Thánh Veronica, Mattia Preti vẽ. Ảnh: Public Domain
Thứ sáu Tuần Thánh tôi được diễm phúc góp phần vào một vai diễn để đi lại cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su. Bữa đó, tôi hiện thân lại bà Veronica. Ngày ấy, Veronica đã lau mặt Chúa Giê-su với chiếc khăn trùm đầu của Thánh nhân, khuôn mặt của Chúa Giê-su đã in ấn trên khăn ấy. Hôm tôi góp vai đi chặng Đàng Thánh Giá, “vai diễn” xuất hiện ở chặng thứ sáu. Trước khi “diễn thật” tôi đã có nhiều ngày tập diễn theo phim tài liệu “Cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su”. Việc chuẩn bị cho một chặng đàng ngắn ngủi nhưng xuất hiện để tái hiện rõ nét nhân vật ấy làm tôi không khỏi lo lắng. Nghĩ nhiều cũng vậy. Tôi thực hiện không trăn trở.
Tôi cắt mảnh vải mới mua để may áo ra làm chiếc khăn. Nghiệm lại khuôn mặt Người trên con đường lên đồi Gongotha ấy. Ngồi vu vơ, mân mê với cây chì và vài cây bút màu nên hình ảnh Chúa Giê-su cúi mặt, đầu đội mão gai, vấy vá máu. Màu đỏ nước khi khô thành hồng, màu đó là giả, mà màu máu Chúa có khi nào nhạt đi đâu, lại chẳng giả bao giờ. Tôi cũng không nghĩ nữa, để đó và lo chu toàn “vai diễn” của mình vào chặng thứ sáu.
Lúc tôi xuất hiện, bước vội lại bỏ chiếc khăn trùm đầu, lau mặt Chúa Giê-su, đưa cho Chúa cốc nước mà bị quân lính đá văng. Lúc ấy, “vai diễn” quân lính nhập tâm vào chặng Đàng nên vừa đá hất xa ly nước, vừa làm tay tôi bị thương, không nặng nhưng có máu. Quân lính lôi Chúa Giê-su đi tiếp để tôi ngồi lại hai tay đưa lên hôn sâu chiếc khăn, lúc này chiếc khăn đã có máu thật, không còn là màu máu phớt hồng từ bộ màu nước. Nước mắt tôi tự chảy và ánh mắt hướng nhìn Giê-su bị quân lính lôi đau thương.
Ngày cuối tháng 8 của mùa Thu sắp qua, khung cảnh trầm lặng của đại dịch như một cách vô hình nào đó thúc đẩy tôi mở chiếc hộp ngắm lại chiếc khăn mang khung hình Giê-su ở chặng thứ sáu Tuần Thánh đó. Giê-su cũng đang bị quân lính cho đội mão gai tê tái, bị đánh đòn, bị kéo lê da thịt lẫn sỏi đá trên đường thương khó. Giê-su ấy là những người nghèo, người vô gia cư, họ bơ vơ lang thang hay nép vào một góc nào đó không để bị phát hiện trên mọi nẻo đường giãn cách. Giê-su ấy là những người đang phục vụ ở những khu cách ly, họ chạy, chạy nhưng không chạy trốn. Họ cùng đi trong và đi với Giê-su lên đồi ấy, đồi Vinh Quang. Giê-su ở thứ sáu Tuần Thánh ấy là chính những người bị nhiễm bệnh. Họ quằn quại trong tư tưởng, điên đầu trong suy nghĩ và bế tắc hoang mang trong khu cách ly. Cũng có thể nhìn thấy rõ nét hình ảnh những y bác sĩ, những tình nguyện viên mang trên mình đồ bảo hộ ở trong các khu cách ly là hiện thân sống động của bà Veronica. Hàng giờ, hàng ngày họ đã “quên mình” đi, “bỏ mình” lại để chiến đấu cùng với những người nhiễm bệnh. Họ đã ôm chặt hơn những “chiếc khăn lau mặt Chúa” là ôm lòng người, ôm tình nghĩa và cho đi sự hăng say nhiệt huyết của sự dấn thân. Để rồi cùng hướng nhìn về Chúa trên con đường thương khó khi xưa Ngài đã đi và hướng tới ngày vinh thắng trên đồi Canve.
Sài Gòn đã giãn cách gần hai tháng, chuỗi ngày ở nhà đọc con số tăng dần ai nấy cũng cảm nhận được một sự tang thương của Sài Gòn ngay lúc này. Sài Gòn như đang sống trong bầu khí của thứ sáu Tuần Thánh, ngày mà hoàn vũ chìm mình vào sự cô tịch, tưởng niệm lại cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Sài Gòn như đang vác trên thân phồn hoa của mình một thánh giá nặng trĩu, u buồn, đau thương như cắt vào từng lớp da thớ thịt. Sài Gòn như đang rướn cong mình lên đón lấy những rạng đông dù lấp ló ở chân trời xa xa. Sài Gòn yên tĩnh thì không còn là Sài Gòn nữa. Nhưng giờ đây, Sài Gòn yên tĩnh làm sao…bóng của những người phu đổ rác thầm lặng đẩy xe vào mỗi sáng trên các sống đường của Sài Gòn cũng chẳng còn, những cánh cửa nhà, tiệm hàng im hơi, những hàng cây vẫn ở đó thấy bình minh lên nhưng chưa tỉnh giấc sương…Hình như, Sài Gòn phải vội sống, chen chúc sống mới đúng là Sài Gòn.
Mưa ngâu của mùa thu tháng 7 âm lịch miền Bắc giờ cũng khác, nó đan vào màn trời một chiếc lưới xám, màu xám dội vào lòng người âm thanh xanh biếc của những nỗi nhớ trùng khơi mù mịt, màu xám đưa võng trước mắt người một điệu ru hiền hòa tinh khiết. Tôi chạy vào mưa, đứng hòa quyện vào dòng nước mưa ấy cho trôi đi những đau thương về Sài Gòn, tôi mộng tưởng; mơ giấc mơ liên lỉ và gói trọn những giấc mộng ấy lên trời xanh về Sài Gòn ngày “phục sinh”.
Anh Jena