HAI BÀ MẸ
Đã bắt đầu bước sang triền dốc bên kia cuộc đời, tôi cảm nghiệm rõ hành trình đã qua của mình, nhất là chuyện quyết định đi tu và sau đó là đời tu cũng đã được 32 năm, tất cả đều đã được quyết định bởi… hai Bà Mẹ!
Nhưng sao lại có đến hai Bà Mẹ? Ai vậy? Xin thưa ngay, Bà Mẹ thứ nhất chính là mẹ tôi, bà Maria Angela Phạm Thị Ích của làng quê Giáp Bát xưa của Việt Nam, và Bà Mẹ thứ hai là Mẹ Maria làng quê Nagiarét nghèo của Palestina. Một Bà Mẹ, có thể nói, đã thúc ép tôi phải đi tu cho bằng được, còn một Bà Mẹ thì đón lấy tôi vào đời tu, giữ tôi còn tu cho đến hôm nay. Cả hai Bà Mẹ đều có tên là Maria.
Mẹ tôi, bà Maria…
Mẹ tôi là một người đàn bà bình thường như mọi người đàn bà bình thường đất Bắc. Học chỉ vừa hết Sơ Học Yếu Lược của ngày xửa ngày xưa ( 1926 ) ngang với lớp 5 bây giờ, thì phải nghỉ vì ông ngoại tôi mất sớm, mẹ phải phụ trông cửa hàng cho bà ngoại, lúc nào cũng có một cái hộp khâu bên cạnh, thêu thùa, may vá, đính hạt cườm luôn tay, dù chỉ mới hơn mười tuổi đầu, người bé bằng cái… kẹo, cho đến ngày lấy chồng thì thêm việc buôn bán tảo tần, sinh một loạt 7 người con mà tôi là út ít trong nhà.
Lắm lúc nghĩ lẩn thẩn cho vui, cứ như mẹ tôi mà sống thời buổi bây giờ, bị ảnh hưởng bởi cái kiểu tuyên truyền XHCN: “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”, thì đã chẳng có mặt tôi trên đời để ngồi đây mà kể chuyện về mẹ cho mọi người !
Mẹ tôi sống, cư xử đối đãi với mọi người thực tế và bình dị lắm, thế nhưng Chúa ban cho mẹ tôi có cái linh giác thế nào đấy mà không bao giờ sợ ma, ngược lại, cứ hay gặp được linh hồn những người đã qua đời và luôn luôn có những giấc mơ kỳ lạ ứng nghiệm chính xác trong đời. Một trong những điềm báo mộng mẹ tôi nhớ mãi và mang theo suốt đời cho đến chết, liên quan trực tiếp đời tôi, thay đổi hẳn hướng đi và vận mạng của tôi.
Sự tình đầu đuôi như thế này: Mẹ tôi vừa chợp mắt là mơ thấy cha GB. Cái Hồng Phúc mặc áo Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) dắt tay một chú bé nhỏ xíu cũng mặc áo DCCT, đến trước chiếc giường nhà bảo sanh bà đang nằm, cha bảo: “Con lại chào mẹ con đi rồi theo cha vào Nhà Dòng!” Thằng bé buông chiếc vali con con xuống, lõn cõn chuyện đến ôm hôn mẹ và ngay lúc ấy mẹ tôi bừng tỉnh dậy trong đêm.
Bà lay bố tôi thật mạnh: “Ông ơi, lần này mình đậu thai rồi, sẽ sinh con trai và nó sẽ đi tu, mà là tu DCCT cơ!” Bố tôi có vẻ bực mình vì lỡ giấc ngủ sâu sau một ngày đi làm mệt mỏi, ông bảo: “Bà thì cứ giỏi mơ với mộng! Tôi cũng đang mong con trai nhưng bây giờ tôi lại cầu nó ra con gái cho bà thua một keo!” Mẹ tôi khăng khăng tả lại: “Tôi thấy rõ mắt nó bên to bên bé, hai dái tai thì dài, đỉnh đầu thì xoáy ngược!” Bố tôi bèn ra bàn, bật đèn, lấy tờ giấy và mẩu bút chì ghi lại toàn bộ “biên bản”, để sau này làm bằng chứng chế giễu cái khả năng “ngoại cảm huyền bí” của mẹ tôi…
Tôi sinh ra đúng ngày Phật Đản, rằm tháng 4 năm Kỷ Hợi, 22.5.1959. Bố tôi vào nhà bảo sanh, mẹ tôi chỉ vào thằng cu nằm sát bên nách: “Đấy ông xem, có đúng như tôi tả không, mắt to mắt bé nhá, tai to nhá, lại xoáy ngược nữa đây này! Thế nào nó cũng phải đi tu, mà là đi tu DCCT cơ!”
Tôi lớn lên, giúp Lễ, hát ca đoàn, đọc Sách Thánh, dạy Giáo Lý ở Nhà Thờ Phanxicô Đakao. Tôi vừa đi học, rồi đi làm, mưu sinh nghề tay phải tay trái nuôi cả nhà, vừa tham gia các nhóm sinh hoạt, cũng yêu cô này rồi thương cô kia, những tưởng thời thế biến động, đất nước đã theo vô thần, người ta bắt bớ o ép các Dòng Tu, làm gì mà còn dám nghĩ đến chuyện đi tu!
Thế nhưng, cứ thỉnh thoảng trong bữa cơm, tôi lại nghe mẹ kể lại cho cả nhà nghe giai thoại này, nghe mãi đến mức thuộc lòng, có khi tôi còn “đón gió” kể nốt đoạn cuối, tha hồ thêm mắm thêm muối, nhưng dứt khoát kết thúc thế nào cũng phải là… “thế nào cũng đi tu, mà là đi tu DCCT cơ!”
Ấy thế mà cuối cùng, tôi… đi tu thật ! Nói đúng hơn, cả hai chúng tôi chia tay nhau và đều chọn đời tu. Người bạn gái của tôi sau một đợt Linh Thao đã tìm ra con đường phải đi, và cô ấy đã đi rất sâu và rất xa cho đến bây giờ trong Ơn Gọi Focolari. Sáu tháng sau, đến phiên tôi, nhờ một bài giảng ngày thường của một Linh Mục Dòng Đa Minh ở Nhà Thờ Mai Khôi Tú Xương, cũng ngộ ra được cái Đạo mình phải theo. Đó là tháng 7 năm 1987.
Tôi xin tìm hiểu dạng tu muộn ở Đại Chủng Viện Giuse Sàigòn. Về nhà báo tin, mẹ tôi mừng lắm khi thấy cuối cùng đứa con trai út không còn nằng nặc đòi lấy vợ nữa. Thế nhưng mẹ tôi vẫn cằn nhằn: “Tôi đã mơ cậu phải theo cha Hồng Phúc đi tu DCCT cơ mà!” Bố tôi phải nói át đi: “Thôi đi bà, bắt nó tu, bây giờ nó đã chịu tu, tu đâu cũng là tu, bà cứ ép hoài nó lại không chịu tu nữa thì đừng có trách nhá!”
Mấy năm sau, khi tôi đã chịu đi nghĩa vụ Thanh Niên Xung Phong rồi mà cũng không xong chuyện với Nhà Nước, tôi rời Chủng Viện xin qua DCCT. Lúc này, thương quá, bố tôi đã mất sau nửa năm trời lâm bạo bệnh. Mẹ tôi rươm rướm nước mắt: “Tôi đã bảo là thế nào cậu cũng đi tu, mà là đi tu DCCT, giá bố cậu còn sống thì…”
Hai năm theo Chủng Viện cũng được tính gộp vào giai đoạn tìm hiểu, nên tôi chỉ cần thêm hai năm nữa là hoàn tất Dự Tập. Cuối tháng 7 năm 1991, tôi bất ngờ được gọi vào Nhà Tập DCCT. Đúng lúc này gia đình tôi túng quẫn lắm. Mẹ goá con côi, anh trai lớn còn đi cải tạo, bản thân tôi đang phải cố gắng nhiều lắm để bươn trải kiếm tiền, Bây giờ rũ áo ra đi đột ngột thế này, ai sẽ thay mình lo cho cả nhà ?
Tôi còn nhớ như in, khi ấy, có một bà mẹ của một bạn trong Nhóm Mai Khôi, bác Chín, nhà ở Bình Triệu, hồi trc 75 từng là con cái cha Lucien Olivier DCCT, bác biết rõ chuyện đời tôi và chuyện nhà tôi, bà thân tình bảo: “Thầy Uy à, Chúa đã kiu theo Chúa thì Chúa có cách lo. Thầy Uy cứ đi tu đi, Chúa sẽ gởi một người khác đến lo mọi sự thay cho thầy mừ. Thầy biết ai hông?” Tôi còn đang ngẩn người ra chưa đoán được là ai, bác Chín nói luôn: “Đức Maria chứ ai nữa ?” Tôi bàng hoàng ngộ ra tất cả, ứa nước mắt và vâng lời, buông tất cả để vào Nhà Tập…
Mẹ tôi, Mẹ Maria...
Lập hồ sơ đi tu, các cha Nhà Dòng mới phát hiện tên Thánh tôi dài lê thê, không chỉ là Giuse, mà còn là Maria và Antôn nữa. Ai cũng thắc mắc, bảo là sao mà rắc rối thế, một tên đủ rồi, làm gì mà phải đến ba tên Thánh ? Tôi phải gãi đầu gãi tai, khai ra sự thể đầu đuôi thế này:Bố tôi tên Thánh Antôn, nên trong nhà hễ là con trai thì đều được lấy tên Antôn của bố cộng thêm một tên Thánh riêng nữa. Anh trai tôi tên là Alberto Antôn. Còn mẹ tôi tên Thánh Maria Angela nên trong nhà hễ là con gái thì đều được lấy tên Maria của mẹ ghép vào một tên Thánh riêng, thế là các chị tôi có tên là Maria Christina, Maria Helena, Maria Cecilia, Maria Teresa. Riêng tôi là con trai út sinh trong tháng 5 nên có tên Thánh Giuse rồi, lấy thêm tên bố là Antôn, lấy luôn tên Mẹ nữa là Maria, ráp lại thành Giuse Maria Antôn, coi như được mừng Bổn Mạng quanh năm!
Có mấy anh lớp trên, đã khấn và lên Học Viện rồi, cứ bắt bẻ chuyện con trai mà tên Thánh là Maria, tôi bèn biện hộ: Cứ xem Thánh Tổ cũng có tên Thánh Maria đấy, có sao đâu !?! Còn thử hỏi ai lại có được tên và tên Thánh dài vô địch như ngài: Alfonso Maria Antonio Giovanni Francesco Cosma Damiano Michele Angelo Gaspare di Ligori ( ghi theo tiếng Tây Ban Nha )?
Mỗi tuần trong thời gian Nhà Tập DCCT, cha An Phong Phạm Gia Thuỵ lại cho 12 anh em chúng tôi ngồi lại vòng tròn chia sẻ chuyện này chuyện kia, vừa để thêm xác tín vào Ơn Gọi của mình, lại vừa lắng nghe nhau, hiểu nhau và thân nhau hơn trong đời tu cả lớp vừa tập tễnh bước vào.
Một lần, tôi kể chuyện bố tôi hồi sơ sinh đã đặt tên cho mình với dụng ý như thế nào. Bé quá chưa biết gì, nhưng sau biến cố 75, tôi được 16 tuổi, một hôm, bố bảo đi lấy tờ giấy và chiếc bút lông thỏ, lại mài mực tàu, rồi bố viết lên một chữ nho thật đẹp, rồi bảo: “Đây là chữ Uy, tên của con đấy. Nhìn kỹ thì thấy bên trong, ở giữa có chữ Nữ đây này. Vậy “Uy” có nghĩa là có khả năng để bảo vệ một người phụ nữ…” Nghe đến đây, anh em Nhà Tập phá lên cười, chọc ghẹo tôi ra cái điều đi tu rồi mà còn vớ vẩn chuyện đàn bà con gái!
Không ngờ cha Giáo Tập cười tủm tỉm: “Hay lắm, đúng lắm! Thế kỷ 18, Hội Thánh gặp nhiều tư tưởng thần học bị lạc lối, rối beng, tìm mọi cách chống lại tín điều “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, vì thế, ai tu DCCT thì cha Thánh Tổ An Phong đều buộc phải khấn đến 4 lời khấn: Khó Nghèo – Vâng Lời – Khiết Tịnh, còn thêm lời khấn thứ tư là quyết tâm bênh vực tín điều “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Vậy thì anh Uy của lớp An Phong chúng ta có uy là để bảo vệ Đức Maria đấy !”
Với tất cả những chứng cứ vừa vui vui vừa ý nghĩa như trên, tôi càng thêm xác tín mình đúng là “phải đi tu, mà là đi tu DCCT cơ!”
Ngày khấn lần đầu, 1.8.1992, chúng tôi phải khấn “chui” trong Nhà Nguyện của Tu Viện DCCT Sàigòn lúc 5g sáng. Mỗi anh em tân khấn chỉ được mời thân nhân đúng con số 7. May quá, “hộ” nhà tôi vừa đúng 7: mẹ, chị hai, chị ba, anh tư ( vừa đi tù về ), chị năm, chị sáu và cha sở Phanxicô Đakao, cha Irénée Nguyễn Thanh Minh ( đồng tế ).
Năm ấy mẹ tôi đã 76 tuổi, già yếu nhiều sau một cuộc đời quá nhiều vất vả cho chồng cho con, không làm được nhiều việc nặng nữa, nhưng gần như lúc nào trên tay bà cũng là tràng chuỗi Mai Khôi của Đức Maria. Mẹ tôi như nghiêng về phía Mẹ Maria, tìm một sự cậy trông phó thác cho đứa con trai út mình đang đeo đuổi đời tu. Còn Mẹ Maria thì như nới rộng thêm vòng tay từ mẫu, ôm cả hai mẹ con chúng tôi vào lòng mà trao cho Chúa Cứu Thế, Con yêu dấu của Mẹ.
Tôi nghiệm được ngay trong những lúc lao đao đường tu, chính hai Bà Mẹ của tôi vì thương tôi mà thành ra liên kết gắn bó với nhau để cùng lo liệu, cứu tôi, giúp tôi, bảo bọc tôi… Biết vậy nên tôi càng thêm vững tin để trỗi dậy bước tiếp, lòng tri ân cả hai Bà Mẹ.
Tội nghiệp, mẹ tôi không gượng được thêm, năm 1996, chỉ còn mấy chục ngày nữa là dự Lễ Khấn Trọn của tôi, những phiền não trong gia đình cộng thêm căn bệnh tiểu đường mức độ nặng đã quật ngã mẹ tôi. Vào bệnh viện cấp cứu, người ta thấy chỉ số đường huyết cao quá bèn chích cho một liều insulin rất mạnh, nó tụt nhanh, xuống thật thấp, mẹ tôi chỉ kịp được một cha DCCT xức dầu xong là rơi vào hôn mê sâu, hai ngày là đi, đúng ngày 13 tháng 5, trên tay vẫn không rời tràng chuỗi Mai Khôi…
Ngày Khấn Trọn Đời, không phải tổ chức “chui” như trước, sau Lễ ngoài Nhà Thờ, mỗi anh em Tu Sĩ được dành một bàn 12 người để ăn liên hoan nhẹ, vậy mà bàn của tôi chỉ còn vỏn vẹn mấy chị em trong gia đình và một vài Nữ Tu thân quen, các suất ăn dư tôi đem sang các bàn bên cạnh chia sẻ với các anh em có thân nhân đông quá con số quy định. Tôi phải lăng xăng chạy tới chạy lui cho nó khoả lấp nỗi buồn tủi thân không còn mẹ. Không ngờ, như thấu hiểu điều ấy, Sr. Nguyễn Thị Thơm, Dòng Đức Bà, cô giáo già dạy tiếng Pháp mấy chục năm trước của tôi, đã bước lại thật gần và thì thầm: “Má thầy Uy mất rồi, nhưng vẫn còn Mẹ Maria là Má của các Tu Sĩ. Cô xin được thay mặt cùng lúc cả má thầy Uy lẫn Má Maria để ôm hôn thầy Uy nghen !” Và chúng tôi đã ôm nhau trong nước mắt nghẹn ngào của niềm vui…
Mẹ ơi, con cám ơn mẹ đã sinh con ra làm người, lại ước nguyện được sinh con ra làm một Linh Mục DCCT nữa. Mẹ khuất xa con cũng đã 17 năm, vậy mà gần như cứ mấy đêm thì con lại nằm mơ thấy mẹ một lần, ngửi thấy mùi da thịt của mẹ đến nỗi khi tỉnh dậy rồi, một mình trong đêm con vẫn nghe phảng phất đâu đây mùi của mẹ… Con rùng mình khi nghĩ hay là mình cũng bắt đầu được Chúa ban cho cái trực cảm, cái linh giác sao đó về các linh hồn như mẹ đã từng có lúc sinh thời.
Một lần gần đây, trong cơn mê hoảng giữa đêm, con mơ thấy mình nằm giường bên này, bị bóng đè, cứng hết cả tay chân, ú ớ kêu: “Mẹ ơi, cứu con !” Con lấy hết sức mình lăn xuống khỏi giường, bò lê trên nền gạch từng chút một sang chiếc giường bên kia để gặp mẹ, con mếu máo hờn trách: “Mẹ, con sợ quá, con gọi mẹ cứu con mà sao mẹ lại cứ ngồi yên bên này mà không sang bên ấy với con ?” Lúc ấy mẹ mới mỉm cười trả lời, tay trái giơ cao tràng chuỗi Mai Khôi: “Mẹ đang cầu nguyện cho con, mẹ đã xin Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp cứu con đấy chứ !”
Và con choàng tỉnh dậy, con chợt nhớ ra, con chợt hiểu, con hạnh ngộ, con có đến hai Bà Mẹ…
Lm. QUANG UY, DCCT, 2013 – 2019