VIỆT NAM NƠI CÓ TIẾNG GỌI CỦA CHÚA
Sáng ngày 15 tháng 6 năm 2020, người dân trong xóm lao động hẻm 243/48 đường Tôn Thất Thuyết, Sài gòn, tụ tập để tiễn đưa một người họ rất thương mến vừa nằm xuống. Có người quá xúc động không cầm được nước mắt. Và người họ thương là một ông Tây mà họ thường gọi một cách thân mật : anh Bảy, chú Bảy, ông Bảy. Ông Tây đó sống trong khu xóm của họ đã lâu năm, từ trước biến cố tháng 4-1975. Làm sao không thương ông được, ông nói tiếng Việt như họ, ăn uống đạm bạc như họ, làm việc lao động vất vả như họ, và ông luôn luôn chuyện trò thăm hỏi họ với một nụ cười hiền lành.
Ông Tây mà dân trong xóm nghèo này thương tiếc chính là anh Pierre Rollier Nguyễn Văn Thạch, tiểu đệ Chúa Giêsu, dòng Charles de Foucauld. Anh quá thương nước Việt Nam nên đã hoàn toàn trở thành một người Việt Nam chính cống với cái tên Nguyễn Văn Thạch, thạch là đá, là Pierre, anh chọn họ Nguyễn, vì phần đông người Việt Nam đều mang tên họ Nguyễn.
Anh Thạch sinh năm 1933, tại Denderleeuw, ở Bỉ, trong một gia đình có 9 người con : 6 trai, 3 gái. Gia đình đã hiến dâng cho Chúa 2 linh mục dòng Tên, 1 nữ tu dòng Kín và 2 tiểu đệ Chúa Giêsu.
Anh Thạch cảm thấy ơn gọi rất sớm : năm 20 tuổi anh đã xin vào Nhà Huynh đệ.
* Năm 1954, anh vào nhà tập tại El Abiodh, trong sa mạc sahara, ở Algérie. Anh không theo con đường của hai người anh cả đã chọn dòng Tên, vì anh thích sống cuộc đời đơn sơ, nghèo khó của Nazareth hơn là làm công việc giảng dạy. Như thế anh đã nghe theo lời của Cha Charles de Foucauld, ngài nói : Tôi muốn rao giảng Tin Mừng không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cuộc sống.
* Năm 1955, anh khấn lần đầu. Cũng năm 1955, anh gặp những người sinh viên Việt Nam du học tại Pháp. Phải chăng sự gặp gỡ và mối cảm tình này đã dọn đường cho anh hướng về một nước xa xôi, bé nhỏ, ở tận cùng Á châu, nước Việt Nam ?
* Năm 1957, anh đến Việt Nam, nhưng vì lý do sức khỏe, anh phải trở về Pháp đề điều trị.
* Từ năm 1958 đến năm 1961, anh học triết học và thần học ở Toulouse.
* Ngày 15 tháng 9 năm 1961, anh khấn trọn đời tại Farlete, ở Tây Ban Nha.
* Năm 1963, sau 6 năm xa cách, anh trở lại Việt Nam, lần này là để sống luôn ở xứ này cho đến cuối đời.
Lúc đầu anh làm thợ mộc ở đường Nguyễn Khoái, quận 4 Sài gòn. Về sau, anh xin được việc làm ở Bến Tàu Sài gòn, anh làm công việc lái máy trục, điều khiển cần trục lên xuống di chuyển những kiện hàng to lớn để gởi đến các nơi trên thế giới. Năm 1975, miền Nam sụp đổ, anh thất nghiệp. Cùng với dân trong xóm, anh thuê một chiếc xích lô để đưa đón khách, đây không chỉ là một kế sinh nhai, mà còn là một cách để tỏ ra đoàn kết với anh em nghèo trong xóm. Khi tình hình đã ổn định, anh trở lại Bến Tàu xin việc làm. Nhờ gặp lại người chủ cũ, anh được tuyển dụng trở lại và tiếp tục công việc lái máy trục. Ngoài giờ làm việc, anh thường lui tới với những người trong xóm, thăm hỏi mọi người, nhà của huynh đoàn cũng là nơi họ đến thăm anh và các anh tiểu đệ khác. Với thời gian, một tình bạn bền chặt đã kết nối anh với họ. Anh Thạch đã hoàn toàn được Việt Nam hóa, anh tự xem mình là người Việt Nam, anh nói tiếng Việt rất chuẩn, với giọng miền Nam đặc sệt, chẳng những anh đọc Phúc Âm, kinh Thánh bằng tiếng Việt, anh còn đọc cả… truyện của Nguyễn Ngọc Tư ! Anh yêu cái xứ sở này, yêu Giáo Hội Việt Nam, yêu con người Việt Nam dễ tiếp xúc, dễ thân thiết. Đời sống Nazareth thầm lặng trong cái hẻm đường Tôn Thất Thuyết này quả là tuyệt vời. Mọi người đều nhớ hình ảnh của anh tươi cười trên chiếc xe đạp cũ kỹ, chiếc xe đạp là người bạn đồng hành của anh, đã cùng anh thăm viếng những người bạn nghèo, cùng anh chia xẻ với họ bao buồn phiền, lo âu. Vào cuối đời khi anh đau ốm, chiếc xe đạp trở thành một thứ nạng chống đỡ để giúp anh đứng vững.
* Năm 2011, do sự khuyến khích của Nhà Huynh đệ, anh Thạch trở về Bỉ thăm gia đình sau 58 năm ở Việt Nam. Anh vui mừng gặp lại những người thân. Nhưng trở lại Âu châu sau hơn nửa thế kỷ, anh bỗng cảm thấy lạc loài và mong mau trở về Việt Nam, mong mau « hồi hương ».
Giờ đây trên trời, anh Thạch sẽ nhớ đến Giáo Hội Việt Nam, Tổng Giáo phận Sài gòn, nhớ đến giáo xứ Vĩnh Hội, Xóm Chiếu, nhớ đến bạn bè trong khu xóm, các bạn công nhân ở Bến Tàu Sài gòn đã cùng anh vất vả nhấc bỗng những kiện hàng gửi đi khắp nơi, các ân nhân của Nhà Huynh đệ, nhớ đến những người ruột thịt ở xa không đến dự lễ an táng anh được vì lý do xa cách địa lý và vì đại dịch covid-19, và nhớ đến đông đảo bạn bè đến từ khắp nơi dự Thánh lễ đưa tiễn anh hôm nay.
Anh Nguyễn Văn Thạch đã ra đi, nhưng nụ cười của anh vẫn ở lại trong cái khu xóm nghèo, như một dấu hiệu sáng ngời của Thiên Chúa.
Liễu Trương
(tác giả gửi về VTCG)