Ánh nắng ban mai rọi vào ô cửa hắt lên một vệt sáng dài. Cụ bà Lapia bước tới cánh cửa, ngửa mặt cho nắng soi vào da thịt mình.
Một nỗi buồn song song với một niềm vui nhen nhóm trong lòng bà.
Một chú ve nhỏ, núp trên tán cây ngoài sân, chợt cất lên tiếng hát. Lòng cụ bà Lapia như mở ra. Lạy Chúa! Bao lâu rồi Lapia đáng thương không còn hát?
Những ngày xưa lắm, bên bếp lửa trong ngôi nhà sàn nhỏ, có một Lapia trẻ trung suốt ngày ca hát. Cô gái Lapia là con chim sơn ca của núi rừng, ca hát, nhảy múa, hát trong ca đoàn nhà thờ, hát trong các mùa lễ hội. Và đêm đêm bên bếp lửa nhà sàn, Lapia hát lên những trang sử thi hào hùng của dân tộc mình. Những người đàn ông và những người đàn bà thuở hồng hoang, sống cùng thú dữ. Phải đi trong rừng sâu mênh mông tìm lửa. Đi trong bóng tối, nắm tay nhau, truyền hơi ấm cho nhau. Họ tìm thấy lửa như tìm thấy Chúa Trời. Lửa tỏa sáng khắp buôn làng như tình yêu của Chúa đã phủ ấm ngôi làng nhỏ âm u. Những người đàn ông và những người đàn bà, có thêm những đứa trẻ nhảy múa bên đống lửa, ca ngợi Chúa và Ánh Sáng.
Cô gái Lapia đã hát những khúc ca đó bằng giọng hát trong veo tuổi trẻ. Rồi cô lấy chồng, sinh con, mang con đến nhà thờ trên đôi chân hạnh phúc. Lapia đã biết thế nào là hạnh phúc như con chim hót líu lo bên suối khi xuân về. Không có ngày buồn, chỉ có những ngày vui.
Một cơn lũ đã quét ngang dòng sông mẹ, cuốn phăng nhà cửa trong làng. Lapia và một số người sống sót. Nhưng chồng và con thì đã trôi theo dòng lũ. Kể từ ngày đó Lapia không còn niềm vui, cũng không còn hát nữa.
Như chưa đủ, một cơn bệnh đổ ập xuống Lapia và một số người dân trong làng. Căn bệnh cùi. Ban đầu là những vết đỏ không cảm giác. Rồi Lapia bị rụng mất những ngón tay. Da thịt bầy nhầy. Cha xứ đã giúp Lapia và những bệnh nhân cùi về bệnh viện phong. Lapia đã được chữa trị ở bênh viện phong. Bệnh lành rồi nhưng Lapia không muốn quay về làng với hình hài kì lạ. Hai bàn chân và hai bàn tay cụt ngón. Mặt sứt sẹo. Lapia cũng đã trở thành bà cụ già theo thời gian. Bà cụ Lapia và những bệnh nhân cùi đã dựng nhà cách xa khu dân cư, trong rừng sâu hoang vắng. Tự trồng trọt, có gì ăn nấy. Vậy mà cũng ngót gần chục năm. Những con chiên cùi của Chúa vẫn sống sót. Họ còn cất được một nhà rông. Làm nơi cầu nguyện với Chúa. Mỗi chiều Chúa Nhật, cha xứ ở giáo xứ gần đó tới giúp họ dâng thánh lễ.
Ánh nắng ban mai và tiếng hát của chú ve nhỏ đầu mùa làm bà cụ Lapia chợt nhớ về cuộc đời mình. Bao lâu rồi Lapia không hát? Chúa đã cho Lapia giọng hát. Chúa không có lấy đi. Nhưng những nỗi đau buồn, chồng con mất, bệnh tật, đói nghèo, suy sụp tinh thần…làm Lapia không còn cất tiếng hát.
Sao ta lại không hát vào một ngày đẹp thế này?
Cụ bà Lapia bước ra cửa, đi dạo quanh sân nhà, ra khỏi cái cổng cây, nhìn con đường trước mặt. Bên những nhà hàng xóm, có những cụ bà, cụ ông, tay chân cùi như cụ bà Lapia. Họ cũng có những mảnh đất nhỏ tự khai phá trồng ít hoa rau. Tự trồng bằng đôi bàn tay không còn ngón.
Sao ta lại không hát khi Chúa cho ta giọng hát trong cuộc đời này?
Cụ bà Lapia móm mém cười. Đứng ở giữa sân, dưới bóng râm của một tán cây. Cụ bà Lapia cất giọng hát. Mấy mươi năm rồi có lẽ. Cụ bà Lapia hát về sử thi dân tộc mình. Những người đàn ông và những người đàn bà một thời đi tìm lửa, tìm Ánh Sáng cũng như tìm Chúa Trời. Họ trở về trong khúc hoan ca. Cụ bà Lapia hát tiếp về cuộc đời của cha ông mình. Những lần đánh nhau với thú dữ, cọp beo, sói rừng, con khỉ đầu đàn cụt đuôi hung ác. Giọng cụ bà trầm lại như muốn khóc khi hát về những nỗi buồn.
Khi người con trai yêu người con gái không thành. Khi người con trai lấy được người con gái nhưng đứa bé và người con trai đã bị lũ cuốn trôi theo dòng suối. Tiếng hát ai oán thoát ra từ cổ họng trầm đục.
Những người hàng xóm bắt đầu tụ tập tới nghe. Họ ngồi thành vòng tròn xung quanh cụ bà Lapia. Những người đang ở ngoài đồng cũng nghe thánh thót giọng cụ bà Lapia. Lâu rồi họ mới nghe. Huyền thoại về một giọng ca thánh thót mà hồi còn trẻ họ từng nghe bên bếp lửa. Mãi đến bây giờ, sau một thời gian dài im lặng, giọng ca ấy mới cất lên.
Buồn quá! Chia ly và tang tóc. Cơn lũ dữ đã quét đi tình yêu và hạnh phúc của biết bao nhiêu người, trong đó có Lapia. Giọng hát cụ bà Lapia đẫm đầy nước mắt. Và cơn gió buồn còn thổi tới. Nỗi buồn xa làng xóm đông vui, xa dòng suối, nương rẫy quen thuộc. Nỗi buồn đau đáu là phải chôn đi những ngón tay, ngón chân mình.
Chúa có biết nỗi buồn của những con chiên cùi khi chôn đi một phần cơ thể yêu dấu? Có. Chúa biết. Chúa nghe. Chúa vẫn an ủi những con chiên cùi đáng thương bằng cách này hay cách khác.
Cơn gió buồn rồi cũng đi. Cơn gió vui đã trở lại theo tấm áo choàng linh mục. Những con tim buồn được an ủi trong những thánh lễ vừa được gây dựng, trong ngôi nhà rông còn thơm mùi gỗ mới. Như nắng hôm nay, rạng rỡ trên đường làng, trên ruộng nương vừa khai phá, lung linh trên gương mặt và trong lòng cụ bà Lapia.
Chúng ta có nắng. Chúng ta có Chúa. Có niềm tin, có hi vọng.
Cụ bà Lapia không ngừng hát, hát say sưa, hát như chưa bao giờ được hát. Rất lâu rồi, trái tim đã đóng, cổ họng đã câm, ánh sáng đã tắt lịm. Mà nay, chỉ một vệt nắng nhỏ mà mọi thứ đã khơi gợi, bùng cháy lại những khát khao.
Chúa cho Lapia tiếng ca. Lapia nhất định phải hát, để ca ngợi Cái Đẹp và Tình Yêu Chúa.
Cụ bà Lapia hát say sưa. Những con chiên cùi ngồi quanh cũng hòa vào giọng hát. Họ hát từ ban sáng tới ban trưa. Từ hoàng hôn cho tới khi ánh trăng đêm chợt nhú. Chú ve ban sáng đã ngủ. Nhưng những giọng ca vẫn còn vang.
Một ngày Chúa Nhật, xóm người cùi của cụ bà Lapia bỗng nhận được một tin vui. Ngôi nhà rông chính thức trở thành ngôi nhà thờ cho xóm đạo. Sẽ có cha sở về. Sẽ có các sơ và các hội đoàn. Sẽ có một ca đoàn hát ca ngợi Chúa. Và ca đoàn của những con chiên cùi cũng sẽ tham gia thi hát thánh ca mừng kỉ niệm 50 năm Hồng ân Giáo Phận.
Làm sao có thể tin được niềm vui mới mẻ này? Những con chiên tưởng như bị hạt bên lề, bị bỏ rơi lại được hòa nhập vào dòng chảy của Giáo phận. Được cất lên tiếng hát của mình một cách tự tin.
Một ca đoàn nhanh chóng được thành lập. Gìa trẻ, lớn bé, gái trai gì cũng tham gia được tất. Chỉ cần có giọng hát hay và khát khao được hát ca ngợi Thiên Chúa. Cụ bà Lapia là giọng so lo chính. Bà cụ móm mém cười khi ma sơ tập hát. Giờ cụ bà Lapia hát khắp mọi nơi, hát bên bếp lửa nhà mình, hát ngoài sân, hát trên đường đến nhà thờ, hát trong thánh lễ… Cụ bà Lapia hát như bù lại những tháng năm buồn khổ, khi bà không thể cất tiếng vì quá đau buồn. Giờ phải hát bù để ca ngợi Chúa thôi.
Ngày thi hát thánh ca mừng lễ kỉ niệm 50 năm Hồng ân Giáo Phận cũng đến. Cụ bà Lapia và những thành viên ca đoàn xúng xính mặc đồng phục ca đoàn. Một bộ váy dệt thổ cẩm tuyệt đẹp. Những thành viên ca đoàn giống như những bông hoa rừng bên suối.
Lần đầu tiên ra khỏi giáo xứ mình. Lần đầu tiên ra khỏi rừng sau ngần ấy năm chạy trốn. Lần đầu tiên trở lại thế giới loài người sau nhiều năm cảm thấy mình là những người không may mắn bị bỏ ra rìa bởi bệnh tật thế gian.
Cụ bà Lapia và những thành viên ca đoàn vừa lo lắng, vừa sợ hãi. Nhưng bên cạnh đó cũng có một niềm hân hoan trào về. Có niềm vui nào như niềm vui hôm nay? Được hát cho Chúa nghe. Hát ngợi khen Thiên Chúa.
Tới giờ rồi. Những bàn tay cụt ngón, run run ép lại. Một ca đoàn của những con chiên cùi, hát không cần sách thánh ca. Họ thuộc lòng bài hát rồi. Họ nhắm mắt, hát bằng cả trái tim.
Rồi ca đoàn bỗng dưng im lặng. Tiếng đàn cũng nhỏ lại. Một giọng hát cất lên. Giọng hát của cụ bà Lapia.
Bài hát về những người cùi. Trong rừng sâu, những con chiên cùi buồn tủi. Con suối quen đã xa rồi. Xóm làng cũng đã xa. Nương rẫy quen thuộc cũng xa xôi nốt. Những người thân người còn, người mất. Những con chiên cùi, bệnh tật, chọn cho mình chốn trú ẩn trong rừng sâu. Không nước sạch, không ruộng nương, không còn ai, không có ai ngoài Chúa.
Những đôi tay không còn ngón cầm cây cuốc. Những đôi tay không còn ngón lần tràng chuỗi Mân Côi. Họ sống qua những ngày dài, không có gì ngoài tình yêu Chúa trong tim.
Chúa là ngón tay, là sức mạnh, là người thân, là nương rẫy, là yêu thương, là tất cả…
Chúa cho bầy ve nhỏ trong rừng sâu cất tiếng kêu râm ran một ngày nắng hạ. Chúa cho những người cùi cầm được cuốc. Chúa cho Lapia lại cất được tiếng ca. Chúa cho nắng mai tràn về, những hạt lúa trên nương nẩy hạt. Chúa cho lúa thóc được gặt hái. Chúa cho ngôi nhà rông được cất lên.
Chúa cho những người cùi gặp nhau trong ngôi nhà thờ mới lập. Chúa cho những tiếng hát được hòa giọng theo nhịp đàn.
Và Lapia đứng đây, như vừa đi qua bóng tối, hát trong ánh sáng huy hoàng.
Ca đoàn hát điệp khúc sau giọng hát so lo của cụ bà Lapia. Reo vang! Reo vang! Chúng tôi hát ngợi khen Thiên Chúa. Bạn có hát không? Hòa giọng cùng chúng tôi đi. Chúng ta cùng hát ngợi khen Thiên Chúa. Ngay cả bầy ve nhỏ cũng cất giọng ca ngợi khen Chúa kìa.
Bài Thánh Ca của những người cùi được giải nhất. Những bàn tay cùi run run bắt tay Đức Giám Mục. Như một giấc mơ! Một giấc mơ ngọt ngào! Những giọng hát vượt qua khỏi rừng sâu, vượt qua chính mình, vuuợt qua sự sợ hãi để vang lên trong giáo đường vào ngày trọng đại.
Xe chở ca đoàn về lại làng nhỏ về luôn trong đêm tối. Trăng đã lên. Những người cùi ngồi trong xe vẫn khúc khích cười và hát. Cha xứ, ma sơ rơm rớm nước mắt nhìn niềm vui của mọi người. Mới hôm qua còn có người chạy trốn khi cha xứ tới gõ cửa mời vào ca đoàn. Hôm nay, mọi người ai cũng tự tin hát ca ngợi Thiên Chúa.
Những bàn tay cùi nắm lấy nhau. Những gương mặt sứt sẹo khúc khích cười.
Đêm đã khuya, cụ bà Lapia vẫn chưa vào nhà ngủ. Bà ngồi trên bậc thềm nhà sàn, nhìn ra mênh mông. Cả cánh rừng chìm trong bóng tối, nhưng không tối sầm như mọi đêm mà lấp loáng ánh trăng bạc. Thấp thoáng bầy đom đóm bay trong rừng khuya. Những cái bụng phát sáng, lúc tắt lúc rạng. Tiếng kêu của con khỉ rừng gọi bạn tình. Tiếng côn trùng kêu rả rích. Và trong đêm, thỉnh thoảng lạc lên tiếng ve kêu. Chắc thấy ánh trăng chúng tưởng như trời sáng.
Cụ bà Lapia thấy mình giống như chú ve kia, sống không bao nhiêu lâu. Ngắn ngủi nhưng vẫn muốn được cất lên tiếng hát. Lần đầu tiên sau ngần ấy năm buồn sầu, đêm nay cụ bà Lapia bỗng nhiên cảm thấy hạnh phúc tràn về. Như thuở còn con gái hát bên bếp lửa ngôi nhà sàn nhỏ. Cũng cảm giác này. Cảm giác lâng lâng muốn cất tiếng ca, thấy cuộc đời tươi đẹp phía trước.
Chúa ơi! Cảm giác này đã trở lại.
Cụ bà Lapia ngồi nghe những âm thanh trong đêm trăng. Lại nhớ về cuộc đời mình nhưng đã vượt qua buồn khổ. Bà tự nhủ bà sẽ sống như những chú ve nhỏ kia. Dành thời gian để hát cho cuộc đời còn lại. Những chú ve biết hát ngợi ca cái Đẹp. Cớ gì Lapia không hát ngợi ca Thiên Chúa.
Những âm thanh của vạn vật trong rừng không ngừng chuyển động. Lúc trầm lúc bổng, âm ỉ những mầm sống qua những âm thanh hữu hình và vô hình. Cụ bà Lapia thấy mình cũng là một âm thanh, lúc trầm lúc bổng trên dây đàn của cuộc đời mà Chúa đánh lên.
Và bên kia, vượt qua những tầng âm thanh này, là hình bóng hai người bà nhớ nhung yêu quý. Chồng bà, con gái bà. Họ đứng bên Chúa bên mảnh tường kia, mỉm cười nghe bà hát mỗi khi bà cất giọng.
Cụ bà Lapia cất giọng hát trong đêm trăng, thật nhỏ, hát như thủ thỉ với mình.
Có một bài ca buồn, Chúa ơi! Nhưng bài ca đó con đã quên rồi. Chúa sẽ dạy con hát những bài ca vui. Con đang hát cùng loài ve kia. Chúa ơi! Bài ca về tình yêu cuộc sống. Nơi mảnh đất con chôn những lóng tay sẽ mọc lên những bông hoa nhỏ. Và trái tim con cũng là những bông hoa…
Bài ca Chúa dạy con là bài ca về tình yêu cuộc sống.