(Ảnh: Sưu tầm)
Truyện số 10:
Tôi lớn lên ở giữa Xứ Đạo nên mỗi dịp Giáng Sinh về là “ngập chìm trong không khí lễ hội”. Có lẽ Tết cũng khó mà sánh bằng, bởi vì Tết dù được mừng tuổi nhưng mẹ đều thu hết, còn Giáng Sinh thì được dán đèn ông sao này, được xem diễn nguyện, múa hát này, và đặc biệt nhất là được tặng bao nhiêu quà mà không bị thu lại, hơn thế còn là những món quà mong muốn nhất mà tôi đã gởi trong thư tới Ông Già Noel. Lúc ấy, thực tình tôi không quan tâm đến Hang Đá lắm, vì thông thường khi lễ thì quá đông không vào xem được mà ngoài giờ lễ thì khuôn viên Nhà thờ đóng kín, trẻ con không được vào vì sợ đến phá. Rồi khi bắt đầu học giáo lý, tầm chín hay mười tuổi gì đó, tôi cũng tò mò đến xem nhưng cảm thấy không mấy thú vị vì cũng giống như Hang Đá bố mẹ tôi dựng ở nhà, chỉ khác là to hơn thôi.
Chừng mười năm sau, tôi ra Hà Nội trọ học Đại học. Lúc này tôi bắt đầu cảm thấy nhớ nhà và đến Giáng Sinh thì tôi không nhịn được, nhất định phải nhót về, dù sắp bắt đầu kỳ thi học kỳ một và bố tôi đã đe trước: “Đường xa, trời lạnh, tốn tiền tàu xe. Mày mà về bố sẽ…chặt chân”, nhưng đâu có sao vì mẹ đã “mật báo” cho tôi, rằng bố đi công tác một tuần vào dịp này. Tuy thế, tôi vẫn cảm thấy bất an, phần vì sợ về chơi, nhỡ như khi ra lại Hà Nội mà thi hỏng thì bố tôi “bẻ giò”, còn ông mà đi công tác về giữa chừng thì cũng bị “chặt chân”. Kỳ Giáng Sinh ấy tôi chẳng được bình an, cứ ra ra vào vào, đứng ngồi không yên, mẹ tôi phải trấn an: “Bố bảo cuối tuần bố mới về, mà có mẹ bảo kê cho rồi, bố mày đầu đội trời chân đạp đất, trên chỉ sợ Chúa, dưới chỉ sợ Mẹ mà thôi, khà khà, cứ thoải mái đi, về Lễ, Chúa Hài Đồng sẽ ban ơn cho, đừng lo gì cả”. Tôi vẫn run run: “Chúa ở khắp mọi nơi, Hà Nội cũng có lễ mà nghe nói lễ còn to hơn”. Mẹ tôi bông đùa: “Chúa Hà Nội sao bằng Chúa Hà Tĩnh được” khiến tôi đang lo lắng cũng phải bật cười.
Ừ nhỉ. “Chúa Hà Nội” và “Chúa Hà Tĩnh”? Sao cứ phải so sánh thế nhỉ. Lại còn “Chúa Cứu Thế”, “Chúa Hài Đồng”, “Vua Giêsu”,… và bao danh xưng khác nữa, nhưng cũng chỉ một Chúa mà thôi, sao phải phân biệt chứ?
Nghĩ thế, tôi phải khám phá mới được. Tôi đến bên Hang Đá mà mọi năm đều “không cảm xúc” vì nghĩ “năm nào cũng thế”, vẫn là những bức tượng ấy, vẫn Chúa Hài Đồng nằm trên máng cỏ, Mẹ Người ngồi kế bên, Thánh Giuse đứng cạnh, xung quanh là chiên bò,… chẳng có gì khác biệt. Nhưng có lẽ vì tôi đã ở tuổi bắt đầu trưởng thành, những va vấp khi ra chốn thị thành, những nỗi khó nhọc khi phải gặm các môn khoai chuối của trường Bách Khoa và những đồng tiền nhỏ nhoi bố mẹ gởi ra phải tằn tiện chi tiêu cho đủ nhưng cuối tháng vẫn phải gặm mỳ tôm chỉ vì giữa tháng có mấy đứa bạn đến chơi phải thiết đãi nó và “sức ép” giành học bổng để phụ giúp chi tiêu hàng ngày đã làm tôi chẳng có chút bình an như lúc “còn trong cánh mẹ”, nay bất ngờ tìm thấy sự an yên trong bức tượng Hài Nhi nhỏ bé với đôi mắt dịu hiền và hai cánh tay giơ ra như ôm cả thiên hạ vào lòng.
Ồ, “Vua Giêsu”, “Đấng Cứu Thế” mà sinh ra trong Hang Đá lạnh lẽo quanh mấy con bò lừa vậy ư, sao Ngài vẫn tươi cười, giang đôi tay nhỏ xíu ra như sẵn sàng ôm ấp che chở cho chàng thanh niên đã mười tám tuổi này rồi? Trông Ngài quả là bình an, có lẽ vì tránh xa được cái Thủ đô Giê-ru-sa-lem ồn ào náo nhiệt ấy. Và quanh Ngài chẳng phải là bố mẹ Ngài đó sao? Thánh Gia! Đúng thế, Ngài bình an, hạnh phúc vì Ngài đang ở bên gia đình. Tôi cũng thế, về với gia đình không chỉ là về với ngày hội, những món quà hay vơi đi nỗi nhớ, mà đơn giản là tìm sự Bình An.
Và tôi đã có một hành động kỳ quặc, là sau Lễ Nửa Đêm về, tôi nhấc tượng Chúa Hài Đồng ra khỏi Hang Đá nhà mình, đặt Ngài lên đầu giường với hy vọng Ngài sẽ ban cho giấc ngủ ngon. Rồi chẳng biết có phải vì mấy hôm thao thức sợ bố về đột xuất hay sợ thi trượt mà đêm Giáng Sinh tôi ngủ rất ngon, còn mơ thấy Tiếng hát Thiên Thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm…” hòa cùng lời giảng của Cha Xứ trong thánh lễ vừa rồi: “Chúa Giê-su là Hoàng Tử Bình An, là món quà Chúa Cha tặng ban cho nhân loại.”
Sáng hôm sau, tôi thức giấc bởi tiếng hát véo von “Cao cung lên…” từ Nhà thờ, báo hiệu sắp tới Lễ Giáng Sinh rạng ngày 25-12, tôi vội vã bật dậy, tay quờ phải tượng Chúa Hài Đồng ở đầu giường làm rơi tượng xuống chiếu. May. Nếu rơi khỏi giường thì vỡ tan rồi. Tôi giật thót mình. Lại mất bình an rồi! Nhưng rồi tôi vỡ òa vui sướng vì bức tượng lăn trượt một chút rồi dừng lại ở một đôi tất mới. Là quà tặng của Ông Già Noel! Tôi bật cười bởi đã nhiều năm chẳng được tặng quà nữa vì tôi đã lớn, đã biết hiện thân của “Ông già Noel” chính là thánh Giám mục Nicolas, nhưng nay tuổi mười tám lại có quà mới “ghê” chứ. Tôi vội thò tay vào đôi tất, nhưng bên trong chỉ vọn vẹn một mảnh giấy nhỏ…
“Bố biết, với cái tính của mày thì kiểu gì cũng trốn về nhà dịp này, thay vì chặt chân mày, thì bố tặng đôi tất này và đôi giày thể thao để ở chân bàn làm việc của bố. Hà Nội lạnh lắm, hãy giữ ấm nhé, chúc con luôn bình an và vững bước mỗi ngày như Chúa Hài Đồng năm xưa”.