Bước dò dẫm của các cây bút nữ Công giáo Việt Nam- Tác giả: Anna Nguyễn Bích Hạt

Anne de Jesu


Bước dò dẫm của các cây bút nữ Công giáo Việt Nam




Văn học Công giáo Việt Nam ra đời trong quá trình hội nhập văn hóa sống đạo, giữ đạo và loan báo Tin mừng. Trong bài chia sẻ này, người viết muốn đặc biệt nhấn mạnh đến sự ảnh hưởng và đóng góp của các tác giả nữ trong những bước đầu tiên của nền Văn học Công giáo non trẻ. Văn học Công giáo là một sự vun trồng dài lâu, nếu mỗi tác phẩm văn chương đều nảy sinh từ một hạt mầm thì hơn ai hết, những nữ tác giả chính là người đã chăm sóc những hạt mầm ấy lớn lên và sinh hoa kết trái cho đến ngày hôm nay. Đây không phải là một bài nghiên cứu rầm rộ, người viết chỉ muốn ghi nhận những gì các nữ tác giả văn học Công giáo đã đạt được trong tiến trình hình thành và phát triển. Để xác định được những bước tiệm tiến ấy, người viết đi vào tìm hiểu quá trình gieo hạt, lớn lên và sinh hoa kết trái của của các nữ tác giả văn học Công giáo.

1. HẠT GIỐNG ĐẦU MÙA: CÔNG NƯƠNG CATARINA

Qua các công trình nghiên cứu văn học sử của các nhà nghiên cứu Văn học Công giáo Việt Nam, chúng ta chỉ thấy lác đác vài gương mặt nữ tác giả Công giáo. Tên tuổi của họ rất nhạt nhòa trong các di cảo hiếm hoi còn sót lại. Dường như thời này, văn chương chữ nghĩa chỉ dành cho một bộ phận nhất định, còn nữ giới sáng tác cũng chỉ như “kẻ chầu rìa” để lấp đầy chỗ trống tinh thần mà thôi! Tuy nhiên, ở trong bối cảnh ấy, vẫn nổi lên một nữ nhân chốn kinh kỳ - Công nương Cataria, một bông hoa đầu mùa của thi ca Công giáo Việt Nam.

Hồi ấy, các thừa sai đến Việt Nam truyền đạo dường như đã có sẵn một kế sách tiếp cận dân bản xứ. Các ngài thường giao dịch rộng với chính quyền như vua chúa và bộ phận quan lại. Bên cạnh đó, họ hòa nhập rất nhanh và vận dụng một cách linh hoạt truyền thống giao tiếp của người Việt: “miếng trầu làm đầu câu chuyện”, nghĩa là quà cáp trước, nghi thức sau. Bởi thế, nhiều người thuộc hoàng tộc, các gia đình quý phái, những nho gia trí thức, đặc biệt cả các sư sãi cũng tìm đến nghe giảng và nhập đạo. Trong số nho gia trí thức ấy có bà Catarina, chị của Chúa Trịnh Tráng. Ngay khi vừa được rửa tội và nhập vào “Đạo Mới”, bà vội về kể ngay với mẹ và năn nỉ “xin mẹ cũng theo Đạo Mới này với con”. Mẹ bà là người rất thâm nho và sùng Phật. Chính các sư sãi đã tôn bà là ân sư vì bà cũng dạy đạo Phật cho các vị sư sãi. Thế nhưng, khi được giảng về “Đạo Mới”, bà mẹ đã tin theo và rất tâm đầu ý hợp với các “cố đạo”. Cả hai mẹ con Catarina cùng nhau học đạo và quyết tâm truyền giáo lý tình thương cho nhiều người, trước tiên cho hoàng tộc rồi dần dần lan xa.

Catarina không chỉ là nhà thơ văn Công giáo đầu tiên mà còn là nhà truyền giáo ưu tú có công trong việc hội nhập giáo lý, Thánh Kinh Công giáo vào nền văn thơ Việt Nam. Theo cha Đắc Lộ:

“Catarina rất giỏi về thi ca bản xứ nên đã soạn bằng thơ rất hay tất cả lịch sử giáo lý, từ tạo thiên lập địa cho tới khi Đức Giêsu giáng thế, cuộc đời, sự thương khó, phục sinh, lên trời của Người. Lại thêm ở cuối tập thơ một đoạn tường thuật việc chúng tôi tới Đàng Ngoài và công cuộc khởi sự rao giảng Phúc Âm. Tác phẩm này rất có ích vì không những giáo huấn tân tòng ngâm nga trong nhà, nơi thành thị cũng như chốn thôn quê, mà cả nhiều lương dân, khi ca hát và thích thú với lời ca dịu dàng, thì cũng học biết được những mầu nhiệm và chân lí đức tin” [1].

Khi đức tin vừa gieo vào chốn kinh kỳ (năm 1627), sự kiện thi phẩm của công nương Catarina ra đời đã làm nảy sinh thiên trường ca vang dội khắp xứ Đàng Ngoài, không lâu sau đã vượt biên giới sông Gianh đến với những anh em đồng đạo Đàng Trong.

Ngoài mốc điểm này, thế hệ hậu sinh ít biết đến những tác phẩm văn học Công giáo truyền khẩu, nhưng chính các hạt giống nhỏ bé này đã nuôi dưỡng nên những bông hạt hữu hình nơi thế hệ cháu con của họ.

2. ĐỢT NẨY MẦM THỨ NHẤT: NỮ SĨ THỤY AN

Đến thế kỷ XX, xuất hiện một gương mặt điển hình đại diện cho cho các nữ tác giả Văn học Công giáo, đó là nữ sĩ Thụy An. Bà tên thật là Lưu Thị Yến (1916 -1989), người làng Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Đông.

Năm 13 tuổi, bà đã có thơ đăng trên báo Nam Phong (1929). Năm 1934, 18 tuổi, Thụy An bắt đầu nghề báo, cùng chồng lập tuần báo Đàn bà mới ở Sài Gòn. Năm 1937, bà ra Hà Nội, chủ biên tờ Đàn bà. Thụy An là một nhà văn, nhà báo rất năng động, là một cây bút nữ có tài viết được nhiều thể loại: tiểu thuyết, thơ, nghị luận, đoản văn, khảo cứu... Bà làm nhiều thơ nhưng không in thành tập. Về tiểu thuyết, ngoài truyện dài Một linh hồn, bà xuất bản hai tập truyện ngắn là Vợ chồng (gồm 25 câu chuyện về hạnh phúc gia đình) và Bốn mớ tóc [2].

Thụy An là tiểu thuyết gia nữ duy nhất được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan lựa chọn trong bộ Nhà văn hiện đại với tác phẩm Một linh hồn (xuất bản năm 1943). Tiểu thuyết được xây dựng dựa trên bối cảnh của đạo lý Công giáo. Đánh giá về tác phẩm này, Vũ Ngọc Phan viết:

“Hàn Mạc Tử đã đem vào thơ ca Việt Nam lòng tin tưởng ở đạo Giatô với một giọng say sưa đầm ấm. Thụy An cũng xây dựng cho tiểu thuyết của mình những nhân vật tin cậy vào Đấng Cứu Thế, vào Đức Mẹ Đồng Trinh và sẵn sàng nhịn nhục hy sinh… ‘Một linh hồn’ là một tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay. Tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại được xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn [3]. Nhà văn Yên Thao cũng đã nói: “Sự hiện diện của hai tác phẩm ‘Một linh hồn’ và ‘Bốn mớ tóc’ của Thụy An chứng tỏ rằng ở khoảng thời gian trên, nữ giới Công giáo Việt Nam đã có một cây bút khá sắc bén và thông minh…”[4].

Có thể nói, Thụy An là nhà văn nữ tiên phong về lối diễn tả tâm lý nhân vật cách chân thật, khéo áp dụng hướng cứu vớt của Chúa vào đời sống nhân sinh một cách uyển chuyển nhất.

Cuộc đời của nữ văn sĩ Thụy An gặp nhiều biến cố. Theo ghi chép của dòng họ Lưu, bà Lưu Thị Yến lấy chồng là người đồng đạo, có 7 người con, đến năm 1949 thì ly thân nhưng không ly dị vì luật đạo không cho phép. Cuối đời, bà vào Sài Gòn và quy y ở Chùa Quảng Hương Già Lam (năm 1987), pháp danh là Nguyên Quy, và bà mất năm 1989, tại nhà riêng ở đường Lê Văn Sỹ [5].

Nhìn nhận về biến cố cuộc đời nữ sĩ Thụy An, nhất là biến cố cải đạo, linh mục Trăng Thập Tự có cái nhìn đầy bênh vực và đồng cảm đối với bà:

“Một nhà văn nữ mà lại là một giáo dân ở Việt Nam những năm 1940, bà biết tìm đâu một người đồng cảm? Rồi khi cuộc sống gia đình trắc trở, bà sống ly thân đúng theo luật đạo nhưng dưới cái nhìn ít trân trọng của người đồng đạo, bà thật hết sức cô đơn… Sau những năm dài bị tù, Thụy An chuyển chỗ ở vào Sài Gòn nhưng giữa Sài Gòn xa lạ biết tìm ai cảm thông ngoài sách vở. Những trang sách và những thực hành đầy thuyết phục đã giúp bà tìm được bình an tâm lý, cùng với những người bạn mới trên hành trình kinh nghiệm mới, bà tìm đến chùa nhận một pháp danh, theo tôi, là điều bình thường dễ hiểu như những môn đệ bỏ đi Emmau… Nếu có một ai cùng sánh bước với bà trên đường chiều thuở ấy, cùng trao đổi câu chuyện, chắc hẳn ta đã được nghe người trong cuộc kể lại một kết cục khác” [6].

3. ĐỢT NẨY MẦM THỨ HAI

3.1. NHỮNG GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU

Thông qua công trình nghiên cứu đồ sộ mang tên “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” của nhà thơ Lê Đình Bảng, một ấn phẩm với độ dày trên 4000 trang in [7], cho thấy thi ca trong đời sống của cộng đồng cư dân Công giáo Việt Nam thật phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và bao quát nhiều lĩnh vực. Trong bộ sách ấy, nhà thơ Lê Đình Bảng đã giới thiệu 12 tác giả trong tập “Miền thơ kinh cầu nguyện”, trong đó có ba gương mặt nữ tiêu biểu sống ở thế kỷ XX: Nữ sĩ Ngọc Minh (1916-1996), Nữ tu (Nt) Trần Thị Hoa (1936-2003) và Nt. Huỳnh Thị Kim Hải (1944-2008).

3.1.1. Ngọc Minh

Nữ sĩ Ngọc Minh tên thật là Lã Thị Quỳnh (1916-1996). Bà gia nhập đạo Công giáo vì tình yêu với chồng. Hôn lễ của bà cùng chồng là Mai Lâm được cử hành tại nhà thờ Phủ Lạng Thương năm 1939. Từ đó, “một mùa xuân mới” yêu chồng, yêu đạo đã nảy nở trong hồn thơ bà [8]:

“Tôi lãng quên đi một buổi chiều

Thế rồi từ đó bận vì yêu

Tôi không năng ngắm xuân trời nữa

Xuân của lòng tôi đã quá nhiều.”

(Xuân lòng, 1939)


Ngọc Minh đã để lại tập thơ di cảo Tiếng hát ban đầu, gồm hơn 100 bài thơ về nhiều đề tài, trong đó có nhiều bài lấy cảm hứng từ đức tin, lòng mến Chúa yêu người. Giọng điệu thơ của Ngọc Minh là tiếng nói thì thầm của trái tim – một trái tim nồng nàn thắm thiết với chồng và nhạy cảm với cảnh vật thiên nhiên, đất trời. Đặc biệt trái tim bà luôn sẻ chia đến tận cùng những vui buồn của từng số phận con người. Thể thơ chủ đạo trong thơ bà là thất ngôn bát cú hoặc lục bát [9], với thể thơ này, từng âm hưởng thơ dễ dàng đi vào lòng người và khiến độc giả rung nhịp đồng cảm.

3.1.2. Trần Thị Hoa

Nữ tu Têrêsa Trần Thị Hoa, sinh ngày 25/12/1936 tại làng Thượng Vỹ, tỉnh Hà Nam, thuộc Hội dòng Đa minh Lạng Sơn. Những bài thơ của bà ra đời cách rải rác, lẻ tẻ, về sau được gom lại thành tập. Nt. Têrêsa Trần Thị Hoa đã gọi những bài thơ ngẫu hứng, vô đề ấy là “Hoa trái mùa”. Ai đã từng đọc thơ bà thì thấy đó là tất cả những cảm nhận nhạy bén, những trải nghiệm sâu sắc và cả những nỗi buồn, niềm vui riêng tư về một bậc sống với Chúa, với người và với chính mình. Những bài thơ của bà như được gợi hứng từ một mạch ngầm trong veo, thánh thiện nhưng rất đỗi bình dị. Bà luôn dùng những câu chữ nhẹ nhàng, giản đơn như để trò chuyện, nguyện cầu với Chúa. Sở trường của bà là thể loại lục bát, chỉ gần 100 bài thơ nhưng đã nói lên được tất cả tâm hồn của một con người thuộc trọn về Chúa và tha nhân [10]:

“Nghiêng mình nhặt cánh hoa rơi

Cài lên chiếc áo cuộc đời, đẹp chưa,

Cuộc đời vẫn những nắng mưa

Gian truân, vất vả vẫn chưa hết đời.

(Cánh hoa rơi, 2001)

Một ước nguyện trước khi lìa cõi thế (ngày 12/11/2003), người thi sĩ - nữ tu ấy xin được nhìn thấy Hoa trái mùa gom góp lại thành tập và gởi đến những người thân quen để xin một lời cầu: “Đừng quên chị”. Và có lẽ bởi mối duyên tơ trời cho vô cùng độc đáo và thánh thiện ấy, hồn thơ của Hoa trái mùa đã chạm đến hồn thơ Lê Đình Bảng và đã góp phần làm nên diện mạo Miền thơ kinh cầu nguyện trong làng thơ Công giáo Việt Nam.

3.1.3. Kim Hải

Nữ tu - thi sĩ Maria Fautina Anê Huỳnh Thị Kim Hải, sinh ngày 16/10/1944, là người con xứ Huế thơ mộng. Bà lấy bút danh Trừu Non, là một nữ tu Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân – Huế. Đối với bà, thơ là công cụ để thổ lộ tâm tình với Chúa. Từ những bài thơ hồn nhiên đến những lời kinh trải nghiệm đầy suy tư của Nt. Kim Hải, ta như bắt gặp một hồn thơ “không có tuổi”, không triết học hay thần học cao siêu. Sau những tháng ngày tận hiến, tập thơ “Tiếng lòng” ra đời như một định mệnh, gồm trên 100 bài thơ viết từ năm 1965 đến năm 2008. Nhà thơ Lê Đình Bảng nhận định: “Trừu Non viết âm thầm như một lời kinh cầu nguyện”. Thơ của bà như những trang nhật ký ghi chép những cái thường hằng bình dị, rất đỗi thân quen nhưng cũng vô cùng an nhiên tĩnh tại [11]:

“Lẽo đẽo đi theo Chúa

Bóng Chúa phủ tình con

Lẽo đẽo theo chân Chúa

Con không thấy mình còn.”

(Theo Chúa)


Nếu là người yêu thơ Công giáo, có lẽ đọc thơ Nt. Huỳnh Thị Kim Hải, chúng ta sẽ gặp kinh trong thơ và thơ trong kinh. Một sự hòa điệu thật tuyệt vời!

3.2. NHỮNG TÀI NĂNG ĐÁNG GHI NHẬN

Bàn về văn học Công giáo, lẽ ra chúng ta phải tự giới hạn vào những vị theo đuổi những nội dung tích cực về đức tin và cuộc sống của dân Chúa. Chỉ nguyên sự kiện tác giả là người Công giáo thôi chưa đủ để được nhắc đến trong một bài nghiên cứu theo chủ đề này. Thế nhưng, với tựa đề “Bước dò dẫm của các cây bút nữ Công giáo Việt Nam”, bài viết không thể bỏ sót hai cây bút đã dấn thân vào cuộc “dò dẫm” này, đó là: Lý Thụy Ý và Nguyễn Thị Thanh Huệ.

3.2.1. Lý Thụy Ý

Lý Thụy Ý tên thật là Nguyễn Thị Phước Lý, sinh ngày 02/04/1947, quê nội ở Quảng Nam, quê ngoại ở Thừa Thiên - Huế. Bà là một nữ văn sĩ, thi sĩ nổi danh từ trước năm 1975, khởi sự bà viết cho tuần báo Văn nghệ tiền phong, sau làm thư ký toà soạn cho tờ báo này, nhiệm vụ trông coi mục Văn nghệ kaki (văn nghệ lính). Sau 1975, Lý Thuỵ Ý phải đi cải tạo cùng các nhà văn, nhà báo như: Thanh Thương Hoàng, Lý Đại Nguyên, Doãn Quốc Sỹ. Sau đó bà về Sài Gòn lấy chồng, tiếp tục viết văn và sáng tác. Những tập thơ của bà mang tên: Khói lửa 20 (1972), Thơ tình Lý Thuỵ Ý (1995), Kinh tình yêu (2003). Về văn, bà đã xuất bản các truyện ngắn như: Theo triền nắng đổ (1970), Người sau tuyến lửa (1972), Bông hồng không toả hương (1992), Ngọc lai (1993), Khuya hoang (1994), Những mùa xuân chín (1999) [12].

Lý Thụy Ý là một bông hồng văn học nổi danh từ những tập niên 60. Bà là nhà thơ của những bài thơ viết cho người lính đang ngày đêm xông pha ngoài chiến trường. Vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà báo - Lý Thụy Ý đã đi vào lòng bạn đọc từ những ngày quê hương còn loạn ly với những câu truyện ngắn giàu hương vị tình yêu và giọng thơ bà đầy cung bậc cảm xúc:

“Đừng rời bỏ em-dù chỉ trong ý nghĩ

Hãy giữ nhau từng phút,

Như ngày mai không còn nữa bao giờ…”

(Kinh tình yêu)

3.2.3. Thanh Huệ

Nguyễn Thị Thanh Huệ, sinh năm 1937, bút danh Hoàng Lan, bà có nhiều sáng tác như truyện ngắn: “Phù sa trên tóc bạch kim”, “Tuổi trẻ mong manh”, “Thức tỉnh lòng mẹ”, ... Từ một người phụ nữ nghèo khổ bán xăng lẻ bên vệ đường Cách Mạng Tháng 8, Thành phố Cần Thơ để kiếm tiền, bà cùng chồng nuôi 5 người con. Cuộc sống mưu sinh ở khu Chòm Mả, “người sống ăn ngủ cùng với người chết...” một thời gian rất dài đã biến Thanh Huệ thành người đàn bà nghị lực, có sức sống kỳ diệu. Những thăng trầm của kiếp người đã hóa thân bà trở thành một nhà văn tên tuổi, đạt nhiều giải thưởng. Đến giờ, bước qua tuổi 83, bà vẫn viết vì với bà viết để sống, viết vì sứ mệnh, vì niềm tin của bạn đọc đã yêu thương. Năm 2020, dù ở tuổi 83, bà vẫn miệt mài cho ra đời tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi được độc giả tâm đắc “Con cò mồ côi” (Nxb Kim Đồng ấn hành, 2020). Bà đáng được mệnh danh là nhà văn “không có tuổi” [13].

4. ĐỢT NẨY MẦM THỨ BA

Trong thời kỳ này có khá nhiều tác giả nữ tham gia viết những tác phẩm có liên quan đến Công giáo, nổi bật nhất là Hoàng Thị Đáo Tiệp và Trần Mộng Tú.

4.1. Hoàng Thị Đáo Tiệp

Hoàng Thị Đáo Tiệp là nữ tác giả Việt Kiều quen thuộc xuất hiện nhiều trên các trang mạng Công giáo như: dunglac.info; cttd.org; memaria.org… Bà cũng là tác giả gắn bó rất lâu dài với Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ, một nguyệt san do tỉnh dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc tại Hoa Kỳ đảm nhiệm. Hoàng Thị Đáo Tiệp đã tập hợp nhiều truyện ngắn và những bài viết ghi lại những kinh nghiệm đời sống và trải nghiệm tâm linh sâu sắc và in thành những tập sách có giá trị như: Đa tạ (1993), Đường lên thiên quốc (2001), Dâng tiến Chúa (2003), Tro bụi kiếp người (2003), Thánh cả chữa lành (2008), Vườn Gethsemani (2009).

4.2. Trần Mộng Tú

Trần Mộng Tú, sinh năm 1943, tại Hà Đông, di cư vào Nam năm 1954. Bà là thư ký cho hãng thông tấn Associated Press ở Sài Gòn giai đoạn 1968-1975. Bà thường xuyên cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác. Sau năm 1975, bà sang Mỹ định cư. Bà viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000 và làm thơ Anh ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học. Hiện bà sống tại bang Washington [14]. Trần Mộng Tú có rất nhiều tác phẩm đã được xuất bản hoặc đăng trên báo mạng: Để em làm gió - Tập thơ (Nxb Thế kỷ, 1996); Câu chuyện của lá phong - tập truyện ngắn (Nxb Người Việt, 1994); Cô Rơm và những truyện ngắn khác - tập truyện ngắn, (Nxb Văn nghệ, 1999), Mưa Sài Gòn, mưa Seattle - tạp văn, (Nxb Văn Mới, 2006).

Điểm qua như vậy để thấy những đóng góp của các nữ tác giả Công giáo trong giai đoạn này đã bắt đầu có hứa hẹn.

5. ĐỢT NẨY MẦM THỨ TƯ- HỨA HẸN MÙA BỘI THU

5.1. LĨNH VỰC VĂN CHƯƠNG

Thông qua những công trình tổng hợp nghiên cứu quy mô của các nhà nghiên cứu văn học Công giáo như: Nhà nghiên cứu Võ Long Tê, với cuốn “Lịch Sử Văn Học Công giáo Việt Nam” (1965); Nhà thơ Lê Đình Bảng với tác phẩm “Văn học Công giáo Việt Nam - Những chặng đường” (2010), và bộ sách gồm 6 cuốn: “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (2009); Nhà văn Bùi Công Thuấn với tác phẩm “Văn chương Việt Nam - những gì còn với mai sau” (2016); Lm.Trăng Thập Tự với Bộ Sưu Tập “Có Một Vườn Thơ Đạo” gồm 4 cuốn: quyển 1 nói riêng về Hàn Mạc Tử, tập trung vào mảng thơ đạo; quyển 2 gồm 45 tác giả thơ Công giáo, có năm sinh từ 1912 đến 1940 và quyển 3 gồm 51 tác giả thơ Công giáo, có năm sinh từ 1941 đến 1955; quyển 4 có 44 tác giả thơ Công giáo, có năm sinh từ 1956 đến 1990.

Qua những công trình nghiên cứu trên, cho thấy số lượng tác giả nữ tăng dần qua từng thời kỳ, cùng với đó là sự mở rộng về thể loại mà các cây viết nữ góp mặt, có thể thấy bước tiến đáng kể của nữ giới trong văn đàn. Sau đây là các bảng thống kê về số lượng tác giả nữ trong văn học Công giáo:

Thống kê số lượng tác giả nữ trong tập “Có một vườn thơ đạo"

105: tác giả nam

36: tác giả nữ

26%: tỉ lệ tác giả nữ

Năm sinh từ 1912 -1990

Các tác giả tiêu biểu sinh từ năm 1912 đến trước 1975: Đông Khê (1928-1964), Hoài Mộng (1939), Hàn Lệ Thu (1940-2007), Trần Mộng Tú (1943), Phạm Thị Thái Quý (1948), An Trinh (1949), Đỗ Thảo Anh (1949-2011), Liễu Giang (1951), Bụi Hồng Ân (1953), Vĩnh An (1955), Nguyễn Thị Xuyến (1960), Trịnh Tây Ninh (1960), Đặng Thị Vân Khanh (1961), Lý Thị Minh Khiêm (1963), Thanh Hương (1964), Vũ Thủy (1965), Song Lam (1968),

Những tác giả sinh ra sau năm 1975: Trần Nguyễn Trang Đài (1975), Phan Thị Liên Giang (1975), Nguyễn Đỗ Thái An (Hạt Bụi – 1975), Khánh Vân (1976), Trần Thị Hồng Nhung (1979). Cũng thật đáng quý những gương mặt nữ tác giả thuộc thế hệ 8X như: Trần Thị Phương Nhã (1984), Vũ Thương (1987), Kim Dạ (1988)…


 Thống kê số lượng tác giả nữ trong giải “Viết văn đường trường”


Tuyển tập truyện ngắn Viết Văn Đường Trường, Lm Trăng Thập Tự chủ biên:

Chuông chiều (2013);

Nắng mùa đông (2014); Người gieo hạt (2015);

Điểm hẹn Giêsu (2016);

Những đứa con của Mẹ (2017);

Người vẽ hy vọng (2018)

105: tác giả nam

64: tác giả nữ

38%: tỉ lệ tác giả nữ

Trần Thị Sứ (1974), Nguyễn Ngọc Nữ (1976), Huỳnh Ngọc Đỗ Quyên (1978), Nguyễn Ngọc Nữ 

(1978) Trần Thị Kiều Thu (1979), Đinh Thị Thu Hằng (1979), Nguyễn Thị Khánh Liên (1982), Đặng 

Thị Kim Thoa (1983), Nguyễn Thị Chung (1984), Bùi Thị Hải Giang (1989), Đặng Hoàng Hương 

Giang (1990), Nguyễn Thị Thu Thảo (1993), Võ Thị Phương (1994), Nguyễn Thị Trúc Lư (1994), 

Dương Thị Thái Chân (1995), Võ Thị Phương (1994), Nguyễn Thị Bá Ninh (1998), Huỳnh Thị Ngọc 

Trân (1998)…


 Thống kê số lượng tác giả nữ trong giải văn học nghệ thuật “Đất mới” 2020

Giải Đất Mới 2020: Tổng số tác giả: 25; 16: tác giả nam; 9: tác giả nữ; 36%: tỉ lệ tác giả nữ 

Thơ:                         Tổng: 10; 7: tác giả nam; 3: tác giả nữ; 30%: tỉ lệ tác giả nữ

Truyện ngắn:            Tổng: 8 ; 6: tác giả nam; 2 tác giả nữ; 25%: tỉ lệ tác giả nữ

Truyện dài:                Tổng: 7 ; 3: tác giả nam; 4: tác giả nữ; 57%: tỉ lệ tác giả nữ

Maria Goretti Nguyễn Thị Xuân, Đặng Thị Kim Thoa, Nguyễn Thị Duyên, O.Cist. Hồ Thị Phương, 

Nguyễn Thị Chung, Phạm Thị Khiết Tâm, Phạm Thị Lành, Lý Thị Vy, Nguyễn Thị Cẩm Nhung, 

Nguyễn Đỗ Thái An, Nguyễn Thị Lam…

 Tỉ lệ biến chuyển số lượng tác giả nữ trong văn học Công giáo

Ở thượng nguồn thơ ca Công giáo VN : Tổng: 44 tác giả; 41 tác giả nam; 3 tác giả nữ; 7% tỉ lệ tác giả 
nữ

Có một vườn thơ đạo, tập 1- 4(sinh 1912 về sau) : Tổng: 133 tác giả; 99 (+6) tác giả nam; 34 (+2) tác 
giả nữ; 26% tỉ lệ tác giả nữ.
                                                                                                                                                     
Giải Viết Văn Đường Trường (sinh năm 1972 về sau): Tổng 169 tác giả; 105 tác giả nam; 64 tác giả 

nữ, 38%: tỉ lệ tác giả nữ

Giải Đất Mới 2020 (không phân biệt năm sinh): Tổng 25 tác giả; 16 tác giả nam; 9 tác giả nữ; 36%: 

tỉ lệ tác giả nữ.

Thơ:                         Tổng: 10; 7: tác giả nam; 3: tác giả nữ; 30%: tỉ lệ tác giả nữ

Truyện ngắn:            Tổng: 8 ; 6: tác giả nam; 2 tác giả nữ; 25%: tỉ lệ tác giả nữ

Truyện dài:                Tổng: 7 ; 3: tác giả nam; 4: tác giả nữ; 57%: tỉ lệ tác giả nữ


5.2. CÁC LĨNH VỰC KHÁC

Tại dẫn nhập, bài viết này nhắm tới lãnh vực nghiên cứu về văn học Công giáo, thế nhưng sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới những chị em tham gia thực hiện các tác phẩm văn hóa trong các lãnh vực liên quan. Dịch thuật và nghiên cứu không thuộc lĩnh vực nghệ thuật nhưng không thể không nhắc tới, vì ở đây cho thấy sự xuất hiện và tham gia của nữ giới Công giáo ngày càng rõ và đi sóng đôi với nỗ lực sáng tác.

5.2.1. Dịch thuật

Bản dịch Kinh thánh trọn bộ Cựu ước – Tân ước của Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ năm 1998 là một ghi nhận đáng khích lệ của Giáo hội Việt Nam. Nhiều gương mặt nữ tác giả đã cộng tác đắc lực trong nhóm nghiên cứu và biên dịch này. Những tên tuổi nổi bật như: Nữ tu (Nt) Nguyễn Thị Sang (tham gia nhóm vào năm 1974), Nt. Lê Thị Thanh Nga, dòng Đức Bà (1996), Nt. Lê Thị Vân Nga, dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức (2003), Nt. Nguyễn Thị Cảnh Tuyết, dòng Đaminh (2008), Nt. Đỗ Thị Yến, dòng Đaminh (2009). Ngoài ra, còn nhiều nữ dịch giả đã đóng góp không nhỏ cho sự ra đời của những cuốn sách đủ tiêu chuẩn lưu hành trong giới Công giáo, hiện được bán ở các nhà sách Công giáo hiện nay. Có thể điểm sơ qua các gương mặt nữ dịch giả như: Nguyễn Thị Chung (Chúa trong đời thường - Lm. Maurice Zundel, Thiên Chúa của Đức Giêsu - Jacques Duquesne, Xây dựng con người nhân bản - Michel Quoist, Bản tình ca Thiên Chúa làm người - Maria Valtorta, Sự hiện diện khiêm hạ - Marc Donzé…); Nt. Trần Thị Quỳnh Giao (Đứng dậy đi các bạn trẻ - ĐGH. Phanxicô, Giáo hội mà tôi mong đợi - Antonio Spadaro, SJ, Đêm tối của Giuđa – Jean, Sứ vụ truyền giáo - ĐGH. Phanxicô …); Nt. Vũ Thị Thu Thủy (Bạn có thể chữa lành cuộc sống của bạn – Louisel, Biến đổi cảm xúc đau buồn của chúng ta – Evelyn Eaton anhd James D. Whitehead, Yêu thương là một lối sống - Gary Chapman, Cuộc sống luôn truyền cảm hứng - John Pichappilly); Nt. Lê Kim Yến, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội (Cuộc thương khó và thập giá - Ronald Rolheiser…). Ngoài ra còn các Nữ tu như: Nguyễn Thị Kim Phúc, Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Quỳnh Tâm… Nhờ tài năng ngôn ngữ và dịch thuật, tất cả những nữ dịch giả ấy đã góp phần làm phong phú những đầu sách Công giáo có giá trị của các tác giả nước ngoài.

5.2.2. Nghiên cứu văn học

Trong hành trình tìm về những giá trị toàn vẹn của văn học Công giáo tại Việt Nam, đã xuất hiện những nữ học giả luôn khao khát tìm hiểu đối với nền văn hóa - văn chương mang màu sắc Công giáo ở Việt Nam. Họ đã làm cho văn học Công giáo nảy sinh, được nhìn nhận và khích lệ trưởng thành theo một đường hướng riêng biệt. Trong đó chúng ta phải kể đến thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Hồng với Tìm hiểu thơ Hàn Mặc Tử từ nguồn cảm hứng khác biệt (Nxb Khoa học Xã hội, 2020); tiến sĩ Maria Lê Thị Hoa với Học giả Văn hóa và Thầy dạy Đức tin, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948), (Nxb Tri thức, Hà Nội, 2019); Nữ tu Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến, Hội dòng Mến Thánh Giá Huế với Thơ văn Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, tạp chí Nghiên cứu Văn học (số 7 581, Tháng 7-2020); tiến sĩ Trương Thị Liễu với Văn học đối chiếu, Đại học Paris III, Sorbonne Nouvelle.

5.2.3. Báo chí và truyền thông

Trước năm 1975, Giáo hội Việt Nam khắp nơi có hơn 200 tờ báo các loại. Đến năm 1978, các tòa soạn báo bị đóng cửa, chỉ còn lại tuần báo: Công giáo và Dân tộc (ở Miền Nam) và Người Công Giáo Việt Nam (ở Miền Bắc). Tờ báo chính thức thứ hai là tờ Chia sẻ của liên tu sĩ thành phố và tờ Hiệp thông của Hội đồng Giám mục Việt Nam, sau đó xuất hiện Bài giảng Chúa nhật, Đồng hành, Nhịp sống Tin Mừng, Epphata, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Nhịp cầu Caritas, Thời sự thần học, Tạp trí Logos, Chuyên đề Donbosco… Khi nền văn minh mạng bắt đầu tràn vào Việt Nam, thì mỗi giáo phận, mỗi dòng tu, mỗi giáo xứ, mỗi giáo họ, mỗi đoàn thể riêng đều có trang mạng riêng. Trang nào cũng được thiết lập như một tờ báo với đầy đủ các hạng mục. Các nữ tác giả lúc đầu cũng là nghiệp dư, dần trở thành chuyên nghiệp, đội ngũ này càng ngày càng nhiều và trình độ cũng được nâng cao. Các nữ tác giả đóng góp được nhiều bài viết thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện, thơ, nghiên cứu, suy niệm, phóng sự… Có thể điểm qua danh sách những nữ tác giả thường xuyên cộng tác với các báo và các trang truyền thông như: Nt. Hoàng Ngọc Yến, - Chuyên đề Donbosco; Phan Thị Liên Giang và Thiên Lý viết cho báo Công Giáo và Dân tộc; Nt. Hồng Hà, cộng tác với Nhịp sống Tin Mừng trong chuyên mục truyện ngắn; Nt. Mai Thành, Nt. Trần Như Ý Lan, đã thường xuyên có những bài viết cộng tác với báo Hiệp thông, Chia sẻ.

5.2.4. Một số nội dung khác

Những ấn phẩm có nội dung phụng vụ, giáo lý, kinh nguyện, tu đức, cảm nghiệm thiêng liêng, đời sống Kitô hữu, đời sống thánh hiến được khai thác nhiều qua thơ, truyện, tản văn và suy niệm. Nổi bật trong mảng sáng tác về nội dung suy niệm hiện nay là các tác giả: Nt. Nguyễn Thị Anh Thư với tác phẩm Chút gì với Chúa, (Nxb Tôn giáo) Nt. Đỗ Thị Yến - Các tông đồ theo Kinh Thánh và Nhân Sinh Quan (Nxb Đồng Nai, 2020), Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt với tác phẩm Sống đạo giữa đời (Nxb Đồng Nai, 2020), Nt. Trần Thị Thanh Hương – với cuốn Tình yêu phi thường (Nxb Phương Đông, 2009) và Tứ đức Công Dung Ngôn Hạnh theo linh đạo Đức Cha Lambert (Nxb Phương Đông, 2009)… Nt. Trần Thị Giồng: Hạnh phúc trong tầm tay (Nxb Phương Đông, 2008); Thắp sáng một gia đình (Nxb Hồng Đức, 2014); Để gió cuốn đi (Nxb Phương Đông, 2017)… Nt. Cảnh Tuyết: Những điều được viết trong Kinh Thánh có thật hay không? (Nxb Tôn giáo, 2021), … Có được một đội ngũ những nhà nghiên cứu như thế là nhờ các Hội dòng đã dần nhìn ra sự đóng góp quan trọng của văn chương trong sứ vụ loan báo Tin mừng và đã có hướng đầu tư đào tạo để các nữ tu phát huy khả năng suy tư, nghiên cứu và viết sách nhiều hơn. Mong sao trong tương lai sẽ có nhiều Hội dòng lưu tâm và tiếp tục đầu tư về chuyên môn cho các nữ tu trong lãnh vực văn chương này.

Như vậy, suốt dòng lịch sử, ta có thể thấy nữ tác giả Công giáo không ngừng nỗ lực chu toàn sứ mạng bằng đời sống, nỗ lực sáng tác văn chương và suy tư, nghiên cứu về nhiều mảng đề tài để giới thiệu Chúa cho anh chị em của mình.

6. ĐỀ XUẤT CHO TƯƠNG LAI

Theo thống kê biến chuyển về số lượng như trên, ở thế kỷ XXI, văn học Công giáo đã có sự phát triển nhảy vọt. Đó là nhờ sự quan tâm có tổ chức của một số giáo phận và dòng tu. Nếu có sự quan tâm ở cấp Giáo hội cả nước, có thể còn nhiều kết quả khả quan hơn. Từ những điểm sáng và điểm tối ấy, người viết xin được gợi ý đôi điều cho tương lai:

6.1. CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM

Giải Văn thơ Catarina: Các giải thưởng địa phương những năm qua đã thu hút và gián tiếp đào tạo nên một số nữ tác giả. Tuy nhiên đó chỉ là những giải địa phương nhỏ lẻ, bên cạnh đó số dòng nữ mạnh dạn khuyến khích chị em tham gia chưa nhiều. Nếu có một giải thưởng chính thức dành riêng cho nữ giới Công giáo cả nước, hy vọng mùa hoa sẽ nở rộ.

6.2. LINH HƯỚNG

Tổ chức diễn đàn hoặc nhóm sáng tác để giao lưu, gắn kết các nữ tác giả Công giáo: Liên hiệp các Bề Trên Thượng Cấp có thể mời một số thành viên có thiện chí với việc Loan báo Tin mừng bằng văn chương. Để họ đảm nhận hay tham gia một diễn đàn chung cho nữ tác giả Công giáo Việt Nam nhằm cùng nhau tìm tòi, chia sẻ, bổ túc, nghiên cứu và phát triển vốn văn học mang đậm màu sắc riêng của giới Công giáo.

Tổ chức các khóa sinh hoạt hoặc tĩnh tâm, linh thao ngắn hạn (3-7 ngày) cho các nữ tác giả có cùng đam mê, để thêm động lực và cảm hứng thiêng liêng trong việc sáng tạo văn chương. Đây là một việc rất cần thiết để có được những đóng góp mang chất lượng từ những sáng tác tâm linh có tính nhân văn cao.

Kết hợp văn chương với truyền thông: Với thời đại 4.0 ngày hôm nay, để thu hút và tạo hứng thú hay truyền cảm hứng văn chương đến người trẻ, có thể lập ra các “Group văn chương” trên các trang mạng xã hội hoặc chia sẻ trên blog cá nhân với những hoạt động như: Đưa bản tin về Giáo hội, Hội dòng hoặc Giáo xứ; các bài viết cảm nghiệm từ cuộc sống; điểm sách; những radio truyện, tản văn hay; hoặc thiết kế dựng những video có nội dung hướng thượng, tích cực… Đây là những hình thức đã rất phổ biến và được giới trẻ hưởng ứng rộng rãi trên các trang mạng Công giáo. Tuy nhiên để duy trì bền bỉ cũng cần thiện chí cộng tác, sự sáng tạo và nhiều yếu tố khác của những người có cùng tâm huyết. Hơn nữa, họ cũng cần hiểu rõ những quy tắc về truyền thông hoặc vấn đề kĩ thuật để hiệu quả truyền tải được uy tín và lâu bền.

6.3. ĐÀO TẠO

Ươm trồng tài năng: Văn chương ngoài năng khiếu và đam mê còn cần một nền tảng vững chắc. Vì thế việc kiến tạo môi trường giáo dục tốt tại các giáo xứ thông qua việc gây dựng thư viện hay tủ sách chung, tập cho các em thói quen đọc sách hay tổ chức các cuộc thi báo tường trong các xứ đoàn… Các em cần được những người có trách nhiệm động viên khích lệ, nhất là việc đọc, học hỏi Kinh Thánh, giáo lý, nhân bản… Tất cả những nền tảng ấy sẽ góp phần tạo nên những “thiên tài” văn chương cho Văn học Công giáo Việt Nam trong tương lai không xa.

Trường đào tạo trực tuyến hoặc những khóa ngắn hạn về văn chương: Những việc đào tạo tổng quát về nhân bản, tâm lý, kiến thức, tâm linh và linh đạo dòng hiện đã được tổ chức tốt ở phạm vi từng dòng cũng như liên dòng. Riêng việc đào tạo văn chương- văn học rất khó tìm người, do thiếu nhân lực chuyên môn hoặc do chưa quan tâm và đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, nếu các Bề Trên Thượng Cấp có hướng xây dựng một trường cao đẳng trực tuyến; tổ chức các khóa Việt văn ngắn hạn; khuyến khích xuất bản những cuốn tạp san, nội san; xây dựng và tổ chức các chương trình trải nghiệm thực tế… sẽ tạo hứng thú và thu hút nhiều người tham gia. Với việc đào tạo trực tuyến, học viên ở bất cứ đâu cũng có thể theo học và việc mời nhân sự điều hành và đào tạo cũng thuận tiện hơn.

7. KẾT LUẬN:

Chỉ riêng trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, ta có thể thấy sự xuất hiện và đóng góp của các cây bút nữ Công giáo Việt Nam đã lan nhanh như dầu loang trên mặt nước. Đúng hơn, phải nói đây là ơn Chúa. Chính Chúa đã làm cho nhúm men đức tin và đức mến Ngài trộn vào rá bột dân Việt khiến cả rá bột dậy men nhanh biết chừng nào. Ước gì các tầng lớp Dân Chúa cùng quan tâm suy nghĩ, đặc biệt là các vị hữu trách trong Giáo hội sớm tìm phương hướng để ngọn lửa đang được ơn Thánh Thần nhen nhúm sớm theo ngọn gió của Ngài lan tỏa khắp nơi.


*Lời người viết: Con xin hết lòng tri ân cha Trăng Thập Tự đã tận tình hướng dẫn con trong bài viết này; xin chân thành cám ơn thầy Bùi Công Thuấn, sơ Đỗ Quyên - Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn cùng chị Nguyễn Thị Thắm - giảng viên ĐH Quy Nhơn đã cho con những góp ý hữu ích để bài viết được hoàn tất trong Thánh Ý Chúa.

Sài Gòn, tháng 09/2021

Anna Nguyễn Bích Hạt


[1] x. A. DE RHODES, Lịch sử vương quốc đàng Ngoài, Hồng Nhuệ dịch, 1994, tr.103-106.


[2] x. NGUỒN: http://luutoc.vn/vi/?go=detail/1/9/2014/LBiDD/News/nu-van-si-thuy-an-_-luu-thi-yen-(1916-_-1989).dhtml.


[3] x. VŨ NGỌC PHAN, Nhà văn hiện đại, tập hai, Nxb Khoa học Xã hội, 1989, tr. 1118-1119.


[4] x. BÙI THỤY BĂNG, “Thụy An 1945 – 1954 – 1975”, Nguồn: http://motgoctroi.com/Tho/ThoThuyAn.htm.


[5] x. QUANG BINH, Nữ Văn Sĩ Thụy An - Lưu Thị Yến (1916 - 1989), Nguồn: http://luutoc.vn/vi/.


[6] x. TRĂNG THẬP TỰ, (Chủ biên), Tạp san Mục đồng, số 19.


[7] x. LÊ ĐÌNH BẢNG, Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam – tập 1 đến tập 6, Nxb Phương đông và Nxb Tôn giáo, 2009.


[8] x. LÊ ĐÌNH BẢNG, Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam – Miền thơ kinh cầu nguyện, Nxb Phương đông, tr 403, 2009.


[9] x. LÊ ĐÌNH BẢNG, Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam – Miền thơ kinh cầu nguyện, Nxb Phương đông, tr 404, 2009.


[10] Ibid, 486-498.


[11] LÊ ĐÌNH BẢNG, Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam – Miền thơ kinh cầu nguyện, tr 517-524, Nxb Phương Đông, 2009.


[12] x. NGUỒN: https://www.thivien.net.


[13] x. NGUỒN: https://tongphuochiep-vinhlong.com/.


[14] x. NGUỒN: https://www.thivien.net.