Mỗi vùng quê, mỗi nơi con người sinh sống đều gắn liền với những thứ âm thanh riêng biệt. Nếu thành phố ồn ào với tiếng xe cộ, ngoài biển rì rào tiếng sóng vỗ; Thì nơi tôi sinh ra và lớn lên - một làng Công giáo bình yên là tiếng râm ran đọc kinh của bà, của mẹ và của cả tiếng chuông nhà thờ thân quen.
Koòng... kính koòng, kính koòng... kinh, koòng... kinh... âm thanh nhẹ dần và tắt hẳn. Đúng 4h sáng, tiếng chuông nhà thờ cất lên báo hiệu ngày mới quê tôi bắt đầu. 4h là tiếng chuông báo của Thánh lễ ban sáng lúc 5h. Trong màn đêm hơi se lạnh của những ngày mưa gió, ánh đèn nhà đang lần lượt kéo nhau sáng lên và hắt ra ngoài đường qua khe cửa. Sự bình yên, tĩnh mịch vẫn còn ngoài đường nhưng trong nhà người dân đã dậy chuẩn bị đi lễ và cũng chuẩn bị cho ngày mới bắt đầu. Lác đác vài cụ già, vài ba người đi thành nhóm đến nhà thờ. Họ chào hỏi, trò chuyện, và đôi khi có tiếng hát ngân nga của ai đó vang vọng trong màn đêm. Cảm giác bình yên đến lạ thường. 4h30p tiếng chuông thứ 2 cất lên. Lúc này ngoài đường đã nhiều người hơn, họ cùng nhau rảo bước đến nhà thờ đọc kinh và tham dự thánh lễ.
Đơn giản vậy thôi, tiếng chuông đã ăn sâu đi vào tiềm thức của mỗi người dân nơi. Người Công giáo từ bé đến lớn, từ lúc sinh ra tới khi về với Chúa đều gắn liền với tiếng chuông thân thuộc này. Tiếng chuông sớm lúc gần kết thúc Thánh lễ đầu tháng, những em bé mới sinh được bố mẹ đem tới nhà thờ để chịu phép Bí tích Rửa tội. Tiếng chuông đón chào các em vào Hội thánh. Lớn dần, lớn dần những tiếng chuông vào những thời điểm khác nhau báo hiệu một giờ, một ý nghĩa khác nhau.
Ngay từ bé, chúng tôi đã nhận biết được những ý nghĩa tiếng chuông mỗi nó khi vang lên. Tôi còn nhớ như in hình ảnh những em bé học lớp mẫu giáo, cấp 1, và thậm chí cả cấp 2, mỗi lần tan học sáng về, nô đùa hồn nhiên, tươi vui xung quanh nhà thờ. Trong khi đó, những làn khói bếp rạ nghi ngút lên, tiếng loa phát thanh xã vẫn cần mẫn mỗi ngày cung cấp thông tin trưa cho người dân trong làng. Đúng 11h, tiếng chuông cất lên, như kiến vỗ tổ, các em đua nhau sếp hàng vào nhà thờ ngồi ngay ngắn, nghiêm trang. Tiếng hát mở đầu giờ khấn như thói quen khiến các em mắt thì hân hoan nhìn Chúa mà miệng vẫn hát theo nhịp bài. Câu kinh, tiếng hát trầm bổng, vang vọng trong không gian, và cả trong lòng các em nữa. “ Chúa ơi.... hồn con, xin phó thác trong tay Chúa luôn..”. Giờ khấn kết thúc, các em lần lượt ra về, đôi khi trên tay là hạt phồng phồng, hoặc chiếc kẹo, và có khi chỉ là nụ cười của bà quản, của Rì xứ. Dù thế nào, các em nhỏ vẫn vui vẻ bước ra về nhà, tiếng nói chuyện, nô đùa của các em lại tràn ngập trên các con đường quê.
Tiếng chuông 12h lại vang lên. Đúng 2h, tiếng chuông kinh chiều của các cụ Dòng Ba lại vang lên. Hình ảnh mấy ông, bà đội nón đi xe đạp, xe máy và cả đi bộ trên tay cuốn Kinh Phụng vụ làm tôi nhớ đến bọn trẻ gọi nhau đi học. Tiếng chuông ấy, còn giúp bà con thức dậy, tiếp tục công việc ban chiều. Bây giờ, tiếng chuông lúc 2h ấy không còn nữa, nhưng như một nếp sống văn hóa tâm linh, một thói quen và lòng yêu mến Chúa, giờ kinh của các cụ vẫn diễn ra hàng ngày.
Thánh lễ ban chiều bắt đầu bằng tiếng chuông báo lúc 5h. Tiếng chuông vừa tắt dần cũng là lúc những tiếng nhắc nhở bảo nhau nghỉ làm để chuẩn bị đi lễ. Tiếng dệt chiếu trên những giàn chiếu chỉ còn lại lác đác của những bác dệt cố cho xong lá chiếu. 5h30 tiếng chuông hai cất lên là lúc ngoài đường mọi người cùng nhau đến nhà thờ. Khác với không gian ban sáng, ngoài đường lúc này đông hơn, vui hơn, sáng sủa hơn. Tiếng hỏi han, trò chuyện, cười đùa cũng nhiều hơn. Mọi người ăn mặc chỉnh tề, đi thành từng nhóm nhỏ, nhanh chân đến nhà thờ và 6h Thánh lễ bắt đầu. 7h về tới nhà, mọi người trong gia đình ăn tối và ngồi lại cùng xem tivi với nhau. Đúng 8h, tiếng chuông lại cất lên. Mọi người trong làng lại cùng nhau đi tham dự giờ kinh tối. Ở mỗi khu trong xóm, lần lượt từng nhà một, mỗi nhà mỗi tối, mọi người trong khu, từ bé đến lớn lại rủ nhau đi đọc kinh. Tiếng gọi nhau, chờ nhau vang vọng đâu đây, làm tôi muốn về với quê hương.
Tiếng chuông 8h tối là tiếng chuông cuối cùng trong ngày. Nhưng có một tiếng chuông cuối cùng khác mà khi cất lên, mọi người đều lẩm nhẩm trong miệng những câu kinh vực sâu, những nỗi niềm nuối tiếc, phân li thân thương. Koòng... koòng... King... koòng kinh... koòng... Đó là khi ai đó trong làng về với Chúa, với ông bà tổ tiên, tiếng chuông lại vang lên như tiễn đưa người anh em này. Cuộc sống người Công giáo nơi những vùng quê Bùi Chu gắn liền với tiếng chuông thế ấy, bình yên thế ấy.
Vincent
http://gpbuichu.org/news/TU-LIEU/thanh-am-doi-cong-giao-8913.html