KINH MÂN CÔI
Kinh Hồng ân Cứu độ Loài người.
Phần I : Thơ Kinh Nguyện Cầu.
“Ta là Đức Mẹ Mân Côi ! Ta muốn người ta xây một nhà nguyện để kính nhớ Ta tại nơi này. Các con hãy tiếp tục Lần Hạt mỗi ngày.”
( Lời Đức Mẹ phán bảo với 3 em tại Fatima năm 1917. )
Mân Côi mở cửa Nước Trời,
Mưa Hồng Ân xuống cho đời hoan ca.
Kính chào Trinh Nữ hiển vinh,
Ngôi Hai bỏ chốn Thiên đình cao sang,
Hạ sinh trần thế nghèo nàn,
Chọn Bà làm Mẹ vinh quang hơn người.
Mừng đón hạnh phúc tuyệt vời,
Nhờ ơn cứu độ loài người vui thay,
Lời nguyền xóa tội từ đây,
Này E-và Mới tràn đậy hồng ân.
Maria trinh tuyết vô ngần,
Một lời thề hứa Xin Vâng vẹn toàn,
Đồng công cứu chuộc nhân gian,
Cùng con Thiên Chúa chu toàn hiến dâng.
Đầy tràn phúc lộc bội phần,
Từ tay Thiên Chúa nguồn ân cứu đời,
Cúi mình con cảm tạ Người,
Tuôn ơn lành xuống như trời đổ mưa.
Ơn Mẹ con nói sao vừa,
Ngàn lời cảm tạ vẫn chưa thỏa lòng,
Đời con chỉ biết cậy trông,
Phó dâng tay Mẹ xác thân tâm hồn.
Phúc thay những lúc cô đơn,
Đến nương bóng Mẹ là nguồn ủi an,
Cuộc đời dù lắm gian nan,
Không còn đau khổ với hàng lệ rơi.
Đức Maria Mẹ Chúa Trời,
Trạng sư quyền thế muôn đời ngợi ca,
Người là Từ Mẫu giao hòa,
Cầu xin Thiên Chúa thứ tha loài người.
Chúa thương con lắm Mẹ ơi !
Đem thân xác xuống làm người trần gian,
Cùng Mẹ nhận sống cơ hàn,
Chết trên Thập giá ơn ban cứu đời.
Trời cao giáng phúc muôn nơi,
Mưa ân sủng xuống đất trời hoan ca,
Gieo nguồn nắng ấm chan hòa,
Làm cho trần thế nở hoa reo mừng.
Ở đời kiếp sống mông lung,
Biển trần bão tố chập chùng vây quanh,
Thuyền con lạc hướng bồng bềnh,
Mẹ là Sao Sáng hải trình dẫn đưa.
Cùng con ngày tháng sớm trưa,
Nâng niu phù trợ ủi an ân cần,
Đời con đã biết bao lần,
Mẹ luôn che chở tấm thân mọn hèn.
Bà được Thiên Chúa nâng lên,
Xác hồn thanh khiết ngự trên Thiên đính,
Loài người muôn vật cúi mình,
Tôn vinh Mẹ Chúa hiển vinh muôn đời.
Phần II : Mân Côi Nhiệm Mầu.
*Hàng năm Giáo Hội giành riêng 2 tháng để tôn kính Đức Mẹ Maria : Tháng 5- Tháng Hoa và Tháng 10- Tháng Mân Côi.
Kinh Lạy Cha được chính Chúa truyền dạy cho các Tông Đồ cách cầu nguyện hiệu quả nhất.
Kinh Kính Mừng: Kinh Mân Côi là kinh Đức Mẹ yêu thích nhất vì ngăn cản cơn thịnh nộ Thiên Chúa giáng phạt loài người. Đức Mẹ khuyên nhủ mọi người hãy siêng nặng đọc Kinh Kính Mừng khi Mẹ hiện ra tại Fatima, Lộ Đức, La Vang, La Salette, Mễ Du, Guadalupe…
Kinh Mân côi khởi nguyên từ lời Sứ Thần chào mừng Trinh Nữ Maria khi truyền tin và lời
bà Elizabeth chúc tụng khi Đức Mẹ đến săn sóc bà sắp đến ngày sinh Vị Tiền Hô Chúa.
Trình thuật theo Tin Mừng Tân Ước :
-“ Thiên Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilêa tên là Nazareth, đến cùng Trinh Nữ tên là Maria đã đính hôn với 1 người tên là Giuse, thuộc nhà Đa-vít. Vào nơi Bà, Thiên Thần nói với Bà:
“ Vui lên! Hỡi Người Đầy Ơn Phúc ! Chúa ở cùng Bà ! “… ( Lc.1: 28- 33 )
-“ Và xảy ra khi Elizabeth thoạt nghe lời Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng mẹ và bà được đầy ơn Thánh Thần thốt lên tiếng kêu và nói : Trong nữ giới, chỉ có Người là Diễm Phúc ! Và đáng chúc tụng thay Hoa quả Lòng Người !.. ( Lc.1: 41& 42 )
*Phát xuất từ tiếng La-tinh Rosarium là Vườn Hồng. Tiếng Việt có nhiều từ đọc khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa : Mân Côi, Môi Côi, Môi Khôi, Văn Khôi, Mai Khôi.
Một Chuỗi Mân Côi hay Tràng Mân Côi do nhiều đóa Hoa Hồng kết thành một Tràng Hoa Hồng
Tuyệt Diệu gồm 5 Kinh Lạy Cha, 50 Kinh Kính Mừng và 5 Kinh Sáng Danh, diễn tả cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria qua trình tự Tân Ước với các mầu nhiệm: Năm Sự Vui- Năm Sự Thương – Năm Sự Mừng.
Chúa soi sáng cho Thánh Bergetta lập ra Chuỗi Mân Côi gồm 50 Kinh Kính Mừng để kính nhớ 150 Thánh Vịnh trong Cựu Ước. Còn lời nguyện sau mỗi 10 Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh do Đức Mẹ truyền dạy cho 3 trẻ tại Fatima :
‘Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con ! xin cứu chúng con cho khỏi sa hỏa ngục ! Xin đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.’
Năm 2002, Thánh GH Gioan Phaolô 2 thêm vào Năm Sự Sáng tả lại 5 sự kiện quan trọng trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu :
(1) Chúa chịu Phép Rửa trên sông Jordan.
(2) Chúa biến nước hóa rượu tại tiệc cưới Cana.
(3) Chúa rao giảng về Nước Trời và sự thống hối.
(4) Chúa Biến Hình trên núi Tabo.
(5) Chúa lập Bí tích Thánh Thể.
*Thánh Đa Minh sáng lập Dòng Thuyết giáo là Sứ giả tiên khởi Kinh Mân Côi và nhiều Vị Tông đồ hăng say truyền bá Kinh Mân Côi như tu sĩ Dominique Dòng Chartreux hay tu sĩ Alain de la Roche Dòng Đa Minh…
-Năm 1213 Đức Mẹ truyền dạy Thánh Đa Minh khuyên mọi người đọc Kinh Mân Côi để phá tan bè rối Albigeois.
-Năm 1475 Hoàng Đế Frederic III, Hoàng Hậu và Hoàng Tử ghi tên gia nhập Hội Mân Côi.
-Năm 1571 Giáo Hoàng Piô V truyền Hội Thánh đọc Kinh Mân Côi để cứu vãn sự tàn phá đạo Công giáo của quân Hồi.
-Năm 1629 bệnh dịch tả lan tràn khắp nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci phát động phong trào đọc Kinh Mân Côi xin Đức Mẹ cứu giúp.
-Năm 1657 ĐGH Alexandre VII ban nhiều ân xá cho những ai đọc Kinh Mân Côi.
-Năm 1826 bà Pauline Jaricot lập phong trào ‘Kinh Mân Côi Sống’ gồm mỗi nhóm 10 người cầu nguyện hàng ngày.
-Thế Kỷ 16 Giáo Hoàng Lêô 13 phổ biến Kinh Mân Côi trong toàn Giáo Hội.
-Thế Kỷ 20 Lm Joseph Eyquem thành lập Hội Mân Côi và ngày nay đã lan rộng tại nhiều quốc gia.
- Đức Giáng Hoàng Phao-lô VI khuyên nhủ : “ Việc đọc Kinh Mân Côi được cho là một trong những kinh nguyện chung tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất mà gia đình Công giáo được khuyến khích siêng năng đọc “
*15 ơn lành cho những ai siêng năng đọc Kinh Mân Côi :
-1/ Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng Kinh Mân Côi sẽ được ơn cao cả.
-2/ Mẹ hứa sẽ phù trợ đặc biệt cho những ai đọc Kinh Mân Côi.
-3/ Kinh Mân Côi là áo giáp chống Hỏa ngục, tiêu diệt thói xấu, giảm thiểu tội lỗi.
-4/ Kinh Mân Côi giúp nhân đức và các việc lành triển nở, kéo nhiều tình thương Chúa trên các linh hồn.
-5/ Linh hồn đến với Mẹ bằng Kinh Mân côi sẽ không hư mất.
-6/ Những ai đọc kinh Mân Côi sốt sáng, áp dụng mầu nhiệm vào đời sống sẽ không bị rủi ro.
-7/ Những ai thật sự tôn sùng mầu nhiệm Mân Côi, sẽ được ơn chịu các phép bí tích giờ cuối cùng.
-8/ Những ai trung thành Lần Hạt Mân Côi khi sống và nhất là trong giờ chết, sẽ được Chúa soi sáng cùng với những ơn huệ của Ngài.
-9/ Mẹ sẽ cứu khỏi luyện tội những ai tôn sùng phép Lần Hạt Mân Côi.
-10/Những con cái trung thành với phép Lần Hạt Mân Côi sẽ được hưởng vinh quang Nước Trời.
-11/Nhờ Lần Hạt Mân Côi sẽ được hưởng những gì mình xin.
-12/Những ai truyền bá Kinh Mân Côi sẽ được Mẹ giúp đỡ lúc khó khăn gian nan.
-13/Mẹ đã xin Con Chí Thánh Mẹ ơn này : những ai truyền bá phép Mân Côi , sẽ được cả Triều đình Thiên Quốc cầu bầu cho lúc sống cũng như khi chết.
-14/Những ai đọc Kinh Mân Côi đều là con cái Mẹ và anh em với Con Một Mẹ là Chúa Giêsu.
-15/Tôn sùng phép Lần Hạt Mân Côi là dấu chắc chắn được ơn tiền định cứu rỗi.
*Kinh Mân Côi không chỉ giành riêng cho những người bình dân, ít học vì ngắn gọn dễ thuộc, đọc đi đọc lại nhiều lần. Một số người cho là nhàm chán, thật là điều ngộ nhận và phỉ báng. Nhưng lịch sử đã chứng minh nhiều người trí thức, quyền thế, khoa học, chính trị, văn nhân, nghệ sĩ…là những người ít tin vào tôn giáo, lại là những người sùng mộ Kinh Mân Côi như : Hoàng Đế Karl V, Tướng Tily, Hoàng hậu Maria Teresa, Thủ tướng Áo Rulius Raab, nhà toán học Andre Maria Ampere, Khoa học gia Louis Pasteur, văn hào Clemens Brentano, nhạc sư Amadeus Mozart, các họa sĩ Albred Durero và Da Vinci…
*Muôn ơn lành Thiên Chúa ban xuống cho thế gian qua lời Kinh nguyện Mân Côi mà chúng ta đã đón nhận không sao kể hết được. Người viết xin trích dẫn một phép lạ điển hình trong 100 truyện tích lạ Mân Côi về ‘Thánh Dominico, Đấng sáng lập dòng Đa-Minh và Chuỗi Mân Côi :
Nói đến Kinh Mân Côi mà không nói đến Thánh Dominico là một điều thiếu sót . Ngài sinh tại Tây Ban Nha năm 1170 và qua đời năm 1221 tại Ý, hưởng thọ 51 tuổi. ĐGH Gregorio IX phong Hiển Thánh cho Ngài ngày 11/7/1234. Ngài được Đức Mẹ trao nhiệm vụ truyền bá Kinh Mân Côi.
Một ngày kia Thánh Nhân đang cầu nguyện cho bè rối Albigense ăn năn trở lại, thì Đức Mẹ hiện ra với Ngài, có 3 Vị Nữ Hoàng và 50 Trinh Nữ theo hầu. Đức Mẹ phán bảo với Thánh Nhân :
“Hỡi con ! Mẹ xin Thiên Chúa ơn cải tử hoàn sinh cho nhân loại. Con hãy chịu khó đi rao giảng cho dân chúng bằng Kinh Mân Côi”
Nói đến đây Đức Mẹ chỉ vào 3 đoàn Trinh Nữ mặc 3 màu áo khác nhau : trắng, đỏ, vàng và dạy Thánh Nhân ý nghĩa mầu nhiệm : 5 Sự Vui- 5 Sự Thương và 5 Sự Mừng. Nhận lệnh thị kiến đó, Thánh Nhân biết rằng Kinh Mân Côi là khí giới thần lực, đánh bại các phe lạc giáo, cứu Giáo Hội và nhân loại. Ngài đi đến đâu cũng giảng về Chuỗi Mân Côi. Một hôm, từ Fanjeux đến Prouille giảng về Kinh Mân Côi. Ngài vào nhà thờ lần Chuỗi Mân Côi. Bỗng Đức Mẹ hiện ra phán bảo :
“Hỡi con ! Mẹ đã nhận tấm lòng thành kính con dâng lên Mẹ, như những đóa hồng hái trong mưa !”
Dominico ngửa mặt lên nhưng không thấy gì, Ngài lại tiếp tục đọc kinh và cầu xin cho dân thành Prouille ăn năn trở lại.
Bỗng lại nghe tiếng nói :
“Hỡi con ! Hãy hái cho Mẹ những hoa hồng bất diệt, để Mẹ cứu các linh hồn.”
Thánh Nhân hỏi lại Đức Mẹ chỉ cho biết những hoa hồng nào hoàn hảo nhất.
Đức Mẹ trả lời : “Hoa hoàn hảo nhất chính là Kinh Kính Mừng mà con đang đọc.”
Dominico sung sướng vì đã tìm được bí quyết với niềm hy vọng tràn trề. Bấy giờ Đức Mẹ mới hiện ra rõ ràng, nghiêng mình và nâng cửa nhà thờ cho Thánh Nhân bước vào. Mặt Đức Mẹ sáng láng, áo trắng như tuyết, cổ tay và chân Mẹ có hoa hồng tươi nở, tỏa hương thơm ngào ngạt. Dominico quay nhìn Đức Mẹ chào kính ‘Kính Mừng Maria đầy ơn phúc !’ Lập tức chín phẩm Thiên Thần hòa nhịp ca tụng Đức Mẹ. Ngài cũng được Đức Mẹ đưa lên trời Kính thờ Chúa Ba Ngôi và thấy những Kinh Kính Mừng Ngài đọc được điểm tô trên ngai tòa Chúa.
Sáng hôm sau, Ngài trở về Fanjeux rao giảng Kinh Mân Côi. Nhờ đó bè rối Albigense tan rã. Giáo Hội trở lại yên bình.
Đó là nguồn gốc Kinh Mân Côi Thánh Dominico đã truyền cho nhân loại.
*Suy gẫm Mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta thấy biết bao ơn lành Chúa ban phát cho nhân loại nhờ Kinh Mân Côi và Trái Tim Nhân Lành Mẹ đồng công cùng Chúa cứu chuộc nhân loại.
Những ai siêng năng Lần Chuỗi Mân Côi , không những chỉ được Mẹ cứu giúp đời sau, mà ngay trong cuộc sống đời này cũng được Mẹ ban cho nhiều ơn phúc.
Nhìn vào thế giới hiện nay, bao nhiêu tai ương hoạn nạn : chiến tranh, thiên tai, khủng bố, kỳ thị,
sa đọa, chống tôn giáo, vô luân lý đạo đức…chỉ có phép Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi mới mong cứu thoát.
Chúng con tha thiết khẩn cầu Mẹ qua Kinh Mân Côi- Lời cầu nguyện hiệu quả nhất- Chúa sẽ không từ chối lời chúng con xin.
*KINH KÍNH ĐỨC BÀ MÂN CÔI
Lạy rất Thánh Đồng Trinh Maria ! Chúng con trông cậy Đức Bà lầ Đấng hay thương giúp những kẻ khốn nạn và khô khan, hay gìn giữ những kẻ là dân Đức Chúa Trời và hay ban mọi ơn lành cho những kẻ có lòng kính mến lễ trọng này.
Chúng con xin Rất Thánh Đức Bà Maria Mân Côi cầu cho chúng con. Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
Lạy Đức Chúa Trời lòng lành vô cùng, chúng con xin vì công nghiệp Con Người là Đức Giêsu đã lấy sự sống, sự chết và sự sống lại của Người, mà làm cho chúng con được mọi ơn lành, được rỗi linh hồn.
Chúng con xin Chúa ban cho chúng con siêng năng suy ngắm những mầu nhiệm trong phép Rất Thánh Mân Côi cho nên, cùng được bắt chước những mầu nhiệm ấy, để chúng con đáng được hưởng phần phúc Chúa đã hứa ban cho.
Vì công nghiệp Con Một Chúa là Đấng hằng sống hằng trị làm một cùng Chúa đời đời chẳng cùng.
Amen
ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
(*) Ghi chú : Quí Vị muốn hiểu rõ về những từ ‘ Môi Khôi- Mai Khôi- Môi Khôi- Văn Khôi ‘
Xin đọc bài biên khảo của tác giả Nguyễn Long Thao sau đây :
Tháng Mân Côi: Giải thích đặc ngữ Công Giáo: Mân Côi - Mai Khôi - Môi Khôi - Văn Côi
Mỗi tôn giáo có những đặc ngữ riêng. Người thuộc tôn giáo này khó hiểu được những đặc ngữ của tôn giáo khác. Ví dụ đa số người người Công Giáo không hiểu rõ ý nghĩa các từ như Chánh Quả, Bát Nhã, Huệ, Tuệ của Phật Giáo. Người Phật Giáo cũng không hiểu rõ ý nghiã các từ như Mân Côi, Chầu Lượt, Mùa Át, Sinh Thì của Công Giáo. Ngoài ra, các tín hữu trong một tôn giáo cũng không hiểu hết các từ ngữ trong tôn giáo của mình, nhất là các từ về thần học..
Đối với Công Giáo Việt Nam, một trong các từ khó hiểu và gây nhiều thắc mắc là Từ Mân Côi – Văn Côi – Mai Khôi – Môi Khôi. Người ta thường nói: Kinh Mân Côi, Tháng Mân Côi, Mầu Nhiệm Mân Côi, Chuỗi Môi Khôi, và ai cũng hiểu đại khái đó là kinh Kính Mừng và tháng Mân Côi là tháng 10 kính Đức Mẹ Maria. Nhưng nếu có hỏi: từ Mân Côi có ý nghĩa gì để được gọi là Kinh Kính Mừng thì không mấy ai trả lời được. Ngoài ra tại sao Mân Côi lại còn gọi là Văn Khôi, Mai Khôi, Môi Khôi. Vấn nạn đặt ra như vậy nên bài nghiên cứu sẽ đề cập đến các vấn đề: (1) Kinh Mân Côi là gì. (2) Tại sao gọi là Kinh Mân Côi. (3) Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi từ nào đúng?
1. KINH MÂN CÔI LÀ GÌ:
Theo định nghĩa của các từ điển thần học Công Giáo, Kinh Mân Côi, tiếng La Tinh gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary, Hán tự là 玫 瑰 涇, phát âm là [méiguijing], giọng Hán Việt đọc là Mai Côi Kinh, là bộ kinh nguyện kính Đức Mẹ gồm 200 kinh chia làm từng chục. Mỗi chục gồm một kinh Lậy Cha,10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Đồng thời mỗi chục kinh để tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ Maria. Như vậy kinh Mân Côi là kinh suy niệm 20 Mầu Nhiệm, được chia làm 4 Mầu Nhiệm chính mà đặc ngữ Công Giáo gọi là Mùa như Mầu Nhiệm Mùa Vui, Mầu Nhiệm Mùa Thương, Mầu Nhiệm Mùa Mừng, và Mầu Nhiệm Sự Sáng.
Mùa Vui suy tư sự kiện Chúa Giáng Sinh. Mùa Thương tưởng nhớ đến việc Chúa chịu chết trên Thập Giá. Mùa Mừng tưởng nhớ đến việc Chúa Phục Sinh. Mùa Sáng hay Mầu Nhiệm Sự Sáng mới có từ năm 2002 dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi Chúa lập phép bí tích Thánh Thể. Theo tài liệu thì Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dậy cho thánh Đa Minh và Giáo Hội cho chính thức phổ biến từ năm 1214
2. TẠI SAO GỌI LÀ KINH MÂN CÔI.
Như chúng tôi đã nói, kinh mà giáo dân Việt Nam gọi là Kinh Mân Côi thì La ngữ gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary, Hán ngữ là 玫 瑰 涇 được phát âm là [méiguijing]. Tất cả những từ ngữ trên, dù La ngữ, Anh ngữ, Hán tự hay Hán Việt đều có nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Theo Công Giáo Báck Khoa Từ Điển, ấn bản Anh ngữ, sở dĩ gọi là Kinh Hoa Hồng là do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình. Corona, Chaplet, Garland trong tiếng Anh có nghiã là Vòng Hoa Hồng hay Chuỗi Hạt, tương đương với ý nghĩa từ Rosarium của Latinh. Trong tiếng Anh cổ từ BEAD có nghiã là Hạt, Hột và cũng có nghĩa là Kinh (Prayers). Do vậy tràng hạt tượng trưng cho tràng hoa hồng Đức Mẹ đội trên đầu được gọi là Tràng Mân Côi, Chuỗi Mân Côi, hay Chuỗi Môi Khôi. Thần Học Từ Điển của người Công Giáo Tàu gọi kinh này là 玫 瑰 涇 [méiguijing] tức Mai Côi Kinh có nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Tóm lại, người Công Giáo Việt Nam dùng từ Mân Côi là do bắt chước người Tàu nhưng đọc theo giọng Hán Việt.
3. MÂN CÔI, MAI KHÔI, MÔI KHÔI, VĂN CÔI - TỪ NÀO ĐÚNG.
Trong số các từ Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi, người Công Giáo dùng nhiều nhất là từ Mân Côi. Như thế Mân Côi có phải là từ đúng nhất không? Chúng ta hãy xét các từ này qua từ điển của người không phải là Công Giáo và các từ điển hoặc sách vở của người Công Giáo.
3.1 Từ điển không phải của người Công Giáo:
3.1.1 - Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không có từ Mân Côi hay Mai Côi
3.1.2 - Đại Từ Điển Tiếng Việt của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo xuất bản năm 1999 tại Hà Nội không có từ Mân Côi, Mai Côi, Văn Côi
3.1.3 - Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh định nghĩa: Mai Khôi 玫 瑰: Một thứ ngọc tốt và Mai Khôi Hoa 玫 瑰 花: hoa hồng. Ông không liệt kê từ Mân Côi hay Văn Côi.
3.1.4 - Hán Việt Từ Điển của cụ Thiều Chửu đinh nghiã Mai Côi 玫 瑰: (1) cây hoa Hồng. (2) thứ ngọc mầu đỏ.
3.1.5 - Từ Điển Hán Việt Hiện Đại của Tô Cẩm Duy do Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 2006 viết 玫 瑰 [méigui]: Hoa hồng, cây hoa hồng.
3.1.6 - Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghĩa Thục in năm 1999 định nghiã Mai Côi hay Mai Khôi 玫 瑰: hoa hồng. Từ điển này không có từ Mân Côi hay Văn Côi.
Tóm lại các từ điển trên đây chỉ giải thích từ Mai Khôi là hoa hồng chứ không giải thích Mai Khôi là chục kinh Kính Mừng.
Truyền dạy năm 1214.
3. 2. Từ điển hay kinh sách của người Công Giáo:
3.2.1 Cuốn sách Giáo Lý Công Giáo đầu tiên của Việt Nam là Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông do nhà thừa sai Giêrônimo Mayorica soạn vào năm 1623 chưa biết tới từ Mân Côi hay Hay Tràng Hạt nên Ngài đã phiên âm tiếng Bồ Đào Nha Rô Sa Riô (Rosario) và Cô Rô Na (Corona) để chỉ kinh Mân Côi và tràng hạt
3.2.2. Tác phẩm Thánh Giáo Kinh Nguyện có kinh cầu Đức Bà bằng Hán Văn mà ta quen gọi là Kinh Cầu Chữ có 2 câu sau đây: (1) Huyền Nghiã Văn Côi. (2) Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu. Đến năm 1924, các giáo sĩ san định lại kinh sách Công Giáo và dịch hai câu trên ra việt ngữ như sau:
- Huyền Nghĩa Văn Côi: Đức Bà Như Hoa Hường Mầu Nhiệm Vậy
- Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu: Nữ Vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi.
3.2.3 Dictionarium Anamitico Latinum của Đức Cha AJ. L. Taberd xuất bản năm 1838 không có từ Mân Côi, Văn Côi, Mai Khôi.
3. 2.4 Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, ấn bản 1895-1896 có từ Môi Khôi và được định nghiã là (1) hoa hồng. (2) loài ngọc qúy. Ông ghi chú thêm phải đọc là Mai, không nên đọc là Môi. Tác giả là người Công Giáo nhưng không ghi thêm Môi Khôi hay Mai Côi là tên một kinh của Công Giáo.
3. 2.5 Thuật Ngữ Thần Học Anh Việt của Học Viện Đa Minh xuất bản năm 2002 định nghĩa Rosary là Chuỗi Mân Côi do tiếng Latin Rosarium: tràng hoa hồng
3. 2.6 Từ Điển Công Giáo Anh Việt của Nguyễn Đình Diễn định nghiã Rosay là Kinh Mân Côi. Tác giả chú thích thêm trong Việt ngữ, nguyên tự tiếng Hán, chính xác là Môi Côi: Hoa hồng, sau bị đọc nhầm (sic) ra nhiều biến thái khác thành quen như Vân Côi, Văn Côi, Môi Khôi, Mai Khôi.
3. 2.7 Từ Điển Văn Học Việt Nam của Lm Trần Văn Kiệm in năm 2007 định nghiã các từ Môi Khôi, Mân Côi, Môi Côi, Mai Khôi: Hoa Hồng.
3.3. Từ Nào Đúng?
3.3.1 Mai, Mân, Môi hay Văn từ nào đúng? Từ 玫 trong Hán tự phát âm là [mei]: Hán Việt đọc là Mai hay Mân nhưng Mai là từ đúng nhất. Từ điển của Đào Duy Anh, của Ban Tu Thư Nghiã Thục, của Huỳnh Tịnh Paulus Của đều chỉ ghi từ Mai. Còn Mân hay Môi chỉ là cách phát âm khác, của Mai. Từ điển của LM Trần Văn Kiệm đều viết Mai hay Mân là 玫. Bô Khang Hy Tự Điển ghi Mai và Môi đồng âm. Ngoài ra theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn thì thì Mân Côi hay Văn Côi được viết như nhau 玫瑰. Có nghiã là hoa hồng và đá ngọc. Từ điển này cũng viết dùng Văn Côi để chỉ sợi vân của ngọc.
Tóm lại theo các từ điển, từ Mai Côi là đúng nhất, các từ khác Mân, Môi, Văn chỉ là âm khác của Mai.
3.3.2 Côi và Khôi từ nào đúng? Theo nhiều từ điển như Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn, Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghiã Thục, Từ Điển Văn Học của LM Trần Văn Kiệm từ 瑰 [gui] Hán Việt đọc là Côi có nghiã là ngọc, là đá qúy và Côi cũng được phát âm là Khôi
4. Kết Luận
Dựa trên các từ điển Hán Việt được trích dẫn trên, từ Mai Côi là đúng nhất. Các từ khác Mân Côi, Môi Côi, Môi Khôi hay Văn Khôi chỉ là âm khác của Mai và Côi. Như vậy không thể nói chỉ có một từ Môi Khôi là đúng, các từ khác là đọc nhầm. Kinh sách Công Giáo lấy từ Mai Côi hay Mân Côi có nghiã là hoa hồng, không phải là ngọc qúy, để chỉ chục kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh vì theo tích truyện nói ở trên, Đức Mẹ đã lấy những đoá hoa hồng trên miệng của một tu sĩ đang đọc kinh kính mừng kính Đức Me để kết thành tràng hoa hay triều thiên đội trên đầu. Sở dĩ ít người hiểu được từ Mân Côi vì không ai nói hoa hồng là hoa mân côi. Chỉ có người Công Giáo dùng từ Mân Côi hay tràng hoa Mân Côi với ý nghiã bóng là kinh kính Đức Mẹ.