Những vui buồn khi theo chân Chúa ( Kỷ niệm 15 năm ngày Thanh tẩy)

Quang X Nguyen

Những vui buồn khi theo chân Chúa
( Kỷ niệm 15 năm ngày Thanh tẩy)

ảnh minh họa

Giáo Xứ Ðức Ki Tô Ngôi Lời Nhập Thể gởi 200 đô la vé số để mình mua hay bán giúp để lấy tiền xây dựng trường học dạy Việt ngữ và giáo lý cho con em người Việt Nam vùng Southwest, thành phố Houston Texas. Tôi có nhờ con gái Uyên Phương bán giùm 20 tờ (100 đô la). Cháu bán được 30 đô la còn lại 70 đô la tiền vé số chưa bán được.

Ðang khi nói về chuyện bán vé số cho nhà thờ với bà xã thì đứa con trai lớn xen vào nói:

“ Nhà thờ giàu quá rồi còn bán vé số gây quỹ làm gì nữa.? Ở nhà này tự nhiên ba lại vô đạo Chúa. Gia đình mình từ trước có ai là đạo Chúa đâu? Ba xét lại đi chỉ có ba là đạo Chúa mà thôi. Làm gì cứ phải đóng tiền cho nhà thờ hoài. Ông Cha thì cũng như người bình thường thôi chứ có gì mà phải khúm núm, ông Cha chỉ có khác hơn người thường là không có vợ chứ có gì hay hơn người ta đâu? Vậy mà sao nhiều người ( bổn đạo) lại tôn trọng quá đáng như vậy.? ”


* * *

Một số câu hỏi này ba đã suy nghĩ rất nhiều và nhân tiện đây ba cũng cần trình bày cho các con, các cháu rõ tại sao ba lại vô đạo Chúa ở khoảng 49, 50 tuổi. Những lý do ba vô đạo Chúa, ba đã có viết trong bài tựa đề là : “Tôi trở thành Kitô hữu” có đăng trong báo “Trái Tim Ðức Mẹ” số 279 năm 2001, ngày hôm nay, nhân có các câu hỏi của con, ba cũng muốn trình bày thêm những vui buồn trong mười lăm năm qua ba đã theo chân Chúa.

* * *

Trước đây ba là người không tin bất cứ điều gì mà ba không thấy. Chuyện ma quỹ, chuyện đời sau, đối với ba hoàn toàn xa lạ. Ba không tin có Ðấng Tối Cao nào cả. Ðúng hơn ba là người vô thần chính cống chỉ tin vào khoa học mà thôi vì “vô tri bất mộ” mà.

Ba cũng thường nói với bạn bè rằng nếu sau này ba có chết thì ba sẽ xuống địa ngục đông đảo hơn, vui hơn, thích hơn chứ lên Thiên Ðàng thì chắc ít người chán lắm, buồn lắm.

Vậy mà lý do gì đến 49, 50 tuổi mới tìm đến chúa KiTô, mới tìm đến Ðức Mẹ.

* * *

Những khó khăn dồn dập sau khi đi cải tạo về khoảng năm 1983, không có nghề nghiệp, không có tiền bạc, không biết làm gì để sống . Ði dạy học thì không ai cho vì đã bị tù gần 8 năm. Cử nhân Luật Khoa và hai năm học Cao Học ở trường Chính Trị Kinh doanh không dùng được trong chế độ mới.

Ba làm đủ các nghề để sống, chạy xích lô đạp chưa quen nên đến bến xe Chợ lớn đón khách, đậu ngay chỗ cấm đậu, nên bị lấy ghế ngồi. Chỉ đạp xe chở khách có một buổi mà cả đêm không ngủ được vì quá mệt. Có mấy người phụ huynh học sinh cũ thương tình, giới thiệu đi dạy kèm toán cho vài học sinh ở đường Bông Sao, ở đường Liên Tỉnh 5. Dù gặp trời mưa gió cũng phải đi nhưng tiền trả không đủ sống. Ði mua bao nylon ở các tiệm ve chai về giặt rồi phơi khô, đem đi giao cho các lò làm bao nylon thì bị ép giá không có lời. Ði vô quận bảy mua sách cũ, đem ra chợ Sài gòn để bán thì bị quản lý chợ lập biên bản tịch thu. Ði bán vé số không dám bán ở quận tám, sợ gặp học trò cũ, phải vòng qua quận năm, vừa đem xấp vé số ra mời khách ở bến xe xích lô cũng gặp học trò cũ của trường Lương văn Can. Thấy mắc cỡ, ngại ngùng không dám đi bán tiếp, lại đem mấy trăm tấm vé số đó nhờ con gái út đem qua Chánh Hưng bán.

Những gian nan, cực nhọc này ba chịu nỗi nhưng khi được giấy cho xuất ngoại sang Mỹ theo diện HO thì ba vừa mừng, vừa lo. Mừng vì thoát khỏi chế độ Cộng Sản mà gia đình mình là công dân hạng hai, bản thân ba lo sợ có thể bị bỏ tù lại bất cứ lúc nào. Lo đi ra nước ngoài rồi làm nghề gì để sống. Ðiều lo lắng lớn nhất là phải giao căn nhà cho nhà nước quản lý trong thực tế nhà này ba chỉ đứng tên cái nền nhà giùm cho ông nội mà thôi vì lúc đó ba đang học trường Sư phạm, ba đâu có tiền để mua. Ông nội con đã làm lụng cực nhọc suốt một đời, hà tiện từng đồng, từng cắc để xây cất căn nhà này mà ba nở lòng nào vì muốn được đi Mỹ mà ký giao nhà của ông nội cho nhà nước Cộng Sản được. Nhưng ba thuộc diện nhà nước quản lý nhà, phải giao nhà nếu xuất ngoại. Từ năm 1983 sau khi nộp đơn chui qua Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Thái Lan để xin tị nạn, ba đã hỏi khắp nơi về trường hợp đứng tên nhà, có thể sang tên lại cho ông bà nội hay cho chú năm, chú sáu được không? Ở đâu cũng trả lời là xuất cảnh phải mất nhà vì nhà nước muốn lấy nhà của những người đi Mỹ mà.

Lo lắng quá mà không biết làm sao giải quyết được vì không có tiền để chạy chọt, không có quyền quyết định, không quen biết ai để nhờ giúp đỡ.

Biết làm sao đây?

Ba đã nhờ giáo sư Nguyễn Gia Phách là bạn dạy chung trường Lương văn Can, dẫn lên Fatima ở Bình Triệu để cầu nguyện vì ba nghe Fatima linh lắm, cầu nguyện thường được Ðức Mẹ nhậm lời.

Ðó là lý do chính để ba trở về với Chúa và Ðức Mẹ vì sau đó những diễn biến về căn nhà thật là huyền diệu, lạ kỳ.

Ba muốn đi sớm nên chạy giấy tờ để đi HO 6 hay HO 8. Nếu ba được giấy xuất cảnh HO6, đi sớm hơn hai năm, đã mất nhà vì lúc đó ba chưa có quen ai để sang tên cho chú năm hay chú sáu làm chủ quyền nhà.

Nhờ đó, năm sau,Thiên Chúa đã sắp xếp cho thím năm quen một người bịnh nhân là Thành Uỷ viên của Ủy ban Nhân dân thành phố. Thím năm là y tá bịnh viện Nguyễn Trãi, đã trình bày hoàn cảnh gia đình mình, ba chỉ đứng tên nền nhà mà thôi, không lý do gì khi xuất cảnh lại phải giao nhà cho nhà nước. May mắn gặp được người tử tế, họ giúp không ăn tiền chứ nếu ăn tiền thì tiền đâu mà đưa cho họ.

Nếu Thiên Chúa, Ðức Mẹ không xui khiến gặp họ (Thành Ủy Viên) thì đã mất nhà rồi. Ðã có sự giúp đỡ của người có quyền thế lúc đó như vậy mà trong tháng cuối cùng vẫn bị làm khó dễ, bị đình chỉ chuyến bay. Ngày Chúa nhật lên đường vậy mà ngày thứ năm nhận được giấy đình chỉ chuyến bay; trong khi mọi việc làm ăn đã bàn giao hết. Nếu không đi được, ăn không ngồi rồi sáu tháng hay một năm thì làm sao đây? Con cái có gì thay đổi, đòi ở lại thì sao? không làm gì ra tiền mà phải tiêu pha cho sáu miệng ăn cũng là vấn đề suy nghĩ. Ngày thứ bảy chầu chực ở Sở nhà đất để nhận giấy tờ không tài sản để ra đi, nguyên một ngày không thể ăn uống gì được, lo âu, phập phòng, buồn rầu, chán nản cứ ngồi trước phòng làm việc của họ đợi chờ. Họ đi qua Ủy Ban nhân dân thành phố ba cũng đi theo. Họ đi đâu ba đi theo đó, kiên trì trong lo lắng. Cho tới tối thứ bảy, ba mới có giấy tờ giải tỏa đình chỉ chuyến bay. Sở nhà đất đồng ý cấp giấy chuyển quyền sở hữu nhà cho chú năm.

Một tháng trời không ăn uống được, bị bịnh cảm liên miên, đau bao tử thường xuyên, hai ba ngày phải ghé Bác sĩ một lần, uống thuốc gì cũng không hết. Mặt mày hốc hác, má hóp hằn sâu vì lo lắng.

* * *

Ba được rửa tội ngày 15 tháng 8 năm 1991, (kỷ niệm ngày Ðức Mẹ Hồn Xác lên Trời), ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Ðồng bởi Cha Henri Bạch văn Lộc ( sau này ba mới biết Cha là Viện Trưởng Viện Ðại Học Minh Ðức ở Sài gòn trước năm 1975)

* Những trở ngại khi theo chân Chúa:

Sau khi rửa tội ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế về, mỗi sáng Chúa Nhật ba đều đi nhà thờ. Mỗi lần mở cửa nhà để đi nhà thờ, má con đã vất thật mạnh chùm chìa khóa xuống đất để ba lượm lấy mà mở cửa. Hành động này biểu lộ sự tức giận “ Ði nhà thờ làm gì? bỏ đạo ông bà à?

Ba cần cầu nguyện thật nhiều, nhiều hơn nữa vì ba bắt đầu bị chống đối từ trong nhà. Người đầu tiên phản đối mạnh mẽ nhất không phải là ông bà nội mà là từ má của con.

Tại sao lại theo đạo Chúa? Đi rửa tội mà không cho bà xã hay? Ði học đạo không cho bà xã biết. Trong ý nghĩ của ba là ba thử học đạo, tìm đến đạo Chúa trước, rồi các thành viên khác trong gia đình nếu thấy thích hợp sẽ vô sau cũng đâu có muộn đó là ý nghĩ của ba lúc ban đầu. Ba chưa bao giờ bắt buộc ai trong nhà theo đạo cả nếu chưa tin vì điều chính yếu cần phải tin có “Thiên Chúa toàn năng sáng tạo nên vũ trụ, loài người ”

Ngày hôm nay, sau 15 năm, câu hỏi này của con: “ Tại sao ba theo đạo Chúa ” Ba muốn trình bày rõ, ba theo đạo Chúa vì ba gặp khủng hoảng tinh thần, ba cần chỗ dựa trong đời sống tâm linh, cần có Ðấng Tối cao, Thiên Chúa giúp sức, ba cần nhà thờ, cần Chúa và Ðức Mẹ để ba cầu nguyện trong những năm cuối cùng khi còn ở Việt Nam.

Ðức tin là một hồng ân. Giáo sư Trần văn Ðiền viết: “Ðức tin là tin những điều mình chưa thấy, phần thưởng của đức tin là thấy những điều mà mình tin.” (1)

Khi bị giam giữ trong trại cải tạo ở Lào Cai, khoảng năm 1977, một người bạn là Dược sĩ có bằng cử nhân văn khoa, là người có học, trí thức mà lại nói : “ Phúc cho những ai không thấy mà tin ( Ga 20, 29) (2).” Lúc đó ba có ý nghĩ trong đầu “vô lý thật không thấy mà tin được à?”

+ Ði nhà thờ mất thì giờ

Ngày Chúa Nhật nào cũng phải mất thì giờ đi nhà thờ, đi nhà thờ buồn nản “ boring” lắm. ( Tuy nhiên cũng có người đi lễ mỗi ngày. Mỗi ngày đến nhà thờ để cầu nguyện, để nói chuyện với Chúa).

+ Ði nhà thờ phải đóng góp hàng tuần cho nhà thờ.

Có nhiều người cho rằng đi nhà thờ chẳng có ích lợi gì cả mà còn tốn kém, mất tiền, vì phải đóng góp hàng tuần cho nhà thờ, còn phải đóng góp cho giáo phận nữa. Chưa kể còn phải thực thi bác ái giúp cho những người cùng khổ khác khi họ gặp tai nạn, bịnh hoạn, tật nguyền hay giúp đỡ giáo hội bên quê nhà nữa.

* Những niềm vui khi tin có Chúa.

Ba tìm thấy niềm vui, niềm an ủi ở trong Chúa. Khi gặp những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, biết sức mình yếu đuối không thể giải quyết được, ba đi nhà thờ để cầu nguyện với Chúa, để nói chuyện với Chúa, để than thở với Chúa. Cầu nguyện để có được ơn khôn ngoan, sáng suốt. Cầu nguyện cho những khó khăn sớm vượt qua. Cầu cho cá nhân, cầu cho gia đình và cầu cho đất nước. Nhờ đó, ba có niềm vui và bớt lo âu vì sống với tinh thần phó thác những khó khăn cho Thiên Chúa.

Khi tham gia vào Hội Thánh Chúa được thêm nhiều bạn bè, thân hữu nâng đỡ nhau, chia xẻ niềm vui cũng như nỗi buồn trong các hội đoàn như Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Ðình, Phong Trào Cursillo …

Con người thường có hai khuynh hướng: hướng thượng, muốn làm những điều lành, điều tốt giúp người, giúp đời hay tâm hồn mình dễ đi xuống, muốn hưởng thụ vui riêng cho cá nhân nhất là sau tuổi “ ngủ thập tri thiên mệnh ”.Tới tuổi gần đất xa trời những cám dỗ đánh bạc, uống rượu hay trai gái thường có thể tác động đến con người. Ðể chuẩn bị cho đời sống tâm linh, cho linh hồn trong đời sau vĩnh cữu cần làm những việc lành phúc đức, tạo công nghiệp bằng cách đóng góp sức lực, khả năng, trí tuệ cho tha nhân, cho xã hội.

Nếu sống cho người khác thì mình sẽ tìm thấy bình an, hạnh phúc hơn, cuộc sống vui tươi và có ý nghĩa hơn..

+ Gặp khó khăn quá sức con người không giải quyết được thì làm sao?

Có điều gì quá khó khăn thì đi vào nhà thờ cầu nguyện với Chúa. Vì “ anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho ” ( Lc 11, 9) ( Mt 7, 7). Ai trong anh em là một người cha mà khi con xin cá, thì thay vì lấy cá lại lấy rắn mà cho nó? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? ( Lc 11, 11-13) ( Mt 7, 9-11). “ Ðâu có hai, ba người hợp lại nhân danh Ta thì có Ta ở giữa họ ” ( Mt 18,20)

+ Kính Chúa thì phải yêu người. Yêu người không quen biết, yêu tha nhân đồng loại, cao hơn một bậc nữa như lời Chúa dạy yêu kẻ thù.: “ Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” ( Mt 5, 44) (Lc 6, 27) và Thánh Phanxicô đã dạy trong “ Kinh hoà bình” : “ đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp …đem tin kính vào nơi nguy nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu; tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người hơn được người mến yêu; chính khi hiến thân là khi được nhận lảnh; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; chính khi thứ tha là được tha thứ ; chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

Nếu sống như lời hướng dẫn trong “ Kinh hoà bình ” thì làm gì không tìm thấy bình an, vui tươi, hạnh phúc.

+ Khi lo lắng quá, tối không ngủ được thì phải làm sao?

Ðọc kinh mỗi tối dễ ngủ hơn. Mỗi đêm ba thường đọc 50 kinh, 10 kinh đầu cầu nguyện cho linh hồn ông nội, mười kinh thứ hai cầu nguyện cho toàn thể gia đình bình an và biết yêu mến Thiên Chúa…..

Con nói rằng : “ Ông Cha chỉ không có vợ mà thôi, chứ có gì hơn người đâu, mà ( bổn đạo) khúm núm như vậy?”

Ba có thể nói như thế này: “ Linh Mục không có vợ đủ làm cho mọi người kính phục, quí mến rồi. Ai ai cũng có vợ, có gia đình. Mọi người dùng sức lực, khả năng của mình làm ra tiền để lo cho gia đình riêng, còn ông Cha hay là Linh Mục không có gia đình riêng, họ sống độc thân để làm việc Chúa, dùng tất cả thì giờ, khả năng để làm việc cho giáo hội, cho nhà thờ, cho bổn đạo và cho tha nhân. Ðìều đó không quí sao ? Dĩ nhiên tất cả ông Cha không phải đều tốt hết, đều hy sinh hết, nhưng đa số đều vì việc chung, vì bổn đạo, vì con em chúng ta, vì muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn mà làm việc, chứ đâu có phải vì gia đình riêng của ông Cha mà làm việc đâu? Nếu không có Linh Mục thì ai giảng lời Chúa, ai chia xẻ Phúc Âm, ai thường xuyên nhắc nhở về yêu thương cho mọi người học hỏi, thực hành. Kinh thánh viết: “ Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Ga 15,12) Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình yêu( 1Ga 4, 8)

Hàng trăm ngàn người Việt đã chịu tử đạo trong thời gian bị cấm đạo ở dưới triều đình vua Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu trị,Tự Ðức. Tòa Thánh đã phong 117 vị Thánh Tử Ðạo. Họ đã chết vì đã tuyên xưng đức tin, đã nói lên niềm tin mãnh liệt của họ vào Thiên Chúa toàn năng, vào đời sau vinh hiển, hạnh phúc, họ mới dám hy sinh như thế. Hạt giống đức tin đã gieo vào lòng đất từ mấy trăm năm trước, ngày hôm nay nước Việt Nam mới có được 7, 8 triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Từ thế kỷ thứ 1 đến nay còn nhiều vị Thánh khác nữa không thể kể hết được. Họ là những người đã chịu đựng thử thách, đau khổ, nhiều khi phải hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ đức tin.

Tiêu biểu có thể kể đến vị Mục Tử quên thân mình cho tha nhân đó là vị sáng lập nhà bịnh phong Quy Hoà ở Quy Nhơn “ Vị đó là Cha Paul Maheu, một Linh Mục người Pháp đã từ giả quê hương thân yêu với cuộc sống tiện nghi, để chôn đời mình giữa một đám người xa lạ, mắc phải thứ bịnh khủng khiếp nhất trong loài người .(3)

Người thứ hai là Ðức Cha Jean Cassaigne sinh 30-01-1895 tại Pháp, ngày 06-04-1926 Ngài xung phong lên đường sang Ðông Dương truyền giáo và cuối năm 1955, lúc đó Ngài là Giám Mục, Ngài xin từ chức Giám Quản Tông Tòa giáo Phận Sài gòn để nghỉ hưu và tình nguyện về lại Di Linh để phục vụ làng phong cùi và chết ở đó với người cùi, năm Ngài 78 tuổi. (4)

Gần đây phải kể đến Mẹ Têrêsa thành Calcutta là vị Thánh đã hy sinh cả đời cho người nghèo khổ, bịnh tật bị bỏ rơi về vật chất và bị bỏ rơi về tinh thần.

+ Muốn con cháu trở nên người tốt hãy đến nhà thờ để được dạy dỗ nhắc nhở 10 điều răn, để biết kính sợ Thiên Chúa và biết yêu mến tha nhân, để xét mình sửa đổi những vi phạm lỗi lầm mỗi khi tham dự Thánh Lễ. Chúng nó sẽ quen sống cộng đoàn, dễ hòa đồng, biết hy sinh, có tình yêu thương bạn hữu và tha nhân khi lớn biết hy sinh, làm việc cho cộng đồng xã hội.

Nhà thờ là môi trường huấn luyện thành con người “trở nên trọn lành hay đi trên con đường trở nên Thánh.”

Ðạo Chúa là sự hoàn tất những điều Ðạo Khổng chưa nói.

Quí Lộ (Tử Lộ) học trò của Khổng Tử hỏi Ông về sự chết, tức muốn biết người ta chết rồi, có thành quỉ hay thần không, có linh hồn không, hay chết là hết, Ông đáp “ Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết” ( Vị tri sinh, yên tri tử) (5)

Ðạo Chúa dạy rằng sau khi chết được hưởng phúc trường sinh ở Thiên Ðàng và sẽ được sống lại trong ngày sau hết, ngày phán xét cuối cùng nếu thực hành đủ bổn phận làm người theo quan niệm Khổng Tử, cộng thêm Ðức bác ái, yêu người và có niềm cậy trông vào Thiên Chúa toàn năng.

Ðạo Chúa đã bổ túc, trả lời những gì mà Ðạo Khổng không nói tới. Thánh Phaolô trong khi đang đi đường và đến gần thành Damas để bắt bớ các tông đồ và những người theo Chúa thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “ Saulô! Saulô! tại sao ngươi bắt bớ ta? (CV 9 3,4). Ông đã được Chúa kêu gọi trở lại đạo và trở thành tông đồ nhiệt thành, hăng say của Chúa đã rao giảng: “ … Nếu Ðức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hảo huyền …cả những người đã an nghỉ trong Ðức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế ! Ðức Kitô đã trổi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu ” (1Cr 15 ,15-20)

Từ sự chống đối mãnh liệt của má con trong những năm đầu ba gia nhập vào Hội thánh, trở thành Kitô hữu, Thiên Chúa đã ban ơn đặc biệt cho gia đình mình:

* Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu, “ vẽ đường thẳng bằng những nét cong ”(6) mà 3 giờ chiều ngày 23 tháng hai năm 2005, ba má đã ra nhà thờ Ngôi Lời Nhập Thể làm lễ hôn phối trước bàn thờ Chúa để tuyên xưng lại :” Những gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” do Ðức Ông Lê Xuân Thượng làm chủ lễ.

* Gia đình mình rất được Thiên Chúa yêu thương, Ðức Mẹ gìn giữ làm ăn bình thường, nghề nghiệp vững chắc. Nhất là toàn thể gia đình được bình an.

Hai gia đình công giáo, hai con gái và rễ, hai cháu ngoại đã được rửa tội gia nhập Hội Thánh Chúa.

Ba đã suy nghĩ nhiều, đã chuẩn bị cho ngày chung cuộc của đời ba, cho nên ở chỗ làm việc cũng như ở trong nhà, ba có ghi câu như sau để luôn tự nhắc nhở mình: “ Nếu ngày mai tôi không còn nữa thì hôm nay tôi phải nghĩ gì, làm gì ? ”

Con cầu xin Chúa ban cho con ơn khôn ngoan để con biết phải suy nghĩ gì và làm gì cho đúng ý Thiên Chúa.

Ðiều mong ước cuối cùng và duy nhất ba có ghi trong tờ di chúc, khi nào ba ra đi, trong nhà quàn cũng như trước mộ phần ghi là: “ Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời ” (7).

Phùng văn Phụng

ngày 15 tháng 8 năm 2006

(1) Sách “ Những kinh nghiệm sống để lại” trang 129

(2) Vì Tôma cứng lòng không tin phải sờ vào cạnh sườn Chúa khi Chúa sống lại mới tin, nên Chúa Giêsu mới bảo ông Tôma “ Vì con thấy Thầy con mới tin, Phúc cho những ai không thấy mà tin” ( Ga 20, 29)

(3) Sách “ Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng ” của Ðúc Hồng Y Nguyễn văn Thuận, trang 274.

(4) Báo Công Giáo và Dân Tộc số 1430 . “ Vị Giám Mục của người phong ” tác giả Thông Xanh

(5) Sách “ Khổng Tử ”của Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất bản Văn Hóa, trang 219

(6) Lời của Ðức Hồng Y Nguyễn văn Thuận

(7) Trong “ Kinh Hoà Bình ” của Thánh Phanxicô