Hồi ức Thánh Đường
Nó sinh ra và lớn lên trong một xóm đạo.
Năm lên 7 tuổi, nó được chị cả dẫn vào xin chú xứ Hoàn cho được học giáo lý. Đấy là chương trình mà bất kỳ một đứa trẻ có đạo nào cũng phải trải qua. Nó không thích học và mấy đứa trẻ tầm tuổi đó cũng chẳng ưa việc học cho được lòng đạo đức này lắm. Nhưng cha mẹ bắt đi nên đành theo học một cách miễn cưỡng. Hằng tuần, cứ sau khi đi lễ Chúa Nhật là lại vào một tòa nhà màu vàng vàng mà nghe chị cả kêu là nhà xứ để học giáo lý. Chú xứ Hoàn giảng bổn lia lịa. Mấy đứa ngồi dưới ngáp ngôn nguôi. Giảng kinh bổn xong, chú xứ chuyển qua dạy hát cho đám học trò với hy vọng có thể thay đổi được chút ít không khí nhưng mấy đứa trông không có vẻ gì là thiết tha cho lắm. Nó không biết học để làm gì nhưng sau một thời gian học thấy được khen ngoan hơn và ít văng tục hơn trước thì nó nghĩ đó là lý do mà bậc cha mẹ nào cũng muốn gửi con mình đến học chỗ mấy cha, mấy thầy là như vậy.
Học giáo lý thì cũng đồng nghĩa với phải đi lễ trong nhà thờ. Đi lễ trước, học giáo lý sau. Trước tuổi đi lễ, nó đã từng nghe nhiều người lương khen nhà thờ của người đạo đẹp lắm, to như lâu đài. Nó cũng tự hào với mấy đứa bạn là người đạo nhà nó có cái nhà to nhất dù chưa từng bước vào trong đấy bao giờ. Đây là lần đầu tiên nó đi lễ và vào Thánh Đường. Ngôi Thánh Đường dài lắm, dễ cũng bằng nguyên cái dãy nhà lá trong xóm, cột trụ to đủ để núp kín một người nếu như chơi trò trốn tìm mà có tới cả chục cái cột to như thế, nền đá hoa cương hơi cổ cổ. Tiến lên trên là gian hình vòm cung, trên đó có một cái bàn đá dài, lúc nào có lễ thì có ông Cha mặc áo trùm như cái váy đứng nói cạnh cái bàn đó. Nhìn lên cao một chút là tượng Chịu Nạn. Cái này thì nó biết, đấy là tượng Chúa chịu đóng đinh mà nghe chú Hoàn kể là vì yêu con người nên mới hy sinh chết như vậy. Nó chả dám yêu nữa.
Học chừng độ hơn 10 tuổi thì nó được cho xưng tội, xưng tội xong thì được ăn Bánh Tròn. Chú Hoàn dạy lúc Cha cho bánh Thánh thì phải há miệng nhỏ thôi đừng ngoác cái miệng ra, lưỡi để dưới môi thôi chứ đừng lè ra trông ghê lắm. Giờ nó vẫn còn giữ lại tấm ảnh được chụp lần đầu tiên nhận bánh Thánh đó.
-----------------------------------------
Học xong lớp xưng tội thì tới lớp Thêm sức, mới học nên cũng chưa hiểu là lớp đó dạy gì nhưng cứ nghe chữ “thêm” thì biết chắc là hơn cái lớp xưng tội nhỏ nhất kia, nhưng điều quan trọng là lúc này, nó không còn ngại đến nhà thờ và nhác đi học giáo lý nữa, nắng mưa gì cũng đi bộ gần cây số lên nhà thờ học. Sang lớp thêm sức thì chú Hoàn không dạy nữa mà chuyển lớp cho người khác. Học lớp thêm sức lâu lắm dễ cũng đến cả 5, 6 năm trời mới xong. Nên từ một đứa bé mười tuổi, nó lớn lên thành một thiếu nữ lúc nào không hay.
Nói về nhà thờ của những năm này thì có một sự thay đổi lớn về diện mạo, cha xứ Thiệu cho xây lễ đài lớn như quảng trường Venice ở Roma ngay trong khuôn viên, sân nhà thờ được cơi nới, làm mới nhiều, bên tòa giám mục cũng cho xây lại. Nhìn chung những cái xưa cũ đều bị bỏ đi và thay mới hoàn toàn chỉ có mỗi ngôi Thánh Đường là chưa bị thay đổi gì lắm. Đức Cha phấn khởi, Cha xứ phấn khởi, giáo dân phấn khởi. Chỉ có nó là buồn. Nó nhớ những ngày vui vẻ trên cái nền nhà xứ mấp mô, nhớ những giờ học giáo lý quanh cái sân đá phảng mùi rêu, nhớ ông Bảo hay quát tháo nhưng vẫn tình nguyện trông xe cho đám trẻ đi học, nhớ các chú, nhớ bạn học và còn nhớ…Nhưng bây giờ thì chả còn gì để mà quay về hoài niệm nữa rồi. Vốn dĩ người ta vẫn thích mấy cái hoành tráng, rực rỡ mà. Nhưng cũng may vẫn còn ngôi Thánh Đường của năm nào, vẫn là mươi cột trụ to lớn, vẫn là bàn đá trên cung Thánh, vẫn là nền đá hoa cương. Vậy là vẫn còn giữ lại được một chút ký ức của tuổi trẻ.
-------------------------------------
Năm lên 18, nó rời quê ra Tỉnh để học đại học, dăm tháng mới có dịp về quê một lần. Thứ mà nó nhớ nhất và vẫn mang theo khi ra tới nơi thành thị nhộn nhịp là ký ức về ngôi nhà thờ ở quê. Nó chỉ mong về quê để lại được đến nhà thờ đi lễ, tận hưởng cái không khí tĩnh lặng, êm đềm trong ngôi Thánh Đường kia. Mỗi lần rời quê, xe đi ngang qua nhà thờ nó lại nhìn cho tới khi khuất dạng. Thời niên thiếu của nó là nơi đó. Nhìn ngắm nhà thờ là nhìn ngắm lại tuổi trẻ, Và đó là thói quen khó bỏ của nó cho đến mãi sau này.
Năm nay nghe nói nhà thờ lại tiếp tục “canh tân”. Nó nghĩ còn gì nữa mà canh tân nhỉ. Bỗng nó giật mình khi nghĩ về ngôi Thánh Đường cổ kính còn sót lại. Ngày về lại quê, xe khách đi ngang qua ngôi nhà thờ quen thuộc nhưng sao nó thấy xa lạ quá, nó không nhận ra nơi ghi dấu cuộc đời mình gần 20 năm. Nếu không phải vì nhà thờ không có chân chạy thì dù ai nói thế nào nó cũng chẳng thể tin nổi đó là ngôi Thánh Đường xưa, không một dấu vết nào của những năm cũ còn giữ lại.
Chẳng biết là vô tình hay hữu ý mà nó nhận ra một điều, nhà thờ càng lớn thì người đi lễ càng thưa thớt dần, dăm ba cụ tuổi gần đất xa trời một đời theo Chúa, sống chết cũng phải giữ được nhà thờ xưa nay vẫn chưa một ngày bỏ lễ; mấy chị đạo hạnh cũng không bỏ lễ; mấy ông ban hành giáo bữa đực bữa cái; đám thanh niên hiếm hoi mới dự lễ thường một lần; lũ trẻ con thì thôi không bàn tới. Chắc không đổ lỗi được cho nhà thờ “canh tân” đâu vì tinh thần đổi mới ít bị trách bao giờ; chắc cũng không đổ lỗi được cho lòng người đổi thay đâu vì trước giờ ai sùng đạo vẫn cứ sùng đạo, ai hờ hững vẫn luôn hững hờ mà. Vậy đổ lỗi cho thời đại chăng? Nó chẳng tìm được lý do gì nên tạm gán tội cho thời đại đổi thay làm lòng người thay đổi, lòng người thay đổi nên lại muốn biến đổi nhà thờ. Thôi, đành tạm như vậy đã.
Nó thấy thèm cái không khí sốt sắng trong những buổi lễ ngày xưa quá, nó thèm được nắm tay mấy bạn lúc đọc kinh Lạy Cha, nó thèm được thẹn thùng, được cười thoải mái khi nghe mấy chú chọc quê…Bao giờ cho tới ngày xưa…Những người sống hoài niệm như nó vẫn thường hạnh phúc và đau khổ vì sự ngưỡng mộ cái thời đại mình đã từng trải qua mà nay không còn nữa.
Nó vào lại Thánh Đường cầu nguyện. Một chút quá khứ lưu lại không còn. Nhưng hình như tượng Chịu Nạn không thay đổi nhỉ. Vẫn là Người giang hai tay và cạnh sườn rỉ máu. Nó nhớ lại lời chú xứ Hoàn vẫn nói ngày còn học lớp xưng tội “Chúa yêu con người nên mới hy sinh chết như vậy”.
Hóa ra, Cha xứ và giáo dân có thể sơn mới hoặc thậm chí mua mới tượng nhưng cái còn mãi là ý nghĩa của tượng Chịu Nạn thì không ai “canh tân” nổi. Nó quan sát kỹ hơn lại ngôi Thánh Đường một lần nữa. Ơ kìa, vẫn còn bức tượng Đức Bà áo xanh trắng thắt đai và cả ảnh các Thánh trên cửa vòm vẫn còn y nguyên, chắc có thể do để cao quá nên chưa ai dám trèo lên thay mới….
Nó ra khỏi nhà thờ ngước lên nhìn tháp chuông cao vút: à cái này cũng vẫn còn…
Thụy Du