TRÁI CHÍN PHẢI ĐỢI
(“Trái chín phải đợi” lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về hành trình ơn gọi của một chủng sinh. Người viết xin chân thành cảm ơn Thầy đã chia sẻ và đóng góp cho truyện ngắn)
Hùng ngồi một mình trong nhà nguyện, dùng nắm tay đấm nhè nhẹ vào sau lưng, đôi mày hơi nhíu lại tỏ vẻ đau đớn, trong đầu bỗng nghĩ vẩn vơ: Có khi nào mình lại phải về lấy vợ vì cái bệnh này không?
--------------
Từ nhỏ, Hùng đã có chí đi tu, cậu sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả nên phải làm nhiều việc để phụ với cả nhà kiếm sống. Chỗ Hùng ở có nghề làm đá, người dân xẻ đá trên núi Voi về bán lại cho mấy xí nghiệp. Hùng theo anh Tín trên chiếc xe công nông vào núi lấy đá. Anh Tín lái xe. Hùng ngồi đằng sau. Khi tới bến đá thì hai anh em nhảy xuống bốc đá bỏ lên rồi lái thẳng về xí nghiệp giao cho người ta. Cứ đi đi về về cả ngày như vậy, thấy mà cực.
Ngồi trên xe, Hùng hỏi anh Tín:
- Mình ghé đâu nghỉ tí cho đỡ mệt đi anh Tín? Lái xe cả ngày đường rồi, chả được nghỉ lúc nào.
- Lúc lái xe thế này mới là lúc được nghỉ ngơi đó em, chứ lát hồi tới bến, anh em mình lại phải lao xuống bốc đá. Tranh thủ được tí lúc này thôi, em ngủ đi. – Anh Tín nói, mắt vẫn đăm đăm nhìn về phía trước.
- Hoá ra lúc lái xe chính là lúc nghỉ ngơi – Hùng lẩm bẩm rồi ghi nhớ trong đầu câu nói ấy mãi. Đối với những người lao động cực khổ, sự nghỉ ngơi xa xỉ biết bao, có khi ngồi lái xe giữa cái nắng như táp vào mặt trên đường, đối với họ thế đã là tốt lắm rồi so với việc phải bê vác lúc xuống xe. Sự lựa chọn của người nghèo là vậy, nhiều khi đã ít chọn lựa lại còn toàn những thứ đâu đâu, thôi thì giữa hai thứ xấu, người ta đành chọn thứ bớt xấu hơn.
Tối về nhà, Hùng ăn cơm qua quấy rồi đạp con xe phượng hoàng lên nhà thờ xứ đi lễ. Hùng là đứa ngoan đạo nhất trong gia đình gồm sáu anh chị em, mấy người anh em khác ngoại trừ anh Tín ra thì đều bỏ lễ lạy lâu rồi. Họ làm trong quân đội, theo Đảng nên không được theo đạo nào cả. Hùng là đứa dễ làm cho các anh chị bực bội nhất, bởi cậu như một phiên bản ngược của họ, thế nên nhìn thấy Hùng, họ cứ thấy chướng chướng làm sao. Khác nhau về quan điểm sống rồi sự khác biệt tôn giáo giữa những người anh em ruột thịt làm gia đình thiếu vắng đi những tiếng cười và niềm vui chung. Hùng hiếm khi tâm sự chuyện gì với các anh chị em khác chứ đừng nói gì đến chuyện đi tu, ngay cả với anh Tín – người Hùng cảm thấy dễ chịu nhất trong nhà, cậu cũng cảm thấy khó để mở lời.
Nhưng Hùng thân với Hồng Lam.
Nhà Hồng Lam chuyển về xóm Chợ Đá cũng được mấy năm nay rồi. Lúc về đây, người ta chỉ thấy một bà già ngoài bảy mươi, một ông chú cỡ ngũ tuần và ba đứa trẻ dắt dìu nhau trong căn nhà nhỏ ở cuối xóm, trong đó con bé lớn tỏ vẻ là người tháo vát và rất được việc. Có lẽ ông kia là cảnh gà trống nuôi con còn bà lão chắc là bà nội đi theo để phụ chăm các cháu. Thế thì mẹ của chúng nó đâu?
Mẹ Hồng Lam mất được hơn một năm thì ông bố bán nhà ngoài Quảng Ninh về đây mua một căn nhà nho nhỏ làm nơi che mưa che nắng cho mấy bà cháu. Một mình ông lại đi lo chuyện làm ăn, cả năm đánh đáo về nhà được mấy hồi rồi lại đi. Từ ngày vợ mất, ổng sinh chán đời, rượu chè suốt, con cái chẳng lo, để hết cho bà mẹ chăm sóc các cháu. Ổng chạy khắp nơi, nói là đi kiếm tiền. Thành ra ở nhà chỉ quanh quẩn mấy bà cháu nuôi nhau. Hàng xóm thấy thương, thỉnh thoảng qua lại cũng hay cho cái này cái kia. Bà Cảnh – mẹ Hùng khi nào mua được cái gì ngon ngon cũng bảo Hùng mang sang biếu bà Định (bà nội của Hồng Lam). Vì thế mà Hùng và Hồng Lam mới có dịp biết nhau và trở nên thân thiết từ đó.
Hôm nay, sau khi đi phụ anh Tín về, Hùng chạy xe qua nhà Hồng Lam gọi í ới:
- Hồng Lam…Hồng Lam ơi….
Nghe thấy tiếng Hùng, Hồng Lam hiểu ngay chuyện, liền nói vọng ra:
- Đâu đã tới giờ lễ đâu? Chờ Lam chút, đang còn vướng bé Tí chưa cho ăn. Hùng vào ngồi chờ một chút đi.
Hùng dắt xe vào nhà, cười hà hà, gãi đầu:
- Hùng có chuyện muốn nói với Hồng Lam nên ghé sớm chút nói chuyện rồi mới đi lễ. Ơ, thằng Cò đâu, sao không đút cơm cho bé Tí, nhà còn bao nhiêu việc như thế, mình Hồng Lam gánh sao hết được.
- Haizzz, nó đi chơi với mấy đứa khác trên bến đá rồi, cứ lông bông suốt ngày, cái tuổi của nó ai nói cũng không nghe rồi không biết sau này đời nó có khá hơn không nữa? – Hồng Lam vừa đút cơm cho con bé nhỏ vừa thở dài như bà cụ già.
- Thế dạo này, ông ấy có gửi tiền về cho Hồng Lam với bà nội nuôi mấy đứa không?
- Gửi thì vẫn gửi nhưng mà ông ấy cứ lo làm ăn suốt năm như thế, chẳng chịu về mà xem mấy đứa nhỏ. Lam dù là chị lớn nhưng sao thay mặt bố mà dạy chúng nó được, chưa kể thằng Cò dạo này hư lắm, Lam nói mãi chẳng chịu nghe.
Hùng và Hồng Lam cùng tuổi nhưng từ ngày mẹ mất, gia đình không đủ điều kiện cho cả ba đứa đi học nên Hồng Lam là chị lớn đành phải hy sinh ở nhà phụ việc với nội. Dù không được đi học tiếp nhưng hễ có cơ hội là Hồng Lam lại đi xin sách của Hùng học xong để xem lại, chỗ nào không hiểu thì đến hỏi. Hùng rất thương cho hoàn cảnh của bạn nên lúc nào có giờ lại ghé chơi, thăm hỏi rồi cho quà mấy xấp nhỏ.
Thấy Hùng đăm chiêu. Hồng Lam biết cậu lại đang suy nghĩ về chuyện gia đình mình nên vờ đánh trống lảng sang chuyện khác:
- Mà Hùng bảo có chuyện gì muốn kể cho Lam nghe cơ mà?
- À, thôi, lát nữa trên đường đi lễ, Hùng kể cho. Chuyện bí mật – Hùng nháy mắt, cười khúc khích.
- Ừm, vậy lát nói chuyện, Hùng chơi với bé Tí nhé, Lam vào chuẩn bị rồi mình đi kẻo trễ.
- Ô kê.
Quãng đường từ nhà lên nhà thờ xứ hơi xa, đường lại khó đi, nên xe cứ dằn lắc, đạp đến cả hơn ba chục phút mới tới. Nhà thờ họ gần nhưng không phải lúc nào cũng có Thánh Lễ nên Hùng thích đi trên xứ hơn. Nhà thờ đẹp, có không gian đi dạo, lại có đài Đức Mẹ, có thể ở lại cầu nguyện sau lễ.
- Hồng Lam này,...- Hùng mở chuyện trước.
- Ừm, Hùng nói đi, bảo kể mà sao mãi chả chịu nói – Hồng Lam ngồi sau, đập nhẹ vào lưng Hùng một cái làm bộ trách.
- Tháng tám này, Hùng muốn đi thi vào chủng viện Hoa Thanh – Hùng nói giọng nghiêm túc.
Hồng Lam hơi đứng hình, hỏi lại:
- Hùng muốn đi tu à? Từ bao giờ thế. Sao không nói cho Lam biết.
- Lâu rồi. Hùng cũng nhiều lần muốn nói cho Hồng Lam nhưng chưa chắc chắn nên lại thôi.
- Bố mẹ với mấy anh chị có nói gì không - Hồng Lam hỏi vậy vì cũng hiểu rõ hoàn cảnh của Hùng.
- Hùng chưa nói. Nhưng Hùng qua tuổi mười tám rồi, đủ tuổi công dân, có thể chịu trách nhiệm về quyết định của cuộc đời mình – Hùng cương quyết.
- Hùng có chắc chắn không? Đã tìm hiểu gì chưa?
- Hùng không biết về mấy cái thủ tục để vào tu, chỉ nghe anh Vinh – nhóm sinh viên nói là tháng tám này chủng viện sẽ có đợt tuyển ơn gọi. Hùng chỉ có lòng muốn thôi. Hùng nghĩ Chúa chỉ cần vậy.
- Nhưng đi tu vất vả lắm. – Hồng Lam như muốn Hùng suy nghĩ lại.
- Không sao, Hùng chịu được. Hùng chỉ sợ không được sống với ước mơ của mình thôi. Khổ một chút cũng không sao – Hùng mải đạp xe nên không hề biết cảm xúc của Hồng Lam lúc này.
Nghe Hùng nói vậy, Hồng Lam không hỏi gì thêm nữa, nhưng trong lòng có chút gì đó hụt hẫng không hiểu. Là Hồng Lam sợ mất đi một người bạn thân nhiều năm nay hay vì những cảm tình trong lòng người con gái mới chớm nở đã bị một cơn gió mạnh cuốn đi. Hồng Lam đủ bản lĩnh để không cho những giọt nước mắt tuôn ra ngoài và cũng đủ hiểu chuyện để tôn trọng ước mơ của người bạn. Nhưng Thánh Lễ ngày hôm đó đối với Hồng Lam thực sự rất dài, cô không nhớ cha xứ đã giảng gì, ngay cả lúc tan lễ, Hùng cũng phải huých nhẹ vào tay thì cô mới biết là đến lúc phải về nhà rồi. Trên đường về nhà hôm nay, không có những câu chuyện tiếu lâm và những tràng cười thả ga của đôi bạn như mọi khi, chỉ có tiếng cọt kẹt của chiếc xe phượng hoàng cũ và những tiếng thở dài kín đáo trong lòng của Hồng Lam mà thôi…
----------
Mấy ngày nay trong xóm Chợ Đá, chuyện thằng Hùng con nhà Sáu Cảnh sắp đi tu lan ra khắp nơi và trở thành đề tài bàn tán của cả xóm. Người ta bàn về chuyện Hùng muốn đi tu đã đành nhưng chuyện Hùng bị cả nhà phản đối và muốn từ con ra sao mới là đề tài chính. Xóm Chợ Đá không phải là họ đạo toàn tòng, người lương nhiều hơn giáo, toàn cán bộ với dân quân nên không ai hiểu được sao một thằng bé ngoan ngoãn, khôi ngô thế mà lại đi tu. Có bà nói chuyện khó nghe:
- Chắc nó bị người yêu đá nên chán đời đi tu.
- Tôi ở gần nhà nó, hồi nào giờ thấy nó yêu đứa nào đâu mà bị đá – một bà khác xen vào.
- Thì con bé Hồng Lam, cháu bà Định đó, hai đứa nó suốt ngày chở nhau đi lên nhà thờ coi lễ. Chắc con bé chia tay nên nó bị sốc rồi muốn đi tu.
- Không đâu, chúng nó chơi với nhau vậy chứ yêu đương gì…
Đang giở câu chuyện thì hai bà thấy bóng bà Cảnh xách giỏ đi ngang qua, bỗng nhiên im bặt, huých huých nhau làm hiệu chỉ trỏ.
Bà Cảnh từ ngày nghe Hùng báo tin muốn đi tu thì như người mất thần, mặt mũi xanh xao như tàu lá, người trông rệu rã hẳn. Bà không phải là người không có lòng mộ Đạo nhưng bà hiểu trong hoàn cảnh gia đình mình – một gia đình phần lớn là người ăn cơm Nhà Nước thì để Hùng đi tu là chuyện không thể. Nó sẽ làm mất thanh danh và cản trở đường thăng tiến của các anh chị khác. Bà thương con nhưng cũng trách thằng con trai út này sao đương yên đương lành lại lao đầu vào chỗ khổ làm gì, vừa khổ mình, vừa khổ người thân. Thích đi lễ, đến nhà thờ thì cứ đến, ông bà cũng chẳng cản nhưng đi tu thì với gia đình quả là một sự “quá quắt”.
Ông Sáu và hai người anh trên Hùng là những người phản đối dữ dằn nhất. Ông Sáu thẳng thắn tuyên bố sẽ từ con nếu Hùng dám đi tu. Hai người anh thì không gặp thì thôi, hễ gặp thì lại ra rả chửi đến nỗi anh Tín phải nạt:
- Chúng mày có xem đây là cái nhà nữa không? Hay là chỗ cho chúng mày chửi nhau.
- Chúng em phải nói hon ó sáng mắt ra. Anh là anh cả, sao không nói gì, anh phải nói lý lẽ hon ó hiểu chứ. Nó làm thứ nó thích nhưng không thương bố mẹ, không thương các anh.
- Thằng Hùng ra ngoài anh nói chuyện – Anh Tín phải giải vây bằng việc đưa Hùng ra ngoài.
Hùng nãy giờ nghe cả nhà nói vào, chỉ im lặng, cúi đầu không trả lời vì biết có giải thích nữa thì cũng không ai chịu hiểu. Hùng đi ra ngoài theo anh Tín, cảm giác nhẹ nhõm hơn một chút vì ít nhất biết mình có thể nói chuyện.
- Sao em dại thế? Không đi tu thì còn nhiều con đường khác để giúp người mà, em làm việc, kiếm nhiều tiền thì thiếu gì người cho em giúp. Em đi tu, tiền bạc không có, giúp được ai, đã thế lại còn làm cho không khí trong nhà thêm căng thẳng. Nhà mình xưa nay có thiếu chuyện đâu mà giờ còn thêm cả chuyện của em nữa.
- Anh ơi, em rất muốn đi tu anh ạ. Em có giải thích anh cũng không hiểu nhưng em biết chắc chắn em sẽ đi. – Hùng nói mà ngực thấy đau đau.
Anh Tín nhìn thẳng vào mắt Hùng, chưa bao giờ anh thấy Hùng khao khát làm điều gì đến như vậy. Từ nhỏ, nó chỉ biết làm, làm, và làm. Nó luôn là đứa nghĩ cho người khác trước khi nghĩ cho mình, không bao giờ thấy nó đòi hỏi cái gì. Nhưng bây giờ, nó có ước mơ. Người làm anh cả như Tín không giúp được mà lại còn phản đối thì quả thực là quá đáng. Đối với Tín, trên đời này, việc cướp đi ước mơ của người khác bằng những phán quyết sai lầm của mình là một điều vô cùng tàn nhẫn.
Anh Tín vỗ vai Hùng như an ủi rồi đứng dậy đi vào nhà. Từ hôm đó, Tín bắt đầu tìm cách thuyết phục bố và hai người em. Nhưng cái tôi của những người này lớn quá, nó lớn đến mức không đủ bình tĩnh để nghe đến tên Hùng đã vội lao vào mắng:
- Mày muốn thì theo nó mà đi tu luôn đi.
- Em tưởng anh khuyên nhủ nó thế nào, chứ lại vào hùa với nó như thế thì thua.
Càng nói, Tín càng thấy như đi vào ngõ cụt bởi không ai chịu mở lòng thì có rót bao nhiêu vào thì cũng như nước bị hất ra ngoài mà thôi.
---------------
Những tuần sau đó, không khí trong nhà cũng bớt căng thẳng hơn. Dù mọi việc chưa ngã ngũ và chẳng bên nào chịu thua bên nào nhưng vì không ai muốn nhắc thêm gì về chuyện này, tránh đổ thêm dầu vào lửa nên ngỡ tưởng mọi chuyện được êm xuôi hơn một chút, chí ít là cái vỏ bề ngoài.
Nhưng một hôm, Hùng dường như không thể tin được vào mắt mình khi ông Sáu đập bốp một tờ giấy xuống bàn, giọng đanh thép:
- Đọc đi.
Hùng cầm tờ giấy trên tay, đọc đi đọc lại, khuôn mặt đỏ bừng lên, nói như hét vào mặt ông Sáu:
- Sao bố lại làm thế với con?
Cái Hùng vừa đọc là “Giấy gọi nhập ngũ”. Hùng hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra và tại sao lại có tờ giấy này trên bàn. Gia đình Hùng phần lớn làm trong quân đội, muốn có tờ giấy này không có gì là khó. Nhưng điều làm Hùng không chấp nhận được là cách mà gia đình đối xử với ước mơ của cậu. Nó đoạn tình quá.
- Con không đi. Con đi tu, không phạm tội, không trộm cướp, không giết người, không cướp cơm của ai…sao các bố và các anh lại phản đối? – Hùng nói lộ vẻ bực tức.
- Mày phải đi. Đừng có cãi.
Hùng xé tờ giấy triệu tập trước mặt ông Sáu.
Lúc này, thì lòng tự tôn của một ông bố khiến ông Sáu không thể kiềm chế nổi hành động của mình. Ông tát một cú như trời giáng vào mặt Hùng khiến cậu mất thăng bằng, suýt ngã xuống đất. Sau cái tát ấy, ông Sáu dường như nhận ra sự nóng nảy quá mức của mình, vội rụt tay lại đằng sau nhưng vì tự trọng, ông vẫn không chịu bớt lời:
- Là mày bắt tao phải làm thế - Ông nói với cái giọng trách móc.
Nói đoạn, ông bỏ đi vào phòng.
Bà Cảnh ở dưới bếp chứng kiến cuộc đụng độ của hai bố con nãy giờ nhưng phần vì sợ ông Sáu, phần vì bà cũng không muốn con đi tu nên chỉ nghe mà không ra mặt. Thấy Hùng bị đánh, lòng bà đau như cắt, nước mắt bà chỉ trực trào xuống.
Sau cái tát đau điếng ấy, Hùng lấy xe, đạp ra khỏi nhà. Thấy con đi, bà Cảnh vội chạy theo, sợ Hùng nghĩ quẩn. Nhưng sự chậm chạp của bà mẹ hơn sáu mươi không lại được với cái nóng nảy của chàng trai trẻ, bà chỉ kịp gọi với theo:
- Con…co…n..n….ơ…ơi….
Nhưng Hùng đã đi mất hút. Cậu không biết mình sẽ đi đâu, chỉ biết là không muốn ở trong nhà này thêm một giây phút nào nữa.
Cậu đạp xe theo quán tính. Quán tính dẫn cậu đến ngôi nhà thờ xứ. Nhưng nhà thờ lúc này không phải là giờ lễ nên đóng cửa kín mít. Hai cánh cửa gỗ cao ngất đóng sập trước mặt Hùng khiến cho cậu có cảm giác cánh cửa cuộc đời mình cũng y như vậy. Cậu chua chát thầm thĩ trong lòng:
- Đến cả Chúa cũng chê con.
Hùng dựng xe, ngồi dưới hiên nhà thờ, lòng bâng khuâng, vô định về kế hoạch phía trước. Cậu không còn cảm thấy hăng hái khi nghĩ về ngày thi vào chủng viện Hoa Thanh nữa. Không phải vì Hùng muốn thoái lui nhưng với những gì đang xảy ra trước mắt khiến cậu không thể nào lạc quan về ước mơ làm linh mục của mình được.
Mấy ngày sau, Hùng quyết định vào gặp cha sở để xin đi tu. Sáng hôm đó, Hùng lại một mình lọc cọc trên chiếc xe cũ đến nhà xứ. Sân nhà xứ lúc này vắng hoe, chẳng có bóng người nào, chỉ thấy một hai con chó hiền lành thơ thẩn như đi dạo. Đúng là chó của nhà thờ có khác. Hùng muốn tìm một thầy hay một sơ nào đó để hỏi mà chẳng thấy ai. Bỗng từ xa thấy có ông từ đi ngang. Cậu nhanh nhẹn tiến về phía ông:
- Ông ơi, cha sở có nhà không ông?
- Cậu tìm cha có chuyện chi – Ông từ đã già lắm, dáng người hao gầy nhưng vẫn hết lòng với nhà Chúa, cứ quanh quẩn tối ngày ở nhà thờ để phụ giúp việc này việc kia.
- Dạ, con muốn xin đi tu – Hùng đáp.
- Đi tu hả? Qúy hóa quá. Cậu chờ tôi một chút. Tôi vào trình cha – nghe Hùng nói muốn đi tu ông bỗng chuyển giọng, có vẻ bắt đầu có thiện cảm với cậu.
Rồi với điệu bộ kính cẩn, ông từ chắp hai tay tiến vào một căn phòng nhỏ phía bên trong. Mấy cụ già ngày xưa vẫn vậy, kính cha như kính Chúa. Hễ nhà có gì ngon nhất thì cũng nghĩ đến mấy cha đầu tiên, việc nhà chưa xong đã lật đật đi lo việc cho nhà xứ. Chẳng biết nếu thế hệ mấy ông bà qua đi rồi thì giới trẻ sau này có còn sùng đạo, kính Chúa, trọng cha như vậy không nữa.
Một lúc sau, Hùng thấy cha sở đi ra, theo sau vẫn là ông từ. Cha Hòa là cha già, ở xứ này cũng lâu lâu rồi. Nhưng chắc cha chẳng biết Hùng là ai vì cậu ở họ đạo nhỏ, giáo dân ở đấy năm thì mười họa mới có bữa lễ. Muốn đi lễ Chúa Nhật thì vẫn phải đến nhà thờ xứ. Lễ xong thì về. Giáo dân đông nên con biết cha chứ cha thì chưa chắc biết hết các con.
- Con muốn đi tu à? Vào đây. – Cha Hòa gọi.
Hùng tiến vào phòng khách với cha.
Ông từ rót nước cho cha và cho cậu xong rồi đi ra ngoài, điệu bộ vẫn rất cung kính.
- Con là con cái nhà ai? Sao cha chưa thấy con bao giờ nhỉ? – Cha già nheo mắt như để nhìn cậu kỹ hơn.
- Dạ, bố mẹ con là ông bà Sáu Cảnh, người xóm chợ Đá, giáo họ An Hòa. Giáo họ con ít lễ nên chắc cha không biết con đâu ạ. Con cũng chưa vào nhà xứ gặp cha bao giờ.
- Ờ, ờ,…họ An Hòa…thì hiếm lễ thật. Cha xin Đức Cha cho cha phó về để chăm lo cho mấy giáo họ nhỏ mà ngài chưa chịu, cha thì già nên lắm khi cũng lực bất tòng tâm.
Mà con bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ, con gần hai mươi thưa cha.
- Con đang học đại học à?
- Dạ, không thưa cha. Con chỉ mới học hết phổ thông thôi ạ.
- Ừm,…ừm…- Cha già có vẻ suy nghĩ.
- Bữa nào con gọi bố mẹ vào cho cha gặp.
Hùng ủ rũ:
- Dạ, chắc không được đâu. Bố mẹ con không muốn con đi tu. Con đi vào gặp cha thế này, bố mẹ con cũng không biết đâu ạ.
- Thế à…- cha già nhìn cậu có vẻ tiêng tiếc.
Một lúc sau, cha nói:
- Con ơi, cha có thể giới thiệu con qua chủng viện được nhưng với điều kiện là phải con phải có bằng sau cấp 3. Bây giờ chủng viện họ cũng yêu cầu trình độ lắm. Hơn nữa, cha lại chưa nói chuyện với bố mẹ con. Nếu không có sự đồng ý của phụ huynh e là chủng viện cũng không dám nhận người.
- Nhưng đi tu hay không là của quyền người đó mà cha.
- Ừm, thì biết là thế nhưng vẫn cần có xác nhận của bố mẹ con ạ. Lỡ có ông bố nào nóng tính lại vào gây khó dễ cho chủng viện thì chết. Chỗ tu trì nên mình phải giữ ý con ạ.
Câu chuyện còn chưa kết thúc mà Hùng thấy cơ hội cho mình chỉ là ze-rô.
Thấy Hùng có vẻ buồn, cha già động viên:
- Hay là thế này đi. Con cứ đi học lên tiếp. Vừa học con vừa sinh hoạt ngoại trú với tư cách là ứng sinh ngoại trú của chủng viện. Cha sẽ xin cho con. Con thấy thế nào?
- Dạ, xin cha cho con về suy nghĩ thêm ạ - Hùng lưỡng lự.
Thấy cậu có ý thoái lui, cha già khuyên:
- Con đang còn trẻ mà, từ từ rồi tính. Chúa mà gọi thì có tránh cũng không được con ạ. Con cứ về suy nghĩ đi, nếu cần giúp gì thì đến nhà xứ gặp cha. Vậy nhé.
- Vâng. Con cảm ơn cha. Thưa cha, con về. – Hùng buồn bã.
Hùng dắt xe ra khỏi nhà xứ. Lòng lại thấy vô định. Cậu ghét cái cảm giác sống mà không có chút phương hướng nào. Hùng đạp xe về bến đá, ngồi thơ thẩn ở đó đến chiều muộn mới về nhà. Vừa bước vào sân, đã nghe thấy tiếng bố:
- Đi đâu mà cả ngày nay mới về? – ông Sáu cau mày.
- Con đi dạo trên bến đá. – Hùng nói nhỏ.
- Cuối tháng này là ngày nhập ngũ, liệu sửa soạn rồi đi. Còn chuyện đi tu thì cứ để sau khi đi lính về rồi tính. – Ông Sáu nói thế là kế hoãn binh chứ lòng ông chưa bao giờ có ý định cho Hùng đi tu cả. Ông nghĩ tuổi trẻ bồng bột, thích đấy rồi lại chán đấy thôi. Sau mấy năm đi lính chắc chắn sẽ chẳng còn mơ mộng chuyện tu tiếc gì nữa.
Hùng im lặng. Đưa xe vào nhà. Cậu lại suy nghĩ suốt tối hôm đấy. Giờ đi tu cũng không được. Ở nhà cũng không xong. Hay là cứ đi lính một thời gian, biết đâu thời thế khác, chủng viện lại thay đổi điều kiện đầu vào, còn bố chắc lúc đó cũng nguôi ngoai rồi, không khéo cho cậu đi tu cũng nên. Càng nghĩ càng thấy đau đầu.
Thời gian còn lại của tháng không nhiều. Thấy Hùng không nói gì, ông Sáu sốt ruột như sốt rét. Ra ra vào vào. Chốc chốc lại nói:
- Mày tính sao? Tao đã phải nói khó với người ta mãi mới xin lại được cho mày tờ giấy này. Bây giờ mày không đi nhập ngũ, sau này gặp họ chắc tao đeo mặt mo quá.
- Ơ, Cái thằng này, bố nói mà sao mày cứ im như tượng thế. Tao nói chuyện với cái đầu gối cho xong.
Thấy ông Sáu cứ lai rai mấy câu như vậy suốt cả ngày, Hùng trả lời gượng ép:
- Thì đâu đã tới ngày mà bố cứ giục suốt thế. Đi thì đi. Nhưng khi đi lính về, con làm gì, ở đâu, lúc đấy bố đừng cản con.
- Thì mày nói một lời như vậy cho xong. Cứ để tao thấp thỏm mấy hôm rày. Mai chuẩn bị dần đi. Thời gian không còn nhiều đâu. – ông Sáu như mở cờ trong bụng.
Hùng lủi thủi đi vào phòng, chẳng muốn nói thêm nữa. Vì biết có nói gì lúc này thì cũng muộn rồi, nó chẳng giúp được gì cho ơn gọi của cậu. Ngày thi vào chủng viện đã tới mà cậu là thí sinh chưa thi đã rớt.
Hùng nhập ngũ ngoài Hải Phòng. Ngày cậu nhập ngũ lại cũng là ngày chủng viện mở kỳ thi.
Chủng viện Hoa Thanh nằm ngay trên đường quốc lộ. Xe đi về hướng Hải Phòng bao giờ cũng phải chạy ngang qua đó. Hùng ngồi trên xe, kéo tấm rèm cửa sang một bên, mắt nhìn theo hướng chủng viện, thấy có rất đông người. Hùng biết đó là những người cũng có ước mơ giống như cậu. Cậu bỗng thấy chạnh lòng. Chiếc xe lướt đi nhanh khiến hình ảnh của chủng viện Hoa Thanh mỗi lúc một xa, dù cậu có cố ngoái đầu lại cũng không thể thấy được nữa. Ước mơ về một ngày trở thành linh mục cũng xa dần như thế…
-----------
Đơn vị của Hùng đóng quân dưới chân Núi Đà – một nơi hoàn toàn cách xa thành phố, không xe cộ ồn ã ban ngày, không ánh đèn chớp nháy ban đêm và nhất là không có nhà thờ. Từ nơi đóng quân lên Tòa Giám Mục Hải Phòng cũng phải mất hơn ba chục cây số. Chúa Nhật là ngày nghỉ duy nhất nhưng cũng không vì thế mà đi bộ ba chục cây số được. Cậu giữ đức tin một cách âm thầm giữa những người ngoại giáo và nhất là giữa một bầu khí vô thần của quân đội.
Hai cuốn sách Hùng mang theo là Tân Ước và Sách Kinh có lẽ trở thành thứ tài sản đáng quý nhất trong lúc này. Hùng dấu sách trong ba lô để đầu giường, còn cẩn thận bọc trong mấy lớp áo dày thật dày để không bị phát hiện. Chiều chiều, khi được giao nhiệm vụ lên núi chăn dê, thả dê đi ăn xong xuôi, Hùng chui tọt vào một bụi rậm gần đấy, mắt rảo quanh một lượt rồi kín đáo lôi cuốn Tân Ước dấu trong thắt lưng ra đọc. Dường như những thứ mà người ta khó khăn để có được, họ sẽ rất trân quý và giữ gìn. Hùng xem cuốn Tân Ước như báu vật – một thứ “của để dành” nuôi sống linh hồn mình trong những tháng ngày không thể đến nhà thờ, không thể công khai sinh hoạt đức tin như một kẻ mộ đạo.
Những phiên gác đêm có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện. Sau khi nhận phiên gác từ người lính trước đó. Hùng đợi cho anh ta đi khuất hẳn rồi bắt đầu lấy cuốn sách kinh ra đọc. Đọc hết các kinh tối sáng ngày thường, nếu chưa đọc hết được thì đánh dấu đó, đến phiên gác ngày mai, ngày mốt lại lôi ra đọc tiếp. Có những kinh mà chỉ mấy bà lớn tuổi đạo đức trong Nhà Thờ mới biết như Kinh cầu Trái Tim, Kinh cầu Đức Bà, Kinh cầu tên Chúa Giêsu,….thì chàng lính hai mươi tuổi này có thể nhắm mắt đọc một lèo không sai. Đọc kinh xong còn giờ thì lần chuỗi Môi Khôi kính Đức Bà. Nhưng làm gì có tràng chuỗi nào trong tay mà lần. Hùng nhìn xuống bàn tay vẫn đủ mười ngón, nghĩ thầm: Chuỗi Mân Côi đây chứ còn đâu nữa. Rồi cười tạ ơn, nhủ với Đức Bà: may mà không thiếu ngón nào chứ không con biết lấy đâu ra để bù Mẹ nhỉ. Mỗi ngón tay là một hạt Mân Côi để cầu nguyện và chẳng lời kinh nào làm Đức Bà vui hơn là lời kinh Kính Mừng mà còn lại là kinh Kính Mừng của một người lính.
Nhưng đi đêm lắm có ngày gặp ma. Đêm đó, sau khi nhận ca gác, như thói quen, Hùng bắt đầu đọc kinh, lần này là tới Kinh cầu Chịu Nạn. Đang khi đọc đến đoạn:
Chúa Giêsu thâu đêm chịu nhiều khổ nhục. Thương xót chúng con.
Chúa Giêsu bị nộp…., thì bỗng:
- Đồng chí đang đọc cái gì thế? – Một giọng nói ồm ồm vang lên phía sau lưng làm Hùng rợn cả người.
Thỉnh thoảng trong các ca gác sẽ có chỉ huy đi kiểm tra để đánh giá thi đua. Đêm ấy, Hùng yên chí vì thấy ca gác trước mới có người đi kiểm tra xong nên nghĩ tới ca gác của mình sẽ không sao. Nhưng không ngờ vị chỉ huy bất ngờ quay lại. Thực ra, người nảy hỏi vậy chứ không rõ là Hùng đang đọc gì, chỉ thấy lẩm bẩm trong miệng.
Hùng quay người lại, thấy vị này đang đứng ngay sau mình. Dù tim muốn nhảy ra ngoài ngay lúc ấy nhưng cậu kịp lấy lại được bình tĩnh, dõng dạc trả lời:
- Báo cáo chỉ huy, tôi đang ôn lại bài học chính trị hôm nay vì mai lớp có bài kiểm tra.
- Giờ nào việc nấy. Là người lính, cậu không được phép lơ là dù chỉ một giây – Vị này nói giọng đanh thép nhưng khuôn mặt có phần giãn ra.
- Báo cáo, rõ. – Hùng biết lúc này nguy hiểm đã qua.
Vị chỉ huy hỏi thêm vài câu rồi rời đi. Tới khi thấy bóng người đã khuất hẳn trong bóng đêm, Hùng mới thở phào như trút được một cục đá tảng xuống khỏi vai. Nãy giờ cậu vẫn cố gồng mình để phủ lấp đi sự lúng túng. Nhưng giờ, vị chỉ huy đi rồi, lòng cậu bỗng trùng xuống, Hùng không biết mình phải sống trong cảnh này đến bao giờ. Sống niềm tin của một người Kitô hữu thôi đã khó rồi chứ đừng nói đến ơn gọi…
Ôi, hai chữ “ơn gọi” làm cậu buồn đến nao lòng.
Hùng quỳ ngay xuống chỗ đó, làm dấu Thánh Giá để lấy lại tinh thần. Cậu đọc thật chậm: Vì dấu Thánh Giá,…xin chữa chúng con,….cho khỏi kẻ thù. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen. Mỗi lần đặt tay lên trán, ngực và hai bên vai, Hùng cố ý nhấn thật mạnh để nhắc nhớ luôn có Chúa Ba Ngôi bên mình.
Đêm ấy trôi qua trong bình an nhưng còn đêm mai, đêm mốt và những đêm sau đó nữa thì sao?
Hùng chỉ biết một lòng phó thác cho ơn trên. Hùng tin vào lòng thương xót của Chúa và lòng thương xót ấy sẽ dẫn mình đi. Có điều, đi đâu và phải đi đến bao giờ? Hùng thực sự không biết…
-----------
Thời gian trôi qua thực sự rất nhanh. Ngay chính Hùng cũng không nhận ra điều đó cho đến một hôm có người em chạy vào phòng tìm cậu:
- Anh Hùng…Anh ra phòng khách đi, có bố anh ngoài quê ra thăm. Bác đang chờ anh ở ngoài. Nghe nói bắt xe từ sáng sớm để đến thăm anh đó. Nhất anh nhé – Cậu em vừa nói vừa cưới khoái trá.
Hùng ở trong quân ngũ được hơn hai năm thì bây giờ ông Sáu mới đến thăm con. Nghe nhắc đến bố, tự nhiên như một phản ứng ngoài kiểm soát, Hùng sờ tay lên má. Cậu nghĩ về cái tát năm ấy, hình như vẫn còn đau thì phải. Lặng đi một phút, Hùng bước về phía phòng khách.
- Bố…….- Hùng gọi.
Ông Sáu nhìn thấy con thì tự nhiên trong lòng có gì nghèn nghẹn. Hùng quả thực đã khác rất nhiều so với hồi còn ở nhà, trông rắn rỏi, bản lĩnh và trưởng thành hơn. Ông nhìn con một hồi lâu, trong ánh mắt có tình thương xen lẫn niềm tự hào nhưng cũng có chút gì khó nói. Ông biết sự cấm đoán ngày ấy là một vết thương mà ông để lại cho mối quan hệ của cả hai cha con. Nhưng với ông, âu cũng là tốt cho tương lai của Hùng.
- Bố đến lâu chưa? Sao không gọi điện báo trước cho con – Hùng hỏi tiếp.
- Tao cũng không dự trước là ra hôm nay đâu nhưng mẹ mày cứ giục bảo là mày đi nhập ngũ hơn hai năm nay mà không có bố mẹ ra thăm. Bà ấy sợ mày tủi thân - Ông Sáu vẫn vậy, dù rất thương con nhưng không bao giờ ông nói gì dễ nghe.
- Bố mẹ với các anh chị có khỏe không?
- Khỏe. Ai cũng khỏe hết. À, con bé Hồng Lam nhà bà Định biết tao ra thăm mày cũng gửi lời hỏi thăm đấy. Nó bảo tao hỏi mày sao không chịu về nghỉ phép, rồi gửi cái này cho mày này. – Ông Sáu đưa cho Hùng một cái gì đó được bọc cẩn thận trong tờ báo.
Hùng mở ra. Một chiếc áo sơ mi trắng. Ông Sáu nhìn với theo món quà, giải thích thêm:
- Dạo này nó đi học may trên phố, chắc là nó may cho mày đấy. Con bé đấy ngoan ngoãn lại hiểu chuyện. Sau này mày về lấy nó cũng được.
- Tụi con chỉ là bạn – Hùng hơi chau mày.
- Bạn thì bạn, lấy nhau có chết ai đâu. Ngày xưa tao với mẹ mày cũng là bạn đấy.
- Bố đừng nói vậy. Hồng Lam không thích đâu.
- Hay là mày vẫn còn ý định đi tu đấy?
Hùng im lặng, cúi đầu xuống.
- Tao biết ngay là mày vẫn còn ôm cái mộng hão huyền đấy mà – Ông Sáu bỗng chuyển sắc mặt.
Hùng vẫn không nói gì. Ông Sáu tiếp lời bằng giọng nhẹ hơn:
- Mày cũng chỉ còn gần một năm nghĩa vụ nữa thôi. Cả nhà không muốn mày bỏ lỡ cơ hội tiến thân sau này. Hết năm nay, thi vào học viện đi, không được thì trung cấp gì gì đó cũng được.
- Con chưa nghĩ đến chuyện đó.
- Nghĩ gì nữa mà nghĩ. Mày làm ơn sống thực tế một chút đi cho tao nhờ, chứ mày cứ như người trên trời rơi xuống í. Bằng tuổi mày bây giờ là tao lấy vợ rồi có thằng Tín rồi đấy.
- Nếu con vẫn muốn đi tu thì sao? – Hùng nhìn thẳng vào mắt ông Sáu.
- Thì coi như mày không có bố. – Ông Sáu cương nghị.
Thấy ông Sáu khó chịu ra mặt, lại đang ở trong nhà khách của đơn vị. Hùng không muốn làm cho tình hình căng thẳng thêm nữa nên dừng chuyện đôi co này lại bằng một câu nói nửa vời:
- Cứ để con đi lính hết năm nay đi. Chuyện đó con sẽ tính sau.
- Cả nhà cũng chỉ muốn tốt cho mày. Tao xin mày đừng phụ lòng bố mẹ và các anh chị - Ông Sáu nói tình.
Sau bữa cơm trưa, ông Sáu bắt xe về quê, Hùng xin đưa bố ra bến nhưng ông không chịu, chỉ cho tiễn đến cổng đơn vị.
- Cầm lấy đi – Ông Sáu nói.
- Gì vậy bố?
- Tao không có nhiều đâu. Lương hưu quân đội chả bõ bèn gì – Ông Sáu nói, mắt nhìn về hướng doanh trại.
Hùng hiểu ý.
- Tao về đây. Ráng sống cho tử tế. Mà nhớ…. – Ông tính nhắc về chuyện bỏ cái mộng làm linh mục đi nhưng lại ngán ngẩm về mấy chuyện tranh cãi nên dừng – mà thôi, lớn rồi, ắt biết phân biệt hơn thiệt.
Dáng người ông Sáu gầy gầy xương xương nhưng nhanh nhẹn chẳng mấy chốc xa dần. Hùng nhìn theo bố, trong lòng thấy chút gì cám cảnh, ông vất vả ra đây rồi vì chuyện cũ mà cha con lại cự nhau. Ông ra về như vậy tự nhiên Hùng thấy tội nghiệp cho bố…
Ông Sáu về rồi. Hùng bỗng thấy lòng mình trống rỗng. Sẽ phải làm gì tiếp đây? Chỉ còn chưa đầy một năm nữa sẽ ra quân mà tới giờ vẫn chưa có một hướng đi rõ ràng. Hùng sợ sự mập mờ của tương lai.
Không một ngày nào trôi qua mà Hùng không nghĩ về ơn gọi. Dù ông Sáu có hỏi lại bao nhiêu lần đi nữa thì câu trả lời của Hùng vẫn là “có”, cậu vẫn muốn trở thành linh mục. Đi đâu, làm gì cũng được, chỉ cần cho cậu đi tu là được. Lòng khao khát cháy bỏng thúc giục Hùng phải làm một cái gì đó, không thể cứ ngồi chờ mãi như thế này được. Hùng quyết định viết một bức thư gửi về Chủng viện Hoa Thanh. Trong thư Hùng trình bày hoàn cảnh và ngỏ ý muốn của mình. Gửi thư đi rồi mà Hùng vẫn thấy lòng mình phân vân. Liệu người ta có hồi âm không? Liệu người ta có tin mình không – một đứa mà có thể đến sự tồn tại của nó người ta cũng chẳng biết? Liệu biết hoàn cảnh của mình rồi người ta có nhận không? Hay biết đâu bức thư đã chẳng đến được chủng viện?... Rất nhiều câu hỏi hiện lên làm Hùng không thể chợp mắt nổi suốt mấy đêm liền.
Đúng một tuần sau, Hùng nhận được thư của Cha giám đốc. Trong lá thư hồi đáp, cha ngỏ ý muốn trực tiếp gặp Hùng và đề nghị cậu về gặp Cha sớm bao nhiêu có thể.
Và hôm đó, có lẽ chỉ Chúa mới biết Hùng vui như thế nào. Cậu mang bức thư của Cha giám đốc bên mình, đọc đi đọc lại, thấy nó như một phép lạ. Thế là ơn gọi của cậu đã có tia hy vọng.
Hùng quyết định Chủ Nhật tới sẽ về gặp Cha.
(còn nữa)
Thụy Du
(tác giả gửi về VTCG)