TÚI THAN
Năm Đạt 20 tuổi, Đạt học đàn với tôi. Lúc đầu việc học có tiến bộ rõ vì Đạt cần cù, chăm chỉ. Vài tháng sau, tôi nhận ra Đạt thiếu năng khiếu. Đạt lại kém trí nhớ. Người mù mà kém trí nhớ thì khó học cao được. Các bạn cùng lớp Đạt đã học được những kỹ thuật phức tạp hơn Đạt nhiều. Đạt chuyển hợp âm còn vụng về lắm. Dù mọi lý do, tôi vẫn không nói thật cho Đạt biết điều ấy. Khi vào làm việc tại trường mù này, tôi đã thỏa thuận với ban giám hiệu rằng tôi không bao giờ từ chối một học sinh mù vì lẽ người ấy thiếu năng khiếu. Người mù còn mấy thứ giải trí ngoài âm nhạc đâu. Cho dù việc học nhạc không biến họ thành nhạc sĩ, việc đó cũng đủ an ủi họ.
Hai năm sau, Đạt cũng chỉ đủ sức đệm cho mình những bài hát đơn giản. Một hôm Đạt gặp tôi và nói:
-Thầy ơi, chắc con xin nghỉ.
Mặc dù lắm khi tôi cũng uể oải với một học sinh kém năng khiếu như Đạt, nhưng khi nghe Đạt xin nghỉ, lòng tôi bỗng xót xa. các môn học khác Đạt cũng chẳng lấy gì làm xuất sắc. Sau bao năm đèn sách muộn màng, 19 tuổi mới bắt đầu đi học, nhà trường chỉ giúp Đạt biết đọc, biết viết và vài bài toán cộng, trừ, nhân, chia. Đạt nói với tôi Đạt muốn nghỉ học luôn và về nhà. Tôi bảo Đạt suy nghĩ kỹ hơn. Nhưng đó chỉ là một lời động viên vô nghĩa. Đạt đang đứng trước sự thật của chính mình. Cuối cùng Đạt đã rời trường.
Tôi tự hỏi, Đạt sẽ về đâu và làm gì trong những ngày tới. Gia cảnh Đạt cũng chẳng sung sướng mấy. Một căn nhà nhỏ chứa đầy người trong một xóm nghèo.
o0o
Một tuần sau khi nghỉ học, Đạt đến nhà riêng của tôi. Tôi rất mừng khi Đạt đến song lại chẳng biết sẽ nói chuyện gì với Đạt. Trong nhiều năm dạy học tại các trường mù, hiện tượng người mù xin nghỉ vì những lý do tương tự cũng chẳng lạ. Một số học sinh cũ đến gặp tôi và chỉ để giết thời giờ. Riêng tôi, tôi còn bao nhiêu việc phải sắp xếp để lên lớp. Không có cái duyên giúp họ kiến thức tôi cũng ráng dành chút thời gian chia xẻ nỗi buồn của họ. Nỗi buồn mà ngày nào chính tôi khi mới vào thế giới tối tăm này đã từng mang.
Sau một lúc dông dài đủ thứ chuyện, Đạt bắt đầu thực sự bày tỏ.
-Thầy ơi, con muốn làm cái gì đó để kiếm sống. Con biết rằng mình học không được nên phải chọn cách kiếm sống nào đơn giản hơn thôi.
Đạt chọn việc buôn bán dạo. Đạt rụt rè lắm. Tính Đạt bao giờ cũng vậy, chậm mà chắc. Đạt có nhược điểm là thiếu tự tin. Đạt muốn đi bán vé số lại sợ đủ thứ cái: sợ bán ế, sợ bị bọn cắp vặt, xì ke giật vé số, sợ cái này và sợ cái kia … trong đó tôi biết Đạt sợ mặc cảm. Con người ai cũng thế. Nếu họ giàu, ta nói họ giàu họ cũng sợ và tìm cách tránh né. Nếu họ nghèo, ta nói họ nghèo họ cũng sợ bị nghèo. Tôi nói với Đạt đừng lo, tôi cũng từng đi bán vé số rồi. Tôi hãnh diện vì mình dám đương đầu với thử thách để sống bằng đồng tiền của mình. Lý lẽ này làm Đạt vững tin. để trấn an Đạt, tôi hứa sẽ đi bán vé số chung với Đạt một thời gian ngắn giúp Đạt làm quen với công việc.
Nghe vậy Đạt rất ái ngại. Đạt nói:
-Thầy mà cũng làm được việc đó nữa sao? Lỡ đi ngoài đường gặp bạn bè thầy thì sao?
Tôi nói tôi không ngại điều đó. Họ muốn nghĩ sao về tôi cũng được. Tôi không muốn Đạt trở thành vô dụng và sống lệ thuộc vào người khác. Cho dù đó là gia đình. Tôi đòi Đạt phải trả công cho việc đi bán phụ của tôi. Tôi không lấy tiền nhưng lấy một lời hứa. Tôi chưa nói ngay với Đạt tôi muốn Đạt hứa điều gì. Sau vài hôm đi bán tôi sẽ nói.
Thế là 2 thầy trò đi bán chung với nhau. Tôi dành cho Đạt 3 ngày cuối tuần: thứ sáu, thứ bẩy, chủ nhật. Những ngày còn lại tôi phải tới trường. Mỗi ngày chúng tôi rảo đi hàng chục cây số. Nào chợ, nào phố, nào hàng quán, hang cùng ngõ hẽm… Chẳng nơi nào có thể bán an toàn mà chúng tôi không tìm đến. Thói thường người ta có thể cùng gặp 1 việc, cùng đi một đường nhưng chẳng ai nghĩ giống ai. Tôi rất khoái trá với việc lâu lâu được đi bộ thể thao lại không tốn tiền như hôm nay. Hễ khát thì vào hàng kiếm ly trà đá, đói thì vào quán kêu dĩa cơm. Miễn xấp vé số trên tay vơi dần là tốt rồi. Đạt lại hết sức rụt rè.
Ngày đầu tiên Đạt than mỏi chân, rồi khát nước, rồi mệt vì say nắng… Hôm đầu tôi đưa Đạt xuống một khu chợ rất xa nhà Đạt. Hôm thứ nhì bán gần nhà hơn, Đạt có vẻ lúng túng khi vào các nơi đông người. Đạt luôn miệng hỏi không biết có gặp người quen nào không. Khi đi xa hơn vùng Đạt sống thì Đạt bớt hỏi. gần trưa, tôi gặp một cô bạn. Chúng tôi nói chuyện vui vẻ với nhau. Tôi giải thích với cô ta:
-Nghèo quá phải đi làm thêm. Đi một mình sợ bị giật nên rủ đứa học trò đi chung.
Cô bạn tôi cười và chẳng tin lời:
- Anh mà nghèo chắc em cạp đất sống thôi. Chắc anh muốn đi thể dục cho khoẻ người nên bày thêm cái nghề này chớ gì.
Trước khi chia tay với cô bạn, tôi không quên ép cô mua vé số. Đây hẳn là một dịp may cho tôi. Sau khi cô bạn tôi đi, Đạt tỏ ra rất tự tin. Hôm ấy cái rụt rè mỗi khi chìa xấp vé số ra mời khách mua không còn trong lòng Đạt nữa. Đạt đòi tự tay Đạt mời khách, không cho tôi mời như mấy hôm nay. Trưa đến, 2 thầy trò vào quán ăn cơm dĩa. Khi cơm dọn ra, tôi bảo Đạt:
- Cơm ngon lắm đó, ăn thử coi.
Đạt nếm thử vài muỗng và hỏi:
- Con đâu thấy lạ gì đâu. Cũng như mọi quán khác mà.
- Không phải quán này ngon hơn, tôi nói. Nhưng dĩa cơm đầu tiên em kiếm được bằng mồ hôi của mình.
Hơn một ngày rưỡi trôi qua, tôi mới nghe tiếng cười của Đạt. Hôm đó chúng tôi về sớm hơn vào lúc khoảng 1 giờ trưa. Vì hôm đó bán chạy hơn. Chiều đến hai thầy trò lại tiếp tục “hành quân”. Đi bán đêm cũng là cái thú. Trời mát và mình chỉ đi vào các quán ăn, quán cà phê. Vì giờ đó tôi sợ vào hẽm tối, lỡ bị giật vé số thì trắng tay. Số vé bán được lại tiếp tục tăng. Đạt tích cực mời khách hơn. Nhiều người mua vì lòng tốt hơn là vì mê trò đỏ đen. Sáng chủ nhật, tôi phải đi lấy thêm vé số. Số vé lấy chiều qua bán đã gần hết. Tôi đưa Đạt vào những khu vực mà tôi biết các bạn tôi thường đến. Vài người bạn gặp tôi và họ mua nhiều hơn các khách bình thường. Trong buổi sáng tôi phải lấy thêm vé số một lần nữa. Số vé chúng tôi bán được nhiều gấp ba lần hôm trước. Đến khi ăn cơm trưa Đạt bảo tôi:
- Ngày mai con đi bán một mình được rồi.
- Ờ, mai thầy phải đi dạy, tôi nói. Nhưng tuần tới thầy sẽ đi chung với em tiếp.
- Không thầy đừng đi nữa, Đạt nói. Thấy thầy gặp bạn bè sang trọng con xót lắm. Con đi bán một mình được mà.
- Em thấy làm ăn dễ có tiền tính gạt tôi ra phải không? - tôi nói đùa.
Khi về tới nhà, Đạt nói tối nay Đạt sẽ đi một mình. Và Đạt cám ơn tôi đã giúp Đạt mấy hôm nay. tôi thở phào, coi như kết thúc hợp đồng và tới lúc tôi đòi tiền công của mình. Như đã định trước, tôi đưa Đạt một cái túi vải chừng gang tay. Tôi bắt Đạt hứa đi đâu cũng phải mang theo đến khi nào tôi đòi lại mới thôi. Tôi dặn Đạt:
-Mỗi khi em mở miệng than bất kỳ điều gì thì phải lượm một viên gạch nhỏ bên lề đường bỏ vào túi này. Tối đến trước khi ngủ mở ra coi bao nhiêu viên gạch, viên đá và cố nhớ từng viên mình đã lượm khi than điều gì. Ngày hôm sau, em phải tự bớt những lời than van đó. Khi gặp hoàn cảnh tương tự em phải thay đổi suy nghĩ. Một là cố gắng giải quyết cái khó khăn. Như than nắng thì tìm chỗ mát mà đi; than mỏi thì nghỉ; than ế thì ráng bán tích cực hơn… Hai là nếu không giải quyết được phải ráng chịu và thử nghĩ xem ngoài mình ra có ai cũng gặp khó khăn tương tự này mà khổ hơn em không. Em sẽ thấy cái khó khăn đang gặp chưa dồn mình vào đường cùng đâu. Nếu khó khăn không giết chết em thì ấy là thần dược để em thêm vững mạnh.
o0o
Nhưng rồi một lần Đạt than với tôi:
- Riết rồi con thấy mình như một con gà. Sáng sáng bươi đất kiếm ăn, tối chui vào chuồng. Con thấy cô đơn lắm không như hồi còn ở trường. Trong trường có bạn bè, có người để nói chuyện.
Tôi biểu Đạt đưa túi than và bỏ vào trong đó một viên gạch nhỏ. Tôi dặn Đạt từ nay mỗi khi thấy cô đơn hãy nhặt một viên gạch bỏ vào túi. Chiều đến đếm được bao nhiêu viên, hôm sau Đạt phaỉ ráng làm ra bấy nhiêu nụ cười hay niềm vui cho người khác. Nếu họ vui thì Đạt bỏ bớt một viên gạch khỏi túi than. Hãy đến với mọi người vì họ không phải vì mình. Nếu Đạt làm điều gì đó cho ai mà nghĩ rằng để mong cầu được đáp lại thì coi như chưa phải là vì họ. Và như thế chưa được ném viên gạch ra. Đạt có thể cứ tiếp tục lấy lòng các khách hàng để thuận lợi trong việc buôn bán sinh sống của Đạt. Những việc này tuy không làm vơi số gạch trong túi than nhưng đó là việc cần làm. Điều cần thiết nhất là Đạt không được nhờ người khác giúp những việc mà tự mình có thể làm được.
Chúng tôi lại tiếp tục gặp nhau. Lần này ngoài chuyện buôn bán, Đạt còn kể chuyện thường về sớm để phụ má Đạt dọn dẹp nhà cửa. Khi rảnh rổi ngồi chơi nơi nào đó, Đạt vẫn thường làm một điều gì đó cho mọi người. Đạt chú ý người khác nhiều hơn để biết họ muốn gì và tránh không rủi ro làm phật ý họ. Đạt nói bao nhiêu bài học đạo đức trong trường giờ Đạt mới có dịp áp dụng.
o0o
Trời mưa, quán vắng, cô gái tò mò hỏi thăm cuộc sống của Đạt. Đạt kể chuyện buôn bán, chuyện đời cơ cực của mình một cách quá yên bình. Những điều đó khiến câu chuyện của Đạt trở nên hấp dẫn. Chủ quán và vài người phụ hàng cũng tham gia. Từ đó Đạt trở thành người bạn của quán này. Một lần nọ, Đạt ghé nhà trọ nơi cô gái ở và nhờ may áo. chuyện tiền bạc sòng phẳng làm cô gái giận. Đạt đành nhận ở cô một món quà, ấy là tiền công may. Mọi việc cứ thế tiếp diễn. Đạt chẳng bao giờ có cơ hội đáp lại món quà này. Cô gái vẫn mến Đạt vì bản tính vui vẻ nhiệt tình và vì Đạt biết tự lo cho chính đời mình. Cái nỗ lực của Đạt, cái lạc quan trong nụ cười của Đạt làm cô gái mến phục Đạt. Cô gái bỗng chợt thấy chính Đạt mới là chàng công tử giàu sang mà cô hằng mong đợi. Chàng không giàu vì có nhiều thứ trên đời, nhưng giàu vì chàng cần quá ít thứ cho riêng mình. giá trị của chàng không bởi những món chàng có mà bởi sự trân trọng nơi những người chàng quen. Thế là họ đã đến với nhau.
Khi Đạt về rồi, tôi ngẩn người ra với bao nhiêu kỷ niệm của đời tôi. Muốn biết được bài học này để nói lại với Đạt, tôi đã phải tốn bao nhiêu là nước mắt cho những cuộc tình tan vỡ. Đạt đã tìm được một người yêu Đạt vì chính Đạt không phải vì cái Đạt có. Nghe đâu khi gia đình cô gái biết chuyện, họ không đồng ý chấp nhận một chàng rể mù. Cô gái bị đặt vào tình trạng rất ư là khó xử. Cô phải chọn ai đây, cha mẹ hay tình yêu. Gia đình cô khăng khăng sẽ không nhìn nhận cô nếu cô sống với Đạt. Thế rồi cô quyết định: Cô không định lấy chồng để bỏ cha mẹ. Ngày nào đó cha mẹ cô cũng sẽ thông cảm và chấp nhận sự lựa chọn của riêng cô. Khi cha mẹ thông cảm Đạt thì cô và Đạt sẽ trở về thăm quê, thăm dòng họ.
Cô đã gạt nước mắt đến với Đạt. cái đám cưới nghèo được tổ chức. Trong tiệc vui, lúc cô dâu, chú rể tới bàn tôi chào vợ chồng tôi, tôi hỏi Đạt:
-Thế nào đây chú rể, trả túi than lại cho thầy được chưa?
Chú rể cầm tay tôi dúi vào túi áo cưới của chú. Cái túi than đang nằm đó. Tôi tính lấy ra, nhưng chú rể nài nỉ:
- Thầy ơi, con phải giữ nó. Con không giữ nó để đựng những viên gạch của con, mà những viên gạch của cô dâu đó thầy. Đêm nào đếm được bao nhiêu viên thì hôm sau con sẽ cố làm cho cô dâu hài lòng bấy nhiêu lần.
Viết xong vào 2000,
TRĂNG MỜ
(TĐH: “Trăng Mờ” là một bút hiệu của anh Trần Bá Thiện. Bài này viết một tí trước ngày cưới của anh Thiện 20.5.2000 và bà xã của Thiện tên Nguyệt, nên Thiện lấy tên “Trăng Mờ” làm kỷ niệm).
(TĐH: “Trăng Mờ” là một bút hiệu của anh Trần Bá Thiện. Bài này viết một tí trước ngày cưới của anh Thiện 20.5.2000 và bà xã của Thiện tên Nguyệt, nên Thiện lấy tên “Trăng Mờ” làm kỷ niệm).
https://dotchuoinon.com/2010/04/19/tui-than/