Các bà, các cô
Trích: Những người xóm đạo
hình minh họa |
Ở đâu có các bà thì ở đây lập tức có chuyện thị phi để mà nghe, chả biết nó chính xác đến cỡ nào nhưng nghe cái giọng kể hùng hồn của các bà coi bộ chuyện đó đáng tín lắm. Chả chuyện gì trên đời mà không thành chủ đề bàn tán của các bà, từ chuyện con Tươi với thằng Dũng ăn cơm trước kẻng, bắt tội hai ông bà Năm phải đến lạy lục cha sở làm phép tha cho chúng nó được về ở với nhau, đến chuyện ông cha xứ mình “kẹo” hết sức, con chiên ở mấy xứ kế bên được tiệc này, lễ kia, mùa Giáng Sinh ăn cỗ mệt nghỉ. Thấy mà ham. Còn xứ này, năm thì mười họa mới được ông cha vớt vát cho được bữa trà nước. Hay đơn cử như chuyện ông thầy xứ mới tuần trước trót đứng nói tếu với mấy cô sinh viên đi học trên tỉnh về cũng bị các bà liệt vào chuyện “chẳng tốt lành chi”… Thành thử, ai cũng ngại va chạm với các bà, khi không lại bị mắc tiếng oan, đến cha xứ cũng phải vị nể các bà ấy vài phần.
Nói là nói vậy, chứ không có các bà thì cũng thành ra chuyện lớn. Không ai đi lễ đều đặn và chăm chỉ bổn sách như các bà. Giờ nguyện sáng chưa tròn được nếu không có các bà cất kinh, xướng nhạc. Nhà thờ lập tức trở nên vắng hoe nếu không có các bà đi lễ. Đám thanh niên chỉ dập dìu ngày lễ lớn chứ lễ thường ban sáng hay ban chiều thì chỉ được dăm ba cô cậu. Cũng chỉ có các bà mới quảng đại đến quét từng góc nhà, dọn từng mảnh sân của ngôi nhà xứ; thi thoảng lại còn chăm cho từng bữa cơm của ông cha với ông thầy, tay chân lóng ngóng mãi mà nồi cơm nấu chẳng đặng. Đối với các bà quan điểm “Nhất Chúa, Nhì Tôi” là luật bất thành văn. Thế mới thấy, các bà ồn ào thật nhưng cũng lặng lẽ thật. Tôi từng thiết nghĩ nếu thế hệ này qua đi thì chẳng biết ai sẽ là người cất kinh trong mỗi giờ nguyện lễ, đám trẻ tụi tôi thì chỉ đọc theo các bà cách máy móc, chứ bảo cất kinh thì chắc không dám. Đấy là còn gặp được kinh dễ, chứ vào mấy kinh khó thì chắc ngậm hột thị trong miệng luôn rồi. Tôi phục các bà sát đất về những khoản kinh kệ ấy, đơn cử như nội tôi - một chữ bẻ đôi không biết nhưng bổn đọc thì chưa từng sai một từ. Kinh sách là “Thánh địa” của các bà mà không thế lực nào chạm vào nổi.
Bên cạnh các bà còn có các cô. Khác với các cụ lớn tuổi, các cô là đại diện cho nhan sắc của xóm đạo tụi tôi. Các cô điệu đàng, lúc nào cũng xúng xính váy áo chỉn chu và những mốt áo dài mới nhất trên tỉnh luôn được các cô cập nhật xu thời. Mỗi khi các cô đi qua là nào nực mùi nước thơm, nước hoa làm nức nở khu nhà thờ. Nhưng ngặt nỗi, cũng bởi cái tánh ấy mà các cô luôn được đưa vào tầm ngắm của mấy bà và chê bai là điều không thể tránh khỏi: mấy nàng đi đạo mà như đi tiệc, dẹo thấy mồ; Chúa, Mẹ nào chứng có mấy đứa đấy, rồi thì cũng đủ chuyện lời ra tiếng vào giữa hai bên. Các cô bị để hành để ý cũng đâm ra khó chịu, tiện miệng thì cũng xéo xắt lại dăm câu cho bõ tức không thì lại “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Các mợ được cái rộng rãi, một bữa tiệc khao cả xóm hay một chầu kem đãi đám học trò nhân ngày lễ nghỉ, các mợ chẳng màng sân si. Người nghèo xứ khác lên kể khổ, trình bày gia cảnh một lúc, các mợ cũng động lòng, rút tiền ra cho mang về. Việc đóng góp nhà thờ các mợ lại càng không tiếc, cha xứ đứng ra xin quỹ, chẳng mấy chốc mà các mợ làm cho đầy thùng quyên. Những bữa cơm xứ tôi mời khách, khi mà chẳng thể đãi tiệc qua loa, muốn cầu kỳ một chút không sợ khách xa chê cơm xóm đạo thì buộc lòng phải nhờ đến các cô. Các bà chăm cơm hằng ngày cho cha xứ còn được chứ nấu cỡ “cơm tám hạng sang” mời khách thì đành ngậm ngùi nhìn các cô trổ tài, lui về lo chuyện khác. Những khoản này, chúng tôi cũng vẫn phải kính nể các cô, các mợ vài phần.
Hai đàng ấy mỗi đàng một vẻ nhưng, đám trẻ tụi tôi vẫn kháo nhau cười khúc khích mỗi khi tháng Năm về vì cứ hễ đến tháng ấy thì các bà lại nắm tay các mợ, dập dìu khắp trong nhà ngoài ngõ, vận áo váy y chang nhau, đẹp lạ lùng. Họ cùng nhau làm đủ thứ việc, cắm hoa, may đồ, dựng cờ, trang hoàng nhà Chúa đẹp lộng lẫy, thấy mà vui. Mợ tui bảo tháng ấy là tháng dâng hoa kính Mẹ Chúa nên bà, cô nào cũng phải tập vũ để mừng Mẹ, bận thấy mồ thời gian đâu mà sân si chuyện xưa. Ôi, hóa ra người hàn gắn đàn bà lại với nhau chỉ có thể là một người đàn bà khác. Chắc hẳn, ấy là người phụ nữ có uy tín và đẹp lòng hết thảy xóm đạo. Tôi từng nghe có người bạn bảo: Người phụ nữ hạnh phúc nhất không phải là người được nhiều đàn ông yêu mà là người được nhiều phụ nữ khác cùng thích. Đức Bà là một người như thế.
Ước gì Tháng Năm của chúng tôi cứ kéo dài mãi. Ước gì người phụ nữ ấy cứ ở mãi với xóm đạo tôi, để tiếng nhạc, điệu vũ chẳng bao giờ ngưng và những cái nắm tay kia không bao giờ dứt.
Thụy Du