Thần Khúc-Địa Ngục-thi hào Dante Alighieri: Ca khúc I-Rừng hoang- Đình Chẩn biên dịch

VTCG

 

THẦN KHÚC-ĐỊA NGỤC

Ca Khúc I: Rừng Hoang

Đại thi hào Đăng Thế An (Dante Alighieri)-Đình Chẩn biên dịch



Đây là lời tựa không chỉ cho Địa Ngục nhưng còn cho toàn bộ Thần Khúc. Mỗi trường ca đều gồm 33 ca khúc, đương nhiên ca khúc này nằm ngoài cấu trúc đó. Đây là khúc dạo đầu làm cho bản giao hưởng trở nên viên mãn với 100, trên thông số nền tảng 3 + 1 của Thần Khúc. 

Trước mắt chúng ta là một phong cảnh tượng trưng diễn tả hành trình: từ bóng tối đến ánh sáng, từ sự dữ đến sự thiện, từ đau thương đến hạnh phúc. Ở đó xuất hiện một con người cụ thể, với tuổi đời xác định, đang bước đi bỗng rùng mình kêu cứu. Chàng đã gặp một người khác, với danh tánh, quê quán được xác định rõ ràng. Đây là điều hết sức mới mẻ ở Thần Khúc, trong chiều kích vĩnh cửu có sự hiện diện lịch sử; sự kiện nhân loại không được kể lại bằng những hình ảnh trừu tượng như thần thoại hay ngụ ngôn, nhưng qua những con người cụ thể với cả sự vinh-nhục của họ.

Ca khúc này ẩn chứa cấu trúc khái quát toàn bộ thi phẩm. Ý tưởng vĩ đại về cuộc một “hành trình” lưu đày hướng về một Quê hương gợi lên chính cội nguồn nhân loại. Lữ khách viễn du tới một bến bờ khao khát, từ Ulisse tới Enea, vốn như biểu tượng của nền văn minh Tây Phương, thì với Đăng Thế An (Dante), nó đã trở thành người lữ hành trong truyền thống Kitô giáo; như thế ngôi nhà cho con người trở về là Quê Trời. 

Mào đầu, Đăng Thế vừa phác họa chính mình vừa đại diện cho nhân loại; trong khi phần hai, con người lịch sử Đăng Thế mới được xác định qua cuộc gặp với Vinh Dự Lưu. Mục đích của thi phẩm, như tác giả đã tuyên bố, là “dẫn đưa nhân loại ra khỏi tình trạng thống khổ và sa ngã đến niềm hạnh phúc đích thật” (thư XIII 39).

Mô hình ca khúc rất đơn giản: một người bị lạc trong rừng hoang sự dữ và sai lầm, đã giật mình tìm lối thoát, đã hướng lên sườn đồi chan hòa ánh sáng. Nhưng anh phải đối mặt với ba thú dữ mà với sức riêng anh không thể chiến thắng. Rồi anh được một đại thi hào cổ đại trợ giúp, một người mà anh vốn hằng cảm phục yêu mến, đã hướng dẫn anh tới ơn cứu độ bằng cách vượt qua Địa Ngục tội lỗi và trèo lên Luyện Ngục thanh tẩy. Nghĩa là đi qua con đường “giác ngộ”, nhận biết sự dữ và sám hối. Lữ khách chấp nhận lời đề nghị và từ đây khởi đầu một hành trình ngoạn mục.

Khung cảnh vĩ đại này ẩn chứa những yếu tố dẫn dắt toàn bộ Thần Khúc, nhưng mới chỉ hé mở chút xíu. Trước tiên, đó là sự gặp gỡ giữa tính lịch sử và siêu lịch sử, xuất hiện ngay trong câu thơ đầu tiên. Với kiểu nói thường nhật vang vọng lời tiên tri Isaia, câu thơ ấy đã khai mở nhịp điệu gần như là hơi thở cho thi phẩm. Phong cảnh ở ngay vùng quê tác giả, nhưng cuộc gặp lại phản ánh sự kiện tâm linh phổ quát.

Nhưng trong khía cạnh lịch sử này còn ẩn chứa một yếu tố nòng cốt: ơn cứu độ có chiều kích phổ quát. Tất cả Thần Khúc đều hướng đến đổi mới văn minh nhân loại trong hòa bình và trong công lí, đánh bại tham sân si và tái lập các nhân đức. Ý tưởng lớn lao về trật tự nhân loại được thiết lập bởi mệnh Trời- đã bước vào ngay từ ca khúc đầu tiên, với Vinh Dự Lưu và với lời tiên tri về Vương Quốc.

Bên cạnh đó, còn một chủ đề bản lề khác, dù rất kín đáo, cũng mang tính quyết định: đó là vai trò người hướng đạo. Bây giờ là Vinh Dự Lưu và sau này là nàng Thiện Bích. Hướng đạo quả là cần thiết, ngay cả với những người vĩ đại nhất.

Ca khúc đầu tiên đã được đặt vào trong ngưỡng cửa thời gian nhân loại, vượt trên lịch sử, tất cả được phân định, ôm ấp trong chiều kích vĩnh cửu. Cái lối tiếp cận lạ lùng của Đăng Thế vẫn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên sau nhiều thế kỉ, khi ngôn ngữ Kinh Thánh cao sang, với tác giả đó chính là Lời Chúa, đã ngự trị cách ẩn tàng trong chính thứ ngôn ngữ hết sức bình dân và rất tự nhiên ấy.  


Sơ đồ Thần Khúc Địa Ngục

1          Thời gian vụt thoáng nửa đời[1]

Giật mình tôi thấy mình rơi hoang rừng[2]

            Lạc xa chính đạo hãi hùng

Ôi! Thảm muôn trùng khôn xiết sầu thương !

2                                  …*+*…

Rừng tứ phương giăng mắc

Mắt mây buông buồn chất ngất ê chề

Nghĩ lại thôi đã thấy khiếp ghê

Muôn cay, nghìn đắng hơn cận kề thần chết[3] !

Hồn rươm rướm tỉ tê quặn thắt

Xác tả tơi nơm nớp lo âu

Bước trần hồng tăm tối biết về đâu 

Trời xanh nào nỡ gieo sầu tê tái ?

Mà lòng tôi u mê cho quỷ ma đưa lối !

Biết nói sao cho hết nỗi bi ai

Đành lòng kể vắn than dài.

3                      …*+*…

Khi ráng tới chân đồi thanh vắng

Xa lánh xa thung lũng tuyệt mòn

Vơi lắng vơi vẻ mệt héo hon

Ngước trông lên[4] thấy sườn non biêng biếc  

Một thái dương chiếu soi diễm tuyệt

Mười phương đất dìu bước thế nhân

Lòng vơi sóng thoát đêm tối bần thần

Hoàn hồn vượt ngàn cân treo sợi tóc

Như người đuối nước chỉ còn thoi thóp  

Chạm bờ rồi, sóng lả lướt chưa tha

Mình tôi vượt cõi ta bà.

4          …*+*…

Hồi tâm một lát

Tôi lại theo bờ cát lết đi

Nhấc chân cao cảm giác nặng như chì

Buông chân thấp kéo từng li nhè nhẹ

Nhưng hỡi ôi rừng hoang đâu dễ

Bởi chưng vì bước lẻ mong manh

Tới đầu dốc tôi tưởng đã ngon lành

Báo[5] cuồng đâu chợt nhe nanh vụt tới

Giương nanh vuốt, kêu gầm gừ, chực ăn tươi nuốt rói

Mảnh thân tàn sao thoát khỏi sầu rơi

Thêm phen nản chí bời bời…

5                      …*+*…

Bấy giờ bình minh ngời sáng gọi

Vầng hồng lên vượt muôn cõi trăng sao

Những tinh tú hòa ánh lạ hương ngào

Đơm muôn vẻ thanh tao kiều diễm

Vũng cô liêu ánh tia thiêng nhiệm

Đường vạn nan ngời điểm tin yêu

Thêm hi vọng cho tôi thoát hiểm nghèo

Ngay buổi sớm sương còn treo trong biếc

Nhưng khúc khuỷu đoạn trường nào ai biết

Biết làm sao cho hết nỗi âu lo

Lòng tôi lại rối tơ vò

6          …*+*…

Thoắt sư tử ngoảnh trông gầm thét

Mắt trộ lên giương nanh vuốt bừng bừng

Tôi run rẩy, gáy chờn chợn, chân rung

Không gian rợn hãi hùng lắt lay cỏ bạc mắt

Thoắt đâu thêm hung sói tham quỷ quyệt

Rú dại cuồng muốn tiêu diệt con mồi

Bao kẻ tan xác tuyệt vọng đấy thôi

Bao hồn rã xương mòn phơi lõa tủy !

Ôi! Vía nào còn tưởng bở đăng sơn

Trước ba thú bóng vờn nghiêng ngả !

7          …*+*…

Như con bạc thiêu thân mơ ăn cả

Chốt canh mờ thờ thẫn ngã về không

Thân tàn ma dại, mèo mả gà đồng

Vuốt nhọn nhằm tôi điếng người trông lạnh gáy

Sói trừng rú thấy mồi ngon hết sẩy !

Dồn đối phương tới hẻm khuất mặt trời        

            Nó bổ tới, tôi giật lùi

Thoắt một bóng người sừng sững hiện ra      

            Im lìm rờn rợn như ma

Hãi hùng thảng thốt tôi la kinh hoàng:

            Lạy ông mở rộng lòng thương[6]

dù là kẻ chết…hay…đương sống đời!

8          …*+*…

Bóng khà đáp: “Khuất thời tăm tối

Ta từng sống trên đỉnh núi Măng Thơ[7]

Tung hoành thuở hoàng đế Ánh Giang Tô[8]

Thời gian trá phỉnh phờ như rươi rắc

Song thân thác về miền Lượng Bắc[9]

Một kiếp sinh gửi bóng Xê-Da[10]        

Lập thân tối hạ ta vắt kiệt hồn ca

Khen miêu duệ Anh Chinh bậc hào hoa công chính[11]

Bước oanh liệt lửa thành Troa[12] bách chiến

Còn ngươi lại nản chí chuyện rối bời ?

Sao không hướng đỉnh thiên khơi ?

9       …*+*…

Thẹn thùng tôi ấp úng lời

Nhạc lòng bối rối lệ rơi ít nhiều:

Dạ… tiếng Thầy …Vinh Dự Lưu có phải ?

(Bóng gật đầu) – “Ôi! Nguồn suối trăng thơ !

Nguồn thi hứng vút rằm trôi bến bờ

Cứu con với ! Tìm Thầy thờ thẫn mãi

Cậy minh sư hỡi thi nhân lừng lẫy

Thương tiểu đồ chân run rẩy lo toan

Chỉ cho con cách vượt núi băng ngàn           

Kìa! Người xem ba thú hoang gào thét

Con hoảng hốt, chân rụng rời, mặt mày tái mét

Cứu con với ! Thầy ơi ! Hồn rũ liệt thê lương !

Ôi! Minh sư rạng muôn phương!

10                    …*+*…

Người liền vút giọt tơ thương

(Tôi rưng rưng lệ đoạn trường mênh mang):

Hừmm! Chưa ai thoát vuốt hoang gầm thét

Muốn sống thì quay đầu, lối khác đi!

Thú hoang dữ, mình ngươi thoát dễ gì !

Chưa đối mặt đủ chết vì sợ hãi

Gẫm xem ! Bao kẻ tan xác, bao hồn thảm bại !

Coi chừng ! Bản chất lang sói, chớ lấy làm chơi!

Tưởng vuốt tham không đáy mở lượng tha ngươi !?

Thì đợi đấy ! Túm được voi, vòi được tiên chưa thỏa !

Bè hoang thú kết dây mơ rễ má !                   

Lũ điếm đàng dệt vây ả ám mờ !

Nhưng khuyển thần sẽ kéo cờ diệt hết

Thần không hám ngai vàng, chẳng mê chĩnh bạc

Suối khôn ngoan ăm ắp đức ân tình

Nước Người sẽ lập công chính quang minh

Cứu quê hương đau khổ đẹp thanh bình như ý

Thần vây lũ sói tham ác trong thành

Vo cả bầy tống xuống ngục thảm sâu!

11        …*+*…

Phần con, tốt nhất quay đầu, theo ta dẫn lối cho dầu gian nan. Vượt qua nghiệp chướng về bến bờ vĩnh cửu, hợp đoàn an vui. Con ơi, dưới kia khắc khoải ngậm ngùi, khủng khiếp tư bề mãi mãi tủi đau. Họ phải chết[13] hơn một lần bi thương muôn khiếp! 

Trông lên kia, luyện hình sáng ngời hi vọng. Con muốn lên chín tầng mây rợp bóng, thì, có Thiên Hương vượt sáng láng hơn ta, sẽ đưa con tới chiêm bái thiên tòa: tha hồ ngắm khắp bao la hoàn vũ ! Vì chưa được gặp Đấng xoay vần tất cả, luật mới lại chưa tường nên ta bó tay thôi. Ngai báu Người như hà sa khắp chốn. Phúc ai dự tiệc muôn trời !

12                                …*+*…

Ô ! Diệu thay! Diệu thay! Thi sĩ ơi !

Xin hòa nhịp thoát sầu rơi vạn kiếp

Hóa hồn ca về Lượng Cả Tình Trời

Hướng về Bóng minh sư chưa từng biết !

Xin kéo con vượt chông gai giăng mắc

Theo minh sư xem thần chết lắc đầu lâu

Vút lên đỉnh thiên sơn chiêm ngắm nhiệm mầu 

Cửa tiền đường Phêrô say chất ngất !

Người nhậm lời cùng chung nhịp bước

Trời nghiêng nghiêng một nét tơ son.

 



[1] Isaia 38, 10. Thần Khúc viết ở tuổi 35 (Tv 89, 10) năm thánh 1300

[2] Rừng hoang rất phổ biến trong văn chương Kitô giáo. Ẩn dụ ánh sáng-bóng tối rút từ Kinh Thánh (Ga 1,5) động cơ dẫn dắt Thần Khúc

[3] Kinh Thánh so sánh tội lỗi còn đáng sợ hơn cả sự chết (Gv 7,27)

[4] Hành động mang tính quyết định, người lạc đường hướng lên Trời (Tv 120,1)

[5] Báo là một trong ba ác thú uy hiếp trên đường cứu độ. Nó biểu thị tính dâm đãng, sư tử cho kiêu ngạo và chó sói mưu mô tham lam hà tiện (Gr 5, 6)

[6] Lần đầu tiên có tiếng cầu cứu phá tan sự im lặng rùng rợn (Tv 50)

[7] Mantova.  Vinh Dự Lưu qua đời năm 19 (t. CN)

[8] hoàng đế Augusto.

[9] Lombardia, thời Trung Cổ ám chỉ toàn bộ nước Ý.

[10] Giulio Cesare, thành lập đế quốc Roma.

[11] Người công chính: Enea, con trai của Anh Chinh (Anchise)(Aen. I 544-5)

[12] Theo bản hùng ca IliadOdyssey, thành bị những người Hi Lạp bao vây và phá hủy sau hàng chục năm chinh chiến.

[13] Cái chết đầu tiên khi hồn lìa xác; cái chết thứ hai là khi trừng phạt (Kh 20,14).