Vẻ huy hoàng của Ánh Sáng vĩnh cửu, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ thưa "Xin Vâng" như lời sứ thần truyền (x. Lc 1,38). Ngày phụng vụ cử hành Mầu nhiệm khôn tả này cũng là ngày hết sức ý nghĩa đối với biến cố mang tính lịch sử và văn học của thi hào tuyệt đỉnh Dante Alighieri. Ông là vị ngôn sứ của niềm hi vọng và chứng nhân của niềm khát khao bẩm sinh vô hạn trong lòng con người. Vì vậy, nhân dịp này, tôi cũng ước mong hòa mình vào dàn hợp xướng đông đảo những người muốn tôn vinh tưởng nhớ dịp 700 năm ông qua đời.
Thực vậy, ngày 25 tháng 3, ở Firenze, bắt đầu năm theo cách tính từ mầu nhiệm Nhập thể. Ngày đó, gần với thời điểm xuân phân và trong viễn tượng vượt qua, nó được liên kết với cả công trình sáng tạo vũ trụ và cả công trình cứu chuộc nhờ Đức Kitô thực hiện trên thập giá, là khởi đầu cuộc sáng tạo mới. Vì thế, trong ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng kế hoạch của tình yêu vốn là trọng tâm và là nguồn cảm hứng của Thần Khúc, tác phẩm nổi tiếng nhất của Thi Hào, mà trong ca khúc cuối cùng thì sự kiện Nhập thể đã được thánh Bênađô ghi nhớ với những câu thơ trác tuyệt:
"Trong lòng Mẹ, lửa yêu thương bừng cháy
Mến-Cậy-Tin luôn son sắt nồng nàn
Trong lòng Mẹ, nôi vĩnh cửu bình an
Cho Nụ Sen trắng ngần e ấp nở".
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 7-9).
Ngay từ trong Luyện ngục, Dante đã tái hiện, cảnh Truyền tin được khắc trên những bậc thang núi đá (Thần Khúc Luyện Ngục, Ca khúc X, 34-37, 40-45).
Vì vậy, trong hoàn cảnh này, không thể thiếu tiếng nói của Giáo hội đồng tâm nhất trí tưởng niệm con người và nhà thơ Dante Alighieri. Hơn ai hết, ông đã biết cách diễn tả chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa và tình yêu, bằng chính vẻ đẹp của thơ ca. Thi phẩm của ông biểu hiện tuyệt đỉnh của thiên tài. Đó là kết quả của một nguồn cảm hứng vừa mới mẻ vừa sâu sắc, mà Thi Hào nhận thức được khi nói:
"Đến bao giờ tiếng thi phẩm thiêng thánh
Trời và đất cùng viết với bàn tay"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca khúc XXV, 1-2).
Với Tông thư này, tôi muốn hiệp ý cùng các vị Tiền nhiệm, tôn vinh và kỷ niệm Thi Hào, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất, để một lần nữa mời gọi Giáo hội quan tâm, từ các tín hữu thông thường đến các học giả văn học, các thần học gia và các nghệ sĩ.
Tôi xin gợi nhớ lại một cách ngắn gọn những sự kiện này, tập trung vào các vị Giáo hoàng gần nhất và các tài liệu quan trọng nhất của các Ngài.
1. Những lời của các vị Giáo hoàng Roma của thế kỷ trước nói về Dante Alighieri
Một thế kỷ trước, vào năm 1921, nhân dịp kỷ niệm 600 năm giỗ Thi Hào, Đức Giáo hoàng Biển Đức XV, đã thu thập những ý tưởng xuất hiện trong các triều đại Giáo hoàng trước đó. Đặc biệt là của Đức Lêô XIII và Thánh Piô X, đã kỷ niệm sinh nhật Dante với một Thông điệp, [1] hay bằng cách thúc đẩy công việc trùng tu Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Ravenna, thường được gọi là nhà thờ thánh Phanxicô, nơi cử hành tang lễ và mai táng thi hào Alighieri. Khi đánh giá cao nhiều sáng kiến nhằm tôn vinh kỷ niệm, Đức Giáo hoàng đã tuyên bố quyền của Giáo hội là "Mẹ", trở thành nhân vật chính trong những lễ tưởng niệm này, tôn vinh Dante "người con của mình"[2]. Ngay trong Thư gửi Đức Cha Pasquale Morganti, Tổng Giám mục Ravenna, vị chấp thuận chương trình kỷ niệm bách chu niên, Đức Biển Đức XV đã nêu lý do như sau: "Hơn nữa (và điều này còn quan trọng hơn) thêm một lý do đặc biệt giải thích tại sao chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể để tưởng nhớ với sự tham gia đông đảo của dân chúng, vì sự thật là Alighieri là của chúng ta. [...]
Thật vậy, ai có thể phủ nhận rằng Dante của chúng ta đã được tiếp thêm sức mạnh và nhiệt huyết khéo léo cùng với phẩm chất thi ca lấy cảm hứng từ đức tin Công giáo, đến mức thi sĩ đã hát lên những mầu nhiệm tuyệt diệu của đạo trong một thi phẩm gần như thần thánh? ". [3]
Trong một thời điểm lịch sử được đánh dấu bởi nhiều ác cảm giác với Giáo hội, Đức Giáo hoàng đã nhắc lại, trong Thông điệp nói trên, rằng Thi Hào thuộc về Giáo hội, "sự kết hợp mật thiết của Dante với Ngai tòa Phêrô"; thậm chí, Ngài đã tuyên bố rằng tác phẩm của Thi Hào, mặc dù diễn tả "rộng lớn phi thường và cực kỳ tinh tế", thì ông cũng đã khơi "Nguồn cảm hứng mạnh mẽ" từ chính đức tin Kitô giáo. Vì lý do này, Đức Biển Đức XV tiếp tục nhận định, "chúng ta không chỉ ngưỡng mộ nơi ông chiều cao thiên tài cực kỳ tinh tế, mà còn bởi những chủ đề vô cùng rộng lớn mà đạo thánh đã khơi nguồn thi phẩm của ông". Và Ngài ca ngợi, đáp lại cách gián tiếp những người phủ nhận hoặc chỉ trích ma trận tôn giáo trong tác phẩm của ông: "Alighieri cùng hít thở bầu khí sùng đạo tương tự ở trong chúng ta; đức tin của ông cũng có cùng những tâm tình như vậy. [...] Đây là lời tôn vinh chính yếu của ông: được làm một thi sĩ Kitô giáo và được hát lên với hầu hết mọi cung giọng thần thánh những lý tưởng Kitô giáo mà ông đã chiêm ngưỡng bằng cả tâm hồn vẻ đẹp và sự huy hoàng". Tác phẩm của Dante- Đức Giáo Hoàng nói tiếp -là một minh chứng hùng hồn và hợp lệ để "chứng minh rằng thật sai lầm khi cho rằng tâm trí qui phục Thiên Chúa là kìm hãm đôi cánh thiên tài, trong khi ngược lại, Ngài thúc đẩy và nâng nó lên". Đối với điều này, Đức Giáo hoàng còn tuyên bố:
"Những lời dạy của Dante để lại cho chúng ta trong tất cả các tác phẩm của ông, nhưng đặc biệt là trong bộ ba của ông" có thể phục vụ "như một hướng dẫn rất có giá trị cho con người của thời đại chúng ta" và đặc biệt là cho các sinh viên, các học giả, vì "khi sáng tác thi phẩm ấy, ông không có mục đích nào khác ngoài việc giải thoát những người phàm khỏi tình trạng khốn khổ, tức là khỏi tội lỗi và dẫn họ đến tình trạng hạnh phúc, tức là được ân sủng thiêng liêng".
Mặt khác, dịp kỷ niệm 700 năm ngày sinh, năm 1965, Thánh Phaolô VI đã có nhiều động thái khác nhau. Ngày 19 tháng 12, Ngài tặng một cây thánh giá vàng, tô điểm thêm cho ngôi nhà nguyện ở Ravenna, nơi thi hào Dante an nghỉ, cho tới bấy giờ, còn thiếu "một dấu chỉ tôn giáo và hi vọng như thế". [4]
Vào ngày 14 tháng 11, Ngài đã gửi đến Firenze một vòng nguyệt quế vàng được đặt trong Giếng rửa tội của nhà thờ thánh Gioan. Cuối cùng, ở phần kết Công đồng chung Vatican II, Ngài tặng một ấn bản nghệ thuật tác phẩm Thần Khúc cho các Nghị phụ Công đồng. Nhưng trên tất cả, Ngài tôn vinh tưởng nhớ Thi Hào Đỉnh Cao với Tông thư Altissimi cantus-Ca Khúc Tuyệt Đỉnh [5] trong đó, Ngài đã tái khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa Giáo hội và Dante Alighieri: "Có thể ai đó sẽ hỏi rằng đời thuở nào Giáo hội Công giáo, qua ý muốn của Đức Giáo hoàng, lại lưu tâm tổ chức kỉ niệm và tôn vinh nhà thơ của Phirenxê đến mức như thế? Câu trả lời thật dễ dàng: bởi vì, thật may mắn, Dante Alighieri là người của chúng ta: là người của chúng ta, tức là của Đạo Công giáo, bởi vì tất cả đều xoay quanh tình yêu Đức Kitô; là người của chúng ta vì ông đã tha thiết yêu mến Giáo hội và cất lời ca tụng vinh quang của Giáo hội, là người của chúng ta vì ông đã thừa nhận và tôn kính Vị Đại diện Chúa Kitô ở trần gian là Đức Giáo hoàng Roma".
Nhưng đặc quyền này, Đức Giáo hoàng nói tiếp, không cho phép thái độ đắc thắng, mà đại diện cho một cam kết:
"Xin phép được nhắc lại: Dante Alighieri là của chúng ta. Chúng tôi khẳng định điều đó không phải là để tự tôn mình với lòng tham vọng hãnh tiến đua theo những danh dự ích kỷ. Đúng hơn, chúng tôi muốn nhắc nhở chính mình về bổn phận phải thừa nhận như thế, phải truy tìm trong tác phẩm của ông những kho tàng vô giá về tư tưởng và cảm nghiệm Kitô giáo. Chúng tôi tin tưởng rằng chỉ có ai biết chìm lắng thật sâu trong tâm hồn sùng đạo của thi sĩ tuyệt đỉnh này mới có thể hiểu được sâu sắc và nếm hưởng được kho tàng tâm linh tuyệt diệu ẩn giấu trong thi phẩm".
Nghĩa vụ này cũng không miễn trừ Giáo hội đón nhận cả những lời chỉ trích mang tính ngôn sứ do Nhà Thơ phê bình những người có trách nhiệm loan báo Tin Mừng và đại diện, không phải chính họ, mà là Chúa Kitô: "Giáo Hội cũng không hối tiếc nhắc lại rằng ông đã cất cao tiếng nói và đã mạnh mẽ chống lại một số vị Giáo Hoàng Roma, và với niềm cay đắng, ông đã khiển trách các cơ chế của Giáo Hội, và các thừa tác viên đại diện Giáo Hội". Tuy nhiên, rõ ràng là: "Phần còn lại, phải thừa nhận rằng tính khí của ông nồng nhiệt như thế, song chưa bao giờ ông bị chao đảo về đức tin Công giáo, vốn rất vững chắc, cũng như tấm lòng con thảo luôn sắt son với Mẹ Hội Thánh".
Do đó, Đức Phaolô VI đã minh họa những đặc điểm khiến thi phẩm của Dante trở thành một nguồn tâm linh phong phú cho tất cả: "Chắc chắn thi phẩm của Dante Alighieri có giá trị phổ quát: với sự dàn trải mênh mông, thơ của ông ôm trọn cả cả trời và đất, cả vĩnh cửu và thời gian, cả những mầu nhiệm của Thiên Chúa và những sự kiện của con người, cả những giáo lý thánh thiêng và những quy luật thế tục, cả khoa học khơi nguồn trong Mạc Khải thánh và khoa học kín múc từ ánh sáng lí trí, cả bao nhiêu kinh nghiệm mà ông đã trực tiếp kinh qua cộng với những ký ức về lịch sử, những thời đại mà ông sống, và cả nền văn minh Hilạp Lamã cổ đại". Nhưng trên tất cả, Ngài đã xác định được mục đích nội tại của sự nghiệp Dante và đặc biệt là Thần Khúc, một mục tiêu không phải lúc nào cũng được đánh giá và đánh giá rõ ràng: "Mục đích của Thần Khúc trước tiên là thực tiễn, nhằm đổi mới và hoán cải. Thực vậy, nó không chỉ trình bày đẹp hết sức thi vị và tốt lành về mặt đạo đức, mà nhất là nhằm biến đổi con người tận gốc rễ và dẫn đưa từ cảnh hỗn loạn đến đức khôn ngoan, từ tình trạng tội lỗi đến sự thánh thiện, từ đau khổ tới hạnh phúc, từ việc suy xét những cảnh rợn rùng trong Địa Ngục tới chiêm ngắm các Mối phúc thật trên Thiên Đàng".
Trong một thời điểm lịch sử đầy căng thẳng giữa các dân tộc, Đức Giáo hoàng đã lưu tâm đến lý tưởng hòa bình và được tìm thấy trong tác phẩm của Thi Hào một phản ánh quý giá để thúc đẩy và khơi dậy nó: "Sự bình an vốn liên quan tới các cá nhân, các gia đình, các quốc gia, tới xã hội loài người, bình an nội tâm cũng như bình an bên ngoài, bình an của từng người cũng như bình anh nơi công cộng. Trật tự hòa bình này bị xáo trộn và lung lay bởi vì lòng đạo đức và công lý bị coi thường. Vì thế, để tái lập trật tự này cũng như thực hiện ơn cứu độ, thì lương tâm thức tỉnh về tình trạng sống của nhân loại trên trần gian cần được soi dẫn trong sự tương tác hài hòa giữa đức tin và lý trí, giữa Thiện Bích và Vinh Dự Lưu, giữa Thập Giá và Đại Bàng, giữa Giáo Hội và Đế Quốc". Trong dòng này, Ngài đã định nghĩa Thi Phẩm dưới góc độ hòa bình như sau:
"Chắc chắn rằng Thần Khúc là thi phẩm của hòa bình: là ca khúc sầu thảm về bình an bị đánh mất vĩnh viễn trong Địa Ngục; là ca khúc du dương về bình an mà con người khao khát hướng tới trong Luyện Ngục; và Thiên Đàng hiển nhiên là ca khúc tuyệt diệu tán dương sự bình an đạt được cách trọn vẹn và vĩnh viễn".
▓ Mô hình tác phẩm Thần Khúc
Theo quan điểm này, Đức Giáo hoàng tiếp tục: "Chính vì thế, thi phẩm này bận tâm đến việc thanh tẩy mọi khía cạnh của xã hội, với việc khẳng định tự do giải phóng khỏi ách nô lệ của sự dữ, và nó thúc đẩy tâm hồn biết tìm kiếm và mến yêu Thiên Chúa trong việc sử dụng xứng đáng những hồng ân của Người, dù là những quà tặng liên quan tới lịch sử, hay những hồng ân liên quan tới mọi khía cạnh cuộc sống. [...] tuyên xưng một bảng định giá và một hệ thống thăng tiến tất cả những gì là nhân bản". Nhưng Đức Phaolô VI còn nhắc lại những điều khác chính là những phẩm chất trong chủ nghĩa nhân văn của Dante: "Trong Dante Alighieri không những thừa nhận mà còn tôn vinh tất cả những giá trị nhân văn (trí tuệ, đạo đức, tình cảm, văn hóa, văn minh). Điều đáng lưu ý ở đây là những điều thiện hảo này đều được đánh giá và được quý mến khi ông trầm mình trong Thần Linh, nơi mà việc chiêm niệm có thể xa rời những yếu tố trần gian". Do đó, Đức Giáo hoàng đã công minh tuyên bố danh hiệu Thi Hào Tuyệt Đỉnh và định nghĩa tính từ thần thánh gán cho Thần Khúc, cũng như công bố Dante là "chúa tể của Ca Khúc Tuyệt Đỉnh", trong chính Tông thư.
Hơn nữa, bằng cách đánh giá những phẩm chất nghệ thuật và văn chương phi thường của Dante, Đức Phaolô VI đã khẳng định lại một nguyên tắc mà nhiều lần được Ngài khẳng định: "thần học và triết học đều có một tương quan khác với thơ ca, hệ tại ở điều này: khi vẻ đẹp trao tặng cho học thuyết những nét trang trí và tấm áo choàng của nó- khi thì bằng vẻ êm dịu của ca khúc, khi thì với những hình ảnh nghệ thuật gợi hình,- nó sẽ mở đường cho nhiều người tiếp cận những giáo huấn quý báu. Những phân tích cao siêu và những lý luận tinh vi không tới được những người hèn mọn, -dẫu rằng họ là số đông-, vốn luôn khao khát ăn bánh chân lý. Ngược lại, họ cảm nhận được, nếm được, đánh giá được công hiệu và quà tặng của vẻ đẹp; và chính qua con đường này, mà chân lý tỏa sáng cho họ và nuôi dưỡng họ. Chính tác giả của ca khúc tuyệt đỉnh đã đảm nhận và thực hiện công việc này, vì thế, vẻ đẹp trở thành nữ tì của sự thiện và của chân lý, và sự thiện là chất liệu của vẻ đẹp". Cuối cùng, trích dẫn Thần Khúc, Đức Phaolô VI đã kêu gọi mọi người: "Hãy tôn vinh Thi Hào Tuyệt Đỉnh!" (Thần Khúc Địa Ngục, Ca Khúc IV, 80).
Về Thánh Gioan Phaolô II, người đã nhiều lần đưa các tác phẩm của Thi Hào Tuyệt Đỉnh trong các bài diễn từ của Ngài, tôi chỉ xin nhắc lại sự kiện ngày 30 tháng 5 năm 1985 tại lễ khánh thành triển lãm Dante ở Vatican . Cũng như Đức Phaolô VI, Ngài nhấn mạnh thiên tài nghệ thuật: "Tác phẩm của Dante được minh giải như là "một thực tại tưởng tượng, vốn nói về đời sống ở thế giới bên kia và về mầu nhiệm của Thiên Chúa với sức mạnh tư tưởng thần học, được biến đổi bởi ánh quang huy hoàng của nghệ thuật và thơ ca kết hợp với nhau". Sau đó, Đức Giáo hoàng tạm dừng để xem xét một thuật ngữ chìa khóa trong tác phẩm của Dante: "Thần hóa. Đây là nỗ lực tột cùng của Dante: để đảm bảo rằng sự nặng nề của con người không phá hủy chất thiêng liêng trong chúng ta, cũng như sự vĩ đại của thần thánh không phá bỏ giá trị của con người. Vì lý do này, Thi Hào đã đọc đúng câu chuyện của cá nhân mình và của toàn thể nhân loại bằng từ chìa khóa thần học".
Đức Biển Đức XVI thường đề xuất lại hành trình của Dante, lấy ý tưởng từ các tác phẩm của ông để suy tư và chiêm niệm. Ví dụ, khi nói về Thông điệp Deus caritas est đầu tiên của mình, Ngài bắt đầu từ chính viễn tượng của Dante về Thiên Chúa, trong đó "ánh sáng và tình yêu là một" để tái đề xuất một suy tư của Ngài về sự mới mẻ trong thi phẩm của Dante: "Cái nhìn của Dante trực giác thấy một điều hoàn toàn mới [...]. Ánh sáng vĩnh cửu hiển hiện trong ba vòng tròn mà ông đề cập đến trong những câu thơ đặc sắc mà chúng ta biết:
Hỡi Ánh Sáng vĩnh hằng tỏa linh hứng
Chỉ trong Người mới hiểu được Người thôi
Người thấu hiểu! Yêu say đắm! Mỉm cười!
Người hiểu Người và chỉ Người thấu hiểu!
(Thần Khúc Thiên Đàng XXXIII, 124-126).
Trên thực tế, thậm chí còn gây sốc hơn về mặc khải của Thiên Chúa như một vòng tròn tri thức và tình yêu Ba Ngôi là nhận thức về một khuôn mặt con người - khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô - xuất hiện với Dante trong vòng tròn trung tâm của Ánh sáng. [...] Vị Thần này có một khuôn mặt con người và - chúng ta có thể thêm vào - một trái tim con người". [6] Đức Giáo Hoàng nêu bật tính độc đáo của thị kiến của Dante trong đó nét mới mẻ của kinh nghiệm Kitô giáo, nảy sinh từ mầu nhiệm nhập thể, được truyền đạt một cách thi vị: "Sự mới mẻ của một tình yêu đã thúc đẩy Thiên Chúa mang một khuôn mặt con người, thực sự là cả máu thịt, toàn thể con người ". [7]
Về phần mình, trong Thông điệp đầu tiên, Lumen fidei, [8] tôi đã nói đến Dante để thể hiện ánh sáng của đức tin, trích dẫn câu thơ trong Thiên Đàng, trong đó nó được mô tả là:
"Tia sáng chân lý bừng lên như ngọn lửa
Cháy trong tôi như sao giữa trời đêm".
(Thần Khúc Thiên Đàng XXIV, 145-147).
Nhân dịp 750 năm ngày sinh của Thi Hào, tôi muốn tôn vinh tưởng nhớ ông với một thông điệp, hy vọng rằng "hình bóng Alighieri và tác phẩm của ông sẽ được hiểu và đánh giá một cách mới mẻ"; và tôi đã đề xuất đọc Thần Khúc như là "một hành trình vĩ đại, thực sự là một cuộc hành hương đích thực, dù mang tính cá nhân và nội tâm, cũng như mang tính cộng đồng, giáo hội, xã hội và lịch sử "; trên thực tế, "nó đại diện cho mô hình của mọi cuộc hành trình đích thực, trong đó nhân loại được kêu gọi rời bỏ cái mà Dante định nghĩa là "thảm họa vốn làm cho chúng ta trở nên hung dữ" (Thiên Đàng ca khúc XXII, 151) để đạt đến một tình trạng mới, được đánh dấu bằng sự hòa hợp, an bình và hạnh phúc". [9] Do đó, tôi đã chỉ ra chân dung của Thi Hào Tuyệt Đỉnh cho những người đương thời với chúng ta, khi đề xuất ông là "Tiên tri của hy vọng, người báo trước về khả năng cứu chuộc, giải phóng, về sự thay đổi sâu sắc của mọi người nam và nữ, của toàn thể nhân loại". [10]
Cuối cùng, vào ngày 10 tháng 10 năm 2020, Phái đoàn của Tổng giáo phận Ravenna-Cervia, nhân dịp khai mạc Năm Dante và công bố tài liệu này, tôi đã nhận định công trình của Dante ngày nay có thể thậm chí vẫn còn làm phong phú cho lòng trí của rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ. Những người tiếp cận thơ ông "chừng nào có thể tiếp cận được, thì chắc chắn, không tránh khỏi, họ sẽ thấy, một mặt, tất cả sự xa cách với tác giả và thế giới ấy; và mặt khác, họ lại cảm nhận được một sự đồng điệu đáng ngạc nhiên" [11]
2. Cuộc đời của Dante Alighieri, kiểu mẫu về thân phận con người
Với Tông thư này, tôi cũng mong muốn được tiếp cận cuộc đời và tác phẩm của Nhà thơ lừng lẫy để cảm nhận chính sự đồng điệu này. Qua đó, ta thấy cả tính thời sự và vĩnh cửu của thi phẩm, để nắm bắt được những cảnh báo và những suy tư mà ngày nay vẫn còn cần thiết không chỉ cho những người tín hữu mà cho toàn thể nhân loại. Công trình của Dante, trên thực tế, là một phần không thể thiếu của nền văn hóa chúng ta. Nó đề cập đến chúng ta về nguồn gốc Kitô giáo của Châu Âu và Phương Tây. Nó đại diện cho kho tàng của những lý tưởng và giá trị mà ngay cả Giáo hội và xã hội dân sự ngày nay cũng đề xuất làm nền tảng cho đời sống chung mang tính nhân bản, trong đó tất cả chúng ta có thể và phải nhìn nhận nhau là anh em. Không đi sâu vào những phức tạp lịch sử cá nhân, chính trị và pháp lý của Alighieri, tôi chỉ muốn nhắc lại một số khoảnh khắc và sự kiện trong cuộc đời ông, mà dường như đặc biệt gần gũi với rất nhiều người cùng thời với chúng ta cũng như là cần thiết để hiểu tác phẩm của ông.
Tại thành phố Firenze, nơi ông sinh ra vào năm 1265 và nơi ông kết hôn với bà Gemma Donati và sinh ra bốn người con. Ngay từ đầu, ông đã có một cảm thức gắn bó sâu sắc với quê hương, tuy nhiên, do những bất ổn chính trị, theo thời gian ông đã trở thành kẻ lưu vong lạc lõng. Tất nhiên, khao khát trở lại quê hương không bao giờ hao mòn, không chỉ vì tình cảm mà ông không ngừng dành cho quê mình, nhưng trên hết là để được trao vương miện thi sĩ nơi ông đã được lãnh nhận Bí tích rửa tội và đức tin (x. Thiên Đàng XXV, 1-9). Trong tiêu đề của một số bức thư (III, V, VI và VII), chính Dante xác định mình là "florentinus et exul inmeritus" (người Firenze bị lưu đày bất công), còn trong thư XIII, gửi đến Cangrande della Scala, ông xác định mình là "Florentinus natione non moribus"(người Firenze được sinh ra chứ không do sinh sống). Ông, một người theo phe Guelph trắng, thấy mình có liên quan đến cuộc xung đột giữa người Guelph và Ghibellini, giữa những người Guelph Trắng và Guelp Đen. Sau khi nắm giữ các chức vụ công ngày càng quan trọng, lên đến chức viện trưởng thẩm phán. Do những biến cố chính trị bất lợi, vào năm 1302, ông bị lưu đày trong hai năm, bị cấm đến công sở và bị kết án phải trả tiền phạt. Theo quan điểm của mình, Dante bác bỏ phán quyết là bất công, và điều đó càng làm cho hình phạt trở nên gay gắt hơn: bị lưu đày vĩnh viễn, tịch thu tài sản và án tử hình trong trường hợp trở về quê hương. Đó là khởi đầu câu chuyện đau đớn của Dante, người cố gắng vô vọng để có thể trở lại với quê hương Firenze yêu dấu, nơi ông đã chiến đấu với niềm đam mê.
Do đó, ông trở thành kẻ lưu đày, "người hành hương trầm ngâm", rơi vào tình trạng "nghèo khổ đau đớn" (Convivio I, III, 5) khiến ông phải tìm nơi ẩn náu nơi một số lãnh chúa địa phương, bao gồm cả Scaligeri của Verona và Malaspina ở Lunigiana. Theo lời của Cacciaguida, tổ tiên của Nhà thơ, cay đắng và lo lắng nhận thấy trong điều kiện mới này:
"Phải rời xa những gì yêu quý nhất
Như mũi tên bắn vào kiếp lưu đày
Đây khởi đầu trăm ngàn nỗi đắng cay
Con sẽ thấy như ăn mày kẻ khác
Từng miếng cơm nếm mùi vị mặn chát
Từng bước chân cầu thang thật nặng nề".
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XVII 55-60)
Rồi, do không chấp nhận những điều kiện nhục nhã của một lệnh ân xá cho phép ông trở lại thành Firenze, trong năm 1315 một lần nữa ông bị kết án tử hình, lần này là cùng với những đứa con tuổi niên thiếu của mình. Chặng cuối cùng ông phải lưu đày là thành Ravenna, nơi ông được Guido Novello da Polenta chào đón, và nơi ông qua đời, sau nhiệm vụ trở về từ thành Venice, ở tuổi 56, vào đêm giữa ngày 13 và ngày 14 tháng 9 năm 1321. Ông được mai táng trong mộ bên đền thờ Thánh Phêrô Cả, gần bức tường bên ngoài của tu viện dòng Phanxicô cổ. Sau đó, hài cốt được chuyển đến một ngôi đền liền kề vào thế kỷ XVIII, nơi mà, sau những biến cố đau khổ, vào năm 1865, hài cốt của ông đã được thu thập lại. Ngày nay nơi đây vẫn là điểm đến của vô số du khách và những người ngưỡng mộ Thi Hào Tuyệt Đỉnh, cha đẻ của ngôn ngữ và Văn học Ý.
Trong cuộc đời lưu vong, tình yêu dành cho thành phố quê hương, bị "những người đồng hương khét tiếng" (Ep . VI, 1) phản bội, đã biến thành nỗi buồn hoài cổ. Sự thất vọng sâu sắc vì sự sụp đổ của các lý tưởng chính trị và dân sự nơi ông cùng với cuộc lữ hành đau đớn từ thành này đến thành khác để tìm nơi ẩn náu và hỗ trợ không phải là điều xa lạ với tác phẩm văn học và thơ ca của ông, thậm chí chúng tạo thành gốc rễ thiết yếu và động lực cơ bản cho các tác phẩm ấy. Khi Dante mô tả những người hành hương trên đường đến thăm các thánh địa, một cách nào đó, nó đại diện cho tình trạng hiện hữu và thể hiện tình cảm sâu kín nhất của ông: "Ôi, những người hành hương vừa đi vừa trầm tư..." (Vita Nova, 29 [XL (XLI), 9], câu 1). Mô típ này trở lại nhiều lần, như trong câu phần Luyện ngục:
"Như đoàn hành hương gặp những kẻ không quen
Ngoái cổ nhìn mà không dừng lại"
(Luyện Ngục, Ca Khúc XXIII, 16-18).
Nỗi sầu muộn của Dante lữ hành và lưu vong cũng được cảm nhận trong những câu thơ nổi tiếng của Ca khúc VIII Luyện Ngục:
"Nghiêng nghiêng bóng ngả giăng màn
Thuyền xa khơi sóng sánh tràn hoàng hôn
Trầm đưa văng vẳng lầu chuông
Vẳng lan điệu nhớ, trầm buông cuống chiều".(VIII, 1-3).
Khi chiêm nghiệm sâu sắc về hoàn cảnh sống lưu vong của cá nhân mình, về sự bấp bênh triệt để, về sự mong manh yếu đuối, về sự di chuyển liên tục, Dante đã biến đổi nó, thăng hoa nó, thành một kiểu mẫu về tình trạng con người, thể hiện như một cuộc hành trình, nội tâm hơn là ngoại tại, không bao giờ dừng lại cho đến khi đạt được mục tiêu. Chúng tôi bắt gặp, do đó, trong hai chủ đề cơ bản trong tất cả các tác phẩm của Dante: điểm khởi đầu của mọi hành trình hiện sinh, ước muốn bẩm sinh trong tâm hồn con người, và điểm đến, hạnh phúc, được ban cho qua thị kiến về Tình yêu là Thiên Chúa.
Nhà thơ tối cao, dù trải qua những biến cố kịch tính, đau buồn và khốn khổ nhưng không bao giờ cam chịu, ông không bao giờ khuất phục, không chấp nhận kìm nén khao khát hạnh phúc viên mãn âm ỉ trong lòng, cũng không cam chịu nhượng bộ bất công, đạo đức giả, sự kiêu ngạo quyền lực, ích kỷ làm cho thế giới của chúng ta "góc sân đình bon chen gian ác" (Thần Khúc Thiên Thiên Đàng, Ca Khúc XXII, 151).
3. Sứ mệnh của Nhà thơ, nhà tiên tri của hy vọng
Do đó, Dante đọc lại cuộc đời của chính mình trên hết dưới ánh sáng đức tin, cũng khám phá ra ơn gọi và sứ mệnh được giao phó cho mình, mà thật nghịch lý, vì một người dường như đã thất bại và thất vọng, một tội nhân và thất vọng, ông trở thành một nhà tiên tri của hy vọng. Trong Thư gửi Cangrande della Scala, ông minh định, hết sức rõ ràng, mục đích công việc của ông. Điều đó không còn được thể hiện thông qua các hành động chính trị hoặc quân sự nhưng nhờ thơ ca, nghệ thuật ngôn từ cho tất cả, có thể thay đổi tất cả mọi người: "Chúng ta phải nói ngắn gọn rằng mục đích của toàn bộ và từng phần của tác phẩm là giúp những người sống trong cuộc đời này thoát khỏi tình trạng khốn khổ và đưa họ đến trạng thái hạnh phúc" (XIII, 39 [15]). Mục đích này đặt ra một con đường giải phóng khỏi mọi tình trạng khốn khổ và suy thoái của con người ("khu rừng tăm tối") đồng thời hướng đến mục tiêu cuối cùng: hạnh phúc, được hiểu cả là cuộc sống viên mãn trong lịch sử và như niềm hạnh phúc vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Với mục đích kép của chương trình sống táo bạo này, Dante là một sứ giả, nhà tiên tri và nhân chứng đã được trao sứ mệnh từ nàng Thiện Bích:
Chàng đừng quên chú ý khải hoàn xa
Khi về dưới đó chàng sẽ viết ra
Tất cả những gì tai nghe mắt thấy".
(Thần Khúc Luyện Ngục, Ca Khúc XXXII, 103-105).
Cacciaguida, tổ tiên của ông, cũng khuyên ông không được chùn bước cho sứ mạng của mình. Gửi nhà thơ, người nhớ lại thoáng qua cuộc hành trình của mình trong ba cõi của thế giới bên kia, và những gì ông thấy khó khăn khi truyền đạt những sự thật gây đau đớn, khó chịu đó, vị tổ tiên nổi tiếng trả lời:
"Những lương tâm mờ ám đáng xấu hổ
Bởi việc mình gây ra hay bất cứ ai
Lời con nói họ nghe phát chói tai.
Đừng vì thế mà quanh co nói dối
Hãy nói ra những gì con xem thấy
Cho phường ghẻ lở phải gãi thôi"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XVII, 124-129).
Trong phần Thiên Đàng, thánh Phêrô cũng thúc đẩy Dante tương tự để ông can đảm sống sứ mệnh tiên tri của mình, sau một cuộc phản công khủng khiếp chống lại Giáo hoàng Boniface VIII, thì thánh nhân đã hướng về Nhà thơ:
"Còn phần con, hỡi con trai yêu quý
Qua thập tử nhất sinh về dương gian
Hãy lên tiếng điều ta đã truyền ban
Đừng che giấu điều tai nghe mắt thấy"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXVII, 64-66).
Do đó, việc tố cáo và chỉ trích những người đó cũng được đưa vào sứ mệnh tiên tri của Dante, dù là các tín hữu, hay cả Giáo hoàng, những người phản bội sự trung thành với Chúa Kitô và biến Giáo hội thành công dụng cho lợi ích vị kỷ, quên đi tinh thần của các Mối phúc và lòng bác ái đối với những người nhỏ bé và người nghèo và thần tượng hóa những người quyền lực và giàu có:
"Hết những gì mà Giáo hội quản lý
Để dành cho Dân Chúa đến cầu xin
Chứ đâu phải để phì gia vinh thân
Hay để làm điều gì tồi tệ khác"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXII, 82-84).
Nhưng qua lời kể của Thánh Pier Damiani, Thánh Biển Đức và Thánh Phêrô, trong khi tố cáo sự thối nát của một số thành phần trong Giáo hội, thì thi hào cũng loan báo cuộc đổi mới sâu sắc và khẩn cầu ơn Chúa quan phòng phù trợ cho thành hiện thực:
"Nhưng nhờ ơn quan phòng trên cao thẳm
Cho Đấng kia xuất hiện ở Roma
Sẽ sớm thôi như ta đã nói ra
Sẽ gìn giữ vinh quang của thế giới"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXVII, 61-63)
Dante, kẻ lưu vong, người hành hương, mong manh yếu đuối, nhưng bây giờ ông mạnh mẽ trong trải nghiệm vừa sâu sắc vừa thân mật; kinh nghiệm ấy đã biến đổi ông, tái sinh ông nhờ thị kiến từ đáy Địa Ngục, từ thân phận con người suy thoái tột cùng đã nâng ông lên thị kiến chính Thiên Chúa, do đó, ông đứng lên như một sứ giả về một hiện sinh mới, như một nhà tiên tri của một nhân loại mới khao khát hòa bình và hạnh phúc.
4. Dante ca sĩ của khát vọng con người
Dante biết cách đọc trong sâu thẳm trái tim con người và trong tất cả mọi người, ngay cả trong những nhân vật đáng kinh ngạc và đáng lo ngại nhất. Ông có thể nhìn thấy một tia sáng khát khao đạt được một niềm hạnh phúc nào đó, một cuộc sống viên mãn. Ông dừng lại để lắng nghe những linh hồn gặp gỡ trên đường, đối thoại với họ, hỏi họ để xác định và tham gia vào những đau khổ của họ hoặc trong hạnh phúc của họ. Khởi đi từ tình trạng cá nhân của mình, ông đã trở thành người giải thích niềm khát khao chung của mọi người, muốn tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi đạt được bến đỗ cuối cùng. Điều đó tiếp nối đến khi sự thật, lời giải đáp cho ý nghĩa cuộc đời được tỏ lộ, để như thánh Augustino đã khẳng định, lòng người không được yên nghỉ cho đến khi nghỉ yên nơi Chúa.
Trong tác phẩm Bữa Tiệc-Convivio, ông phân tích chính xác tính năng động của ước muốn: "Ước muốn tột cùng của tất cả, và trên hết từ bản chất được phú bẩm, là trở về với căn nguyên của nó. Tất nhiên, Thiên Chúa là nơi khởi đầu của linh hồn chúng ta [...], thì linh hồn khát mong nhất là được trở lại với Ngài. Đúng như một người hành hương đi trên đường mà anh ta chưa từng đến, anh thấy mọi ngôi nhà nhìn xa xa đều tin rằng đó là quán trọ, và khi không tìm thấy nhà này, anh lại hướng đến nhà khác. Cứ thế từ nhà này sang nhà khác, cho đến khi tới quán trọ; tâm hồn của chúng ta cũng vậy. Trong hành trình mới và chưa bao giờ có ai từng đi qua, nó hướng mắt về điều thiện tốt đẹp nhất của mình ở cùng đích hành trình. Do đó, bất cứ điều gì nó thấy có một số điều có vẻ tốt, thì nó đều tin rằng đó là cùng đích" (IV, XII, 14-15).
Hành trình của Dante, đặc biệt là hành trình được minh họa trong Thần Khúc, thực sự là hành trình khát vọng, về nhu cầu sâu sắc và nội tâm để thay đổi chính cuộc đời mình, để đạt được hạnh phúc. Như thế là tìm thấy con đường cho những ai kiếm tìm, giống như chính ông, trong một "khu rừng tối tăm" và đã lạc mất "chính đạo". Nó cũng có ý nghĩa rằng, ngay từ chặng đầu tiên của cuộc hành trình này, người hướng đạo, thi hào Latinh vĩ đại Virgilio, đã chỉ cho ông điểm đến mà ông phải đến, thúc giục ông không được nhượng bộ vì sợ hãi và mệt mỏi:
"Còn ngươi sao nản lòng chuyện rối bời ?
Sao không hướng đỉnh thiên khơi ?
Sao không về bến rạng ngời hạnh phúc?"
(Thần Khúc Địa Ngục, Ca Khúc I, 76-78).
5. Thi sĩ về lòng thương xót của Thiên Chúa và tự do của con người
Đó không phải là một con đường viển vông hay ảo tưởng mà thực tế và khả thi. Trong đó, mọi người đều có thể bước vào, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa luôn cho khả năng thay đổi, hoán cải, tìm lại chính mình và tìm đường trở lại hạnh phúc. Đáng chú ý, về mặt này, một số tình tiết và nhân vật trong Thần Khúc, biểu hiện như không một ai trên trần gian bị loại trừ khỏi con đường ấy. Ở đây, ví dụ, hoàng đế Traiano, ngoại giáo nhưng được đặt ở Thiên Đàng. Dante biện minh cho sự hiện diện này theo cách:
"Bởi Nước Trời phải mạnh mới chiếm được
Bằng tình yêu và hi vọng tràn trào
Chiến thắng được cả Thiên Ý tối cao
Không theo kiểu phàm nhân quen bạo lực
Nhưng chiến thắng bằng cách bị chinh phục
Chịu khuất phục là chiến thắng nhân từ".
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XX, 94-99).
Cử chỉ từ thiện của Traiano đối với một "góa phụ" (45), hay "giọt nước mắt" ăn năn đổ xuống lúc chết bởi Buonconte Montefeltro (Luyện Ngục, Ca Khúc V, 107) không chỉ thể hiện lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa, mà còn xác nhận rằng con người luôn có thể lựa chọn, với tự do của mình, đi theo con đường nào và số phận nào xứng đáng.
Trong ánh sáng này, Vua Manfredi, được Dante đặt trong Luyện ngục, có ý nghĩa quan trọng, do đó gợi lên kết cục của chính ông và phán quyết thiêng liêng:
"Khi thân ta bị đâm thâu hằn hai mũi kiếm hiểm sâu chí tử
Máu hòa suối lệ ta hướng lòng về Đấng cứu đời xót thương.
Ôi ta tội lỗi khôn lường!
Nhờ Lượng Cả trùng dương đoái nhìn
Nhờ lời tha thiết van xin gột rửa tấm linh hồn vấy máu"
(Thần Khúc Luyện Ngục, Ca Khúc III, 118-123).
Dường như người ta thấy bóng dáng người cha nhân hậu trong dụ ngôn Phúc âm, mở rộng vòng tay sẵn sàng đón người con hoang đàng trở về với mình (x . Lc 15,11-32).
Dante đấu tranh cho phẩm giá của mỗi con người và tự do là điều kiện cơ bản dù là lựa chọn cuộc sống hay là lựa chọn của chính đức tin. Số phận vĩnh cửu của con người - Dante gợi ý, kể cho chúng ta những câu chuyện về nhiều nhân vật, nổi tiếng hay ít được biết đến - phụ thuộc vào sự lựa chọn của anh ta, tự do của anh ta: ngay cả những cử chỉ hàng ngày và rõ ràng là không đáng kể, chúng có một phạm vi vượt thời gian, chúng được phóng chiếu vào không gian vĩnh cửu. Món quà lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho con người để con người có thể đạt được mục tiêu cuối cùng chính là tự ơn do, như nàng Thiện Bích khẳng định:
"Hồng ân ban tuyệt nhất cho nhân thế
Không chỉ là được mang hình ảnh Chúa
Nhưng chính là quyền quyết định tự do"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc V, 19-22).
Đó không phải là những lời khẳng định khoa trương hay viển vông, bởi vì chúng phát xuất từ chính cuộc đời của người đã biết đến cái giá của tự do:
"Thân kia suốt mấy mươi năm
bôn ba xuôi ngược chỉ nhằm Tự Do"
(Thần Khúc Luyện Ngục, Ca Khúc I, 71-72).
Nhưng Alighieri nhắc nhớ chúng ta rằng tự do không phải là cùng đích, mà chỉ là điều kiện để tiếp tục tiến lên. Hành trình qua ba vương quốc minh họa hết sức sống động chính sự vươn lên này, cho tới khi chạm tới Trời, đạt tới hạnh phúc viên mãn.
Những "ước muốn cao cả" (Luyện Ngục XXII, 61), khuấy động bởi sự tự do, không thể dập tắt, trừ khi đối mặt với mục tiêu, trước thị kiến cuối cùng và hạnh phúc:
"Vì ham muốn tột cùng được như ý
Trọn vẹn hòa trong Ánh Cửu khôi nguyên
Lòng không còn thấy khao khát gì thêm
Quên phù vân, hiệp nhất trong toàn hảo".
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 46-48).
Khát khao sau đó trở thành lời cầu nguyện, khẩn nài, lời chuyển cầu, một khúc ca đi kèm và đánh dấu hành trình của Dante, cũng như lời cầu nguyện phụng vụ đánh dấu thời khắc và khoảnh khắc trong ngày. Diễn giải về Kinh Lạy Cha mà Thi Hào đề xuất (Luyện Ngục Ca Khúc XI, 1-21) đan xen Bản văn Tin Mừng với kinh nghiệm cá nhân, với những khó khăn và đau khổ:
"Nguyện Nước Cha tuôn thánh ân hòa quyện
Xuống muôn loài khao khát được thỏa thuê
Bởi "mưu sự tại nhân" lắm ê chề
Xin phó dâng "thành sự tại Thiên" giới.
Xin ban xuống Man-na đầy linh dược
Cho từng ngày bồi bổ sức tâm thân
Xin thứ tha dù tái phạm muôn lần
Dạy chúng con luôn sẵn sàng tha thứ".
(Thần Khúc Luyện Ngục, Ca Khúc XI 7-8.13-15).
Tự do của người tin vào Thiên Chúa là Cha nhân từ, không thể không phó thác chính mình cho Ngài trong lời cầu nguyện, ít nhất sự tự do ấy không bị tổn thương, mà được củng cố.
6. Hình ảnh con người trong thị kiến Thiên Chúa
Trong hành trình của Thần Khúc, như đã được Đức Giáo hoàng Benedict XVI nhấn mạnh, hành trình của tự do và của lòng khao khát, như người ta có thể tưởng tượng, không đơn giản là một sự suy đồi nhân tính cụ thể, không tự tha hóa, không hủy bỏ hoặc bỏ qua những gì đã được tạo nên trong sự hiện hữu lịch sử. Thực vậy, ngay ở phần Thiên Đàng, Dante tái hiện các bậc chân phước - như những "voan trắng" (XXX, 129) – trong dáng vẻ hữu hình của các ngài, gợi lên tình cảm và cảm xúc, vẻ ngoài và cử chỉ của các ngài, cho chúng ta thấy, nói tóm lại, tính nhân văn trong sự hoàn thiện cả linh hồn và thể xác, điều đó báo trước sự phục sinh của thân xác. Thánh Bê-na-đô, người đồng hành cùng Dante trong phần cuối của cuộc hành trình, cho Nhà thơ thấy những đứa trẻ hiện diện trong bông hồng của những người được chúc phúc và mời gọi ông quan sát và lắng nghe họ:
"Con có thấy những gương mặt ngời sáng
Con có nghe những cung giọng trẻ thơ
Nếu con nhìn và lắng nghe chăm chú"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXII, 46-48).
Dường như chuyển động như thế này chứng tỏ bản thân những người được diễm phúc trong tính nhân bản trọn vẹn ngời sáng của họ không chỉ được thúc đẩy bởi tình cảm yêu thương dành cho những người thân yêu, mà trên hết là ước muốn rõ ràng muốn nhìn thấy lại thân thể của họ, những đặc điểm trần thế của họ:
"Ngày tán loạn hợp nhất lại tâm thân
Để thấy mẹ, thấy cha, thấy người mình yêu mến
Trước khi hợp cùng ánh sáng thiên thu".
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XIV, 63-66).
Và cuối cùng, ở trung tâm thị kiến tối thượng, trong cuộc gặp gỡ với Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Dante chỉ nhìn thấy một Gương mặt Con Người, Gương mặt Chúa Kitô, của Ngôi Lời vĩnh cửu đã hóa thành xác thịt trong lòng Đức Mẹ Maria:
"Khi toàn tâm chìm đắm trong thần hiển
Màu huyền vi biến hóa theo mắt thơ
Tôi thấy ba vòng toàn bích hiện ra
Cùng chu vi với ba màu khác biệt
(...)
Như bác học tọa thiền toàn tâm trí
Mà không đo được kích thước vòng tròn
Tôi cũng thế cứ đoán già đoán non
Hình Con Người khớp vòng tròn sao được!"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 115-117.127-131).
Chỉ trong visio Dei -Thị kiến Thiên Chúa thì khao khát của con người mới được xoa dịu và kết thúc tất cả cuộc hành trình mệt mỏi của mình:
"Hồn tôi bay tới đây đành bất lực
Chợt ánh quang giác ngộ rực chói lòa
Ôi ân sủng! Ước muốn lại thăng hoa
Mà trí phàm, siêu tưởng, đành câm nín"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 140-142).
Mầu nhiệm Nhập thể, mà chúng ta cử hành ngày nay, là trung tâm cảm hứng thực sự và là hạt nhân cốt yếu của tất cả thi phẩm. Trong đó người ta nhận ra điều mà các Giáo phụ gọi là "thần hóa", cuộc biến đổi diệu kỳ, sự trao đổi phi thường. Theo đó, trong khi Chúa đi vào lịch sử của chúng ta bằng cách mặc lấy xác phàm, thì con người, với thân xác của mình, có thể đi vào thực tại thiêng liêng, được tượng trưng bằng bông hồng của những người diễm phúc. Nhân loại, trong nét cụ thể, với cử chỉ và lời nói hàng ngày, với trí thông minh và tình cảm của mình, với cơ thể và cảm xúc, được tháp nhập trong Chúa, nơi con người tìm thấy hạnh phúc thực sự và sự viên mãn cuối cùng, đầy đủ, mục tiêu của toàn bộ cuộc hành trình. Dante đã mong muốn và thấy trước mục tiêu này khi bắt đầu chạm tới Thiên Đàng:
"Lòng khát khao rực cháy lên vô hạn
Được cung chiêm mầu nhiệm nhập thể xưa
Khi nhân tính trong thần tính hòa bưa
Mắt phàm trần chỉ thấy bằng tin kính".
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc II, 40-45).
7. Ba người phụ nữ của Thần Khúc: Maria, Thiện Bích[1], Lucia
Hát về mầu nhiệm Nhập thể, nguồn cứu rỗi và niềm vui cho toàn thể nhân loại, Dante không thể không hát những lời ca ngợi Đức Maria, Đức Mẹ Đồng trinh, với hai tiếng "xin vâng", đã hoàn toàn đón nhận chương trình của Thiên Chúa, qua đó, Ngôi Lời có thể trở nên xác phàm. Trong tác phẩm của Dante, chúng ta tìm thấy một luận đề rất đẹp về Thánh mẫu học: với những giọng trữ tình rất cao, đặc biệt là trong lời cầu nguyện do Thánh Bê-na-đô cất lên, ngài tóm tắt toàn bộ suy tư thần học về Đức Maria và sự tham dự của Mẹ vào mầu nhiệm Thiên Chúa:
"Ôi Mẫu Trinh tuyệt vô song trời đất
Cực khiêm nhường, cực thánh, cực cao sang
Mẹ cứu sinh, nương tử Chúa Thiên Đàng
Ngai Vương Nữ, đường thấp hèn tôi tớ!
Đức Khôn Ngoan tiền định từ muôn thuở
Để nâng cao phẩm giá của người đời
Cho Thánh Linh rợp bóng hiến Ngôi Lời
Tình nhập thể đầu thai từ thuở ấy"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 1-6).
Đoạn khởi đầu và những câu tiếp theo với những từ đối nghĩa làm nổi bật vị thế và vẻ đẹp độc đáo của Đức Mẹ Maria.
Cũng Thánh Bê-na-đô, khi giới thiệu các vị chân phước đứng trong bông hồng huyền bí, đã mời gọi Dante chiêm ngưỡng Đức Maria, mà Ngài có đã chỉ ra các đặc điểm của con người giống Ngôi Lời Nhập Thể:
"Bây giờ con hãy ngước mắt cung chiêm
Gương mặt nào giống Chúa Kitô nhất
Gương mặt nào sáng ngời lên trác tuyệt"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXII, 85-87).
Mầu nhiệm Nhập thể một lần nữa được gợi lên bởi sự hiện diện của Tổng lãnh thiên thần Gabriel. Dante hỏi thánh Bê-na-đô:
Thiên thần đó là ai mà hoan hỉ
Say đắm nhìn trong đôi mắt Nữ Vương
Nhìn đắm say như sinh ra từ lửa?"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXII, 103-105).
và Ngài trả lời:
"Đó là vị đem theo cành vạn tuế
Loan tin cho Đức Mẹ Maria
Khi Con Chúa mặc xác phàm nhân thế" (Tiếp câu 112-114).
Việc đề cập đến Đức Maria là thường xuyên trong tất cả Thần Khúc. Trên hành trình Luyện Ngục, Mẹ là khuôn mẫu của các nhân đức đối lập với các thói hư tật xấu; là ngôi sao ban mai giúp thoát ra khỏi rừng âm u để đi về phía núi Thiên Chúa; là sự hiện diện thường xuyên, thông qua lời chuyển cầu của Mẹ:
"Tên loài hoa đẹp lung linh phẩm tiết
Tôi nguyện cầu luôn luôn cả sớm chiều"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXIII, 88-89)
-là đấng chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Dante không bao giờ đơn độc trong cuộc hành trình của mình, nhưng trước tiên ông để bản thân được hướng dẫn bởi Virgil, biểu tượng của lý trí con người, và do đó từ Thiện Bích và thánh Bênađô, giờ đây, nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria, có thể đến được quê hương và tận hưởng niềm vui trọn vẹn mong muốn trong từng giây phút hiện hữu:
"Tâm trí tôi như chìm đắm trong mơ
Dù mới nếm xuất thần qua giây lát"
(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 62-63).
Chúng ta không thể tự cứu mình, Nhà thơ dường như lặp lại với chúng ta, ý thức về sự thiếu sót của riêng mình:
"Tôi đáp rằng: "Sức riêng cháu không thể
Vị ngoài kia mới là thầy dẫn đường
(Thần Khúc Địa Ngục, Ca Khúc X, 60-61);
thật là cần thiết khi hành trình của chúng ta được những ai có thể đồng hành, hướng dẫn chúng ta bằng sự khôn ngoan và thận trọng.
Sự hiện diện của phụ nữ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh này. Khi bắt đầu hành trình mệt mỏi, Virgilio, người đầu tiên hướng dẫn, an ủi và khuyến khích Dante tiếp tục vì có ba người phụ nữ đã cầu bầu cho anh và sẽ hướng dẫn anh: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, nhân vật bác ái; Thiện Bích, biểu tượng của hy vọng; Thánh Lucia, hình ảnh của niềm tin. Do đó, với những lời cảm động, Thiện Bích tự giới thiệu:
Tiểu nương quê chín tầng mây
Xuống trần tế độ, xong bay trở về
"Yêu nhau vạn khó không nề
(Thần Khúc Địa Ngục, Ca Khúc II, 70-72),
khẳng định rằng nguồn duy nhất có thể ban cho chúng ta ơn cứu rỗi chính tình yêu, tình yêu thiêng liêng chuyển hóa tình yêu của con người. Nàng Thiện Bích sau đó đề cập đến ơn cầu thay của một người phụ nữ khác, Đức Trinh Nữ Maria:
"Bởi thiên cung có Đức Bà
Đầy lòng trắc ẩn, xót xa cảnh tù
Dứt lời cầu, hứa ra đi
Án phạt liền xóa tức thì trên cao!"(94-96).
Sau đó, thánh nữ Lucia can thiệp, người quay sang Thiện Bích:
Ôi Thiện Bích, diễm thần linh
Kìa mau xuống cứu người tình đắm say!
Như nai thương tích lưu đày
Nàng chưa nghe tiếng tơ bay ưu phiền ?! (103-105).
Dante thừa nhận rằng chỉ những ai được tình yêu lay động mới có thể thực sự hỗ trợ chúng ta trên cuộc hành trình và dẫn chúng ta đến ơn cứu rỗi, đến sự đổi mới đời sống và đến hạnh phúc.
8. Thánh Phanxicô - Hôn phu của Cô Nương Nghèo Khó
Trong bông hồng những vị chân phúc, ở trung tâm hình bóng Đức Maria, Dante cũng đặt nhiều vị thánh, trong đó làm nổi bật cuộc sống và sứ mệnh, đề xuất các Ngài như những nhân vật, trong nét cụ thể cuộc đời các Ngài và cũng trải qua muôn vàn thử thách, các Ngài đã đi đến cùng đích cuộc đời và ơn gọi của mình. Tôi chỉ xin ngắn gọn gợi lại Thánh Phanxicô Assisi, được minh họa trong Ca Khúc XI Thiên Đàng, nói về các linh hồn khôn ngoan.
Có một sự hòa hợp sâu sắc giữa Thánh Phanxicô và Dante: Một người thì cùng với các đệ tử, rời khỏi tu viện, đi gặp dân chúng qua đường làng, thành phố, rao giảng cho dân chúng, dừng lại ở các nhà; người thứ hai đưa ra lựa chọn, không thể hiểu được vào thời điểm đó, là sử dụng ngôn ngữ bình dân cho kiệt tác thi ca về thế giới bên kia và kể chuyện về những nhân vật nổi tiếng cũng như ít được biết đến, nhưng họ hoàn toàn bình đẳng về phẩm giá với những kẻ quyền thế trên trần gian. Một đặc điểm khác hợp nhất hai gương mặt này: cởi mở với vẻ đẹp và giá trị của thế giới sáng tạo, là tấm gương và "dấu tích" của Đấng tạo hóa. Làm sao mà không nhận ra trong "Hằng yêu thương hết thảy như Cha yêu/Hằng ngợi khen sướng vui như thiêng triều" của Dante diễn giải Kinh Lạy (Luyện Ngục Ca Khúc XI, 4-5) một tham chiếu đến Ca khúc vạn vật của Thánh Phanxicô?
Trong ca khúc XI của Thiên Đàng, sự đồng điệu này xuất hiện ở một khía cạnh mới, khiến chúng thậm chí còn giống nhau hơn. Sự thánh thiện và sự khôn ngoan của thánh Phanxicô nổi bật chính xác bởi vì khi Dante từ trời cao nhìn xuống trái đất, đã thấy lòng dạ hẹp hòi của những người tin cậy vào của cải trần thế:
Ôi những khát khao điên rồ trần thế
Xoáy bao hồn trong bể khổ chơi vơi
Vòng lý sự trói đôi cánh tâm hồn hụt hơi
Muôn kiếp xoay theo vòng nô lệ (1-3).
Toàn bộ lịch sử hay đúng hơn là "cuộc đời tuyệt vời" của vị thánh được tập trung vào chính mối quan hệ của ngài với Cô Nương Khó Nghèo:
"Ta muốn nói về cặp tình nhân: Phan Sinh và Bần Nương.
Họ tâm đầu ý hợp tuyệt vời, gương mặt rạng ngời hạnh phúc
Những cái nhìn trìu mến làm nảy sinh bao điều thánh thiện" (73-75).
Trong khúc ca về thánh Phanxicô, ghi dấu những khoảnh khắc đáng nhớ nổi bật của cuộc đời Ngài, những thử thách, và cuối cùng là sự kiện mà Ngài nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nghèo khó và bị đóng đinh trên thập giá, Ngài được ghi năm dấu thánh thiêng liêng:
"Người thấy dân nơi ấy cứng lòng không hoán cải
Để khỏi phí thời gian vô ích, Người trở lại quê hương
Trên núi đá Verna giữa Tevere và Arno
Người đã lãnh nhận dấu ấn cuối cùng của Đức Kitô
Là năm dấu thánh Người mang trên thân mình suốt hai năm".(103-108).
9. Đón nhận lời chứng của Dante Alighieri
Khi khép lại cái nhìn tổng quan về công trình của Dante Alighieri, một kho tàng kiếnthức gần như vô hạn, về kinh nghiệm, về phản ánh trong mọi lĩnh vực nghiên cứu của con người, xin đặt ra một suy tư. Sự phong phú của những chân dung, những câu chuyện kể, những biểu tượng, những hình ảnh gợi mở và hấp dẫn mà Dante cung cấp cho chúng ta chắc chắn đã khơi dậy sự ngưỡng mộ, kinh ngạc và biết ơn. Ở nơi ông, chúng ta gần như có thể nhìn thấy tiền thân của nền văn hóa đa phương tiện của chúng ta, trong đó ngôn ngữ và hình ảnh, biểu tượng và âm thanh, thơ ca và vũ điệu đều hợp nhất với nhau trong một thông điệp duy nhất. Vì thế, dễ hiểu tại sao thi phẩm của ông lại truyền cảm hứng cho vô số tác phẩm nghệ thuật ra đời với đủ thể loại.
Nhưng tác phẩm của Thi Hào Tuyệt Đỉnh cũng khơi dậy một số thách thức cho thời đại của chúng ta. Nó có thể truyền đạt những gì cho chúng ta, trong thời đại của chúng ta? Ông vẫn còn điều gì đó để nói với chúng ta, để cung cấp cho chúng ta? Thông điệp của ông có còn tính thời sự, có chức năng nào đó để thực hiện cho chúng ta? Ông vẫn có thể chất vấn chúng ta?
Dante - chúng ta hãy thử trở thành người thông dịch tiếng nói của ông- không yêu cầu chúng ta, ngày nay, chỉ đơn giản là đọc, nhận xét, nghiên cứu, phân tích. Thay vào đó, ông yêu cầu chúng ta lắng nghe, bắt chước theo một cách nào đó, để biến chúng ta thành những người bạn đồng hành của ông, bởi vì ngay cả hôm nay ông cũng muốn cho chúng ta thấy đâu là hành trình hướng tới hạnh phúc, con đường ngay chính sống trọn vẹn con người của chúng ta, vượt qua khu rừng tăm tối mà chúng ta mất định hướng và nhân phẩm. Cuộc hành trình của Dante và tầm nhìn của ông về cuộc sống bên kia cái chết không chỉ đơn giản là chủ đề của một tường thuật, không chỉ là một sự kiện cá nhân, mặc dù một sự kiện đặc biệt.
Nếu Dante kể tất cả những điều này - và ông làm điều đó theo một cách tuyệt vời - bằng cách sử dụng ngôn ngữ của người dân, ngôn ngữ mà mọi người có thể hiểu biết, nâng nó lên thành một ngôn ngữ phổ thông, là bởi vì nó có một thông điệp quan trọng muốn truyền tải đến chúng ta, một từ muốn chạm vào trái tim và khối óc của chúng ta, định mệnh được biến đổi và thay đổi chúng ta ngay bây giờ, trong cuộc sống này. Thông điệp của ông có thể và phải làm cho chúng ta nhận thức đầy đủ về chúng ta là gì và chúng ta đang sống ngày qua ngày trong căng thẳng nội tâm và liên tục hướng tới hạnh phúc, hướng tới sự sống viên mãn, hướng tới quê hương cuối cùng, nơi chúng ta sẽ được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, Tình yêu vô tận và vĩnh cửu. Mặc dù Dante là một người thuộc về thời đại của ông và ông có những nhạy cảm khác với chúng ta về một số vấn đề, nhưng chủ nghĩa nhân văn của ông vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự và có thể chắc chắn là một điểm tham khảo cho những gì chúng ta muốn xây dựng trong thời đại của chúng ta.
Do đó, điều quan trọng là công trình của Dante, nhân dịp thuận lợi kỷ niệm này, phải được biết đến thậm chí nhiều hơn nữa theo cách phù hợp nhất, tức là làm cho không chỉ sinh viên và học giả có thể tiếp cận và hấp dẫn, mà còn cho tất cả những ai, lo lắng trả lời các câu hỏi nội tâm, mong muốn nhận ra đầy đủ sự hiện hữu của họ, họ muốn sống hành trình sống và đức tin của riêng họ một cách có ý thức, chào đón và sống với lòng biết ơn về hồng ân và cam kết tự do.
Do đó, tôi xin chúc mừng những giáo viên đã có thể truyền đạt thông điệp của Dante với niềm đam mê, để giới thiệu kho tàng văn hóa, tôn giáo và đạo đức chứa đựng trong các tác phẩm của ông. Và di sản này đòi hỏi được mở rộng sự tiếp cận ra ngoài trường học và các giảng đường đại học.
Tôi kêu gọi các cộng đồng Kitô giáo, đặc biệt là những người có mặt tại các thành phố lưu giữ ký ức về Dante, các tổ chức học thuật, hiệp hội và các phong trào văn hóa, để thúc đẩy các sáng kiến hướng tới hiểu biết để lan tỏa thông điệp của Dante một cách trọn vẹn.
Sau đó, theo một cách cụ thể, tôi khuyến khích các nghệ sĩ thể hiện giọng nói, khuôn mặt và trái tim, tạo hình dạng, màu sắc và âm thanh cho Thi Phẩm của Dante, theo con đường của cái đẹp, mà ông đã bước đi một cách thành thạo, và do đó truyền đạt nhiều chân lý sâu sắc hơn và lan tỏa hơn, với ngôn ngữ nghệ thuật, thông điệp về hòa bình, tự do và tình huynh đệ.
Thời điểm lịch sử đặc biệt này có nhiều bóng tối, bởi những tình huống làm suy giảm nhân loại, bởi thiếu sự tự tin và triển vọng cho tương lai. Trong tình cảnh ấy, hình bóng của Dante, nhà tiên tri của hy vọng và nhân chứng của khát vọng hạnh phúc của con người, vẫn có thể cho chúng ta những lời nói và tấm gương tạo động lực cho cuộc hành trình của chúng ta. Ông có thể giúp chúng ta thăng tiến cách thanh thản và can đảm trong hành trình cuộc đời và đức tin mà tất cả chúng ta được kêu gọi thực hiện. Ông đồng hành cho đến khi trái tim của chúng ta đã tìm thấy sự bình an thực sự và niềm vui thực sự, cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu cuối cùng của tất cả nhân loại: "Tình yêu xoay mặt trời xoay tinh tú!" (Par. XXXIII, 145).
Vatican, ngày 25 tháng Ba, Lễ Trọng Truyền Tin năm 2021,
Năm thứ chín trong triều đại giáo hoàng của tôi.
PHANXICÔ
【Đình Chẩn dịch từ bản tiếng Ý, Tuần Thánh 2021】
Thi phẩm Thần Khúc sẽ được giới thiệu chính thức trên www.vanthoconggiao.net
Các chú thích:
[1] Tông thư In praeclara summorum (Giữa những thiên tài đỉnh cao) (30/04/1921): AAS 13 (1921), 209-217.
[2] Cfr ibid.: 210.
[3] Thư Nobis, ad Catholicam (28/10/1914): AAS 6 (1914), 540.
[4] Diễn văn với Hồng Y Đoàn và Phủ doãn Roma (23/12/1965): AAS 58 (1966), 80.
[5] Cfr AAS 58 (1966), 22-37.
[6] Diễn văn với Các Tham Dự viên Hội Nghị do Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum cổ vũ, (23/01/2006): Insegnamenti 2006 II/1, 92-93.
[7] Ibid., 93.
[8] Cfr n. 4: AAS 105 (2013), 557.
[9] Sứ điệp gửi Chủ tịch Hội Đồng Văn Hóa (4/05/2015): AAS 107 (2015), 551-552.
[10] Ibid.: 552.
[11] L'Osservatore Romano, 10/10/2020, p. 7.
[12] Cfr Conf., I, I, 1: PL 32, 661.
[1] Phiên âm tên nàng Beatrice, người yêu của Dante-người dịch.