NGÀY
THỨ SÁU MÙA CHAY
Đúng
là một ngày thứ sáu đặc biệt vì nó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi phải ghi
vội vì sợ những cảm xúc đó bay đi như cánh hoa trước gió.
Sáng
hôm nay, khi thức dậy sau một đêm ngủ dài, tôi nhìn về giường vợ tôi, tôi nhớ đến
nàng. Cô ấy vừa đi tới nhiệm sở, tội cho cô ấy vẫn còn mang bệnh trong người; lại
phải gồng mình 12 tiếng đồng hồ nơi làm việc, đến khuya mới về. Rồi tôi nghĩ đến
những những đứa con còn say giấc nồng, chúng đã quần quật suốt ngày hôm qua, kiếm
tiền nơi đất Mỹ đâu phải dễ. Tôi lại nghĩ đến người mẹ dấu yêu, không biết còn
sống vui vẻ với chúng tôi được bao lâu, vì bà đã 86 tuổi rồi. Tôi lai mường tượng
về cảnh lễ dạm ngõ của đứa trai thứ, mà nhà gái hào phóng mời hết đại gia đình
nhà tôi, thế là anh em tôi có dịp chén tạc chén thù kết nghĩa thông gia. Xin
Chúa giữ gìn họ.
Bỗng
tôi lại chạnh lòng nhớ đến những “con cái” tôi, “đàn em” tôi đang ở Việt Nam, mà
tôi từng là lãnh tụ, từng là soái ca. Chúng đang tan đàn xẻ nghé, bị đối xử bất
công, sắp đi con đường thập giá của chúng, tôi thấy xót xa. Tôi ở xa làm sao bảo
vệ được chúng đây, tôi thấy mình hèn yếu và cần được nâng đỡ. Nhớ lại hôm nay
là ngày thứ 6, ngày có ban bí tích xức dầu bệnh nhân, tôi vụt dậy sửa soạn đi đến
nhà thờ. Vừa ra cửa thì 2 chiếc xe của con trai tôi đã đi mất, còn lại một chiếc
xe mới của con gái vừa mới mua. Tôi ngại lắm vì lái xe rất dở, nhưng có cái gì
đó thôi thúc và tôi quyết định lái đi.
Bầu
trời Texas cuối đông âm u, cây lá chưa nảy mầm, cảnh buồn nơi xứ Mỹ làm tôi nhớ
đến quê hương. Tôi nhớ ngôi nhà màu xanh, nhớ nhà thờ cổ kính, nhớ xóm nhớ
làng. Rồi tôi đến nhà thờ cũng vừa kịp thánh lễ, lễ hôm nay hơi đông người, nhà
thờ Việt Nam mà. Trong lễ lòng trí tôi lo ra, chẳng nghe gì 2 bài đọc và bài giảng
của cha xứ. Đến khi sắp ban Bí tích Xức Dầu, tôi nhớ các em, tôi thấy tôi quá hèn
nhát, bắt đầu tất cả những cảm xúc dâng trào trong tim, trào ra ngoài theo tuyến
lệ, nước mắt tôi giàn giụa đến nổi cha ban bí tích cũng nhận ra. Tôi mặc cho suối
lệ tuôn trào theo lời hát: “Con trông cậy Chúa khác nào em bé ngủ yên trong tay
mẹ hiền…”. Từ đó tôi tham dự thánh lễ một cách sốt sắng. Cuối lễ, tôi cùng cộng
đoàn đọc kinh Năm Thánh Giu-Se, tôi thành khẩn xin Ngài, cũng là bổn mạng tôi
trong cơn nguy khốn này. Tôi định vài ngày nữa mới xưng tội, nhưng tôi đã khóc
với Chúa đêm qua rồi; tôi nhẹ nhàng xưng thú vì Chúa đã nghe những gì tôi thầm
thì với Ngài.
Rồi
nhà thờ có một buổi gẫm đàng Thành Giá. Trời sụp buồn như cảnh ngày nào trên đồi
Can-vê xưa, lại lất phất mưa rơi như dòng nước mắt khóc thương Chúa của các bà
Giêrusalem năm nào, thật là bi thương! Tôi đến trước đài Đức Mẹ, quỳ xuống vài
giây chào Mẹ. Đoàn gẫm đàng Thánh Giá Việt Nam đã tới chặng thứ 3, nhưng một
đoàn người Mỹ vừa mới bắt đầu, tôi lẽo đẽo theo họ, họ đọc tiếng Anh tôi không
hiểu được. Tới chặng thứ 4, một bà tốt bụng đã trao cho tôi một tập kinh nhỏ để
theo dõi khi gẫm, tôi đọc lí nhí theo họ và tôi hiểu. Bà lại hỏi tên họ tôi nữa
nhé, rất thân tình! Tôi ngạc nhiên về phong cách của họ, khác với người Việt
chúng ta: thường ủy mị, sầu thảm than khóc. Họ can đảm chia sẻ nỗi đau của Chúa
trong một sự can trường, nơi họ toát lên phong thái của một người chiến sĩ dày
dặn kinh nghiệm. Tới chặng thứ 4, một phụ nữ lên vuốt mắt Mẹ và Chúa Giêsu. Rồi
những chặng Chúa ngã xuống đất, họ dắt con cái quỳ lạy trước tượng Chúa. Những
điều đó như một bài học cho tôi mà suốt bao năm trước đây tôi không hề học được.
Giữa
đường Thánh Giá, tôi đi giữa họ, đọc kinh tiếng Anh với họ, nghe họ hát. Tôi cảm
nghiệm như tôi đang đứng giữa muôn vàn dân tộc, nhưng cùng một ngôn ngữ, mà như
xưa đã chứng kiến cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Cuối buổi gẫm, tôi cám ơn người
phụ nữ đã cho tôi tập kinh và xin làm kỉ niệm, tôi hứa trong lòng sẽ gẫm vào
các ngày thứ 6. Tôi xin họ một tấm hình làm kỉ niệm và bao lời chúc thân thiện.
Xin Chúa chúc lành họ.
Trên
đường về tôi thấy một tai nạn xe tại ngã tư, tôi cám ơn Chúa cho tôi được trở về
nhà bình an. Vừa mở mạng lên, tôi vui sướng vì “đứa con tinh thần” đầu đời đã
được trân trọng trên kênh youtube. Họ bảo tôi nên chia sẻ cho con cái và mọi
người, tất nhiên rồi; tối nay nhé, vợ tôi sẽ được một phen cười khúc khích, thế
nào cũng lén hôn tôi một cái thôi; còn sấp nhỏ sẽ rất tự hào về ba của nó đấy. Và
tôi bật lên một bài ca mà tôi thích là: “Và con tim đã vui trở lại…Vì Ngài bên
tôi mãi”. Tôi mở lại account ngân hàng, tiền lương ít ỏi cuối tuần của vợ lại lấp
đầy chỗ khuyết nhé. Thôi thì không thể hoãn cái sự sung sướng này lại chi bằng một
miếng bánh ngọt. Tôi gọi cho mẹ, khoe với bà tôi vừa lãnh nhận một lúc 3 bí
tích và nhiều niềm vui khác. Bà hẹn tối nay chở bà đi tĩnh tâm Mùa Chay, tôi đi
chớ.
Rồi
lòng tôi chùng xuống, tôi chợt nhớ lại sấp nhỏ đang ở Việt Nam, chúng đang cô độc,
mọi người đang bỏ rơi chúng, chúng chỉ còn có tôi để núp bóng, mà tôi thì ở xa quá,
cánh tay tôi không đủ dài mà đối thủ thì quyền uy và thế lực. Tôi như Samson bị
thất trận, chỉ xin Chúa cho lại sức mạnh một lần thôi để chiến đấu; liệu Ngài
cho không nhỉ? Nhớ ngày nào, tôi dạy các em, nhất là các lớp thêm sức, tôi cao
giọng: nào là các em phải nhiệt thành rao giảng Lời Chúa, nào là phải can đảm làm
chứng cho đức tin, phải hy sinh bảo vệ sự thật. Nhiều em đã dâng mình theo Chúa
sang tận Mỹ, Pháp và cả Camerun với bước chân truyền giáo. Còn tôi, tôi làm được
gì, nói được mà làm không được, tôi thẹn trong lòng tôi lắm. Viết đến đây, tôi
lại rơi lệ.
Trong
cuộc chiến đấu cam go này, tôi định trốn chạy. Nhưng Ngài đã đón đầu tôi, Ngài
bảo “Con đi đâu”, tôi đành ngậm miệng. Ngài không dẫn tôi vào thành Rôma, Ngài
đưa tôi đến doanh trại của Ngài, bày mưu tính kế cho tôi để tôi chiến đấu; phen
này là thắng chắc lắm vì mưu lược của Ngài thì huyền diệu vô song. Xong trận
chiến rồi, Ngài đưa tôi vào công xưởng của Ngài, Ngài cho tôi làm kỹ sư trưởng
nhé, để cùng Ngài xây lên những căn nhà tình thương cho nhân loại. Làm với Ngài
sướng lắm, làm ít mà lương hậu hĩnh nhé. Rồi cuối tuần Ngài chở tôi trên những chiếc
Rolls-Royce dạo quanh những đồi hoa thơ mộng, những thung lũng với suối nước lượn
quanh. Ngài tăng tốc độ vượt đèo cao cho tôi chiêm ngưỡng những núi đồi hùng
vĩ. Ôi du lịch với Ngài tôi thật đã con mắt. Rồi Ngài chở tôi vào nhà hàng sang
trọng bậc nhất trên trần gian, kêu cho tôi những món ngon vật lạ, tôi ăn không
nhiều lắm, tôi than thở với Ngài là tôi bị đau bao tử từ lâu và kể lể với Ngài
hàng tá bệnh khác. Ngài nhẹ nhàng bảo tôi: “Con đừng lo, ta là thầy thuốc đây
mà”. Ngài chở tôi đến bệnh viện của Ngài để chữa lành vết thương thể xác và tâm
hồn tôi. Trời về đêm, xe Ngài chầm chậm trên biển vắng, Ngài kể cho tôi về cuộc
đời của một Giêsu đã liều mình chết vì bạn hữu mình, Ngài còn kể cho tôi bài dụ
ngôn Người cha nhân hậu. Tôi thiu thiu buồn ngủ, Ngài hứa sẽ đưa tôi về nhà
Ngài, Ngài đã dành một giường êm nệm ấm cho tôi. Tôi ngủ hồi nào không hay, đầu
tôi gục vào ngực Ngài, tôi nghe tiếng tim đập nhịp nhàng êm ái của Ngài rất rõ
và ngực Ngài rất ấm nhé, lồng ngực của lòng yêu thương và bao dung. Hình như
trong cơn mê ngủ, tôi đã hát nho nhỏ cho Ngài nghe: “Bỏ Ngài con biết theo ai….”
Tg: Tín Thác
Houston, ngày 3 tháng 5 năm 2021