10 Hạnh Tích Cải Đạo Bất Ngờ Nhất

admin

10 Hạnh Tích Cải Đạo Bất Ngờ Nhất

Tác giả: Sara and Justin Kraft
Người dịch: MĐ Trần Nguyễn (VTCG)
Nguồn: Coraevan.com

Thiên Chúa hành động cách mầu nhiệm, đôi khi bằng cách biến đổi các cá nhân để họ đón nhận đạo Công Giáo nhờ những giá trị chân, thiện và mỹ. Ngài đã đến để tìm lại và kêu gọi đích danh từng người trong chúng ta. Dưới đây là 10 hạnh tích cải đạo nổi tiếng nhưng bất ngờ trong Công Giáo. Ước mong rằng mỗi người có thể kín múc nguồn cảm hứng giúp chúng ta hướng tới sự biến đổi sâu sắc hơn về với Chúa.

1. Thánh Augustine


Tranh Agustino chịu phép rửa-Benozzo Gozzoli

Augustinô sinh năm 354 SCN tại Châu Phi. Mẹ của Ngài, bà Monica, là một tín đồ Kitô giáo sùng đạo, bà đã giáo dục con trai mình theo đường lối Kitô hữu; tuy nhiên, ngài đã không được rửa tội. Cha của Augustinô là một người ngoại giáo, không theo Đạo cho đến gần cuối đời và đã dạy con cái mình để tâm đến của cải và thú vui trần gian. Ở độ tuổi 16, Augustinô đã ăn trộm trái cây từ vườn hàng xóm, không phải vì thèm muốn gì nhưng chỉ vì việc ấy bị cấm, như Ngài đã kể lại trong cuốn tự thuật, The Confessions. “Tội ấy thối nát, nhưng con lại thích làm. Con yêu thích phạm tội - không phải vì việc con làm là sai, nhưng chỉ vì nó là tội” (Tự thuật 2: 4).

Bạn bè của Augustinô là những cậu thanh niên hay thích khoe về chiến công tình trường. Chính chàng trai ấy năm 19 tuổi đã có một tình nhân và một người con hoang. Trải qua những sự kiện ấy, bà Monica tiếp tục cầu xin ơn hoán cải cho chồng con mình. Vào năm 32 tuổi, Augustinô nghe như tiếng của một đứa trẻ bảo ngài hãy cầm và đọc Thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rôma. Augustinô lãnh nhận ơn cải đạo. Ngài được Giám mục Ambrôsiô rửa tội, quay về quê hương, và hiến dâng mọi sự cho người nghèo. Ngài được phong làm Giám mục Hippo năm 395.

Câu chuyện của Augustinô nhắc nhở chúng ta trước hết rằng hy vọng không bao giờ mất đi. Thiên Chúa có thể làm việc và cảm hóa những tấm hồn cứng cỏi nhất. Và có lẽ việc đó sẽ xảy đến vào lúc không ai ngờ. Tất cả tội lỗi, dù nghiêm trọng đến đâu, đều có thể được tha thứ nếu chúng ta thật lòng ăn năn. Đặc biệt cần phải nhớ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố năm của Lòng Thương Xót. Chúng ta đừng bao giờ nản chí khi cầu xin ơn hoán cải cho thân nhân, bạn bè và người quen, cũng như bà Monica đã không ngừng cầu xin ơn hoán cải cho chồng con mình. Lời cầu nguyện của Thánh nhân cuối cùng đã được Thiên Chúa đáp lại.

2. John Wayne



 John Wayne trong phim The Challege of Ideas

Ngôi sao điện ảnh John Wayne sinh ra với cái tên Marion Morrison tại Iowa vào năm 1907. Năm 1914, gia đình ông chuyển đến miền viễn Tây và Marion bắt đầu được gọi là “Công tước”. Tại đỉnh điểm của cuộc Đại Khủng Hoảng (the Great Depression), ông làm phụ tá trong các hãng phim, và dần dần trở thành diễn viên phụ và sau đó đóng vai chàng cao bồi Breck Coleman trong bộ phim “The Big Trail” năm 1930. Hãng phim đã đổi tên anh thành John Wayne để thu hút khán giả hơn.

Trong những năm 1940 và 1950, John Wayne đóng vai chính trong các bộ phim lớn về miền viễn Tây và Chiến tranh. Ông có bốn người con với bà vợ đầu tiên. Năm 1964, bác sĩ chuẩn đoán ông mắc bệnh ung thư phổi, làm cho ông mất một lá phổi và một số xương sườn. Ông có thêm hai cuộc hôn nhân, một cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn, cuộc hôn nhân còn lại kéo dài cho đến khi ông qua đời và cho ông ba người con. Mặc dù bản thân ông là tín đồ của giáo phái Trưởng Lão Tin Lành khi lớn lên, nhưng 2 bà vợ thì lại nuôi dạy tất cả bảy người con ông theo đạo Công giáo.

Trong những ngày cuối đời, Wayne vật vã trong cơn đau đớn, chống chọi với bệnh ung thư dạ dày. Một linh mục đã đến, rửa tội cho Wayne và thực hiện các nghi thức cuối cùng. Đêm đó, Wayne hôn mê. Con trai Michael nói: “Tôi không biết thuật ngữ chuyên môn của Giáo hội là gì hoặc sự cải đạo là như thế nào. Nhưng Bố đã chết trong lòng Giáo hội.” Năm 1979, ông qua đời vì bệnh ung thư dạ dày ở tuổi 72.

Cha Muñoz, cháu trai của Wayne, nói rằng Wayne đã thực sự hối tiếc đã không trở thành người Công Giáo sớm hơn: “Đó là một trong những tâm tình của ông trước khi qua đời”, đổ lỗi cho “cuộc sống bận rộn”.

Từ tấm gương của Wayne, chúng ta nên biết rằng không bao giờ là quá muộn để đón nhận sự tha thứ của Chúa. Chúng ta không nên để những bôn ba trong cuộc sống, dù rằng công việc ấy quan trọng đến đâu, ngăn cản mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Đức Giêsu. Việc lãnh nhận các bí tích và đặc biệt là việc tham dự Thánh lễ hàng tuần có thể giúp nuôi dưỡng mối quan hệ đó.

3. Alexis Carrel



Alexis Carrel sinh năm 1873. Ông đã đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1912 tiên phong trong phẫu thuật mạch máu ở người, cấy ghép nội tạng ở động vật và giữ các mô còn sống trong động vật máu nóng. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Charles Lindbergh, ông đã phát triển phương pháp phẫu thuật bắc cầu bơm tim.

Trong phần lớn cuộc đời mình, Carrel là một người theo thuyết ngộ đạo. Năm 1902, một đồng nghiệp, khi không thể thực hiện chuyến đi vào phút chót, đã thuyết phục Carrel đến Lộ Đức trên một “chuyến tàu trắng”. Chuyến tàu này chở nhiều bệnh nhân từ Lyons đến Lourdes. Marie Bailly, 23 tuổi, đang trong giai đoạn cuối của bệnh viêm phúc mạc do lao và được một y tá lén đưa cô lên tàu vài giây trước khi tàu khởi hành. Trong đêm, Carrel đã tiêm morphin cho Bailly để cứu cô.

Khi Marie Bailly được đưa đến hang nhỏ [ở Lộ Đức] để tắm, cô ấy đang trong tình trạng nguy kịch. Sau khi vùng bụng sưng to được rửa ba lần bằng nước ở đây, cô đã bắt đầu hồi phục một cách ngoạn mục. Đến buổi tối, cô ấy đã ngồi dậy, nói chuyện, ăn uống và không hề nôn mửa, mặc dù suốt mấy tháng qua dường như cô không thể kìm nén được bất cứ thứ gì trong bụng.

Vào sáng hôm sau, cô thay quần áo và lên tàu trở về Lyons mà không cần ai giúp đỡ; từng phút một phục hồi trên chuyến tàu 24-giờ. Khi đến Lyons, vào trưa ngày 31 tháng 5, cô đi qua nhà ga mà không cần nương tựa vào ai, bắt xe điện đến nhà người thân. Không ai ngờ được đó là Marie Bailly - và cô đã ôm choàng lấy họ. Không có lời giải thích y học nào cho sự phục hồi này. Carrel đã chứng kiến ​​phép lạ.

Đến năm 1942, Carrel đã tuyên xưng đức tin để gia nhập Giáo hội Công giáo. Ông đã kinh nghiệm một phép lạ, nhưng phải mất nhiều năm ông mới có thể tuyên xưng niềm tin vào Chúa.

Từ tấm gương của Carrel, chúng ta nên học cách nhận ra những điều kỳ diệu xảy ra trong cuộc sống của chính mình.

4. Buffalo Bill Wild Cody



Buffalo Bill Cody - Sarony

William F. Cody sinh ra ở Scott County, Iowa vào năm 1846. Ở tuổi 14, Cody xin gia nhập hãng bưu điện Pony Express với tờ quảng cáo như sau: "Tìm tay đua lão luyện, chắc khỏe, sẵn sàng mạo hiểm với cái chết mỗi ngày." Sau thời đi lính trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, ông bắt đầu săn trâu để nuôi các đội xây đường sắt, và biệt danh của ông là Buffalo Bill Wild Cody. Ông ước tính đã giết 4.280 con trâu chỉ trong hơn một năm rưỡi. Ông đã trở thành một người hùng dân gian quốc gia nhờ những tiểu thuyết 10-xu kể về “Buffalo Bill”, một nhân vật giả tưởng dựa trên con người và cuộc đời ông.

Năm 1883, Cody thành lập chương trình của riêng mình - "miền Tây Hoang dã" của Buffalo Bill - là một chương trình biểu diễn gánh xiếc lưu diễn trong ba thập kỷ ở Hoa Kỳ và sau đó là ở Châu Âu. Ngoài nhân vật Buffalo Bill, chương trình miền Tây Hoang dã có sự tham gia của tay thiện xạ Annie Oakley và Tù trưởng Bò Ngồi (Sitting Bull).

Khi Tù trưởng Bò Ngồi được mời dự chương trình của Buffalo Bill, hai người đã trở thành bạn thân và mối quan hệ của họ trở nên khá gắn kết nhờ biết tôn trọng lẫn nhau. Buffalo Bill đã bị thu hút bởi câu chuyện cải đảo của người bạn Tù trưởng vài năm trước đó nhờ các nhà truyền giáo can đảm của Dòng Tên đã đến với người da đỏ Sioux. Một vài năm sau khi rời khỏi chương trình miền Tây Hoang dã, vị thủ lĩnh da đỏ nổi tiếng đã bị bắn chết trong một vụ lộn xộn trong khu bảo tồn.

27 năm sau, trong khi đến thăm em gái, Bill Cody nằm hấp hối ở vùng ven Denver, CO. Một ngày trước khi chết, ông xin được rửa tội để được trở nên người Công giáo. Ông nói với vị linh mục rằng ông luôn tin vào Chúa và muốn chết như một người Công giáo. Ông được cảm hóa bởi đức tin của Tù trưởng Bò Ngồi với câu chuyện cải đạo và gia đình của người bạn ấy.

Câu chuyện cải đạo của Buffalo Bill dạy cho chúng ta về sức mạnh của chứng nhân đích thực nhờ tình bạn hữu, như Chúa Giê-su. Thời gian không phải là thước đo những điều tốt đẹp của một nhân chứng thực sự. Hành động và mẫu gương đơn giản nhất ngày hôm nay có thể là phương tiện giúp người khác được cứu rỗi vào ngày mai.

5. Norma McCorvey ("Jane Roe")



Năm 1970, Norma McCorvey, với bút danh "Jane Roe", đã đệ đơn kiện chống lại luật Texas quy tội cho việc phá thai. Cuối cùng, vụ kiện đã được đưa đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ với cái tên Roe v. Wade nổi tiếng hiện nay. Cô ấy được mô tả là một phụ nữ đang mang thai "muốn kết thúc thai kỳ bằng cách nạo phá thai" được thực hiện bởi một bác sĩ có thẩm quyền, được cấp phép, trong điều kiện lâm sàng an toàn; rằng cô ấy không thể phá thai 'hợp pháp' ở Texas. Cô ấy tuyên bố rằng các quy chế ở Texas là mơ hồ và trái hiến pháp vì đã cắt bỏ quyền riêng tư cá nhân của cô ấy..." (Roe v. Wade, 410 U.S. 113 (1973), 120)

Norma McCorvey mô tả bản thân là người tương đối không hiểu biết gì về sự thật của vụ kiện và tuyên bố rằng các luật sư đang dùng cô cho mục đích riêng của họ. Cô ấy đang mang thai đứa con thứ ba và muốn kết thúc thai kỳ của mình, nhưng cô ấy không nhận thức được tất cả những tác động của việc phá thai hay thậm chí là ý nghĩa của thuật ngữ này. Cô không hoàn toàn nhận ra rằng tiến trình này sẽ kết liễu một sinh linh. Cuối cùng, Norma đã không phá thai. Cô đã để người khác nuôi con mình.

Vào những năm 1980, cô đã tham gia vào phong trào phá thai. Khoảng năm 1992, cô bắt đầu làm việc tại các phòng khám phá thai. Năm 1995, một nhóm ủng-hộ-sự-sống chuyển vào cùng tòa nhà nơi cô làm việc, dẫn đến một loạt các cuộc chạm trán giữa Norma và các hoạt động viên ủng-hộ-sự-sống. Theo thời gian, cô trở thành bạn với nhiều người trong số họ và bắt đầu đặt ra những nghi vấn cơ bản về đạo đức của việc phá thai.

Emily Mackey, bé gái 7 tuổi của một trong những người thuộc nhóm phò-sự-sống, đã ảnh hưởng đặc biệt đến cô. Cuối cùng, cô bắt đầu đi nhà thờ, và bắt đầu khước từ quá khứ của mình với phong trào ủng hộ phá thai.

Kể từ khi cải đạo, cô đã chuyên tâm vào công tác phò-sự-sống, bắt đầu chương trình của riêng mình, "Roe No More," vào năm 1997, và tiếp tục lên tiếng chống phá thai và đấu tranh vì sự sống. Năm 1998, cô trở thành một người Công giáo và đã làm việc để lật đổ vụ kiện Roe v. Wade.

Norma McCorvey giúp ta nhận ra rằng đừng để quá khứ quyết định tương lai. Đôi khi những bài học từ quá khứ giúp chuẩn bị chúng ta phục vụ người khác trong tương lai.

6. Thánh Phao-lô



Cải đạo trên đường đi Đa-mát – Caravaggio

Thánh Phao-lô sinh ra trong gia đình người Do Thái vào năm 10 SCN và ban đầu được đặt tên là Sao-lô. Khi Sao-lô còn trẻ, những người sắp ném đá vị tử đạo Tê-pha-nô đã đặt áo khoác của họ dưới chân ông, và ông giữ y phục cho họ, chấp thuận hành động bạo ngược của họ. Ông đã nhiệt tình bắt bớ các môn đồ của Đức Kitô. Trên hành trình đến Thành Đa-mát để truy lùng và bắt giữ các tín đồ Kitô giáo đang ẩn náu ở đó, một tia sáng chiếu xuống từ trời làm ông ngã ngựa và khiến ông bị mù. Ông nghe một giọng cất tiếng hỏi "Sao-lô, Sao-lô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Sau đó, ông đã thấy Chúa Giêsu hiện ra. Trong ba ngày, ông đã không còn thấy gì nữa. Khi tỉnh dậy khỏi trạng thái hôn mê, ông đã trở thành một người mới. Ông đã đem Tin Mừng đến tận cùng của trái đất. Lúc đầu, các tông đồ của Chúa Giê-su đã nghi ngại ông vì lúc trước Phao-lô đã săn lùng họ. Thánh Ba-na-ba đã thấy được lòng thành của ông và đưa ông đến với các môn đệ của Chúa Giê-su. Ông trở thành vị Tông đồ dân ngoại. Chính những người đồng hương đã tìm kế bách hại ông. Ông vẫn liều mình truyền bá Phúc Âm bằng cả đường bộ và đường biển. Cuối cùng, ông đã làm chứng bằng chính mạng sống của mình và đã để lại cho chúng ta các Thư tín trong Tân Ước.

Thay vì kể về cuộc đời của Đức Kitô lúc còn sống, các tác phẩm của Phao-lô chủ yếu tập trung diễn tả bản chất mối quan hệ của các tín hữu với Đức Kitô và với nhau. Đặc biệt, Ngài tập trung vào công trình cứu độ của Đức Kitô và cách Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống để cứu chúng ta khỏi tội lỗi.

Ngày nay ngài được biết đến như một trong những nhà truyền giáo tiên khởi vì lòng nhiệt thành truyền bá Tin Mừng của Chúa Giê-su Kitô. Sự kiện hoán cải của Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giê-su. Đúng hơn, nó sẽ luôn hiện hữu trong tâm trí chúng ta. Cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu phải là điểm mấu chốt của cuộc đời mỗi người, nơi định hình mọi hành động trong tương lai của chúng ta. Noi gương Thánh Ba-na-ba, chúng ta phải luôn sẵn lòng tìm kiếm và chấp nhận sự chân thành khi người khác hoán cải và trở về trong Đức Kitô.

7. Thánh Constantine Cả



Thánh Constantine và Helena suy tôn Thánh Giá –Vasily Sazonov

Hành trình Constantine đến với Kitô giáo bắt đầu nơi đất khách và giữa những âm mưu chính trị. Đế chế La Mã đang có nhiều biến động. Sau hàng loạt vụ đảo chính xảy ra trong đó quyền lực được sang tay từ Caesar này đến Caesar khác và kết quả là nhiều người bị giết. Hoàng đế Diocletian đã bày ra phương kế chia-để-trị trong đó quyền lực được phân chia cho bốn đế vương. Tuy nhiên, hòa bình thì có hạn.

Constantine là con trai của hoàng đế Constatius, là một trong bốn vị cai quản Đế chế La Mã phương Tây và là người thừa kế ngai vàng phương Tây (cũng là Anh Quốc ngày nay). Constantine là một thủ lãnh tài ba và lúc ấy đang đóng binh ở tận ranh giới phía Đông của đế chế khi hoàng đế Galerius cố chiếm đoạt quyền lực. Chợt nhận ra mình sắp bị nguy hiểm đến tính mạng, Constantine xin phép về nhà để thăm người cha đang bệnh nặng. Vì một lý do không thể hiểu được, Galerius đã chấp thuận yêu cầu này. Có lẽ ông chưa bao giờ có ý định giữ lời sẽ cho Constantine về quê thăm bố.

Chộp lấy cơ hội, Constantine đợi Galerius đang ngủ say. Sau đó ông ra chuồng ngựa, nhảy lên một con ngựa và phóng như tên bắn. Suốt đêm, ông phi ngựa với tốc độ tối đa từ tiền đồn này đến tiền đồn khác. Tại mỗi trạm dừng, ông chọn con ngựa tốt nhất và đánh què tất cả những con ngựa khác trong chuồng để không bị bám đuôi.

Galerius thức dậy vào buổi trưa và được tin Constantine đã tẩu thoát. Ông không kịp trở tay vì Constantine đã có 15 tiếng để chạy trước và lại chiếm luôn những con ngựa duy nhất không bị thương tại các tiền đồn La Mã. Constantine trốn chay khắp nơi trên Đế quốc La Mã và tìm đường về với cha mình ở Anh Quốc.

Không lâu sau đó, Constantine trở lại Ý cầm đầu một đội quân. Trên đường chinh phục thành Rôma, ông đã nhìn lên bầu trời và thấy một thập giá với dòng chữ "Cứ dấu này, ngươi sẽ chinh phục." Ông đã nhận thập giá làm biểu tượng cho mình.

Constantine thống nhất và cai trị Đế chế La Mã. Ông đã hợp pháp hóa Kitô giáo và chấm dứt thời kỳ đàn áp Kitô giáo ở Đế quốc La Mã.

Trước khi nhận được thị kiến, Constantine chẳng quan tâm gì đến Kitô giáo. Việc ông cải đạo sau này, việc ông lên nắm quyền và đóng vai trò làm người bảo trợ Giáo Hội phần lớn không có lời giải thích nào ngoài lời chứng của ông rằng chính Chúa Kitô đã chọn ông. (Câu chuyện phỏng theo Carrol, W. The Founding of Christendom: A History of Christendom vol.1, Christendom Press, 1985)

Chúng ta có thể học được từ Hoàng đế Constantine rằng Chúa có một kế hoạch cho mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta đều thực hiện một vai trò cụ thể trong Nước Trời.

8. Takashi Nagai



Phao-lô Takashi Nagai năm 1946

Takashi Nagai là một bác sĩ Nhật Bản còn sống sót sau vụ bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai. Ông sinh năm 1908. Ông được gửi đến trường học ở thành phố năm 12 tuổi, và các bộ môn khoa học đã giúp hình thành các tư tưởng vô thần của ông. Ông cũng được biết đến là người thích tận hưởng những thú vui thời sinh viên. Vào đầu năm thứ ba đại học, ông phải quay về nhà thăm mẹ lần cuối vì bà đang hấp hối. Khi nhìn vào đôi mắt của bà, ông nhận ra rằng linh hồn con người vẫn tiếp tục sống cho dù thân xác có mất đi. Trong 5 năm tiếp theo, ông đấu tranh với những tư tưởng của mình. Nagai quyết định sống theo niềm tin Kitô giáo như một thí nghiệm khoa học bằng cách ở trọ với một gia đình Công giáo Nhật Bản. Gia đình này đã có nhiều người tử đạo. Ông được rửa tội vào tháng 6 năm 1934, dù biết rằng điều này sẽ gây chia cách với người cha của ông theo Thần đạo. Năm 1945, Bác sĩ tìm thấy ông mắc phải bệnh bạch cầu nan y. Vào ngày 9 tháng 8 năm 1945, bác sĩ Nagai đang ở khoa X quang của một bệnh viện tại Nagasaki thì xảy ra vụ bom nguyên tử. Ông tổ chức các y tá và sinh viên thành một đơn vị y tế lưu động. Vào ngày 8 tháng 9 cùng năm, bác sĩ Nagai phát hiện triệu chứng của bệnh nhiễm phóng xạ và chuẩn bị tinh thần cho cái chết. Sau khi cầu nguyện với Cha Maximillian Kolbe, người đã gặp bác sĩ Nagai trước khi ngài qua đời, ông đã được chữa lành một cách kỳ diệu trong vòng một tháng.

Chúng ta có thể học được từ Takashi Nagai rằng có nhiều thứ trong thực tế hơn là thế giới vật chất, là những gì chúng ta có thể nhìn thấy, chạm vào và cảm nhận. Chúng ta đang sống trong một thế giới chứa đựng những thực tại vô hình. Thế giới vật chất có thể bị quét sạch trong giây phút (như Nagasaki bị bom nguyên tử). Chỉ những thực tại thiêng liêng mới thực sự trường tồn. Chúng ta phải khắc ghi trong lòng và sống với những điều này.

9. John Henry Newman



Chân dung John Henry Newman - bởi John Everett Millais

John Henry Newman là trưởng nam trong một gia đình Tin lành thuộc giai cấp trung lưu có 6 người con. Ngài sinh ra ở Anh Quốc vào năm 1801. Ngài gia nhập đại học Oxford năm 15 tuổi và trở thành giáo sĩ Anh giáo năm 23 tuổi. Đối với Newman, môi trường giáo dục từ nhỏ đã dạy ngài những điều xấu xa về Giáo hội Công giáo. Năm 1836, ngài bắt đầu soạn thảo các phiên bản tiếng Anh của các tác phẩm thời Giáo phụ. Từng chút một, những chống đối mà ngài đã từng có trước đây về Công giáo La Mã đã bị dẹp tan dưới sức thuyết phục của bài kiểm tra mở rộng này. Ngài đã dần nhận ra rằng Giáo hội đã trung thành lưu truyền đức tin chân chính của các tông đồ để lại. Năm 1843, ngài rời bỏ Anh giáo để dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện và nghiên cứu. Ở tuổi 44 vào năm 1845, John Henry Newman được tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo sau khi đã thực hành nhiều hy sinh cá nhân lớn lao. Ngài đã từ bỏ một chức vụ thoải mái và kết thúc đột ngột nhiều mối quan hệ lâu dài. Trong những năm đầu theo đạo Công giáo, các đồng nghiệp cũ gọi ngài là kẻ phản bội và nhiều người Công giáo coi ngài như tín đồ Tin lành kín. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là cuốn tự truyện tâm linh mang tên Apologia Pro Vita Sua.

Ngoài ra, đây là một trong những lời nguyện nổi tiếng nhất của ngài:

Sứ mệnh đời tôi

Thiên Chúa đã dựng nên tôi để làm cho Ngài một số công việc nhất định. Ngài đã định sẵn một số công việc cho tôi mà Ngài đã không để cho người khác. Tôi có sứ mệnh của mình. Có thể tôi sẽ không bao giờ biết về nó ở đời này, nhưng chắc chắn ở đời sau. Tôi là một mắt xích trong một dây chuyền, một mối liên kết giữa những con người với nhau. Ngài đã không dựng nên tôi một cách vô ích. Tôi sẽ làm điều lành; Tôi sẽ làm công việc của Ngài. Tôi sẽ là một thiên thần bình an, một người rao giảng chân lý ở cương vị của mình, nếu không làm được thế thì tôi nguyện xin tuân giữ các điều răn của Ngài. Vì vậy, tôi sẽ tin cậy Ngài, bất kể tôi là gì, tôi sẽ không bao giờ bị vứt bỏ. Nếu đau ốm, xin cho bệnh tật của tôi cũng phụng sự Ngài, trong cơn bối rối, xin cho cơn hoảng loạn của tôi cũng phụng sự Ngài. Nếu đau buồn, xin cho nỗi tuyệt vọng của tôi cũng phụng sự Ngài. Ngài không làm gì vô ích. Ngài biết mục đích của Ngài là gì. Ngài có thể lấy đi bạn bè của tôi. Ngài có thể đem ném tôi cho người lạ. Ngài có thể khiến tôi nên điêu linh, nhấn chìm tinh thần tôi, che giấu tương lai tôi. Tuy vậy, Ngài vẫn biết mục đích của Ngài là gì.

Chúng ta noi gương Đức Hồng Y Newman để làm theo lời Chúa và “ Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1 Pr 3,15)

10. Elizabeth Ann Seton



Thánh Elizabeth Anne Seton

Elizabeth Ann Seton là người Mỹ bản xứ đầu tiên được phong thánh trong Giáo Hội Công giáo. Có nhiều thánh điện lộng lẫy tại Hoa Kỳ đã được cung hiến cho vị thánh người Mỹ này. Bà sinh ra chỉ 2 năm trước cuộc cách mạng Mỹ, và sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu của xã hội New York. Bà đã kết hôn với ông William Seton vào năm 1794, và họ yêu nhau thắm thiết. Sức khỏe của William dần chuyền biến xấu, và họ đã bán hết tài sản để đi Ý với niềm hi vọng sẽ cứu chữa được bệnh của William. Do bệnh sốt vàng ở New York, họ đã bị cách ly 40 ngày dưới điều kiện sống kinh khủng. Elizabeth đã chăm sóc người bệnh ở đó, và William đã qua đời trong trại cách ly. Trong khi chờ đợi để quay về lại Mỹ, Elizabeth đi lễ với những người bạn ở Ý và cảm thấy đặc biệt ấn tượng với niềm tin Công giáo về sự Hiện diện Thực (the Real Presence). Khi bà trở lại New York, bà đã không còn tài sản gì và phải sống với các bạn. Năm 1805, bà cải đạo vào Công giáo với một hy sinh cá nhân lớn lao: bỏ lại bạn bè và bị cách biệt hoàn toàn khỏi xã hội. Năm 1809, bà trở thành một nữ tu và khởi sự một nhóm mà sau nay trở thánh Hiệp hội Nữ tử Bác ái tại Mỹ vào năm 1811. Bà đã giúp xây dựng một trường học nội trú dành cho các bé gái, một trường học dành cho các trẻ em nghèo và một viện mồ côi. Lúc Elizabeth qua đời, có hơn 20 cộng đoàn Nữ tử Bác ái, thực hiện công tác giáo dục miễn phí, thành lập các viện mồ côi, trường nội trú, và bệnh viện trong các tiểu bang Pennsylvania, New York, Ohio, Delaware, Massachusetts, Virgina, Missouri, Louisiana, và District of Columbia. Mắc bệnh lao, vào năm 1821 sơ Elizabeth đã qua đời trong một cái chết đau đớn và kéo dài.

Thánh Elizabeth không muốn gì hơn là được trở nên một người vợ hạnh phúc và một người mẹ có con đàn cháu đống, nhưng Thiên Chúa đã có những thử thách khác định sẵn cho bà. Thánh nhân đã để cho các thử thánh của cuộc đời giúp ngài tăng trưởng trong đức tin và nhân đức. Trong mỗi thử thách, thánh Elizabeth nhận ra rằng Thiên Chúa cũng tỏ lộ những nguồn lực, sức mạnh và lòng can đảm mà chính thánh nhân không hề biết ngài có.

Cũng như Thánh Elizabeth, chúng ta nên để cho những đau khổ và giẳng co nội tâm mài dũa chúng ta trở nên những môn đệ tốt hơn của Chúa Giê-su.

Bạn có biết câu chuyện cải đạo nào hay không?