Sông chảy về đâu- Tác giả: Nguyễn Thị Khánh Liên

Anne de Jesu






Đó là buổi chiều buồn nhất trong những buổi chiều buồn. Buồn hơn cả buổi chiều Ngân, đứa con gái nhỏ của nàng và tôi, bịn rịn đi trên cát. Trong những ngôi nhà ven biển, trong những lùm cây trên đồi cát, những người vượt biên nằm núp với can dầu, mong màn đêm xuống, chờ tàu đến, vượt đại dương.



Chồng Ngân, lính thủy quân lục chiến vừa tử trận. Cha nàng cũng chết trong chiến tranh. Hết cha, rồi chồng. Hai người đàn ông nàng thương yêu đều chết trong khói súng. Nàng muốn rời khỏi xứ này. Xứ này buồn quá! Chiến tranh khói lửa liên miên. Nàng muốn chạy trốn, muốn ra đi, tới xứ khác, làm lại từ đầu.

Nàng năn nỉ tôi cùng đi. Trước đây tôi và nàng cùng là ca đoàn ở nhà thờ. Những ngày thơ mộng, đêm Giáng Sinh cùng nàng hát so lo “Một mùa sao sáng”. Nàng mặc bộ áo dài trắng tinh khôi, giọng hát trong veo. Không đeo cánh nhưng tôi từng tin nàng là thiên thần. Một anh lính thủy quân lục chiến đi lễ đêm Giáng Sinh đã cảm giọng hát của nàng. Sau thánh lễ, anh lính tìm gặp nàng. Họ phải lòng nhau và tôi chỉ còn biết buồn đời đi lính. Tin chồng nàng tử trận, tôi lại là người báo cho nàng.

Nàng ao ước tôi đi cùng nàng. Một thiếu phụ chồng vừa tử trận và đứa con gái nhỏ, sẽ leo lên chiếc tàu nhồi nhét đầy người. Lênh đênh trên biển mênh mông. Không biết ngày mai, không biết tương lai, còn sống hay phải chết?

Tôi cũng muốn đi cùng nhưng quay đầu lại, thấy mình hèn quá. Cha mẹ già, em thơ còn ở lại. Qúa nhiều thứ, nhiều người cần tôi ở lại. Tôi chỉ đi tiễn hai mẹ con nàng, nhìn hai mẹ con lên tàu lần cuối.

Và chiều đó, tôi ra biển tìm nàng trong nước mắt và đau đớn. Chưa đầy một tháng, những xác người trên chiếc tàu của nàng trôi dạt về. Người ta nói chẳng một ai sống sót. Những xác người không còn có thể nhận diện, trương phình gớm ghiếc.

Tôi lật những xác người, mông lung nhận ra nàng qua cái vòng chuỗi mân côi đeo ở cổ tay. Tôi chôn xác người tôi yêu và không biết mình có chôn nhầm? Bởi vì lỡ như trên tàu nàng tặng vòng chuỗi mân côi cho cô gái nào đó? Nhưng chắc là nàng. Dù trần truồng, chẳng còn mảnh vải trên người vì sóng đánh, nhưng tôi tin là nàng, vào linh cảm.

Tôi cũng lang thang trên bãi biển nặc mùi tử khí để tìm xác con gái nàng. Tôi ước gì gặp được xác con nàng để chôn cất cho tử tế nhưng cũng mong không tìm thấy cháu. Nếu không thấy xác cháu, biết đâu cháu còn sống? Tôi khóc và cầu nguyện Chúa, cầu nguyện Đức Mẹ với hi vọng nhỏ nhoi con nàng được sống.

Tôi mộng du đi trên bãi cát với lời cầu nguyện mong manh. Tôi không khóc được, không ăn được, không ngủ được, không cười được. Ngày nào tôi cũng đi dọc theo bãi biển tìm xác người. Người ta bảo tôi mất trí.

*

Chiều xuống, những bóng nắng nhảy nhót trên tàng cây thu lại ánh sáng để tàng cây màu sâm sẫm. Tôi thu đồ nghề sửa xe, chờ đứa con trai đi học về tạt qua đón. Ngồi trên vỉa hè nhìn người xe xuôi ngược, nhìn đàn bồ câu bay đậu trên tháp chuông nhà thờ gần đó, muốn nghĩ về kiếp người mà cũng chẳng muốn nghĩ. Một người từng đi lính vì buồn tình, tự tay chôn xác người yêu, ấy là người tôi yêu chứ nàng có yêu tôi không thì không chắc, ở tù rồi ra tù sau ngày đất nước thống nhất, lập gia đình khi không còn trẻ, rồi lại góa vợ khi nàng vừa sinh ra đứa con đầu lòng. Ở tuổi bạc đầu, ngồi vỉa hè sửa xe, vá xe nuôi con trai ăn học. Bao nhiêu biến cố thời cuộc tôi đều biết chút mùi. Nên chẳng biết nghĩ gì bây giờ? Chỉ mừng là mình còn sống, còn lao động, còn lòng tin ở Chúa. Và đứa con trai mặt mũi sáng sủa, khỏe mạnh, chịu khó học hành. Thứ gì qua cũng đã qua rồi. Như Kinh Thánh nói: con chim đói hay no Chúa còn biết, những đau thương, khổ ải của con người sao Chúa không biết? Biết chớ, Chúa biết hết. Biết cả việc mỗi lần xin lễ cho vợ, tôi cũng xin lễ cho người con gái tôi chôn xác trên biển năm nào.

Mãi nghĩ thằng nhóc con tôi đã tới từ lúc nào. Chở tôi về, nó hỏi.

- Hôm nay sửa xe khá không ba?

- Lai rai thôi con- Tôi đáp.

- Ba ráng làm một năm nữa thôi. Năm sau con ra trường đi làm nuôi ba.

- Thôi con, ba đi làm cho vui chứ ngồi không để con nuôi có vui gì, có khi còn bệnh vì chân tay rảnh quá.

Thằng nhỏ cười khúc khích. Rồi đột nhiên nó nói:

- Ba à, có chuyện này con muốn nói với ba…

- Chuyện gì vậy con?

- Có một chị ở nhà thờ Đức Bà có gương mặt rất giống người con gái trong tấm ảnh của ba…

- Tấm ảnh nào?- Tôi ngạc nhiên.

- Tấm ảnh ba cất trong cuốn sổ đó.

Thằng nhóc quỷ! Ba cất kĩ vậy mà cũng lén coi cho được. Đó là tấm ảnh chụp Ngân trong đêm Giáng Sinh năm nào. Nàng mặc bộ áo dài trắng, đứng trước hang đá Chúa Hài Đồng. Tấm ảnh đã đi cùng tôi qua bao thời gian và biến cố.

- Con chắc là giống không?- Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Rất giống, như hai giọt nước. Lẽ nào người con gái trong tấm ảnh còn sống hả ba? Mà nếu còn sống thì phải già chớ. Sao ba già mà cổ trẻ hoài?

- Tốn tiền nuôi mày học đại học mà mày suy luận vậy đó- Tôi lắc đầu.

Thằng con cười hí hí.

*

Tôi bỏ làm, đáp xe ôm ra khu vực nhà thờ Đức Bà. Con trai tôi nói cứ cuối tuần có một chị đẹp đứng ở khu vực này, chuyền tay cho người đi đường những tài liệu về đạo…Tin Lành. Chị gái đẹp mà thằng con tôi nói có gương mặt rất giống Ngân.

Tôi đi dọc công viên, những đốm nắng nhảy nhót trên đầu. Giống như năm nào, tôi vừa mong nhìn thấy cháu vừa sợ nếu nhìn thấy cháu. Nếu đó là con Ngân thì hay quá! Cháu còn sống! Ngân ở thế giới bên kia chắc sẽ rất vui. Nhưng cháu trông thế nào, cháu đã sống ra sao ở những năm tháng qua tôi không dám tưởng tượng. Một bé gái mới vài tuổi, theo mẹ vượt biên, rồi mẹ mất, xác mẹ trôi dạt về lại quê hương. Nếu còn sống, cháu đã từng phải trải qua những gì? Cháu đã sống sót như thế nào trên chuyến tàu định mệnh đó và sống thế nào trên xứ không nói tiếng quê hương? Tôi không dám nghĩ tới. Tôi thấy có lỗi với cháu. Tôi nợ cháu vì cuộc đời của cháu tôi không hay, không biết cũng chẳng thể nào bảo vệ.

“Chị đẹp” mà thằng con tôi nói kia rồi. Một cô gái mặc chiếc váy trắng, đứng trong ánh nắng ban mai. Những tia nắng chiếu qua, gương mặt cháu bừng sáng, chiếc váy trắng tinh khôi cũng bừng sáng. Cô gái giống Ngân như hai giọt nước. Nếu không bấm vào tai mình tôi còn tưởng đó là Ngân. Cô gái đẹp ấy đi dạo quanh khu vực nhà thờ, gởi tài liệu đạo Tin Lành cho những người chưa biết về đạo ấy.

Thấy tôi đi tới, cô rất mừng:

- Chú à, chú có biết Chúa không?- Cô gái hỏi bằng tiếng Việt lơ lớ.

- Có, chú tin Chúa- Tôi đáp.

Cô gái nhìn tôi ngạc nhiên, tròn mắt mỉm cười.

- Chú may mắn được biết Chúa, biết mẹ ruột của cháu và biết cả cháu…- Tôi cố giấu nước mắt nhưng không hiểu sao nước mắt cứ chảy.

- Chú cũng đạo Tin Lành hả?- Cô gái lắp bắp hỏi.

- Không, chú đạo Công Giáo. Mẹ ruột cháu cũng đạo Công Giáo. Mẹ cháu lúc sống từng làm Đức Mẹ và hát ca đoàn ở nhà thờ. Cháu cũng từng đeo cánh thiên thần đứng bên hang đá…

Những lời tôi nói chắc rất bất ngờ và khó tin đối với cháu. Cô gái nhìn tôi, nhíu mày. Tôi nhìn gương mặt xinh đẹp của cháu.

- Mẹ cháu tên Ngân. Chú đã chôn cất mẹ cháu- Tôi òa khóc.

Một anh bạn cháu chạy tới, hỏi chuyện gì xảy ra. Cháu lắc đầu bảo “không có gì” và theo anh bạn bước đi. Họ nắm tay nhau, đi phát tài liệu đạo Tin Lành cho những người qua đường. Lâu lâu cháu lại quay nhìn tôi, tìm bóng dáng tôi. Tôi đứng đó một hồi lâu chờ cháu quay lại. Nước mắt tôi cứ chảy.

Hôm sau, tôi đem theo tấm ảnh Ngân ra khu vực nhà thờ Đức Bà. Cháu đứng đó chờ tôi từ lúc nào. Cháu dẫn tôi qua chỗ xa hơn các bạn cháu, họ vẫn làm công việc truyền đạo, nói về Chúa, phát tài liệu đạo Tin Lành cho người qua đường. Cháu không muốn họ nhìn thấy cháu trò chuyện với tôi.

Ngồi trong một quán nhỏ, tôi đưa cháu tấm ảnh mẹ cháu.

- Ngày trước tên thánh mẹ cháu và cháu đều là Maria. Mẹ cháu rất mộ đạo và rất yêu Đức Mẹ…- Tôi nói.

- Có lẽ lúc đó cháu nhỏ quá nên cháu không nhớ gì hết. Cháu chỉ biết ba mẹ nuôi của cháu theo đạo Tin Lành. Họ cũng yêu thương cháu, nuôi cháu ăn học đàng hoàng. Rồi cháu cũng theo đạo Tin Lành. Cháu biết cháu là con nuôi nhưng không biết mẹ ruột cháu và cháu theo đạo Công Giáo. Cháu cũng nghĩ là mẹ cháu đã mất, người ta cũng nói thế…

- Cháu làm công việc truyền đạo này lâu chưa?- Tôi hỏi.

- Cũng mới thôi chú. Bạn trai cháu cũng đạo Tin Lành. Anh ấy muốn làm mục sư. Cháu giúp anh ấy đi truyền đạo.

- Đây là số điện thoại và địa chỉ của chú. Nếu cháu muốn biết nhiều hơn về mẹ cháu, về cháu trước kia cứ liên lạc với chú. Chú rất tiếc vì thời cuộc và theo thời gian, bãi biển ngày xưa chú chôn xác mẹ cháu giờ đã thành khu du lịch, chẳng biết đích xác mộ mẹ cháu ở đâu. Chú chỉ còn giữ mỗi tấm ảnh này của mẹ cháu.

- Mẹ cháu đây sao?- Cháu nhìn chăm chăm vào tấm ảnh, rưng rưng nước mắt. Một hồi lâu cháu mới thốt lên:

- Mẹ cháu đẹp quá. Nốt ruồi ở khóe miệng của mẹ giống y như cháu.

*

- Ba à! Sao ba buồn vậy?

Thấy tôi nằm trên võng trầm ngâm đốt thuốc, thằng con tới bên hỏi.

- Tự nhiên buồn vậy đó con.

- Ba gặp chị đẹp, rồi sao hả ba?

- Sao đâu con? Vừa vui vừa buồn. Vui vì con của người ba thương còn sống. Còn buồn cũng chẳng hiểu vì sao?- Tôi nói.

- Nếu con còn nhỏ, mồ côi, cha mẹ nuôi theo đạo nào chắc con cũng phải theo đạo đó- Thằng con suy luận- Chị đẹp theo đạo Tin Lành vì ba mẹ nuôi chỉ theo đạo Tin Lành cũng dễ hiểu mà ba. Mà ba nên mừng là ba mẹ nuôi chỉ theo đạo Tin Lành, ít ra cũng tin Chúa. Lỡ ba mẹ nuôi chỉ theo đạo đi đánh bom cảm tử là tiêu.

Tôi lừ mắt. Thằng con dọt mất. Cái thằng! Biết đường thì nói, không biết thì dựa cột mà nghe. Nói ban đầu có ý đúng sau toàn nói bậy. Tụi trẻ bây giờ không biết vì sao cái gì chúng đều coi nhẹ bẫng. Có lần thằng con tôi nói, sao nó thấy đạo nào cũng…hay. Nó tin Chúa, yêu Đức Mẹ, yêu đạo Công Giáo nhưng chẳng ghét đạo nào hết. Giữa một người cuồng đạo của mình và người không ghét đạo nào không biết người nào hay hơn?

Nhờ giáo lý đạo Công Giáo, tôi biết Chúa, tin Chúa, yêu Đức Mẹ từ khi còn nhỏ, qua những năm tháng chiến tranh, khi ngưng tiếng súng, nếm trải hết mùi vị đắng cay cuộc đời. Chúa và Đức Mẹ luôn nằm trong đức tin của tôi, có trong lời cầu nguyện của tôi, nghe hết những cay đắng rã rời của đời tôi. Lòng tin đó tôi giữ suốt bây giờ. Tôi còn sống là tôi còn tin.

Tôi nghĩ về Ngân. Nàng từng làm Đức Mẹ, là con chiên mộ đạo của đạo Công Giáo. Có lẽ nhờ lời cầu nguyện cháy lòng của nàng, tình yêu và đức tin của nàng mà con nàng còn sống một cách thần kì. Nghĩ coi, giữa biển cả mênh mông, thuyền tan tác, người lớn còn bị sóng đánh xác dạt vào bờ. Sao một đứa trẻ lại sống sót được nếu không nhờ ơn Chúa, ơn Mẹ? Có lẽ trên tàu Ngân đã cầu nguyện cho con nhiều hơn cho mình. Và Ngân cảm thấy thế nào khi con nàng theo đạo Tin Lành chứ không phải là đạo Công Giáo giống như nàng? Nàng có bất ngờ không? Giờ đây, linh hồn nàng buồn hay vui?

Thằng con tôi nói: “Ba à, đừng buồn nữa. Đạo nào cũng tốt mà ba, hơn nữa đạo Tin Lành cũng tin Chúa mà”. Tôi cũng đành an ủi như vậy.

Tôi dẫn con Ngân ra thăm mộ Ngân. Nhưng như tôi đã nói, bãi biển đâu đâu cũng là khu du lịch. Tìm nơi ngày xưa tôi chôn cất Ngân là không thể. Mà ngần ấy năm tro bụi của Ngân cũng theo con sóng ra khơi xa rồi. Tôi và cháu cứ đứng mãi trên bờ biển, nhìn sóng biển chạy vào rồi chạy ra khơi xa.

Theo quy luật của dòng chảy, tất cả mọi dòng sông đều đổ về biển. Đạo Công giáo và đạo Tin Lành giống như hai nhánh sông cùng chảy về biển Tình Yêu Chúa. Chúa đứng đó, bao dung và nhân ái chờ đợi những nhánh sông chảy về. Tôi buồn vui điều gì khi tôi cũng chỉ là một mạch nước nhỏ trong nhánh sông kia. Tôi khát khao chảy về biển rộng, dù trải qua bao sóng ngầm nhưng tôi không phải rẽ ngang.

Con Ngân còn sống là tốt rồi. Và như con trai tôi nói, cháu tin Chúa là được rồi.

*

Một buổi chiều, tan thánh lễ, tôi bước chân về đài Đức Mẹ, đọc kinh và cầu nguyện cùng Mẹ. Đứng trước tôi là một cô gái, mặc bộ áo dài trắng, thả tóc thề. Mọi cô gái đều giống nhau nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy mình quen biết cô gái ấy. Ngân đã không còn. Con gái Ngân Việt kiều, về nước thăm quê hương, đi dự lễ theo đạo Tin Lành chắc chắn không đi ngôi nhà thờ Công Giáo này. Nhưng sao cái dáng ấy thân quen quá! Hình ảnh ấy phảng phất hình ảnh tôi đã thấy ở đêm Giáng Sinh xa xưa, cũng dáng ấy, người con gái ấy.

Tôi đứng sau lưng, nín thở và cầu nguyện. Cô gái ấy bỗng nhiên quay lại, nở một nụ cười. Tôi không thể tin vào hình ảnh trước mắt. Tôi chỉ biết rơi nước mắt nhưng là giọt nước mắt vui mừng.

- Chú ơi! Đức Mẹ Maria hiền từ và đẹp quá! Hồi đó tên thánh cháu là Maria hả?

Tôi lau nước mắt mà nước mắt vẫn cứ chảy ra.

- Sao chú khóc hoài vậy? Bộ cháu nói gì cũng làm chú khóc hết hả?

Thấy vậy tôi mỉm cười. Nụ cười của tôi vẫn còn rưng rưng nước mắt…