Truyện ngắn: Trái chín phải đợi (phần cuối)

Quang X Nguyen
(“Trái chín phải đợi” lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về hành trình ơn gọi của một chủng sinh. Người viết xin chân thành cảm ơn Thầy đã chia sẻ và đóng góp cho truyện ngắn)

Mời đọc phần 1; phần 2


Những năm đầu của đời tu trôi nhanh hơn Hùng tưởng. Hùng hạnh phúc và trân quý từng ngày được sống với tư cách là một chủng sinh. Cậu lao vào phục vụ hết mình, việc gì cũng làm, không hà cớ điều chi. Có lẽ, những năm tháng không được sống cho ước mơ làm Hùng có suy nghĩ là cậu sẽ dành cuộc đời phục vụ để bù đắp lại. Khi người ta phải hy sinh, đánh đổi thật nhiều để có được một thứ gì đó, họ sẽ quý nó như một bảo vật. Với Hùng, ơn gọi là một thứ như vậy. Cậu mơ về những làng bản xa xôi mà một ngày nào đó mình có thể đặt chân tới. Cậu muốn là một linh mục của người nghèo. Cậu khao khát mang Chúa đến cho những con người tội nghiệp ấy. Còn nhiều kế hoạch và dự định tốt đẹp trong đầu mà Hùng ước ao một ngày nào đó có thể thực hiện được….

Nhưng trong cuộc đời này có một thứ chắc chắn là: không có gì chắn chắn cả. Sau những năm tháng rất đẹp và đầy lý tưởng, Hùng bắt đầu phải đối diện với thử thách của chính mình…

--------------------

Thời gian này, sau giờ học ban sáng thì nguyên buổi chiều, các chủng sinh đều góp công vào việc xây dựng nhà ở cho chủng viện. Hôm nay cũng vậy, Hùng và mấy anh em sau giờ học thì thay đồ xuống làm việc. Đang lúc phụ với những người khác bê đá thì Hùng thấy lưng mình có chút gì không ổn, cảm thấy không thể đứng lên nổi.
- Anh sao thế? Trong người không khỏe à? - Một người hỏi.
- Không biết nữa, tự nhiên anh thấy đau lưng, có lẽ do bê sai tư thế. – Hùng vừa nói vừa lấy tay day day vào thắt lưng cho đỡ nhức.
- Anh về nghỉ đi, để em đi xin phép cha cho – cậu em tử tế.

Hùng gật đầu, ráng đứng dậy rồi nhờ cậu kia dìu mình về phòng.

Suốt ngày mấy ngày liền, Hùng gần như không thể ngủ được, phải nằm sấp xuống giường, cảm giác thật không dễ chịu chút nào. Tối hôm đó, cha giám đốc ghé qua thăm. Vừa thấy cha, Hùng cố gắng ngồi dậy nhưng cha cản:
- Thôi, thôi, cứ nằm đi con, đang đau mà – Cha Ái giống như một ông bố hiền hòa, ít nói nhưng luôn quan tâm con cái. Các chủng sinh đều rất quý mến.
- Dạ, con chào cha – Hùng ngoan ngoãn.

- Đau lâu chưa con? Hay đi khám nhé.
- Cũng hơn một tuần nay rồi cha ạ nhưng đến chiều hôm qua, trong lúc bê nặng con mới thấy đau dữ dội. Chắc do con không cẩn thận nên bê sai tư thế thôi ạ. Không sao đâu cha.

Cha Ái suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Để cho chắc thì đi nhà thương đi con. Mai cha kêu anh em đưa con đi. Giờ thì con chịu khó nghỉ ngơi nhé.
- Vâng ạ. – Hùng đáp.

Sáng sớm hôm sau, một thầy đang học năm ba triết học tình nguyện đưa Hùng đi khám bệnh. Thầy kia tỏ ra là người xông xáo, lo xong xuôi hết mọi thủ tục giấy tờ. Hùng vì đau nên cũng không thể đi lại, chỉ đi đến những nơi mà thầy kia dắt đi còn khi thầy đi lấy kết quả thì cậu ngồi một chỗ đợi, ngoan ngoãn như một đứa trẻ. Tự nhiên Hùng nghĩ đến một câu trong Tin Mừng Gioan: “Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Hùng tự nhạo nhễ mình: haizz, giờ mình còn trẻ mà đã phải chịu cảnh để người ta dắt đi đến nơi chẳng muốn rồi, không biết về già còn bị dắt đi đâu nữa.

Còn đang ngồi nghĩ miên man thì thầy kia gọi:
- Hùng, có kết quả rồi. Vào gặp bác sĩ đi em.
- Nhanh thế anh – Hùng nói rồi bám vào ghế, cố gắng đứng dậy – Có sao không anh?

Thầy kia, tay cầm tờ kết quả, khuôn mặt có chút buồn:
- Ờ, cũng có đấy. Nhưng mà thôi, vào để bác sĩ đọc kết quả, anh cũng mờ tịt về cái khoản này.
Nói đoạn, thầy đỡ Hùng vào phòng.

Vị bác sĩ lật qua rồi lật lại hết tờ này đến tờ kia, bỗng nhìn Hùng hỏi:
- Em bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ, hai tám – Hùng đáp.
- Em đang làm nghề gì?

Hùng nhìn thầy kia, cười rồi trả lời:
- Em là thầy tu?

Ông bác sĩ trợn tròn mắt:
- Trời, thời này mà cũng còn có người đi tu à? Hiếm có lắm đấy.

Hai anh em nhìn nhau cười, chẳng biết trả lời thế nào.
Ông bác sĩ bắt đầu có cảm tình với hai ông thầy trẻ, chuyển giọng:
- Trước đây, cậu có từng bị chấn thương cột sống không?

Hùng ngờ ngợ nghĩ lại:
- Hình như có, hồi em còn mười mấy tuổi, một lần đi chăn bò rồi chẳng may bị hất ngã từ trên xuống, em có đi chữa, thấy ổn ổn rồi nên nghĩ không sao. Nhưng mà có chuyện gì à bác sĩ?

Vị bác sĩ chăm chú nghe rồi trả lời:
- Cậu bị thoát vị đĩa đệm kèm thoái hóa hai đốt sống lưng. Tuổi cậu còn trẻ mà bị vậy thì không ổn lắm. Nếu phải làm việc nặng thì lại càng hại hơn. Về lâu về dài nếu không chữa thì sẽ mệt đấy.

Hùng bỗng cảm thấy có chút gánh nặng trong lòng. Cậu không nghĩ bệnh lại nặng đến thế. Tự nhiên, có rất nhiều câu hỏi và viễn cảnh hiện ra. Hùng không muốn nghĩ đến nhưng nó cứ xuất hiện và làm lòng cậu thấy hoang mang.

Đến tối thì cha giám đốc đến thăm Hùng, có lẽ cha đã biết chuyện. Nhưng vẫn khuôn mặt hiền hòa và điềm tĩnh, cha hỏi:
- Con thấy thế nào rồi?
- Vẫn đau thưa cha – Hùng đáp

- Ừm, đừng lo, thời gian này con cứ nghỉ ngơi đi. Công việc cứ để đó, sẽ có các anh em trong nhà thay cho công tác của con. Cha có quen một số người chuyên về bệnh này, cha giới thiệu, con đến thử xem có được không nhé.
- Con phiền cha và các anh em quá rồi ạ. Con không giúp gì được chủng viện giờ lại để mọi người gánh cả việc của con.

- Con đừng nghĩ vậy. Bây giờ, sứ vụ của con là chữa bệnh. Nó còn quan trọng và nặng nề hơn những công việc khác đó. Con tìm Chúa chứ đừng lo tìm việc của Chúa.
- Vâng, thưa cha, con hiểu rồi ạ.

Từ hôm sau, Hùng đi học ban sáng còn ban chiều thì đi chữa bệnh. Những tuần đầu, có vẻ ổn. Nhưng hễ trời trở thì cơn đau lại tái phát, mỗi lúc một nhức mỏi hơn. Sự đau đớn của thể xác cũng làm nhụt chí tinh thần. Hùng đứng ở lầu trên nhìn xuống dưới sân thấy anh em khi thì vui vẻ đá bóng, lúc thì hăng say lao động, rồi đi dạy học, đi sứ vụ…Chỉ có mình cậu là ở nhà. Đôi khi, Hùng có cảm giác mình như kẻ vô dụng bị tách biệt. Cậu dùng chính những suy nghĩ tiêu cực để cô lập bản thân. Nhớ về ước mơ cùng với những lý tưởng và hoài bão trước đây, cậu thấy lòng mình trĩu nặng.
Chiều nay, Hùng ngồi một mình trong nhà nguyện, dùng nắm tay đấm nhè nhẹ vào sau lưng, đôi mày hơi nhíu lại tỏ vẻ đau đớn, trong đầu bỗng nghĩ vẩn vơ: Có khi nào mình lại phải về lấy vợ vì cái bệnh này không? Tự nhiên cậu thấy sợ khi nghĩ về ngày mai. Trên đời này, có một số thứ mà con người ta không thể lựa chọn, đó là: sự ra đời của chính mình, gia đình và ngày mai. Ngày mai vốn dĩ là cái thứ chông chênh mà ta không thể biết được, ngày mai biết đâu Hùng lại không thể tiếp tục ước mơ của mình, ngày mai biết đâu Hùng sẽ phải quyết định một hướng đi khác, ngày mai….

Tối hôm đó, Hùng quyết định đến gặp cha giám đốc. Sau giờ cơm tối, Hùng gõ cửa phòng cha:
- Mời vào – một giọng nói trầm trầm vang lên.
Hùng đẩy cửa bước vào:
- Dạ, thưa cha, con có chuyện muốn thưa với cha.
- Ừ, vào đây con – Cha nhẹ nhàng.

Hùng ngồi xuống ghế, giọng nghiêm túc:
- Thưa cha, con muốn hỏi ý kiến cha về chuyện của con.
Cha Ái nhìn Hùng với ánh mắt thông cảm, có lẽ cha cũng hiểu được phần nào tâm tư trong lòng cậu suốt những tháng qua.
- Con nghĩ sao? – Cha hỏi ngược lại.
- Con chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ ơn gọi. Nhưng tình hình bệnh tình như vậy khiến con không thể không suy nghĩ thưa cha. Con sợ mình sẽ trở thành gánh nặng cho chủng viện.

- Con có kế hoạch gì rồi à Hùng? – Cha Ái hiểu nhanh.
- Thưa cha, con muốn xin một tháng để về nhà chữa bệnh. Con muốn hỏi ý kiến cha.

- Con vẫn muốn tu tiếp chứ.
- Vâng, thưa cha, con sẽ không từ bỏ ước mơ trở thành linh mục – Hùng cương quyết.
- Được rồi, cha đồng ý. Con cứ chữa bệnh rồi vào lại. Cửa chủng viện luôn mở cho con.

Câu nói của cha làm Hùng cảm thấy như được tiếp sức. Cậu chào cha ra về. Trước khi đi, Hùng hỏi cha thêm một câu:
- Thưa cha, nếu đường ơn gọi của một người mà bị từ chối rất nhiều lần thì có phải họ không có ơn gọi phải không cha?

Cha Ái từ tốn:
- Đó là chuyện của Chúa con ạ. Nhưng, trái chín phải đợi. Ơn gọi như một thứ trái chờ chín, người ta không thể hái nó khi còn xanh, cũng không thể bắt nó chín ép. Thứ duy nhất mà ta có thể làm là chăm chút cho nó từng ngày và chờ đợi….

Hùng không hỏi thêm gì nữa. Cậu đã hiểu ý của cha.

Đêm đó, cơn đau vẫn hành hạ không cho Hùng ngủ, nhưng không hiểu sao lòng cậu lại không cảm thấy khó chịu như những đêm trước. Hùng bắt đầu học cách kiên nhẫn với chính mình và với căn bệnh mà cậu đang phải đối diện.
Ba ngày sau, Hùng về quê.
--------------------

Nói về ông bà Sáu Cảnh, từ ngày Hùng đi tu, ông Sáu cũng không còn gay gắt như xưa nữa. Có lẽ, ông đã hiểu cho con đường mà con trai mình đã chọn.

Nhưng cuộc sống này vốn dĩ vẫn luôn thích thử thách con người ta. Khi vừa chấp nhận được chuyện con đi tu thì ông lại nhận được tin Hùng sẽ phải về nhà chữa bệnh, lòng ông không khỏi sầu não. Còn bà Cảnh thì khóc mãi vì thương con. Nhưng trước ngày Hùng về, ông Sáu dặn vợ:
- Bà đừng có khóc lóc trước mặt con. Nó thấy lại tủi đấy. Có bệnh thì chữa, có phải ung thư sắp chết đâu mà bà khóc lóc mãi như thế.

Bà Cảnh lấy tay gạt nước mắt:
- Con tôi đẻ ra thì tôi thương. Ông biết gì mà nói.
- Trời, mình bà đẻ nó đấy à. Tôi không đẻ ra nó chắc. Tôi nói rồi đấy, con nó về, cứ bình thường đi.
- Biết rồi, nói mãi – Bà Cảnh hờn dỗi rồi vùng vằng đi xuống bếp.

Hôm sau, Hùng về tới nhà, thấy thái độ khác thường của bố mẹ. Cậu không khỏi kinh ngạc. Cậu đã nghĩ kiểu gì cũng sẽ bị nói ra nói vào nhưng cả hai, nhất là ông Sáu lại tỏ ra như chẳng có chuyện gì, chỉ bảo vài câu:
- Thôi, có bệnh thì lo đi chữa. Tao biết mấy ông thầy rành về cái bệnh này lắm. Mai tao chở mày đi xem sao.

Thế là từ hôm đó, cứ chiều chiều, ông Sáu lại chở Hùng tới nhà ông thầy để nắn bóp, bấm huyệt, xong lại lật đật đưa con về. Hùng ngồi sau xe ông chẳng khác nào đứa trẻ. Tự nhiên, ông Sáu thấy như quay về cái thời cách đây hơn hai chục năm trước. Khi ông vẫn chở Hùng trên chiếc xe phượng hoàng đi chơi ở bến đá vào buổi chiều. Giờ Hùng không còn là thằng nhóc bảy, tám tuổi của ngày xưa nữa nhưng đối với người cha như ông Sáu, đứa con dù có lớn như thế nào thì vẫn mãi là một đứa trẻ trong lòng cha mẹ chúng mà thôi…

Mấy ngày nay, thời tiết trở nên khó chịu khác thường, Hùng lên cơn sốt nặng nên phải nằm nghỉ ở nhà. Anh Tín đi làm ở Quảng Ninh chưa về thành ra nhà chỉ có hai ông bà chăm sóc một chàng trai trẻ. Trông hai ông bà già mệt mỏi thấy rõ. Còn Hùng thì sốt mê man đã hai ngày rồi.

Đêm nay, trong lúc nửa tỉnh nửa mê, Hùng thấy có một bàn tay mềm mại đặt lên khuôn mặt nóng ran của cậu. Có lẽ là bàn tay của một người con gái. Chốc chốc, người ấy lại lấy khăn thấm trên trán và cổ. Rồi cậu nghe thấy một giọng nói nhẹ nhàng vang lên bên tai:
- Hùng….Hùng ơi…dậy ăn một chút rồi ngủ tiếp, Hùng đã không ăn uống gì cả ngày hôm nay rồi.
Hùng không nhìn thấy nhưng nhận ra được đó là tiếng nói của Hồng Lam.

Hùng cầm bàn tay Hồng Lam đang đặt trên trán xuống, lắc đầu, giọng khàn đặc:
- Hồng Lam đấy à. Hùng không muốn ăn. Cho Hùng nghỉ một chút.

Nghe thấy Hùng trả lời, Hồng Lam thấy yên tâm hơn, gật đầu nói:
- Vậy Hùng nằm nghỉ đi. Mai Lam lại tới.

Rồi Hùng thiếp đi trong sự mê man của cơn sốt.
Thấy bà Cảnh vất vả, những ngày sau, Hồng Lam đều ghé qua phụ bà nấu ăn rồi chăm sóc cho Hùng.
- Hôm nay Hùng thấy sao rồi? – Hồng Lam bước vào nhà, thấy Hùng dù còn mệt nhưng có vẻ tỉnh táo hơn nên hỏi.
- Cám ơn Hồng Lam nhé. Hùng đỡ rồi. Mà mấy ngày rồi, Hồng Lam qua chăm Hùng à.

- Ừ, tại thấy nhà có hai ông bà nên Lam qua giúp. Giờ Hùng khỏe rồi, Lam khỏi qua nữa nhé – Hồng Lam vừa nói vừa nheo mắt cười.
- Thỉnh thoảng qua chơi cho vui. – Hùng thật thà.

- Uhm, biết rồi, sao bỏ bạn được. Khi nào khỏe, qua nhà Lam chơi nhé. Bà với hai đứa nhỏ nhắc Hùng suốt đấy.
- Ờ, nhất trí.

Hùng và Hồng Lam vẫn luôn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện và chia sẻ dù có thể khi ở cái tuổi hai tám con người ta đã khác rất nhiều so với hồi chỉ mười mấy đôi mươi. Khi những người bạn đã trở nên quá thân thiết, họ nghĩ mình rất hiểu về người kia. Nhưng biết đâu lại có những góc khuất mà ta chưa từng nhận ra.

Hồng Lam về rồi. Bà Cảnh mới từ dưới bếp đi lên.
- Con bé về rồi à con? – Bà hỏi.
- Vâng, mới về mẹ ạ. Hồng Lam dễ thương mẹ nhỉ, lúc nào cũng nghĩ tới người khác. Bao năm nay, cứ mải lo cho bà với hai đứa em mà chuyện của mình thì chẳng để ý. Chả thấy Hồng Lam chịu quen ai.

- Không phải là không chịu quen. Mà là trong lòng nó đã có người rồi. – Bà Cảnh tỏ ra rất hiểu Hồng Lam.
- Ơ, ai thế mẹ? Sao chẳng thấy Lam nói gì. – Hùng tò mò.

- Cái thằng ngờ nghệch này. Là con đấy. – Bà Cảnh tỏ ý trách.
Hùng cười phá lên:
- Mẹ đùa con hả? Sao thế được?

- Đúng là đám đàn ông vô tâm y như bố mày. Có mù cũng nhận ra Hồng Lam nó thương mày con ạ. Thế con nghĩ sao mà người con gái đẹp người đẹp nết như nó lại không có người thương? Nhưng là vì nó còn thương con nên chưa muốn quen ai đó. Từ ngày con đi lính đến giờ, hễ khi nào con về là Hồng Lam nó vui hẳn lên trông thấy. Ôi, cái thằng con trai vô tâm của tôi…
Rồi bà lại thêm:
- Mà con này, hay thôi đi.
- Thôi cái gì hả mẹ? – Hùng hỏi.
- Thôi chuyện đi tu. Hay là về nhà đi con. Chứ con bệnh tật thế này mẹ thấy không đặng. Con có nghề nghiệp lại có người thương con. Hay là… - Bà Cảnh ngập ngừng. Đoạn thở dài một tiếng rồi bỏ ra ngoài.

Tới lúc này thì Hùng không cười nữa. Cậu bắt đầu nghĩ về những lời nói của mẹ về Hồng Lam. Cậu nhớ lại đôi bàn tay nhỏ chạm lên khuôn mặt của mình đêm trước và cái cách Hồng Lam chăm sóc cho cậu. Tự nhiên, Hùng thấy tim mình như đập nhanh hơn.

Từ nhỏ, Hùng biết mình sẽ đi tu nên cậu rất hay tránh né việc quá thân thiết với những bạn gái khác. Hùng sợ tình cảm sẽ làm lệch hướng lý tưởng. Nhưng trái tim cậu chưa bao giờ đề phòng trước Hồng Lam. Cậu luôn thoải mái và an tâm khi ở bên cô. Hùng nghĩ Hồng Lam cũng như mình. Việc có một người bạn tri kỷ chưa bao giờ là điều xấu cả.

Mấy hôm nay, Hùng hay trầm tư về Hồng Lam. Cậu không hiểu những cảm xúc trong mình đối với cô là gì: Là tình bạn? Tình thương? Hay là tình yêu? Nó là một cái gì đó mập mờ giữa những ranh giới kia. Rất khó để diễn tả. Suốt bao năm qua, mối quan hệ thân thiết giữa Hùng và Hồng Lam khiến cậu không còn quá quan tâm đến chuyện phải rạch ròi đó là thứ tình gì. Hùng chỉ biết cậu rất mến Hồng Lam. Và ngược lại…

Đang khi còn miên man trong những suy nghĩ thì Hồng Lam bất chợt tới thăm. Thấy cô, Hùng giật mình, mặt bỗng đỏ bừng lên như kẻ đang làm chuyện gì bí mật mà bị phát giác. Hùng cúi mặt. Còn Hồng Lam thì tươi tỉnh:
- Sao ở nhà như ở cữ thế. Lam qua tính rủ Hùng đi dạo luanh quanh cho thay đổi không khí. Ở nhà mãi thế này khéo khi lại ốm hơn đấy.

Hồng Lam đề nghị nhưng chưa để cho Hùng đồng ý đã vội đến kéo tay cậu đứng dậy, năn nỉ:
- Đi, đi mà.

Nhìn vào ánh mắt của Hồng Lam, Hùng bỗng thấy nao nao trong lòng. Cậu đứng dậy theo quán tính rồi hai người cùng đi theo hướng về bến đá – nơi gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên ở xóm này. Đi được một vài đoạn, Hồng Lam lại chỉ trỏ như nhắc lại cho Hùng nhớ những kỷ niệm hồi còn nhỏ của hai người với những đứa trẻ khác.

Khi tới bến đá, hai người ngồi xuống nghỉ trên những mỏm đá nhấp nhô. Bến đá ngày nay không còn giữ lại được nhiều quang cảnh xưa nữa. Người ta đã khai thác gần hết mấy ngọn núi. Có những ngọn chỉ còn chừng một phần ba. Lớp cây xanh cũng bị phá đi gần hết. Độ chục năm nữa chắc bến đá chỉ còn lại trong trí nhớ của những con người thuộc về thế hệ này mà thôi.
- Hồng Lam này…- Hùng mở lời.
- Ờ, sao thế?
- Cảm ơn Hồng Lam đã chăm sóc Hùng những ngày qua nhé. Chẳng có gì báo đáp ngoài lời cầu nguyện.

Hồng Lam cười tươi:
- Sao bữa nay khách sáo thế.

Hùng cười, đáp:
- Tại lớn rồi, đâu còn giống ngày nhỏ. Phải khác chứ. Mà Hồng Lam này, sang tuần Hùng về lại chủng viện đấy.

Nghe thấy thế, tự nhiên sắc mặt Hồng Lam chuyển sang nét buồn rõ rệt:
- Nhanh vậy, Hùng phải đi rồi hả?
- Ừ, cũng phải lên đường chứ, đâu thể ở đây mãi.

- Có thể xin ở thêm một thời gian nữa được không?
- Cũng gần một tháng rồi mà, Hùng thấy sức khỏe cũng ổn hơn rồi. Có lẽ phải đi thôi.
- Nhưng Hùng có muốn đi không? – Hồng Lam hỏi.

Hùng hơi lạ khi nghe câu hỏi của Hồng Lam nhưng nhớ lại lời của bà Cảnh, Hùng hiểu ra. Cậu đáp:
- Ơn gọi của Hùng là ở đó Hồng Lam ạ. Ước mơ, lý tưởng, tâm trí và cả trái tim nữa, Hùng đều để ở đó cả. Phải về thôi.
- Nhưng Hùng không nhớ nhà à? - Hồng Lam ngập ngừng.

Hùng nhìn vào mắt Hồng Lam. Đôi mắt Hồng Lam không biết nói dối. Hùng hiểu Hồng Lam đang muốn hỏi ý khác. Có lẽ đến lúc phải có một sự rõ ràng trong mối quan hệ của hai người. Cậu đáp:
- Dù có tu kỹ đến thế nào, trái tim người tu sĩ không bao giờ chết Hồng Lam ạ. Nhưng từ ngày đi tu, Hùng dâng trái tim đó lại cho Chúa rồi. Hùng muốn toàn tâm toàn ý với ơn gọi. Hồng Lam cầu nguyện cho Hùng nhé.

Hồng Lam nhớ lại cái lần Hùng chở cô đi lễ và tâm sự về ý định đi tu cách đây hơn mười năm trước. Mười năm sau, Hùng bây giờ không còn là Hùng của hồi đó nữa, cả trong suy nghĩ lẫn vẻ ngoài, nhưng câu trả lời của ngày đó và bây giờ vẫn là một. Nếu được chọn lại, Hùng vẫn muốn đi tu.

Hai người ngồi bên nhau suốt buổi chiều hôm ấy. Hùng có nhiều thắc mắc muốn hỏi. Hồng Lam cũng có nhiều điều muốn nói. Nhưng không hiểu sao, cả hai lại chọn cách im lặng.
-------------

Ngày Hùng trở lại chủng viện, có nhiều người đưa tiễn, khác lần trước là chỉ có anh Tín với Hồng Lam. Hùng vẫn đeo chiếc ba lô của lính hải quân và mặc chiếc áo trắng mà Hồng Lam may cho.
Không khí hôm nay vui vẻ hơn trước.
- Để tao đưa đi. Hồi nào giờ mày đi tu, tao cũng chưa ghé qua chào mấy cha. Người ta lại tưởng tao không ưa mấy ông cha hay sao mà không tới – ông Sáu hăm hở.
- Thôi, để dịp khác bố. Con gọi xe chú Bình rồi, chú nói chờ ở đầu xóm. – Hùng cản.

- Con lên đấy nhớ giữ sức khỏe, làm gì cũng phải để ý đến cái lưng. Đừng có làm nặng kẻo lại phải về chữa bệnh nữa đấy. Lần sau mà về kiểu này, mẹ không cho đi tu nữa đâu. Ở nhà lấy vợ. – Bà Cảnh nửa đùa nửa thật.
- Con nhớ rồi. Mà đợi tới lần sau thì con cũng già nhách rồi còn ai dám lấy một ông già nữa hả mẹ - Hùng lém lỉnh.
- Ai bảo không còn? – Bà Cảnh đưa mắt nhìn trộm Hồng Lam.
- Thôi, tới giờ rồi, con ra đây kẻo chú ấy chờ. Cả nhà mình giữ sức khỏe nhé. – Hùng vội vàng.

Bà Cảnh thấy nãy giờ Hồng Lam không nói gì nên nhắc khéo:
- Ơ, cái thằng này, không chào Hồng Lam à. Không có nó là mày ốm liệt giường rồi.
Hùng nhìn Hồng Lam, thấy cô có vẻ ngại ngùng. Cậu muốn để mọi chuyện tự nhiên nên đề nghị:
- Hồng Lam tiễn Hùng ra ngoài đường nhé. Lâu nữa mới gặp lại đó.

Hồng Lam ngước nhìn Hùng rồi gật đầu.
Hùng chào cả nhà rồi cùng Hồng Lam bước ra phía con đường lớn. Khi ra tới đường, Hùng mở lời:
- Hùng đi nhé. Cảm ơn Hồng Lam một lần nữa.
- Ừ, Hùng nhớ giữ sức khỏe nhé. À, Hồng Lam có cái này cho Hùng nè – Cô rút từ trong túi ra một tượng Thánh Giá vừa bằng một bàn tay khắc trên đá đưa cho Hùng.

- Đẹp thế. Cảm ơn Lam nhiều. Hùng sẽ mang về trưng ở chủng viện. – Hùng ngắm nghía cây Thánh Giá, ánh mắt thích thú.
- Hùng thích thì được rồi. Thôi, Hùng lên xe đi kẻo trễ. Thi thoảng gọi về cho mọi người ở nhà nhé – Hồng Lam nhẹ nhàng.
- Uhm, vậy Hùng đi nhé. Hồng Lam về đi.

Hùng bước gần về phía xe. Hồng Lam vẫn đứng nhìn theo. Bỗng thấy Hùng quay đầu lại gọi với:
- Hồng Lam…

Hồng Lam nghĩ Hùng quên thứ gì đó:
- Ơi…Hùng còn thiếu gì hả?
- Không….

Nhưng mà Hồng Lam nhất định phải hạnh phúc đấy nhé! – Cậu tươi cười rồi gãi đầu có vẻ như hơi ngài ngại.

Cô mở tròn mắt, có chút ngạc nhiên. Chưa bao giờ Hùng nói với Hồng Lam mấy câu như vậy. Khuôn mặt Hồng Lam như rạng ngời hẳn:
- Hùng cũng vậy nhé.

Hùng vẫy tay rồi bước lên xe. Trông cậu chẳng khác nào một chàng lính hăm hở tiến về nơi được giao nhiệm vụ. Như một “chiến sĩ” đầy lý tưởng và nhiệt huyết, cậu lại lao mình về về phía trước. Có lẽ, đó mới là thế giới mà cậu thuộc về…

Chiếc xe chẳng mấy chốc đã rời khỏi xóm chợ Đá. Trời chiều đổ những tia nắng nhạt gần tắt xuống đường. Không khí trở nên dễ chịu hẳn. Hồng Lam nhìn theo chiếc xe một lúc nữa rồi quay trở về trên con đường cũ, nhưng lòng cô bỗng thấy một niềm vui mới lạ. Hồng Lam nghĩ về hai chữ “Hạnh phúc” mà Hùng nói. Hồng Lam thầm thì trong lòng:
Hạnh phúc….cũng đến lúc phải tìm hạnh phúc cho mình rồi…

Thụy Du.