Phản ứng và thái độ của chúng ta khi đau khổ xuất hiện
(trích sách "Tại sao Ngài im lặng?" - Lm Giuse Đinh Thanh Bình sdb )
Một chàng thanh niên đạo hạnh cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa! Con chán ghét tội lỗi, con sợ làm Chúa buồn, xin Chúa hãy giúp con đủ sức mạnh để con đừng bao giờ phạm tội nữa, để con luôn sống trong sự bình an thánh thiện.” Trong giấc mơ, Chúa trả lời: “Nếu con không yếu đuối, không khổ đau thì con sẽ không cần Cha giúp nữa.”
Chỉ khi phải trải qua những đau khổ dằn vặt cấu xé tâm hồn và thể xác, chúng ta mới thấu hiểu rằng con người mình yếu đuối, mình cần được ủi an xoa dịu, mình ao ước được chia xẻ nỗi đau với vợ chồng, bạn bè thân quen. Khi niềm đau lên tới tột độ, chúng ta bám víu vào niềm tin Thiên Chúa. Tội nghiệp Thiên Chúa, vì Ngài ít khi được chung vui với con người. Lúc đó, con người thường quên Ngài. Chỉ khi họ đau khổ quá sức chịu đựng, họ mới ‘lôi’ Ngài ra để cầu xin, van nài.
Thiên Chúa thường im lặng, vì Ngài đã nói rất nhiều qua tha nhân, những người theo Ngài vì lý tưởng phục vụ để thay ngài giúp đỡ những nạn nhân khốn cùng. Như vậy, chúng ta cần phải biết phản ứng và thái độ của những người đau khổ để tìm ra những cách thế trợ giúp lẫn nhau.
1. Tức giận
Khi tin dữ dồn dập ùa về, phản ứng đầu tiên của chúng ta là tức giận. Tức giận chối bỏ sự thật, nhất định không chấp nhận rằng chuyện buồn đã thực sự xảy ra. Tức giận vì tại sao đau khổ lại tới với mình mà không phải là người khác. Tại sao số mình cứ bị xui xéo hoài? Tại sao đời mình chỉ thấy toàn là những khốn khó bủa vây dập vùi?
Hai đứa học trò dễ thương của tôi, biết nhau trong thiếu nhi, quen nhau trong ban nhạc, yêu nhau tình cờ và lấy nhau cái rụp. Vợ chồng, sau khi có được một đứa con trai kháu khỉnh và lém lỉnh, liền mua nhà. Một buổi tối nọ, từ bên nội đi về, cô vợ ngạc nhiên khi thấy cửa mở, liền la lên: “Có trộm vào nhà!” Anh chồng nhát gan hoảng hốt nói: “Em vô trước bật điện coi thử, để anh pở ngoài này lỡ có chuyện gì còn…chạy kịp!” Trộm vô thiệt, mất video, đồng hồ, áo da, điện thoại cầm tay… Hoạt cảnh gia đình đêm hôm đó rất vui, cô vợ gan dạ nằm ngoài ngủ tỉnh bơ, anh chồng và thằng con nhỏ để dành nhau nằm chính giữa. Cuối cùng bố đành phải nhường con, nhưng chờ lúc con ngủ say bố liền bế thốc con ra nằm mé giường còn mình chiu tọt vào giữa, trằn trọc tới 3 giờ sáng, vẫn còn sợ, anh gọi vợ dậy rủ vợ về nhà nội ngủ.
Những mất mát vật chất không quan trọng bằng sự tức giận: Cô vợ quên bật alarm báo động trước khi rời nhà. Khu Dandenong trộm cắp như rươi, họ tức đám người lười biếng, ăn không ngồi rồi, xì ke ma tuý, phá làng phá xóm, trộm cắp cướp giật.
2. Giận cá chém thớt
Khi tức giận, chúng ta hay đổ lên đầu những người chịu trách nhiệm trong những mất mát đau khổ của chúng ta: Kẻ trộm, thằng chủ sở đuổi việc công nhân, người vợ bỏ chồng, người tài xế gây tai nạn… Hoặc tệ hơn, chúng ta ‘giận cá chém thớt’: Cảnh sát không chu toàn trách vụ, bác sĩ không cứu sống được bệnh nhân, bị mẹ chồng la về nhà chửi con, theo kiểu ‘bà mắng tôi thì tôi chửi lại cháu bà’.
Nguy hiểm nhất, phải kể đến lúc sự tức giận quay lại đổ lên đầu nhau. Tháng 6 năm 94, bên Mỹ, O.J. Simpson, một cựu cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng, tài tử xi nê, và xướng ngôn viên chương trình thể thao, đã bị bắt vì tội tình nghi giết vợ cũ và bạn của vợ. Trước đây, anh đã ly dị với một bà vợ khác, khi đứa con hai tuổi bị té xuống hồ bơi chết đuối, anh đổ lỗi tại vợ không chị chăm sóc con cẩn thận, vợ thì trách chồng vắng nhà thường xuyên. Hai vợ chồng yêu nhau tha thiết, bỗng nhiên gây đau khổ cho nhau và dứt khoát xa nhau.
3. Khuynh hướng tự trách chính mình
Khi không còn kiếm được ai để trút sự giận dữ lên đầu, người ta thường quay lại tự trách chính mình. Rất nhiều người tuyệt vọng, ngã lòng và suy nhược thần kinh sau một cái chết của người thân, sau một lần đổ vỡ ly dị, hay sau khi bị đuổi việc.
Khi bị cuộc đời ruồng rẫy hiếp đáp, bị chèn ép, bị thương tật và bị những tai ương khốn cùng liên tiếp kéo đến, những nạn nhân đau khổ còn có khuynh hướng cho rằng tất cả đều chỉ vì những lầm lỗi xa xưa tiền kiếp của riêng họ nên họ đáng bị trừng phạt, nên họ chối từ những ủi an trợ giúp, nên họ cứ mang nặng cảm giác tội lỗi, sự tức giận, ganh ghét trong người. Khi bị nỗi cô đơn ám ảnh đè nặng, họ tuyệt vọng, buông thả và sa ngã. Nghị lực tiêu tan, chẳng có ai vực họ dậy, dìu họ đứng lên để tiếp tục những ‘chẳng đường thánh giá’. Tai hoạ nghịch cảnh chiến thắng vẻ vang, nó hiết chết một đời sống dễ như trở bàn tay.
4. Oán hận Thiên Chúa
Đôi lúc, người ta oán giận Thiên Chúa, bởi vì nếu Ngài quan phòng mọi sự, thì Ngài phải chịu trách nhiệm khi những đau khổ xảy đến cho con người, ít nhất thì Ngài cũng phải chịu can thiệp để tai hoạ đừng xảy ra chứ! Vì thế, họ bỏ đạo, cầu nguyện cũng vô ích. Chúa làm tôi khổ thì tôi không thèm thờ phượng Chúa nữa, cho Ngài biết tay tôi. Có người ngoại đạo lại muốn tin Chúa, hỏi tại sao, thưa rằng: “Để có người cho tôi chửi mắng, nguyền rủa và trách móc khi tôi gặp xui”. Thật ra, nếu có ai chửi Thiên Chúa, chắc Ngài cũng chẳng giận họ làm gì! Chỉ có một điều sai, chuyện xui xẻo không phải do Chúa gởi tới cho nhân loại.
5. Ân hận rằng ‘giá mà’
Tháng 6 năm 1993, tôi cử hành tang lễ cho hai bà hàng xóm ở cạnh nhà cùng qua đời cách nhau một ngày. Họ đều sống rất thọ, 79, 80 tuổi, chẳng có gì phải luyến tiếc than thở. Buổi chiều hôm đó, tôi ghé thăm cả hai gia đình để chia buồn. Tới nhà bà thứ nhất, người con trưởng của bà nói với tôi: “Thưa Cha, giá mà con đưa mẹ lên Brisbane từ trước để tránh những tháng lạnh mùa đông dưới này, chắc mẹ vẫn còn sống, vì con chần chừ mà mẹ con chết, lỗi tại con!” Tôi nhớ bà thứ hai, người con gái nói với tôi: “Thưa Cha, giá mà con đừng bắt mẹ lên Brisbane kỳ vừa rồi thì chắc mẹ không chết, đường xá xa xôi, thời tiết thay đổi làm sao mẹ con chịu nổi, tại con mà mẹ con chết!”
Khi tin buồn xảy ra, chúng ta thường nghĩ ngay đến hai chữ ‘giá mà’ hay ‘nếu mà’. Chuyện đã lỡ làng, nhưng chúng ta không ngừng ân hận và tự trách chính mình. Những người còn sống luôn luôn mang nặng cảm giác hối hận, rằng mình đã làm buồn lòng mẹ bao nhiêu lần, tại sao hồi đó mình không đưa mẹ đi chơi cho khuây khoả tuổi già, chiều ý mẹ cũng đâu khó lắm nhưng mình lại không chịu làm…lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.
6. Mặc cảm tội lỗi
Tại Melbourne, tôi đã đến thăm nhiều lần một gia đình ‘Tứ Đại Đồng Đường’, bốn đời sống chung dưới một mái nhà êm ấm thuận hoà, hai bà cố nội, cố ngoại, ông bà nội, các con và các cháu. Đối với quan niệm Việt Nam, đây là một điều hiếm có và đại phúc. Nhưng tôi cũng được biết có những gia đình tại hải ngoại gặp rất nhiều trắc trở, xung đột giữa ông bà cha mẹ và con cái. Câu chuyện của gia đình anh Hưng là một thí dụ điển hình:
Điều khó khăn nhất trong đời anh Hưng phải làm, là đích thân gửi mẹ mình vào viện dưỡng lão. Thật ra mẹ anh vẫn còn sáng suốt và khoẻ mạnh đủ, nhưng bà không thể tự chăm sóc chính mình. Sáu tháng trước đây, hai vợ chông và các cháu ra phi trường đón bà từ Việt Nam sang. Những giây phút mừng vui hội ngộ qua đi mong chóng. Có bà nội trong nhà, những vấn nạn khó giải quyết dần dần xuất hiện, vợ anh Hưng ngày trước vẫn di làm, bây giờ phải ở nhà hầu hạ mẹ chồng, mất một đầu lương, tiền nợ nhà băng vẫn phải trả đủ, gia đình phải sống chật vật hơn xưa rất nhiều. Các cháu không thể mở nhạc ầm ầm như trước nữa vì bà có tật khó ngủ mà lại lên giường sớm. Thỉnh thoảng ba mẹ có chuyện đi vắng, các cháu không giám rời nội một bước, sợ lỡ có chuyện gì. Bạn bè tụi nó cũng không dám tới nhà, vì ồn ào quá quấy nhiễu bà. Rồi vấn đề vệ sinh cá nhân, thức đêm thức khuya lo lắng, ăn uống kiêng khem phải làm riêng từng món, đôi khi bà còn la mắng trách móc mọi người.
Các con thương mẹ các cháu thương bà, nhưng sự hy sinh chịu đựng nào cũng phải có giới hạn, bao nhiêu ấm ức khó chịu dồn nén từ bấy lâu nay bỗng bùng nổ bất ngờ. Anh Hưng bên tình bên hiếu, đành gửi mẹ vào viện để cho các y tá chăm sóc bà kỹ lượng cẩn thận hơn. Bà khóc lóc chửi mắng anh bất hiếu và nhất định không chịu đi, bà đòi về lại Việt Nam. Tiếc thay, là con một, không còn thân nhân tại quê nhà, anh Hưng không thể để mẹ về, vì bà chẳng còn ai để nương tựa, và lại bà cũng chẳng tự chăm sóc được. Cũng tội nghiệp thân già đơn chiếc, bà vẫn sống với những tập tục văn hoá truyền thống gia đình từ xa xưa, nhưng bây giờ nó dường như đã bị kết án là lạc hậu quê mùa không còn thích hợp trong xã hội Tây Phương. Con cháu chúng nó không thể hiểu nổi tâm trạng bi đát của một người Mẹ Việt Nam suốt đời vì con cái. Anh Hưng mang nặng mặc cảm bất hiếu với mẹ, dù anh không còn chọn lựa nào khác. Bạn bè hàng xóm láng giềng chê cười, họ sát thêm muối vào vết thương ứa máu của tâm hồn anh.
Dù không thường đi lễ, sáng chủ nhật vừa qua, anh bước vào nhà thờ để thử tìm kiếm ít giây phút thanh thản, yên bình. Chủ đề bài giảng hôm ấy lại rơi vào đúng điều răn thứ IV. Hãy thảo kính cha mẹ. Vị linh mục nhắc nhở công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và gắt gao phê bình con cái thời nay hỗn hào bất kính. “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”. Vị linh mục đã đưa ra một lập luận đơn giản: Tại sao bố mẹ có thể nuôi được cả mười đứa con, nhưng người đứa con lại không thể nuôi được cha mẹ? Mọi người nghe giảng đều gật gù đồng ý.
Anh Hưng rời nhà thờ, trong lòng nặng trĩu đau khổ pha lẫn giận dữ. Anh thấy mình quá ích kỷ và lơ là trong bổn phận làm con. Về nhà, anh gắt gỏng với vợ, đi thăm mẹ, anh nổi nóng bất thường. Anh bị ám ảnh bởi ý nghĩ là nếu ngày mai ngày mốt mẹ có mệnh hệ nào, anh sẽ không bap giờ có thể tha thứ cho mình vì tội đã để mẹ sống những ngày tháng cô đơn, buồn tủi vào cuối đời bà, chỉ vì sự ích kỷ của vợ chồng con cái anh. Lời cha giảng rất đúng, nhưng vô tình nó đã làm anh buồn hơn. Anh muốn phản đối, muốn nói rằng mười đứa con không nuôi nổi cha mẹ bởi vì cả mười đứa đều có gia đình riêng, anh thương mẹ nhưng anh cũng thương vợ thương con. Vì không thể chọn được một giải pháp dung hoà cho cả hai bên vui lòng, anh đành phải cắn răng gởi mẹ vào viện dưỡng lão, mà trong lòng thì tràn ngập mặc cảm tội lỗi.
Dĩ nhiên, có nhiều khi cảm giác hối hận rất chính xác và cần thiết. Chúng ta có lỗi với người đã khuất, nếu ngày xưa chúng ta đã hất hủi, khinh miệt, bất hiếu hỗn hào với cha mẹ. Chúng ta cần ân hận và cần chấp nhận trách nhiệm nếu chính chúng ta là nguyên nhân gây nên những nghịch cảnh đớn đau trong cuộc đời. Một người đàn ông gặp tôi để giải bày tâm sự. Ông đã bỏ vợ con để lập gia đình với cô thư ký riêng, ông cần tôi giúp đỡ để có thể xoá đi mặc cảm tội lỗi thiếu trách nhiệm với con cái và phản bội mình. Tôi mỉm cười lắc đầu không thể giúp được ông, vì thực sự ông cần phải hối hận trong việc đã làm, phải chịu trách nhiệm và tìm cách đền bù lại cho vợ con, hơn là dùng những biện luận dối trá để khoả lấp đi mặc cảm tội lỗi.
Mặc cảm tội lỗi rất cần thiết, nếu chúng ta phạm tội. Một trong những nguy hiểm kinh khủng nhất của thời đại hôm nay là chúng ta không tự chấp nhận rằng mình là con người yếu đuối, mình có phạm tội. Người ta rất dễ dùng đủ mọi lý do để bào chữa cho những lỗi phạm của mình, bởi vậy họ không cảm thấy lương tâm bị cắn rứt. Khi lương tâm dần dần bị nguội lạnh, con người có thể sống không khác một con vật vì con người mưu mô xảo quyệt thông minh hơn nhiều.
Tuy vậy, nếu không phải lỗi của chúng ta, mà chúng ta cứ bị dằn vặt, day dứt với mặc cảm tội lỗi thì đó cũng là một điều nguy hiểm. Sự dày vò của tội lỗi sẽ khiến chúng ta phải tìm ra những phương pháp cách ‘đền tội’ thì mới cảm thấy an lòng. Sống hoài trong mặc cảm ấy, con người sẽ trở nên bi quan, mệt mỏi, khó trưởng thành, buông thả và chán đời.
Thống kê mới nhất tại Úc cho biết: Trong vòng 10 năm 1982 – 1992, đã có 22.000 người Úc tự tử. Số thanh niên thiếu nữ từ 15 cho đến 24 tuổi tự tử tăng gấp đôi, từ 12% lên tới 24%. Lần đầu tiên kể từ năm 1991, số người tự tử đã vượt quá số tử vong – thường là cao nhất – vì tai nạn xe cộ. Một trong những nguyên do chính đã dẫn tới thảm kịch này, là mặc cảm tội lỗi, khi tự tử là phương cách duy nhất để ‘đền tội’.
Thống kê mới nhất tại Úc cho biết: Trong vòng 10 năm 1982 – 1992, đã có 22.000 người Úc tự tử. Số thanh niên thiếu nữ từ 15 cho đến 24 tuổi tự tử tăng gấp đôi, từ 12% lên tới 24%. Lần đầu tiên kể từ năm 1991, số người tự tử đã vượt quá số tử vong – thường là cao nhất – vì tai nạn xe cộ. Một trong những nguyên do chính đã dẫn tới thảm kịch này, là mặc cảm tội lỗi, khi tự tử là phương cách duy nhất để ‘đền tội’.
7. Đau khổ thường dẫn tới sự ganh tị
Giống như mặc cảm tội lỗi và sự tức giận, ganh tị cũng là một vấn nạn mà người đau khổ phải đương đầu chịu đựng. “Tại sao gia đình đó hạnh phúc quá, con cái mười người đầy đủ chẳng mất ai? Còn mình thì chỉ sinh được có hai đứa, lại chết một?” Người em đi khám bệnh, bác sĩ báo tin buồn, cô không thể nào sinh con được nữa. Về đến nhà, bà chị mừng rỡ tâm sự, chị vừa có thai đứa thứ tư. Người goá phụ cô đơn ganh tị với hạnh phúc của bạn mình, nó …xấu hơn tôi mà vẫn còn có chồng đi đưa về đón. Gia đình nọ giàu nứt vách đổ tường, trộm không đến viếng lại đến viếng nhà tôi, tôi còn…nghèo lắm, ký cóp hoài vẫn chưa đủ tiền xây nhà lầu, mua xe BMW.
Có những lời khen nghe thì ngọt ngào, nhưng lòi cái đuôi ganh tị thấy rõ: “Anh chị giỏi thật, mới sang đây ba năm đã mua được nhà. Tụi em ở Úc gần 10 năm rồi, cả hai vợ chồng đi làm hàng đầu tắt mặt tối mà vẫn chẳng đủ tiền mua nhà.” (Người được khen tức muốn ói máu, nó khen mà làm như hỏi dò xem coi mình làm ăn lươn lẹo, bất chính kiểu nào, sao lại giàu nhanh quá!).
Có những lời ca ngợi, chê bai sau lộ rõ bộ mặt ganh tị: “Cộng nhận con cái bà giáo Chánh thông minh chăm học dễ sợ, bốn đứa mà đã được hai đứa Kỹ sư, một thằng sắp ra trường Dược, đứa út thì năm thứ hai Y Khoa. Nhưng mà chúng nó bê bối khó dạy lắm! Mất gốc cả rồi! Chẳng đứa nào nói được tiếng Việt, chơi toàn với tụi Úc, bồ bịch lăng nhăng. Tài mà thiếu đức cũng như không!” (Con tui thì không được nhiều tài, nhưng ngoan ngõan, hiền lành nết na đức độ bằng vạn). Ganh tị bằng những lời nói móc họng xách mé kiểu này, thì có vẻ hơi ti tiện và tiểu nhân.
Ganh tị là một cảm xúc tự nhiên rất khó kiềm chế. Ngay từ hồi nhỏ, anh chị em một nhà đã thường ganh tị với nhau trong những thương yêu khó lòng đồng đều của cha mẹ. Ba thương chị hơn, mẹ thương anh hơn nên anh chị được ở nhà, còn tôi thì bị đày đi nội trú ăn uống khổ cực, lại gặp mấy chị nữ tu chẳng được như thơ Nguyễn Tất Nhiên “Em hiền như Ma sơ”, chuyên môn ăn hiếp con nít. Lên lớp nhất tiểu học, có một Ma sơ rất thương tôi, hình như đặc biệt hơn nhiều đứa khác. Tôi hãn diện và sung sướng lắm! Đến khi khám phá ra rằng Sơ cũng thương một đứa khác bằng tôi. Thằng bé tức giận khóc lóc đòi nghỉ chơi với Sơ ra.
Trẻ em ganh tị vì phải tranh đấu để được yêu thương. Người lớn ganh tị vì mình cũng như họ tại sao lại không bằng họ. Khi gặp tai hoạ, ai cũng đau khổ, nhưng chắc chắn họ sẽ đau khổ hơn khi thấy những người khác như họ mà lại không bị gì. Nguyên một dãy nhà bị cháy rụi, tự nhiên có một hai căn thoát nạn. Gia đình nạn nhân nào cũng buồn, nhưng có lẽ họ đỡ buồn hơn nếu căn nhà kia bị cháy luôn, để tất cả đều cùng chunh cảnh ngộ.
Chúng ta ganh tị vì tại sao Thiên Chúa, có vẻ như, không công bình? Ngài đã ban cho con nhỏ kia sắc đẹp, nết na đủ thứ còn tôi thì …không được đẹp lắm so với hoa hậu thế giới? Thằng đó đàn địch nhiều tài con gái dễ mê còn tôi ngón tay nào cũng như rễ cây cổ thụ, cầm đàn, đàn đứt dây, cầm cọ, cọ gẫy, tiếng hát khàn đục như ếch kêu chiều mưa biên giới? Tâm lý trẻ em trở về, người lớn ganh tị để được yêu thương, nếu Thiên Chúa công bình thì Ngài phải thương yêu và ban phát ân huệ cho mọi người đồng đều.
Đi thăm một người đau khổ vì bất cứ nguyên do nào, chúng ta cảm thông với người ấy, nhưng trong lòng thì cũng mừng thầm vì mình không bị như họ. Đến lượt chúng ta, khi đau ốm, bệnh tật, buồn rầu vì người thân yêu qua đời, vì mất việc hay gặp chuyện xui xẻo, chúng ta thường ganh tị với sức khoẻ, hạnh phúc và sự an lành của thiên hạ. Biết rằng ganh tị chỉ làm mình khổ thêm, nhưng chúng ta không thể nào tránh được cảm giác đó.
Truyện cổ Trung Hoa kể lại rằng có một goá phụ, chồng con đều chết thảm trong chiến tranh. Bà tới gặp một vị thiền sư để xin ý kiến làm sao mình có thể cầu nguyện cho chồng con sống lại. Vị thiền sư trả lời: “Bà hãy đi kiếm dùm tôi một hạt giống hạnh phúc trong một gia đình chưa bao giờ biết đau khổ, đem về đây, tôi sẽ làm phép lạ cho chồng con bà sống lại”. Người goá phụ mừng rỡ vội vã đi tìm hạt giống hạnh phúc. Ngày lại ngày, tháng sang tháng, năm này qua năm khác, bước chân mòn mọi khắp nơi, đi tới gia đình nào cũng thấy chan hoà nước mắt đau khổ. Hạt giống hạnh phúc chưa tìm được thì bà đã quên đi nhiệm vụ chính, người goá phụ bây giờ vẫn lang thang đây đó, để xoa dịu và an ủi những người đau khổ, khổ thê thảm, triền miên, cay đắng.
Có lẽ đây là giải pháp duy nhất chữa lành bệnh ganh tị, khi chúng ta cùng nhận thức rằng, hàng triệu triệu người trên thế giới còn đau khổ hơn chúng ta rất nhiều. Bề ngoài họ có thể vui cười sung sướng, nhưng trong lòng thì tràn trề khổ đau, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Biết đâu họ cũng ganh tị với chúng ta? Một phụ nữ có chồng đang an ủi người bạn goá phụ, có thể cũng đang lo lắng ông chồng sẽ bị mất việc nay mai, con cái hư đốn bỏ nhà ra đi. Một thanh niên chạy chiếc xe thể thao bóng loáng chở cô bồ vút qua mặt, có thể đang còng lưng làm thêm giờ phụ trội trả góp tiền mượn nhà băng. Tới một đám cưới mọi người vui mừng, ăn uống phủ phê nhảy nhót tơi bời, biết đâu họ chỉ cố tạm quên những khó khăn chồng chất đang chờ đón khi tiệc tan?
Khi còn là một ông thầy trẻ măng sữa, giáo dân rất ít khi tới tôi để giải bày tâm sự, để đưa ra những thắc mắc nhờ giải thích, xin ý kiến hoặc những lời khuyên bảo. Tuy vẫn kính trọng giới tu trì, nhưng họ nghĩ rằng con nít như tôi, thảnh thơi, sung sướng chẳng phải suy nghĩ việc đời, tối ngày chỉ lo ăn học, làm sao biết được đau khổ ở trần gian là cái gì mà khuyên với nhủ? Thời gian qua đi, những đại tang, tin buồn dồn dập đến với gia đình tôi, họ mới hiểu rằng tôi cũng chẳng sung sướng gì hơn họ, tôi cũng chẳng phải là con cưng của Thiên Chúa được yêu thương đặc biệt hơn. Ngoài thiên chức linh mục, tôi cũng đau khổ như mọi người. Bấy giờ, họ mới tìm đến tôi để chia sẻ những đau buồn trong đời sống. Thật ra, chúng ta, những người anh em đau khổ như Chúa Giêsu, cũng tìm tới nhau thì đúng hơn. Bởi vì chẳng có ai trên đời này sống trong một căn nhà chưa hề nếm mùi đau khổ.
Dĩ nhiên chúng ta không thể dùng đau khổ như một môn thể thao để so sánh phân định hơn kém ăn thua. Chúng ta không tổ chức Thế Vận Hội Đau Khổ để xem ai giựt được nhiều huy chương vàng, nhưng chúng ta nên biết rằng, dù Đau Khổ không phân chia bằng nhau, nhưng mỗi người đều có phần. Khi nhận thức được điều này, chúng ta sẽ không cần phải ganh tị với bất cứ ai.
Chính tôi cũng có lúc tưởng rằng gia đình mình sao đau khổ nhiều quá, cho đến khi nghe được những câu truyện thương tâm gấp vạn lần, tôi mới chợt hiểu rằng, dầu sao, đau khổ của mình chỉ như một hạt cát nhẹ tênh so với núi đá buồn rầu của người khác, như “nhà giàu đứt tay” so với “ăn mày đổ ruột”: Một gia đình, mẹ và các con vượt biển chìm tàu chết hết, chỉ còn lại ông Bố điên khùng tàn tật dở sống dở chết. Gia đình song thân Anh Hoài, mười bốn đứa con chỉ còn sót lại hai người. Hai vợ chồng sinh được hai đứa con cưng “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, bị tan nạn xe hơi chết cả hai, ông bố còn nằm nhà thương hôn mê chưa biết lúc nào tỉnh dậy. Chết đi nhiều khi còn đỡ hơn sống, đã có những gia đình đau khổ cả đời vì một hai người con bị khuyết tật bất bình thường. Không ai có thể kể hết được những đau khổ triền miên mà con người phải can đảm chịu đựng.
8. Thà đừng an ủi thì tốt hơn
Khi bị mặc cảm tội lỗi đè nặng, như đã đề cập ở trên, chúng ta thường tự trách chính mình. Có những trường hợp, nạn nhân không tự trách thì có người khác…trách dùm. Chị Thy té xỉu khi ông chồng bỗng nhiên tuyên bố là ông muốn chia tay. Cưới nhau được bốn năm, chưa có con vì chị cần phải đi làm để trả nợ nhà xe. Thỉnh chị với chồng cũng cãi nhau to tiếng, nhưng đó là chuyện rất bình thường trong đời sống hôn nhân. Bây giờ ông chồng lại dở chứng “mèo chuột”, ông chê chị cù lần và thẳng thắn nói rằng ông đã kiếm được một người khác. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, ông thu xếp quần áo và dọn ra khỏi nhà, để mặc chị Thy khóc nức nở tủi hờn. Tỉnh dậy chị Thy chạy về nhà ngoại. Bố mẹ cũng buồn khi nghe tin và hết lòng an ủi khuyên răn chị. Bà mẹ gọi con gái vào phòng, để hai mẹ con dễ thủ thỉ tâm sự. Bà dò hỏi chị rất kỹ lượng, chuyện vợ chồng, tiền bạc, nấu nướng, quán xuyến tề gia nội trợ, bà cố gắng tìm ra nguyên nhân đổ vỡ của vợ chồng chị Thy. Thật bất ngờ, chị Thy ném mạnh tách nước trà vào tường và hét lên: “Mẹ đừng nói nữa, nãy giờ con chỉ nghe mẹ khuyên: “Giá con đừng như thế này, nếu con làm như thế kia thì đâu đến nỗi.” Cứ làm như tất cả đều là lỗi của con. trong đầu mẹ nghĩ rằng nếu con là một người vợ tốt thì chắc anh ấy đã không bỏ con phải không? Con nói thật với mẹ, con đã cố gắng hết sức để chu toàn nhiệm vụ làm vợ. Tại sao ảnh đòi ly dị thì con không biết, nhưng chắc chắn không phải lỗi tại con hoàn toàn!”
Chị Thy nói đúng. Bà mẹ cũng đúng khi an ủi và chia sẻ nỗi buồn với con gái. Nhưng bà hơi nhẫn tâm khi vô tình kết tội con gái trong chuỵen đổ vỡ. Có rất nhiều lý do gây nên những thảm cảnh ly thân ly dị: Thiếu trưởng thành, “đời không như ước mơ”, ngoại tình, xung khắc tính tình, tiền bạc…không nên chỉ quy trách nhiệm vào một người, chồng hoặc vợ.
Cách đây khá lâu, tôi có cử hành tang lễ cho một thiếu phụ qua đời lúc tuổi còn thanh xuân, 36, bệnh ung thư, để lại cho chồng một đứa con trai mới lên 10. Tới nhà thăm hỏi, tôi nghe bà dì an ủi cháu như thế này: “Cháu đừng buồn. Thiên Chúa cất mẹ về vì Ngài cần mẹ hơn là cháu cần mẹ, mai mốt dì bảo ba kiếm …mẹ khác cho con”. Bà dì chắc chắn chỉ muốn an ủi để cháu đỡ buồn, nhưng bà đã vô tình phạm những sai lầm to lớn:
- Thứ nhất, bà khuyên cháu đừng buồn, tại sao chúng ta lại cứ phải dấu diếm và đè nén nhưng xúc động chân thành trong tâm hồn? Mẹ chết chẳng lẽ không được biểu lộ những uất nghẹn đau đớn của mình qua tiếng khóc, tiếng gào?
- Thứ hai, bà cho rằng Chúa cất mẹ cháu về, một câu nói thông thường trên cửa miệng của mọi người, nhưng khá nguy hiểm đối với trẻ em. Chúng chưa đủ suy nghĩ để hiểu những quan niệm về tôn giáo và đức tin, vì thế, nếu Chúa đương không giành giựt người mẹ khỏi tay đứa con, nó sẽ ghét Chúa và căm hận Ngài.
- Thứ ba, Thiên Chúa cần mẹ cháu hơn là cháu cần. Bà dì muốn cháu hy sinh, vì cái chết cuả mẹ rất ý nghĩa, mẹ qua đời trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Thằng bé không thể hiểu những phức tạp của vấn đề, nó chỉ biết rằng lỗi tại nó mà mẹ nó chết, vì nếu nó cần mẹ hơn Chúa, chắc mẹ nó không chết.
- Thứ tư, “dì bảo cháu ba kiếm mẹ khác cho cháu”. Thằng bé không muốn mẹ khác, nó chỉ muốn mẹ ruột, người đã thương yêu chăm sóc nó từ bấy lâu nay. Tôi tội nghiệp dùm cho bà dì ghẻ nào đó có thể sẽ đổ lên đầu bà tất cả những tức tối ngang ngược trẻ con vì bà đã tới để chiếm đoạt vị thế của người mẹ ruột mà nó vẫn tôn thờ.
Bà dì tai hại đã làm thằng bé la hét ầm ĩ với những lời khuyên không thích hợp của bà. Tôi phải bỏ ra gần hai tiếng đồng hồ nói chuyện với nó, khẳng định và bảo đảm với nó rằng không phải lỗi tại nó mà mẹ nó qua đời, không phải tại ngày xưa nó lười biếng, ăn tham, giận hờn, cãi nhau hỗn hào với mẹ mà mẹ đành đoạn bỏ nó ra đi. Cũng không phải Chúa cần mẹ hơn, hay Chúa phạt gia đình con. Mẹ chết chỉ vì bệnh ung thư, mẹ thương con và không hề muốn rời xa con, nhưng tiếc rằng các bác sĩ, dù đã tận tình cứu chữa, cũng đành chịu bó tay.
Tôi đọc được một ngạn ngữ Iran: “Nếu bạn thấy một người mù, hãy đá vào mông hắn, tại sao bạn phải tự tế hơn Thượng Đế?” Câu ngạn ngữ này tiềm ẩn một quan niệm minh bạch: Nếu bạn thấy một người đau khổ, bạn hãy tin rằng hắn xứng đáng lãnh nhận những hậu quả đó vì tội lỗi mà hắn đã gây ra. Chính Thượng Đế muốn hắn đau khổ. Bới vậy, bạn phải ùa theo Thượng Đế để xỉ nhục và khinh miệt hắn càng nhiều càng tốt. Nếu bạn cố ý định thương xót hắn, thì bạn đã đi ngược lại với sự công bình của Thượng Đế.
Chúng ta chắc chắn sẽ nhao nhao lên phản đối quan điểm độc ác này. Con người đâu thể nhẫn tâm với anh em đồng loại như thế được? Vậy mà, rất nhiều lúc chúng ta đã vô tình an ủi những người đau khổ bằng những câu nói mà khi nghe được, nạn nhân lại có cảm tưởng như họ xứng đáng bị răn phạt. Bởi những vụng về vô ý, dù trong lòng thật tâm muốn chia sẽ nỗi buồn của họ, chúng ta đã đẩy họ vào sâu hơn bóng tối của cảm giác tọi lỗi đè nặng. Trở lại câu truyện ông Gióp, ba người bạn tới thăm ông để chia buồn và an ủi ông khi ông đã quá tuyệt vọng. Nhưng họ nói gì cũng sai, làm gì cũng trật lất. Tưởng rằng được bạn bè chia sẻ, ai ngờ họ tới phá rối, ông Gióp lại càng cảm thấy đau khổ hơn nữa. Có lẽ chúng ta nên học hỏi những sai lầm của bạn bè ong Gióp để tìm cách áp dụng trong đời sống hiện tại.
9. Những lời khuyên có thể phản tác dụng
Khi ông Gióp vừa thấy mặt bạn, ông oà khóc kêu lên: “Tại sao Thiên Chúa lại để tôi khổ như thế này?”. Bạn ông lầm tưởng rằng ông hỏi họ, nên đã dông dài cắt nghĩa cho ông hiểu sự quan phòng của Thiên Chúa. Thật ra, câu hỏi của ông Gióp không phải là một thắc mắc Thần học, nó chỉ là một lời than thở thảm thương.
Ông Gióp không cần các bạn giải thích giáo lý, ông chỉ cần họ cảm thông, chia sẻ những đớn đau với ông. Ông muốn họ đồng ý rằng ông là một người lương thiện, và những gì đã xãy đến cho ông là một sự bất công thê thảm. Bạn bè không hiểu ý, họ cứ lên tiếng bênh vực cho Thiên Chúa, và vô tình khẳng định rằng chắc tại vì ông đã làm một tội ác nào đó kinh khủng lắm, nên Thiên Chúa công bình mới trừng phạt ông nặng nề như vậy. Các bạn ông không nằm trong hoàn cảnh của ông, nên họ không thể hiểu được tầm tác hại của những lời khuyên răn vô ý thức, họ còn cấm ông không được khóc lóc, phàn nàn, vì biết đâu Chúa nộ khí xung thiên, như một người Cha đánh con lại thấy cứ khóc, nổi nóng đánh thêm cho nó chừa.
Khi một người đang chới với ngụp lặn trong đau khổ, họ rất cần được sự cảm thông chia sẻ. Tuy vậy, chúng ta cũng nên cẩn thận trong những lời an ủi, vì nó có thể phản tác dụng: “Thôi chị ạ! Mất đứa này có đứa khác, còn trẻ mà!” (lời khuyên cho một bà mẹ vừa sẫy thai, rất tiếc bà đã sẩy thai lần thứ năm); “Anh đừng khóc nữa, đàn ông con trai gì mà yếu quá! Người ta cười cho!” (lời nhắc nhở cho một người bạn bị vợ bỏ); “Chúa thử thách mà, bà cứ rên la như vậy thì còn gì là công nghiệp nữa!” (lời chồng gắt vợ, khi con gái mang bầu lúc chưa làm đám cưới); “Cũng còn may cháu bé chỉ bị gãy một tay một chân, tưởng nó chết rồi chứ!” (lời an ủi cho một bà mẹ có con ngã từ lầu hai); “Mình đâu có quyền xét đoán Thiên Chúa như vậy? Chúa phạt chết! Ngài thương chị lắm mới chọn chị để trao thánh gía đau khổ, chị phải vui mới đúng!” (May quá! Chúa thương tôi ít hơn nên Ngài để tôi yên!); “Cũng không đến nỗi nào đâu! Thím có sáu đứa mới chết có hai, còn tới bốn đứa. Người ta muốn có một đứa thôi mà chờ hoài cũng chẳng thấy tin vui!” (lời vỗ về cho một goá phụ có con chết bệnh ung thư). “Gia đình anh chị giàu có sung sướng, quá rồi, cũng nên chia sẽ đau khổ với người khác chứ!” (lời chia buồn cho một gia đình mất trộm).
Tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, câu nói độc địa và dã man nhất dành cho nạn nhân chính là: “Đáng đời lắm! Ai bảo thằng đó cà chớn quá làm chi! Vợ con nó có chết cũng là đáng kiếp. Ông trời thiệt có mắt.” (lời mỉa mai dành đặc biệt cho người bị cháy nhà chết cả vợ cả con.)
Ông Gióp, hay những nạn nhân đau khổ, thật ra, chưa chắc cần những lời khuyên răn dạy bảo, dù là những lời răn dạy tốt. Họ chỉ cần sự cảm thông chia sẻ của mọi người, những người sẵn sàng chịu đựng những tiếng khóc, tiếng gào thét cay đắng, ỉ ôi, than van nức nở. Họ cần bạn bè chịu khó ngồi yên đó lắng nghe để họ có dịp tuôn ra tất cả những sự tức giận, những gắng sức kiềm giữ xúc động bấy lâu nay bỗng ập tới như ngọn sóng thần đập vỡ con tàu nhỏ bé trên đại dương muộn phiền.
10. Một cách thức an ủi thích hợp
Một cô bé 9 tuổi xin phép mẹ qua nhà hàng xóm để an ủi một bà vợ có chồng bị chết vì bệnh đau tim. Người mẹ hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn cho phép con. Khi con về, người mẹ liền hỏi: “Con đã làm gì để an ủi bà hàng xóm?”. Cô bé trả lời: “Con chẳng biết nói gì cả nên con cứ ngồi vào lòng bà và cùng khóc với bà!”
Cô bé 9 tuổi đầu non dại ngây thơ của cuộc đời, đã có thể dạy cho chúng ta một bài học vô cùng quí giá: Vui với người hạnh phúc và khóc với người đang sầu khổ. Xin mượn ý thơ Nguyễn Tất Nhiên để diễn tả: Đám ma chiều tiễn đưa, “nói năng chi cũng thừa”.
Cái chết của em tôi đã dẫn tôi vào lối mòn âm u lầy lội của sự tức giận, của khuynh hướng tự trách, của mặc cảm tội lỗi, của những “giá mà, nếu mà”, của niềm cay đắng ganh tị. Tôi thừa hiểu rằng những lời khuyên răn an ủi chỉ xoa dịu phần nào nỗi đau chất ngất trong tôi. Tôi thừa biết rằng chẳng còn ai trên thế giới này có thể đem em Khanh trở về. Một lần cất bước là vĩnh viễn ra đi. Tôi thừa nhận sự bất lực của chính mình. Khi tất cả đều chỉ là những băng bó tạm bợ cho một vết thương lỡ mất máu quá nhiều, tôi cúi đầu trở về.
Lm Giuse Đinh Thanh Bình sdb