(Ảnh: Internet)
Vì thất tình còn bị chê là “gốc cây”, Thanh nữ Maria An xinh đẹp quyết tâm học hành Kinh Sách tử tế, để chuẩn bị sẵn vốn kiến thức Kinh Sách và Giáo lý khá lớn, đủ tranh luận với “crush” (nếu chẳng may gặp phải) bất cứ khi nào.
Và “dịp may” cuối cùng cũng đã đến. Lần này quỷ cô nương, ý nhầm, quý cô nương của chúng ta vì cố chốt đơn để sau lễ còn đi shit, í nhầm đi ship luôn, thành ra đến hơi muộn và gốc cây Xoài nơi cô thường đứng bị một nhóm Thanh nữ chiếm chỗ, còn mấy chỗ khác không được râm mát lắm cũng đã có người ngồi. Cực chẳng đã, cô phải vòng sang phía bên Nam, hơi ngại nhưng bên này mát hơn, đỡ hỏng mất làn da “tươi màu suy nghĩ” của cô (thực tế là nó cũng chẳng đen thêm được nữa đâu, hơn thế đã đập lên một lớp kem chống nắng dày 1.000 na nô mét lên da rồi, sao phải sợ). Và kìa, như “duyên tiền định” vậy, dưới bóng cây Ngô đồng to lớn có một Thanh niên đập chai đứng lẻ loi, anh chàng có dáng vẻ mảnh khảnh và bộ râu quai nón không cạo nhẵn, đích thực là “ông Giuse của đời mình đây rồi”. Trộm nghĩ vậy, nàng Maria An ôm chiếc ghế nhựa tiến lại gần thì thấy anh chàng đã lùi lại, nhường cho cô chỗ bóng mát ngay sau gốc cây, miệng cười: “Lấy đi phớt” (Lady first). Nàng công túa xinh đẹp thấy mát lòng mát dạ và “tự nhiên như ruồi” đứng ngay vào như một “đặc ân” ban cho chàng trai ga-lăng này.
Lại tới câu chuyện rước lễ, lần này nàng không lên rước lễ vì nhỡ mất bài đọc 2 rồi, có lẽ chiều đi bù như NYC Phaolo kia đã hướng dẫn, nhưng người rước lễ lại là anh chàng Giuse, anh ta lấy tay chạm nhẹ vào vai cô:
- Em giữ cho anh cái ghế, anh lên rước lễ cái!
- Vâng ạ…
Cô nàng nghe mà ngỡ ngàng, lên rước lễ còn sợ mất ghế, anh chàng này hay à nha, mà cũng có lý. Vừa hay, anh chàng cười giả lả:
- Chỉ là anh sợ lát xuống có người chen mất chỗ cạnh người đẹp thôi.
“Quý sứ à, sợ mất bóng mát thì nói béng đi, bày đặt”, cô trộm nghĩ nhưng đành cười gượng gạo để thằng chả biến nhanh cho lành. Ai dè tay này vừa chịu lễ xuống, miệng còn nhai nhóp nhép bánh đã tán phét:
- Cảm ơn cô em, chắc em cũng hay ngồi ở ngoài, vừa mát lại vừa có dịp trò chuyện với mọi người giờ rước lễ, em nhỉ! Anh là Toàn, tên thánh Giuse, còn em?
- Vâng ạ, em là An, tên thánh Maria, em hay ở bên kia, dưới tượng Mẹ.
- A ha, hay đấy, thi thoảng sang đây với anh cho vui, Maria Giuse An Toàn, quá hay, ahihi…
“Ghê, không dám”, cô nàng An thấy sợ “ông Giuse” này, chẳng có nét gì giống thánh Bổn mạng của mình cả, nói nhiều mà lại ba hoa, hành động còn sỗ sàng nữa.
- Anh hỏi nè, em có biết vì sao Thánh Giuse là “cây khô nở hoa” không vậy?
- Dạ em chưa…
Thực ra là sau vụ trước, An An đã chịu khó tìm hiểu Kinh Sách rồi, nên cũng biết tương đối, nhưng cứ thử xem anh chàng này kể tích truyện gì.
- Hihi, cái này không phải người Công giáo cũng biết đâu. Nghĩ sao ông già đã một đời vợ có thể cưa đổ một cô gái trẻ xinh đẹp con nhà giàu như Maria chứ? Ông Giuse khéo tay lắm, đã chạm trổ hẳn mấy chùm hoa đẹp và tinh xảo lên một cây khô, lại còn ốp vẩy vàng long lanh vào nữa mang đến cầu hôn Đức Mẹ, thế là “đổ” thôi, phải biết là thời đó làm gì có công nghệ điêu khắc như bây giờ, thế mới nói ông Giuse tài! Mà cũng tài vậy mới linh hồn và xác về Trời chứ!
- Ủa, em chưa từng nghe. Ở sách nào vậy anh?
- Trời đất, em chưa đọc Kinh Thánh bao giờ à, đoạn này được chép trong phần Diễm Ca sách Công Vụ Tông đồ đó em! Mà không chỉ thế đâu, phần Xuất Hành trong sách Công vụ này còn kể chuyện thánh Giuse giải đáp các giấc mơ cho Vua Pha-ra-ông nên được vua cho làm Quan đấy, nhưng thánh Giuse khiêm nhường nên cáo quan về quê làm thợ mộc thôi. Chuyện về Trời thì trong phần Thánh Vịnh ấy.
Nghe đến đây, An An suýt xỉu, nhưng nàng vẫn cố hỏi xem anh chàng này ba hoa tới tận đâu:
- Thánh Giuse đã một đời vợ là sao?
- Thì chả thế à, Kinh Thánh có nhắc đến mấy ông Gia-cô-bê, Si-mon gì đó là anh em của Chúa, chả là con vợ trước thì con ai, cũng vì thế mà Chúa khi sinh thì trên Thánh giá đã trao Đức Mẹ cho ông thánh Gioan chứ không giao cho ông Gia-cô-bê được đó, sao giao mẹ kế cho con riêng được, nhưng người Tin lành hiểu nhầm là mấy ông này con của Đức Mẹ, thế có buồn cười không, hihi…
- À vâng, nhưng nói vậy thì ông Giuse cũng không nghèo, anh nhỉ, sao Thánh Gia vẫn sống khó nghèo?
- Nghĩ sao nói ông Giuse nghèo? Ông Giuse là “bác thợ’ hẳn hoi nhé, mà thời ấy thợ mộc có giá lắm, Thánh Gia là “tinh thần khó nghèo” chứ không nghèo đâu, hơn nữa Chúa làm phép lạ cái là có bánh ăn, sao phải nghèo?
Đến lúc này thì An An không nhịn được nữa, nàng nói:
- Tích truyện “cây khô nở hoa” là tích truyện kể về việc những người đến cầu hôn Đức Mẹ thì nhận được một cây gậy khô và chỉ có cây gậy của ông thánh Giuse nở ra hoa huệ thôi, đó là dấu chỉ người được chọn làm bạn thanh sạch Đức Mẹ. Tích truyện này chưa được xác thực nhưng ý nghĩa truyền thống là ông thánh Giuse trinh nguyên như hoa huệ và không ai dám nói ông đã có một đời vợ, ngoài ra “cây khô nở hoa” còn có ý nghĩa là ông thánh Giuse đã già, cũng không ăn ở với Đức Mẹ nhưng vẫn có một người con ngát hương thơm, đẹp lòng Thiên Chúa là Đức Giêsu. Tuy thế việc linh hồn và xác ông Giuse về Trời trong chiều Lễ Chịu Nạn chỉ là giả thuyết vì không tìm thấy Thánh tích của ông thánh mà thôi. Thánh Gia cũng nghèo thật, không phải ông Giuse cáo quan ở Ai cập về quê Nazareth mà vì Thánh Gia chịu bắt hại và bắt bớ nhiều, lại chịu sưu cao thuế nặng và lại sống công chính, không mua gian bán lận, không xu nịnh kẻ thù xâm lược nên nghèo, nghèo mà sạch! Ông thánh Giuse cũng không phải là người giải đáp giấc mơ cho Pha-ra-ông mà đó là ông Giuse thời Cựu Ước, , còn ông thánh Bổn mạng của anh chả nói bất cứ câu nào trong Kinh Thánh cả. Sách Xuất Hành, Thánh Vịnh, Diễm Ca đều ở trong Cựu Ước, còn Công vụ Tông đồ ở Tân Ước, là hai bộ sách khác nhau nhé anh thân mến…
Nói xong, An An mang ghế vào nhà kho của Giáo xứ rồi đi sang lèn Đức Mẹ để đoc kinh, thấy anh chàng Giuse còn với gọi theo: “Em sai rồi, ông Giuse không giải đáp được giấc mơ mà hiểu được lời thiên thần Gabriel à, về đọc lại đi, tuần sau ta tranh luận tiếp”. Cô nàng cả cười, có cho kẹo chắc cũng chẳng quay lại…