"Truyện kể về thầy Mười"- Tác giả: Vinh Kiu

Văn thơ Công giáo
(Nguồn: Internet)

Cái Xứ này người ta không có coi trọng cái chữ! Hơn ba mươi năm trước, ở đây con trai cày cuốc, kéo xe bò chở cát sỏi, hàng hóa,… còn con gái hết ngày mùa làm bánh, bán rau ở chợ, mười nhăm mười bảy tuổi vớ được anh chồng có con bò, con trâu làm vốn là “xong”. Cái việc học giáo lý cũng đơn sơ như cách người ta đi đạo vậy, ê a học thuộc, tới ngày thi cũng khảo đọc luôn, chỉ cần trí nhớ tốt là “Ưu”, khỏi phải học chữ làm gì cho khổ. Nghĩ đến cảnh lặn lội sang bên kia sông để kiếm lấy con chữ đã ngán, mà cũng chẳng để làm gì. Chuyện tính toán làm ăn quá đơn giản, cứ cái bánh một đồng thì bốn cái bốn đồng, thích thì bớt cho tí thành năm cái bốn đồng chứ ai ngồi mà tính “bán sỉ thành không phẩy tám đồng một cái, vị chi mười cái được lợi hai đồng, hai mươi cái lợi bốn đồng” bao giờ. Vậy nên cái Xứ này bao năm không có thi Giáo lý Hạt, đi xa đã đành, trên ấy người ta lại khảo viết, thi sao được. Nguồn giáo lý viên của Xứ cũng rất đặc biệt, ấy là mấy nhà kha khá, tính cho con “đi nhà thầy” cố gắng cho nó qua sông học lấy cái chữ, nhưng không có phong trào nên chẳng đâu vào đâu. Cũng có vài chú được gởi cho Cha Quản hạt nhưng thi Chủng viện không đỗ, loanh quanh lại về nhà dạy giáo lý và chỉ bảo cho bạn bè đôi ba chữ, để khi rảnh rang ngồi bán bánh, kéo xe còn đọc mấy bài báo trên giấy gói hàng… cho vui. Xứ do Cha Quản hạt kiêm nhiệm, mỗi Chúa nhật Cha về làm cho một lễ, lâu lâu cho giải tội một lượt là xong, nhà ai có kẻ liệt thì thuê xe thuê đò chở Cha về xức dầu, thế thôi. Cha quá bận, Xứ lại xa xôi cách trở nên ngài cũng lực bất tòng tâm.

Vào một ngày đẹp trời, Xứ đón một chàng thanh niên… tóc hoa râm ghé thăm. Là thầy Mười, một thầy giáo có cái “lý lịch trắng”. Nghe đâu là thương binh trong chiến trường miền Nam cuối thập niên Sáu Mươi trong một trận đánh lớn, khi ra Bắc chữa trị thì chẳng còn nhớ gì ngoài… mấy con chữ, coi như tứ cố vô thân, được Nhà nước cho đi học làm thầy, lấy luôn cái tên “Mười” cho dễ nhớ. Thầy dạy giỏi lắm nhưng lại “tỷ lệ nghịch” với sức khỏe, ngoài bốn mươi thì vết thương tái phát nhiều lần, không đủ sức đứng lớp, phải nghỉ hưu non. Có người mách cho cụ Kính bên kia sông có bài thuốc Nam hay lắm nên thầy sang xem thử, ai dè thầy nói chuyện với cụ rất hợp gu, cảm mến luôn, bệnh tình cũng thuyên giảm nên ở lại dạy chữ cho mấy đứa con cháu cụ, vừa trả công lại đỡ “ngứa nghề”. Nhà cụ Kính rộng mênh mông, cò bay mỏi cánh rơi chết còn chưa hết đất. Cụ cho “ông giáo” hẳn hai sào đất cuối vườn, dựng cái nhà tranh nho nhỏ, bảo “tự làm mà ăn, lao động chân tay nhiều khắc hết bệnh”. Thầy Mười ở với cụ Kính mấy năm, rảnh rang chẳng có sách gì đọc ngoài Sách Kinh và Giáo lý Công Giáo, cảm cái ơn cứu mạng của cụ Kính, theo Đạo luôn. Cụ Kính cũng là người làm phép rửa tội cho thầy, rồi sau đó ít lâu, thầy trở thành trưởng ban Giáo lý viên của Xứ, còn ai xứng đáng hơn…

Một người nặng lòng với con chữ như thầy Mười, lẽ dĩ nhiên không để cho Xứ cứ mãi không có người đi thi Giáo lý Hạt được. Thầy quyết tâm xóa mù chữ cho cái Xứ này. Nhưng nói thì dễ chứ làm chẳng dễ tí nào. Địa bàn quá rộng, người dân thì lam lũ, mỗi tuần có hai tối học Giáo lý mà đi chưa đủ, đến lớp còn ngủ gà ngủ gật, nói chi chuyện học chữ. Cũng phải thôi, đi xe bò kéo, chăn trâu hay làm bánh, bán rau đều phải dậy từ sáng sớm, tối mà ngủ muộn thì sáng ra đâu có mở mắt nổi. Thầy đến từng nhà động viên mà chẳng mấy ai hưởng ứng. Con nít mười tuổi trở lên đã lo kiếm ăn, dưới mười tuổi thì sợ đi xa, loanh quanh mãi cũng chỉ gom được một lớp, chủ yếu là mấy đứa nhỏ gần nhà. Tôi là trường hợp đặc biệt, ngấp nghé tuổi hai mươi, sắp lấy vợ đến nơi nhưng nhà xa, được đặc trách đưa các em đến lớp, sẵn tiện “học ké” luôn. Chuyện dạy học của thầy Mười “li kì” phải biết, nhưng tôi nhớ nhất hai chuyện.

Một là chuyện đi thi Giáo lý Hạt lần đầu, khoảng những năm cuối thập niên Tám Mươi thế kỷ trước. Thầy Mười phải bỏ tiền lương thương binh của mình ra thuê đò, thuê xe cho ba đứa cũng chẳng phải giỏi nhất đi thi, tại vì mấy đứa giỏi hơn ba mẹ nó bắt ở nhà. Gọi là “thuê xe” cho oai, thực ra là xin đi nhờ xe tải, bốn thầy trò ngồi sau rơ-mooc, đội nón lá sùm sụp để tránh nắng. Khi đi thì không sao, khi về chẳng may gặp tai nạn, hai đứa bị thương khá nặng, thầy phải bỏ hết mọi công mọi việc đi chăm, tiền tiết kiệm mấy năm cũng bay theo hết. Mà thực ra, chưa bị ba mẹ tụi nó đánh cho là may, và cũng “may” là bị tai nạn xe, chứ đắm đò thì thầy thành “tội nhân thiên cổ” rồi. Mấy ông bà không cho con đi thi có vẻ đắc ý, dèm pha đủ điều. Tưởng chừng chuyện đi thi Giáo lý Hạt sau này coi như đã khép lại hoàn toàn thì bất ngờ cả ba đứa đều “Ưu”, còn có một đứa Giải Nhất nữa mới ghê, bằng đỏ mang về treo sáng choang cả nhà, Cha quản Hạt về làm lễ khen mãi. Lúc đó mấy nhà không cho con đi thi lại ngồi tiếc, còn bị người trong Xứ chửi cho ngập đầu, khổ công thầy phải dàn hòa. Chuyến này thầy tán gia bại sản nhưng đổi lại được niềm tin yêu tuyệt đối của mọi người, và phần thưởng trong mơ là một bộ Kinh Thánh toàn tập.

Chuyện thứ hai là huyện phổ biến công tác xóa mù chữ, thầy vui lắm, lên thị trấn lấy bằng hết các sách vở, thuê xe thuê đò chở về rồi cùng bé Thanh - học trò nhỏ của thầy - hì hục phân loại, gom thành từng bộ, giao cho nó nhiệm vụ đạp xe đưa đến từng nhà. Thầy tính ít nữa sẽ cùng chúng tôi chia nhau đến tận nơi hướng dẫn mọi người học chữ và làm bài. Nào ngờ, một bữa thầy đi qua chợ, có bà Tập chạy theo, dúi vào tay thầy một gói bánh rán to, nóng bỏng tay, bảo cảm ơn thầy dạy dỗ cho mấy đứa con mà không lấy một xu. Thầy chối mãi không được phải nhận. Về nhà mở ra thấy tờ giấy gói bánh quen quen, ra là… sách xóa mù chữ. Thầy giận lắm, sang tận nhà bà Tập hỏi cho ra nhẽ. Là thế này, con bé Thanh đến xóm ấy chỉ gặp mỗi ông Tập, còn các nhà khác đang đi ăn cưới nên nó gởi hết cho ổng, nhờ tới chiều chuyển hộ. Ông Tập vứt tạm vào góc nhà, gần ngay chỗ để giấy gói bánh của bà Tập rồi quên khuấy mất, bà Tập chẳng biết chữ, không biết là thứ sách vở gì,“cứ thế dùng”. Khi thầy Mười đến thì mấy bộ sách vở đã bị dùng gói bánh gần hết, thầy nổi khùng với ông Tập, nếu mọi người không can ngăn kịp thời, biết đâu đã có đổ máu chứ chẳng chơi.

Vậy đó, chuyện dạy Giáo lý, dạy chữ ở cái Xứ lạ đời này thật lắm gian nan. Qua bao năm vẫn cứ trông cậy hết vào một cụ già đã qua tuổi “cổ lai hy” say sưa với con chữ quên cả hạnh phúc riêng, mấy lần xin nghỉ chẳng được. Ta nói, “có không giữ, mất đừng tìm” chẳng sai, giờ Cụ nghỉ hưu là biết tay nhau ngay. Nhân tài đầy ra đấy, nhưng hai chữ “hy sinh” sao mà khó tìm vậy trời!

***

Vâng, “tất cả các dòng sông đều chảy”, nhưng mỗi thời một khác, chảy về đâu, mạnh hay yếu, nhanh hay chậm, trong lành hay ô nhiễm, điều đó hoàn toàn phụ thuộc việc khơi thông nó thế nào. Người khơi dòng không mong được báo đáp nhưng đơn giản chỉ là giúp sông được sạch trong khi về với biển và cũng là người tới “Biển Tình Yêu” trước, dang tay đón những dòng sông chảy về. Hiếm ai một đời tận hiến làm “cánh tay nối dài” của cha Đắc Lộ như thầy Mười, nhưng mỗi người đều hoàn toàn có thể là “bé Thanh thứ hai”, là con thuyền, là mái chèo phụ giúp khơi trong dòng chảy cuộc đời…