Sống Cách Ly-Tâm tình của một cha giáo về người học trò bị "cách ly"

admin
SỐNG CÁCH LY





Kể khi bệnh Covid 19 xuất hiện tại Việt Nam, chúng ta bắt đầu nghe nhiều tới chữ “cách ly”. Khi dịch bệnh bùng phát ở đâu và nhất là khi nào xuất hiện ca dương tính, nơi đó lập tức bị cách ly. Cách ly có thể không được tập trung quá 20 người nơi công cộng và không được đứng gần nhau quá hai mét. Cách ly cũng có thể không được tập trung quá 2 người nơi công cộng và không được đứng gần nhau quá một mét. Cách ly có khi còn là không được ra ngoài khi không có lý do chính đáng và đi chợ mua đồ ăn phải có phiếu. Nói chung, không ai muốn sống cách ly vì nó vô cùng bất tiện và gây ra rất nhiều thiệt hại. Những người đang phải sống trong tình trạng cách ly đều mong ước sớm hết thời gian cách ly. Bởi thế nhiều khu vực cách ly đến ngày dỡ bỏ, người dân vẫy cờ vỗ tay reo mừng.


Đang phải sống trong tình trạng cách ly như thế, 17 giờ 33 phút, thứ Ba ngày 23 tháng 2 năm 2021, tôi nhận được tin nhắn của cha sinh hoạt ĐCV: “Cha ơi, cha cầu nguyện cho thầy Giuse Trần Quang Đạo lớp triết 2 qua đời đêm qua vì đột quỵ”. Tôi bàng hoàng nhắn tin hỏi lại: “Lạy Chúa, sao nhanh vậy?”. Cha đó trả lời: “Nhanh lắm cha ạ. Có gần nửa tiếng là thầy đi rồi”. Tôi hỏi tiếp: “Có kịp xức dầu không?”. Cha đó trả lời: “Thầy đang ngồi đọc sách lúc 21 giờ 35 thì bỗng dưng ngã xuống. Con xức dầu ngay lúc tim vẫn còn đập. Sau đó cấp cứu đến và làm hồi sức cho thầy rồi đưa vào bệnh viện nhưng thầy không qua được. 22 giờ là thầy đi rồi”. Tôi nhắn tin lại: “Con hợp ý với gia đình chủng viện cầu nguyện cho thầy”.


Bỏ điện thoại xuống, tôi lặng người âm thầm đọc kinh cầu nguyện cho thầy. Đến 20 giờ, chúng tôi dâng thánh lễ và không quên cầu nguyện cho linh hồn Giuse, thầy chủng sinh giáo phận Hưng Hóa của ĐCV Hà Nội vừa mới về với Chúa.


Hôm sau, tâm trí tôi thi thoảng vẫn nghĩ về thầy và âm thầm cầu nguyện cho thầy. Đến tối, tôi vô tình thấy trên youtube có bài nói về ước mơ của thầy Giuse được đăng trên trang mạng của giáo phận Phát Diệm. Tôi vào trang của giáo phận Phát Diệm và quả đúng có bài viết mới được đăng lên: “Ước mơ của thầy chủng sinh Giuse Trần QuangĐạo hai năm trước khi qua đời”.


Bài viết chắc là của một cha giáo phân khoa Tu đức của ĐCV. Đó là bài làm môn Việt văn của thầy Giuse nhưng nội dung lại như một bài tâm sự. Khi đọc hết bài tâm sự của thầy, tôi lại ngồi thinh lặng, thinh lặng lâu lắm. Tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn. Đọc bài của thầy xong, tôi cảm thấy mình đã và đang sống không ổn. Tôi bỗng nhận ra đã từng có một sự “cách Ly” giữa tôi và thầy. Biết bao lần tôi đã gặp thầy, đã bao lần tôi nói chuyện với thầy, đã bao lần dạy học cho thầy.


Một cách chủ quan, tôi vẫn nghĩ giữa tôi và thầy chưa từng có một khoảng cách nào cả; tôi và thầy đều tôn trọng, yêu mến nhau một cách chân thành. Khoảng cách nếu có thì chỉ là khoảng cách giữa một người làm thầy và một người làm trò, đó là đạo thầy trò. Vậy mà khi đọc bài tâm sự của thầy, tôi mới vỡ lẽ hóa ra giữa tôi và thầy thực sự đang có một khoảng cách mà tôi chưa bao giờ bước qua, thầy cũng chưa bao giờ bước quá. Thầy là học trò của tôi, tôi quý như bao học trò khác, nhưng quả thực có rất nhiều điều tôi chưa biết về thầy. Tôi đâu có biết lý do tại sao thầy lại chọn cho mình câu khẩu hiệu: “Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” trong Tin Mừng của thánh Matthêu.


Thầy là học trò mà tôi đã từng gặp, có khi gặp hằng tuần, nhưng tôi đâu có biết cái quá khứ tuổi thơ đầy khó khăn của thầy. Thầy là học trò mà tôi thường tiếp xúc, nhưng tôi đâu có biết tuổi thơ thầy ăn những “bữa cơm chỉ toàn là cơm trộn, nào là sắn, nào là khoai … và thức ăn chỉ có vài ba quả trứng rang rõ nhiều muối ăn mặn chát. Nghĩ lại cũng thấy tội nghiệp cả cây sấu, quanh năm bị ngắt lá để nấu canh, lắm khi chỉ còn trơ trọi những cành không lá”. Tôi đâu biết ngay cả khi thầy đã trở thành một chủng sinh, ngủ trong ĐCV rồi mà nhiều khi ngủ vẫn mơ “thấy mình đang vất vả quần quật ngoài đồng. Nước mắt nó lại lã chã rơi”. Cái kỷ niệm ăn sâu vào thầy tới mức “khi xem những bộ phim, hay bài hát buồn hoặc thấy những đứa trẻ tội nghiệp giống nó trước kia, là lòng nó lại se thắt. Những lúc như vậy, nó khóc và xin Chúa đừng để những người giống nó phải khổ thêm nữa”. Rõ ràng có một sự “cách ly” giữa tôi và thầy. Sự “cách ly” chưa “dỡ bỏ” được giữa một người làm thầy và một người làm trò, giữa một linh mục với một chủng sinh.


Giờ tôi không dám nghĩ thầy đã từng nghĩ thế nào khi thấy tôi ăn mặc và sử dụng những thứ đắt tiền; thầy đã nghĩ gì khi thấy các cha sử dụng các phương tiện đi lại sang trọng và ăn những bữa ăn “cao cấp”.

Tự dưng nghĩ lại mà cảm thấy xấu hổ, thế mà tôi lại cho đó là những chuyện bình thường. Đã không ít lần ta lấy những thứ bên ngoài để thể hiện bản thân, để “show” cho người ta thấy và nể phục mình là thuộc dạng “đẳng cấp”, đã bao lần ta khoe những cái ta “Có” mà quên mất cái ta “Là”; đã bao lần ta sợ mất cái ta “Là” mà quên mất cái “Là” của anh em. Giờ tôi mới thấy thấm thía những lời của thầy Stephanô Nguyễn Khắc Dương: “Tôi rất ngại những người yêu Nhân Loại trong lúc vẫn ngồi yên trong ghế xe công cộng, mặc kệ một cụ già hay một phụ nữ mang thai đứng tha hồ cho xe lắc lư người chen chật. Tôi rất ngại những người lo lắng việc kinh bang tế thế, mà không hề lưu ý xem, em bé nhà bên cạnh trưa nay bố mẹ đi vắng, có cơm ăn không? Vì lịch sử đã cho thấy bao con người bằng xương máu cụ thể bị hiến tế trên bàn thờ của những danh từ trừu tượng”.

Đọc bài tâm sự của thầy Giuse, tôi bỗng hối hận muốn “tháo dỡ cách ly” với thầy nhưng thầy đã vội vã đi rồi! Giờ đây tôi chỉ có thể nói với linh hồn thầy rằng: Thầy Giuse ơi, cha thực sự xin lỗi.

Cha giáo Giuse