Song Nguyễn- Nhà văn Công giáo giàu sức sáng tạo- Tác giả: Bùi Công Thuấn

Văn thơ Công giáo
(Ảnh do tác giả cung cấp)

Đức Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh là Giám mục giáo phận Xuân Lộc 12 năm (2004-2016). Người được mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận rất kính yêu. Ngài cũng là người trực tiếp cùng với giáo phận Xuân Lộc xây dựng Trung tâm Đức Mẹ Bãi Dâu và tượng Chúa Kitô núi Tao Phùng ở Vũng Tàu. Từ 2014 đến nay, ngài phụ trách xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi, một công trình lớn của giáo phận Xuân Lộc.

Tôi được gần Đức cha Đaminh từ những năm 1970 khi Ngài còn là Giám học trường Trung học Hòa Bình, Long Khánh. Từ đó đến nay (2019), tôi có nhiều dịp được nghe Đức cha chia sẻ những tâm nguyện văn chương. Đặc biệt là khi biên tập, in ấn 15 tác phẩm văn chương của Ngài, tôi nhận ra Đức Cha còn là một nhà văn Công giáo rất giàu sức sáng tạo.

1. Tác giả Song Nguyễn

Cho đến nay chưa ai rõ do đâu Đức cha Đaminh lại lấy bút danh là Song Nguyễn. Đó là một điều thú vị. Tác giả Song Nguyễn đã in 15 tác phẩm trong đó có 9 truyện dài:

1. Một Đời Dâng Hiến, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2009.

2. Đất Mới, truyện dài 3 tập. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018.

3. Đồng Hành, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2010.

4. Định Hướng, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.

5. Chuyến Xe Về Trời, tập truyện ngắn 1. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.

6. Còn Một Niềm Tin, tập truyện ngắn 2. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.

7. Suối Nguồn, tập truyện ngắn 3. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.

8. Người Cha Hiền, tập truyện ngắn 4. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2012.

9. Mẹ yêu của con, tập truyện ngắn 5. Nhà xuất bản Tôn Giá, 2012.

10. Chỉnh Hướng, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2013.

11. Đồng Cỏ Xanh, truyện dài. Nhà xuất bản Phương Đông, 2013.

12. Vì sao sáng, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn giáo, 2015.

13. Tiếng Kêu, truyện dài. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019.

14. Đường lên Núi Cúi. Truyện dài tư liệu. Nxb Hồng Đức, 2019.

15. Hãy ca tụng Chúa (Tự truyện), 2020

Nhìn vào số lượng tác phẩm trên, hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên tự hỏi, Đức cha bận bao nhiêu công việc mục vụ, Người lấy thời gian đâu để viết. Tuổi tác đã khá cao, sao Đức cha có thể kham nổi công việc viết văn nặng nhọc ấy. Nhưng điều quan trọng là, Đức Cha tích lũy vốn sống như thế nào để có thể ghi lại được bao nhiêu cảnh đời, chia sẻ được với bao nhiêu là số phận giáo dân?

Viết văn còn là khám phá những vấn đề, qua đó thể hiện tư tưởng và thái độ trách nhiệm trước cuộc sống. Viết văn đòi hỏi năng lực sáng tạo. Điều này thật không dễ đối với người cầm bút. Nhiều người rất giàu vốn sống, phong phú trải nghiệm, nhưng không sao định hình được chủ đề, không kết tụ được chút ánh sáng tư tưởng nào làm nền, nên đành bất lực trước trang giấy trắng. Song Nguyễn đã viết và in 15 tác phẩm với bút lực dồi dào mà nhà văn Công Giáo chưa ai có được.

Ông Lê Đình Bảng, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Công giáo, trong cuốn Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường, đã nghiên cứu các nguồn mạch văn hoá Công giáo trong suốt 400 năm qua. Ông cho biết, dù đã cố gắng tìm kiếm, nhưng số tác giả Công giáo có tác phẩm truyện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lm Philipphê Lê Thiện Bá (1891-1981) in 4 cuốn, Lm Nguyễn Duy Tôn (1919-1976) in được 4 cuốn, Lm Vũ Duy Trác (1927-2003) 1 cuốn, còn lại người in 1 cuốn hoặc 2 cuốn. Những tác giả tác phẩm ấy không gây được tiếng vang nào, ngoài truyện ngắn Truyện Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản. Truyện này được coi là dấu ấn đầu tiên về truyện ngắn viết theo lối phương Tây bằng chữ Quốc Ngữ.

Như vậy xét trên dòng chảy lịch sử của văn chương Công giáo, tác giả Song Nguyễn là người tiếp tục khơi nguồn mạnh mẽ về văn học nghệ thuật của Giáo hội. Hiện Giáo hội đang có những nỗ lực trong hoạt động Mục vụ văn hóa, trong đó có Giải Văn hóa nghệ thuật Đất Mới của Giáo phận Xuân Lộc đã tổ chứ đước 10 năm (2011-2021), Giải Viết văn đường trường của giáo phận Quy Nhơn (6 năm), nỗ lực xây dựng thư viện Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tủ sách Ra Khơi và Câu lạc bộ thơ văn Công giáo của “nhà đạo Bùi Chu”…Những nỗ lực này đều hướng đến mục đích đem Tin Mừng hội nhập với văn hóa dân tộc. Nhiều Giám mục của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã quan tâm sâu sắc đến văn chương nghệ thuật Công giáo (1). Đức Giám mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần đã viết những tác phẩm giá trị…Rồi đây các nhà nghiên cứu văn học Công giáo sẽ tìm thấy nhiều vấn đề lý luận văn chương rất đáng quan tâm từ những tác phẩm của Song Nguyễn.

2. Mục vụ văn hóa

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận xét rằng: “Nhưng vẫn là lạ lùng nếu nghe nói có nhà văn Việt Nam nào có thể được coi là “nhà văn Thiên Chúa giáo”, bởi văn hóa của người Việt dường như xa lạ với tinh thần Thiên Chúa giáo.”(2). Ông nhắc đến ba tên tuổi lớn của văn chương Việt Nam là: Hàn Mặc Tử (1912-1940), Nam Cao (1917-1951), Nguyên Hồng (1918-1982). Ở những nhà văn này, phẩm chất và Đức tin Công giáo đã thấm rất sâu trong trang văn của họ. Nhưng sẽ càng lạ lùng hơn khi nghe nói đến một nhà văn là Giám mục như đức cha Đaminh.

Có thể hiểu được như thế này: Trong nỗ lực dấn thân của người Mục tử, nhiều vị chủ chăn đã viết những bộ sách rất quý để gieo trồng đức tin. Đức cha Phanxiacô Xavie Nguyễn Văn Sang đã viết gần 20 đầu sách. Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần đã viết bộ sách Thao Thức rất nồi tiếng, bộ sách Đường Hy Vọng của Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã trở thành ánh sáng tâm linh cho nhiều người, không chỉ ở Việt Nam mà còn ảnh hưởng lớn đến người đọc trên thế giới…

Xin hãy học ở Giáo hội. Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Á châu) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II dạy rằng: “Việc trình bày Đức Giêsu Kitô là một Đấng Cứu Độ duy nhất, cần phải theo một khoa sư phạm, từng bước dẫn đưa dân chúng đến việc đón nhận trọn vẹn mầu nhiệm… phương pháp kể truyện, quen thuộc với văn hoá Á Châu, thì đáng được dùng ưu tiên. Quả thực, việc rao giảng Đức Giêsu Kitô có thể có hiệu quả nhất bằng cách kể lại câu chuyện về Người, như sách Phúc Âm làm”.(Chương IV, mục 20)

Kinh Thánh là bộ sách được cả nhân loại công nhận như những tác phẩm văn chương - tư tưởng vĩ đại nhất từ xưa đến nay. Chính cuộc đời Đức Giêsu là câu chuyện được kể trong Tân Ước trở thành ánh sáng Cứu Độ. Và hơn bất cứ nhà văn nào, chính Đức Giêsu là bậc thầy của các nhà văn. Trên đường rao giảng, Người đã kể những dụ ngôn tuyệt hay. Đó là những truyện ngắn rất gần gũi, rất hiện thực nhưng lại giàu có về ý nghĩa và tư tưởng; đồng thời có sức khai mở, giác ngộ tâm linh cho nhân loại. Những dụ ngôn như Người cha nhân hậu (Luc 15,1-32), Người Samari nhân lành (Luc 10, 25-37) là những truyện ngắn tư tưởng mẫu mực cho muôn đời.

Văn chương của Song Nguyễn có cội nguồn trong truyền thống quê hương Bùi Chu. Theo Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng (3),”Bùi Chu không chỉ là chiếc nôi của công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam (1533), mà còn là một trong những chiếc nôi của văn hoá Công giáo nói chung và văn chương, thi ca Công giáo nói riêng.”. Nơi đây có các cơ sở giáo dục rất sớm: các Tiểu chủng viện, Đại Chủng viện, trường Trung học đệ Nhị cấp (trường cấp III), có cơ sở ấn loát đầu tiên tại Đàng Ngoài là nhà in Phú Nhai Đường tại Phú Nhai. Cơ sở này đã ấn loát hàng loạt sách đạo bằng chữ Nôm, chữ Nho và chữ Quốc Ngữ. Nơi đây có Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn. Người đã viết rất nhiều sách về văn hoá, văn học (thí dụ cuốn: "Văn chương thi phú An nam"- Littérature et Prosodie Annamite – HK 1923 và 1933) Ngoài ra, Ngài còn tham gia viết bài trên các báo: Nam Kỳ địa phận, Vì Chúa, Sacerdos Indonensis, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí; lập nhà in Thánh Gia, nhà sách Đa Minh, chủ biên tạp chí Đa Minh bán nguyệt san, Thời Mới... Ngài cũng sáng tác thơ ca giáo lý, như "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo", "Tu thân huấn đức", "Ca dao về Mẹ", "Bài ca nghĩa binh Thánh Thể".

3. Khắc họa dung mạo Đức Giêsu giữa mọi người.

Tác giả Song Nguyễn không viết văn như nhà văn đời thường. Ngài nói rõ mục đích cầm bút của mình là: ”Viết lại những mảnh đời, những số phận, những trải nghiệm, tác giả chỉ có ý rút ra cho đời mục vụ của mình những bài học từ cuộc sống. Hay nói khác đi, tác phẩm là những bài suy niệm sống qua các nhân vật. Và nếu có thể, chia sẻ với bạn bè tất cả những kinh nghiệm quý báu này. Mục đích chỉ đơn giản như vậy… Hơn nữa tác phẩm được xem như là những bài huấn đức, những sứ điệp gửi cho nhiều thành phần Dân Chúa”(Lời ngỏ mở đầu các tác phẩm )

Dù mục đích sáng tác văn chương của Song Nguyễn “chỉ đơn giản như vậy”, song tác phẩm văn chương là một thế giới nghệ thuật biệt lập với tác giả. Thế giới này vừa chứa đựng hiện thực được phản ánh, vừa là hình tượng kết tụ từ thế giới quan, nhân sinh quan, lý tưởng thẩm mỹ và toàn bộ thế giới tinh thần của nhà văn, vì thế nó đa nghĩa. Những tầng nghĩa của nó xa rộng hơn rất nhiều so với chủ đích của tác giả. Xin hãy đọc lại Tự Thuật Thánh Augustinô (Confessions-Nxb Tôn giáo 2010) và cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646 của Alexandre de Rhodes .(Nxb Khoa học xã hội, tháng 4. 2016).

Trong Tự Thuật, Thánh Augustino kể lại hành trình tư tưởng suốt đời đi tìm sự thật về Thiên Chúa, về chính mình, về thế giới. Cuốn sách không chỉ là cái nhìn sâu vào nội tâm, vào bản thể của thánh Augustinô, mà còn giúp người đọc khai minh nhiều vấn đề về hiện sinh, về chân lý. Ngược lại sách của Alexandre de Rhodes không chỉ kể lại hành trình truyền giáo của riêng tác giả, mà còn ghi nhận tình hình chính trị, quân sự và xã hội, kinh tế và văn hoá của nước Việt Nam vào đầu thế kỷ 17. Là một nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes quan tâm đặc biệt tới các tôn giáo, các tín ngưỡng cũng như những mê tín dị đoan của người bản xứ. Ông không quên những phong tục và nhất là tiếng nói của người Việt Nam. Nhưng điều ông ghi chép ngày nay trở thành những sử liệu rất quý để tìm hiểu về xã hội Việt Nam thế kỷ XVII. Quyền 2, với 51 chương, Alexandre de Rhodes kể lại tất cả hoạt động của ông và các người kế tiếp ông để đem Tin Mừng của Đức Kitô đến cho Đàng Ngoài. Với người Công giáo, đó sẽ là những kinh nghiệm rất quý báu. Ngoài những giá trị nội dung như vậy, hai cuốn sách này còn cho người đọc thấy sức mạnh của văn chương trong việc phản ánh hiện thực như thế nào.

Tác giả Song Nguyễn “viết lại những mảnh đời, những số phận, những trải nghiệm” của riêng mình, nhưng trong thế giới nghệ thuật, Ngài đặc biết khắc họa diện mạo đức Giêsu qua hình tượng các nhân vật sống đời dâng hiến (linh mục, nữ tu...) đang sống giữa đời thường, đang vật lộn với những cơn sóng dữ của thời đại.

Trong Đồng Hành, ở một xứ đạo nhỏ giữa Đồng Tháp những năm 1960, Cha sở đã sống trong vùng giao tranh, sống chết không biết thế nào. Trong một đêm càn, nhân vật Dì Năm đã bị giết chết, bị vùi ở mé ruộng. Vì sao sáng kể chuyện linh mục Trung Tín trong chuyến nghỉ hè về Đà Lạt trước 1975 đã bị bắt đưa vào rừng. Ở đây Ngài bị thử thách đặc biệt về sự chọn lựa lý tưởng, về lối sống, sức mạnh của đức tin Công giáo khi đối mặt với người cán bộ cách mạng. Đồng cỏ xanh là hành trình Linh mục Phương Tín dẫn đoàn chiên đi tìm đất sống giữa hai lằn đạn chiến tranh. Chỉnh Hướng miêu tả cụ thể sự đối mặt của linh mục Phương Trung ngay trong những ngày biến cố lịch sử 30.04.1975, kể cả việc Ngài bị bắt giam sau đó. Đất Mới (3 tập) có thể coi là một tiểu thuyết sử thi về đời sống của một giáo xứ đi kinh tế mới sau 1975 dưới sự dẫn dắt của linh mục Phương Tòan. Gian nan khổ ải không sao kể xiết... Trong những hoàn cảnh khốc liệt của đời sống như vậy, người đọc sẽ nhận ra khuôn mặt của các nhân vật linh mục cũng chính là khuôn mặt Đức Giêsu, nhận lấy thánh giá để dẫn đưa đoàn chiên đến đồng cỏ xanh và suối nước ngọt lành. Trong hành trình trần gian, các nhân vật linh mục hoàn toàn phó thác nơi Chúa. Song Nguyễn luôn khẳng định niềm xác tín này: “Con cứ trông cậy Chúa. Chúa không bỏ kẻ trông cậy Ngài”;“Việc Chúa muốn, Chúa sẽ làm”.

Có thể nhận thấy niềm xác tín này thể hiện thật rõ ràng nơi đời sống mục vụ của chính tác giả. Cuộc đời của tác giả Song Nguyễn là nhân chứng sống động cho niềm tín thác: “Việc Chúa muốn, Chúa sẽ làm”. Ơn Chúa đổ tràn xuống cho những ai cậy trông Người. Tác giả Song Nguyễn cũng ghi dấu ấn trong hình tượng các nhân vật linh mục. Điều này giúp bồi đắp thêm đức tin cho bạn đọc là giáo dân đang bước theo Chúa.(4)

4. Góc nhìn văn chương

Theo dòng chảy của văn chương Việt Nam, tác phẩm của Song Nguyễn đã có những đóng góp giá trị vào văn chương Công giáo đương đại. Đó là việc khắc họa thành công hình tượng tích cực về các linh mục Công giáo trong một giai đoạn lịch sử dân tộc có những biến cố lớn lao. Tác phẩm của Song Nguyễn cũng phản ánh được nhiều mặt đời sống người Công giáo suốt từ 1945 đến thời kỳ đổi mới (1986). Mai sau, các thế hệ con cháu có thể hiểu được một phần cha ông đã sống đạo như thế nào. Tác giả Song Nguyễn cũng để lại những kinh nghiệm viết quý báu cho nhà văn Công giáo. Đó là mục đích viết văn, về sự chọn lựa những câu truyện “nhà đạo” trong hiện thực để miêu tả và phản ánh, và đặc biệt là tư tưởng Nhân văn Công giáo làm nên những giá trị tác phẩm của Song Nguyễn. (5)

Xin Chúa chúc phúc cho những tác phẩm của Song Nguyễn, để qua đó Tin Mừng được thấm nhuần vào văn hóa dân tộc như lời dạy của Giáo hội trong Tông huấn Giáo hội tại Châu Á: “Trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo hội không những truyền đạt các chân lý và những giá trị của mình và đổi mới các nền văn hoá từ bên trong, nhưng Giáo hội cũng tiếp thu từ các nền văn hoá khác nhau, những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hoá đó. Đó là con đường bắt buộc cho những nhà rao giảng Tin Mừng khi trình bày đức tin Kitô giáo và làm cho nó trở nên một thành phần của di sản văn hoá của một dân tộc.”

Tháng 9. 2019
__________________________________

Đọc thêm:

(2) Lại Nguyên Ân-Nguồn sáng lạ: http://lainguyenan.free.fr/DLNX/TuNguon.html


(4) Đọc thêm: Bùi Công Thuấn-Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn. Nxb Hội Nhà Văn 2014.

(5) Đọc thêm: Bùi Công Thuấn-Tư tưởng nhân văn Công giáo trong Đất Mới của Song Nguyễn.