(Ảnh: sưu tầm)
Con sông Lam xanh biếc chảy qua hai miền Giáo xứ, chạy dọc theo những cánh đồng mênh mông bát ngát cũng là đường biên giới hai tỉnh Nghệ-Tĩnh. Hoàng là người “bên lở”, nơi trồng nhiều khoai sắn. Phượng là người “bên bồi” với đồng lúa thẳng cánh cò bay, nơi có cây Ngô Đồng tỏa bóng mát cho những người nông dân nghỉ trưa những ngày mùa. Nhìn từ xa, cây Ngô Đồng như một chấm nhỏ nổi lên giữa đồng lúa bao la, cũng là nơi Hoàng và Phượng trao lời thề non hẹn biển…
Ngày đó, Hoàng vượt sông bước vào trường Trung học phổ thông. Cô gái có đôi mắt huyền, khuôn mặt bầu bĩnh, làn da trắng với mái tóc dài chấm lưng đã làm tim anh thổn thức.
Hết lễ khai giảng, anh dúi vội vào tay Phượng bài thơ tình đầu tiên.
Em là ai, cô gái tóc dài
Thác nước đổ xuống đôi bờ vai
Nhấn chìm hào khí chàng trai trẻ
Yếu đuối thơ ngây tựa anh hài.
Mười sáu tuổi, lần đầu yêu đâu phải là quá sớm, Phượng ngỡ ngàng rồi bật cười khi thấy anh ù té chạy. “Rõ là anh hài”, cô cười khanh khách, “đàn ông con trai phải khoe cái mạnh mẽ chứ ai lại tự hào cái yêu đuối ngây thơ”. Tiếng cười dòn tan của Phượng như vệt nắng dài bám theo Hoàng ra tận bến đò, anh thẹn thùng xấu hổ như cô gái lần đầu được tỏ tình.
Hôm sau, Hoàng vừa lên khỏi bến đò đã nghe tiếng phanh “kít”, một chiếc xe đạp chặn đầu, mái tóc dài bay ngang mặt anh và giọng nói ngọt ngào cố phát âm thành “the thé”:
- Xe ôm, năm ngàn, nhanh không muộn giờ học!
Hoàng ngớ người trong chốc lát, nhưng kịp ứng biến:
- Nhuận bút thơ năm mươi ngàn, mười chuyến sau tớ viết tặng cậu bài mới!
Phượng lại cười dòn tan. Không ngờ chàng thanh niên “cù lần” này cũng lẻo mép ra phết. Cô biết anh từ trước, khi anh đọc bài đọc lễ ở Nhà thờ Chính Xứ và say mê những bài Thánh ca anh hát về Mẹ Maria - Thánh Quan thầy của mình. Còn Hoàng, nếu biết ở Xứ Họ của mình có cô bé dễ thương đến vậy, lại cảm mến mình từ trước, ắt chẳng phải nhọc công viết thơ tình làm quen. Khi trở thành bạn cùng lớp Phượng mới biết cô kém anh một tuổi, hơn thế có cảm giác anh “hơn hẳn một cái đầu”, những khi không ở trường, cô vẫn gọi Hoàng là anh và dần thân thiết như anh trai. Phượng thông minh nhưng bộp chộp, tính trẻ con, hay khóc hay cười nên Hoàng đặt cho cô biệt danh “bé Mariana” - tên nhân vật chính một bộ phim đang chiếu trên truyền hình. Anh luôn bên cạnh, chăm chút cho Phượng nhưng cô thường dỗi “em lớn rồi, không cần ai phải nhọc công chăm sóc đâu”. Họ trao nhau nụ hôn đầu vào một đêm trăng đẹp dưới cây Ngô Đồng và hứa hẹn không bao giờ xa nhau. Hoàng chỉ tay về bên kia sông và nói:
- Mai ngày anh sẽ phát triển kinh tế trang trại. Đó là đất năm xưa Cố anh bị tịch thu khi Cải cách ruộng đất. Anh sẽ làm giàu trên mảnh đất của cha ông. “Bé Mariana”, em sẽ giúp anh quản lý chứ?!
Phượng không trả lời, cô chỉ lặng lẽ tựa vào vai anh thì thầm “em sẽ luôn bên anh, vậy thôi”.
Nhưng rồi Phượng không giữ lời hứa. Tốt nghiệp cấp ba, Phượng chọn sự phồn hoa của “Ngoại Thương” còn Hoàng đi “Nông Nghiệp” theo đuổi ước mơ ấp ủ bao năm. Dù ở ngoại thành, Hoàng vẫn cố gắng thu xếp thời gian sang với Phượng mỗi khi có thể, cuối tuần luôn đi lễ cùng nhau. Anh còn tham gia nhóm “Bảo vệ sự sống” của nhà thờ dù đường sá xa xôi. Phượng thì ngược lại, dù ở gần nhà thờ nhưng cô không tham gia “Bảo vệ sự sống”, cô bận làm thêm, dạy thêm,… Cô làm tất cả để đỡ tiền cha mẹ gửi và cũng để có tiền mua mỹ phẩm, quần áo làm đẹp. Sinh viên Ngoại Thương mà, phải “đẳng cấp” cơ.
Và rồi cái gì đến cũng phải đến, Phượng có người yêu mới. Người yêu Phượng trông hào hoa phong nhã, học trên cô hai khóa. Cô đã khóc rất nhiều khi nói lời chia tay Hoàng, cô nói hãy còn yêu anh nhưng cô phải đổi đời, cô không muốn mãi mãi sống trong sự nghèo hèn, điều mà Hoàng không thể thực hiện được, nhất là khi anh đã chọn “Nông Nghiệp”. Càng buồn hơn khi người yêu của Phượng là người Ngoại giáo, anh ta đã không ngần ngại nói với Phượng sẽ không bao giờ theo Đạo. Nhưng Phượng bất chấp tất cả, dù Hoàng đau đớn tột cùng cũng chỉ biết nhắc nhở Phượng “lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi” (*). Anh không thể hình dung mỗi cuối tuần đến nhà thờ không thấy Phượng thì anh có đủ động lực tiếp tục sống không. Từ nay anh sẽ không còn được ở bên, được chăm chút cho cô nữa. Mỗi lần về quê, Hoàng lại đứng bên bờ sông nhìn sang cây Ngô Đồng mong tìm thấy hình bóng thân quen. Những đêm dài trằn trọc không ngủ, anh chỉ biết ru lòng mình “em ấy hạnh phúc thì mình cũng phải vui chứ, em ấy bảo mình hãy sống thật tốt cơ mà”.
Cuộc đời nào ai học hết chữ ngờ. Sau một phút mềm lòng, Phượng nhỡ có thai, cô nôn thốc nôn tháo, còn nôn cả ra máu. Hoảng hồn, cô vội đi khám…
- Tôi nghĩ không phải cô nghén mà nôn ra máu đâu, tôi nghi ngờ có vấn đề về dạ dày, đại tràng ấy - Vị bác sĩ Sản khoa gõ gõ tay vào bàn - em nên đi khám thêm tiêu hóa, đừng chụp phim là được.
- Dạ…
Phượng đi khám tiêu hóa, cô đau đớn khi biết mình mắc bệnh ung thư dạ dày - kết quả của những tháng ngày vừa học vừa làm cực nhọc, ăn uống kham khổ, thất thường. Bác sĩ khuyên Phượng bỏ con để chữa bệnh vì phải truyền hóa chất, xạ trị, phẫu thuật thì cũng không giữ được thai, chữa sớm thì có thể sống thêm được năm năm, mười năm hoặc lâu hơn. Người yêu Phượng bảo sẽ có trách nhiệm, rằng chữa bệnh trước rồi tính, sau này sinh con cũng chưa muộn. Phượng suy nghĩ mãi rồi theo anh ta đến bệnh viện phụ sản. Giờ phút quyết định, đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết của thai nhi, cô đã khóc rất nhiều khi phải đưa ra sự lựa chọn. Thốt nhiên cô nghĩ đến Hoàng. Anh “bảo vệ sự sống”, còn cô, cô đang tước đi sự sống của chính con mình? Sống thêm năm năm, mười năm hoặc lâu hơn trong bệnh tật, thuốc men và lương tâm dày vò thì ích gì? Thuốc có thể chữa được bệnh nhưng làm sao chữa được vết thương lòng! Bỏ thai là phạm đến điều răn thứ Năm của Đức Chúa Trời, mai ngày trước Tòa Phán Xét cô biết thưa gì với Chúa đây? Và rồi cô đổi ý. Người yêu cô chỉ ậm ừ đưa cô về rồi bỏ đi biệt tích. Phượng tìm đến chỗ làm của anh ta mới hay y đã nghỉ việc, không rõ vào miền Nam hay ra nước ngoài sinh sống.
Phượng không dám tìm đến Hoàng, cô đau đớn về quê, sống cùng gia đình và âm thầm chịu đựng những cơn đau đớn của bệnh tật trong nỗi hổ thẹn với người đời, sự tuyệt vọng vào tình yêu và nỗi ân hận của người con có lỗi với bố mẹ. Thời gian này quả thực khó khăn với cô về tinh thần và cả vật chất nữa vì đi làm được đồng nào cũng chi tiêu hết trong khi nhiều người trước đây mượn tiền mà không chịu trả, có khi đã cố tình quên luôn rồi.
Khi những chiếc lá cây Ngô Đồng bắt đầu lìa cành, bạn bè Phượng chuẩn bị xa gia đình bước vào năm học mới thì cô cũng ra Hà Nội, nhưng là ra cấp cứu. Lúc này đứa con trong bụng tròn tám tháng. Bác sĩ liên bệnh viện hội chẩn về trường hợp của cô, quyết định mổ bắt con. Em bé được sinh ra sau hơn ba giờ phẫu thuật. Phượng tiếp tục ở lại bệnh viện thêm năm ngày còn bé phải nằm ở phòng điều trị đặc biệt thêm nửa tháng. Bác sĩ xác định Phượng đã bị ung thư gan giai đoạn cuối, trong gan có ba khối u lớn, di căn từ dạ dày. Mấy tháng sau Phượng phải mổ cấp cứu một lần nữa, cô ở lại Bệnh viện thêm vài tuần thì bác sĩ khuyên về chơi với con thêm được tí nào hay tí đó…
Những ngày ấy, gia đình Phượng phải đi xin sữa khắp làng để nuôi cháu và em bé không một lần được bú mẹ, sau đó thậm chí cô không có đủ sức để bế con. Khi cảm nhận cơn đau cuối cùng sắp đến, Phượng gắng sức lê bước đến cây Ngô Đồng, ước mong những kỷ niệm đẹp năm xưa xoa dịu nỗi đau cho mình. Cô nằm ngửa mặt lên trời nhìn ánh nắng xuyên qua kẽ lá, như năm xưa gối đầu lên đùi Hoàng nghe anh hát, những bài hát về Mẹ. Trong tiếng lá xào xạc, tiếng hát của Hoàng như vọng về: “Năm xưa trên cây sồi làng Fatima xa xôi, có Đức Mẹ Chúa Trời hiện ra uy linh sáng chói, Mẹ nhắn nhủ người đời hãy mau ăn năn đền tội…” (**). Và kìa, trong ánh chiều lung linh, Cây Ngô Đồng đã hóa Cây Sồi, ẩn hiện trên vòm lá là hình ảnh Mẹ Fatima như mỉm cười như đón đợi, cô muốn vùng dậy, cất bước theo Mẹ nhưng không nhấc nổi mình, chỉ hai cánh tay giơ lên đón lấy đôi tay dệt bằng Hoa Mân Côi đang từ từ hạ xuống…
Phượng ra đi vào một chiều thứ bảy cuối xuân nắng ấm, khi bé con chưa đầy nửa tuổi, đôi mắt cô mở to và hai cánh tay giơ ra như muốn ôm con vào lòng. Gia đình đặt cô nằm nghỉ bên cây Ngô Đồng đang lên những chồi non xanh biếc theo di nguyện. Mãi đến khi một người bạn học gọi điện bảo sao không về đám tang Phượng, Hoàng mới biết hung tin. Anh bàng hoàng không thể tin được sự thật đau đớn này. Anh òa khóc như một đứa trẻ, những giọt nước mắt thấm đẫm Luận văn tốt nghiệp đang viết dở. Bỗng chốc anh đứng lên mạnh mẽ, vội vã về quê trong đêm.
Hoàng về đến nhà đúng lễ ba ngày Phượng, anh quỳ xuống xin lỗi cả nhà cô, nhận mình là cha đứa trẻ trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, tiếng chửi rủa và cả đánh đập của gia đình Phượng. Anh nhận mình là kẻ hèn nhát, trước đây đã không nhận trách nhiệm, giờ đã vô cùng ân hận nhưng mọi người không nghe, lôi ra ngoài không cho anh thắp hương. “À, ra là mày, quả nhiên là mày, Cây Ngô Đồng, đúng Cây Ngô Đồng, thảo nào nó lại ra đó”…
*****
Ngô Đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu (***)
Hoàng đưa mắt nhìn chiếc lá cây Ngô Đồng bay theo gió, hạ xuống một chút lại cuộn lên cao dường như không muốn rơi xuống đất. (Vậy là đã mùa thu). Anh cười tươi nhìn theo một đứa bé đang đuổi theo chiếc lá. Con gái anh đấy, mùa thu này nó đã vào “Đại học chữ to” rồi. Thấp thoáng bên kia sông là trang trại rộng lớn theo “Mô hình nông nghiệp Israel” của anh, với nó, anh đủ sức cho cô bé một tương lai vững vàng. Con bé giống hệt mẹ như hình ảnh trong gương, nó thừa hưởng gen thông minh di truyền, nhất định sẽ học nốt chương trình Đại học Ngoại Thương còn dang dở của mẹ, sẽ giúp anh quản lý trang trại và xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, anh tin thế.
Chiếc lá vẫn bay bay trên cánh đồng mênh mông đầy gió. Tiếng lá xào xạc như hát thầm, như nhắn nhủ với anh điều gì đó. Cây Ngô Đồng (****) đã chứng kiến chuyện tình của Hoàng và nó cũng chứng kiến giấc mơ của anh trở thành hiện thực, giờ đây anh đã có trang trại, có Tình yêu và có cả “bé Mariana” luôn ở bên mình…
-------------------------------------------------
(*) Trích Kinh Thánh Tân Ước.
(**) Trích Thánh ca.
(***) Cổ thi.
(****) Theo Truyền thuyết, cây Ngô Đồng là nơi chim Phượng Hoàng hạ cánh.