Người xóc giỏ- Tác giả: Vinh Kiu

Văn thơ Công giáo

Thuật ngữ “người xóc giỏ” chắc chỉ có người Công giáo mới hiểu, mà cũng tùy từng địa phương, có nơi gọi là “người xin tiền kiệu”, hay là “xin tiền hoa nến”,… Tóm lại là người cầm một chiếc giỏ đi vòng quanh Nhà thờ ngày lễ Chúa nhật hoặc lễ trọng (thường thì lễ Misa không có) để xin tiền người dự lễ. Đây là truyền thống có từ Do-thái giáo và truyền tới ngày nay, bạn vẫn nhớ chuyện người đàn bà góa bỏ 1/4 xu vào Đền thờ được Chúa khen ngợi chứ? Và tới thời sau Chúa Giê-su thì cũng không buộc phải hiến 10% hoa lợi vào Đền thánh như trước đó nữa. Người dự lễ không bắt buộc phải bỏ giỏ, cũng không ấn định mức bỏ giỏ là 5k, 10k hay 50k, 100k mà tùy tâm. Thông thường tiền này cha xứ giữ 30% để lo việc hoa nến (điện, nước,…) cho Nhà thờ, phần còn lại (70%) gửi về Tòa Giám mục, tuy nhiên tỷ lệ này cũng được Tòa Giám mục điều chỉnh, vì một số xứ nghèo hay vùng sâu, vùng xa thì thậm chí tiền giỏ không đủ cho hoa nến.

Câu chuyện sau đây kể về một người xóc giỏ có thâm niên ^_^



Thúy Hằng có lẽ là người xóc giỏ ít tuổi nhất của cả Giáo hội Công giáo chứ chẳng chơi. Mới 11 tuổi, cô đã được đảm nhiệm “chức trách trọng đại” này sau một đợt làm thay mẹ vì bận sinh em bé, và vì cô bé nhanh nhẹn lại “tính toán như thần” nên được các mẹ, các chị dìu dắt cho làm “cán bộ nguồn” thay mẹ cô luôn.

Kể cũng lạ. Người trong Giáo xứ này đâu có nghèo lắm mà sao tiền giỏ chẳng bao giờ đủ hoa nến cho Nhà thờ, nói chi tiền gửi về cho Giáo phận chứ. Mấy ông cha đến phục vụ cái xứ này toàn phải bỏ tiền bổng lễ ra “bù lỗ” thôi. Ban hành giáo chê trách mấy người xóc giỏ “làm ăn không hiệu quả”, các cha thì không muốn can thiệp vào ba cái chuyện tiền nong, thành ra năm này qua năm khác, người trong xứ thì không có nghèo mà Giáo xứ thì vẫn cứ nghèo.

Nhóm các bà xóc giỏ cay cú lắm! Đã đi ba vòng bảy lối, mệt đứt hơi mà không xin được nhiều tiền cho Xứ, buồn thì đã đành, lại còn bị chê trách này nọ. Có người khẩu nghiệp: “Nhìn mặt chẳng vui vẻ gì thì ai cho tiền”. Sao hả? Chúng tôi xin tiền cho Giáo xứ chứ chúng tôi xin tiền cho chúng tôi chắc? Vui sao nổi, mệt bỏ xừ ra. Xin xong ngồi gom đếm cả buổi với cái mớ tiền lẻ đầy mùi dầu máy lẫn lộn mùi thịt cá, lại có vài đồng thoang thoảng mùi phân gà hay phân trẻ con nữa chứ. Sướng quá đi mất, được “phần thưởng trọng đại ở trên giời” nữa cơ, còn phần thưởng đời này thì như đã nói ở trên đấy, phải vui tươi, phải hớn hở “xin tiền” các bác cơ, mà xin phải canh giờ sau kinh Tin Kính, tránh lúc Truyền phép nữa, rồi cả nhóm phải phân chia khu vực cho đúng, tránh dẫm chân lên nhau, mà mấy ông bà còn nhăn nhó: “Bà kia đã đi qua rồi, xin gì xin lắm”, thì phải thiệt vui là vui, tươi thật là tươi mới được chớ!

Thúy Hằng ngày đầu cũng bỡ ngỡ như thế, nhưng trái ngược với các bà, các chị là cô bé… hết sức kiên nhẫn. Đi tới đi lui ai nói gì cũng mặc. Dù sao cô bé cũng đã dự lễ Thiếu nhi rồi, nên ba lễ còn lại chỉ cần tập trung xin cho nhiều tiền là được. Cô cứ đứng đầu từng hàng ghế chìa giỏ ra trước mặt, miệng cười tươi như…hoa cứt lợn; cho tới lúc cả hàng ghế phải cho tiền hết thì mới chịu đi tiếp. Đã đành “con gà tức nhau tiếng gáy”, cô bé còn “chơi chiêu” đối với hàng ghế nào không chịu bỏ giỏ, bằng cách… lấy tiền lẻ từ túi mình rồi tự cho vào giỏ, để cho các ông, các bà mà nó thừa biết là “khá giả” hay “khá thật” mà ki bo phải xấu hổ mà xì tiền, đến nỗi mọi người phải bảo “con bé này lì quá, cho vài đồng để nó đi cho rảnh”. Xem ra chẳng khác nào câu chuyện trong Kinh thánh kể về vị quan tòa gian ác mà phải xử cho bà góa vì bà ta cứ suốt ngày làm phiền, nhưng cũng gợi ý đến việc cứ liên lỉ cầu nguyện thì Chúa cũng “phải nhậm lời” cho “đỡ mệt”!

Rồi Thúy Hằng còn bô la bô lô với bạn bè là ông này rộng tay, bà kia keo kiệt, chú kia nghèo mà “thoáng”,… với chúng bạn. Chuyện cứ thế đồn đại trong “dân gian” và cả trong “dân thật thà” nữa, thành ra không ai muốn bị bẽ mặt, đi lễ ít hay nhiều cũng dắt túi ít là 5k, nhiều là 50k chứ không thì “chẳng may” gặp con bé “Hằng chuối” kia là coi chừng hôm sau “tiếng lành đồn xa” ngay!

HIỆU QUẢ! HIỆU QUẢ THẤY RÕ!

Kể từ ngày “chị đại “ Thúy Hằng làm người xóc giỏ, tiền kiệu của Giáo xứ tăng lên rõ rệt, thừa tiền hoa nến đã đành, Giáo xứ còn lần đầu tiên có tiền gửi về Tòa Giám mục để lo cho các chủng sinh và mục vụ khác của Giáo phận. Cha xứ không phải đem bổng lễ để “bù lỗ” nữa, ngược lại tiền hoa nến còn dư, ngài lấy làm quà cho các cuộc thi Giáo lý, hay tổ chức các trò chơi có thưởng cho các trẻ nhỏ dịp 1/6, Trung thu hay các lễ Giáng Sinh, Phục Sinh,…

Những câu chuyện về “chị đại” Thúy Hằng có lẽ kể đến sáng mai cũng không hết, nhưng tôi chỉ kể lại vài câu chuyện “không thể tin nổi” ở cái xứ này thôi nhé!

Ví dụ như bà D. là “chuyên gia” trốn bỏ giỏ. Bà chẳng bao giờ đứng vào các hàng ghế mà đứng ở bên ngoài Nhà thờ. Thoáng thấy người xóc giỏ ở hàng trên là bà tụt xuống hàng dưới, xong người xóc giỏ xuống hàng dưới là bà lại “nhanh nhẹn” bước lên hàng trên. Đối với người lớn thì bỏ qua, riêng Thúy Hằng thì không, sau vài tuần xin lễ, cô bé “đọc vị” ra ngay sự keo kiệt của bà D., nên ngay từ đầu lễ đã nhắm cho bằng được vị trí của bà rồi cứ thế dí sát cái giỏ vào trước mặt bà ta, xin bằng được mới thôi. Thật đúng là “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.

Lại có ông N. nữa. Ông này chuyên gia cúi sát tai cô bé bảo: “Để hôm khác, nay bác không có tiền lẻ nhé”. Ban đầu Thúy Hằng cũng tin ông bác “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” này nên “bỏ qua” cho. Nhưng sau vài lần cô bé đã hiểu ông này cũng thiệt là keo kiệt, may mà không phải là chồng bà D., không thì chắc cả nhà bỏ lễ vì sợ mất tiền kiệu quá! Thế là cô bé đi xin tiền hết cả vòng rồi mới nhắm ông N. cuối cùng, dĩ nhiên ông ta vẫn thì thầm “nay bác không có tiền lẻ”, đâu có sao, bé cũng thầm thì lại: “Nay con xin được được hơn 500k rồi, có bao nhiêu con đổi cho bác hết, không phải lo”. Thế là ông già keo kiệt cũng phải moi tiền ra, nhưng thường là tờ 100k đổi lấy 90k tiền lẻ, vì nếu mà lôi tờ 500k ra, chắc phải nhận về nửa giỏ tiền lẻ mất. Quan trọng là “chị đại” cũng tính nhẩm rất nhanh, nên thối lại tiền lẻ cho ông N. cũng chỉ mất vài giây và không bao giờ bị lỗ.

Bạn có tin được không? Giáo xứ đổi thay chỉ nhờ một “chị đại” tuổi 11-12 đấy! Bạn có làm nổi không?

Còn tôi thì chịu đấy!

Năm nay “chị đại” cũng đã bước sang tuổi U40 và đã có thêm một “Tiểu Thúy Hằng” song hành cùng mẹ trên con đường làm người xóc giỏ. Người trong Giáo xứ cũng đã trở nên quảng đại hơn, vì yêu Chúa hay vì “con gà tức nhau tiếng gáy”, không ai dám chắc được, chỉ biết là Cha xứ nói, sắp tới xây lại Nhà thờ, có lẽ sẽ đưa mẹ con nhà Thúy Hằng vào “ban kế hoạch”, chỉ nghe có thế thôi mà cả Xứ đều phải… rùng mình.