(Nhà thơ Bùi Công Thuấn và nhà thơ Lê Đình Bảng)
Những khuôn mặt thơ ca Công giáo đương đại
LÊ ĐÌNH BẢNG - HÀNH HƯƠNG
(Nxb Tôn Giáo. 2011)
Hành Hương có 57 bài thơ và 5 bài thơ phổ nhạc. Nhà thơ Lê Đình Bảng nói về sinh mệnh của tập thơ: “Hành Hương là một trong những tập thơ đã kinh qua nhiều trường đoạn nhất. Nó ra đời ở dạng chép tay (1972-1975). Được đánh máy, chuyền tay trong nội bộ bạn bè, sinh viên học sinh các Đại Chủng viện, dòng tu (1976-1992. In vi tính (có hoạ sĩ vẽ bìa, in thử 1000 tập,1992-1994). Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết Vào Đề và họa sĩ Choé ký hoạ. In chính thức (1994), tái bản (1999) và (2006), ra mắt tại Hoa viên Hiệp Nhất, nhà sách Đức Mẹ, 38 Kỳ Đồng, Q.3 Tp.HCM, với công chúng yêu thơ Công giáo chừng 300 người”[1] .
Không những thế, Lê Đình Bảng còn in cuốn “Hành hương với Hành Hương”[2], ghi lại cảm nhận của rất nhiều “Đấng bậc” có thế giá, ý kiến của các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên tập viên các báo Công giáo, và nhiều bạn bè tác giả đã đọc tập thơ. Tôi ghi nhận được 35 bài viết về tập thơ của: Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, Lm GB Cao Vĩnh Phan, Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Lm Antôn Hà Văn Minh, Lm Vinc Phạm Trung Thành, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ-họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên, nhà văn Trần Thị Trường, nhà thơ Trần Vạn Giã, Nhà thơ-Linh mục Trăng Thập Tự, Nhạc sĩ Phanxicô, Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, Lm-Nhạc sĩ Ân Đức, Lm Giuse Nguyễn Hữu duyên, Lm Vinc Nguyễn Minh Chu, Lm. Rô cô Nguyễn Tự Do, các bạn hữu Nguyễn Văn Dậu, Nguyễn Ngọc Phách, Vũ Lưu Xuân, Bạch Châu, Huỳnh Hay, Dom. Trinh, Nguyễn Đình Đầu, Bùi Ta Ngọc, Phan Nhi, Kim Lệ và Lê Kim, Thế Hùng, Đỗ Lộc Hưng, Kiều Giang, Đào Đăng, Hoàng Minh Thức, P. Phạm Gia Thuận, Lan Giao.
Hành Hương quả là một tập thơ “nặng ký” của một “tác giả có thế giá” trong thế giới nghệ thuật Công giáo. Tất cả những điều hay, những câu thơ bài thơ đẹp, những tư tưởng sâu sắc của thơ Lê Đình Bảng đã được khám phá. Là người đi sau, tôi không biết những điều mình viết có góp thêm được gì cho Hành Hương không?
Có lẽ phải lên đường “hành hương” một chuyến nữa với nhà thơ.
Thơ trong tập Hành Hương hầu hết là thơ tự tình, thơ là tiếng nói trực tiếp của Tôi. Phẩm chất của Cái Tôi trữ tình trong thơ quyết định giá trị thơ.
CÁI TÔI TRỮ TÌNH CÔNG GIÁO
Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện
Hồn reo vui trong từng chữ từng lởi
Trong đất mầu đương vỡ vạc sinh sôi
Trong cây lá vươn sức dài vai rộng
(Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện)
Có thể đó là một “tuyên ngôn thơ” của Lê Đình Bảng, là “ý thức sáng tạo” của một nhà thơ Công giáo:
Cảm ơn Chúa đã cho tôi tắm gội
Lớn dần lên trong hương sắc của người
Ngày lại ngày hoa trái cứ sinh sôi
Mỗi gieo vãi là một lần đẫy hạt
(Giữa bao la đất trời )
Nhưng Cái Tôi trữ tình của một “nhà thơ đạo” khác với Cái Tôi của “nhà thơ đời” thế nào? Chẳng hạn Cái Tôi trong thơ Thiền, trong Thơ Mới (1930-1945), thơ kháng chiến (1945-1975) và thơ đương đại?
Lê Đình bảng có nỗi niềm của nhà thơ thế sự:
Tôi nghe rõ mỗi gập ghềnh trôi nổi
Trĩu trên vai gánh nặng của đời mình
Của phận người của một kiếp phù sinh
Như thiếu phụ nửa khuya chờ trở dạ
(Lời kinh chiều Emmaus)
Thơ Lê Đình Bảng cũng thấp thoáng Cái Tôi của nhà thơ lãng mạn (Thơ Mới 1930-1945):
Tôi nhìn tôi giữa trong xanh
Tôi heo may tựa chỉ mành treo chuông
Xin mời em cứ lên nương
Rừng phong thu ấy vừa hương sắc đầy
(Lời buồn của đất)
Cái Tôi ca dao:
Lạy trời mưa cứ vây quanh
Để em cuống quýt đợi mình ngoài hiên
Tôi chong đèn, thức thâu đêm
Khi đong đưa hát, khi mềm mại ru
(Kinh cầu mùa)
Tôi trong bóng dáng một Thiền sư vân du:
Tôi loài vượn cổ trên non
Lưng vai gió cuốn đầy truông lá ngàn
(Bên kia Biển Hồ)
Và cái “ngông tài tử” từ Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đến Tản Đà, Xuân Diệu và Bùi Giáng:
Neo thuyền đi, người viễn khách yêu ơi
Ta mở miệng và cười vang phố xá
(Đêm rất thánh)
Tôi là một kẻ du ca
Lang thang phố chợ, xa nhà đòi phen
Khi lên, nhạc ngựa vang rền
Trống chầu như thoảng mùi sen đầu hồ
Thì ra đời quá nhung tơ
Áo xiêm còn bận chào đưa khách về…
(Nhã ca)
Điểm một vài nét như thế để thấy sắc thái thẩm mỹ trong Cái Tôi trừ tình của thơ Lê Đình Bảng là rất phong phú và có cội nguồn trong thi ca dân tộc.
Nhưng nếu chỉ như thế thì thơ Lê Đình Bảng không đứng được ở một cõi riêng. Cái Tôi trữ tình của nhà thơ Công giáo Lê Đình Bảng có gì riêng và có gì mới hơn đã có trong thi ca dân tộc?
Lê Đình Bảng khởi đi từ hạt cơm nhà Chúa (thời ở Chủng viện):
Nhiều khi tôi hỏi riêng tôi
Bát cơm nhà Chúa hạt vơi, hạt đầy
Hạt nào tôi giữ trong tay
Của riêng, xin để dành ngày cánh chung
(Tự tình khúc)
Điều này chi phối toàn bộ thế giới tâm hồn nhà thơ. Thế giới ấy đầy ắp những tín lý thần học, luân lý Đức Tin; chi phối thế giới quan, nhân sinh quan nhà thơ. Với người Công giáo, Thiên Chúa là đấng tạo dựng đất trời, tạo dựng nên Tôi. Tôi chỉ là hạt bụi. Tôi được Cứu Độ trong tình yêu thương của Chúa. Hạnh phúc hay đau khổ cũng như sinh mệnh của tôi là thuộc về Chúa. Tôi chỉ biết cám ơn Người và ăn năn sám hối. Tôi hằng mong được an nghỉ trong Người.
Cám ơn Ngài đã cho tôi sự sống
Từ cõi hư không, nên vóc nên hình
(Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện)
Mỗi phút hân hoan, từng giây thảng thốt
Đây kho tàng ân sủng Chúa ban cho
Từ thở hồng hoang, trái đất nguyên sơ
Tôi trú ngụ trong tay Ngài êm ái
(Lời dâng)
Lạy Chúa Trời từ muôn thuở xa xưa
Ngài dẫn đưa tôi đi qua Biển Đỏ
(Xuất hành)
Mỗi con chữ, mỗi lời kinh bịn rịn
Của kẻ ăn xin hát xẩm đầu đường
Tôi như vậy, mà sao Chúa vẫn thương
Ơi giọt nước ở đầu ngành dương liễu
(Sao Chúa vẫn yêu tôi)
Lạy Chúa trời, tôi rõ phận đời tôi
Mỗi thương khó, mỗi mừng vui, tàn héo
(Một chút tình cỏ hoa)
Có đôi lúc, vì cơn đau, nỗi chết
Tôi như người đãng trí, rất ngây ngô
Muốn liều thân làm kẻ đốt đền thờ
Vừa khao khát đức tin, vừa thèm thuồng cơm bánh
(Lời kinh chiều Phục sinh)
Sao đời tôi lắm gian nan
Mải mê trăm mối, đa mang bời bời
Tạ ơn Người, vẫn yêu tôi
Áo cơm từng ba, một đời nặng vai
(Ơi người cố quận Sion)
Từ vực thẳm, tôi trông lên, lạy Chúa
Mảnh trời nghiêng, sao rét mướt linh hồn
Suốt dặm dài xa tít tắp Sion
Chong mắt đợi, đêm muộn màng, góa bụa
(Lời kinh chiều Emmaus)
Cứ để tôi là hạt bụi, tấm cám
Hạt lúa mì rơi vãi giữa đồng không..
…Biết đến bao giờ tôi được kéo lên
Khỏi kiếp bùn nhơ như người trộm ấy.
(Khổ hạnh ca)
…Nhỡ mai một khi lỡ lầm va vấp
Hỏi Chúa còn dung tha đỡ vực tôi không?
Đã bao lần tôi chết đuối trên sông
Mơ chiếc bè lau, ngọn lửa chài hiu hắt
(Lời trần tình trước hừng đông)
Lạy Chúa Trời, đến bao giờ đá nát vàng tan
Cho tôi sự nhớ ra mình-con-chim-lìa-tổ
Hãy cột dây và điệu tôi đi vòng quanh phố chợ
Gặp từng người, xin đấm ngực ăn năn
(Hãy xé lòng, đừng xé áo)
Tôi quỳ lạy Chúa trên cao
Dẫn dìu tôi kẻo sa vào tối tăm
Thế mà tôi tưởng xa xăm
Hóa ra Người ở âm thầm trong tôi
(Chúa ở trong tôi)
NHỮNG CHIỀU KÍCH CỦA HỒN THƠ
Nếu chỉ nhìn Cái Tôi nhà thơ Công giáo qua lăng kính Thần học và tín lý Công giáo thì không thấy được phẩm chất thi sĩ và cá tính sáng tạo rất riêng của Lê Đình Bảng. Hồn thơ của ông còn có những chiều kích khác.
Ngoài chiều kích tâm linh đã phân tích ở trên, Nhân vật Tôi còn hiện diện trong trường thời gian lịch sử và hoạt động trong không gian Kinh Thánh, Tôi vượt qua thời gian và không gian hiện hữu. Những chiều kích này khác với thơ truyền thống. Nhân vật Tôi vừa hướng nội, lại vừa hướng về tha nhân để đối thoại, chia sẻ.
Nhà thơ hóa thân thành một người đang sống vào thời cách đây hơn 2000 năm, đi tìm Đức Giêsu, ngồi đợi Ngài, và đã gặp Ngài. Con người thơ ấy không phải là người trong đám đông đi theo Chúa để nghe giảng hay cầu chữa bịnh, cũng không phải môn đồ kề cận Chúa để được huấn luyện trở nên thánh, mà là một người rất đời, rất thân tình với Chúa.
Lê Đình Bảng đã tạo dựng được không gian lịch sử, không gian Kinh Thánh, với những con người, những sự kiện như đang xảy ra trong hiện tại, có những liên hệ mật thiết với hiện tại. Nhà thơ đắm mình trong thế giới ấy để chia sẻ với mọi người.
Hình ảnh Đức Giêsu thật trẻ trung và mới lạ, lại rất đỗi gần gũi, quen thuộc. Lê Đình Bảng có khả năng tái hiện những trình thuật của Kinh thánh về Đức Giêsu bằng cảm quan riêng, kết hợp với không gian thơ Việt, tạo nên sự ngạc nhiên thú vị. Đặc biệt thú vị ở sự sáng tạo những tứ thơ mới so với những gì được miêu tả trong Kinh Thánh.
Hay tin Ngài ở Canaan
Ngựa tôi đi một ngày đàng, còn xa
Tới nơi vừa lúc trăng tà
Mới hay, thuyền mới vừa qua Biển hồ
(Bên kia Biển Hồ)
Nếu có một ngày
Tình cờ, em gặp chàng thanh niên tóc bay tiền sử
Áo vải, chân không giữa đám trẻ thơ
Hay một hừng đông Biển hồ
Ngồi trên mạn thuyền, giữa nơi nhà hội
Mùa sương sa, em về may áo mới
Gọi mưa trên bờ cuội trắng như tơ
Gió sa mạc cơ hồ
Đang thổi mấy chiều hơi nước
Tôi đợi Người
Miệng lưỡi khát khô
(Người hát rong trên đồng cỏ)
Ở bên kia sông, chiều nay giữa phường mua bán
Tôi đã gặp Người giữa tuổi ba mươi
(Trên sông Jordan)
Tôi đã gặp Người ở xóm nghèo Nazareth
Chắt chiu từng mảnh đời vừa tuổi lớn khôn
Rồi một hôm đi lễ về, cha mẹ lạc con
Giục giã về đâu? Jordan ơi, sông chảy ngược dòng
Bồ câu nghiêng xuống trên đầu người trai trẻ
Những xóm chài mấp mé sườn non.
(Những chứng từ có thật)
Một đoạn thơ ngắn nhưng có thể thuật lại sống động và mới mẻ đoạn Kinh thánh từ lúc Đức Giêsu ở Nazareth, Chúa lên đền thờ bị lạc cha mẹ, đến khi Chúa chịu Phép Rửa trên sông Jordan.
”Jordan ơi, sông chảy ngược dòng” là một tứ thơ rất thú vị, là một lời gọi thân thương dòng sông nơi Đức Giêsu chịu Phép Rửa của Gioan. Điều lạ lùng mà Kinh Thánh không miêu tả là sông Jordan chảy ngược dòng. Thực ra đó là một ẩn dụ. “Bấy giờ Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Jordan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng Gioan một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm Phép Rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”(Mt 3,13-17). Lẽ ra Gioan phải được Chúa làm pháp rửa cho, nhưng lại làm ngược lại, như sông Jordan chảy ngược dòng.
Tứ thơ: ”Bồ câu nghiêng xuống trên đầu người trai trẻ” thuật lại đoạn Kinh Thánh: “Khi Đức Giêsu vừa chịu phép rửa xong, Người lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra; Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,13-17 đd). Nếu chỉ có vậy thì không lạ. Câu thơ kết đọan đem chất phương Đông vào bối cảnh Kinh Thánh tạo mên một tứ mới lạ:
“Bồ câu nghiêng xuống trên đầu người trai trẻ
Những xóm chài mấp mé sườn non”.
Xưa nay trong thi ca, những xóm chài thường ở ven sông. Xóm chài của Lê Đình Bảng lại “mấp mé sườn non” tức là nằm chênh vênh trên sườn núi. Đức Giêsu bây giờ là một người trai trẻ của xóm chài trên sườn núi. Người là hiện thân của niềm vui và sự bình an bên chim bồ câu hiền lành. Sáng tạo này làm mới hẳn hình ảnh Đức Giêsu trong Kinh Thánh.
Hành Hương có nhiều sáng tạo như thế. Hành Hương là đi tìm và gặp gỡ Đức Giêsu, Đức Vua của yêu thương và hòa bình; đồng thời gặp gỡ mọi người ở những nơi đau khổ vì chiến tranh vì tội lỗi, để chia sẻ niềm vui mà nhà thơ tìm được nơi Đấng Cứu Độ.
Nhà thơ đối thoại với người phụ nữ Samari bên giếng Giacop (Ga 4, 5-42), và người đàn bà tội lỗi lấy dầu thơm xức chân Chúa, dùng tóc mình lau chân Chúa (Luc 7, 36-50). Cả hai đều đã được thấy Ơn Cứu Độ.
Ngày mai, em có lên đền thánh
Nghe những tường nghiêng vai núi cao
Lệ đã xanh rêu bờ giếng cũ
Ơi, người thiếu phụ có xôn xao
…
Dầu thơm, hay tóc em thơm nhỉ
Khi trái tim muốn nói, thật gần
Trong cõi vô ngôn thần khí ấy
Lệ rưng rưng là lệ ăn năn
(Bên bờ giếng cũ)
Nhà thơ nói chuyện với người thiếu phụ Nivinê thời tiên tri Giona rao giảng (khoảng 8 thế kỷ trước Công nguyên), nhưng cùng lúc chia sẻ những đau thương của người dân Vùng Vịnh hôm nay.
Sao em không về
Vùng Vịnh tháng giêng bão táp
Vùng Vịnh quặn đau theo từng hồi còi báo động
Lưới lửa đầy trời, choàng tỉnh cơn mê?
Tôi hằng đợi em người thiếu phụ Nivin ê
Quê em đó cổ thành Babilon
…
Sao em không về
Ngôi nhà xưa ngó ra biển cả
Chập chờn đầy lũ ma trơi
Trôi giạt xác người!
Bốn phía rừng dương tơi tả
Đâu những mẹ già, vợ góa, con côi?
Và trẻ thơ chưa kịp làm người
Gục chết trong hầm trú ẩn…
…
Tôi vẫn đợi em về
Dù cổng thành Nivinê không mở
(Tháng Giêng ở Vùng Vịnh)
Nivinê là một thành lớn, nghe lời Giona rao giảng đã sám hối và được Chúa thứ tha.
Tất nhiên vùng Vịnh hôm nay không phải là Nivinê ngày xưa nên em không về. Nhưng nhà thơ vẫn đợi em về “Dù cổng thành Nivinê không mở”.
Chúa vẫn đứng 2000 năm ngoài cửa
Từ Giêrusalem, từ mỏm đất Gaza
Có một người bị bắn chết hôm qua
Chỉ vì dám ngồi chung bàn với người anh em ngoại đạo…
(Lời trần tình trước hừng đông)
Nhà thơ đợi chờ người trai trẻ của xóm chài trên sườn núi với những cánh Bồ câu nghiêng xuống trên quê hương mình:
Em có thấy lũ trẻ thơ ùn ùn trên đường sơ tán
Những mẹ già góa bụa long hong
Từ căn nhà tối om, từ phiên chợ nhếch nhác, bão giông
Tóc bạc trắng bông lau, đêm đêm chong đèn đợi cửa
…
Quê hương ta
Cũng một thời, mài mực ru con, mài son đánh giặc
Kẻ xuôi về phương Nam, người lên non Tây Bắc
Mẹ dỗ dành con, cơm cháo qua ngày
(Mặt trời ở phương Đông)
Nhà thơ nói chuyện với em gái Belem và bộc lộ tình yêu quê hương một thời lửa đạn.
Ở bên ấy pháo hoa hay đạn lửa
Và giờ này im tiếng súng chưa em
Con đường nào, về hang đá Be Lem
Hai phòng tuyến, hai làn ranh đối đầu thù hận …
…Quê hương ta cũng một thời đạn bom rực lửa
Có thương đau, gian khổ mới thành người
Các em về, thả nghé, hát rong chơi
Ngửa mặt, đếm đầy trời sao chi chít
(Bài du ca của gã Tuần phiên)
Từ Hebron đến bờ Tây cát bụi
Hắt hiu trông, mồ mả lấp ơ hờ
Những mẹ già rét mướt áo tơi mưa
Xác trẻ cháy đen bên đống đồ chơi vương vãi
Ở Gaza, những chiều đông xa ngái
Em heo may sang xứ lạ quê chồng…
(Gửi người thiếu phụ chăn chiên)
Như vậy, chiều kích\ của hồn thơ Lê Đình Bảng không chỉ là không gian Kinh Thánh mà còn là hiện thực chiến tranh Vùng Vịnh, hiện thực của Việt Nam một thời rực lửa.
Trong chiều kích này hồn thơ Lê Đình Bảng sâu sắc tư tưởng nhân ái và tình yêu quê hương sâu nặng.
Như cây đước ở trong rừng ngập mặn
Tôi mang ơn đất nước dưới chân mình
Cả đại ngàn sơn dã những mùa xanh
Cả mưa móc dạt dào muôn suối tưới
(Giữa bao la đất trời)
Cái Tôi của nhà thơ đi về trong một thế giới vượt thời gian, vượt không gian, từ lòng tin vào Ơn Cứu Độ trong Kinh Thánh (thời Giona khoảng 800 năm trước Công nguyên) đến thế giới hiện thực của Vùng Vịnh và hiện thực Việt Nam hôm nay “Các em về, thả nghé, hát rong chơi/ Ngửa mặt, đếm đầy trời sao chi chít”. Thế giới nghệ thuật này trong thi ca Việt Nam đương đại chưa có.
THI PHÁP CỦA HÀNH HƯƠNG
Điều làm nên cốt cách thơ Lê Đình Bảng không chỉ ở chiều kích tư tưởng và thẩm mỹ của nhân vật trữ tình Tôi, mà còn ở thi pháp của Hành Hương.
Tôi không có ý định viết về Thi Pháp thơ Lê Đình Bảng, mà chỉ tập chú vào một vài yếu tố Thi pháp làm nên đặc sắc của tập thơ Hành Hương.
Đọc Hành Hương, người đọc được đưa vào thế giới của Kinh Thánh cả Cựu Ước và Tân Ước. Điều này là hiệu quả nghệ thuật của việc dùng các điển ngữ Kinh Thánh. Văn học Trung đại Việt Nam dùng nhiều điển ngữ của lịch sử và văn học Trung Quốc. Lê Đình Bảng góp vào thi ca dân tộc những hiệu quả nghệ thuật của điển ngữ Kinh Thánh.
Điển ngữ Kinh Thánh gợi ra không gian lịch sử, sự việc, con người được nói đến trong Kinh Thánh, đồng thời thể hiện được tư tưởng, tình cảm của nhà thơ ẩn trong điển ngữ. Điển ngữ làm cho câu thơ trở nên sâu sắc, sang trọng, nhưng cũng cản trở người đọc nếu không có tri thức lịch sử, địa lý mà điển ngữ nói đến.
Lê Đình Bảng dùng điển ngữ Kinh Thánh khởi từ nỗi buồn của Cain thời Cựu Ước đến cuộc đời Đức Giêsu từ khi ở Nazareth đến khi Chúa sống lại hiện ra với tông đồ trên đường Emmaus trong Tân Ước. Thi thoảng Lê Đình Bảng kết hợp điển ngữ Kinh Thánh với điển ngữ trong văn học Trung Quốc (sông Dịch, nơi Kinh Kha qua sông đi hành thích Tần Thủy Hoàng; bến Tầm Dương trong Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị…), và ngôn ngữ Thiền.
Cain sầu năm xưa
Đưa nhau lên đền thờ
(Bồng bềnh bao nỗi nhớ)
Tôi ngồi tôi nhớ Sion
Treo đàn lên, ngó Tầm Dương bạt ngàn
(Ơi người cố quận Sion)
Về phương ấy khấn xin đời dâu bể
Là Canaan hay bằn bặt Tầm Dương
(Hành hương)
Cây hương bá buồn ủ ê từng phút
Là hồn tôi đầy bóng tối âm u
(Xin trời mưa xuống)
Xin mặt trời dừng lại bên sông
Hãy mở toang, ngôi đền cổ Pharaon
Một nửa cầu vồng vắt ngang Biển Đỏ
(Người hát rong trên đồng cỏ)
Hay tin Ngài ở Canaan
Ngựa tôi đi một ngày đàng, còn xa
(Bên kia Biển Hồ)
Từ vườn cây dầu lên đỉnh Căn –Vê
Babylon ơi, mưa đá dầm dề
Khổ ải, lạc loài, áo tơi, nón lá
(Khổ hạnh ca)
Jordan ơi, đã tới mùa bát ngát hương sen
Khi chim ngói từng bầy rủ nhau về làm tổ
(Trên sông Jordan)
Đêm vẫn ba mươi, đầy bóng tối
Rừng phong buồn trút lá xôn xao
Vườn Cây Dầu lặng câm như đá
Trăng hạ tuần rơi trên lũng sâu
(Vườn trong khuya)
Ngày mai, trâm gãy, bình rơi đó
Em cũng như tôi giây phút đầu
Tan tác buồn trông theo lớp lớp
Ai về sông Dịch, về Emmaus?
(Bên bờ giếng cũ)
Là khi ấy, lửa từ trời sa xuống
Xác hồn tôi cửa mở hết luân xa
Như nhập đồng, tôi nhảy múa reo ca
Đêm nhã nhạc, cây từ bi nảy lộc
(Xin trời mưa xuống)
(“Luân xa, từ bi” là ngôn từ nhà Phật)
Một thành công khác của thi pháp Lê Đình Bảng trong Hành Hương là cách dựng lại cuộc đời Đức Giêsu trong không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật với nhãn quan thẩm mỹ riêng của nhà thơ. Những gì tường thuật trong Kinh Thánh về những nơi Đức Giêsu đến, những người Đức Giêsu gặp gỡ, những sự kiện của hành trình Đức Giêsu cứu rỗi nhân loại, được Lê Đình Bảng tái tạo thành một “trần thuật mới” rất riêng, như đọan thơ miểu tả Đức Giêsu là chàng thanh niên tóc bay tiền sử, ba mươi tuổi, con người hiền lành của xóm chài mấp mé sườn non, Người ngồi trên mạn thuyền, giữa nơi nhà hội…(đã phân tích ở trên).
Đây là những khổ thơ rất đẹp hình ảnh và tư tưởng, phối hợp nhiều kiểu điển ngữ và chất liệu thơ của Thi pháp thơ Lê Đình Bảng:
Và khi ấy hỡi bồ câu thiên sứ
Gõ nhịp mà ca, trẩy hội cầu mưa
Hạt xuống đồng, xanh mướt búp măng tơ
Hạt lên dốc, đẫy đà cây muôn trượng
(Xin trời mưa sương xuống)
Cây Thánh giá nở hoa đào rực rỡ
Hãy thả bồ câu bay rợp đền vàng
Hương sáp, mật ong, quần điều áo lục
Bên đây bờ Tân ước…
(Người hát rong trên đồng cỏ)
HÀNH TRÌNH THƠ LÊ ĐÌNH BẢNG
Tập thơ Quỳ trước đền vàng là hành trình khám phá về Đức Maria trong lịch sử giáo hội Việt Nam. Mẹ là núi đá chở che con dân, một người Mẹ vừa mang nét đẹp Thần học và vẻ đẹp dân dã Việt. Lời thơ đẹp như châu ngọc, và hồn thơ trong veo như suối nguồn tinh khiết của Mỹ học Thiên Chúa giáo kết hợp với Mỹ học trong thơ ca truyền thống.
Hành Hương là một bước phát triển mới của Thi pháp thơ Lê Đình Bảng. Nhà thơ tạo hẳn ra thế giới nghệ thuật trong việc phối hợp điển ngữ Công giáo với điển ngữ văn học trung đại Việt Nam. Hành Hương là đi tìm, gặp gỡ, khám phá Đức Giêsu, nguồn ơn bình an và Ơn Cứu Độ. Hành trình này khở đi từ nguyên thủy đến khi tìm thấy “Người ở âm thầm trong tôi”. Hình tượng Đức Giêsu là hình tượng thật mới mẻ trong thơ ca “nhà đạo” Việt Nam. Những đóng góp này của Thơ Lê Đình Bảng có khả năng mở đường cho nhiều nhà thơ Công giáo đi sau, nhưng cũng thật khó, nếu người làm thơ Công giáo thế hệ sau không có một hồn thơ tài hoa trong thi pháp và một tầng quặng vỉa rất dày về Kinh Thánh. Có lần tôi hỏi nhà thơ Lê Đình Bảng rằng ở đâu mà anh có vốn từ giàu có, sang trọng như vậy? Nhà thơ trả lời, anh đã đọc rất kỹ tất cả Kinh Thánh Cựu ước và Tân Ước. Tôi cũng hiểu thêm rằng, những gì anh có được còn là sự thâm nhập và sống rất sâu nặng với văn hóa Việt, và thơ ca truyền thống.
Lê Đình Bảng là một nhà thơ Công giáo đĩnh đạc, giàu có sức sáng tạo, và rất tài hoa. Ước mong các nhà thơ Công giáo, theo con đường của tiền nhân, cùng xây dựng một tòa lâu đài thi ca tráng lệ trong lòng thi ca dân tộc (điều này Thánh ca Việt Nam đã làm được). Và Lê Đình Bảng đã góp phần mở ra nhiều con đường thơ Công giáo thật đẹp.
Tháng 6/ 2020
__________________________________
[1] Thư trao đổi ngày 29/5/2020
[2] Hành hương với Hành Hương. Nxb Tôn Giáo. 2013