ảnh minh họa |
- Về rồi đó à con!
Tiếng bà cố Minh vang lên giữa cái nắng khô khốc buổi cuối hè, khi tấm màn cửa khẽ động đậy. Bà đã ngồi đây chờ con từ sáng sớm. Bà chờ đợi một điều gì đó ở rất xa. Bà vừa mong thấy con, vừa không mong thấy con lúc này. Mong gặp con để hỏi ngọn ngành mọi chuyện, lại không mong gặp con. Gặp con bà lúc này tức là những điều người ta xì xào là thật. Đó là điều bà không muốn nghĩ tới nhất. Cuối cùng thì tấm màn cửa vẫn động đậy, vẫn được vén lên. Con trai bà đã về. Cái tin đồn con trai bà bỏ chủng viện để về cuối cùng là thật. Những tiếng xầm xì ở mỗi góc chợ, những tiếng xầm xì mỗi buổi lễ, buổi nhà thờ nay đã thành thật rồi. Khi tấm màn cửa động đậy, tim bà đã như vỡ một nửa rồi. Một nửa còn lại vẫn đập, để bà khẽ hỏi con, để bà xác nhận sự thực là con trai bà đã về đây, ngay cạnh bà.
- Tắm rửa rồi nghỉ ngơi đi! Mẹ đi nấu cơm trưa.
Bà gượng đứng dậy, bước ra cái sân đang tràn đầy nắng. Nắng cuối hè mà vẫn gay gắt. Nắng khô giòn lên mỗi viên gạch. Nắng bức lên tận mặt. Mồ hôi rịn ra trên trán bà. Nước mắt cũng trực trào theo khóe mắt bà. Dòng nước mắt mà mấy ngày nay bà cố kìm lại. Giờ thì bà mất gần hết sức lực để kìm lại rồi, nhưng bà biết lúc này chẳng nên khóc. Khóc cũng không thay đổi được điều gì. Khóc chỉ làm cái bầu im lặng trong căn nhà vốn heo người càng đặc hơn. Bà lại cố gắng gượng không khóc, nhưng trái tim bị bóp nghẹt làm bà hơi váng đầu. Bà bước vội vào căn bếp để tránh cái váng đầu do cơn nắng mùa hè, cũng là tránh phải nhìn thấy con lúc này. Cũng để tránh phải thấy ánh mắt ngượng ngùng của con trai bà. Từ lúc về tới nhà, Hoàng chưa dám nhìn thẳng vào mắt bà lần nào. Bà biết con trai bà đang rối bời chẳng khác gì bà lúc này. Bà thấy tốt hơn hết là để con bà nghỉ ngơi trước đã và bà thấy nên đi nấu cơm ngay lúc này để con trai bà được nghỉ ngơi.
Hoàng, người mà hôm qua chúng ta vẫn có thể gọi là “thầy Hoàng”, đang nằm thườn ra chiếc giường của mình. Cái cửa sổ ngay bên cạnh giường vẫn đang mở, thông thẳng ra khoảng vườn quanh năm xanh mát của nhà chàng, nhưng cũng chẳng thể làm dịu đi cái mệt mỏi đang len lỏi trong chàng. Từ lúc về tới nhà, chàng vẫn chưa dám nhìn vào mắt mẹ lần nào. Ngày trước, khi chàng quyết chí dự tu, mẹ là người ủng hộ chàng nhất. Ngày chàng nhập học ở Chủng viện, mẹ là người khóc nhiều nhất. Ngày chàng đưa ra quyết định lựa chọn lại, mẹ là người mà chàng nghĩ tới đầu tiên và nhiều nhất. Chàng biết sẽ phải đối diện với sự thất vọng và buồn bã của mẹ. Chàng chuẩn bị tâm lý rất kỹ, nhưng khi đối diện với tình cảnh này, chàng vẫn thấy hụt hẫng. Chàng chưa biết phải mở lời với mẹ thế nào. Biết nói thế nào khi thấy khuôn mặt buồn buồn của mẹ bây giờ. Sự im lặng giữa mẹ và chàng làm chàng thấy sợ. Lúc bước vào nhà, chàng thấy vai mẹ run run. Chàng đã muốn chạy lại ôm lấy mẹ, như trước giờ chàng vẫn làm, nhưng đôi chân chàng khựng lại. Ôm lấy mẹ lúc này, hay cần mẹ ôm lại mình? Những dòng suy nghĩ bòng bong làm chàng càng mệt. Hai mí mắt muốn nhắm lại. Một giấc ngủ ngắn có thể giúp chàng bớt đi những suy nghĩ đang quay cuồng trong đầu chăng? Chàng cố nhắm mắt lại. Những ngọn gió vẫn len lỏi vào mái tóc còn đang ấm mồ hôi.
***
Bà cố Minh. À không! Từ giờ ta sẽ chỉ gọi bà là “bà” thôi. Tiếng “cố” lúc này như chạm vào một cõi riêng tư mà chắc hẳn bà không muốn nhắc tới. Bà khẽ khàng bê mâm cơm lên nhà trên. Mâm cơm vẫn giản dị như thường ngày. Đĩa cá kho gừng. Bát canh riêu cua. Mấy quả cà muối vừa tới độ. Cũng toàn là món ăn mà con trai bà thích. Ngày trước, cứ mỗi lần đi giúp giáo xứ nào đó về, cậu hay thủ thỉ với mẹ “Thịt thà ăn ở các nơi nhiều lắm rồi. Vẫn thích nhất bát canh cua mẹ nấu cho mát ruột”. Ngày đó bà vẫn nghĩ, ơn Chúa là thằng con bà giữ được lối sống giản dị. Dù là dự tu hay đã được khoác lên mình chiếc áo dòng, nó vẫn giữ cái nét quê, cái chất phác như bao năm nay. Bà vẫn hằng mong con trai mình sẽ là một thầy tu tốt, rồi sẽ trở thành một người Linh mục thật giản dị và thánh thiện. Bà vẫn tin và hằng cầu nguyện luôn như thế. Cho đến hôm nay…, dòng suy nghĩ thoáng qua bất chợt làm bà chạnh lòng.
Bà nhẹ nhàng đặt mâm cơm xuống. Con trai bà vẫn nằm đó, yên lặng. Bà từ từ lại gần, ngồi xuống cạnh con. Bộ quần áo vẫn chưa thay ra. Mồ hôi vẫn lấm tấm trên trán, dù gió từ mảnh vườn thổi vào thoang thoảng. Lâu rồi bà mới được ngắm con mình gần như thế. Lúc nào về nhà cũng tất bật. Lúc nào cũng chạy ngược chạy xuôi. Khi thì tập hát chỗ này khi thì tổ chức trại hè chỗ nọ. Con trai bà được Chúa thương ban cho nhiều tài lẻ. Đến khi đi tu rồi, những tài lẻ ấy giúp cậu đi đâu cũng được quý đón. Mỗi dịp hè, mẹ con ở cùng nhau chẳng được mấy nỗi, nhưng lần nào cũng thế, đêm nào được ở lại nhà là lại đòi mẹ mang chiếu ra giữa sân trông trăng. Nằm cạnh mẹ để được nghe mẹ kể chuyện, thỉnh thoảng được mẹ lùa tay vào mái tóc xuề xòa. Ngày ấy mới như mới đây thôi. Bây giờ thì con trai bà đã về đây, sẽ ở với bà nhiều hơn chứ không tất bật như trước nữa, nhưng bà lại buồn. Đời này vốn dĩ toàn chuyện trái khoáy. Ở xa nhau thì mong được kề cạnh nhau. Đến khi biết sẽ ở cạnh nhau lâu dài, thì lại mong con cứ được tung cánh. Tất nhiên, bà vẫn luôn mong con trai bà có thể tu thành công không phải vì danh vọng hay giàu sang gì. Từ ngày con trai bà đi tu, nhà cũng chẳng thêm được đồng kinh tế nào. Mỗi thằng con trai duy nhất mà đi tu, thì kinh tế làm gì trông mong thêm. Chỉ khác là bà con làng xóm hay sang chơi với bà hơn trước. Nhà có hai mẹ con, nên những ngày Hoàng sống trên Chủng viện là những ngày nhà thật trống trải. Giờ thì con trai bà về đây rồi. Nhà sẽ bớt cô quạnh hơn. Vậy mà, lòng bà cứ nghẹn lại. Ước mơ nhìn con được bước lên bàn thánh đã không còn. Những ngày tới trở thành mù mịt với con trai bà và với cả bà nữa.
Hoàng khẽ cựa mình.
Bà Minh trở lại chỗ mâm cơm. Đã gần 12 giờ rồi, nhưng bà cũng không nỡ gọi con dậy. Giờ gọi dậy là lại ngượng ngùng nhìn nhau. Lại rơi tõm vào một khoảng không im lặng. Chi bằng cứ để cậu ngủ. Ngủ thì mới không mong phải đối diện với thực tại. Ngủ mới mong không phải lo nghĩ quá nhiều.
Bà khẽ quay lên, nhìn bàn thờ ông. Khuôn mặt của ông và Hoàng giống nhau nhiều lắm. Ai cũng bảo thế. Gò má xương xương. Ánh mắt hiền hậu. Khuôn miệng lúc nào cũng trực nụ cười. Mỗi lần nhìn thấy con như mỗi lần nhìn thấy chồng. Ngày ông mất là ngày Hoàng vừa thi Chủng viện xong. Ngày đó, Hoàng đã từng có ý định dừng ơn gọi. Bà và mọi người phải động viên rất nhiều, Hoàng mới kiên tâm để tiếp tục. Thoáng cái đã hơn bốn năm. Bốn năm với những hy vọng, mong ngóng, với những vất vả mà hai mẹ con phải động viên nhau để cùng vượt qua. Hoàng càng ngày càng chững chạc. Bà càng ngày càng hy vọng. Bà chưa bao giờ nghĩ tới sẽ có ngày này. Đi tu là con đường mạo hiểm mà có thể dừng lại bất cứ lúc nào, nhưng bà vẫn luôn hy vọng vào con rất nhiều. Niềm hy vọng trong mỗi lần cầu nguyện, mỗi Thánh lễ. Niềm hy vọng qua mỗi ánh mắt gửi tới con. Còn hôm nay, hai mẹ con phải ngập ngừng nhìn nhau, không ai biết phải mở lời thế nào.
Bà quay sang bàn thờ Chúa. Thánh Giá vẫn đứng yên đó. Tượng Đức Mẹ và thánh Giu-se vẫn đứng đó. Bàn thờ này đã chứng kiến biết bao biến cố trong cuộc đời hai mẹ con. Những đêm hai mẹ con thủ thỉ dưới ngọn nến lé sáng về tương lai và ước mơ. Những đêm hai mẹ con ngồi cạnh nhau cho bớt cô quạnh khi nhà vừa mất đi một người. Hôm nay nữa, Chúa cũng chứng kiến được khoảnh khắc bà gắng ghìm lại nước mắt khi thấy con trở về. Ngài chứng kiến và Ngài vẫn lặng im. Giá lúc này Chúa nói với bà đôi lời, biết đâu lòng bà sẽ an yên hơn. Giá như Chúa choàng tay, ôm bà vào lòng để bà bớt cô đơn hơn khi ngồi cạnh con mình. Bà đang trách Chúa ư? Không. Đời bà bao lần gặp phải khổ đau mà chưa một lần bà oán trách, bà vẫn nổi tiếng là người nhẫn nại. Sao bà có thể trách cứ được ai, huống chi là Chúa được. Lòng bà đang rối bời. Bà muốn víu lấy Chúa nhưng Thánh Giá lặng yên quá. Bà muốn nói gì đó mà chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bà cứ lặng im, nhìn lên như thế. Dẫu không nói được gì, chỉ nhìn thôi, nhưng bà vẫn thấy được an lòng chút xíu.
Nắng hôm nay to lắm. Nắng rực lên từng tán lá. Nắng đậm đà nơi từng thớ gạch. Một, hai con chim đang tha thẩn nơi góc sân. Mà lòng bà cứ heo hút lại.
***
Bữa cơm tối vừa xong. Hoàng mang chiếu ra sân ngồi. Một thói quen đã có từ xưa của chàng: trông thấy trăng mỗi tối. Dù trăng tròn vành vạnh mỗi dịp rằm hay bị khuyết đi mỗi khi đầu và cuối tháng, chàng vẫn thích ngắm nó. Cái thứ ánh sáng bàng bạc, dịu dịu cứ tự dưng thu hút chàng. Thời còn đang mang trong mình những cuốn tiểu thuyết đượm màu tình yêu, hay những tập thơ Xuân Quỳnh mềm mỏng thì chàng vẫn thích đọc thơ của Lý Bạch. Chàng có thể đồng cảm với ông ấy mỗi khi nói về trăng. Tuổi thơ chàng thích mỗi tối có trăng. Khi ấy chàng và đám bạn có thể chạy nhảy, nô đùa khắp xóm làng. Rồi học lớn dần, chàng thấy được một người cùng mê trăng như mình là Lý Bạch. Kể cả trong những ngày còn theo học ở Chủng viện, chàng cũng tranh thủ giờ nghỉ ngơi ít ỏi sau bữa tối để lang thang sân trường, ngắm trăng. Trăng theo chàng từ những ngày còn nhỏ cho đến giờ. Cả ngày hôm nay nữa, bữa cơm tối đầu tiên chàng ăn cơm cùng mẹ mà phải ngượng ngùng, mà phải yên lặng nhiều như thế.
Bữa cơm vẫn được dọn ra bậc hiên nhà như thói quen của gia đình chàng bao năm nay. Trăng vẫn tưới chút ánh sáng vào mâm cơm giản dị của hai mẹ con. Vệt sáng của trăng như vạch ra một đường biên mà cả mẹ chàng và chàng, không ai bước qua để tới với người kia. Nhưng ánh trăng như thổi thêm một làn hơi ấm cho căn nhà lạnh queo từ sáng. Chàng nhìn vệt sáng của trăng để không phải ngượng ngùng nhìn mẹ. Mẹ chàng vẫn bình tâm như mọi ngày. Bà vẫn đều đều xới cơm. Nhưng lòng bà cũng đang chộn rộn. Hoàng biết. Chỉ là bà giỏi giấu đi những cơn sóng trong lòng giỏi hơn chàng. Nên mẹ chàng vẫn lặng im như thế. Điều đó làm chàng ngại. Hay là sợ? Chính Hoàng cũng không hiểu nổi mình.
Hôm nay không phải ngày rằm. Trăng không tròn nhất, cũng không đẹp nhất. Hoàng vẫn ngẩng lên, ngắm nghía. Nhưng chàng không suy tư về trăng như mọi khi. Chàng ngắm trăng để không phải nhìn thấy mọi thứ xung quanh lúc này. Không phải nhìn thấy căn nhà chỉ hai mẹ con. Không phải nhìn thấy ánh mắt đượm buồn của mẹ. Không phải nhìn thấy mảnh vườn mà bố của chàng đã dày công vượt lên, đang xào xạc trong gió. Giờ nhìn đâu, chàng cũng thấy ngường ngượng. Chỉ có trăng làm chàng không ngại ngần. Chỉ có trăng mới là cớ để chàng ngẩng mặt lên, khỏi phải cúi mình nhiều giống từ sáng tới giờ. Bởi thế, chàng ngắm trăng rất lâu. Ngắm mà không nghĩ gì. Ngắm mà không biết mẹ chàng đã ngồi bên từ lúc nào.
- Con vẫn thích trăng lắm hả?
Hoàng choàng tỉnh. Chàng đưa mắt nhìn sang mẹ. Mẹ cũng đang nhìn lên trăng. Cả ngày hôm nay, mẹ không nói với Hoàng nhiều. Hai mẹ con cứ lầm lũi như hai cái bóng trong căn nhà thân thuộc. Lúc đầu, chàng sợ sự im lặng ấy. Sợ rằng mẹ dùng sự im lặng để trách cứ chàng. Đến bữa cơm, khi thấy mẹ vẫn lầm lũi quan tâm chàng như trước, chàng mới hiểu mẹ không nói gì để chàng không phải ngượng ngùng với mẹ. Mẹ im lặng, để chàng tự nói chuyện với mình nhiều hơn. Lúc ấy mà phải trả lời mẹ, chàng cũng không biết phải nói thế nào. Mẹ vẫn tinh tế như thế. Mẹ biết lúc nào nên vui, lúc nào nên buồn, lúc nào nên quở trách hay tâm sự cùng chàng. Còn lúc này, khi màn đêm đang hạ dần dần xuống, mẹ mới cất hỏi chàng.
- Dạ vâng ạ! Trông lên trăng, con thấy bình an hơn mẹ ạ.
Hoàng chỉ biết nói thế. Không giải thích, không nêu ra những cảm xúc về trăng với mẹ như ngày trước. Cảm giác ngượng ngùng không còn cồn cào như lúc sáng, nhưng cảm giác có lỗi thì vẫn còn, nên chàng vẫn không biết phải nói với mẹ thế nào.
- Chắc mấy ngày nay con mệt lắm rồi hả? – bà Minh nhẹ nhàng – hôm nay mẹ thấy con ngủ mệt lắm. Nếu mệt quá thì đừng thức khuya. Tranh thủ ngủ sớm cho đỡ mệt.
Hoàng chỉ ậm ừ trong cổ họng. Vẫn không biết nói thế nào trước sự quan tâm của mẹ. Mẹ chàng lại trông lên trăng. Hoàng cũng thế. Không thể nói, không thể nhìn thẳng vào mắt mẹ. Chỉ còn trăng là điểm chung, kết nối chàng với mẹ. Một sự kết nối lỏng lẻo. Tự nhiên chàng thấy trăng sáng rực hơn. Hình như chú Cuội nhìn rõ hơn. Chàng thấy rõ gốc đa đang tủa rễ ở nơi xa xa kia. Nhìn rộng ra, trăng như khuôn mặt tròn đầy đang cười với chàng. Nụ cười nhân từ, nụ cười tha thứ cho lòng chàng đang rối bời. Nước mắt của Hoàng lại len lén chảy ra. Lần thứ bao nhiêu trong ngày hôm nay rồi. Mỗi lần nhìn thấy dáng đi nhỏ nhỏ của mẹ, chàng lại muốn khóc.
Hoàng khẽ nhìn sang mẹ. Mẹ vẫn ngồi yên, trông lên trăng như thế. Mái tóc pha sương, bạc đến bao nhiêu sợi rồi. Trong ánh bàng bạc của trăng mà vẫn còn nhìn rõ như thế. Bao nhiêu sợi đã bạc từ khi chàng đi tu. Bao nhiêu sợi bạc trong lời cầu nguyện thổn thức dành cho chàng. Hoàng muốn quay đi, muốn tránh phải nhìn thấy. Nhưng mái đầu ấy vẫn hút ánh nhìn của chàng ở lại.
- Mẹ! Con xin lỗi mẹ. – Hoàng khẽ khàng nói – con có lỗi với mẹ khi trở về như thế này. Con làm mẹ thất vọng vì con nhiều quá. Con không biết phải làm cách nào mới bù đắp lại được nữa. Mẹ cứ trách con đi.
Bà Minh quay sang nhìn con. Ánh mắt hiền từ, vẫn ươn ướt nơi khóe mắt, nhìn con:
- Mẹ không trách con. Mẹ vẫn hay nói với con: lựa chọn ơn gọi nào cũng được miễn sao con hạnh phúc, miễn sao con đã cầu nguyện kỹ càng trước khi quyết định. Còn dù ở ơn gọi nào, con cũng là con của mẹ. Mẹ có trách cũng chẳng thể bỏ rơi con được.
- Mẹ! – Hoàng nghẹn ngào.
Mẹ chàng cũng không kìm tiếng nghẹn ngào lại nữa. Hai mẹ con cùng khóc. Kìm nén dòng nước mắt cả ngày hôm nay, đến giờ này hai dòng lệ mới cùng tuôn ra được. Bà Minh ôm lấy con. Hoàng chúi đầu vào ngực mẹ như hồi còn bé. Nước mắt ướt thẫm áo của bà. Bà Minh ôm, vỗ vỗ vai con. Lúc này bà chẳng biết làm gì hơn cho con được. Bà chỉ mong cái ôm này làm con bớt thổn thức, bớt lo sợ đi như trong cả ngày hôm nay. Hoàng cứ nằm im trong lòng mẹ như thế. Chàng còn nghe thấy rõ tim bà đang đập nhanh hơn. Chàng càng khóc nhiều hơn.
- Mẹ chẳng biết làm gì hơn cho con lúc này – Bà Minh nói tiếp – Nếu có thể thì con nói với mẹ. Còn nếu bây giờ chưa sẵn sàng nói thì đợi khi nào bình tĩnh lại, nói cho mẹ biết vì sao con làm thế.
Hoàng chỉ lắc đầu trong lòng mẹ. Lúc này chàng chưa biết phải mở lời như thế nào. Chàng muốn tìm thêm sự bình yên từ lòng mẹ lúc này. Chàng muốn để khi nào thuận tiện, mới nói rõ với mẹ tại sao chàng lựa chọn như thế.
Trăng trên cao vẫn tỏa xuống cái ánh sáng dìu dịu, bàng bạc, soi rõ hai bóng người nơi sân nhà vắng hiu. Gió vẫn hiu hiu thổi vào từng tán lá trong đêm. Tiếng xào xạc nhè nhẹ. Hai bóng người vẫn hòa chập làm một trong ánh trăng đêm đang soi tỏ.
Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2019
Quang Hải