BÁN CHÚA CHO TAO
Gã chỉ ngoài năm mươi trong vẻ ngoài hoàn hảo của một cụ ông bảy mươi.
Phải!
Chỉ ngoài năm mươi thôi. Gã mò mẫm lại những sự kiện chính của đời gã. Ừm, dễ chi đã qua lục tuần. Nhưng chỉ nói ngoài năm mươi e là chưa đủ, gã sẽ cần một con số. Phải rồi, một con số cụ thể, năm ba hay năm sáu, hay năm mốt. Sớm thôi gã phải chọn cho mình một con số làm tuổi cho giống với người ta. Ở đời làm chi có người không biết tuổi của mình. Một con người sống trong ngôi nhà khang trang có cái sân vuông vức gọn gàng sẽ không thế. Một con người sống trong ngôi nhà có hòn non bộ hữu tình lá chen bên đá, đàn cá lượn quanh trước sân sẽ không thế. Một con người sống trong ngôi nhà có con chó Phú Quốc thuần chủng trứ danh sẽ không thế. Một con người sống trong ngôi nhà có cái bàn nước đặt trước sân với chồng sách báo lúc nào cũng nửa úp nửa mở sẽ không thế. Sẽ không thế… sẽ không thế…
Rồi người ta sẽ hỏi tuổi. Nhất định sẽ có người hỏi. Nhất định sẽ có nhiều người hỏi khi gã rời cái xóm mả dời thổ tả này và sở hữu một ngôi nhà. Một ngôi nhà trên đất hẳn hoi. Một ngôi nhà có cổng cao ngút nhưng hàng rào sẽ thưa, và cánh cổng cũng sẽ thưa vừa đủ để người qua lại trên đường kịp ngắm hòn non bộ và nếu tò mò họ sẽ thấy bầy cá cảnh nhịp nhàng lượn giữa đám rong mà gã vớt từ một ao sạch nào đó. Và họ cũng sẽ thấy cái bàn nước cùng ấm trà của gã. Cả cái ghế tựa bằng gỗ đánh véc-ni láng bóng của gã. Cả con chó Phú Quốc trứ danh của gã nữa. Phải, họ sẽ thấy một ngôi nhà đáng sống. Một ngôi nhà đáng sống như ngôi nhà gã đã thấy nhiều năm về trước. Gã làm sao biết chính xác khi ấy gã bao nhiêu tuổi, nhưng gã chắc chắn gã đã lớn và gã biết mình muốn gì.
Ngôi nhà trong phố cảng ấy, ngôi nhà mà gã đã đứng hàng giờ để ngắm nó qua hàng rào ấy bây giờ gã sắp sắm vai chủ nhà. Và dĩ nhiên qua hàng rào họ sẽ thấy gã. Họ sẽ thấy gã muôn phần lịch lãm với cuốn sách hay tờ báo trên tay. Gã biết chữ và gã bắt đầu đọc sách. Nếu ai đó bắt chuyện với gã, họ sẽ được nghe lời hay ý đẹp. Và nếu may mắn, gã sẽ vớ phải người cả đời không đọc nổi một cuốn sách, hắn ta sẽ xuýt xoa xem gã là túi khôn của nhân loại. Một trí thức đáng kính. Đó là gã, chính xác là gã. Rồi sẽ có ít nhất một đứa rách rưới nào đó âm thầm ngắm ngôi nhà của gã qua hàng rào. Nếu nó dại dột tiến gần sát cổng, gã không cần suỵt nhẹ con chó Phú Quốc vẫn sẽ chồm lên sủa. Loài chó kị người rách rưới. Gã cũng kị người rách rưới.
Ngôi nhà của gã, hòn non bộ của gã và cách gã cho cá ăn sẽ y chang như những gì gã thấy ở phố cảng. Nhưng gã không về phố cảng. Tuyệt đối không về phố cảng. Và tuyệt đối không ở nơi có lắm nhà thờ. Đúng vậy, gã phải chọn một nơi khuất bóng các nhà thờ. Có thể gã sẽ về một miền quê, một thị xã hay một phố núi heo hút nào đấy. Khốn nạn thật, chẳng có phố thị nào mà vắng bóng các nhà thờ và tiếng chuông ám ảnh của nhà thờ. Và gã cũng phải chọn một nơi sạch sẽ không có người tàn tật tới lui như âm khí, một loại âm khí nặng nề dai dẳng. Một nơi sạch sẽ để đôi mắt mù lòa như dị nhân ấy không còn ám lấy gã…
- Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…
Hừ, thằng Đao làm gã hơi giật mình. Chẳng có ma quỷ hay thánh thần nào khiến gã sợ. Gã chỉ ngán cái giọng ồm ồm ngọng nghịu của thằng Đao. Cái giọng ấy cứ như vọng từ âm ty lại. Gã nhếch mép. Cái nhếch mép nhanh cỡ ngang tốc độ ánh sáng. Hình như gã có ý muốn cười. Quả vậy, gã đã cười. Ánh mắt gã nói lên điều ấy. Rồi gã nhổ nước bọt. Chúa thần là thứ vớ vẩn nhất con người có thể nghĩ ra. Nhưng nhờ Chúa, nhờ Thần, nhờ Phật mà gã ăn nên làm ra. Càng vớ vẩn càng dễ mang tiền đến. Và mang rất nhiều tiền đến két của gã.
- Để tao phụ mày…
Gã cúi xuống, đầy thành kính, đầy sốt sắng, đầy vẻ yêu thương, gã phụ thằng Đao đóng đinh để hai khúc gỗ dính vào nhau thành hình chữ thập.
Vẫn đầy thành kính, gã làm dấu Thánh Giá rồi cùng thằng Đao đọc kinh.
“…Lạy vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.”
Gã kéo giọng dài, đọc to rền rĩ lấn lướt giọng ồm ồm của thằng Đao. Thằng Đao chia cho gã một nửa thức ăn và một nửa tiền nó được bố thí hôm nay.
***
Rồi gã cũng cần một gốc gác. Người ta sẽ hỏi gã từ đâu mà đến. Gã có nơi để về thì phải có nơi từ đó gã ra đi. Gã không thể trả lời là gã không biết, gã không nhớ hay gã đục đất nẻ chui lên. Một con người lịch thiệp sống trong một ngôi nhà khang trang như ngôi nhà gã đã thấy ở phố cảng thì không thể không có lấy một gốc gác đàng hoàng. Nhất là khi ngôi nhà ấy còn có khoảng sân vuông, còn có hòn non bộ, còn có đàn cá cảnh, còn có con chó Phú Quốc, còn có cái bàn nước và sách báo… thì chủ nhà càng phải có một gốc gác đàng hoàng. Phải, một gốc gác đàng hoàng! Gã phải có gốc gác và phải có quê hương để nhớ thương kể lể. Một quê hương! Phải rồi, một quê hương. Ý tưởng về một quê hương lóe lên trong đầu gã như chùm pháo bông rực lên trên nền đen của một đêm ba mươi nào đấy, nó chấp chới rồi lịm vào đêm. Mấy chục năm trong nghề, gã qua biết bao phố thị nhưng không chốn nào cho gã gọi một tiếng quê hương. Trống rỗng thay, gã phải tìm nơi để neo lòng mình. Đành vậy, gã quay về nhận phố cảng như một-quê-hương.
Phố cảng ấy, so với nhiều nơi gã đã qua, thì hoa lệ hơn nhiều. Hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Gã thuộc về nhóm thứ hai. Bên rìa thành phố, bên rìa những rạp xi-nê, những nhà hàng, những khán đài sân vận động… có một ngôi nhà ấm-cúng và đầy-đủ. Ngôi nhà của gã và cha nuôi. “Ngôi nhà ấm cúng” là từ mà cha nuôi gã đã dùng. Và chỉ là từ mà ông dùng còn gã thì không. Với gã, nó là cái hộp diêm nằm cuối một hẻm nhỏ trong một hẻm lớn. Nơi ấy, suốt ngày tuyệt không một bóng người nào qua lại ngoại trừ cha con gã. Không một ai, thực sự là không một ai. Tối tăm, ẩm thấp, mốc thếch…
Gã rùng mình. Xộc vào mũi gã là cái mùi của nhà cũ trên quê cũ. Không! Gã không thể nhận nơi ấy làm quê hương, không thể nhận cái mùi ấy làm cái nôi nuôi gã lớn. Không thể nào! Gã như mắc ói. Thật ghê tởm và bệnh hoạn.
Rồi gã sẽ có một kịch bản khác hoàn hảo cho gốc gác của mình. Có tiền là có tất cả, sớm thôi gã sẽ có tuổi và sẽ có quê. Không phải phố cảng cũng chẳng phải cái nơi mả dời thổ tả gã đang ở mà là một nơi sạch sẽ. Một nơi sạch sẽ, theo ý gã, là nơi không có người tàn tật tới lui như âm khí. Một nơi sạch sẽ, theo ý gã, là nơi đôi mắt mù lòa như dị nhân ấy không còn ám lấy gã. Một nơi sạch sẽ, theo ý gã, là nơi khuất bóng nhà thờ, khuất bóng tiếng chuông và cả tiếng kinh cầu…
- Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm…
Giọng thằng Đao như vọng từ âm ty lại. Chúa thần là thứ vớ vẩn nhất con người có thể nghĩ ra. Càng vớ vẩn càng dễ mang tiền đến. Và mang rất nhiều tiền đến két của gã. Gã quỳ xuống bên thằng Đao.
Giờ đọc kinh kết thúc.
- Mày muốn được khôn ngoan thông sáng?
Thằng Đao gật đầu lia lịa.
- Chúa của mày đang ở bên mày đây Đao. Mày không cần phải cầu xin Cha trên Trời nữa đâu. Tao sẽ cho mày khôn ngoan của tao nhưng để xem hôm nay mày có kiếm được nhiều tiền không đã.
Thằng Đao nom ngơ ngác. Gã nom hào hứng.
- Ăn mày là một nghề nghiêm túc và trí tuệ. Trí tuệ, mày hiểu không? Nghĩa là mày phải dùng cái này nè.
Gã chỉ tay lên đầu gã, rồi lên đầu thằng Đao. Dưới ánh hoàng hôn, mắt gã sáng lên. Thi thoảng thằng Đao gật đầu. Thi thoảng thằng Đao lắc đầu. Còn gã say sưa nói.
- Có lẽ tao phải dạy cho mày cả tuần mới hết, có khi cả tháng cả năm mới xong.
Gã mơ màng. Gã thấy mình đã thành trí thức. Có lẽ gã phải viết một cuốn sách. Phải rồi, một cuốn sách với tên tác giả là Cu Mù! Và gã phải gửi cuốn sách về phố cảng cho cha nuôi của gã. Thậm chí, ông phải là người đầu tiên đọc nó. Ông phải đọc nó để thấy ăn mày là một nghề nghiêm túc và trí tuệ. Ông phải đọc nó để thấy ông đã sai khi phản đối gã lúc gã đề nghị dắt ông đến nơi mà gã đã phải đánh đổi rất nhiều mới có được sự bảo kê. Ông phải đọc nó để thấy rằng cái ước mơ ông dành cho gã thật bệnh hoạn. Làm người tử tế không mang lại cho gã nhiều tiền và không mang lại cho gã ngôi nhà có sân vuông, có hòn non bộ, có đàn cá cảnh, có con chó Phú Quốc, có bàn nước, có sách báo, có sự xuýt xoa của người qua kẻ lại... Ông phải đọc nó để thấy rằng ông đã sai khi muốn gã học nghề, một thứ nghề tử tế và mạt kiếp như chính ông. Và ông phải đọc để thấy nhờ ăn mày gã đã có thể có những thứ gã muốn, những thứ mà cuộc đời tăm tối của ông trong cái hộp diêm mục nát ấy không bao giờ có thể tưởng tượng ra. Môi gã cử động. Hình như gã có ý muốn cười. Quả vậy, gã đã cười. Rồi gã lại nhổ nước bọt.
Cha nuôi của gã sẽ là người duy nhất cần đọc cuốn sách ấy, nhưng cha nuôi của gã còn sống hay đã chết? Gã không biết.
Gã đứng dậy. Thằng Đao chia cho gã một nửa thức ăn và một nửa tiền nó được bố thí hôm nay.
***
Rồi gã cũng sẽ cần một cái tên. Khốn nạn, cái tên còn quan trọng hơn tuổi tác và quê quán của gã. Cái tên là thứ người ta muốn biết đầu tiên khi họ muốn biết về gã. Rồi họ sẽ gọi gã là “ông…”, “chú…”, “bác…”, “anh…” gì đấy, phải có một cái tên lịch thiệp tử tế vừa xứng với ngôi nhà khang trang của gã. Xứng với khoảng sân vuông vức gọn gàng, xứng với hòn non bộ hoa đá hữu tình, xứng với lũ cá lập lờ dưới lớp bèo, xứng với con chó Phú Quốc trứ danh, xứng với chồng sách báo phảng phất mùi trí thức… Trời đất quỷ thần ơi, gã cần một cái tên để làm người!
Kí ức lại chạy lộn ngược trong đầu gã. Cha nuôi của gã cũng từng chọn cho gã một cái tên. Phải, gã đã nhớ ra, một cái tên thánh thiện và nghèo nàn như mơ ước ông dành cho gã. Thành Nhân. Gã phải Thành Nhân, phải làm một người tử tế, sống một cuộc đời tử tế, có một nghề tử tế và… mạt kiếp. Sém chút thì nó trở thành tên của gã trên giấy tờ. Chỉ “sém” thôi vì cái tên không hợp với gã hoặc gã không hợp với cái tên…
“Xoạch!”
Thằng Đao húc phải người gã. Khẩn trương và đầy vẻ ăn năn, thằng Đao ngọng nghịu xin lỗi gã, hai tay nó giữ chặt túi ni-lông đựng xi măng trắng trước bụng.
- Để tao phụ cho.
Hôm nay thằng Đao muốn làm tượng Chúa Cứu Thế.
Chúa Cứu Thế là một người đàn ông gầy rạc trần truồng. À không, vẫn còn cái khố rách. Nom Chúa Cứu Thế chẳng giống ai ở cái xứ này. Tóc nè, tóc thì xoăn và dài tới vai. Rồi thì đầu, đầu đội vòng gai nhọn hoắc. Và Chúa chết, chết ngoắc ngoẻo trên cây thập giá. Đây, chỗ này nè, cạnh sườn bên phải là một vết đâm… Thằng Đao hì hục phụ gã, gã nhảy một bước từ thợ phụ lên thợ chính lúc nào chẳng hay. Chúa Cứu Thế đẹp và thật vô cùng qua lời của gã. Y như mùa Phục Sinh nhiều chục năm về trước, khi gã ngồi bên cha nuôi của gã trong nhà thờ. Ông ngồi bất động ngắm Chúa Cứu Thế cả giờ đồng hồ. Bất chợt, ông quay sang nhờ gã tả Chúa Cứu Thế trên thánh giá cho ông nghe. Gã tả đến đâu ông chùi nước mắt đến đó. Ông bảo chưa bao giờ ông thấy Chúa Cứu Thế rõ ràng đến thế.
Rồi ông nắm tay gã:
- Nghe này, nhà mình sẽ có Chúa. Ý ba là sẽ có một tượng Chúa Giê-su trên Thánh Giá y như con vừa tả. Chúng ta sẽ để Chúa của chúng ta ở chỗ đẹp nhất. Nghe này, con có thể sẽ thấy khó tin nhưng ba đã chọn được chỗ đẹp nhất rồi đấy. Trên bàn nước của chúng ta, ngay trước bàn thờ. Ba sẽ chạm vào chân Chúa vào mỗi buổi sáng và sẽ chạm vào vết thương của Chúa vào mỗi đêm trước giờ chúng ta đi ngủ…
Phải mất mấy năm, gã chẳng thể lẩy ra một con số, nhưng chắc chắn là không dưới ba năm kể từ chiều hôm ấy cho đến ngày cha nuôi gã dắt gã vào một tiệm sang trọng. Ông sờ soạng tìm Chúa của mình. Dĩ nhiên ông tìm được. Như lời gã đã tả hay chỉ là cảm giác của ông theo lời gã, gã chẳng quan tâm và cũng chẳng nhớ họ đã nói gì với nhau trong cửa tiệm sang trọng chiều hôm ấy. Gã chỉ nhớ hơn một năm sau cha nuôi của gã dúi vào tay gã một thứ gì đó như là cái túi bạc.
Phải rồi, một cái túi bạc! Chính xác là một cái túi bạc.
Ông nắm tay gã, như đã nắm tay gã mùa Phục Sinh mấy năm về trước khi họ ngồi bên nhau trong nhà thờ, trước tượng Chúa Cứu Thế. Giữa cơn ho sù sụ, ông dặn dò gã cặn kẽ đến từng li đường đi đường về để Chúa của họ được rước về nhà cẩn trọng và hoàn hảo nhất. Gã nhìn cha mình. Hình như đó là lần đầu tiên gã chủ động nhìn cha mình lâu đến thế và nhìn vào đôi mắt mù lòa không cử động như dị nhân của cha mình lâu đến thế. Khốn nạn, trên gương mặt xanh như tàu lá vì bệnh tật ấy và trên đôi mắt mù lòa không cử động như dị nhân ấy lại ánh lên thứ gì đó rất rạng rỡ. Sớm thôi, ngay hôm nay thôi ông sẽ được chạm vào chân Chúa của ông vào mỗi buổi sáng và chạm vào vết thương trên ngực Người vào mỗi đêm trước giờ hai cha ông lên giường đi ngủ...
Gã xuống phố đi về hướng cửa tiệm có tượng Chúa Cứu Thế mà cha gã đang chờ, như lời cha gã dặn. Gã bước vào cửa tiệm. Gã nhìn Chúa Cứu Thế chết ngoắc ngoẻo trên thập giá. Gã đẩy cửa bước ra, cánh cửa đóng sầm sau lưng gã. Gã nhếch mép. Cái nhếch mép nhanh cỡ ngang tốc độ ánh sáng. Hình như gã có ý muốn cười.
Gã vào bến xe. Gã mua vé. Gã lên xe. Gã chọn một chỗ ngồi dễ chịu. Gã rời phố cảng khi nhà thờ gióng hồi chuông chiều rền rĩ.
Gã rời phố cảng. Bức tượng lùi dần sau lưng. Chúa Cứu Thế lùi dần sau lưng. Nhà thờ lùi dần sau lưng. Tiếng chuông chiều rền rĩ lùi dần sau lưng. Tiếng kinh cầu tha thiết đêm đêm lùi dần sau lưng. Những bữa ăn mạt kiếp lùi dần sau lưng. Những lời tạ ơn như khuôn vàng ý ngọc của người cha nuôi trước những bữa ăn mạt kiếp lùi dần sau lưng. Cái hộp diêm tối tăm, tồi tàn, mốc thếch lùi dần sau lưng. Người đàn ông mù lòa rạng rỡ chờ ôm Chúa của mình trong cái hộp diêm ấy cũng lùi dần sau lưng. Và cả mùi của nó, mùi của phố cảng, mùi của thứ gọi là quê hương cũng thế. Tất cả lùi dần…
Lùi tất cả khi trước mắt gã là ngôi nhà có khoảng sân vuông, có hòn non bộ, có đàn cá cảnh, có con chó Phú Quốc, có cái bàn nước và sách báo phảng phất mùi trí thức. Gã đã chịu đựng quá nhiều. Và gã đã quá thiếu thốn. Quá tuyệt vọng. Quá đau khổ. Quá mỏi mòn chờ đợi. Gã chờ ngày mà cảm giác thiếu thốn nảy nở sinh sôi trong lòng cha nuôi của gã như đã nảy nở sinh sôi trong lòng gã. Làm sao, gã phải làm sao để ông thôi thấy ông đang đủ đầy dư dật? Để ông thôi thấy Chúa vẫn yêu thương và ban hồng ân cho ông nhiều vô kể? Để ông thôi tạ ơn Đấng vô tâm vô hình vô tướng ấy? Làm sao, gã phải làm sao để cha nuôi của gã thấy cuộc sống này không đẹp như trong đôi mắt mù lòa của ông? Làm sao cho cha gã nghĩ đến thứ gì đó khác hơn và lớn hơn ngoài Chúa Cứu Thế ấy? Gã bất lực. Cái ngày gã được hả hê có lẽ chẳng bao giờ đến…
Vậy nên gã rời phố cảng. Thật vậy. Gã đã rời phố cảng. Gã đã có tự do. Gã đã có cuộc đời như gã muốn. Và gã sắp sửa có ngôi nhà như gã muốn. Ngôi nhà với cái sân vuông, với hòn non bộ, với bầy cá cảnh, với con chó Phú Quốc và với cái bàn nước cùng chồng sách báo thơm lừng trí thức mà gã đã thấy ở phố cảng. Gã có mọi thứ. Thật vậy, mọi thứ chỉ trừ cảm giác đủ đầy và chỉ trừ cảm giác được an ủi hằng đêm trong lời cầu nguyện…
- Đao, cho tao cái tượng này nhé.
Thằng Đao đang chăm chú xoa bàn chân của Đấng Cứu Thế, nó không nghe thấy.
- Hôm nay tao không đói, tao không lấy đồ ăn của mày. Mày cho tao Chúa Cứu Thế này nhé.
Thằng Đao lắc đầu.
- Tao cũng không nhận tiền mày chia. Cho tao nhé.
Thằng Đao lắc đầu.
- Tao sẽ cho mày tiền.
Thằng Đao lắc đầu.
- Đây nè, tao cho mày hết, mua đồ ăn cho sướng nhé.
Thằng Đao lắc đầu. Gã kéo phéc-mơ-tuya quần dài, móc tiền trong túi quần đùi ra.
- Đây nữa. Bằng này tiền mày ăn cả tháng không hết. Bán Chúa cho tao đi!
Thằng Đao lắc đầu. Nó bắt đầu lo lắng.
- Tao còn tiền ở nhà nữa. Mày ăn cả năm không hết.
Thằng Đao lắc đầu. Nó đứng dậy ôm Chúa Cứu Thế vừa đúc còn chưa kịp ráo toan bỏ chạy. Gã kéo tay thằng Đao lại.
- Đây. Chìa khóa két của tao đây. Mày ăn cả đời không hết. Mày có thể mua cả nhà nữa. Một ngôi nhà đàng hoàng. Nhà có sân nè. Có hòn non bộ nè. Có cá cảnh nè. Có cả con chó Phú Quốc với cái xoáy đẹp hết sảy. Mày biết giống chó Phú Quốc, đúng không Đao? Còn có cái bàn nước nữa và sách báo nữa… Có hết, có hết, có tất cả…
Gã hét lên. Thằng Đao sợ hãi ôm Chúa của mình chạy bán mạng. Gã lao theo tóm lấy lưng áo nó. Cái áo thằng Đao mỏng như lá lúa rách toạc dưới bàn tay của gã. Loạng choạng, thằng Đao tiếp tục chạy. Gã dí sát sau lưng nó. “Bịch!” Gã vấp thanh gỗ, ngã nhào trên đất. Như người chết đuối, gã tóm cổ chân thằng Đao.
- Đao, Đao! Bán Chúa cho tao! Tao cho mày tất cả.
- Không!!!
Thằng Đao run lẩy bẩy, tay khư khư ôm đống xi măng trước ngực. Gã lao vào. Thất thế, hoảng hốt, thằng Đao lấy hết sức bình sinh tung cú đạp trí mạng vào ngực gã rồi ôm Chúa Cứu Thế trong lòng chạy biến. Trên Đấng Cứu Thế, nước mắt nhòe nhoẹt. Ngực thằng Đao dính bê bết xi măng. Ngực của gã cũng bê bết nhòe nhoẹt. Gã ôm ngực, như cười, như khóc.
Một phần Chúa Cứu Thế vừa dính được vào người gã.
HẾT
Lệ Hằng