GIỚI THIỆU THẦN KHÚC- ĐỊA NGỤC
ĐĂNG THẾ AN (DANTE ALIGHIERI)
Sơ đồ Thần Khúc Địa Ngục
Có một sự trùng hợp thú vị giữa thi hào Dante Alighieri (1265-1321) và thi hào Nguyễn Du (1765-1820) đó là hai vị sinh và mất cách nhau đúng năm thế kỷ. Qua ngòi bút thiên tài của mình, cụ Tiên Điền đã biến Kim Vân Kiều truyện, một tiểu thuyết chương hồi bình thường của Thanh Tâm Tài Nhân, thành kiệt tác Truyện Kiều, nhưng tiếc thay, kiệt tác Thần Khúc của thi hào người Ý lại không có duyên “nhập hồn” cụ Tố Như để đi vào tâm hồn người Việt.
Năm nay, kỷ niệm 700 năm ngày mất đại thi hào Đăng Thế An, độc giả Việt Nam đã có một số bản dịch của các vị học giả nổi tiếng như giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, giáo sư Lê Trí Viễn, nhà thơ Khương Hữu Dụng, và dịch giả Phạm Ngọc Liên...vv. Dẫu vậy, kiệt tác Thần Khúc dường như vẫn còn rất xa lạ với độc giả Việt Nam. Vì thế, người viết xin mạo muội giới thiệu thêm một bản dịch Việt hoá như một sự cố gắng nho nhỏ để tiếp cận với một trong những kiệt tác của thi ca Công giáo. Điều đó quả thực vượt quá khả năng giới hạn của người viết, rất mong nhận được những lời chỉ giáo của các bậc cao minh để hoàn thiện tác phẩm hơn.
Thực vậy, đối diện với Thần Khúc là đọ sức với thi hào Đăng Thế An, cũng như với tất cả những kiệt tác của nhân loại, là đào sâu hiểu biết chính mình, lịch sử chính đời mình, là khám phá ra chiều kích mới mẻ của con người mình. Tiêu đề do chính tác giả đặt cho tác phẩm của mình thực ra đơn giản là “Commedia-Kịch” (x. Thư XIII 28). Nhưng đến thế kỷ XVI, tên gọi ấy đã được trang điểm thêm một tính từ “divina-thần thánh” mà cho tới nay nó không bao giờ bị xóa nhòa. Nếu Kịch là tiêu đề giản dị do tác giả khiêm tốn đặt ra, thì Thần Khúc là do lòng mến mộ của độc giả muốn tôn vinh tác phẩm vĩnh cửu qua dòng lịch sử. Điều đó hoàn toàn hợp lý để gọi kiệt tác của đại thi hào Đăng Thế An.
Vậy đâu là hình ảnh con người mà tác phẩm trình bày ? Đâu là bí mật, sức mạnh tiềm tàng kỳ lạ, mà với ngôn ngữ thi ca nó hãy còn sống mãi ?
Những giá trị vĩnh cửu
Thế giới mà nhà thơ kể lại về số phận sau cùng của con người lịch sử, về thực tại thần linh, mang ý nghĩa hàm súc bao quát, đầy lịch sử tính và quả quyết. Đó chính là vũ trụ quan và nhân sinh quan Kitô giáo. Vũ trụ quan ấy làm thay hình đổi dạng văn hóa và lịch sử cả châu Âu, trong khi vẫn duy trì, thậm chí thi vị hóa chính những đường nét lí tính khô cứng mà tư tưởng Hi-lạp từng cống hiến cho nhân loại. Nếu ngày nay tính Kitô giáo không còn được diễn tả như dưới thời Đăng Thế An, thì những giá trị tạo nên cộng đồng nhân loại vẫn luôn luôn là những điều mà thiên tài thơ truyền lại cho chúng ta qua bao thế kỷ. Những thể chế tạo nên nó đã qua đi, nhưng tinh thần thâm thúy của một nền văn hóa mà Đăng Thế An ấp ủ, một cách vô thức, hãy còn là hơi thở cho chính sự hiện hữu của Phương Tây và cả nhân loại. Thực vậy, giá trị bất khả xâm phạm của con người: tự do, bình đẳng, hay “nhân quyền”; các giá trị đang tạo nên dáng vẻ đời sống văn minh hôm nay, trên thực tế là tâm điểm của Kitô giáo, và cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho toàn bộ Thần Khúc.
Đăng Thế An không phải là nhà thần học hay nhà đạo đức, cũng chẳng là chính khách. Dù có là như thế, thì trước tiên thiên tài ấy là một con người khao khát kiếm tìm hạnh phúc. Ông đã trăn trở kiếm tìm không biết mệt mỏi trước tiên trong sự hiểu biết (tác phẩm Bữa Tiệc), rồi trong trật tự chính trị hoàn hảo (tác phẩm Chế độ quân chủ), và cuối cùng ông chỉ có thể gặp thấy trong Thiên Chúa:
Tột cùng khao khát uyên nguyên,
Lòng càng cháy bỏng, ước nguyền khôn nguôi.
Con đường Đăng Thế An đã kinh qua để đạt tới mục đích viên mãn cũng chính là con đường mà thi sĩ phác thảo cho mọi người qua Thần Khúc, dưới dạng kể chuyện đầy thi vị; đó cũng là dạng thức duy nhất mà mọi thực tại đời sống của tác giả được lột tả và thực sự hoàn tất.
Ông thuật lại cho con người thiếu lòng tin nhận ra và xác tín về số phận vĩnh cửu của mình. Có điều thi sĩ không diễn tả bằng ngôn ngữ đậm chất tôn giáo. Tức là một người vật lộn trong vòng quay của lịch sử, đảm nhiệm công việc lịch sử, từng nếm mật nằm gai trong hỗn mang lịch sử; và ông đã trải nghiệm tất cả những sự vinh, nhục trong thân phận con người. Với lòng xót thương vô hạn, tâm hồn thi sĩ đã quặn đau nhìn xuống những cảnh tột cùng tha hóa trong suốt hành trình Địa Ngục. Từng cử chỉ, từng biến chuyển tâm trạng trong đồng loại, dường như đều diễn ra trong Đăng Thế An. Chính sự gần gũi này, như T.S Eliot đã nhận xét, có thể nói tác phẩm của ông trở thành cẩm nang cần thiết cho mọi người.
Thần Khúc thực sự băng qua cả vũ trụ, từ đáy vực sâu trong Địa Ngục tới những giới hạn tột cùng, tới tầng trời áp chót trong thiên văn học Tolemaico, để rồi kết thúc ở Thiên Quốc. Vũ trụ ấy được sắp đặt hài hòa và trật tự: chín bầu trời trung tâm tồn tại vĩnh cửu; nhưng bên trong lại có một xác phàm đi đi lại lại. Con người ấy thuộc về lịch sử, rồi từ đó vượt lên đạt tới tầng trời thần linh vĩnh cửu.
Phẩm giá tự do và lịch sử tính
Con người lịch sử được trao ban ơn tự do, được quyền lựa chọn Địa Ngục hay Thiên Đàng như tình trạng vĩnh cửu cho mình. Đó chính là hình ảnh con người trong Thần Khúc. Nó hãy còn gây kinh ngạc và cuốn hút chúng ta bằng một sức mạnh không cưỡng lại được. Cử chỉ phàm trần hàng ngày lại xuất hiện ở đây trong chiều kích siêu việt. Đây Phan Diễn Ca hãy còn yêu và bám chặt lấy Paolo; kia Mạnh Đà kể lại cuộc sám hối cuối cùng của mình; và kia nữa Phanxicô được Đức Kitô in dấu thánh…vv.
Thần Khúc mang cái nhìn kép, vừa lịch sử lại vừa vĩnh cửu. Hai khía cạnh ấy không thể tách rời nhau, bằng không kiệt tác ấy sẽ mất ý nghĩa và vẻ đẹp. Thần Khúc không đơn giản là tác phẩm thần học, cũng không phải là một chuỗi những sự kiện lịch sử đơn điệu. Đó là một kiệt tác thi ca độc nhất vô nhị, làm cho lịch sử mang giá trị vĩnh cửu. Và đây một thi phẩm không lệ thuộc vào thần thoại hay truyền thuyết.
Tuy nhiên, mỗi người đều mang trong mình một phẩm giá tuyệt đối, chính là phẩm giá cá nhân họ, bởi trong thế giới của Đăng Thế An, từng người đều được dựng nên mang hình ảnh Thiên Chúa.
Soi vào các thi phẩm bất hủ của thời cổ đại, chúng ta sẽ nhận ra điều mới mẻ mà sâu sắc này. Trong thơ Homer, lịch sử không tồn tại, con người phải cô đơn và bất lực đối diện với định mệnh và tử thần: dũng sĩ Hector bất lực đối diện với định mệnh; người hùng Anh Chinh giết Hector xong, đã khóc khi nghĩ đến số phận của mình.
Ngược lại, thơ Đăng Thế An lại ồ ạt trào ra những dữ kiện lịch sử: mỗi nhân vật xuất hiện đều xưng tên, quê quán, năm tháng sống. Nhưng đồng thời mỗi người trong họ đều có một số phận vĩnh cửu, và chính họ có quyền tối thượng lựa chọn số phận ấy cho riêng mình. Đăng Thế An luôn luôn khẳng định và tôn vinh tự do của con người. Họ đều ghi nhớ câu thơ trong lối vào cửa Luyện Ngục:
“Anh này suốt mấy mươi năm
bôn ba xuôi ngược chỉ nhằm Tự Do”.
Đáng chú ý hơn là lời tuyên bố trong phần Thiên Đàng, theo đó Đấng Tạo Hóa trao ban cho con người: “Tự do là Thánh Ý Người”. Tự do luôn là tâm điểm trong Thần Khúc. Thực vậy, làm sao có thể nói đến thưởng-phạt, nếu người ta không được tự do lựa chọn ? Xuyên suốt trường ca chính là ý tưởng về sự chọn lựa đầy tự do và tối thượng, giữa nguy hiểm tột cùng và vinh dự tột đỉnh. Điều đó tạo nên những nét lịch sử riêng biệt của mỗi con người, rằng bây giờ họ có mãi mãi những gì mà họ đã muốn. Điều không thể tưởng tượng được trong thế giới cổ đại, thì lại có thể dễ dàng nhận ra những giá trị mà Kitô giáo mang đến.
Thơ Đăng Thế An, hãy còn mới mẻ lạ thường như thế, trên thực tế là một hồn thơ cao cả nhất, có lẽ là duy nhất, đã lột tả trọn vẹn chiều sâu tư tưởng Kitô giáo về con người. Thế nên, từng cử chỉ hành động của con người trong Thần Khúc đều quý giá. Tất cả thực tại đều được Đăng Thế An xem xét với lòng quan tâm say mê đầy tình yêu. Kinh Thánh ghi nhận một hành vi trao ban dù chỉ là “một chén nước lã” cũng có giá trị vĩnh cửu, thì cách Đăng Thế An đưa người ta chạm đến thực tại bên kia cũng thật là ý nghĩa.
Hành trình tâm linh và vai trò người hướng đạo
Đăng Thế An tạo hình một hành trình vượt qua ba vương quốc bên kia, là Địa Ngục, Luyện Ngục và Thiên Đàng. Chủ đề tác phẩm, như nói trong Thư gửi Cangrande, là “tình trạng các linh hồn sau khi chết”; nhưng đề tài đích thật chính là con người, nhờ lý trí tự do chọn lựa, mà đạt được vĩnh phúc hay phải chịu khốn khổ trầm luân”. Như vậy, đối tượng chính là con người, trong tư cách là một cá thể tự do, tự quyết định lấy số phận mình. Tuy nhiên, nhân vật thực hiện hành trình là chính tác giả, mà trên thực tế, ông đã trải nghiệm những tình trạng của những thế giới bên kia ngay trên trần gian này. Cách xưng ngôi thứ nhất có liên hệ chặt chẽ tới lịch sử tính vốn ngự trị trong thơ ông. Không hề có một anh hùng nào bước vào vườn cổ tích, như trong các kiệt tác thơ ca của Pháp thời Trung đại, hay Cổ đại. Ở đây tác giả hồi tưởng lại cuộc hành trình của chính mình. Nhân vật ấy có một hộ tịch rõ ràng: một người xứ Phirenxê, miền Trung nước Ý, cũng là một thi sĩ ở tuổi 35. Qua hành trình ấy, chúng ta sẽ dần dần thấy những tình trạng chính trị bi thảm, những sự việc đạo đức và văn chương, những tình bạn, những lựa chọn, những niềm hi vọng và những hồi tưởng.
Nhưng đặc biệt “sự kiện cá nhân”được thể hiện trong việc lựa chọn người hướng đạo. Hình ảnh người dẫn đường ở trung tâm tác phẩm mang một ý nghĩa sâu sắc về đạo đức cũng như thần học: trên hành trình hoàn thiện tới ơn cứu độ, con người không chỉ đi một mình, nhưng cần có một ai đó đồng hành. Đăng Thế An chấp nhận được dẫn đi; điều đó có nghĩa là ông nhìn nhận sự giới hạn của mình, không thể tự mình hoàn thiện bằng chính sức riêng mình. Thi sĩ đã chọn cách không đi một mình, nghĩa là từ bỏ cái tính kiêu ngạo mà con người cả dám có thể tự cứu lấy mình.
Và trên hành trình đó, ông đã cậy nhờ ba thầy hướng đạo khác nhau, tương hợp với ba loại ánh sáng soi dẫn cho con người theo truyền thống thần học Kitô giáo: thi hào Vinh Dự Lưu (Virgilio) đại diện cho ánh sáng lí trí tự nhiên, đồng hành với lữ khách qua Địa Ngục và Luyện Ngục; tiếp theo đến ánh sáng ân sủng, qua hình ảnh nàng Thiện Bích dẫn con người vượt qua chính mình đạt tới sự hiểu biết những sự thần thiêng; cuối cùng là ánh sáng vinh quang, qua hình ảnh thánh Bernardo, dẫn Đăng Thế An đi vào thị kiến trực tiếp với Thiên Chúa.
Đến chót đỉnh Luyện Ngục, xảy ra một sự kiện quan trọng: cảnh thú nhận lỗi lầm cách công khai, và rồi “siêu thoát”. Con người ấy được biến đổi trong chiều kích thần linh và một Người từ Trời đến cứu thoát chàng không ai khác chính là người mà chàng thi sĩ đã si tình ngay khi còn trẻ.
Đình Chẩn biên dịch
Dựa theo lời bình của học giả Chiavacci Leonardi
Ca Khúc VI
Ca Khúc VII
Ca Khúc VIII
Ca Khúc IX
Ca Khúc X
#Thần_Khúc_Địa_Ngục
#Đình_Chẩn