Một cuộc gặp gỡ bất ngờ đã dạy tôi cách nhìn và cách cầu nguyện

Quang X Nguyen

Một cuộc gặp gỡ bất ngờ đã dạy tôi cách nhìn và cách cầu nguyện

hình minh họa
hình minh họa


Một ngày nọ, tôi đi Manhattan để tham dự một cuộc họp trên đường số 31. Sau đó tôi quyết định đi tản bộ quanh khu phố. Hôm đó là một ngày mùa hè đẹp trời. Nhiệt độ vừa phải, và không có một lọn mây trên bầu trời.

Tôi đi lên đại lộ số 6 qua Quảng trường Herald, dọc theo đường số 34 và qua chợ Macy, xuống đại lộ số 7 và đi vào ga Penn, rồi dọc theo khu vườn của quảng trường Madison, qua đại lộ số 8 và trên những bậc thềm to lớn  của Tổng cục Bưu điện.

Tận hưởng cơ hội nghỉ ngơi sau nhiều việc bổn phận mục vụ, tôi vào một cửa hàng và mua cho mình một cây kem và một ly cà phê đá. Tiếp đó tôi tìm đến một chiếc ghế dài có bóng mát ở gần một quảng trường công cộng. Quảng trường đang rộn rã với những hoạt động – người ta vội vã ở chỗ này chỗ kia, những du khách chụp ảnh, và nhiều người khác ngồi trên những chiếc ghế dài tận hưởng ngày đẹp trời như tôi.

Một biểu lộ không bình thường. 


Sau một lúc, tôi chú ý tới một phụ nữ rất khác thường ở độ tuổi trung niên đang đi vào quảng trường. Chị ta đứng cách tôi khoảng hai mươi lăm feet. Theo dáng điệu, chị ta giống như mắc bệnh tâm thần và có lẽ vô gia cư. Chị ta mặc một chiếc áo khoác rách rưới. Quần áo tả tơi của chị ta như được treo trên thân hình tàn tạ của chị ta. Chị ta dường như không quan tâm tí nào đến đầu tóc rối bời của mình.

Nhìn lên cửa sổ của những tòa nhà văn phòng, chị ta hét lên những ngôn từ đầy giận dữ và đau đớn mà không ai nghe được. Sau đó chị ta ngồi xuống một chiếc ghế đá và bắt đầu lục lọi trong cái túi vải đang mang bên mình. Chị ta lấy ra những gì trông giống như những chiếc ly giấy nhàu nát và một bộ sưu tập ống hút nhựa đầy màu sác. Rồi chị ta đứng dậy và đi tới đi lui đến một thùng rác gần đó, mỗi lần ném mạnh mấy cái ly và ống hút vào thùng rác. Khi chị ta vất đồ vào thùng rác, chị ta la hét vào mỗi món, giống như quăng chúng vào lửa hỏa ngục.

Một bữa ăn đạm bạc. 


Sau khi bỏ hết ly và ống hút, chị ta bắt đầu moi sâu trong thùng rác. Chị ta lôi ra một cái túi McDonald và lục lọi trong đó, nhặt được nửa bao khoai tây chiên và một cái lon còn ít thức uống. Chị ta lại ngồi xuống và cẩn thận ăn từng sợi khoai tây chiên và kết thúc bữa ăn bằng số thức uống còn lại trong chiếc lon.

Không lâu sau khi kết thúc bữa ăn McDonald, người phụ nữ ngả lưng vào thành chiếc ghế đá. Một bầy ruồi lập tức tấn công chị ta, chị ta cố gắng đập, thậm chí còn đánh cả vào mặt mình vừa la lên “Cút khỏi tao”. Sau một hồi và dường như không thành công trong trận chiến với bầy ruồi, chị ta ngủ thiếp đi. Chị ta nghỉ ngơi ở đó khá lâu mặc cho mặt trời chiếu thẳng vào chị ta và đàn ruồi tiếp tục tấn công vào mặt chị ta.

Tôi lấy máy ảnh ra và phân vân không biết chụp hình người phục nữ này có xâm phạm đến sự riêng tư của chị ta hay không. Rất dè dặt, tôi cẩn thận không để cho khuôn mặt của chị ta lọt vào khung hình, tôi chụp hai tấm ảnh. Tôi hy vọng nắm bắt được khoảnh khắc này để tôi không bao giờ quên người phụ nữ đáng thương đó và cảnh ngộ của chị ta. Tôi cũng nghĩ rằng nếu tôi có thể chia sẻ trải nghiệm của tôi ngày hôm đó với người khác qua những tấm ảnh, cách nào đó tôi có thể đem sự chú ý  tới một vấn đề đối với hàng triệu người giống như chị ta, những người chia sẻ phần còn lại của trái đất này với chúng ta.

Tôi tự hỏi . . . 


Cảnh tượng người phụ nữ đáng thương đó khiến tôi cảm thấy vô cùng thương hại. Tôi thấy mình nghẹn ngào rơi nước mắt khi ngẫm nghĩ về hoàn cảnh của chị ta.

Tôi tự hỏi loại đời sống nào chị ta đã sống cho đến lúc đó. Tôi tự hỏi tên chị ta là gì. Tôi tự hỏi về những vật lộn hàng ngày chị ta đã phải đối mặt. Tôi tự hỏi liệu chị ta đã bị tấn công, hãm hiếp hay lạm dụng. Tôi tự hỏi liệu chị ta đã làm điều gì sai trái, điều gì đó đã khiến chị ta bị ruồng bỏ.

Tôi cũng tự hỏi liệu chị ta đã từng là một đứa trẻ hạnh phúc và liệu chị ta đã có những ký ức tốt đẹp trong qúa khứ. Tôi tự hỏi liệu ở nơi nào đó có một tấm hình cũ của chị ta trong thời tuổi trẻ khi chị ta mặc một chiếc váy đẹp và mỉm cười thỏa mãn. Tôi tự hỏi liệu chị ta còn có một gia đình hy vọng chị ta sẽ quay về ngày nào đó. Tôi tự hỏi liệu chị ta có bạn bè và có niềm vui gì, nếu có, sẽ đem đến cho chị ta. Tôi tự hỏi liệu có ai làm điều gì đó để giúp đỡ chị ta. Tôi tự hỏi liệu đây có phải là cách chị ta kết thúc cuộc sống trong phần đời còn lại của chị ta.

Tôi có thể cầu nguyện. 


Đột nhiên bóng tối ập đến cho một ngày đẹp trời, không một lọn mây. Tôi cảm thấy rất buồn, thậm chí thất vọng. Tôi biết rẳng không có gì tôi có thể làm lúc đó và ở nơi đó để giúp đỡ người phụ nữ tội nghiệp này – và đó là điều khó chấp nhận.

Là môt tu sĩ và linh mục của Dòng Phanxicô, tôi đã dùng hai mươi năm qua giúp đỡ mọi người: đưa Mình Máu Chúa Kitô cho họ , giải tội cho họ, khuyên bảo họ khi họ buồn bã và cố gắng hình thành một cộng đồng Kitô hữu yêu thương nhau trong giáo xứ của tôi. Nhưng tại khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy bất lực để chống lại những áp lực đang đè nặng trên người phụ nữ này. Tôi không còn tiền, và tôi biết rằng bất cứ lời lẽ nào tôi nói ra cũng không thể thấm nhập vào khối sương mù đang bao quanh tâm trí của chị ta.
 
Nhưng tôi không hoàn toàn bất lực. Tôi biết rằng tôi có thể cầu nguyện cho chị ta và hàng triệu người khác đang đối mặt với những vấn đề tương tự. Tôi cũng biết rằng những lời cầu nguyện của tôi là không vô ích. Thiên Chúa sẽ nghe và nối kết với tất cả những lời cầu nguyện khác cho người vô gia cư, những người bị quấy rầy và bị ruồng bỏ.

Sức mạnh của cái nhìn. 


Rất thường, chúng ta đi qua những người trông “lạ” đã không chú ý nhiều đến họ. Nhưng nhìn – thực sự nhìn để chúng ta thấy họ như những cá nhân được Thiên Chúa yêu thương – là cách mở lòng chúng ta ra. Nhìn kỹ, nhìn với con mắt đức tin và với lòng trắc ẩn, đây là điều sẽ dẫn chúng ta tới cầu nguyện và hành động – Bất cứ điều gì chúng ta có thể làm. Đó là điều đã đưa tôi đến việc chụp hình người phụ nữ này. Bây giờ tôi có cái để nhắc nhở mình về chị ta, có cái để tôi cầu nguyện, có cái tôi có thể dùng để giúp người khác nhìn thấy như Chúa nhìn thấy.

Đối với người phụ nữ trung niên bị dày vò đã đi vào quảng trưởng ngày hôm đó: Tôi xin lỗi đã không thể làm gì hơn. Tôi hứa tiếp tục cầu nguyện xin Thiên Chúa gửi ai đó có thể nâng đỡ chị ta và giúp chị ta tìm kiếm được sự chữa lành. Cầu mong bình an và mọi sự tốt lành sẽ sớm đến với chị ta một ngày nào đó.

LM Timothy Dore – Lại Thế Lãng dịch

Nguồn:
https://wau.org/archives/article/she_caught_my_attention/