Dõi theo từng bước chân chậm rãi của Đức Giáo Hoàng đến trước linh ảnh Đức Mẹ Maria, rồi đến trước Thập Giá, tôi nghe niềm bình an sâu thẳm lớn dần trong lòng mình. Ngài nói gì với Đấng đang bị treo trên Thập Giá nhỉ? Phải chăng là những lời mà suốt thời gian qua chúng tôi đã kêu lên trong cơn hốt hoảng: “Thầy ơi, chúng con chết mất. Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38).
Khi bóng chiều buông xuống
Tôi tham dự giờ cầu nguyện qua màn lệ.
Lúc khởi đầu, mọi thứ hiện lên trên màn hình vừa thân quen nhưng lại vừa lạ lẫm vô cùng. Là Roma đấy sao? Là Quảng Trường thánh Phê-rô đây sao? Đã rất nhiều lần tôi hiện diện và cầu nguyện ở nơi linh thiêng này. Thậm chí, đã nhiều lần tôi đến Quảng Trường cầu nguyện vào lúc giữa đêm. Nhưng chưa bao giờ tôi gặp cảnh hoang vắng và đìu hiu đến vậy. Roma trong tôi chưa bao giờ buồn đến vậy.
Vatican nằm bên bờ Tây sông Tevere, lệch về phía Tây của trung tâm thành phố Roma. Tôi nhớ những buổi hoàng hôn khi vầng thái dương chìm xuống phía sau Đền Thờ Thánh Phê-rô. Cả ngôi Đền được chiếu sáng từ sau lưng, như được nâng lên chạm đến nền trời xanh ngắt. Đồ sộ và nguy nga. Đẹp huyền hoặc và linh thánh.
Nhưng giờ cầu nguyện chiều hôm nay không có bóng mặt trời.
Trời lại mưa lất phất.
Cả Quảng Trường nhoè ướt trong màn mưa.
Là những giọt nước từ trời hay là những giọt nước mắt của cả nhân loại sợ hãi và đau khổ đã đổ ra trong suốt thời gian vừa qua?
Những giọt nước ướt đẫm cây Thập Giá và Đấng bị treo trên Thập Giá. Cây Thập Giá ấy đã trải qua bao giông bão của cuộc đời, đã cùng chia với dân thành Roma biết bao cơn hoạn nạn khốn khó. Giờ đây, cây Thập Giá ấy trở thành chứng nhân thầm lặng giữa lòng một Quảng Trường mênh mông trống vắng. Bên cạnh Cây Thập Giá là bức linh ảnh của Đức Maria. Khung kính bảo vệ bức ảnh đã bị phủ mờ bởi nước mưa…
Bình an giữa lòng bão tố
Đức Giáo Hoàng xuất hiện. Một chấm trắng bé nhỏ giữa lòng một Quảng Trường rộng mênh mông và xám xịt. Dáng đi hơi khập khiễng xiêu vẹo. Ngài từng bước tiến lên trên con đường dốc ngược.
Tôi như thấy một hình ảnh biểu tượng của cả nhân loại ở thời khắc hiện tại, dưới sức nặng của bóng chiều và bão tố.
Dõi theo từng bước chân chậm rãi của Ngài, tôi cảm được sức nặng của bóng chiều cuộc đời trên đôi vai một ông cụ 84 tuổi. Nhưng bóng chiều của tuổi tác đã không ảnh hưởng gì đến trái tim và nỗi lòng của một người mục tử. Ngài vẫn âm thầm từng bước tiến về phía trước.
Điều người ta nhìn thấy có thể chỉ là một ông cụ cô đơn trong khung cảnh thảm đạm của một chiều mưa buồn. Nhưng điều tôi nghiệm thấy lúc này là một niềm bình an sâu thẳm bỗng tràn dâng giữa lòng mình.
Nếu bóng chiều của tuổi tác và muộn phiền đã không làm cho Đức Giáo Hoàng phải chùng bước, tại sao tôi lại hãi sợ bóng chiều của hoàn cảnh hiện tại mà chúng tôi đang trải qua?
Hành trình đức tin như một con đường dốc ngược, có bao giờ vắng bóng sóng gió và thử thách đâu. Nhưng sóng gió và thử thách làm sao có thể tước mất bình an trong lòng của một người có Chúa?
Dõi theo từng bước chân chậm rãi của Đức Giáo Hoàng đến trước linh ảnh Đức Mẹ Maria, rồi đến trước Thập Giá, tôi nghe niềm bình an sâu thẳm lớn dần trong lòng mình. Ngài nói gì với Đấng đang bị treo trên Thập Giá nhỉ? Phải chăng là những lời mà suốt thời gian qua chúng tôi đã kêu lên trong cơn hốt hoảng: “Thầy ơi, chúng con chết mất. Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38).
Qua Ngài, Đấy ấy đang nói gì với chúng tôi thế nhỉ? Phải chăng là những lời này: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4,40).
Vậy là giữa một chiều mưa phùn khi hoàng hôn buông xuống, niềm tin và niềm hy vọng của chúng tôi lại được nhóm lên cách kỳ diệu.
Và niềm hy vọng được nhóm lên
Tiếng chuông nhà thờ ngân vang trong giây phút Mình Thánh Chúa được nâng cao. Người Công Giáo trên cả thế giới cung kính cúi đầu đón nhận Phép Lành ngoại thường từ tay vị Chủ Chăn của toàn Giáo Hội. Phép Lành ấy mở ra một chân trời hy vọng mới. Rất nhiều niềm tin được đổi mới.
Thì ra Chúa lúc nào cũng ở trên thuyền đời của chúng tôi. Cả những lúc sóng gió nổi lên, Người vẫn ở đó. Nhưng người để chúng tôi phải ra sức chèo chống. Người không chèo giúp chúng tôi. Người không gánh vác dùm chúng tôi phần vốn thuộc về chúng tôi. Người không sống giùm chúng tôi cuộc đời rất riêng của mỗi người. Người luyện chúng tôi lớn lên từng ngày để có thể đảm nhận tốt hành trình cuộc sống của mình. Người không muốn chúng tôi lúc nào cũng dựa dẫm như những kẻ vừa yếu đuối trong cuộc đời lại vừa non kém trong lòng tin.
Người ngủ đúng lúc.
Và Người sẽ thức dậy đúng lúc.
Chẳng có cuồng phong sóng gió nào có thể lật được chiếc thuyền trên đó có Người hiện diện, dù là hiện diện một cách rất lặng lẽ âm thầm.
Trong số những người theo dõi trực tiếp buổi cầu nguyện, có rất nhiều người từ Việt Nam, dù thời khắc ấy đã quá nửa đêm. Con số những người theo dõi trực tuyến vẫn tăng một cách đột biến. Rất nhiều người “đón giao thừa” để được tham dự buổi cầu nguyện và lãnh nhận ơn Toàn Xá từ Đức Giáo Hoàng.
Thì ra chúng ta không một mình trong cuộc chiến này.
Thì ra chúng ta luôn ở cùng nhau trên chiếc thuyền Giáo Hội.
Giữa biển đời nổi sóng, thì ra Người vẫn ở đó với chúng ta.
Gia An, SJ
(VaticanNews Tiếng Việt 28.03.2020)
http://conggiao.info/mot-buoi-chieu-binh-an-va-hy-vong-d-53915