(Tác phẩm Đất Mới)
(Đọc truyện dài Đất Mới của Song Nguyễn )
Giá trị của một tác phẩm văn chương trước hết là ở nội dung câu chuyện được kể, ở thái độ diễn ngôn của tác giả, và ở nghệ thuật kiến tạo tác phẩm (sử dụng ngôn ngữ, tổ chức cấu trúc truyện, lựa chọn bút pháp, cách khắc hoạ nhân vật; ở việc đặt ra và giải quyết những vấn đề của thời đại). Nhưng cốt lõi giá trị của tác phẩm là tư tưởng, tác phẩm thể hiện tư tưởng tiến bộ hay suy đồi.. Ngòai Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Cao Bá Quát, ở Việt Nam có rất ít “nhà văn tư tưởng”. Không có tư tưởng thì tác phẩm chỉ là một lớp vỏ chữ.
Những tác phẩm lớn, sống lâu bền trong lòng người đọc là nhờ nó chưá đựng những tư tưởng tiến bộ. Những người khốn khổ của V. Hugo, Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du… là những thí dụ.
Tư tưởng Nhân văn là nền tảng làm nên giá trị nghệ thuật của mọi thời đại.
I. TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN TRUYỀN THỐNG
Tư tưởng Nhân văn đã có trong ý thức của dân tộc từ xa xưa, nó thấm nhuần trong mọi ứng xử giữa người với người. Người Việt coi trọng con người: “Người ta là hoa đất”, con người là Cái Đẹp của cuộc đời này. Sự sống là vô giá: ”Người sống hơn đống vàng”. Quan hệ người với người là quan hệ yêu thương: “Thương người như thể thương thân”.
Tư tưởng Nhân văn đặc biệt phát triển thành trào lưu nghệ thuật từ thời Phục Hưng [thế kỷ XV-XVII] ở phương Tây. Ðặc trưng của Chủ nghĩa Nhân văn là sự suy tôn con người, là sự khôi phục lại con người (hay tính người), và con người bao giờ cũng được coi là tốt đẹp (con người chí thiện). Con người được đặt vào trung tâm thế giới, được đặt lên ngôi cao nhất (con người chí tôn)(1).
Văn học và nghệ thuật thời đó đưa “chất người” vào “chất thần thánh”, biến đời sống thần thánh thành đời sống bình thường của con người. “Con người là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài” (Shakespear). Các nhà Nhân văn Chủ nghĩa lấy câu của Terence, một nhà hài kịch La Mã làm phương châm: ”Tôi là một con người, không có cái gì có tính chất người lại xa lạ với tôi” (1b). Con người là một bộ phận của tự nhiên, sống và chết theo quy luật tự nhiên, vì thế phải trả con người về tự nhiên để nó phát triển theo tư nhiên (2). Chiến tranh phong kiến, chủ nghiã khổ hạnh, đàn áp tư tưởng là trái với tự nhiên, là nguồn gốc gây ra bất hạnh, xấu xa, tội lỗi trên thế giới. Chủ nghĩa Nhân Văn sau thời Phục Hưng được làm phong phú hơn bởi tư tưởng dân chủ thời Khai Sáng [Thế kỷ XVII-XVIII], ý thức đấu tranh giải phóng con người cuả chủ nghiã Marx và ý thức về tồn tại của Chủ nghiã Hiện sinh.
Nhưng vượt lên trên tất cả là tư tưởng Nhân văn Công giáo mà cội nguồn là Kinh Thánh. Kinh Thánh đem đến cho nhân loại cái nhìn về bản thể con người, về cõi người, về ý nghiã sự sống của con người. Con người là gì? Con người không chỉ là vật chất thụ tạo, mà con người được nâng lên khỏi mọi loài thụ tạo, mang bản thể cuả Thiên Chuá, được thánh hiến và ở trong Thiên Chuá. Không có cái nhìn nào về con người siêu việt như thế. Đức Giêsu đã cầu nguyện với Thiên Chuá Cha cho con người: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”(Ga.17.19-21).
Kinh Thánh nói Con người nhưng không phải là “con người” trừu tượng mà là con người cụ thể, đó là những người nghèo khổ.
Mở đầu bài giảng Tám mối phúc, Đức Giêsu dạy rằng: ”Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chuá là của anh em”(Lc 6.20). Trong cuộc phán xét chung, Đức Vua đã thưởng cho những người được chúc phúc, vì “xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”.”Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt.25.35-40). Kinh Thánh đã trân trọng con người ở thân phận bé nhỏ và khốn khổ nhất, lấy hành động vì con người làm thang bậc giá trị để phán xét ở ngày cánh chung.
Từ cái nhìn con người như thế, Kinh Thánh lấy lòng yêu thương con người làm điều răn quan trọng. Khi được hỏi điều răn nào quan trọng nhất, Đức Giêsu trả lời:”Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”(Mt.22.37-39). Đức Giêsu còn dạy: “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”(Mt. 5:44).
Nhưng yêu thương như thế nào? Dụ ngôn về người Samari tốt lành là một lời giải đáp cụ thể (Lc.10.29-37): Thấy người bị nạn bên đường, thầy Tư Tế bỏ đi, thầy Lêvi cũng tránh xa, còn người Samari lại gần “lấy dầu, lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, ông ta lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói:” Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.
Người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang, theo luật Môise thì phải bị ném đá. Thế nhưng Đức Giêsu đã cứu chị và nói với chị: ”tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!"(Ga.8.11). Một lần khác, cảm thương tình cảnh cuả chị em Mácta và Maria, Đức Giêsu đã khóc thương Lazarô (Ga.11.33). Người truyền cho Lazarô từ cõi chết sống lại. Lại một lần nữa, Đức Giêsu nói với các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31).
Qua những trường hợp cụ thể ấy, Kinh Thánh đã chỉ ra, tư tưởng nhân văn Công giáo thể hiện ở cái nhìn trân trọng, yêu thương những con người “bé nhỏ nhất” trong cuộc sống, giải thoát họ khỏi đau khổ, tội lỗi và sự chết.
Vấn đề Con Người, giải phóng Con Người, và hạnh phúc của Con Người là vấn đề của muôn thuở. Bi kịch của con người vẫn còn nguyên đó. Đau khổ, thù hận, tội lỗi, cái chết vẫn bao trùm lấy con người. Chỉ tư tưởng Nhân văn Công giáo mới soi rọi ánh sáng hy vọng cho cuộc đời này.
(Hình ảnh do tác giả cung cấp)
II. TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN TRONG ĐẤT MỚI
Đất Mới là truyện dài gồm 3 tập, in lần thứ 2, Nxb Hội Nhà văn 2018.
Đất Mới kể chuyện Lm Phương Toàn. Ngài xuất thân là giáo sự Đại Chủng viện. Sau 30/4/1975, Đại Chủng viện đóng cửa, Lm Phương Toàn cùng giáo dân đi xây dựng “kinh tế mới”. Trước đó, nhiều lần được mời gọi đi định cư ở nước ngoài nhưng ngài từ chối. Ở vùng đất kinh tế mới, ngài đã cùng giáo dân chịu đựng bao nhiêu gian khổ, khó khăn, thử thách; bao nhiêu hiểm nguy, nhiều lần kề cận cái chết, tưởng không qua khỏi. Kiên định lý tưởng theo Chúa, sống chết cùng đoàn chiên, và tín thác hết lòng vào thánh ý Chúa, ngài đã vượt qua những bi kịch cá nhân và đưa được đoàn chiên tới đồng cỏ xanh tươi, có suối mát trong ngọt lành. Ngài đã biến đổi thế giới hiện thực (khu kinh tế mới) và thế giới tâm hồn của đoàn chiên thành vùng “đất mới của đức tin và lòng yêu thương”.
Trong Đất Mới, tư tưởng Nhân văn Công Giáo được thể hiện đậm nét ở nhân vật Lm Phương Toàn.
Cái nhìn của Lm Phương Toàn về con người là cái nhìn trân trọng, hiểu biết và cảm thông sâu sắc. Ngài nhìn thấy vẻ đẹp thánh trên khuôn mặt bà Tương Ấn khi bà qua đời, “khuôn mặt gầy gò xanh mét dần dần trở nên đầy đặn hồng hào, với một vẻ bình an lạ lùng” (tập 2, tr.45) Trong bịnh viện, Ngài sống chung với anh thanh niên bịnh nặng nằm bên cạnh mình, và với những bệnh nhân cùi xung quanh như bạn hữu, cùng sẻ chia phận người trong cảnh ngộ ngặt nghèo. Ngài cũng ẩn nhẫn và trân trọng với những người đã gây ra cho mình sự khốn khó trong lúc nằm viện (Chương 4, tập 1) hay lúc bị tạm giam 75 giờ (Chương 11, tập 3) và cả lúc ngài phải hạ mình trước bọn xã hội đen khi đi tìm đòan con bị giữ ở đồi vàng. Trong hoàn cảnh khó khăn và đầy lo âu của những năm tháng sau 1975 (đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng), tương lai chưa biết thế nào, lòng người không nguôi xao xuyến, cái nhìn về con người của Lm Phương Toàn là cái nhìn tỏa sáng tư tưởng Nhân văn. Cái nhìn ấy làm thăng hoa những khó khăn, đau khổ, hoạn nạn, và hóa giải những nghịch cảnh tưởng không thể vượt qua.
Thái độ chọn lựa đứng về phía người nghèo khổ cuả Lm Phương Toàn mới thực sự thể hiện tư tưởng Nhân văn Công giáo. Ngài đi kinh tế mới với giáo dân, cùng lao động, cùng sẻ chia những khó khăn vất vả (bão lụt, cháy nhà, sốt rét, voi rừng về phá rẫy, kẻ xấu phá hoại…). Ngài sống giữa mọi người, như mọi người, nhưng quan tâm đến mọi người, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người. Lm Phương Toàn từ chối mọi mời gọi xuất cảnh (để sống một cuộc sống sung sướng), ngài hòa nhập với người nghèo, người đau khổ. Dù là lúc nằm viện hay là lúc được đưa đi chữa bịnh trên đất Mỹ, tiếng gọi của quê hương luôn vang lên trong tâm hồn ngài, lôi kéo ngài trở về với đòan chiên và dấn thân cho họ. Ngài vượt qua mọi điều tiếng dị nghị và làm hết sức mình cho cuộc sống no cơm ấm áo và đời sống tinh thần cuả họ được tốt tươi. Tinh thần nhập thể ấy của Lm Phương Toàn chính là lòng yêu thương nhân loại của Đức Giêsu trong đời thường.
Lý tưởng của Chủ nghĩa Nhân văn là hướng đến sự giải phóng con người khỏi trạng thái nô lệ, khẳng định giá trị làm người, đem đến hạnh phúc cho con người ngay trong cõi đời trần gian này, nhận ra cái đẹp của chính cuộc sống thế tục. Muốn vậy phải hành động để thay đổi những hoàn cảnh làm tha hoá con người. Đất Mới có đạt đến lý tưởng như vậy không?
Lòng yêu thương con người của Lm Phương Toàn đã biến đổi một vùng đất khô cằn sự sống thành một vùng “đất mới” (như Đất hứa trong Cựu Ước). Nơi ấy con người được giải phóng khỏi những hẹp hòi, ích kỷ, thù nghịch. Nơi ấy con người mở lòng ra với nhau để cùng góp sức xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, sẻ chia cơm áo và tình thương. Nơi ấy hóa giải mọi mâu thuẫn để cùng phát huy những nguồn lực vật chất và tinh thần. Nơi ấy cải thiện hoàn cảnh sống để nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp của con người.
Có thể thấy rõ tư tưởng Nhân văn Công giáo trong Đất Mới đã trổ sinh hoa trái trong hiện thực. Những định kiến ban đầu của nhân viên Nhà nước với Lm. Phương Toàn dần dần được thay thế bằng sự hiểu biết và trân trọng lẫn nhau. Những yêu thương vị kỷ của Mỹ Linh, Minh Nguyệt hay ông Trưởng Tuất được thay thế bằng tình yêu thương có tầm vóc xã hội rộng hơn để rồi sau đó chính gia đình Mỹ Linh, Minh Nguyệt đã có những đóng góp quan trọng và có ý nghiã giúp Lm. Phương Toàn hoàn thành ý nguyện của mình ở vùng kinh tế mới. Việc dời ấp Tân Hữu là một nỗ lực làm thay đổi môi trường, làm thăng tiến đời sống giáo dân, ngăn chặn được những yếu tố làm tha hoá con người, mà trực tiếp là nạn nghèo đói. Sự sẻ chia cơm áo cuả giáo dân Tân Hữu cho bà con di dân Tân Thành là hành động cụ thể của yêu thương Công giáo.
Đất Mới là bài ca yêu thương, bài ca ca ngợi Con Người. Ánh sáng tư tưởng Nhân văn Công giáo đem đến một niềm tin thực sự cho người đọc, niềm tin vào Con Người chí thiện, vào sức mạnh của Con Người có thể làm nên Nước Trời ngay trong cõi tại thế này, và hơn hết niềm tin vào người Mục tử “hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29) hết lòng vì đoàn chiên.
Hãy so sánh một chút với một truyện miêu tả con người qua cái nhìn của Chủ nghĩa Hiện sinh. Nhà văn Dương Nghiễm Mậu trong truyện Cũng đành (1958) kể lại cuộc chạy trốn cuả một con người từ Sơn Tây về Hà Nội. Không có giấy tờ tùy thân, anh ta phải trốn trên xe chở củ nâu. Về đến bến xe Kim Mã, trời tối, anh không biết đi đâu, đành chui vào một túp lều sống với lũ chuột… Cuộc sống trôi đi. Anh ta như như con chó ốm ghẻ, lang thang lẩn lút, không chốn nương thân. Không có tiền mua thuốc, anh ta phải nuốt giun để chữa sốt rét. Không có gì để ăn, anh ta phải nhét vào mồm từng chút cặn thịt hộp đã thiu moi trong ống lon ở bãi rác để khỏi chết đói. Rồi cũng tìm được việc làm phụ ở chỗ thổi thuỷ tinh. Lại bỏ việc, đi nhặt mảnh chai. Rồi dun rủi, lại sống chung với gái điếm, và sau cùng bị bắt. Khi bị tra hỏi, anh ta không biết mình là ai, kể cả tên mình. Bị đánh đập tra khảo mãi, anh ta đành chịu vì chẳng biết khai gì. Viên cố đạo đến giúp tù binh, bị anh ta chửi vào mặt. Rồi một hôm bọn lính dồn anh ta lên xe chở ra cánh đồng, bắt đào hố. Anh ta biết sắp được tự chôn mình. Có tiếng lên đạn lách cách, chúng bắt anh quay mặt vào hố. Anh ta nhớ câu hỏi: ”Cha mẹ mày tên gì”. Câu truyện kết thúc ở đó.
Nhà văn Hiện Sinh miêu tả con người như con vật trần trụi, bị săn đuổi, không chốn nương thân. Sống là đi về cái chết như một tất yếu bi đát. Cô đơn trong thân phận con người. Tuyệt vọng đến chối bỏ cả đức tin, và vô nghiã đến độ không còn biết mình là ai. Nhìn con người như thế, nhà văn tỏ ra hoàn toàn bất lực trong nhận thức về con người về sức mạnh vất chất và tâm linh cuả con người. Con người đành bó tay trong cõi chết từng ngày. Nếu nhà văn có yêu thương con người thì tình yêu thương ấy chẳng đem đến cho con người điều gì an ủi ngoài nỗi sợ hãi và tâm trạng bi đát.
Trái lại, tư tưởng Nhân văn trong Đất Mới soi rọi vào bên trong sức mạnh cuả con người, sáng lên những phẩm chất tốt đẹp của con người và đem đến Niềm tin Cứu rỗi cho con người khỏi tăm tối tuyệt vọng.
Tư tưởng Nhân văn Công Giáo cũng kết tinh trong việc xây dựng nhân vật Lm Phương Toàn, một người bình thường nhưng lại đạt đến những phẩm chất lý tưởng. Nhân vật Lm Phương Toàn là tiêu biểu cho vẻ đẹp cuả người sống đời dâng hiến (khác hẳn với sự miêu tả về Linh mục trong các tác phẩm thế tục). Đất Mới khẳng định chính người Mục tử Công Giáo, cùng với giáo dân “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, đang đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Đất Nước.
Kiểu nhân vật như vậy là kiểu nhân vật mới, đóng góp cho văn chương Việt Nam đương đại. Đó là một công dân của Nước trời, như mọi công dân của đất nước này, nhưng tỏa sáng tư tưởng nhân văn Công giáo giữa đời thường,
III. VỚI VĂN CHƯƠNG VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI
Ngọai trừ một số ít tác phẩm văn chương đích thực (tác phẩm đề tài lịch sử, tác phẩm trong dòng văn chương Nhân văn và Dân chủ), thật khó tìm ra một nhân vật có lý tưởng sống tích cực trong văn chương Việt đương đại. Trái lại, không thiếu những tác phẩm miêu tả những mặt tiêu cực của đời sống, văn chương sex, những truyện ngôn tình…tác giả khắc hoạ những nhân vật tha hóa, thực dụng, vị kỷ, ngụp lặn trong bóng tối, vô vọng…(3). Khó tìm thấy những nhân vật tích cực, tỏa sáng vẻ đẹp Nhân văn, biết sống vì tha nhân, đem tin yêu đến mọi nơi, như nhân vật Lm Phương Toàn trong Đất Mới.
Thực trạng ấy của văn chương đương đại đang được báo động. Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị đã phê phán: ”Một số văn nghệ sĩ còn… chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí…Một số sản phẩm văn học, nghệ thuật tầm thường, chất lượng kém được phát hành, truyền bá gây tác hại, ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ .”
Đất Mới là đời sống thật được chưng cất bởi ánh sáng của tư tưởng Nhân văn Công giáo nên có thể chạm vào được tâm thức sâu xa cuả người đọc, nhất là những ai đã sống qua thời đất nước khủng hoảng (1975-1990), phải di dân đi Kinh tế mới. Đó là khát vọng về một “Đất Mới” trong đời thực, Đất Mới trong tâm hồn và niềm tin vào con người. Hoặc ít ra cũng đem đến cho người đọc cái nhìn nhân ái về cuộc sống, nhận ra sự tốt đẹp của cuộc sống ở cõi tại thế này và khẳng định sức mạnh cuả tình yêu thương có sức giải thoát con người khỏi những thảm cảnh, tội lỗi và sự chết.
Đọc Đất Mới dưới ánh sáng của tư tưởng Nhân văn Công giáo, người đọc sẽ nhận ra giá trị nhiều mặt của tác phẩm này. Cùng với những tác phẩm khác của Song Nguyễn, Đất Mới tạo nên bộ sử thi về đời sống người Công giao đương đại. Đó là những bài học suy nghiệm quý giá mà Song Nguyễn chia sẻ với chúng ta.
_______________________________________________
(1) Nguyễn Kiến Giang. http://phucdinhhong.wordpress.com/2010/01/18/v%e1%ba%a5n-d%e1%bb%81-con-ng%c6%b0%e1%bb%9di-va-ch%e1%bb%a7-nghia-nhan-van-m%e1%bb%9bi-pha%cc%80n-1/#more-96
(1b) Terence [195-159 BC] in his play Heauton Timorumenos, reads: "Homo sum, humani nihil a me alienum puto", or "I am human, and I think nothing human is alien to me." https://en.wikipedia.org/wiki/Terence
(2) Tự điển Văn Học. tr.291
(3) Xin đọc: Bóng Đè, I’m Đàn Bà, Dị Bản, Nháp. Sợi Xích, Dại Tình…