VÒNG HOA XOAN MÙA CHAY
ảnh minh họa |
Mới ba giờ sáng, mẹ tôi đã gọi: “Tuấn, Liên, Ngọc, Chúc… dậy đi. Rửa mặt mũi, thay quần áo nhanh lên còn đến nhà thờ. Hôm nay thứ Tư Lễ Gio.”
Mấy anh em chúng tôi lồm cồm ngồi lên, ra khỏi giường, không đứa nào hé môi than thở lấy một câu. Cũng là quen rồi! “Con nhà có đạo,” chúng tôi được bố mẹ đưa vào nề nếp từ khi còn bé: sáng, tối đọc kinh, lần hạt, Chủ nhật đi lễ. Anh Tuấn, chị Liên đã được chịu lễ lần đầu rồi thì từ mười hai giờ đêm hôm trước đã phải nhịn miệng không ăn uống gì để sáng hôm sau “dọn mình chịu Mình Thánh Chúa cho nên.”
Có hôm rỗi việc, mẹ kể cho chúng tôi nghe:
- Ngày mợ còn bé, bà ngoại bắt đi lễ hằng ngày. Ba giờ sáng là con bé này đã phải dậy, theo mẹ đi nhà thờ. Đường tối lại trơn, cứ là ngã oanh oách mà không dám kêu một tiếng. Giời tạnh, giời mưa cũng thế thôi. Nhưng bà ngoại chu đáo lắm, ngày mưa là mang cho con bộ quần áo khô và sạch, đến nhà thờ, con bé này vào phòng giải tội, thay quần áo khô. Quần áo ướt và lấm bùn thì gói lá chuối, nhát lễ xong đem về nhà giặt. Mấy cô cậu này bây giờ mợ có bắt đi lễ hằng ngày đâu.
Chuông nhà thờ đã thong thả đổ từng tiếng một, mười lăm phút nữa là bốn giờ sáng, lễ bắt đầu. Chị Liên bẻ lại cho tôi cái cổ áo mặc vội còn lộn vào bên trong. Chúng tôi lúc thúc theo mẹ ra cửa. Qua gian ngoài, tôi thấy chị Bích Khuê đã đứng đấy tự lúc nào. Chị nói khẽ với mẹ tôi:
- Bẩm bác, cho cháu đi theo đến nhà thờ với. Tối qua cháu đã xin phép bố mẹ cháu rồi ạ.
Mẹ tôi ngần ngừ một thoáng rất nhanh rồi nói:
- Thì… nào, chúng ta đi. Ai cũng cần nhớ mình là thân gio bụi.
Gia đình chị Bích Khuê không theo đạo Công giáo, nhưng trong hoàn cảnh tản cư, được giáo dân tại đây xếp cho ở chung một ngôi nhà bỏ trống với gia đình tôi nên biết được những sinh hoạt của một gia đình “bên đạo.”
Đến nhà thờ, tôi thấy bố tôi đã ở trong phòng mặc áo (1) cắt đặt mấy chú giúp lễ. Việc cắt đặt này là của ông già Chuyên, nhưng mấy hôm nay ông đi thăm họ hàng ở xa, không có nhà, bố tôi làm thay. Hôm nay không đến phiên anh Tuấn nên anh không phải đến sớm.
Sau khi sang “e-van” (2) là bài giảng của cha chính xứ. Cha khuyên bổn đạo phải ý thức mình vốn là tro bụi, rồi cũng sẽ trở về với tro bụi. Bởi thế phải sống tốt lành thánh thiện, đừng sa chước cám dỗ phạm tội mất lòng Chúa. Như thế khi chết thân xác về với tro bụi nhưng linh hồn được lên thiên đàng hưởng mặt Chúa.
Thế rồi cha chính và cha phó đứng song đôi trước cung thánh. Bổn đạo xếp hàng đôi tiến lên trước mặt hai cha. Hai cha lấy một nhúm tro nhỏ bỏ lên đầu từng người. Chịu tro xong, mọi người đi xuống. Trong khi đó các cô trong đội Con Cái Đức Bà nỉ non hát những lời rất thống thiết:
“Lạy Chúa đoái thương nghe tiếng con phàn nàn. Con hết lòng ăn năn. Con sấp mình con xin hết lòng kêu van: xin Chúa giúp con đau đớn vì tội lỗi. Con quyết lòng tự hối, theo đường Chúa đi mà… thôi…” (3) Vừa xếp hàng lên chịu tro tôi vừa chia trí vì nghe có tiếng sụt sùi của mấy bà đã chịu tro rồi, bây giờ trở về chỗ quỳ. Mấy bà sụt sùi hơi to vì tôi đi phía bên này, mấy bà quỳ ở hàng ghế bên kia mà tôi vẫn nghe được.
Bài hát cảm động đến thế mà vì bài hát ấy anh Tuấn suýt nữa bị bố tôi cốc đầu. Thay vì hát “Lạy Chúa đoái thương nghe tiếng con phàn nàn” thì có lần trong nhà anh Tuấn nghêu ngao: “Lạy Chúa đoái thương nghe tiếng con khàn khàn…” May mà anh Tuấn đứng xa bố. Thấy bố quắc mắt một cái, anh Tuấn nhanh miệng thưa: “Lạy cậu, tha cho con ạ. Từ rày con không dám hát hỏng nhảm nhí nữa ạ.” Nhưng vì tính hay đùa nghịch, anh Tuấn “hát hỏng nhảm nhí” luôn.
Tôi đúng là đứa bé hư. Chắp tay, xếp hàng lên chịu tro ở phía đàn ông con trai, mà tôi cứ liếc mắt sang hàng các bà và con gái. Bên ấy, trước tôi mấy bước, chị Bích Khuê chắp tay bước theo người đi trước. Trông chị thánh thiện như một thiên thần nhỏ. Cha phó cũng cho chị chịu tro, mặc dù cha biết chị không phải là người Công giáo.
Lễ xong về nhà, mẹ tôi bảo: “Hôm nay các cô cậu không được ăn sáng đấy. Với lại hôm nay mợ không làm món thịt. Ăn chay kiêng thịt mà.” Tôi kỳ nèo: “Nhưng mà con đói lắm, mợ ạ.” Mẹ tôi nghĩ ngợi một lúc rồi tặc lưỡi, bảo: “Ừ, Ngọc với Chúc chưa đến tuổi ăn chay… Liên ơi, con vào bếp nắm cho mỗi cu cậu một nắm xôi đỗ lạc. Còn con với Tuấn thì không, nhé.” Chị Liên thưa: “Vâng ạ. Con biết rồi ạ.”
Vừa nhấm nháp mấy hột đỗ lạc bùi, béo, tôi vừa hỏi mẹ: “Mợ ơi, ăn chay là làm sao ạ?” Mẹ tôi giải thích: “Là ăn bớt đi, chỉ ăn bằng nửa ngày thường. Có câu thế này cho mình dễ nhớ cách ăn chay này: sáng nhịn đói, trưa ăn no, chiều lót lòng.”
Tôi lại hỏi: “Nhưng mà ăn chay để làm gì hở mợ?” Mẹ tôi giảng giải một cách kiên nhẫn: “Thứ nhất là để thông phần đau khổ với Đức Chúa Giê-su. Vì thương loài người, Chúa xuống thế gian chịu nạn chịu chết để cứu chuộc thiên hạ. Mình ăn chay để chia sớt một tí với Chúa sự đau đớn khốn cực. Thứ hai là để hãm mình đền tội…”
Mẹ tôi chưa dứt câu, tôi đã chen vào: “Như thế con không cần phải ăn chay là đúng rồi. Con ngoan ngoan là, đâu có tội gì, mợ nhỉ!” Mẹ tôi cười: “Thế hôm nọ cậu bảo phải ở nhà ngủ trưa, cu cậu nào trốn ra đường chơi? Thế tuần trước cu cậu nào cãi mợ? Mợ bảo đọc kinh đi ngủ sớm, thế mà có đứa nào trốn dưới gầm bàn chơi cái ô-tô chú Mấm làm?” Tôi ngẩn tò te, một lúc sau mới lí nhí: “Thế thì con có tội thật rồi, mợ ạ.” Mẹ tôi cười, bảo: “Có thế! Nhớn lên thì phải ăn chay đấy.”
Bố tôi ngồi gần đấy, hỏi mẹ tôi: “Mợ có nhớ dạo nào cô bé Lành con bà Đội Tá ăn chay không?” Mẹ tôi trả lời: “Thật chết cười! Cô bé ngây thơ quá!”
Theo lời bố tôi kể thì cô Lành, năm ấy đã mười ba, thế mà ngây thơ giống bé lên sáu. Hôm ấy cũng thứ Tư Lễ Tro, bà Đội Tá dặn cả nhà: “Hôm nay ăn chay đấy nhé!” Cô Lành “vâng” to nhất rồi chạy biến ra vườn. Chừng nửa tiếng sau cô khệ nệ bưng vào nhà một rổ to quả chay. Sau một phút ngỡ ngàng, cả nhà cười rộ. Cô Lành tròn xoe đôi mắt như hạt nhãn, không hiểu tại sao mẹ bảo “hôm nay ăn chay,” mình hái quả chay vào ăn mà mọi người lại cười.
Chờ bố tôi kể xong, mẹ tôi tiếp tục giảng giải cho tôi về sự ăn chay: “Lại nữa, ăn chay tức là ăn ít đi thì mình thừa ra một ít tiền. Tiền ấy không phải cất để dành, mà là để bố thí cho người nghèo đói, là bớt mồm bớt miệng mà chia xẻ thức ăn với những người thiếu thốn.”
Tôi hỏi mẹ: “Mợ ơi, ăn ít, nhưng mà ăn thịt có được không?” Mẹ tôi cười: “Chúc này! Đã bảo là ăn chay kiêng thịt mà lại đòi ăn thịt.” Tôi hỏi gặng: “Nhưng mà tại sao lại không được ăn thịt, hở mợ?”
Lúc ấy bố tôi lại chen vào cắt nghĩa thay mẹ tôi: “Thịt được xem như là món ăn ngon, đắt tiền. Nhịn miệng không ăn ngon, lại thừa được tí tiền, mình càng dễ làm việc phúc đức, Chúc ạ.”
Vui miệng, bố tôi kể chuyện “ông câu thịt.” Thứ Tư Lễ Tro năm nào, ông này thèm thịt quá, mới ra chợ mua một miếng thịt ngon. Về nhà, ông móc miếng thịt vào cái lưỡi câu rồi vung cần câu, ném miếng thịt xuống ao. Một lúc sau, ông giật cần câu lên rồi hô to: “A ha, câu được con cá chép!” Thế rồi ông đem miếng thịt vào bếp, luộc chín, thái ra chấm mắm tôm ăn ngon lành. Kể xong, bố tôi nói: “Cái ông này đến là buồn cười, đánh lừa cả Chúa. Mà lừa Chúa làm sao được!”
Buổi trưa, mọi người đói ngấu. Vào bữa, thấy có món tép kho khế với tương, một đĩa cùi dừa kho với nước màu, một đĩa rau muống luộc với mấy quả cà muối, nước luộc rau thì đánh giấm cà chua. Có thế thôi mà mọi người ăn hết veo nồi cơm to.
Thứ Sáu lại ăn chay kiêng thịt. Mẹ tôi bảo thứ Sáu nào trong mùa Chay cũng ăn chay kiêng thịt. Buổi chiều tối cả nhà tôi đến nhà thờ nghe ngắm đứng. Chị Bích Khuê cũng xin đi theo. Một ông đã đứng tuổi, mặc áo đoạn thâm, trịnh trọng tiến lên đứng trước giá đọc sách. Ông đằng hắng một tiếng một bắt đầu ngắm:
“Ngắm mười lăm sự thương khó Đức Chúa Giê-su. Thương ôi, con Đức Chúa Lời ra đời chịu trăm nghìn sự thương khó vì tội thiên hạ.
Thứ nhất thì ngắm:
Khi Đức Chúa Giê-su đã đến ngày dọn chịu nạn mà chuộc tội cho thiên hạ, thì có thằng Giu-đa là đầy tớ Đức Chúa Giê-su đã nuôi nó nhiều năm, dạy dỗ những sự hiền lành, mà quỷ giục lòng nó bán Đức Chúa Giê-su cho quân Giu-dêu ba mươi đồng bạc. Vậy Đức Chúa Giê-su thương thiên hạ, toan liều mình chịu chết, thì giã Đức Mẹ mà đi thành Giê-ru-sa-lem, là thủ đô nước Giu-dêu. Song le trước chịu nạn, thì đêm ấy Đức Chúa Giê-su lấy nước mà quỳ xuống rửa chân cho các đầy tớ cả, cùng rửa chân thằng Giu-đa với, chẳng những nước không, cùng lấy nước mắt rửa chân cho nó nữa, vì thương tiếc linh hồn ấy hư đi mất. Đoạn Đức Chúa Giê-su truyền phép Thánh Thể cho thiên hạ, là Mình Thánh, Máu Thánh Đức Chúa Giêsu nuôi lấy linh hồn loài người ta cho đến hết đời.
Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng, đội ơn Đức Chúa Giê-su, đã truyền phép Thịt Máu mình cho chúng tôi. Lại xin xuống sức giữ đạo cho trọn, chớ bắt chước thằng Giu-đa bán Đức Chúa Giê-su làm vậy. Amen!”
Giọng ông ngân nga, nỉ non, lắm lúc như nấc lên khiến cho các bà các cô sụt sịt cả, có bà khóc thành tiếng. Ông vừa dứt tiếng “Amen” thì tiếng đọc kinh đồng loạt cất lên. Bên nam xướng: “Lạy Cha chúng tôi ở trên giời…” Bên nữ đáp: “Xin Cha cho chúng tôi rầy hằng ngày dùng đủ…” Bên nam xướng: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Lời ở cùng Bà…” Bên nữ đáp: “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Lời cầu cho chúng tôi là kẻ có tội…”
Vì trẻ con được dồn lên ngồi dưới nền nhà thờ sát cung thánh thành ra tôi liếc nhìn chị Bích Khuê hơi khó. Chị lớn rồi nên được ngồi hàng ghế phía bên nữ. Nghển cổ nhìn một lúc, tôi thấy chị đầu cúi xuống, mắt nhắm lại, khuôn mặt buồn trông giống như Đức Mẹ Sầu Bi. Chả biết chị có hiểu những gì ông kia ngắm không. Tôi thì không.
Về đến nhà thì trời đã tối. Đi ngang qua rặng xoan, tôi nghe tiếng vo ve vang rền, muỗi ở đâu mà đông như trấu. Chúng tôi bước quàng chân, vào nhà đóng cửa lại để tránh muỗi. Vừa khêu ngọn đèn dầu cho cháy to lên, mẹ tôi vừa nói, có lẽ để bố tôi nghe: “Thế ra ở đây ngắm mười lăm sự thương khó Đức Chúa Giê-su cũng giống như bản ngắm bên địa phận Thái Bình. Thỉnh thoảng về thăm Vạn Đồn, tôi cũng thấy bên ấy ngắm như thế.”
Mẹ tôi vốn gốc người Vạn Đồn ở Thái Bình, một làng toàn tòng Công giáo. Tuy nhiên đến đời ông bà ngoại tôi thì gia đình đã dọn sang Ngọc Lũ, Hà Nam. Mẹ tôi ở Ngọc Lũ nhưng thỉnh thoảng vẫn về Vạn Đồn thăm họ hàng; lúc nhỏ đi theo mẹ, lớn lên thì đi một mình, cũng có khi bố tôi cũng đi cùng.
Vào Tuần Thánh, cả xứ đạo như có đại tang, người nào mặt mũi cũng u sầu ảm đạm. Thứ Năm Tuần Thánh mọi người đến nhà thờ tham dự nghi thức Chúa lập phép Thánh Thể và xem cha xứ rửa chân cho ông chánh trương, ông phó trương và các ông trùm, tất cả là mười hai ông; theo gương Đức Chúa Giê-su ngày xưa lấy lòng khiêm nhường mà rửa chân cho các đầy tớ. Các bà thì thầm nói vào tai nhau: “Nhìn kìa, cha xứ quỳ xuống trước mặt ông trùm Tín mà rửa đôi bàn chân mốc thếch của ông ấy. Ôi, người khiêm nhường đến là dường nào!”
Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, cả xứ chịu tang Đức Chúa Giê-su chịu chết trên cây thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ. Trống gióng lên từng tiếng một, hoà lẫn với tiếng trắc gõ rời rạc. Tôi theo bố mẹ và các anh chị đến nhà thờ. Tôi cố ý tìm chị Bích Khuê nhưng tìm mãi không thấy chị đâu. Đã đến giờ cử hành nghi lễ, tôi đành đi mà không có chị, lòng thầm tiếc. Giá mà được dự nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh thì chắc là chị cảm động lắm.
Một cây thánh giá lớn, bên trên có tượng Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh, máu me đầy cả và mình, được đặt giữa lòng nhà thờ. Hai bên thánh giá, người ta đặt hai rổ to đựng bỏng rang và hoa xoan. Bỏng trắng tinh còn hoa xoan thì tím nhạt, trộn lẫn với nhau trông đẹp mà lại thơm. Bổn đạo xếp hàng lên hôn chân Chúa. Người ta quỳ xuống mà hôn. Hôn xong thì bốc một nắm bỏng rang đem về, như chút lộc Chúa ban cho vậy.
Hai bên thánh giá, hàng xứ chọn mười hai cô gái trẻ, xinh xắn, mỗi bên sáu cô, đóng vai các thiên thần chầu chực quanh Chúa. Các cô được mặc áo choàng trắng, đầu đội một vòng hoa xoan tím, vừa để thay cho vòng hào quang mà cũng vừa để tang Chúa.
Tôi xếp hàng theo chân người lớn lên hôn chân Chúa. Vừa khi bốc nắm bỏng rang trộn hoa xoan, tôi ngước nhìn lên và… hoa cả mắt. Không hiểu sao, chị Bích Khuê không phải là “con nhà có đạo” mà cũng được chọn làm thiên thần, đầu đội vòng hoa xoan, chắp tay chầu Chúa. Trong một thoáng, tôi nghĩ thiên thần cũng đẹp và thánh thiện như chị Bích Khuê là cùng.
Trên đường về nhà, chúng tôi có chị Bích Khuê đi cùng. Chị thinh lặng và nghiêm trang quá, đến nỗi tôi cũng không dám bắt chuyện với chị.
Đến nhà thì đã khuya lắm rồi, tôi thấy ông bà Hồng Châu, bố mẹ chị Bích Khuê, vẫn còn thức, ý chừng đợi chúng tôi và cô con gái đi nhà thờ về. Bà Hồng Châu pha sẵn ấm nước vối. Cả hai gia đình ngồi uống nước, chuyện vãn mấy câu trước khi đi ngủ.
Chợt ông Hồng Châu nói, nửa đùa nửa thật: “Tôi cho ông bà cháu Bích Khuê làm con nuôi đấy. Cháu nó có vẻ mến đạo. Ông bà dạy kinh bổn cho cháu rồi xin cho cháu rửa tội. Lớn lên thì cho cháu lập gia đình với anh thanh niên nào cũng có đạo, mà ngoan ngoãn, đứng đắn như… cậu Tuấn nhà ông bà ấy.”
Tôi suýt phì cười, vội quay mặt đi. Anh Tuấn, thì đành rằng anh ấy không hư hỗn gì, lại đẹp trai và là con nhà gia giáo, nhưng anh ấy thích đùa nghịch và hay nói chuyện bông lơn lắm, e rằng không hợp với chị Bích Khuê. Vả lại, hình như cả anh Tuấn lẫn chị Bích Khuê đều không có tình ý gì với nhau.
Đúng lúc ấy thì giữa đêm hôm khuya khoắt có tiếng sáo vang lên. Lại cái anh Huộng (tên gì mà lạ lùng) ở nhà bên cạnh thổi sáo mong được sự chú ý của chị Bích Khuê. Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày để tang Chúa Giê-su chịu nạn chịu chết chuộc tội thiên hạ mà anh chàng người “có đạo” này lại thổi sáo chòng ghẹo con gái, nhất nữa lại chòng ghẹo chị Bích Khuê của tôi.
Tôi ghét anh ấy, mặc dù bố mẹ tôi dạy “con phải bắt chước Đức Chúa Giê-su, yêu thương tất cả mọi người.”
Chị Bích Khuê nghe tiếng sáo, vội xin phép người lớn, đứng dậy đi vào phòng trong. Tôi hả hê. Thế là chị Bích Khuê cũng đồng lòng với tôi, không ưa gì cái anh Huộng này.
Quyên Di
__________________________
(1) phòng mặc áo: phòng ở bên cạnh cung thánh. Linh mục và những người giúp lễ mặc áo theo phẩm phục ở phòng ấy trước đi ra cử hành Thánh lễ.
(2) sang e-van: E-van (evangelii) là Phúc Âm. Theo nghi thức xưa, linh mục dâng lễ quay lưng xuống giáo dân. Sách Thánh được đặt ở bên trái bàn thờ. Linh mục đọc xong bài thánh thư thì chuyển sách sang bên phải bàn thờ để đọc Phúc âm, giáo dân gọi là “sang e-van.”
(3) Bài thánh ca “Giọt Lệ Thống Hối” của Tâm Bảo.