Ghi nhận về cuốn sách
VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM-Những chặng đường
Lê Đình Bảng. Nxb Tự điển bách khoa.
Tháng 8/2010.Bùi Công Thuấn
***
Có rất
ít công trình viết về lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Cho đến nay mới chỉ
có cuốn Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam của Võ Long Tê (Nxb Tư Duy.
1965) và một số bài viết của các nhà nghiên cứu: Gs Thanh Lãng, Gs Nguyễn Văn
Trung, các ông Phạm Đình Khiêm, Nguyễn Vy Khanh và gần đây Ts-Lm Nguyễn Đức
Thông…
Nhà
nghiên cứu văn học Lê Đình Bảng đã in bộ sách: “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (2009) do ông sưu tầm (gồm
6 cuốn, 4.088 trang) và cuốn “Văn học
Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” (2010). Đây là sự đóng góp hết sức
quý báu vào việc nghiên cứu văn học Công giáo, bước đầu giúp người đọc nhận ra
diện mạo văn học Công giáo trong dòng chảy của văn học dân tộc, và khơi gợi nhiều
vấn đề học thuật cần được tiếp tục nghiên cứu.
Trong
bài viết này, chúng tôi ghi nhận đôi điều về cuốn “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” như một cầu nối với
những nhà nghiên cứu trẻ sau này.
NỘI DUNG “VĂN HỌC CÔNG
GIÁO VIỆT NAM- Những chặng đường”
“Văn học Công giáo Việt
Nam-Những chặng đường” có 596 trang in với nhiều ảnh chân dung các nhà văn
nhà thơ, ảnh chụp trang bìa tự điển, bìa tác phẩm văn học, ảnh chụp báo chí, tư
liệu…
Nội dung có 6 chương. Mỗi chương có nhan đề riêng.
Chương
1: “TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU”. Tác giả đặt vấn
đề về: 1. Đức tin và văn hóa. Tôn giáo và
văn học. 2.Có văn học Công giáo Việt Nam không?
Về vấn
đế “có văn học Công giáo Việt Nam không”?
Tác giả băn khoăn: “Thật khó nghĩ, khó
tìm ra lời giải đáp thỏa đáng” (tr.48). Dẫn tên tuổi các nhà viết văn học sử, giáo sử Việt Nam như Dương Quảng
Hàm, Nghiêm Toản, Hồ Hữu Tường, Hoàng Trọng Miên, Phạm Văn Diêu, Hà Như Chi, Lê
Văn Siêu, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Nguyên Hồng, Phan Phát Huồn, Nguyễn Khắc
Xuyên, Phạm Đình Khiêm, Đỗ Quang Chính,…Tác giả kết luận: “Tóm lại qua các công trình nghiên cứu tổng quát hoặc chuyên khảo của
các tác giả trên, một số vấn đề căn cốt của văn học Công giáo, của văn học Công
giáo Việt Nam chưa được đặt ra. Chẳng hạn…diện mạo và đời sống văn học Công
giáo Việt Nam như thế nào trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam…” (tr.49)
Lê
Đình Bảng đặt vấn đề:
“Chẳng rõ là định kiến, là ngộ nhận hoặc thận
trọng? Giới nghiên cứu nói chung vẫn còn cảm tưởng, hình như văn học Công giáo
Việt Nam là một thế giới đóng kín, thuộc về một cõi riêng tư nào đó, biệt lập,
âm thầm, khó thâm nhập” (tr.50)
“Chúng tôi không dám bao biện, vơ vào. Nhưng
rõ ràng Công giáo, ít nhiều, đã khơi gợi trong lòng văn nghệ sĩ Việt Nam một gặp
gỡ mới mẻ, một đồng cảm khác lạ, tinh khiết, thiêng liêng nào đó…” (tr.52)
Chương 2: “CHẶNG VỠ ĐẤT GIEO TRỒNG” (Thế kỷ XVI-XVII)
Sau
khi liệt kê sự kiện lịch sử, ghi nhận tình hình truyền giáo, tác giả khái quát
tình hình văn học giai đoạn này gồm:
Về
hình thức: Hán, Nôm, Quốc ngữ.
Về
nội dung: Kinh nguyện, giáo lý, truyện tích, giáo sử, quốc sử, ngữ pháp, tự điển
văn thư, tường trình và thi ca.
Về
tác giả: Giáo sĩ, Thầy giảng, giáo dân. (tr.66)
Sau đó giới thiệu những khuôn mặt tiêu biểu và các thể loại
chính:
Girolamo
Majorica, A.de Rhodes. Thầy giảng Phan Chi cô (tr.86), Thầy giảng Gioan Thanh Minh (tr.107), Rafael Đắc Lộ (tr.110), Quốc sử, Giáo sử (tr.113), Kinh nguyện và Ca vãn (tr.115), Thầy cả Lữ Y Đoan và Sấm Truyền ca (tr.120).
Tác giả
kết luận về chặng “Vỡ đất gieo trồng”
(tr.126) như sau:
1.
Văn
học Công giáo Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XVII đã trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn truyền khẩu và giai đoạn thành văn. Sự tiến triển của
văn học Công giáo gắn liền với sự tiến triển của công cuộc truyền giáo (tr.127).
2.
Khuynh
hướng văn học và tác giả giai đoạn này khá phong phú, đa dạng.
3.
“Việc sáng tác thuần túy văn học chưa hẳn thành một phong trào hoặc chưa
thể hiện rõ nét những khuynh hướng”, “nhưng đã đặt cơ sở vững chắc cho nền văn
học Công giáo ở những chặng đường tiếp theo”(tr.128).
CHƯƠNG 3: “CHẶNG ĐƯỜNG ĐÂM CHỒI NẢY LỘC” (thế kỷ
XVIII-XIX)
Tác giả
liệt kê những sự kiện của bối cảnh lịch sử & văn học Việt Nam cùng với tình
hình truyền giáo (tr.131), từ đó giới thiệu văn học Công giáo
giai đoạn này có 2 đặc điểm:
1. Kế thừa văn học Công giáo thế kỷ
XVII cả về hình thức đến nội dung.
2. Vai trò quyết định của chữ Quốc ngữ
với những thể nghiệm thành công của báo chí và tiểu thuyết. (tr.133)
Và lần
lượt giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm giai đoạn này:
Inê tử đạo vãn (tr.134), Philippe Do Rosario Bỉnh (tr.138), Lm. Đặng Đức Tuấn (tr.148), Philipphê Phan Văn Minh (tr.164), Lm. Phêrô Trần Lục (tr.173), Nguyễn Trường Tộ (tr.182), Huỳnh Tịnh Của (tr.188), Trương Vĩnh Ký (tr.194), Danh sĩ Phêrô Phạm Trạch Thiện (tr.211), P.J.B Nguyễn Trọng Quản (tr.220)
Ghi nhận
thêm các tác phẩm: Truyện các thánh (tr.224), Kinh nguyện-Tu đức-Linh đạo, Giáo lý minh triết, Tự điển ngôn ngữ, Vãn và
tuồng (tr.226)
Tác giả
kết luận chung về giai đoạn này:
Đội
ngũ người cầm bút đông đảo. Thi ca là sở trường. Một số tác giả có ý thức dân tộc
(Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Trường Tộ). Một số thể loại văn học lần đầu xuất hiện:
báo chí và tiểu thuyết (tr.227)
CHƯƠNG 4: “CHẶNG ĐƯỜNG ĐƠM HOA KẾT TRÁI” (THẾ KỶ XX)
Liệt kê những sự kiện lịch sử (tr.235), tình hình truyền giáo và văn học Công giáo (tr.238), sau đó
tác giả trình bày “Diện mạo và văn học
Công giáo” gồm 6 loại: (tr.248)
1.Thánh kinh;
2. Bí tích-Phụng vụ-Giáo lý-kinh nguyện;
3. Triết học-Thần học;
4. Giáo sử-Kỷ yếu;
5.Văn kiện-thư chung;
6.Tự điển-ngôn ngữ, văn thơ và báo chí…
Phần miêu tả “diện mạo văn học Công
giáo”, tác giả chỉ nêu tên tác giả, tác phẩm,
thuộc 6 thể loại trên, không giới thiệu, không
phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật:
THÁNH KINH-PHÚC ÂM DIỄN CA
Tên tác phẩm (Danh mục tác phẩm dài 7 trang)
Thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam (tr.255), và giới thiệu 11 thư viện (tr.258).
PHỤNG VỤ-GIÁO LÝ-KINH NGUYỆN-TU ĐỨC (tr.261)
Tác phẩm
Giáo lý diễn ca, Huấn ca của: GM Hồ Ngọc Cẩn, JM Thích, Lê Thiện Bá, Trần Văn
Trang, ĐHY Phạm Đình Tụng, Vũ Đức Trinh, Mai Lâm, Đoàn Văn Hàm, Trần Văn Thi,
Bách Huyền, Đức Ông Xuân Ly Băng, Lm.Trăng Thập Tự, Vũ Ngọc Bích, Cao Vĩnh
Phan, Đinh cao Thuấn (tr.264)
THẦN HỌC-TRIẾT
HỌC (tr.267)
Nêu
tên tác phẩm (Danh mục dài 13 trang). Không phân tích đánh giá tư tưởng, giá trị
văn học.
VĂN KIỆN-THƯ
CHUNG-THƯ LUÂN LƯU-THÔNG CÁO (tr.281)
“Đây chỉ là những bản
văn mang nội dung tư liệu đánh dấu niên đại cùng các sự kiện của hội thánh địa
phương”. (danh mục
tác phẩm dài 6 trang).
GIÁO SỬ-NIÊN GIÁM-KỶ YẾU-LỊCH CÔNG GIÁO (tr.288)
Danh mục dài 10 trang. Thi ca cảm tác về giáo sử Việt Nam có
các tác giả (chỉ nêu tên tác giả): Lm.Trần Lục, Quận công Nguyễn Hữu Bài, GM
Nguyễn Bá Tòng, GM Hồ Ngọc Cẩn, JM Thích, Hoàng Văn Đoàn, Phúc Dân, Vũ Ngọc
Bích, Cao Vĩnh Phan, Đức Ông Xuân Ly Băng, Lm.Trăng Thập Tự, Lm. Nguyễn Xuân
Văn, Đinh Cao Thuấn (tr.299)
TỰ ĐIỂN, TỪ ĐIỂN, NGÔN NGỮ, BIÊN KHẢO VHNT, BÁO CHÍ (tr.300)
(Chỉ nêu tên tác phẩm, không phân
tích giá trị văn học).
TRUYỆN, CA VÃN, THƠ, TUỒNG KỊCH, THÁNH NHẠC (tr.314)
1.Truyện (tr.314)
Tác giả
đặt vấn đề: “Công giáo Việt Nam đã có những
thể loại này chưa? Câu hỏi thật khó trả lời (tr.315) chỉ thấy lác đác vài ba trường hợp, không hợp lưu thành một dòng chảy, một
khuynh hướng, một trào lưu văn học mang tính Công giáo”. Chẳng hạn, Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Lê
Hoàng Mưu…và nữ sĩ Thụy An. Thế là hết!” (tr.315).
Tác giả
khẳng định: Chúng ta có và đã có từ lâu một nguồn vốn không nhỏ, từ mảng “Các Thánh truyện” của Majorica, A.
Rhodes, Philiphe Bỉnh (tr.316)
2. Ca Vãn: (chỉ nêu tên tác phẩm. Không phân
tich gía trị văn học) (tr.321)
3.Thơ (tr.327)
Phần này tác giả viết một bài tùy bút dài. Và cho rằng “Kinh và thơ lẫn vào nhau”.
Giới
thiệu các khuôn mặt tiêu biểu (sơ lược tiểu sử và tên tác phẩm, không có đánh
giá văn học):
Lm Phêrô Trần Lục (tr.348).
Phêrô Giuse Nguyễn Hữu Bài (tr.350)
Giám
mục Đaminh-Maria Hồ Ngọc Cẩn.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thích (tr.351)
Lm. Giuse Maria Lê Quang Oánh (tr.352)
Phêrô Phanxi cô Hàn Mạc Tử (tr.353)
Các tác giả sau 1975:
Phêrô Phạm Đình Tân (tr.355), GM Giuse
Bùi Tuần (tr.355), Lm Giuse Vũ Ngọc
Bích (tr.356), Lm Gérad Gagnon Nhân (tr.356), Giuse
Mai Lâm (tr.357), Maria Ngọc Minh (tr.357), Lm Giuse Vũ Đức Trinh (tr.358), Giuse Nguyễn Duy Nhiên (tr.359),
Phêrô Long Giang Tử (tr.360), Lm F.X Nguyễn Xuân Văn (tr.360), Đức ông GB Xuân Ly Băng, Gioan Võ
Long Tê (tr.362), Lm Phêrô Vũ Đình Trác (tr.363), Pierre Đỗ Đình (tr.364), Giuse Bàng Bá Lân (tr.366), Paul Thérèse Hồ Dếnh (tr.367).
Thơ
trong di cảo người đã khuất (tr.368).
Thơ của người đã quen hoặc mới quen
(tr.370):
(Chỉ
nêu tên tác giả & tên tác phẩm. Không phân tích gía trị văn học)
Trăng Thập Tự, Đơn Phương, GM Nguyễn Văn Sang,
Hoành Sơn, Lm Trương Đình Hòe, Lm. Nguyễn
Tầm Thường, Tống Huệ Thi, nữ tu Mai Thành, Nhất Tuấn, Trần Vạn Giã, Phạm Thi Thái Quý, Lê Đình Bảng, Trần Quang
Chu.
Thơ
trên báo chí trước 1975 (tr.371): Chỉ nêu tên tác giả:
Xuân
Ly Băng, Trăng Thập Tự, Mạc La Đình, Đình Quang, Nguyễn Tầm Thường, Sao Vườn Dầu,
Đỳnh Bảng, Phan Sĩ Hoàng, Nguyễn Quốc Thái, Hoài Diệu, Từ Khang yến, Thanh Huệ,
Từ Linh, Hoàng Ngọc Liên, Sâm Thương, Lê Minh Bình Dương, Lý Thụy Ý, Trang Thu Thủy…(tr.372)
Thơ
trong các tuyển tập (tr.372)
4. Tuồng, Kịch (tr.372)
Giới thiệu tên 20 tuồng Công giáo (danh mục
dài 6 trang) từ 1910 đến 1940. Không phân tích giá trị văn học.
5. Kết luận (tr.393):
Tác
giả liệt kê tên các GS dạy triết Đông, Triết Tây, các học giả, các nhóm văn
bút, nhóm báo chí, nhưng không có tên nhà thơ nhà văn nào (tr.399).
“Nhưng tiếc thay, nửa
đường đứt gánh!...Thật buồn khi đọc văn học sử và báo chí Việt Nam, đỏ con mắt
mà chẳng tìm thêm ra được bóng dáng một tác giả, một tác phẩm Công giáo…Có
chăng nơi những hiệu sách, nơi những thư viện nhà đạo, toàn là kinh nguyện, thần
học, tu đức, quá xa lìa, cách ngăn đối với
đời sống văn học nghệ thuật”(tr.400)
CHƯƠNG 5: “GẶP GỠ NHỮNG DÒNG SÔNG”
Khái lược Văn học Công giáo. Thơ chiếm 72,6%. (Tr.401)
Có bài
sưu tầm:
1.Về một số sách cũ do
người Công giáo viết ra từ thế kỳ 17 đến Tk 19. (tr.405).
Bài của Nguyễn Văn
Trung.
2.
Mảng Nôm đạo thế kỷ 17. (tr.408)
3.
Mảng Quốc ngữ. (tr.409)
- Tầm quan trọng của
các bản văn Nôm thế kỷ 17 do giáo sĩ Majorica viết (tr.412).
Bài của Nguyễn Văn
Thọ.
- Đọc Phép giảng tám
ngày nghĩ về những người có lòng với văn hóa (tr.419). LĐB.
-Tự vị Taberd và di sản
văn hóa Việt Nam (tr.425). Bài dài 14 trang
của Trần Văn Toàn.
-Truyện Thầy Lazarô Phiền
của Nguyễn Trọng Quản những đóng góp vào kỹ thuật văn hư cấu (Fiction) trong
văn học Việt Nam (tr.443). Bài dài 8 trang của GS Hoàng Dũng.
-Cha Léopol Michel
Cadière (tr.453). Bài dài 20 trang của của Lm G.
Lefas. LĐB dịch
-Có chăng một nền văn
hóa Công giáo Việt Nam (tr.474). Bài dài
10 trang của
Lm Thiện Cẩm
CHƯƠNG 6. “MỘT CHÚT TÂM TÌNH CỎ HOA” (tr.491)
Chia sẻ 3 bài cảm nhận:
- Chút tâm tình cỏ hoa
(tr.494)-Lê Đình Bảng.
- Ki Tô giáo trong giao
lưu văn hóa Tây phương với Việt Nam (tr.504) - Nguyễn Văn Trung
- Cái hằng ngày (tr.517), không ghi tác giả. Chỉ ghi: Trích
chương “Một nền văn hóa đại chúng trong “Đạo Chúa vào Việt Nam” (bản thảo).
Phụ lục 1:
Gửi giới văn nghệ sĩ (tr.535). Hồng Y L. Suénens tuyên đọc.
Gửi giới trí thức (tr.537). Hồng Y P. Léger tuyên đọc
Có vô việc phát triển văn hóa (tr.539). Thánh Công đồng Vaticano II.
MỘT VÀI GHI NHẬN
Giá trị hàng đầu của “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường”
là ghi được khuôn mặt các tác giả, tác phẩm, các hiện tượng, các thành tựu văn
học Công giáo của các thế kỷ XVI-XVII; XVII-XIX; XX; qua đó khắc họa những đường
nét chính của diện mạo văn học Công giáo trong lịch sử, giúp người đọc hôm nay
có cái nhìn toàn cảnh sáng tác văn học của cha ông, không còn bị khuất lấp như
trước kia. Qua việc miêu tả đời sống văn học, tác giả khẳng định có một nền văn
học Công giáo đông đảo về tác giả, phong phú về thể loại và nghệ thuật, đóng
góp vào dòng chảy chung của văn học dân tộc, điều mà các nhà nghiên cứu thế tục
còn e dè, giữ thái độ cẩn trọng.
Tác phẩm cũng bước đầu hình thành một phương pháp nghiên
cứu lịch sử văn học Công giáo có tính học thuật, mặc dù tác giả tự nhận “chỉ là cách làm chủ quan của người biên tập,
bởi tác giả tác phẩm Công giáo dường như không thuộc phạm trù “trường phái” hoặc
“khuynh hướng” văn học rõ rệt mà ta thường thấy dưới ngòi bút các nhà viết văn
học sử” (tr. 247). Ở mỗi chương, Lê Đình Bảng trình bày
đặc điểm của bối cảnh lịch sử, tình hình công cuộc truyện giáo, từ đó ghi nhận,
đánh giá sự phát triển của văn học Công giáo. Sau đó, ông đi sâu giới thiệu những
tác giả tiêu biểu, những tác phẩm có giá trị nổi bật. Kết thúc mỗi thời kỳ văn
học đều có phần đánh giá và chỉ ra các đặc điểm chung.
Một giá trị khác của tác phẩm là tư liệu. Tác phẩm là một
kho tư liệu hết sức quý giá. Cuốn sách như một “lược đồ”, rồi từ đó, đi đến tận
ngọn nguồn tư liệu. Điều này giúp ích rất lớn cho những nhà nghiên cứu đi sau.
Họ không phải mất công mò mẫm tìm đường và tìm tư liệu. Căn cứ vào “lược đồ” Lê
Đình Bảng đã vẽ ra, họ sẽ đi nghiên cứu chuyên sâu, khám phá thêm các giá trị của
văn học Công giáo mà ông Lê Đình Bảng (trong giới hạn của hoàn cảnh) chưa có thời
gian nghiên cứu kỹ hơn. Thí dụ, có rất nhiều tên tuổi của văn học Công giáo thế
kỷ XX chưa được nghiên cứu. Đặc biệt là phần từ sau 1975 đến nay.
Những ghi nhận sau đây cần được
nghiên cứu thêm:
Lệ Đình Bảng chưa có được một tiêu chuẩn khoa học để phân
kỳ lịch sử văn học Công giáo. Cuốn sách chỉ là “Cái nhìn lịch sử về văn học Công giáo”, chưa phải là một cuốn Lịch sử văn học Công giáo”. Văn học Công
giáo trong cuốn sách được phân kỳ theo thế kỷ và được đặt tên hoa mỹ, không phản
ánh trung thực lịch sử văn học.
Thí dụ:
Lm Trần Lục vừa được giới thiệu ở chặng
đường thế kỷ XVIII-XIX (tr.173), vừa ở chặng đường thế kỷ XX (tr. 348).
Thí dụ:
Chặng đường “Đơm hoa kết trái” (thế kỷ XX), sau khi giới thiệu rất nhiều tên
tuổi tác giả, Lê Đình Bảng kết luận (tr.393): trong rất nhiều tên tuổi các GS dạy triết Đông, Triết Tây, các học giả,
các nhóm văn bút, nhóm báo chí, không có tên nhà thơ nhà văn nào (tr.399). “Có chăng nơi những hiệu sách, nơi những thư viện nhà đạo, toàn là kinh
nguyện, thần học, tu đức, quá xa lìa,
cách ngăn đối với đời sống văn học nghệ thuật”(tr.400), vậy sao có thể nói văn học Công giáo
thế kỷ XX là “đơm hoa kết trái”?
Chưa có phần đánh giá chung lịch sử văn học Công giáo,
chưa tổng kết xem văn học Công giáo đã đóng góp những gì làm phong phú văn học
dân tộc? Chưa khẳng định được đâu là những khuôn mặt nhà thơ, nhà văn, nhà
nghiên cứu văn học Công giáo có vị trí sánh ngang với các nhà văn của văn học
dân tộc. Cho đến nay, các nhà thơ nhà văn Công giáo cũng chỉ được biết đến
trong phạm vi “nhà đạo”. Không có tên tuổi nào sánh ngang Nguyễn Trọng Quản,
Hàn Mạc Tử, được lịch sử văn học dân tộc vinh danh.
Một vấn đề khác cũng cần được nghiên cứu sâu hơn là “thế nào là nhà văn Công giáo”, “thế nào là một tác phẩm văn học Công giáo”?
Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng xếp nữ sĩ Thụy An (tr.315) với tiểu thuyết Một
linh hồn (1943) và nhà thơ Lý Thụy Ý (tr. 372) vào danh mục nhà văn nhà thơ Công giáo, điều này cần phải được đánh giá
lại.
Thụy
An là một người Công giáo, nhưng cuối đời, bà cải đạo sang Phật giáo, quy y với
pháp danh Nguyên Quy. Tiểu thuyết “Một
linh hồn” chỉ là một truyện tình lãng mạn trong dòng văn chương thị trường giai đọan 1930-1945, lấy bối cảnh Công giáo
(giống như Hồn bướm mơ tiên của Khái
Hưng lấy bối cảnh chùa chiền). Nội dung truyện hoàn toàn sai lạc với luân lý
Công giáo, vì thế không thể coi Thụy An là nhà
văn Công giáo, không thể đặt Một linh
hồn bên cạnh những tác phẩm văn học
Công giáo. Cũng giống như không thể coi cuốn sách Tây Dương Gia Tô bí lục (chữ Hán, in 1812) là tác phẩm văn học Công
giáo. Đó là cuốn sách bịa đặt, nhảm nhí, xuyên tạc, một loại “ngụy thư”, nhằm mục đính “đánh phá” Ki Tô giáo. Cuốn
sách này được Lê Đình Bảng nhắc đến trong tác phẩm (tr.241). Nhà thơ Lý Thụy Ý làm thơ tình yêu
hướng đến người lính Cộng hòa. Có một số bài có chất liệu Ki Tô giáo, nhưng đó
không phải là văn chương Công giáo. Chất liệu Ki tô giáo chỉ là mốt thời thượng.
Vì không có tiêu chuẩn cụ thể để xếp loại tác phẩm văn học
Công giáo nên Lê Đình Bảng gom tất cả tư liệu văn hóa Công giáo vào trong “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường”.
Ở chương viết về văn học Công giáo thế kỷ XX, ông trình bày diện mạo văn học
Công giáo gồm 6 loại: (tr.248)
1.Thánh kinh;
2. Bí tích-Phụng vụ-Giáo lý-kinh nguyện;
3. Triết học-Thần học;
4. Giáo sữ-Kỷ yếu;
5.Văn kiện-thư chung;
6.Tự điển-ngôn
ngữ, văn thơ và báo chí…
Trong 6 loại trên, chỉ có “văn thơ”
là thể loại văn học, còn lại là sách tôn giáo, sách
triết học, sách ngôn ngữ
và những văn bản nhật dụng (gọi chung là văn hóa phẩm). Thành ra nếu chỉ chọn
sách văn học, thì “vốn liếng văn học Công
giáo” sẽ không nhiều, và có thể chưa đủ để hình thành một “lịch sử văn học”. Cho nên ông mới than
thở: “Thật buồn khi đọc văn học sử và báo
chí Việt Nam, đỏ con mắt mà chẳng tìm thêm ra được bóng dáng một tác giả, một
tác phẩm Công giáo…”(tr.400)
Trong cách viết, các phần trình bày không cân đối. Thí dụ,
phần Thơ (tr.327) được viết như một tùy bút rất dài (21
trang). Ông viết say sưa bay bổng và tâm đắc (bởi ông là nhà thơ). Phong cách
ngôn ngữ khoa học cần có đối với một công trình nghiên cứu phải nhường chỗ cho
kiểu ngôn ngữ nghệ thuật, chủ quan, cảm tính, và vì thế, cuốn sách tràn đầy cảm
xúc nghệ sĩ của tác giả.
Xin đọc: “Bởi thế,
trước sau Hàn Mạc Tử, thi nhân Công giáo ở Việt Nam tuy đông đảo nhưng vẫn chỉ
là những ngôi sao lẻ loi, sống và viết
lặng lẽ âm thầm. Viết vì đức tin lòng đạo, viết để ngợi ca, viết như lời cầu
nguyện trong khung cảnh dòng tu, nhà thờ, xứ đạo làng quê hơn là muốn góp mặt
góp tiếng với trận bút trường văn. Đã có nhiều, khá nhiều tác giả mai danh ẩn
tích, nhiều tác giả chịu thiệt thòi cam phận khuyết danh, vô danh, tam sao thất
bản hoặc mất tăm mất tích luôn. Đến nỗi đã có dư luận bảo đó là “ngoại thư”, là
“dã truyện”, là “bí lục” hoặc “ngụy tín”. Thành thử ra, suốt mấy trăm năm qua, người Công giáo Việt
Nam bị mang tiếng là “ngoại giáo”, trong tay chẳng có gì làm của riêng, vốn
riêng đóng góp vào gia tài văn học Việt Nam? Tội nghiệp…” (tr. 341).
Đoạn văn trên được viết bằng kiểu câu dài, cảm xúc mạnh mẽ.
Phép trùng điệp làm nồng cháy trang văn. Và để “nâng” sự cộng hưởng cảm xúc nơi
người đọc, ông bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình. Ông viết: “Tội nghiệp…” như một tiếng ngậm ngùi
trĩu lòng. Về nội dung, Lê Đình Bảng nêu nhiều vấn đề trong “suốt mấy trăm năm qua” nhưng không có một
dẫn chứng cụ thể nào! Đâu là “ngoại thư”?
Đâu là “dã truyện”? Đâu là “bí lục”? Tác phẩm nào là “ngụy tín”? Phải chăng Lê Đình Bảng muốn
nhắc đến cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục (1812)? Đây là cuốn sách nhảm
nhí, bịa đặt, xuyên tạc để “đánh phá” Ki Tô giáo, sao được kể là “văn học Công
giáo”? “Ngụy tín” là một từ để chỉ lòng tin mù quáng sai lạc, không có sách nào
gọi là sách “ngụy tín”, chỉ có “ngụy thư”.
Cũng về nội dung diễn đạt, Lê Đình Bảng không xác lập thế
nào là tác phẩm văn học khi ông gom tất cả các sách của “nhà đạo” và chung thuật
ngữ “văn học”. Sách “Viết vì đức tin lòng
đạo,… viết như lời cầu nguyện trong khung cảnh dòng tu, nhà thờ, xứ đạo…” thì
đó là sách tôn giáo, không phải sách văn học. Câu văn sau đây có vấn đề về phép
kết nối, tạo ra sự hàm hồ về nghĩa: “Đã có
nhiều, khá nhiều tác giả mai danh ẩn
tích, nhiều tác giả chịu thiệt thòi
cam phận khuyết danh, vô danh, tam sao
thất bản hoặc mất tăm mất tích luôn. Đến nỗi đã có dư luận bảo đó là “ngoại thư”, là “dã truyện”, là
“bí lục” hoặc “ngụy tín””. Hai lần
Lê Đình Bảng nói đến “tác giả”, tức là người, sao người lại có thể bị “tam sao thất bản”, lại bị gọi là “ngoại thư”(tức là sách)? Câu văn ấy phải
thêm vào cụm từ: “đã có nhiều tác phẩm bị”
đặt trước chữ “tam sao thất bản” mới
ra nghĩa.
Trong
đọan văn trên, có một nhận định không đúng về Lý luận văn học. Lê Đình Bảng viết:
“Đã có nhiều, khá nhiều tác giả mai danh ẩn
tích, nhiều tác giả chịu thiệt thòi cam phận khuyết danh, vô danh, tam sao thất
bản hoặc mất tăm mất tích luôn”. Khi không có tác phẩm (mất tăm mất tích), khi không có tác giả
(mai danh ẩn tích) thì sao gọi là tác
giả, tác phẩm văn học được. Một bản thảo chỉ trở thành tác phẩm khi được in ấn,
công bố và có người đọc. Cũng vậy, người viết chỉ trở thành tác giả khi tác phẩm
mình viết ra, được công bố và có người đọc. Một người viết vô danh, một cuốn
sách mất tăm mất tích thì đâu phải là
văn học! Thành ra khi Lê Đình Bảng thở than cho tác giả vô danh, tác phẩm mất tăm mất tích thì đó không phải là những
cảm xúc thật. Người đọc buộc phải hoài nghi về giá trị thông tin khoa học của
những gì ông viết.
Có lẽ
lối viết “tùy bút” của Lê Đình Bảng không phù hợp với thể loại nghiên cứu.
Riêng
chương 4: Chặng đường đơm hoa kết trái
(thế kỷ XX), Lê Đình Bảng không phân tích giá trị văn học của bất cứ tác giả, tác phẩm nào. Một
số tác giả có được giới thiệu tiểu sử và tên tác phẩm. Còn lại, rất nhiều tác
giả, tác phẩm chỉ được nêu tên mà không được phân tích giá trị văn học. Có lẽ
vì thế Lê Đình Bảng không có khám phá gì về những đặc điểm của văn học Công
giáo trong giai đoạn này. Chẳng hạn, tính chất “hiện đại hóa” văn học với thể
loại truyện của Nguyễn Trọng Quản, thơ Hàn Mạc Tử và Tuồng Thương khó của Nguyễn Bá Tòng…. Cả chương chỉ có giá trị tư
liệu, thống kê tư liệu. Tính chất nghiên cứu “Lịch sử văn học” chưa được triển
khai.
Điều
này có thể giải thích được. Sang thế kỷ XX, số lượng tác giả, tác phẩm của người
cầm bút Công giáo đã tăng lên rất nhiều. Để đọc hết tác phẩm của các tác giả ấy,
Lê Đình Bảng cần nhiều thời gian. Vì thế ông chỉ vẽ những nét chính của “bảng
lược đồ” văn học Công giáo để người đi sau tiếp tục nghiên cứu. Cũng vì thế ông
mới có sự ngộ nhận về tiểu thuyết Một
Linh hồn (Thụy An) và thơ lính
(Lý Thụy Ý) như tôi đã nêu ở trên. Xin đơn cử. Chỉ riêng trên tuần báo Nam Kỳ Địa
Phận (1908) đã quy tụ nhiều tác giả nổi tiếng một thời như: Matthêu Hồ Tấn Đức, Jacques Lê Văn Đức, Nguyễn Hữu Bài,
Hồ Ngọc Cẩn, Huỳnh Tịnh Hướng, Nguyễn Văn Thích, Lê Thiện Bá (Phêrô Nghĩa),
Trần Văn Trang, Nguyễn Bá Tòng, Paul Vàng, Antoine Phi, Gabriel Hữu, Phaolô
Qui, Phaolô Đạt, Nguyễn Cang Thường, Bá Đa Lộc Linh Đài, P.
Đỗ Thới Của, Hồng Lam, An Phang,
E.Thành Thông, Paul Tạo, Nguyễn Ngọc Quang, Francois Hữu Tâm, P.
Nguyễn Hữu Lượng, F.X. Lê Vĩnh Khương.
Do tính chất tư liệu chi phối nên Lê
Đình Bảng đã đưa nhiều tư liệu tham khảo (21 bài) vào cuốn sách “Văn
học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường”. Ngoài các bài ở chương 5: “Gặp gỡ những dòng sông” đứng biệt lập,
những bài tham khảo khác được in trong phần nghiên cứu thay cho bài nghiên cứu
của tác giả. Chẳng hạn bài viết về Girolamo Majorica của Thanh Lãng (tr.66), bài viết về A. de Rhodes của Phạm Thế
Ngũ và Đỗ Quang Chính (tr.75), bài viết về Philippe Do Rosario Bỉnh
của Thanh Lãng (tr.138), bài viết về Philipphê Phan Văn Minh
của Phạm Đình Khiêm và Võ Long Tê (tr.164), về Cụ Sáu Trần Lục của Hoàng Xuân Việt (tr.176), Nguyễn Trường Tộ của Trương Bá Cần (tr.182), bài viết về Tuồng thương khó của Doãn Phương (tr. 382)…
Việc
đưa thêm bài tham khảo vào sách có làm phong phú nội dung nghiên cứu, dù vậy
nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng nên có những “phản biện” về nội dung những gì tham
khảo. Thí dụ bài “Thương khó, vở kịch nói và vở Opera đầu tiên ở Việt
Nam” của Doãn Phương phỏng vấn nhà nghiên cứu sân khấu Lê Thanh Hiền. Xin
lưu ý rằng có sự lẫn lộn giữa “Tuồng thương khó” của Nguyễn Bá Tòng
với kịch nói “Thương khó” và Opera
Thương khó (tr.
382) mà ông Nguyễn Thanh
Hiền nói đến. “Tuồng Thương khó” của
Nguyễn Bá Tòng mới là tác phẩm ghi dấu ấn về thể loại sân khấu ở đầu thế kỷ XX.
THAY LỜI KẾT
Có nhiều vấn đề văn học cần được tiếp
tục nghiên cứu trong cuốn sách “Văn học
Công giáo Việt Nam-Những chặng đường”.
Đó là vấn đề xác lập thế nào là tác phẩm văn học Công giáo? Nhà
văn Công giáo có những phầm chất gì? Cũng cần phân biệt văn chương phong trào (văn chương bình
dân) với với văn chương nghệ thuật
(văn chương bác học/ văn chương chuyên nghiệp). Sự khác biệt giữa tác giả phong
trào (người cầm bút Công giáo dùng văn chương làm phương tiện truyền giáo, viết
theo quán tính) với nhà thơ, nhà văn là người sáng tạo “Cái Đẹp”. Việc phân kỳ
lịch sử văn học Công giáo dựa trên những tiêu chí nào? Cần phải chỉ ra những
trào lưu nào chảy suốt lịch sử văn học (thí dụ dòng Diễn ca kinh thánh, dòng Huấn
ca, Hạnh các thán). Văn học Công giáo có những đóng góp gì làm phong phú văn học
dân tộc (thí dụ, văn học Công giáo góp phẩn đưa văn học Việt Nam thoát ly khỏi ảnh
hưởng văn học Trung Quốc, hội nhập với văn học phương Tây và hiện đại hóa nền
văn học dân tộc). Bối cảnh lịch sử xã hội và công cuộc truyền giáo ảnh hưởng thế
nào với sự phát triển của văn học Công giáo? Giáo hội có vai trò gì trong việc
loan báo Tin Mừng bằng văn hóa, văn học? Những nhà văn nào, những tác phẩm nào
là tiêu biểu cho văn học Công giáo, sánh ngang hoặc đi trước văn học dân tộc?
Nguyên nhân nào khiến cho văn học Công giáo không được công chúng và giới
nghiên cứu văn học thế tục chú ý?...
“Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường”
có thể gợi mở cho những vấn đề đó. Bởi tác phẩm này là nguồn, là “bảng lược đồ”
là những đường nét đầu tiên của diện mạo văn học Công giáo Việt Nam mà những
nhà nghiên cứu đi sau nhất thiết phải tham khảo, phải nghiên cứu, phải đối thọai,
để Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam
được khẳng định và trở thành dòng chảy chung trong lịch sử văn học Việt Nam. Chỉ
bấy nhiêu thôi thì tâm huyết, công sức và tài năng của nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng
cũng đã được ghi nhận. Ông đã đặt một mốc son trong hành trình chung của việc
nghiên cứu văn học Công giáo Việt Nam.
Việc ghi nhận của chúng tôi không tránh được cái nhìn chủ
quan, mong là sự gợi mở những vần đề, để các nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục. Văn học Công giáo Việt Nam đang gọi mời
những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, những tấm lòng và tài năng của giáo hội
tham gia.
Tháng 10/ 2021
________________________________
[1] Nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Bảng Sinh ngày 17.9.1942 tại làng Đình Bảng,
Từ Sơn, Bắc Ninh. Quê: Thọ Cách, Thái Thụy, Thái Bình. Học Tiểu chủng viện Mỹ Đức
(Thái Bình), Phan Rang và Phanxicô Savie (Bùi Chu) Sài Gòn, ĐCV Lê Bảo Tịnh -
Gia Định (1958-1960). Tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Việt Hán - ĐH Văn khoa Sài
Gòn (1966), ĐH Sư Phạm Sài gòn -Việt Hán (1971). Ông đã in các tập thơ: Bước chân giao chỉ (Sài gòn 1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời
tự tình của bến trần gian (2012), Ơn
đời một cõi mênh mang (2014), Kinh buồn
(2014), và các tập thơ được phổ nhạc: Đội
ơn lòng Chúa bao dung (2012), Lời khấn
nhỏ chiều Chúa nhật (2012), Về cõi trời
mênh mang (2012).