“Cuộc đời vắn vỏi qua mau
Như cơn gió thoảng tan màu người ơi
Ai ơi nhớ lấy phận người
Ta là cát bụi xin người nhớ cho.”
Khi nghĩ về cuộc đời, tôi chợt nhớ đến hình ảnh của một người em trong giáo xứ. Chỉ mới đây thôi, trước khi tôi trở lại học tập sau những ngày nghỉ tết ít ỏi, tôi được tin em gặp tai nạn xe máy khi đang trên đường về nhà. Vụ tai nạn ấy khiến em chết tại chỗ, thi thể của em được đưa về nhà trong sự ngỡ ngàng của gia đình và những người xung quanh. Ai ai cũng thương xót cho em, vì em còn quá trẻ. Em đã mãi mãi ra đi ở cái tuổi 18, cái tuổi thanh xuân với bao ước mơ và hoài bão. Sự ra đi của em đã để lại nhiều mất mát và đau đớn cho gia đình và người thân. Dường như cái chết của em là một lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người phải hồi tâm suy nghĩ về số phận mỏng manh của đời người. Nói đến đây, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng và xót xa mỗi khi nghĩ đến hình ảnh của em.
Sau biến cố ấy, tôi không ngừng suy nghĩ về cuộc sống tại thế của con người nơi trần gian tạm bợ này. Có ai dám bảo: “Ồ tôi còn trẻ và khỏe lắm, còn lâu tôi mới chết”. Nhưng bạn của tôi ơi, Không ai biết trước được ngày mai sẽ ra sao, hôm nay sẽ như thế nào. Cái chết luôn đến với ta một cách bất ngờ và nó không tha bất kỳ ai bao giờ. Dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, mạnh khỏe hay đau ốm thì chúng ta vẫn phải chết. Dĩ nhiên, chúng ta phải ra trước tòa Chúa để trả lẽ cho những việc mà chúng ta đã làm khi còn ở giới thế gian này. Vậy, câu hỏi hỏi được đặt ra: Tôi có sợ chết không? Tôi có cảm thấy mình hoàn toàn sạch tội trước mặt Chúa không? Tôi sẽ đi về đâu sau khi chết: Thiên đàng, luyện ngục hay hỏa ngục chăng? Biết bao nhiêu câu hỏi mang tính đầy hiện sinh như thế luôn chất vấn lương tâm con người và giúp họ ý thức rằng: “tôi phải chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời của tôi khi tôi còn sống ở đời này”. Như vậy, đâu là điều mà tôi phải làm và cần làm những gì?
Bạn biết không? Có một liều thuốc mà các bệnh viện nổi tiếng không quen bán, nhưng những quầy thuốc công giáo lại xem nó như thần dược của mình. Thần dược ấy người đời không quen tìm kiếm, nhưng kẻ có đạo lại tìm đến mà mua như một thứ thuốc mỗi khi có bệnh trong người. Thần được ấy là gì? Thưa đó là liều thuốc “ăn năn sám hối”, một thứ thuốc có màu tím truyền thống của Mùa Chay. Đó không phải là thứ thuốc mới nhưng luôn có hiệu nghiệm dành cho những ai biết dùng đúng cách.
Thật là tinh tế khi Giáo Hội cử hành nghi thức sám hối với việc xức tro trên đầu để chuẩn bị cho người Kitô hữu bước vào Mùa Chay, Mùa của lòng “ăn năn sám hối”. Với một chút tro trên đầu, Giáo Hội như muốn nhắc nhở cho chúng ta về thân phận cát bụi đầy mỏng dòn của đời người. Một thân phận bọt bèo, mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, thổi thì bay, mưa thì ướt và chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua thôi cũng đủ xóa sạch mọi vết tích. Vì thế, Mùa Chay luôn là mùa đặc biệt của sự trở về của những người biết ăn năn sám hối. Thế nhưng, bằng chi ấy cái Mùa Chay đã qua đi mà trong tâm hồn bạn có sự thay đổi gì không? Hay bạn chỉ xem nó như một điều phải đến trong một năm phụng vụ. Nó cứ đến rồi đi, nhẹ nhàng như nhịp điệu của bài hát. Nó hay đó, cảm động đó. Nhưng riết rồi nó cũng đi vào quên lãng theo từng năm tháng. Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng nó khá giống tâm trạng của một câu hát “Tình yêu đến em không mong đợi gì. Tình yêu đi em không hề hối tiếc”. Bạn có trông đợi Mùa Chay đến không? Bạn có hối tiếc khi Mùa Chay lặng lẽ trôi đi như “chiếc lá cuối cùng” rơi xuống đất không? Bạn có bao giờ hiểu thấu được tầm quan trọng của Mùa Chay không? Nghe thì nhiều đó nhưng để thực hiện là cả một vấn đề.
Sám Hối luôn là tiến trình không đơn giản. Nó bao gồm nhiều giai đoạn, nhiều hy sinh và nhiều sự từ bỏ. Vậy, Một câu hỏi được đặt ra: Mình có cần sám hối không? Thưa có. Vì sao? Vì trong thâm tâm của tận cõi lòng, bạn và tôi cảm thấy mình có tội, nhận ra tội lỗi của mình. Không một ai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, huống chi bạn lại không nhận ra điều xấu mình đã làm hay sao. Thật là nguy hiểm biết bao, khi nhân loại hôm nay dù đã làm bao nhiêu điều xấu, họ vẫn không thấy mình có tội. Họ đã đánh mất ý thức tội lỗi, đánh mất tâm thức mình là một tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên, cái chi đã thành nếp, thành thói quen thì khó bỏ vô cùng và không ai muốn bỏ đi chút nào. Nó đã quen với tôi, gắn liền với con người của tôi. Tôi phải từ bỏ nó ư! Tôi phải thay đổi bản thân sao? Tôi phải hãm mình sao? Không, tôi không làm được. Dẫu biết rằng: ăn năn sám hối là việc khó khăn, tiếc nuối chớ, đau lắm chớ, nhưng có bệnh thì phải uống thuốc mà thuốc đắng thì mới dã tật được.
Vì thế, bạn không nên cứ ở mãi trong con người “lầm lì” của mình được, để rồi bạn thường xuyên chiều theo sự hư đốn của bản thân mà phạm hết tội này đến tội khác. Cho nên, để nhận được sự “khoan hồng”, sự yêu thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thiết nghĩ, mỗi người cần một cuộc trở về thực sự, một cú nhảy “sám hối” triệt để, để bước ra khỏi con người “cũ kĩ chật hẹp”, bước ra khỏi cái vỏ bọc “cứng nhắc” và “thường nhật” của mình, bước ra khỏi cái tham, sân, si đang ngự trị trong bản thân và dứt khoác với tình trạng tội lỗi mà mình đang mắc phải. Chính lúc trở về là lúc bạn gặp gỡ Thiên Chúa trong tình yêu, một cuộc gặp gỡ hiện sinh với Đấng là nguồn mạch của Tình yêu. Quả thật, càng yêu Chúa, bạn càng hối hận, càng hối hận bạn càng yêu Chúa. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ tha thứ và ban lại cho bạn niềm vui và bình an mỗi khi bạn biết ra đi để trở về với Chúa. Một hình ảnh thật đẹp như người cha nhân hậu luôn chào đón người con hoang đàng trở về. Thiên Chúa cũng đang ngóng trông từng ngày con cái của Ngài sẽ trở về, trở về với người Cha của mình. Vì thế, đừng chần chừ khi thời gian vẫn còn, đừng ngủ dài khi đường đời đang ngắn lại. Chúng ta cần một sự “lột xác”, một cuộc “lột xác” toàn diện. Để rồi qua sự quyết tâm đó, bạn trở nên một con người mới, được đổi mới trong Đức Giêsu Kitô.
Ai cũng biết: mỗi bước đi đầu tiên trong cuộc đời luôn là giai đoạn khó khăn nhất. Hành trình trở về với Chúa cũng vậy. Giai đoạn này rất khó và đòi hỏi nhiều sự hy sinh với những cuộc chiến đấu với bản thân và làm chủ được chính mình. Chính vì thế mà bản thân bạn cần rất nhiều sự cầu nguyện và nhất là cần ơn Chúa trợ giúp. Ước mong rằng: mỗi người biết “chết đi”, “chết đi” một chút cho con người cũ của mình. Để rồi mỗi một Mùa Chay Thánh trôi qua, những gì còn đọng lại trong bạn là niềm vui, niềm hạnh phúc khi đã được biến đổi thành con người mới trong sự Phục sinh của Chúa Giêsu, và sẽ thôi không còn những câu nói hối tiếc “Thôi có gì để năm sau mình sám hối cũng được”. Tắt một lời, mời các bạn cùng suy gẫm bài thơ sau đây:
“Ớt nào mà ớt chẳng cay
Thần dược ‘sám hối’ đánh bay bệnh tình
Ăn năn sớm tối hãm mình
Thời gian hối thúc đừng nhìn cho qua
Sau này ra trước Ngai Cha
Ta hiên ngang đứng bên cha Trên Trời”
Huỳnh Tấn Dũng