THẰNG SÓC
1/ Chị Huệ là dân trôi sông. Chị trôi từ biển hồ Tonlé Sap, ra Mêkông, qua Châu Đốc, xuôi sông Hậu, về Long Xuyên, xuống Vàm Cống, dạt vô kênh Cái Sắn, tới Rạch Sỏi, lạc vào sông Cái Bé, lên bờ lang thang tới Sóc Ven…
Có một hạt bụi từ một tinh vân heo hút nào đó cuối dải Ngân Hà rơi, rơi, rơi mãi, xuống một mái lá của một khu chợ tồi tàn tại một ngã ba đường Sóc Ven. Hạt bụi trở thành em bé, mở cửa đời bước ra. Người mẹ trẻ nhớ làng cũ Sóc Khoun bên Campuchea, và vì Sóc Ven là nơi dân cư đa số là người Khmer, chị sinh em bé, và vì cha đứa bé tên Danh Cà (đã phụ rẫy chị, lên chùa tu, được lên chức sãi), chị đặt tên con là Sóc, Danh Sóc…
Anh Tùng là con các bà sơ (vì anh được cô nhi viện do các sơ phụ trách nuôi dưỡng). Là dân lạc chợ, anh lạc từ Cù Lao Giêng, ra chợ Vàm Xáng Cây Dương, xuống Năng Gù, ngược Tri Tôn về Ba Hòn, lang thang qua Sóc Soài, Tà Niên, Bến Nhứt, Đường Xuồng, tới Thủy Liễu Gò Quao rồi trở lại Sóc Ven.
“Trai tứ chiếng gái thuyền quyên” hay “Gái trôi sông, trai lạc chợ”? Một anh cộng với hai mẹ con chị hội tụ thành một gia đình. Họ nương tựa, dựa dẫm nhau mà sống. Ngay từ khi thằng Sóc dứt sữa, vai trò trong gia đình đảo lộn. Anh bỏ nghề xe đạp ôm, vì không mấy người đi. Anh thay chị làm nội trợ, xay bột làm bánh, giặt giũ nấu cơm trông con và làm lặt vặt mọi việc trong nhà. Để chị đi bán hàng. Sáng nào như sáng nấy, chị thay tiếng gà, đánh thức cả một xóm nghèo lúc 5 giờ bằng lời rao cao vút:
- Ai bánh bò, bánh cam, bánh chuối chiên, bánh da lợn đặc biệt thơm ngon đây.
2/ Ngày tháng cứ trôi xuôi về quá khứ. Anh Tùng, chị Huệ cứ già đi, thằng Sóc cứ lớn lên. Rõ ràng trong cái tổ ấm đan kết bằng lau sậy rơm rác đó, họ là hạnh phúc của nhau, là gió mát của nhau khi ngày hạ nắng nôi mồ hôi đổ, là hơi ấm sưởi lòng nhau khi đêm đông lạnh giá.
Nhưng…
Nhưng hình như hạnh phúc của họ không được tron vẹn. Anh lúc nào cũng đau đáu nhớ về thuở cha Ngô Văn Ngàn ở nhà thờ Năng Gù nuôi dạy anh, rửa tội cho anh, một mực bắt anh sáng lễ chiều chầu. Rồi năm nào cũng Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh, năm nào cũng Mùa Chay và lễ Phục Sinh. Anh biết mình ở với chị Huệ có luật đời nhưng không có phép đạo. Anh đã bỏ giới luật Chúa và xa lìa điều răn Hội Thánh. Nhưng Chúa có bỏ anh không? Anh những thao thức và muốn “trở lại”. Tuy nhiên phải bỏ mẹ con chị Huệ thì không thể. Chẳng gì cũng mười mấy năm trời vui buồn sướng khồ có nhau, hạt muối chia ba, tình sâu thế ấy, nghĩa nặng thế này. Lủc thằng Sóc còn bé, mỗi chiều đón chị về, anh đặt nó ngồi lên vai lên cổ, hai chân nó buông thõng về phía trước ngực anh, hai tay ôm lấy đầu anh, nó bắt chước trẻ con trong xóm gọi mẹ:
- Meak, meak! (Mẹ ơi, mẹ ơi!)
Hôm nào chị bán hàng rong mãi trên Gò Quao, mua về cho nó chú lính bằng nhựa, viên cu li thủy tinh, hay cái kẹo sô cô la…, nó biết tíu tít cám ơn mẹ:
- Arkoun, arkoun meak nớ! (Cám ơn, cám ơn mẹ nhé!)
Và anh quên sao được những khi anh đau ốm, chị đi bán hàng, một mình thằng Sóc nước rót cơm bưng.
3/ Anh Tùng yêu thằng Sóc như con. Không, không phải như, mà chính là con. Và anh yêu chị Huệ như chính bản thân mình. Nhưng anh cũng nhớ Chúa lắm và nhớ nhà thờ. Mà đường về với Chúa, về với nhà thờ, cụ thể ở đây là nhà thờ An Bình (Gò Quao) cách Sóc Ven chưa đầy bốn cây số, mà xa quá, có gần thì cũng là tuyệt lộ.
Có lần anh nói với chị thế nào không biết, mà đi tới đâu chị cũng khoe:
- Nói nhỏ ngheng, đừng nói với ai hết, tới tai ổng, ổng buồn: Ổng xúi tui đi đạo nhà thờ. Sức mấy! Đừng hòng tui theo đạo chồng bỏ đạo tổ tiên… Thằng Sóc nghe ổng, cũng muốn đi đạo mấy ông cha. Nó còn vô nhà thờ học cái gi kêu là Giáo lý dự tòng gì đó. Tui nói nó: “Chờ chừng nào mẹ bay chết đã, rồi muốn theo đạo nào thì theo”.
Vì không thoát khỏi phận đàn bà, đi đâu chị cũng khoe, nên tới tai cha sở giáo xứ An Bình. Cha sở lúc đó là cha Chu Quang Tào, tìm đến anh như tìm chiên lạc. Sau nhiều lần gặp gỡ, cha thu xếp để anh chị được phép chuẩn hôn nhân khác đạo.
Từ đó, anh không bao giờ bỏ lễ Chúa nhật và lễ trọng cho đến khi anh bị bệnh gout, phải tháo khớp mấy ngón chân, đi lại rất khó khăn. Lúc ấy, thằng Sóc đã lớn. Anh chắt bóp tậu được chiếc wave Tàu, chỉ để thằng Sóc chở đi lễ.
Vì “Họa phúc khôn lường” và vì “Chúa vẽ đường thẳng bằng những nét cong”, nên không ai ngờ được. Thằng Sóc chở anh đi lễ ở nhà thờ An Bình, cách xa chỉ có 3,9 ki - lô - met. Phải trở về nhà ở Sóc Ven, rồi gần một giờ sau lại đi rước, riết mà không quen. Mệt, nó ở lại nhà thờ chờ anh về luôn. Mưa lâu ướt đất, nó quen dần với bầu khí trang nghiêm vui tươi chan hòa của nhà thờ, với Lời Chúa, với vụn bánh cha giảng rơi vãi, với lời chào thăm tươi vui thánh thiện của mọi người…
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm ấy, anh Tùng và thằng Sóc rủ chị Huệ đi lễ:
- Đi coi cho biết ấy mà.
Chiều chồng con, chị đi nhà thờ, nhưng chẳng có ấn tương gì.
4/ Thằng Sóc phải trốn mẹ đi học Giáo lý dự tòng. Được bốn tháng, hôm ấy tối trời, vừa ra khỏi khu vực nhà thờ, tới lộ chính Sóc Ven – Gò Quao, nó bị chiếc xe tải đông lạnh cán chết tươi. Ngay tức khắc, nó chỉ còn là hạt bụi bay về trời, chỗ tinh vân heo hút cuối dải Ngân Hà tràn ngập Chúa Là Tình Yêu.
Vì là dự tòng, nó được cha xứ và ban thường vụ hội đồng mục vụ, các hội đoàn thăm nom, tiến hành mọi nghi thức như cho một Kitô hữu đích thực. Chị Huệ thương con, ngất lên xỉu xuống năm lần bảy lượt, ai làm gì chị cũng mặc kệ, không đếm xỉa tới.
Cho đến khi cha xứ nói lời an ủi, chị mới khóc tức tưởi:
- Lỗi tại tui hết trơn hết trọi. Để nó học đạo ban ngày ban mặt, không phải trốn tui, đi học lén thì đâu đến nỗi. Mà thôi mà, như mấy ông mầy bà nói đó, nó là người của Chúa, Chúa bắt về…
Rồi chị òa lên:
- Sóc ơi là Sóc, con ơi là con!!! Không có con, mẹ sống với ai?
5/ Anh Tùng thương con quá đi thôi. Khi thi hài thằng Sóc còn trong nhà, lúc nào cũng có người thăm viếng, kinh hạt, ủi an, anh phải tỏ ra cương nghị để giao tiếp, nói lời cám ơn. Nhưng khi an táng thằng Sóc xong, đêm xuống, chỉ còn hai vợ chồng, chính anh là người mềm yếu nhất. Anh rưng rức khóc con, khiến chị Huệ phải lựa lời an ủi:
- Anh không nghe ông cha nói à? Con mình lên thiên đàng rồi, khóc chi nữa? Em cũng muốn theo đạo để lên thiên đàng với con, được không?
Năm Mây
(tác giả gửi về VTCG)