Chuyện bây giờ mới kể- Tác giả: Vinh Kiu

Văn thơ Công giáo

(Thánh lễ khấn dòng của sơ Maria Lê Thị Mến (cựu thành viên cộng đoàn Vinh - Hà Tĩnh)-  Thuộc Hội Dòng Chị Em Bác Ái Thánh Nữ Gioanna Antida Thouret)

Hải Nguyệt vẫn đứng lặng trước Hang Đá ngắm nhìn gia đình Thánh Gia, khuôn mặt đầy xúc cảm. Thật là một gia đình đầm ấm hạnh phúc! Dù trong hang đá Bêlem lạnh lẽo, lúc phiêu dạt tận Ai Cập nơi đất khách quê người hay khi an nhiên nghèo hèn trên quê hương Nazarét, ba người vẫn luôn ở bên nhau, phải chăng vì thế mỗi khi thấy Thánh Gia là thấy sự ấm áp. Khi phải chạy trốn truy sát của vua Hêrôđê, khi lạc nhau ở Đền thánh hay ở lúc thiếu rượu ở tiệc cưới Cana, các Ngài vẫn lạc quan và tin tưởng nương tựa vào nhau, phải chăng vì thế mỗi khi nhìn thấy Thánh Gia là cảm giác hạnh phúc lại ngập tràn. Bất giác Hải Nguyệt nhớ nhà da diết. Khoảng thời gian ba tháng tĩnh tâm trước ngày Khấn Dòng đã trôi qua hai phần ba, chỉ còn đúng một tháng nữa là cô đã được đội lên đầu tấm khăn của nữ tu rồi, thốt nhiên cô bỗng có một ước muốn kỳ lạ: “Giá như có thể đổi ít ngày tĩnh tâm này để được về thăm gia đình, Gia đình của bố mẹ và một ‘Gia đình’ rất đặc biệt nữa”…

***

Hải Nguyệt, cái tên mới nghe qua cũng đã biết là dân miền biển rồi. Trăng trên mặt biển thật nhỏ nhưng đủ làm thủy triều dâng cao. Ánh trăng trước biển mờ mờ vẫn đủ cho ngư dân những thuyền câu đầy mực. Nhưng có một điều rất đặc biệt: cả bố và mẹ cô đều không phải là ngư dân. Mẹ là cô nuôi dạy trẻ trong khi bố là thầy lang bốc thuốc cứu người. Bố cô vẫn thường nói đùa: “Mẹ thì mong lúc nào cũng có việc, còn bố chỉ ước mình thất nghiệp thôi”. Quả thế, nếu tất cả trẻ con đều được đi học và không một ai có bệnh tật trong người thì cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao. Vì thế ngay từ nhỏ Hải Nguyệt đã có ước muốn khi lớn lên sẽ làm được việc gì đó vừa có thể giúp đỡ trẻ em lại vừa có thể bốc thuốc cứu người và hình ảnh các nữ tu đã đi vào tiềm thức của cô khi nào không hay. Nhưng đôi lúc Hải Nguyệt cũng khao khát được làm mẹ, mơ ước xây nên một gia đình hạnh phúc như mẹ mình. Con người Hải Nguyệt là thế, luôn chứa đầy mâu thuẫn trong suy nghĩ, nhưng thật may luôn quyết đoán trong hành động, nếu không chắc đã không kiên vững trên con đường tu trì đến bây giờ.

Mười tám tuổi, Hải Nguyệt thi đỗ một trường đại học danh tiếng tại Thủ đô. Ngày ra Hà Nội nhập học, bố đưa cô đến một ngôi trường nhỏ bé khiến cô rất đỗi ngạc nhiên: “Đại học danh tiếng mà bé thế này sao”, bố chỉ cười: “Ở Thủ đô mà có được một mảnh đất thế này để xây trường là tốt lắm rồi”. Rồi bố thuê cho cô một căn phòng nhỏ, bố bảo “không tiện nghi nhưng gần cả Nhà thờ và trường”. Lúc đó cô mới giật mình, hóa ra đây không phải lần đầu bố ra Hà Nội…

Buổi tối, bố dẫn cô đến nhà thờ, ngôi Thánh đường thật nhỏ bé, khuôn viên quá hẹp chưa bằng một nửa nhà thờ xứ của cô! Thoáng thấy ánh nhìn dò xét của cô, bố lại mỉm cười: “Ở Thủ đô mà có được một mảnh đất thế này…”, chỉ khác là sau câu nói đó bố còn thở dài: “nhẽ ra…”

Thế đó, khái niệm ban đầu của cô là ở Hà Nội này cái gì cũng bé tin hin cả.

Sáng hôm sau, ngày Chúa nhật, trước khi về quê bố lại đưa cô đến nhà thờ nhưng lần này thật ngạc nhiên là chỗ hai bố con tới không phải là khuôn viên nhà thờ mà là chỗ gửi xe, nơi có một nguyện đường be bé mà rất đông thanh niên tụ tập. Lò dò lại gần cô càng ngạc nhiên hơn: Toàn là “giọng quê choa” cả! Thì ra đó là Cộng đoàn sinh viên Giáo phận Vinh, tiền thân là “Nhóm que diêm” mà bố cô sinh hoạt Công giáo những năm cuối thập niên chín mươi thế kỷ trước trong lần ra Hà Nội học thêm Y học Cổ truyền.

Và cô đã là thành viên của Cộng đoàn từ ngày đó…

Tham dự thánh lễ Cộng Đoàn, sinh hoạt nhóm, đi dã ngoại,… cứ thế đến với cô một cách tự nhiên như “chuyện thường ngày ở phố huyện”. Lúc đó cô mới biết rằng ở phố Chùa Láng - cái tên đầy tính Phật giáo - lại quy tụ một số lượng lớn sinh viên Công giáo mà người của Cộng đoàn chiếm phần đông.

Anh Trưởng Cộng đoàn nhỏ của cô có giọng ca ngọt ngào, cậu phụ trách ca đoàn với “tiếng đàn át tiếng ô tô” làm bao người say đắm. Những giờ sinh hoạt chung, những buổi giao lưu cô được các chị “khéo tay hay làm, đá bóng cũng giỏi” trong Cộng đoàn tận tình hướng dẫn làm cái này cái nọ thật thích. Nếu giờ lễ thay đổi là có tin nhắn báo ngay nên không bao giờ lo bị mất lễ.

Những năm tiếp theo còn sôi động hơn bởi những hoạt động cô tham gia không còn chỉ giới hạn ở Cộng đoàn nhỏ mà đã tiến ra Cộng đoàn lớn. Sau những chuyến đi cứu trợ lũ lụt Miền Trung, tham gia diễn nguyện khắp Hà Thành, cùng nhau dựng Hang Đá to như Hang Đá Bêlem thật,… cô đã hiểu ra: Ở Hà Nội cái gì cũng nhỏ bé tin hin này còn có rất nhiều điều lớn lao vĩ đại nữa, một trong số đó chính là “Gia đình thứ hai” của mình! Dù trong đêm Noel lạnh giá, đêm cắm trại Sinh viên Công giáo trời nổi gió hay Lễ Quan thầy đầy “mưa hoa hồng”, mọi thành viên của Cộng đoàn luôn tựa vào vai nhau. Đó chính là sự ấm áp của một Gia đình.

Giờ này sinh nhật Chúa Hài Đồng cận kề, bất giác cô lại nhớ đến lần đầu tiên được mình được mừng sinh nhật. Đó là một bữa tiệc chúc mừng sinh nhật muộn! Hôm đó là buổi sinh hoạt thường kỳ của Cộng đoàn, nhưng kỳ lạ thay khi đến Phòng học giáo lý, nơi hội họp của Cộng đoàn, đã hơn bảy giờ tối mà vẫn chưa thấy ai, cửa khép hờ và bên trong không có ánh đèn. Hải Nguyệt vừa mở cửa, bỗng đèn bật sáng, pháo hoa giấy tung bay trước mặt, một biển người vỗ tay hát “Happy birthday to you” khiến cô giật nảy mình suýt ngất. Thì ra sáng kiến tổ chức sinh nhật chung cho các thành viên có ngày sinh trong tháng của Cộng đoàn đã được thực hiện và cô vinh dự là người đầu tiên được hưởng “chính sách” này.

Người “phát kiến” và quyết tâm cùng Cộng đoàn thực hiện chính là anh chàng hàng xóm Chùa Láng của cô. Anh chàng cận thị mặt non choẹt này kém cô một tuổi, học tận dưới trường Y mà chẳng hiểu sao chọn nhà trọ lên đây. Mãi sau này cô mới biết cả cái “sáng kiến” này lẫn chuyện trọ học xa của anh chàng đều chỉ vì một nguyên nhân thôi. Ngày đó, sau giờ cầu nguyện bên Hang đá, cô giật mình khi anh chàng “Harry Potter” đó tiến sát bên mình, thì thầm vào tai: “Tớ thích ấy lắm, tớ mơ tương lai cùng ấy xây dựng gia đình hạnh phúc như Thánh Gia”… Bị “đứng hình” một lúc, cô mới lấy lại bình tĩnh đáp lời nửa đùa nửa thật: “Em bé tếu táo quá, hihi” rồi đưa tay ra làm động tác xoa đầu anh chàng mới nhớ ra hắn cao hơn mình một cái đầu, vờ cười cợt quay đi nhưng nhanh như chạy trốn, lòng vẫn xốn xang lưu bóng mặt mày “chàng ngốc” từ xám ngoét vì rét chuyển sang đỏ gay đỏ gắt đang “chết đứng” như Từ Hải phía sau lưng…

***

Vậy là đã năm năm trôi qua, cô sắp trở thành một nữ tu của Dòng Thánh mang tên chính Thánh Quan thầy “Gia đình thứ hai” của mình. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến kỳ lạ hay chính Thánh Quan thầy đã chọn cô? Cô cũng không biết nữa, chỉ biết những năm qua, dưới sự bầu cử của Ngài, ước mơ vừa giúp đỡ trẻ em vừa có thể bốc thuốc cứu người của cô đã thành hiện thực. Không biết “Gia đình thứ hai” của mình đã lớn mạnh tới đâu rồi, năm nay đón Giáng Sinh thế nào nhỉ, cô thầm thì. Còn anh chàng “Harry Potter” kia nữa, giờ này chắc chàng ta đang đón Giáng Sinh cùng “gia đình Thánh Gia” của riêng mình?! Hải Nguyệt bỗng dưng bật cười rồi giật mình phát hoảng, cười chuyện năm xưa nhưng phát hoảng khi mình sắp bền đỗ rồi mà vẫn “chưa rũ bỏ được chuyện thế gian”, liệu đã xứng được Khấn Dòng chưa…

“Jingle bells”, tiếng chuông vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ, Hải Nguyệt lại ngắm nhìn Thánh Gia: “Dù trong hang đá Bêlem lạnh lẽo, lúc phiêu dạt tận Ai Cập nơi đất khách quê người hay khi an nhiên nghèo hèn trên quê hương Nazarét, ba người vẫn luôn ở bên nhau”. Trong Hang đá, người nhỏ bé nhất là Chúa Hài Đồng lại chính là người giang đôi tay như ôm cả nhân loại vào lòng. Cô bỗng ngộ ra một điều: dù là giáo dân hay tu sĩ, dù người Công giáo hay Ngoại giáo, dù là Gia đình của bố mẹ, dù “Gia đình thứ hai”, Cộng đoàn hay Tu viện, thậm chí toàn Giáo hội và Thế giới, chúng ta chính là một “Gia đình”. Khấn Dòng là thay đổi lớn lao trong đời, nhưng dù Khấn hay không, có một điều không bao giờ thay đổi: cô mãi là thành viên trong “Gia đình” của Chúa. Dù không thể về thăm Cộng đoàn nhưng Cộng đoàn vẫn luôn ở bên cô, những việc cô làm sẽ luôn “cánh tay nối dài” của “Gia đình thứ hai” đầy thương mến ấy…