Những huyền thoại về đời tu
Kỷ niệm mười năm đời tận hiến của bạn tôi Lm. Giuse Đồng văn Vinh
hình minh họa |
Mười năm trước đây, ngày 13/12/1996, cả hàng trăm tu sĩ, giám mục, linh mục, các thày, các sơ, cả ngàn giáo dân, gia đình, họ hàng, thân hữu bạn bè đã cùng qui tụ về nhà thờ Chính Toà St. Mary để tham dự lễ truyền chức cho tân linh mục Đồng văn Vinh. Người ta kháo chuyện với nhau: “Thật hiếm có lễ truyền chức nào đông đến độ như thế, linh thiêng như thế, tuyệt vời như thế. Cha Vinh may mắn quá, được nhiều hồng phúc của Chúa quá, được mọi người quí mến nhiều quá! Trong tình anh chị em các tu sĩ đến chúc mừng, trong tình gia đình, bà con họ hàng tíu tít đến vây quanh, trong tình giáo dân đối với chủ chăn, giáo dân bu lại xin cha ban phép lành. Thật hạnh phúc biết bao cho đỉnh cao của đời tu trong ngày chịu chức.
Tuy nhiên, sau khi mọi người lần lượt ra về, có một hình ảnh đập vào mắt tôi, mà chỉ riêng tôi nhìn thấy, chỉ riêng tôi cảm nhận được, chỉ riêng tôi cảm thấy lòng chùng xuống, nước mắt chực rơi, chỉ bởi vì hình ảnh ấy là hình ảnh của nhiều linh mục khác và của chính tôi.
Trước đó, tháng 7/1992, vào muà đông trong ngày chịu chức, sau khi mọi người đã ra về, một mình tôi lặng lẻ lái xe vào Mc. Donald để vội vàng ngấu nghiến nhai hamburger cho đỡ đói lòng. Ngay lúc đó, nỗi cô đơn như biển sóng ùa vào, ập xuống, đập thẳng vào hồn tôi. Tôi cảm thấy ngộp thở, tôi muốn vùng vẫy để thoát ra khỏi cái tâm trạng kinh khủng ấy. Tháng 12/1996, tân linh mục Đồng văn Vinh sau khi lần lượt chia tay với mọi người, bạn tôi cũng lầm lủi, âm thầm, lặng lẽ cúi đầu đi vào nhà thờ. Có lẽ trong giây phút ấy bạn tôi bắt đầu thấm thía cái giá phải trả rất lớn của đời tu: cái giá ấy là nỗi cô đơn của đời tận hiến.
Thế nhưng, có lẻ chỉ khi cha Vinh bắt đầu thấm thía nỗi cô đơn, cha mới cảm nhận được nỗi cô đơn cùng cực của Chúa Giêsu, khi Ngài bị người đời ruồng bỏ, ngay chính trong quê hương của mình. Hay nói đúng hơn là, tân Linh mục Đồng văn Vinh rất cần được thấm thía, rất cần bị dày vò, rất cần chảy nước mắt vì bị nỗi cô đơn giằng xé, trước khi cha có thể quyết định dấn thân lao mình vào, để phục vụ cho những kẻ cô đơn, cho người bị đời ruồng bỏ, bị sỉ nhục, mạt sát khinh chê, cho những ai bị thiếu thốn nghèo đói thảm thương, cả thể xác lẫn tâm hồn. Mười năm đã qua, cha Vinh đã từng hoạt động trong nhiều giáo xứ, đã từng dong ruỗi rất nhiều nơi trên thế giới, cũng chỉ để phục vụ cho những kẻ khốn cùng trong xã hội.
Thánh Gioan Tẩy Giả cũng một mình gióng lên lời mời gọi sửa đường đón mừng Đấng cứu độ đã đến trong trần gian. Chính Chúa Giêsu cũng một mình đơn côi dong ruỗi trên đường rao giảng tin mừng. Mặc dù có nhiều môn đệ bao quanh, nhưng chẳng ai hiểu được lòng thầy. Chỉ khi những người cô đơn biết tìm đến nhau, biết cảm thông cho nhau, thì nỗi cô đơn mới vụt biến mất. Có lẽ chính vì thế, đời tận hiến không thể không gần gũi với người đã từng gục đầu tắt thở, cô đơn cùng cực trên thập giá xưa kia.
Đã từ lâu, đời tu có những huyền thoại. Chúng ta thử bàn luận xa hơn về những huyền thoại của đời tận hiến:
Huyền thoại thứ nhất, người ta cho rằng cỡ cha Vinh thì làm gì biết yêu, hoặc cha Vinh ở ngoài đời thì có ma nó lấy, coi chừng ế chỏng gọng, bởi vậy đi tu là phải. Sự thật là, không phải là cha Vinh không biết yêu, nhưng chính vì cha Vinh yêu tha thiết cuộc đời và con người, nên cha đã chọn đời tu. Đời tận hiến chỉ vì sợ rằng mình yêu chưa đủ, mình chưa nhìn thấy được Chúa trong xác thân hèn mọn, bệnh hoạn vật vã, trăn trở của con người. Đời tận hiến không biết yêu thì không thể yêu con người, không thể cảm thông với nỗi khổ đau của con người. Đời tận hiến không biết yêu thương là một đời tận hiến lạnh lùng, nghiêm khắc, thay vì rao giảng tin mừng cho muôn dân thì lại rao giảng tin buồn cho tha nhân.
Huyền thoại thứ hai, người ta cho rằng tu là cõi phúc. Sự thật là người tận hiến không trốn lánh cuộc đời, người tận hiến không ung dung sống trong tháp ngà của giáo hội, trong vinh quang của quyền lực, trong sự thoải mái vật chất thảnh thơi. Đời tận hiến khóc cười với nổi trôi của thời cuộc, của hoàn cảnh, của hằng hà vô số những chập chùng thử thách đớn đau, như thánh Phao lô, bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô. Đời tận hiến, nói như lời cổ nhân, lo trước cái lo của thiên hạ mà vui sau cái vui của người đời.
Huyền thoại thứ ba, người ta cho rằng hễ có thiên chức linh mục thì sẽ được mọi người quí trọng, được xưng tụng ngợi khen được nuông chiều cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Sự thật là có lúc trứng cũng bị đập vở, hoa cũng bị bầm dập, lúc ấy nỗi cô đơn tràn trề, lúc ấy, đời tận hiến sẽ hiểu là mình cần phải được chia sẻ và thấm thía nỗi đau khổ với Người đã từng bị mọi người hất hủi, phản bội, bỏ rơi.
Huyền thoại thứ tư, người ta cho rằng đi tu thì khỏe re, tự do quá, thong dong quá, muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi. Sự thật là đời tận hiến tự nguyện dâng trao sự tự do cho Ngài, tự nguyện phó thác cho Ngài, chiếm đoạt thân xác và tâm hồn, tự nguyện làm nô lệ cho tình Chúa và tình người, tự nguyện làm tôi tớ cho những kẻ tôi tớ. Đời tận hiến không khỏe re, không thoát khỏi những bận tâm, lo nghĩ, dằn dặt, xâu xé vì chưa có kẻ nô lệ và tôi tớ nào được quyền khỏe re cả.
Mười năm trước hay mười năm sau, chúng ta không cần phải cầu chúc cho cha Vinh gặp được nhiều may mắn, vì cha không thể may mắn khi kẻ khác bất hạnh. Chúng ta cũng không cầu chúc cho cha hồn an xác mạnh khi tâm hồn cha mãi mãi sẽ khắc khoải với những khắc khoải của con người và thân xác cha không thể khỏe mạnh khi kẻ khác yếu đau. Chúng ta chỉ cầu nguyện và cầu chúc cho Cha mãi mãi trung thành với lời thề hứa năm xưa: Lạy Chúa, con đây. Con được sinh ra để sinh ra để thực thi ý Ngài. Chúng ta cảm tạ Chúa, như lời Đáp Ca, vì Ngài đã làm muôn việc kỳ diệu, vì Ngài đã ban tặng cho chúng ta món quà của cuộc đời người mang tên Đồng văn Vinh.
Tự nhiên trong lúc này tôi chợt nhớ ra một điều là tôi đã lầm to khi rằng cha Vinh cô đơn. Phải cha vẫn cô độc ngay từ ngày vượt biển sóng gió. Thế nhưng, chưa bao giờ cha cô đơn vì bên cạnh cha lúc nào cũng tấp nập người thương mến bao quanh. Đời tận hiến không bao giờ dám đòi hỏi được đáp trả đền bù, tuy nhiên, sự nhiệt tâm phục vụ, tấm lòng bác ái của cha Vinh trong 10 năm đối với Thiên Chúa và tha nhân đã gặt hái được nhiều kết quả không ngờ.
Hôm qua và hôm nay, chúng ta đã tận mắt chứng kiến rất nhiều yêu thương, quí trọng, thân mến của mọi người dành cho riêng cha Vinh. Mười năm trước hay 10 năm sau trong ngày chịu chức hay trong ngày kỷ niệm sẽ có rất nhiều hình ảnh đẹp, có đông đủ tu sĩ, nam nữ, có giáo dân, bạn bè, gia đình họ hàng, có sự trang nghiêm long trọng, có thức ăn ngon ê hề, có những tiếng lòng rộn rã hân hoan, có lời chúc mừng, có nhiều tặng vật, có cha Vinh lúc nào cũng mỉm cười thân thiện, hòa mình với mọi người chung quanh. Nhưng không hiểu sao, đối với riêng tôi, hình ảnh đẹp nhất không phải là những hình ảnh đó mà chính là hình ảnh mang lại nhiều ý nghĩa nhất, sâu đậm nhất, điển hình nhất, tuyệt vời nhất khi Linh mục Đồng văn Vinh, sau lúc chia tay với mọi người, người bạn tôi lầm lũi, lặng lẽ, âm thầm, cúi đầu, nhẹ nhàng bước vào nhà thờ một mình, để rồi bạn tôi sẽ sẵn sàng bước ra, bước vào cuộc đời, tiếp tục làm nô lệ cho tình Chúa và làm tôi tớ cho tình người.
Lm. Giuse Đinh Thanh Bình
http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/39719.htm