(Ảnh: Sưu tầm)
- Cô lạ thật đấy! Dỗ con, cho nó uống thuốc, đắp khăn chườm hạ sốt thì không làm, lại ngồi đó mà cầu nguyện với “người đàn bà ấy”.
- Không cần anh phải nhắc. Tôi đã chườm, con đã hạ sốt và ngủ rồi, thuốc thì phải uống đúng giờ chứ đâu dùng lung tung được. Nhưng xin nhắc lại lần nữa, anh tuyệt đối không được gọi “người đàn bà ấy”. Anh biết đó là mẹ Chúa Giê-su cơ mà? Đó là Đức Tin của tôi, không gì thay đổi được…
- Thế cô không nhớ, Lu-ca 11, 27-28 à? Khi người đàn bà trong đám đông lên tiếng: “Phước cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”. Chúa Giê-su đã đáp lại: “Những người nghe theo lời Đức Chúa Trời và vâng giữ còn có phước hơn”. Vậy mà Công Giáo nhà cô cứ đưa con người lên để thờ. Còn nữa, theo Ma-thi-ơ 4, 1-11: “Hãy thờ lạy Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi” (*).
- Tôi không biết Tin Lành của anh dạy những gì. Nhưng nếu không có Mẹ Maria đã gìn giữ, thì không có tôi ngày hôm nay để sinh con cho anh.
- Thấy chưa, Công Giáo nhà cô đúng là mắc cái bệnh tôn thờ con người, không nói chuyện được, tôi lên Nhà thờ cầu trực tiếp với Đấng Christ, không dở hơi đi cầu xin con người như cô…
- Vầng, anh đi đi cho tôi nhờ...
- Cô…
Hiền “nổ đom đóm mắt” nhìn Thiện vùng vằng bước ra cửa. Cô bực dọc vơ lấy cái gối ném theo chồng “có giỏi thì anh đi luôn đi”. Nhưng khi Thiện đi rồi, Hiền thấy bâng khuâng, phải chi năm xưa cô nghe lời cha mẹ thì đâu đến nông nỗi này…
***
Hiền sinh ra trong một xóm đạo Công Giáo nghèo. Như người ta vẫn thường đùa “chẳng có cô nào tên Hiền mà hiền cả”, Hiền mang cá tính mạnh, khó có thể tìm thấy nét nào tương đồng với thánh Quan Thầy của cô. Không muốn cả đời phải chôn chân nơi làng quê “đơn sơ như Nazareth” sống một cuộc đời tẻ nhạt, năm mười tám tuổi, Hiền xin ba mẹ ít vốn lên Thành phố lập nghiệp, cái gọi là “lập nghiệp” thực ra là cầu may “việc nhẹ, lương cao, được trọng vọng” như cô vẫn thấy trong phim Hàn. Nhưng “cuộc sống đâu có như cuộc đời”, nó xấu xí, trần trụi chứ đâu đẹp mộng như cô ảo tưởng. Cô thử sức vào “sâu-bít” bởi tự tin vào chiều cao của mình, song so với người mẫu chuyên nghiệp thì cô cũng chưa được xếp vào hạng “chân dài”, diễn viên thì không có nghề, hát thì không được đào tạo, cũng chẳng có người bầu bán, lăng xê. Cô còn bị gạ gẫm bán mình đổi lấy công việc và danh tiếng. Tuy nói là sẵn sàng làm tất cả để đổi đời, nhưng Hiền không bao giờ đánh đổi bất cứ thứ gì phạm Điều răn Sáu, với cô đó là nguyên tắc bất di bất dịch, dường như do Đức Mẹ gìn giữ vậy. Cô chỉ còn cách cuối cùng, xin làm công nhân, với hy vọng vớ được Đại gia. Nhưng cuộc sống của nữ công nhân nơi xóm trọ còn vất vả, nghèo khó hơn cả quê nhà. Có Đại gia nào mà nhìn ngó đến mấy cô công nhân đầu tắt mặt tối, làm tăng ca còn chưa đủ tiền ăn và sinh hoạt phí, nói chi đến chỉnh trang sắc đẹp? Xung quanh cô có những người bán mình vì tiền, rồi phải đi “giải quyết hậu quả” làm cô sởn gai ốc. Cô cũng chẳng mặt mũi nào về quê. Ba mẹ cô đâu phải là Người Cha Nhân Từ trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” chứ! Còn hàng xóm láng giềng nữa…
Cho đến một hôm, Hiền tăng ca mệt mỏi, loạng choạng va phải xe Thiện, cũng không muốn “ăn vạ” vì cô đi sai đường, nhưng cái anh chàng Thiện này cứ vồn vã hỏi tên tuổi quê quán đủ thứ, còn bảo “đền bù” cho Hiền một công việc phù hợp hơn. Hôm sau, cô tìm đến mới biết Thiện theo Tin Lành, khó tin hơn, anh còn tỏ vẻ vui mừng khi biết cô là người Công Giáo. Anh nói: “Đã cùng tin một Chúa, vậy là đã hiệp nhất với nhau rồi” và “đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời”. Thiện nhận cô phụ giúp nấu ăn trong xưởng mộc nhỏ của anh và giới thiệu cô học thêm lớp kế toán do người trong Hội thánh Tin Lành dạy miễn phí. Hiền quá đỗi vui mừng vì thoát được cảnh sống bấp bênh, còn rời xa được cái xóm trọ đáng sợ.
Quen nhau đã lâu, lại còn là “Sếp”, nhưng không một lần Thiện bảo Hiền bỏ Công Giáo theo Tin Lành. Với Thiện, Tin Lành và Công Giáo “cùng Đức Tin, cùng Phép Rửa, cùng một Chúa là Cha”, đơn giản là hai con đường khác nhau đến với Chúa mà thôi, vậy nên xúi ai đó bỏ Tin Lành theo Công Giáo hay bỏ Công Giáo theo Tin Lành đều sai trái bởi “chẳng có lợi ích gì cho Chúa”, số Con Chiên chẳng hề tăng, trong khi lại gây chia rẽ, bất hòa giữa những người anh em. Nhiều người Tin Lành quanh anh cũng có suy nghĩ tương đồng, họ vui mừng khi số người theo Tin Lành những năm qua gia tăng mạnh, coi đó là “mùa gặt đến”, song sẽ “không gặt trên cánh đồng của người anh em” vì cũng thu về một kho của Cha trên Trời mà thôi. Hiền cũng nhận thấy có nhiều điểm khác biệt nhưng đáng yêu nơi Nhà thờ Tin Lành, chẳng hạn dù khuôn viên nhỏ hẹp vẫn dành ra một căn phòng đầy đồ chơi, có gắn Ti-vi, gọi là phòng “Mẹ và Bé” để các bà mẹ có thể trông coi con nhỏ khi dự Lễ Thờ Phượng ngày Chúa Nhật, hay có phòng lễ tân chuyên đón nhận những người đến với Hội thánh Tin Lành lần đầu, phát Kinh Thánh miễn phí và giải đáp thắc mắc cho mọi người…
Năm tháng trôi qua, tình cảm Hiền dành cho Thiện càng sâu đậm. Thiện cũng đợi đến “thời điểm chín muồi” để nói lời yêu. Song ba mẹ Hiền kiên quyết phản đối cuộc tình này. Ông bà phân tích những khó khăn của đời sống “hôn nhân khác đạo” ngăn cản Hiền đến với Thiện dù cô đã gắng sức đưa ra những thiện chí của anh để thuyết phục, rằng đây không phải là “hôn nhân khác đạo” mà cùng một đạo Ki-tô giáo mà thôi. Tuy thế, mọi việc chỉ êm xuôi khi hai bên thống nhất Hiền và Thiện sẽ “sống chung trong tình hiệp nhất”, Thiện không buộc Hiền chịu Báp-tem và cử hành Lễ nghi hôn nhân Tin Lành, ngược lại Hiền cũng không yêu cầu Thiện phải làm Phép Cưới mà chỉ làm Phép Chuẩn, đạo ai nấy giữ; nhưng những xung đột về Tín Lý khi về ở với nhau vẫn là bài toán không có lời giải.
Và rồi ngày hôm nay, xung đột đã lên đến đỉnh điểm khi Hiền lần chuỗi Mân Côi nguyện xin Đức Mẹ cầu bầu cho đứa con được mau chóng khỏe lại trong khi Thiện cho rằng đó là một việc vô nghĩa, mất thời gian. Hiền làm căng nhưng khi Thiện đi rồi cô cũng thấy day dứt. Tuy thế chỉ chốc lát, đứa bé sốt lại, cô “chân đập lấy tay” chẳng còn thời gian mà nghĩ gì nữa…
***
Trời về khuya, nửa đêm, rồi một giờ sáng, hai giờ sáng, thằng bé chưa dứt cơn sốt, ông bố vô trách nhiệm của nó vẫn chưa về. Bên ngoài trời mưa từ chiều chưa ngớt làm Hiền thêm phần sốt ruột, chỉ biết tự an ủi, ổng tới Nhà thờ chứ đi đâu mà sợ…
Hiền đang chườm mát cho con thì có tiếng mở khóa rồi tiếng đập cửa thùm thùm. Hừ, vậy là cuối cùng anh ta cũng về, cô bực dọc ra cửa rút then cài. Thấy Thiện cong lưng dắt xe vào nhà với bộ áo quần ướt sũng, Hiền ái ngại xót xa trong lòng nhưng cố tỏ vẻ chẳng mảy may xúc động, buông lời dấm dẳng:
- Sao về sớm thế, tưởng anh đi luôn rồi chứ!
- Cô…
Đang cao giọng, đột nhiên Thiện dừng lại:
- Thôi, cho anh xin lỗi mà! Anh hứa sau này sẽ không cáu giận linh tinh nữa. Từ nay anh sẽ tôn kính Mẹ của em, bà Mary ấy, được chưa…
Thiện lảo đảo bước vào phòng ngủ, sờ tay lên trán con rồi mở tủ lấy quần áo, thay xong anh bước vội sang phòng đọc sách. Hiền đứng như trời trồng nhìn theo. Cô không thể tưởng tượng chuyện gì đã xảy ra khiến lão chồng cứng đầu của cô quay ngoắt một trăm tám mươi độ nhanh đến vậy, nhưng thấy thái độ vội vã và gương mặt tái dại của chồng, cô cũng không tiện gặng hỏi. Anh về là mừng rồi, còn xuống nước xin lỗi và hứa tôn kính Mẹ nữa, cô còn đòi hỏi gì hơn…
Hiền sẽ không bao giờ biết. Chiều nay, Thiện đùng đùng phóng xe ra khỏi nhà, nhưng đường tới Nhà thờ kẹt xe, anh quay lên xưởng nằm. Ai ngờ, vừa chợp mắt, Thiện đã thấy một bóng trắng lờ mờ đứng ngay chân giường. Anh cứng đơ người ra, không cử động được, dù cố gắng trấn tĩnh và lẩm nhẩm cầu Chúa nhưng bóng trắng vẫn không biến mất, anh ú ớ kêu lên: “Ma…Ma…”. Bất ngờ có tiếng nói nghiêm trang đáp lại:
- Anh kêu tên ai vậy? Không về lo cho vợ trẻ con thơ đang ốm, còn ở đây làm gì?
- Bà, bà… Sao bà biết…
- Ta biết, ta biết. Lúc nào cửa miệng anh cũng tuyên xưng lòng yêu mến Chúa Giê-su, nhưng anh đâu có tôn kính mẹ của Người? Vậy cũng tựa như anh luôn miệng nói yêu con mình, nhưng anh có coi mẹ nó ra gì đâu. Đêm hôm khuya khoắt, mưa giông gió giật để vợ một mình ôm đứa con đau ốm, còn ở đây ngủ được thì đủ hiểu lời yêu thương của anh giả dối và sáo rỗng đến đâu rồi!
- Bà, bà…
- Anh thường viện dẫn Kinh Thánh nói lý với vợ mình. Vậy có còn nhớ Giăng 19, 26-27 (**) đã chép lại việc Chúa Giê-su lúc sinh thì trối mẹ Người cho ai chứ? Vì sao Người làm thế? Và chẳng phải Giăng chính là tác giả cuốn Phúc Âm anh thường dùng làm kim chỉ nam cho đời sống đạo đó sao?
Thiện cứng họng, anh giật mình tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa, tự trấn an đó chỉ là giấc mộng mà thôi. Anh vội ba chân bốn cẳng chạy về nhà, nơi “hiện thân của bà Mary” đang đợi, bất chấp trời mưa gió. Ơn Chúa, đường vắng, mưa đột ngột giảm, gió đột ngột ngưng giúp anh về nhà an toàn dù vẫn ôm nỗi sợ có thể bóng trắng đó đang bay theo mình…
***
Thiện bước vào phòng sách, anh vẫn chưa hoàn hồn, vội vã với lấy cuốn Kinh Thánh, tính đọc vài đoạn để tĩnh trí lại. Thốt nhiên, Thiện giật mình kinh sợ khi phát hiện mình lấy nhầm cuốn Tân Ước của Công Giáo, lật giở đúng câu: “Phúc cho ai đã không thấy mà tin” (Gio-an 20, 29)…
----------------------------
(*) Ma-thi-ơ: Mát-thêu.
(**) Giăng: Gio-an.
Truyện có sử dụng các trích đoạn Kinh Thánh Tin Lành - sách Luca, Ma-thi-ơ và Giăng, Kinh Thánh Công Giáo, sách Gioan.