữ, bài viết: “Biểu tượng – ngôn ngữ của tôn giáo” của Mục sư Lưu Hồng Khanh, khảo luận “Ngôn ngữ tôn giáo” (không đề tác giả) đăng trên trang web http://traitimtubi.com .…

Ngôn ngữ học nhân chủng là hướng đi tương đối khó với những người làm ngôn ngữ, tất nhiên ở Việt Nam cũng vậy, vì tính chất mới mẻ và yêu cầu một kiến thức liên ngành cũng như kỹ năng xử lý các phương pháp mang tính liên ngành. Tuy vậy hướng đi này cũng cho nhiều hứng thú và lợi ích, cách riêng khi nghiên cứu lãnh vực ngôn ngữ và tôn giáo. Nó giúp đi tìm nguồn gốc văn hóa cho các từ ngữ tôn giáo và lí giải được các câu hỏi như: Tại sao có những ngôn ngữ được coi như là sở hữu riêng hay ngôn ngữ đặc trưng của một tôn giáo nào đó, chẳng hạn như tiếng La Tinh và Công giáo, tiếng Phạn và Phật giáo, tiếng Hindi với Ấn Độ giáo ở Ấn Độ nhưng cũng ở nước này, người theo Hồi giáo lại dung tiếng Urdu… Khi trả lời được câu hỏi này, chúng ta cũng lý giải được thắc mắc do đâu mà có hiện tượng ngôn ngữ này “thiêng liêng” hơn ngôn ngữ kia kiểu như người Việt Nam trước đây gọi chữ Nho là chữ thánh hiền; lý giải được tại sao ngày nay các giáo hữu Kitô vẫn đọc “Amen”, “Alleluja”…, các Phật tử vẫn đọc “Om mani padme hum!”, “A di đà Phật” … mà chưa chắc đã hiểu nghĩa, thậm chí cũng chẳng cần quan tâm đó là tiếng nước nào.

4. Hướng nghiên cứu ngôn ngữ và tôn giáo dưới góc độ Ngôn ngữ học xã hội

Theo Jeroen Darquennes (2011), ngôn ngữ và tôn giáo là một vấn đề mới mẻ của chuyên ngành Ngôn ngữ học xã hội[11], xuất hiện vào khoảng hậu bán thế kỷ XX. Einar Haugen được cho là một trong số những người tiên phong theo xu hướng này. Trong nghiên cứu có tên gọi: “Tiếng Na Uy ở Hoa Kỳ” (The Norwegian language in America: A study in bilingual behavior, Philadelphia: University of Pennsylvania Press) xuất bản năm 1953, tác giả trình bày các biến đổi trong tiếng Na Uy do tác động của các yếu tố mang tính tôn giáo đối với cộng đồng nói thứ tiếng này tại Hoa Kỳ. Đây là hướng tiếp cận điển hình của ngành Ngôn ngữ học xã hội.

Tương tự, Joshua A. Fishman (1966) sử dụng các phương pháp đa ngành để tiếp cận con đường mà nhân tố tôn giáo can thiệp tới tiến trình chuyển biến hay ổn định, bền vững của một ngôn ngữ trong hoàn cảnh nhập cư tại Mỹ.

Sau đó ít năm, W. Stewart (1968) chính thức coi ngôn ngữ và tôn giáo là một thành phần của Ngôn ngữ học xã hội khi ông miêu tả tình trạng quốc gia đa ngữ bằng bảng phân loại ngôn ngữ học xã hội, mà trong đó chức năng mang tính chất tôn giáo là một trong 10 chức năng của ngôn ngữ (theo W. Stewart, người ta thường chỉ cầu nguyện và cử hành nghi lễ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình).

Cũng trong khoảng thời gian này, các nghiên cứu của David Crystal (1966), William Samarin (1976)[12], Charles Ferguson (1982)[13], … đã tạo ra một thúc đẩy mạnh mẽ cho việc nghiên cứu mối tương quan giữa ngôn ngữ và tôn giáo theo định hướng ngôn ngữ học xã hội.

Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Khang đã xây dựng cơ sở lý thuyết cho việc tiếp cận vấn đề ngôn ngữ và tôn giáo thành một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể của Ngôn ngữ học xã hội. Trong cuốn sách Ngôn ngữ học xã hội, ở chương 12, tác giả Nguyễn Văn Khang đã nhắc lại một quan điểm của Ngôn ngữ học phương Tây, nhưng qua đó có thể thấy, đây cũng là quan điểm của ông khi đặt vấn đề cho phạm trù nghiên cứu ngôn ngữ và tôn giáo. Quan điểm đó là: “Nếu có câu hỏi đặt ra là, nhân tố nào có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với lịch sử ngôn ngữ thì câu trả lời là tôn giáo và, nếu có câu hỏi ngược lại thì câu trả lời là ngôn ngữ”[14].

Xem xét tổng quan các công trình liên quan đến “ngôn ngữ và tôn giáo” tại Việt Nam thì hiện nay, phần lớn các nghiên cứu đi theo hướng Ngôn ngữ học xã hội. Điển hình như các luận văn/luận án của Nguyễn Thị Bích Thủy (2012)[15], Nguyễn Thị Thúy Giang (2013)[16]… Hướng đi này khá thích hợp với xu thế hội nhập của xã hội Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, Ngôn ngữ học xã hội nghiên cứu vấn đề gì của địa hạt ngôn ngữ và tôn giáo? Đây là điều thiết tưởng đáng cho những người muốn đặt chân vào ngôi nhà “ngôn ngữ và tôn giáo” theo hướng Ngôn ngữ học xã hội quan tâm.

B. Spolsky (2006) là người ủng hộ nhiệt thành cho khuynh hướng coi phạm trù “ngôn ngữ và tôn giáo” là đối tượng nghiên cứu của Ngôn ngữ học xã hội đã đưa ra lược đồ nghiên cứu gồm 4 bình diện[17] như sau:

1. Nghiên cứu hiệu ứng của tôn giáo lên ngôn ngữ: nghiên cứu về sự ảnh hưởng của tôn giáo trong việc lựa chọn ngôn ngữ, bảo tồn ngôn ngữ, cùng sự vay mượn từ vựng trong ngôn ngữ.

2. Nghiên cứu sự tương hỗ giữa ngôn ngữ và tôn giáo: tìm hiểu sự tương tác giữa ngôn ngữ và tôn giáo trong các biến đổi xã hội thường diễn ra ở các thành phố đa ngữ hay sự tương tác giữa một tình trạng đa ngữ và tình trạng đa tôn giáo…

3. Nghiên cứu hiệu ứng của ngôn ngữ lên tôn giáo: nghiên cứu các ấn phẩm (chẳng hạn sử dụng trong cầu nguyện) tới việc xây dựng một cộng đồng tôn giáo.

4. Nghiên cứu mối tương quan giữa ngôn ngữ, tôn giáo và giáo dục: nghiên cứu sự ảnh hưởng của ngôn ngữ và tôn giáo trên lãnh vực giáo dục.

Tại Việt Nam, giáo sư Nguyễn Văn Khang trong cuốn sách Ngôn ngữ học xã hội cũng đưa ra các định hướng nghiên cứu như: Từ góc độ ngôn ngữ nghiên cứu tôn giáo và, từ góc độ tôn giáo nghiên cứu ngôn ngữ[18].

Tóm lại, “ngôn ngữ và tôn giáo” là hai thực thể gắn kết hữu cơ với nhau, để lại những ảnh hưởng sâu đậm lên nhau mà chắc chắn hứa hẹn nhiều kết quả nghiên cứu hữu ích. Tiếp cận lĩnh vực này, các nhà nghiên cứu rất cần xác định hướng đi cụ thể sao cho phù hợp với sở thích – sở trường (đây là yếu tố rất quan trọng cho nhà nghiên cứu) của mình; đồng thời, căn cứ trên môi trường nghiên cứu, mục đích nghiên cứu, từ đó xác định được phương pháp nghiên cứu thích hợp. Ngôn ngữ và tôn giáo là mảnh đất mới nhưng tốt và nhiều triển vọng cho các nhà nghiên cứu vì còn rất nhiều khoảng trống chưa được tìm hiểu cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu của người người sử dụng và của xã hội trong xu thế hội nhập.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Thúy Giang (2013), Mối quan hệ giữa từ ngữ nhà Phật và từ ngữ đời sống trong tiếng Việt (trường hợp các từ Tâm, Nhân, Duyên), Luận văn Thạc sĩ, Đại học Hải Phòng.

2. Đinh Hồng Hải, giáo trình Văn hóa và biểu tượng dành cho nghiên cứu sinh, Tài liệu lưu hành nội bộ, trường Đại học KHXH và NV – Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Lý Tùng Hiếu – Nguyễn Văn Huệ, Các khuynh hướng nghiên cứu văn hóa qua ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và NV Tp. HCM.

4. Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, H., .

5. Vũ Đức Nghiệu - Nguyễn Văn Hiệp (2009), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, H.,

6. Nguyễn Thị Bích Thủy, Từ ngữ Phật giáo trong ngôn ngữ sinh hoạt, Luận văn Thạc sĩ, Đại học KHXH và NV Tp. HCM.

7. Chu Văn Tuấn (2000), Nghiên cứu những vấn đề cơ bản Nhân loại học ngôn ngữ, Bác Kinh văn hóa ngữ ngôn đại học xuất bản, – Bản dịch của GS. Nguyễn Văn Khang.

8. Crystal, David (1966), “Language and religion”. In: Sheppard, Lancelot (Ed.): Twentieth century Catholicism. New York: Howthorn Books.

9. Donald M. Ayers (1986), English words from Latin and Greek elements, The University of Arizona Press.

10. Jeroen Darquennes (2011) / Wim Vandenbussche, “Language and religion as a sociolinguistic fied of study: some introductory notes”, Socionlinguistica 25/2011.

11. Jesperson, Otto (1912), Growth and structure of England language, Leipzig published by B. G. Teubner.

12. Keane, Webb (1997), “Religious language”, Department of Anthropology, University of Pennsylvania, Philadelphia, Pennsylvania .

13. Liebaert, J. (1970), Les enseignement moraux des Peres Apostolique, Gembloux – Paris Duculot – Lethielleux.

14. Spolsky, Bernard (2009), Language Management. Cambridge: Cambridge University Press.

15. Stewart, William (1968), A sociolinguistic typology for describing national multilingualism. In: Fishman, Joshua A. (Ed.): Readings in the sociology of language. The Hague: Mouton






[1] Vũ Đức Nghiệu&Nguyễn Văn Hiệp, Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2009, tr.10.


[2] Nhóm CGKPV dịch, Kinh Thánh trọn bộ Cựu ước và Tân ước, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.1999; 2304.


[3] X. Nhóm CGKPV dịch, Sđd, tr.35; 45-46


[4] X. Chu Văn Tuấn, Nghiên cứu những vấn đề cơ bản Nhân học ngôn ngữ, Nxb. Đại học ngôn ngữ văn hóa Bắc Kinh, 2000, tr.303 (Bản dịch tiếng Việt do GS.TS. Nguyễn Văn Khang hiệu đính)


[5] Liebaert, J., Les enseignement moraux des Peres Apostolique, Gembloux – Paris Duculot – Lethielleux, 1970, tr.47


[6] Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam quốc âm tự vị, Rey Curion & Cie, Sài Gòn, 1895 – 1896, Vol 2, tr.268


[7] Jesperson, Otto, Growth and structure of England language, Leipzig published, 1912, tr.85-151


[8] Chu Văn Tuấn, Sđd, chương IX, tr. 303


[9] Chu Văn Tuấn, Sđd, chương IX, tr. 304


[10] Chu Văn Tuấn, Sđd, chương IX, tr. 303 - 335


[11] Jeroen Darquennes / Wim Vandenbussche, “Language and religion as a sociolinguistic fied of study: some introductory notes”, Sociolinguistica 25/2011


[12] William Samarin, Langua in religious practice. Rowley, MA: Newbury House, 1976


[13] Charles Ferguson, Religious factors in language spread, In: Cooper, Robert L. (Ed.): Language spread. Bloomington: Indiana University Press, 1982


[14] Nguyễn Văn Khang , Ngôn ngữ học xã hội, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, H., 2012, tr. 291


[15] Nguyễn Thị Bích Thủy, Từ ngữ Phật giáo trong ngôn ngữ sinh hoạt, Luận văn Thạc sĩ, Đại học KHXH và NV Tp. HCM


[16] Nguyễn Thị Thúy Giang, Mối quan hệ giữa từ ngữ nhà Phật và từ ngữ đời sống trong tiếng Việt (trường hợp các từ Tâm, Nhân, Duyên), Luận văn Thạc sĩ, Đại học Hải Phòng, 2013


[17] Dẫn theo: Jeroen Darquennes / Wim Vandenbussche, “Language and religion as a sociolinguistic fied of study: some introductory notes”, Sociolinguistica 25/2011, tr.4


[18] X. Nguyễn Văn Khang (2012), Sđd, tr. 291 - 313