Một bài viết hữu ích dành cho những ai thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với những người vô thần.
Nói chuyện với người vô thần về Kitô giáo như thế nào
Cách đây không lâu, chủ nghĩa vô thần là hệ thống niềm tin không dám xưng danh. Ngay cả những người hoài nghi nhất cũng giả vờ tỏ ra ủng hộ đức tin, hay ít nhất là những phúc lành mà nhân loại nhận được.
Nhưng điều ấy không còn nữa. Thuyết vô thần có ảnh hưởng mạnh mẽ và đang lớn mạnh trong nền văn hóa của chúng ta. Bạn có thể nhìn thấy nó ở khắp nơi từ kệ sách bán chạy nhất tại nhà sách địa phương của cho đến hình ảnh con cá với chữ Giêsu bị nuốt chửng bởi con cá với chữ Darwin trên chiếc xe đang tham gia giao thông trước mặt bạn. Những người vô thần thoải mái tuyên bố mình là người vô thần, thoải mái quảng bá chủ nghĩa vô thần, và thoải mái công kích tôn giáo mà theo một số người vô thần nổi bật, tôn giáo tập trung vào danh sách các phúc lành của nhân loại ở đâu đó giữa bệnh bạch hầu và chủ nghĩa phát xít.
Và bây giờ khi chúng ta gặp nó thường xuyên hơn, đôi lúc các Kitô hữu cảm thấy chính họ không sẵn sàng đương đầu với loại chủ nghĩa vô thần cứng cỏi này. Đặc biệt đối với các Kitô hữu theo truyền thống lâu đời, những lập luận vô thần quá xa lạ đến nỗi họ không biết phải đáp lại như thế nào và sa vào tức giận ("Sao bạn lại dám?!") hay sợ hãi ("Nếu họ đúng thì sao?!"), điều đó không những chẳng đem lại điều tốt lành gì cho ai, nhưng còn gây tổn hại đến chứng từ của người Kitô hữu và khiến người vô thần kiên quyết bám chặt chủ nghĩa vô thần của họ.
Nếu chúng ta dự định gặp nhiều người vô thần hơn (cho dù ở nơi làm việc hay tiệm giặt quần áo hay ở bàn ăn tối của chúng ta), chúng ta cần phải sẵn sàng giải thích niềm tin của chúng ta để đem lại sự đồng thuận với những người sống ngoài đức tin. Như một khởi điểm, sau đây là danh sách những việc nên làm và không nên làm cần ghi nhớ mỗi khi thảo luận về tôn giáo với một người vô thần:
1. Đừng sợ thừa nhận rằng bạn có đức tin.
Các Kitô hữu thường cho biết họ đã ở trong những tình huống mà đề tài tại sao họ tin xuất hiện, và tất cả những gì họ có thể nói là họ có đức tin cho dù họ chưa bao giờ thực hiện bất kỳ cuộc điều tra chính yếu nào. Họ thường có vẻ ngượng nghịu trước lời biện hộ này. Nếu bạn bị cuốn vào một cuộc trò chuyện về lý do tại sao bạn tin và đó là tất cả những gì bạn có, đừng sợ về điều đó. Hãy nói rõ ràng một cách tốt nhất có thể. Ví dụ, bạn có thể giải thích rằng đức tin của bạn không chỉ là một câu chuyện mà bạn tự nói với bản thân mình để cảm thấy tốt, hoặc nói về những gì khiến bạn tin rằng bạn có mối tương quan thực sự với một cái gì đó bên ngoài thế giới vật chất.
2. Đừng cho rằng những người bạn vô thần của bạn đang thầm giận Chúa hoặc cảm thấy như thiếu vắng một điều gì đó trong cuộc sống của họ.
Hãy làm việc với giả định rằng người này là người vô thần đơn thuần chỉ vì người đó không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Thiên Chúa tồn tại.
3. Đừng trích dẫn Kinh Thánh, nhưng hãy hiểu biết Kinh Thánh.
Kinh Thánh là một nguồn khôn ngoan tuyệt vời, nhưng nếu bạn trích dẫn nó cho một người vô thần như một căn cứ đáng tin, nó sẽ giống như bác sĩ của bạn giải thích các chẩn đoán của ông ta bằng cách đọc một đoạn từ truyện Harry Potter. Đừng tuôn ra những câu Kinh Thánh và mong rằng sẽ thuyết phục được ai đó. Có nhiều lý do tại sao Kinh thánh nói những điều đó. Hãy tìm hiểu lý do ẩn đằng sau và sẵn sàng để giải thích chúng.
4. Đừng nghĩ rằng bạn phải có tất cả mọi câu trả lời ngay khi đó và ở đó.
Tốt hơn là hãy nói đơn giản rằng: "Thật là một câu hỏi tuyệt vời! Tôi không biết câu trả lời cho điều đó, nhưng tôi rất thích tìm hiểu nó và sẽ trở lại với bạn sau", hơn là lao vào lãnh vực mà bạn không quen.
5. Hãy giải bức tranh lớn.
Hãy tự làm quen với khía cạnh lịch sử đối với Kitô giáo, và đưa ra một lời giải thích cụ thể về điều khiến cho tuyên bố tôn giáo này trở nên thuyết phục - rằng cuộc đời và cái chết của Chúa Giêsu đã ứng nghiệm những điều đã ghi trong Cựu ước mà tất cả các nhà sử học đồng ý tồn tại trước thời của Ngài; rằng hầu hết các tông đồ đã minh chứng niềm tin của họ bằng cái chết; rằng Kitô giáo lan rộng như ngọn lửa bất chấp cuộc bách hại khủng khiếp. Hãy nghiên cứu tác phẩm của các Kitô hữu thời sơ khai, những người đang bảo vệ Kitô giáo trong một thế giới ngoại giáo mà phần lớn là thù địch với niềm tin của họ (nghe có quen không?).
6. Hãy hợp lý.
Đừng phủ nhận tính chắc chắn của tư duy khoa học hợp lý, nó ở ngoài tầm kiểm soát của ta. Đúng là khoa học không có hết mọi câu trả lời, nhưng chỉ có một số thôi, và nếu bạn cố gắng phủ nhận khoa học, bạn có nguy cơ đẩy mình vào nhóm người lập dị. Như Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI luôn nhắc nhở chúng ta, Thiên Chúa mà chúng ta tin là Thiên Chúa của lý trí. Có một thời gian dài, người ta chỉ tập trung vào những tranh luận duy lý về Kitô giáo, và nếu bạn sử dụng những lập luận này, thì bạn sẽ nói bằng những thuật ngữ mà các bạn vô thần của bạn có thể hiểu. Hãy tìm hiểu về một vài triết gia, nhà hộ giáo Kitô giáo vĩ đại. Nếu bạn chưa đọc cuốn “Kitô Giáo Đơn Thuần” của C.S Lewis, bạn còn chờ đợi gì nữa?
7. Hãy nhận thức rằng, mục đích duy nhất của bạn là gieo hạt giống.
Trong những thảo luận này, đôi khi chúng ta quá chú ý đến những chi tiết nhỏ đến nỗi đánh mất đi cái nhìn về một bức tranh lớn. Thật sự rất khó thuyết phục người ta tin vào chân lý Kitô giáo trong một cuộc hoán cải. Điều tốt nhất bạn có thể làm là bênh đỡ Kitô giáo, và hãy nhớ rằng sự hoán cải xét cho cùng là việc của Thiên Chúa, chứ không phải của bạn.
8. Hãy đặt mình vào vị trí của những bạn người vô thần.
Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu Kitô giáo sai lầm và thần thoại Hy Lạp mới thực sự có thật? Điều gì thuyết phục bạn ?
9. Đừng sử dụng nhiều câu thông dụng của Kitô hữu.
Các Kitô hữu “trao dâng tâm hồn họ cho Chúa” hay “Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta” hoặc chúng ta “cùng đi với Chúa Giêsu hằng ngày” để chúng ta “ở trong trần gian chứ không thuộc về trần gian”. Tất cả những cụm từ này đều mang ý nghĩa sâu sắc và dễ hiểu đối với hầu hết mọi Kitô hữu, nhưng chúng không có bất kì một ý nghĩa gì đối với những người không có đức tin. Thật khó để không sử dụng những câu nói đó, bởi chúng ta đã quen dùng nó khi chúng ta giải thích cho một khái niệm phức tạp nào đó. Nhưng dù sao chúng ta cũng nên giải thích những khái niệm đó một cách đơn giản.
10. Hãy cầu nguyện.
Đừng phạm sai lầm chỉ cậy dựa vào sự thông minh của chính bạn, khi bạn có Chúa Thánh Thần ở bên cạnh. Hãy cầu nguyện để bạn được hướng dẫn và có một tâm hồn biết đón nhận người bạn vô thần. Bạn có thể ngạc nhiên về sự hiệu quả của phương pháp này. Nó cũng sẽ tốt cho bạn.
Chúng tôi không khuyến khích bất cứ ai đi quá và gây nên một cuộc chiến - không một ai bị lôi kéo gia nhập gia đình của Thiên Chúa. Nhưng với một chút chuẩn bị tinh thần, khi đến lúc, bạn sẽ sẵn sàng trình bày vấn đề về đức tin theo những điều quen thuộc với bạn bè và những thành viên gia đình không có đức tin của bạn.
Jason Anderson and Jennifer Fulwiler
(Một số chủng sinh chuyển ngữ)