GIỚI
THIỆU THI TẬP “KHÚC THẦN NHẠC”
Xưa nay, các tác giả thường nhờ những vị có thế giá, trong chuyên
môn cũng như ngoài đời, làm nhịp cầu dẫn đứa
con tinh thần của mình ra mắt công chúng cho thêm phần long trọng. Vì thế,
người viết không khỏi băn khoăn khi trót nhận lời làm một nhịp cầu tre dẫn vào
thi tập mang tên rất mỹ miều Khúc Thần Nhạc.
Bên bờ kia có cái gì thực sự hay như cái tên xem ra ‘hơi bị kêu’ ấy không?!
Cổ nhân có câu: “Thi trung hữu
họa” và “thi trung hữu nhạc”. Nôm
na nghĩa là trong thơ có cả hội họa và âm nhạc. Nhạc và họa trong mỗi
thi phẩm hay đến mức nào còn tùy vào gu thưởng thức và khả năng cảm nhận của mỗi
người, có khi hay với người này lại là dở với người kia. Khúc Thần Nhạc có lẽ cũng thuộc loại kén độc giả. Tuy nhiên, kẻ bắc
nhịp cầu này tin rằng, với mắt thơ và đôi tai ưa thích nhạc thầm, thi khách
sẽ được thưởng thức giai điệu Khúc Thần
Nhạc trên một khu vườn thượng uyển qua một số biểu tượng rất thi vị, được
bài trí đơn sơ mà độc đáo. Nói như giới trẻ là ‘chuẩn không cần chỉnh’! Rồi từng
bước, với khả năng thi lực và ‘khứu’ nhạc của mình, thi khách
sẽ khám phá 21 cảnh thi đàn đầy hương
nhạc của thi sĩ Song Lam mà đỉnh cao là Hiến
Lễ Đầu Mùa theo lời bình giải hết sức công phu của “nhà thi cảm” Bình Nhật
Nguyên.
Vâng, chỉ riêng một Hiến Lễ
Đầu Mùa đã làm cho nhà thi cảm
say sưa nhả ngọc phun châu bình giải tới gần 100 trang A4 với hơn 30 ngàn từ (tương đương một luận văn thạc sĩ). Ấy vậy
mà dường như ông ‘bác sĩ chuyên gia bắt mạch’, kiêm nhà thi cảm ấy vẫn còn nhiều
điều để nói. Với ông, nàng thơ như một con người sống động mà với khả năng
chuyên môn, ông có thể chẩn đoán, thăm dò tới mọi ngõ ngách tâm hồn. Nếu khu vườn
thượng uyển kia không có gì để nói, thì có lẽ nhà thi cảm chẳng dại gì tốn thời
gian công sức như vậy!
Nhìn bề ngoài, xem ra các thi
đàn nơi đây đều có nét kiến trúc y hệt nhau: độ cao 6 ‘trượng’- (6 khổ
thơ), mỗi trượng như một tầng (4 câu thơ) với chiều dài 8 chữ, tổng cộng = 912
từ. Có lẽ những con số cố định ấy cũng giống như 5 dòng kẻ cố định trên khuông
nhạc, chạy song song nhau mà không làm mất đi sự phong phú của muôn giai điệu.
Cũng vậy, bước vào nội thất từng thi đàn, độc giả sẽ khám phá ra không gian mở
với các chiều kích cao sâu thiên hình vạn trạng, nhất là mỗi nơi đều phác họa một
nhân vật điển hình với một giai điệu cuộc đời rất riêng.
Họ là ai vậy?
Thưa, hầu hết cũng là con Lạc cháu Hồng, quen gọi là 117 vị thánh
tử đạo Việt Nam và một vị Á thánh – chân phước Anrê Phú Yên. Họ nằm trong số những
người mà sách Khải Huyền đã tiên báo từ 2000 năm trước: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ
đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (x. Kh 7, 9-14).
Vì tác giả sử dụng ngôn ngữ biểu tượng, không nêu một tên gọi hay
địa danh cụ thể cho nên không dễ dàng cho người thường nhận ra nhân vật hay nơi
nào rõ ràng. Đơn cử một ví dụ đầu tiên, ta đến với thi đàn Thơ nương Bóng Cả (1) là bóng hình Đức Mẹ La Vang, nhắc lại biến cố lịch sử Đức Mẹ hiện ra tại đây năm 1798. Toàn bài thơ không nói cụ thể
ai hay nơi nào. Tuy nhiên, trong
mỗi thi đàn luôn có đôi dòng chú thích ở đầu và cuối như những căn cứ để độc giả định vị mình đang ở
đâu. Mặt khác, ngôn ngữ biểu tượng cũng gợi liên tưởng ra vô biên.
Ơn Bóng Cả ban cho niềm hy vọng
Cành vươn lên che
khô khốc gió lào
Ôm cánh mềm khỏi
ngã quỵ nghiêng chao
Và nâng dậy niềm tin vào Thánh Đạo.
Ngay sau đó, chúng ta được hòa mình vào đêm nhạc hợp xướng Khải hoàn ca (2) tôn vinh 117 vị thánh
tử Đạo Việt Nam: “Lớp
lớp, trùng trùng, ngời ngợp tiếng tung hô”. Rồi cùng nhà thi cảm, ta ngước nhìn lên thi đàn Hiến lễ đầu mùa (3) để chiêm ngưỡng chân
dung chân phước Anrê Phú Yên (1625–1644), người con Mằng Lăng Quy Nhơn, học trò
xuất sắc của cha Alexandre De Rhodes. Chung
nhịp tình (4) với hiến lễ đầu mùa ấy là gương mặt Thánh Phaolô Tống Viết Bường
(1773–1833) ở
xứ Huế mộng mơ. Chiêm ngắm những bước chân vượt trùng dương đi loan báo Tin Mừng,
thi sĩ đã viết lên Khúc du ca (5) dâng
thánh Joseph Marchand Du,
linh mục (1803–1835), thừa sai người Pháp. Trong những đêm tối đức tin suốt
ba thế kỷ đầu ấy, cũng không thiếu những Ngọn
đuốc thiêng (6) như thánh Phêrô
Đinh Văn Dũng, ngư phủ (1800–1862), người con mảnh đất Thái Bình.
Dù cảnh phong ba bão táp
hay xiềng xích cũng không gông cùm được Hương an lạc (7) trong tâm hồn của những người
như thánh linh mục Anrê Dũng Lạc (1795–1839). Vào thi đàn ta thấy như còn phảng
phất hương đồng gió nội đất Kinh Bắc hay nét thanh lịch của người Tràng An.
Tim
thơ rực sáng (8) là “Tình gọt giũa đời thơ –
hình thánh giá” của thánh Phêrô Phan Hữu Đa (1802–1862) mọc lên từ giáo phận
Bùi Chu, mảnh đất được đón nhận hạt giống Tin Mừng ngay từ năm 1533. Rồi người
thợ may Toma Nguyễn Văn Đệ (1811–1839) tưởng ngày ngày quen đường kim mũi chỉ
có ai ngờ một ngày kia cũng Kết tinh hoa
(9) quê hương Thái Bình-Bắc Ninh với quê hương Thiên Quốc.
Chúng ta đã lướt qua bản đồ hành trình khám phá, từ miền trung –
lòng Mẹ La Vang, Quy Nhơn, Huế, rồi ra bắc rồi ta lại vào nam.
Giờ chẳng thiết của trần gian danh lợi
Thuyền đêm đêm rẽ sóng rước ân thiêng
Đem niềm vui đến an ủi truân chuyên
Cho Phước Cả rợp tràn trên đất mẹ.
Đó là tâm thế Vượt trùng dương (10) cao cả của một vị
thương gia có tên Matthêu Lê Văn Gẫm (1813–1847), xử trảm tại pháp trường Chợ
Đũi - Sài Gòn thời Thiệu Trị.
Đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ta dường như bắt
gặp lại Chí hùng thiêng (11) của non
sông oanh liệt bao ngàn đời nay rực sáng trên pháp trường Gia Định thời Tự Đức:
Đã một thuở ta vẫy vùng
bốn bể
Nghe tiếng gầm cả muôn
thú lặng yên
Ta giương oai không phải
lấy uy quyền
Nhưng chính trực công
minh theo Sự Thật.
Đó là chí khí của thánh Phaolô Trần Văn Hạnh (1827–1859), một
giáo dân kiêu hùng “Tiếng khẳng khái vững
tin vào Tuyệt Đối”. Bước lên thi đàn Hương
thơ hiến tế (12) lại càng thêm phần tinh tế. Nếu nước hoa của Pháp vốn nổi
tiếng khắp thế giới thì cũng có thể nói thánh Jean Louis Bonnard, linh mục
(1824–1852) thừa sai Paris, có tên rất Việt Nam là Cố Hương cũng lừng hương
không kém trên vườn thượng uyển này.
Thơm thơm quá! Hương anh hoa phát tiết
Không ngạt ngào mà thoảng nhẹ như
sương
Từ hồn thơ và trái tim thanh khiết
Luyến dặt dìu tựa như áng mây vương.
Ánh tình lấp lánh
(13) là thi đàn
dâng lên thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, (1768–1840), một ông trùm họ với gia
đình nhỏ bé trong xã tắc nhưng tâm hồn rộng mở tới muôn người :
Tổ tuy bé nhưng
lòng Câu quảng đại
Luôn
bao dung che chở bước lỡ đường
Bẫy giăng mắc tình
xót thương chẳng ngại
Dù biết rằng có lúc
cánh sẽ vương.
Trên vườn thượng uyển có muôn hương hoa đặc sắc nhưng Đóa hồng ngát hương (14) là một giai điệu
hết sức đặc biệt. Quả vậy, không phải hương nào cũng giống hương nào. Đây là hương hoa hồng – thánh nữ Anê Lê Thị Thành (1781–1841), vị thánh nữ duy nhất trong
số 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam, một người mẹ hiền của sáu người con quê ở giáo
xứ Phúc Nhạc, giáo phận Phát Diệm.
Trong
bóng tối, nghe Nguồn Thơm rất khiết
Rợp lên hoa giữa đêm buốt mịt mù
Ơi Hương Thánh nung tình hoa cương quyết
Giữa bão bùng vây bủa chốn thâm u.
Nếu như trong số 117 vị thánh tử đạo Việt Nam chỉ có một vị thánh
nữ duy nhất thì trong số hàng trăm thi sĩ Công giáo Việt Nam hình như cũng mới
chỉ có một nữ thi sĩ Song Lam đã dày công viết lên Khúc Thần Nhạc diễm lệ để tôn vinh các Ngài như thế. Giữa một thế
giới ồn ào bởi đủ thứ tạp âm, cám ơn thi sĩ đã dâng hiến cho đời Khúc Thần Nhạc trong trẻo với 21 thi phẩm
giàu hình ảnh và nhạc điệu, sâu lắng mà thanh khiết như mở ra trước mắt chúng
ta chân dung vừa sống động vừa huyền bí của các bậc vĩ nhân, những người đã làm
chứng cho Tin Mừng bằng chính mạng sống mình.
Nhịp cầu tre mong manh đến đây xin được dừng lại để bạn đọc tự do
bước lên vườn thượng uyển và khám phá
tiếp những giai điệu còn lại: Tình lão bộc
(15); Lúa non đơm hạt (16); Thần khúc Ave (17); Khúc thần nhạc (18); Ánh cầu vồng
(19); Phúc điền viên (20) và Phượng hoàng tung cánh (21).
Giờ vinh hiển –
Tình trời cao vẫy gọi
Dâng
hiến mình mặc giông tố bủa vây
Cửa công chính vui
hân hoan mở lối
Phượng thỏa lòng
vươn cánh vút trời mây.
Phát Diệm, ngày 15/10/2019
Đình Chẩn