CẢM NHẬN THƠ
Khi đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 lên đến đỉnh điểm, việc bảo vệ sức khỏe của người dân và để ngăn chặn sự lây nhiễm, thì sự cách ly và phong tỏa càng ngày càng được siết chặt hơn. Trong tình cảnh này, biết bao câu chuyện thương tâm đến xót lòng giữa những người ra đi và những người ở lại.
Trước những tình cảnh bi thương đó, Sr Têrêsa Nguyễn Vui, Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, đã gửi cảm nhận của mình cho mẹ qua những lời tâm sự như sau:
Thương lắm mẹ ạ! Các bệnh nhân ở đây hầu như đều bất động. Con virus quái ác hành hạ họ khổ sở lắm. Họ thoi thóp trong từng hơi thở, không người thân bên cạnh. Họ phó thác mạng sống họ cho các bác sĩ và điều dưỡng ở đây chăm sóc…
Bây giờ con mới thấm thía câu nói: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”.[1]
Rồi khi đọc bài thơ “Con lo không kịp về tối nay!” của thi sĩ Sơn Ca Linh, tâm hồn tôi lặng đi trong một cảm xúc cô lắng, đến xót xa. Bởi vì những câu thơ mang đầy màu sắc và ngọt ngào tình yêu của một người mẹ; những câu thơ đã khiến cho trái tim tôi run lên những nhịp rung mà nó đã lắng đi trong suốt 31 năm qua. Nay, những câu thơ chan chứa tình mẫu tử lại khơi gợi trong tôi nỗi nhớ người mẹ đã tần tảo nuôi tôi khôn lớn, và nên người cho đến hôm nay.
Tôi vẫn còn nhớ, sau những tháng ngày miệt mài ôn tập, mùa đông năm 1989, tôi nhận được quyết định của Sở Y Tế Đường Sắt lên đường sang Ba Lan làm công tác chuyên môn. Đó là một nhiệm vụ thật bất ngờ, bởi vì tôi không bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ đại diện cho ngành Y tế Đường Sắt để qua làm công tác chuyên môn với nước bạn, ‘Kết hợp châm tê trong phẫu thuật’. Bởi vì, vào giai đoạn đó, việc chọn và cử cán bộ đi công tác nước ngoài không phải là điều dễ thực hiện, nhất là đối với một bác sĩ còn trẻ người non dạ như tôi.
1. CON ĐI KHI MẸ CÒN RẤT TRẺ
“Con đi khi mẹ còn rất trẻ,
Thân cò đâu nhớ nỗi chia xa.
Nếu có khi mùa xuân trở lại,
Mong con về Tết ở quê nhà!”
Ôm hôn mẹ, mà lòng con tràn trào nước mắt. Con có linh cảm, con sẽ không còn cơ hội gặp mẹ lần nữa. Tuy ánh mắt của mẹ đượm buồn, nhưng đôi môi mẹ vẫn nở nụ cười động viên khuyến khích. Năm ấy, mẹ đã bắt đầu luống tuổi vì đã vất vả trải qua 65 năm cuộc đời nơi trần thế. Tuy không đến nỗi hom hem, nhưng những tháng ngày tần tảo nuôi chồng, chăm con khi xưa, đã làm cho khuôn mặt mẹ bắt đầu hằn lên những nếp nhăn của tuổi tác. Để rồi, “Khi con đi, mẹ không còn trẻ nữa”.
‘Thân cò đâu nhớ nỗi chia xa’, làm sao mẹ không nhớ đứa con trai đầu lòng, mà mẹ đã từng khấn xin với Chúa. Mẹ nhớ lắm chứ, mẹ chỉ dối lòng mình thôi. Bởi con biết mẹ rất buồn, có chăng là mẹ dấu đi những giọt lệ, không muốn nó làm mềm lòng con, vì mẹ sợ nỗi buồn của mẹ có thể làm nhụt chí nam nhi. Mẹ tiễn con đi trong nụ cười tươi tắn, nhưng không nở trọn vẹn như cánh hoa đón nắng ban mai.
Mẹ rất mong mùa xuân mau đến, để cháu con có niềm vui được sum vầy bên ông bên bà, bên tình cha nghĩa mẹ. Nhưng không thể nào mùa xuân tuổi đời của mẹ trở lại được nữa, nó đã trôi qua theo năm tháng. Cho nên, “Nếu có khi mùa xuân trở lại”, bây giờ mùa xuân đó, không thể là ‘Nếu’, mà chỉ có thể là đứa con trai yêu dấu của mẹ, trở về với ‘lòng mẹ bao la như biển thái bình’. Chỉ có nó mới có thể làm tung lên những con sóng dạt dào yêu thương đang muốn tràn trào lên những bãi bờ xa vắng.
Mẹ ơi! Mẹ nói: “Thân cò đâu nhớ nỗi chia xa”, thế sao mẹ lại nhắn rằng, “Mong con về Tết ở quê nhà”. Con biết, chỉ không đầy hai tháng nữa là Tết đến xuân về, nhưng con không biết ‘Mùa Xuân’ của mẹ có về kịp hay không! Khi mà con chỉ mới bắt đầu nhận công việc, trong một môi trường vừa mới vừa hoàn toàn xa lạ, chưa quen người quen việc, chưa hiểu cả tiếng của người và chưa bắt kịp với tốc độ công việc, thì làm sao có thể được về thăm mẹ vào dịp đầu xuân.
2. NHƯNG RỒI GIÓ ĐÔNG QUA NẮNG HẠ
“Nhưng rồi gió đông qua nắng hạ,
Tóc mẹ đen rồi ngã hoa râm.
Con gió bụi trần vương sỏi đá,
Nhớ con mẹ khẻ giọt lệ thầm.”
“Nhưng rồi gió đông qua nắng hạ”, con đã không thể kịp về với mẹ vào mùa xuân năm ấy, để cùng anh chị em và con cháu chúc tuổi mẹ. Có lẽ mùa xuân năm đó, niềm vui của mẹ không được trọn vẹn, bởi vì vắng bóng một cánh chim đầu đàn, để cùng nhau hợp xướng ca khúc mừng xuân chúc thọ, bằng những tiếng hót líu lo mà mẹ vẫn thích nghe, mặc dù đôi lúc nó làm cho mẹ cười xòa vì chúng hót sai cung lạc điệu.
Đông qua, xuân đến và nắng hạ bắt đầu chói chang. Ánh nắng không nhuộm cho mái tóc mẹ thêm óng mượt và đen huyền được nữa, nhưng nó làm óng lên những sợi bạc lấp lánh trong ánh hoàng hôn tuổi tác, “Tóc mẹ đen rồi ngã hoa râm”. Vâng, con đã thoáng thấy vẻ đẹp yêu thương từ những sợi bạc đã ngày càng nhiều hơn khi con lên đường phục vụ. Và giờ đây, mẹ ơi! Con không biết đứa em hay đứa cháu nào sẽ nhổ cho mẹ những sợi quăn úa để cho mái tóc mẹ vẫn giữ được vẻ đẹp trời mây.
Nhưng rồi, “Con gió bụi trần vương sỏi đá”, đã không để cho mái tóc mẹ mãi óng mượt, mà cứ khô dần đi bởi những ‘Con gió bụi trần’. Không những mang bụi trần, con gió còn mang cả những ‘sỏi đá’ nặng nề của bệnh tật ập đến một thân cây đã bắt đầu cằn cỗi; và không chỉ làm cho lá vàng rơi rụng, mà cả những chiếc lá còn xanh cũng thay nhau rời cành.
“Nhớ con mẹ khẻ giọt lệ thầm”, không nhớ sao được, khi mà đứa con đã bao lần bị mẹ bảo nằm xuống, đánh những cái roi yêu thương, để nhắc nhớ con đừng lỗi phạm, mà mẹ lại chan hòa nước mắt. Bây giờ không chỉ, ‘Nhớ con, mẹ khẻ giọt lệ thầm’, mà ngược lại còn là, ‘Nhớ mẹ, con khẻ giọt lệ thầm’. Bởi vì, khi đã có con có cháu, con mới cảm nghiệm được những giọt nước mắt của tình mẫu tử – mẹ đau hơn cả con đau. Mẹ ơi! mẹ cứ đánh đều đều những chiếc roi theo từng nhịp yêu thương của mẹ nữa đi, để nương theo đó, tim con sẽ tấu thành bản hùng ca, mà mẹ muốn con hát lên trong chính cuộc sống của mình.
3. THỜI GIAN NỐI MÙA QUA LẶNG LẼ
“Thời gian nối mùa qua lặng lẽ,
Mắt mờ thấp thỏm cuối trời xa.
Đã mấy chiều hoang ai đứng đợi,
Con về môi mẹ bỗng trổ hoa!”
Không như thời đại hôm nay, có điện thoại thông minh, màn hình trực tiếp, muốn gọi, muốn gửi, muốn nhắn, muốn xem bất cứ lời thư hay hình ảnh nào cũng được. Khi đó, con đếm từng ngày để mong nhận được thư của mẹ. Càng đếm, con càng cảm thấy mỗi ngày như dài thêm, và con hiểu rằng, trái tim của mẹ cũng đang ngày càng trĩu xuống bởi sức nặng của thời gian, khi mong những ‘lời yêu’ của con hồi đáp, “Thời gian nối mùa qua lặng lẽ”.
“Mắt mờ thấp thỏm cuối trời xa”, ôi! câu thơ đẹp xiết bao. Nó vẽ lên trong tâm hồn con, hình ảnh của mẹ đang từng ngày trông ngóng đứa con yêu. Con không là họa sĩ để vẽ bức tranh ấy tặng mẹ. Nhưng hình ảnh ấy vẫn luôn in đậm trong trái tim con, suốt những năm tháng xa mẹ, và cho mãi đến hôm nay. Dù mắt mẹ không mờ vì tuổi tác, nhưng con bên tây, mẹ bên ta, thì cuối chân trời thăm thẳm, mẹ cũng chẳng nhìn thấy được con. Nhưng con biết rằng, trái tim mẹ vẫn luôn dõi bước theo con trên từng chặng đường cuộc sống.
Ai là người đã từng đợi con mỗi chiều về sau một ngày phục vụ! nếu không phải là mẹ, cho dù con đã không còn nhỏ nữa. Nỗi lo lắng cho sự bình an của con luôn trở thành niềm vui cho mẹ, khi mỗi ngày mẹ nhìn thấy con bình an đi làm về. Nhưng hôm nay nơi xứ người, con không biết ngày nào mới trở lại quê hương, nên chiều chiều, dù vắng bóng con, mẹ vẫn cầu cho con trong từng lời kinh chuỗi hạt “Đã mấy chiều hoang ai đứng đợi”.
Mẹ à! ai cũng thích ngắm những cành mai rộ hoa trong những độ xuân về, nhưng họ lại trầm trồ và tấm tắc khen những gốc mai sần sùi đầy nếp nhăn nhưng vẫn tươi những sắc hoa vàng óng ả. Mai càng già, gốc càng lớn, hoa lại càng quí. Giờ đây, mỗi lần ngắm hoa, con lại nhớ đến nụ cười của mẹ. Đôi môi của mẹ không còn căng tràn sức sống, nhưng những nếp nhăn lại tạo nên những họa tiết, những điểm nhấn sinh động, làm cho ‘nụ đông’ của mẹ trở nên ấm áp và đáng yêu lạ thường, cho dù nó không còn rực rỡ, “Con về môi mẹ bỗng trổ hoa”.
4. BÂY GIỜ MẸ KHÔNG CÒN BIẾT NỮA
“Bây giờ mẹ không còn biết nữa,
Thôi chiều ra ngõ mỏi mòn trông.
Hết nụ cười tươi, dòng nước mắt,
Quên mang nỗi nhớ ngập trong lòng!”
Rồi một ngày, con nghe tin sức khỏe của mẹ bắt đầu yếu dần sau những tháng năm chống chọi với bệnh tật. Mẹ sốt cao, ăn uống kém dần và tinh thần không còn tỉnh táo như trước, lúc tỉnh lúc mê. “Bây giờ mẹ không còn biết nữa”, không phải ‘mẹ không còn biết nữa’ vì tuổi già làm cho mẹ lú lẫn, nhưng con cảm thấy rằng, có lẽ sức đề kháng của mẹ với bệnh tật đã không còn mạnh mẽ như xưa.
Mẹ bắt đầu nằm liệt giường và không còn đủ sức đứng lên để có thể mỗi chiều – “Ra ngõ mỏi mòn trông”. Con nôn nóng, tìm đủ mọi cách xin phép về Việt Nam để chăm sóc cho mẹ, nhưng dễ gì được đâu. Khi mà mẹ, “Thôi chiều ra ngỏ mỏi mòn trông”, thì lúc đó, con lại là người ‘Mỗi chiều ra ngõ trông quyết định’, mong sao sớm được phép cấp trên để kịp về thăm mẹ hiền, nhưng lực bất tòng tâm.
Cơn sốt kéo dài làm nụ cười của mẹ thêm héo úa và khô kiệt cả dòng nước mắt, “Hết nụ cười tươi, dòng nước mắt”. Khi nơi quê nhà mẹ đang sốt cao, thì cùng lúc đó bên Ba Lan trời lạnh cóng, tuyết rơi trắng cả bầu trời, con cũng bị cơn sốt dằn vặt đến nỗi bạn bè nhìn bảo, sao thấy bạn mệt mỏi đến thế; và cả bệnh nhân cũng quan tâm hỏi, sao bác sĩ ủ ê đến vậy. Bởi vì, con cũng đã, “Hết nụ cười tươi, ai thăm hỏi ”, và, “Tràn trào nước mắt, lúc cầu kinh”.
Bệnh ngày càng trở nặng, mẹ mất dần khả năng nhận biết người thân trong gia đình và từ từ đi vào hôn mê, “Quên mang nỗi nhớ ngập trong lòng”. Làm sao tâm hồn của mẹ có thể quên được những đứa con mà mẹ đã mang nặng đẻ đau; nhưng cái thân xác mỏng dòn đã không cho phép mẹ mang theo nỗi nhớ ngập lòng. Mẹ phải buông bỏ tất cả để thanh thản ra đi. Và, “Nỗi nhớ ngập lòng” đã trở thành cơn đau làm cho con phát sốt mỗi khi đêm về.
5. MẸ NHƯ CHIẾC LÁ ĐANG CHỜ CỘI
“Mẹ như chiếc lá đang chờ cội,
Cây cau còm cõi đã lung lay...
Ai biết bao giờ khi Chúa gọi ?
Con lo không về kịp tối nay !”
Con nôn nóng chờ tin mẹ mỗi ngày, bởi con biết, “Mẹ như chiếc lá đang chờ cội”. Khi đó, những mũi kim châm tê của con có thể khống chế được cảm giác đau của bệnh nhân trong lúc phẫu thuật, nhưng nó trở nên hoàn toàn bất lực để gắn lại chiếc lá đang sắp rơi theo quy luật của tạo hóa. Chỉ có một ‘Người’ duy nhất có thể làm được điều đó – Đấng đã tạo thành nên nó. Và con chỉ còn biết tín thác mọi sự cho Ngài.
Lúc này, con mới cảm nhận được câu thơ của Nguyễn Du: “Một ngày đằng đẵng xem bằng ba thu”. Thời gian lo lắng trong nỗi mong nhớ khôn nguôi chẳng khác gì tù ngục, không những lê thê mà còn trĩu nặng, bởi vì con biết, “Cây cau còm cõi đã lung lay”. Mẹ đã yếu lắm rồi, không còn ăn được nữa, nước uống cũng đã ngưng, thì ‘Cây cau đã lung lay’ lấy gì nuôi dưỡng để đủ sức đứng vững mà không quỵ ngã.
Trong cuộc sống, Thiên Chúa luôn kêu gọi chúng ta trở về với Ngài mỗi ngày, và không một ai biết rõ giờ nào Ngài đến để gọi chúng ta lần cuối cùng, “Ai biết bao giờ khi Chúa gọi”. Nhưng linh cảm cho con biết một điều chắc chắn, mẹ sẽ sớm về cùng Chúa trong nay mai. Ngay lúc này, mẹ không còn làm chủ thời gian của mẹ được nữa, Thiên Chúa sẽ đón nhận lại Thần Khí mà Ngài đã ban cho mẹ trong suốt cuộc hành trình 66 năm nơi trần thế.
Con nài nỉ Chúa và khẩn cầu Đức Mẹ thương ban cho con diễm phúc được nhìn mặt mẹ lần cuối. Dù đức tin vẫn dạy cho con biết rằng, không sớm thì muộn, con cũng sẽ sum họp với mẹ trên Nước Trời. Nhưng sao con vẫn ao ước điều đó được Ngài thực hiện ngay hôm nay, trong cõi đời tạm này. Bởi trái tim con đang tăng nhịp đau với những nhát bóp giục giã khôn xiết – Con muốn được nhìn thấy nụ cười của mẹ. Nhưng, mẹ ơi!, “Con lo không về kịp tối nay”.
Nha Trang, ngày 28/08/2021
Lễ kính thánh Augustino, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Bình Nhật Nguyên
[1] Têrêsa Nguyễn Vui, Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, Thương lắm mẹ ơi!, Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/thuong-lam-me-oi-64032