Mùa thánh hiến trong đại dịch Covid- tác giả Xuân Cát, OP

VTCG

MÙA THÁNH HIẾN TRONG ĐẠI DỊCH COVID




Tối nào cũng thế, nó luôn thầm thĩ lời nguyện tắt trên môi: “ Lạy Chúa, con dâng cho Chúa tất cả những linh hồn mà đêm nay sẽ được Chúa gọi về, xin cho họ được ra đi bình an trong tay Chúa”.

Nằm xuống giường. Nó nhắm mắt đi dạo trong căn phòng cách ly, nhớ lại từng gương mặt thân quen, những gương mặt mới tới, cũng như gương mặt đã… ra đi vĩnh viễn. Từng hành vi, cử chỉ nho nhỏ của bệnh nhân cũng được ôn lại, kẻo…ngày mai …không thấy họ nữa. Nó xác tín mấp máy lời nguyện tắt: “Giêsu, Maria, Giuse con mến yêu! Xin cho đại dịch Covid mau chấm dứt”. Cũng vì mệt, nên nhắm mắt lúc nào không hay, một giấc mơ dài đã đưa nó về quá khứ, ngày khấn trọn đời của một năm trước, cũng trong đại dịch Covid 19.
· Khấn trọn đời trong đại dịch Covid 19


Đọc được thông báo từ dì Bề trên Tổng quyền, nó nhảy cẫng lên vì có tên trong danh sách được khấn trọn đời. Niềm vui nối tiếp niềm vui, cả gia đình và họ hàng đều mua vé máy bay và vé xe khách để đến dự lễ khấn. Tất cả anh em họ hàng từ bắc vào nam đều được gửi tấm thiệp lễ tạ ơn khấn dòng, sau đó sẽ là những chuyến dã ngoại của gia đình, ngắm phong cảnh mở mang tầm mắt. Khi đã liên lạc với gia đình và báo cho Hội dòng biết số bàn tiệc, số khách thân nhân, số linh mục và tu sĩ được mời, nó yên tâm và gác lại mọi thứ để đi tĩnh tâm.

Ngày thứ bảy trong tuần của mười ngày tĩnh tâm dọn khấn trọn, cả lớp của nó gồm 12 chị em và dì giáo phải “tốc hỏa” chạy về nhà dòng, vì lệnh phong tỏa khẩn cấp do đại dịch Covid 19 đã đổ bộ về Sài Gòn. Theo thông báo của Đức Tổng, Thánh lễ không được trên 30 người, giảm bớt các hoạt động để tránh lây lan cộng đồng. Thế là bao kế hoạch từ khách mời, vé máy bay, bàn tiệc, dã ngoại…đều hủy bỏ. Nó buồn lắm vì không được tổ chức lễ khấn trang trọng linh đình như mọi năm, đứng giữa hàng rước cùng bố mẹ, để tiến vào nhà thờ dưới bao ánh mắt ngưỡng mộ của bà con lối xóm xa gần và bạn hữu thân quen.

Thánh lễ tuyên khấn trọn đời vẫn được diễn ra trong sự thinh lặng, thánh thiêng, ấm cúng của chị em trong Hội dòng. Nó nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với Mácta: “Mác-ta! Mác-ta! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (Lc 10, 41-42). Quả thực nó nhớ mãi ngày lãnh hồng ân vĩnh khấn ấy, khi bỏ đi những băn khoăn lo lắng về những hào nhoáng bên ngoài thì nó nhìn thấy “chính Chúa”. Quả như câu Thánh vịnh mà cả lớp khấn ghi trên tấm thiệp: “ Đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv 103, 34b). Nó thầm cám ơn Chúa nhiều lắm.

Sáng hôm ấy trời mưa lất phất như hồng ân Chúa đổ xuống một cách nhẹ nhàng, không ồ ạt để nó cảm nghiệm từ từ tình yêu ấy với bề sâu và bề cao như thế nào. Trong giây phút phủ phục để xin ơn Chúa qua lời chuyển cầu của các thánh, nó thấy hạnh phúc quá vì sắp được trở nên hạt lúa mì thật sự, không lâu sau sẽ được tung gieo trên mọi miền đất.

·       Những gương mặt bệnh nhân Covid



Một cơn gió thoảng khẽ tạt qua những đám lá bên ngoài cửa sổ làm nó rùng mình vì hơi lạnh. Ngay lúc đó, tiếng điện thoại báo thức vang lên báo hiệu ngày mới, chấm dứt thế giới quá khứ của một năm trước. Nó chợt mỉm cười vì sao thấy trùng hợp nhiều quá. Ngày chào chị em trong Hội dòng để lên đường cũng có cơn mưa hồng ân ấy. Lúc nó nằm xuống để xin ơn thánh hiến, để nên như hạt lúa gieo giữa lòng đời, thì hôm nay đây, nó đang là một hạt lúa đang nẩy mầm với trái tim nhân ái và lòng thương xót đầy tình yêu của Chúa. Mặc tấm áo dòng trắng tinh của con cái Thánh Đaminh để bảo vệ đời sống dâng hiến của mình, để rao truyền Chân Lý, thì hôm nay nó cũng đang mặc đồ trắng với lớp bảo hộ kín đáo, để bảo vệ bản thân khi phục vụ bệnh nhân Covid.

 

Chiếc xe ô tô chuyên chở các tu sĩ đến bệnh viện dừng lại, nó chạy vọt đến phòng trực. Việc đầu tiên trong ngày là nó nhìn xem những khuôn mặt quen thuộc kia còn ở đó hay không. Một…hai…ba…bốn, một….Nó chợt khựng lại khi nhìn thấy chiếc giường trống…Bác ấy đã ra đi đêm qua. Nó hơi buồn vì không được tiễn bác trong giây phút cuối đời. Một sự an ủi trong niềm tin của con cái Chúa đã đánh động nghĩa khí của nó lúc này là: Bác ấy đã có Chúa!.

Ba năm về trước, khi vào bản làng thăm người bệnh, nó nhìn thấy dì bề trên rửa tội cho một người bại liệt. Sau hai ngày, họ bình an về với Chúa. Đi bất cứ nơi đâu, nếu gặp người nguy tử thì đổ nước cho họ em nhé. Nghe Dì nói thế, nó nhớ mãi hành động đức tin ấy, nên hôm nay nó cũng ghi dấu Thánh Giá trên trán bác ấy để phó thác cho Chúa người con này.

 Bác này hôm trước còn khỏe, nó đã thay ga giường và chợt nhìn thấy nụ cười nho nhỏ bên khóe môi khi cố gắng lấy hơi để thở. Nó cảm nhận nụ cười ấy thật hạnh phúc vì có Chúa, dẫu bác không thấy Chúa, nhưng bác nhìn thấy những hình ảnh Đức Ki tô đang ngày đêm thay nhau chăm sóc cho những bệnh nhân này.

Dù với ba lớp gang tay, lớp bảo hộ kín mít và hai lớp kính (vì mắt nó bị cận nặng), nó vẫn trao gửi nụ cười, lời nói thì thầm bằng cả trái tim khi vui vẻ lật từng ga giường và đem phần ăn đến cho bệnh nhân. Trong người nó lúc này đang nóng lắm, nhưng nó cố gắng chịu đựng. Lớp mồ hôi chảy ra được hòa quyện với sự hy sinh sẽ tạo nên mảnh đất tốt cho “ hạt giống” nảy mầm.

Nó nghĩ thế, các bạn cũng nghĩ thế, nên chị em nào cũng vui vẻ phục vụ. Nó mong các bệnh nhân được an ủi và lên tinh thần khi phải chống chọi với Covid vô hình quái ác này.

Niềm vui của tôi là chính Chúa, vì thế mà nó mạnh mẽ và can đảm hơn nhiều khi nhìn thấy sự sống của bệnh nhân đang trên đà mong manh gần đứt tuột, nó muốn chạy lại để làm điều gì đó. Và nó có nhiều cơ hội, nhiều lời nguyện cho người đó lắm.

Người thứ nhất đã ra đi, nó đang đứng ngoài hành lang chờ nhân viên khử khuẩn trong phòng làm việc. Nó nhìn chị em của mình với cái tên được viết to ở sau lưng: Sơ Điệp OP, sơ Hằng OP, sơ Huệ OP…rồi áp chặt 2 bàn tay vào tim thì thầm với Chúa: “Lạy Chúa, Ngài cũng gọi tên từng bệnh nhân ra đi như con đang gọi tên chị em con đây, và Ngài mặc cho họ tấm áo bảo hộ thiêng liêng màu trắng đã được giặt sạch trong Máu Con Chiên. Nơi Ngài, con tin vào sự an ủi thánh thiêng vĩ đại, mỗi linh hồn sẽ đến núp bóng và tìm được tình yêu nhiệm mầu ấy”.

·       Mùa thánh hiến đáng ghi nhớ

Trở về nhà, nó nhận được nhiều tin nhắn từ các bạn cùng lớp khấn đang ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam: “Sắp đến ngày kỷ niệm một năm khấn trọn trong mùa Covid rồi đó!; chúng mình hãy trở nên 12 môn đệ nhiệt thành, kiên vững và hy sinh nhé; hãy trở nên hạt lúa mì giữa lòng đời… và luôn nhớ niềm vui của chúng mình là Chúa nhé!”.

Một lần nữa, từng khuôn mặt chị em cùng lớp lại hiện ra. Nó nhớ về một Mái Ấm tại vùng sơn cước Lạng Sơn xa xôi, nơi có một chị cùng lớp đang phục vụ hơn 30 em khuyết tật, với những em bé đa tật: liệt, gồng cứng, khiếm thính, khiếm thị, khó khăn vận động…nói chung cũng phục vụ mọi thứ như nó đang phục vụ cho các bệnh nhân Covid ở đây.

Bây giờ nó mới hiểu và yêu thích việc cầu nguyện đến thế, vì khi vào nhà nguyện, không hẳn để cầu nguyện mà để Chúa được nhìn khuôn mặt của nó. Chúa nhớ khuôn mặt ấy lắm, hễ nó không vào nhà nguyện thì Ngài nhớ đến đau lòng. Khi kề bên Chúa, nó cũng nhìn gương mặt của Chúa, gương mặt ẩn hiện trong những họa ảnh bệnh nhân Covid mà nó đang phục vụ. Chúa Kitô đang sống và Ngài hiện diện nơi mỗi người, nơi từng khuôn mặt nhỏ bé nhất, đau khổ nhất.

Sau một năm khấn trọn, nó thầm cám ơn Chúa nhiều lắm, nó cũng cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ chuẩn bị Khấn lại, Tiên khấn, Vĩnh khấn hay Ngân khánh khấn dòng… cũng như các tân linh mục, tân phó tế được nhận chức thánh trong mùa Covid 2021 này.

Mùa thánh hiến 2020 đã qua đi, mùa thánh hiến 2021 lại đến. Nó cảm nhận một mùa thánh hiến thiết thực hơn, ý nghĩa hơn. Không có sự rộn ràng của kèn trống khi rước sách, không có những bàn tiệc đầy khách quý, không có những lẵng hoa chúc mừng…Nhưng có sự dấn thân, hy sinh trong các hoạt động giúp những người thiếu thốn trong dịch Covid, có những sự chia sẻ cho những người cùng đường quẫn lối, có những lời kinh nguyện tha thiết cho các bệnh nhân và những người đã ra đi vì virút Corona…

Như Chúa Giêsu đã “chạm” đến những người phong người cùi, thì nó cũng bắt chước Ngài “chạm” đến từng bệnh nhân để xoa dịu nỗi đau của họ. Nó và nhiều bạn tu sĩ nam nữ cùng can đảm chạm đến những “ nỗi đau cùng tận” của con người để đem niềm vui và tình thương của Chúa, mong họ nhận được “sự bình an” dù trong hoàn cảnh nào.

Màn đêm của một ngày đang dần khép lại, nó thầm thĩ lời cám ơn Chúa đã cho chị em được bình an. Nguyện xin Chúa cho chúng con thêm sức để những “ hạt giống” này được khỏe khoắn, “đầy Chúa”, sẵn sàng cắm sâu vào lòng đất để trổ nên nhiều bông hạt nặng trĩu trong đại dịch Covid này.

 

Xuân Cát, OP

( Kỷ niệm 1 năm khấn trọn đời 2020/(10.8)/2021)