Công việc truyền giáo của các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành ở Papua New Guinea

Quang X Nguyen

Công việc truyền giáo của các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành
ở Papua New Guinea


“Thật là khó mà tin rằng trong năm 2019 vẫn còn những người sống trong nghèo đói, hàng ngày phải ăn những hạt óc chó để cho vơi đi cơn đói cồn cào, vẫn còn những người chết vì lao phổi, những người sống trong những túp lều không có điện nước, đi chân không đến trường và đi học mà không có sách vở”. Đây là lời chứng của sơ Anna Pigozzo, người Ý, nhà truyền giáo dòng Chúa Giêsu Mục tử tốt lành ở giáo phận Bereina, nước Papua New Guinea.

Sơ Anna giới thiệu: “Chúng tôi là một cộng đoàn nhỏ các người nữ sống đời thánh hiến đi truyền giáo. Chúng tôi theo Chúa Giêsu trong sứ vụ gần gũi với người trẻ và trẻ em, ở miền nam Philippines và Papua New Guinea. Từ năm 2013, được Giám mục địa phương mời đến, chúng tôi đã hiện diện tại giáo phận Bereina. Ban đầu chúng tôi đến đây chỉ để có kinh nghiệm truyền giáo ngắn ngủi. Chúng tôi đã nhận ra tình trạng nghèo đói và khốn khổ ở một đất nước non trẻ của châu Đại Dương. Tình trạng mù chữ ở đây rất cao, có rất nhiều trẻ em chưa học qua lớp một. Trẻ sơ sinh chết non cũng cao nhất ở châu lục này. Các bệnh viện chỉ có ở thủ đô, trong khi tại các trạm xá của các làng ở những vùng xa xôi, như của chúng tôi, thỉnh thoảng mới có một y tá. Phương tiện truyền thông thì cũng hiếm hoi.”


“Giáo hội đã đến Papua New Guinea từ 130 năm trước và các thừa sai người Pháp và người Australia, các tu sĩ dòng Marist và dòng Thánh Tâm đã hy sinh sự sống để loan báo về Chúa Giêsu Kitô. Đó là một Giáo hội rất trẻ, vẫn cần rất nhiều sự hỗ trợ và hướng dẫn. Nhân dịp kết thúc năm phụng vụ, đức tân giám mục của giáo phận Bereina đã đến. Đức cha Otto Separy hiện nay đã quen với thực tế của vùng này.”

“Bên ngoài một số ít trung tâm thành phố, cấu trúc xã hội vẫn được tổ chức thành những ngôi làng với các túp lều và có một trưởng làng điều hành. Các phụ nữ và trẻ em không có giá trị gì, đến nỗi mà truyền thống mua vợ bằng cách đổi các gia súc vẫn còn được áp dụng. Trong mùa mưa, những ngôi làng thường bị lụt lội và những vườn rau, nguồn sống duy nhất của nhiều gia đình, thường bị thiệt hại. Ngay cả vào đầu năm nay, chúng tôi đã gặp những vấn đề nghiêm trọng do lụt lội gây nên.”

“Dẫu cho mọi thứ, vẫn còn đó hy vọng và chúng tôi có thể làm chứng về nó. Trong sáu năm này, chúng tôi đã nhìn thấy cách thế Thiên Chúa dọn đường cho việc truyền giáo. Với sự giúp đỡ của các thiện nguyện viên từ Ý và Philippines, làm việc với các trẻ em địa phương, một trường học đã được xây dựng và vào năm 2015, chúng tôi đã bắt đầu năm học đầu tiên với 140 trẻ em ghi danh học. Một số nữ tu dạy học, và chúng tôi có một nhóm giáo viên địa phương làm việc với chúng tôi. Tìm những giáo viên tốt thực sự là khó bởi vì trình độ giáo dục ở hệ thống các trường của Papua thì rất thấp. Từ năm 2016 chúng tôi cũng mở một trung tâm trợ giúp học tập cho người lớn, để họ có thể học tiếp chương trình học bị dở dang. Có rất nhiều người đăng ký học và đây là một dấu hiệu hy vọng to lớn đối với chúng tôi, điều chúng tôi nhìn thấy trên gương mặt của rất nhiều người trẻ và người lớn có cơ hội để trở lại trường học. Năm 2017 chúng tôi xây dựng một tiệm bánh nướng, tiệm bánh thánh Philípphê Neri. Mỗi ngày gần 50 ký bánh được sản xuất cho chúng tôi, các trẻ em và thiếu niên của chúng tôi, cho các bà mẹ làm việc giúp đỡ công việc truyền giáo của chúng tôi và cho rất nhiều người thường đến gõ cửa chúng tôi mỗi ngày.”

“Tiếp xúc với các trẻ em ở trường học, chúng tôi ý thức về tình trạng lạm dụng và bị đối xử tệ bạc đáng buồn của rất nhiều gia đình. Ở Papua New Guinea này, quyền của trẻ em và phụ nữ thường bị chà đạp. Năm 2018, với sự giúp đỡ của các thiện nguyện viên từ Ý và các cộng tác viên khác, nhà của các thiên thần được thành lập, ngôi nhà gia đình đón tiếp các thiếu nữ cần được bảo vệ và chăm sóc. Hiện nay chúng tôi có 10 thiếu nữ tuổi từ 3 đến 15 ở với chúng tôi.”

Papua New Guinea dành được độc lập từ Australia vào năm 1975. Papua New Guinea rất giàu về tài nguyên, với các mỏ dầu và khí đốt, vàng, đất đai phì nhiêu. Tuy thế, dù cho thiên nhiên giàu có, người dân ở đây vẫn ở trong tình trạng nghèo khổ, lạc hậu về văn hóa và nghèo nàn. Papua thường được gọi là ‘miền đất của bất ngờ’ và nó thực sự đúng như thế.”


(VaticanNews Tiếng Việt 05.01.2020)