Những người áo đen
Trích: Những người xóm đạo
Họ hay mặc áo đen, đi đi lại lại giữa nhà thờ với nhà xứ, đôi khi là giữa nhà thờ với nhà dòng kế bên, họa hoằn thì giữa nhà thờ với mấy ấp quanh xóm đạo. Từ ngày tôi biết đi Thánh Đường đã thấy họ quanh quẩn ở đấy. Những bộ áo dài đen cổ tàu chùng kín đến tận mắt cá chân, cả người chỉ để lộ ra khuôn mặt. Cả nam lẫn nữ đều mặc y chang thế, các chị thì khác hơn một chút là có cái mũ đội mà cũng không hẳn là mũ, tựa hồ như một cái khăn được may làm đôi rồi choàng lên đầu che đi phần lớn mái tóc dài chấm vai. Họ hay làm những việc giống nhau hoặc từa tựa nhau, cách nói chiện cũng không khác là nhau mấy: nhẹ nhàng và có phần khách sáo, chỉ khác một chút là khi đến bữa ăn thì các anh một bên, các chị một bên nhưng rồi lại cũng ăn những món y chang nhau.
Lần đầu tiên gặp họ, tôi có đôi chút sợ hãi, mấy nhóc con bé hơn tôi được cha mẹ cắp nách đến nhà thờ thấy họ còn khóc hét. Nói ra thì khuôn mặt họ không có gì là đáng sợ lắm, thậm chí còn hiền lành nữa nhưng cái áo mà họ khoác lên mình thì mới là chuyện. Nó đen quá, nó tối quá, nó khiến người ta liên tưởng đến màu tang tóc và cái chết. Tụi nhỏ chúng tôi xem phim, phim dạy rằng chỉ kẻ xấu mới mặc áo đen còn người tốt sẽ mặc màu trắng hay một thứ màu sáng sủa nào đó, thành ra chẳng đứa con nít nào thích hay chọn màu đen làm áo mặc cả.
Tôi vẫn nhớ, cả tủ đồ ngày bé của mình chưa từng kinh qua một chiếc áo nào màu đen sì như thế. Ấy vậy mà, những người kia vẫn mặc, mặc rất nhiều, mặc với một niềm kiêu hãnh tuyệt đối. Họ yêu mến tấm áo ấy, không bao giờ để chúng có một nếp nhăn và hễ có dịp là trưng ngay. Kể cũng kỳ, từ ngày có những người áo đen về, xóm đạo chúng tôi vui lên hẳn. Nhà thờ không bao giờ ngớt tiếng nhạc, các chị lớn trong ca đoàn bủa quanh mấy chị áo đen đang chơi organ, hát say sưa. Mấy chú áo đen dạy bổn thì hay hết sảy, đỡ buồn ngủ hơn cha già giảng bao nhiêu. Mấy chú nghĩ ra biết bao trò cho tụi nhỏ, thi thoảng còn “hối lộ” đám con trai nghịch ngợm bằng một trận côn cầu vào giờ nghỉ đổi lại là một giờ dạy bổn không được phép vắng mặt. Khi chúng tôi bắt đầu quen và trở nên thân thiết thì cha già lại gởi họ đi nơi khác, nhiều đứa khóc lên khóc xuống túm áo, túm váy không cho mấy chú, mấy chị đi. Họ chỉ mỉm cười như thể chuyện đến-rồi-đi này đã trải qua nhiều lần lắm. Chừng mươi ngày sau lại có các chú các chị khác tới, vẫn mặc áo đen, vẫn hiền lành và tử tế…
Dần dà sau này, mẹ không cho chúng tôi gọi họ là những người áo đen nữa, thay vì đó phải kêu là Thầy hay Dì Phước. Áo đen ấy là lễ phục dành riêng cho họ. Áo đen là cột mốc trong cuộc đời họ. Áo đen xác tín họ thuộc về Chúa Trời. Tôi tự hỏi sao không phải là một thứ màu nào tốt hơn, đẹp hơn, sao lại là cái màu tang thương và buồn thảm ấy. Phải chăng vì màu đen trầm mặc cũng như lời tuyên thệ phục vụ trong trầm lặng của họ? Hay cái màu chết chóc ấy là cách để họ ghi nhớ về phận người mong manh, vốn dĩ như nước chảy qua cầu, hoa trôi trên sóng? Khi họ đồng ý mặc màu đen lên người có lẽ cũng đồng nghĩa với việc trước đó họ đã chấp thuận đánh đổi áo chùng thâm với những tấm áo rực rỡ, đẹp đẽ khác. Đó có phải là lời thề từ bỏ không? Nếu đúng như lòng tôi nghĩ thì áo đen phải xứng đáng là chiếc áo đẹp nhất trên đời này, nó đẹp bởi sự thầm lặng và lòng tốt của người đang mặc nó.
Sau này, người xóm đạo và nhất là đám nhỏ không còn xa lạ gì với màu đen ấy nữa, cũng không đứa nào còn khóc khi nhìn thấy “người áo đen”. Có đứa còn xin Thầy, Dì may cho một cái. Tụi con gái còn lấy khăn bông, khăn len hay mấy cái đồ có thể gấp được, gập làm đôi, đội lên đầu như mấy Phước đội lúp. Tôi nhìn thấy mà ham hết biết, cũng học đòi làm theo, lòng vẩn vơ mơ về cái ngày có được một bộ đồ đen xịn xò chứ không phải dùng mấy thứ “cải trang” kia nữa…
Thụy Du.