ƯỚC MƠ NHỎ, HẠNH PHÚC TO….
hình minh họa |
“Chát! Chát!” , “Đi lễ nè… Đi lễ nè… Tao quýnh cho mày què giò luôn”.
Những tiếng đòn roi quất túi bụi kèm theo những tiếng la mắng chát chúa của người mẹ vào đứa con trai của mình đã phạm lỗi, mà theo người mẹ đó là tội nặng đáng đánh đòn: đi lễ nhà thờ.
Mỗi con người sinh ra đều có một ước mơ, những khát khao riêng. Thế nhưng có những chuyện lại chẳng như ý muốn của mình. Người ta nói đúng: không có gian khổ sao có vinh quang. Và câu nói ấy càng khắc họa rõ nét hơn trong câu chuyện của tôi, một con người nhỏ bé, đầy tội lỗi nhưng được Chúa đoái thương nhìn đến.
Được sinh ra trong một gia đình gồm 3 chị em. Là út và là con trai duy nhất nên có lẽ mọi tình thương ba mẹ đều giành cho tôi. Nhưng nào biết được điều đó, tôi cứ mãi vô tư chìm đắm trong các trò chơi cùng lũ bạn, xin tiền mẹ để lao vào các trò game online mà nào biết đó là tội. Căn nhà nhỏ nằm trong xóm đạo nhỏ bé, gần nhà nguyện của các nữ tu dòng Phaolô, vì thế mà bọn con nít hay đi lễ và chạy đến đó chơi. Còn ngại ngùng nên không dám theo chúng, nhưng đối với tôi tiếng chuông nhà nguyện thì chẳng xa lạ gì. Thật ra thì nội tôi là người có đạo đấy. Bác tôi, chú tôi thì có đạo. Chỉ có ba tôi thì nghe nói ông đã bỏ đạo được hơn 20 năm rồi vì giận ông cha xứ hồi ấy.
Và rồi, một ngày đẹp trời mà đối với tôi đó là ngày tôi không thể quên. Hôm đó là Chúa Nhật, là ngày lũ bạn cùng xóm đi học giáo lý, đi lễ nhà thờ. Thằng Lì - rủ tôi đi chơi với nó. Vậy là tôi quyết định đi theo. Nhà thờ - nơi mà tôi chưa bao giờ dám đặt chân đến – vậy mà tôi lại được một cô chỉ định ngồi trên hàng đầu. Tôi thấy một vị mặc áo trắng, có các bạn nhỏ đi sau. Tôi nghĩ “À, kẻ hầu theo hoàng thượng đây mà”. Tôi thấy ông ấy đứng chỗ cái bàn lớn rồi trên cái bục, nói nói giảng giảng điều gì đó mông lung không rõ ràng. Bên trên có một cái ông chết trên cái thánh giá mà máu me nhiều lắm kể. Rồi tôi đi về và cứ nghĩ mãi về những hình ảnh đó. Lúc ấy tôi lớp 4. Thế rồi mỗi Chúa nhật, tôi đều theo bạn đến nhà thờ. Tôi hỏi những đứa bạn về các hình ảnh đó. Thì ra ông ấy gọi là cha, ông ấy giảng giáo lý và dâng lễ, đọc sách. Còn cái bọn theo sau là giúp lễ. Còn cái ông chết trên cao đó là Chúa Giê-su Kitô.
Không biết tự bao giờ, tôi ham muốn đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Tôi nhìn lên ông Giêsu ấy, tự nhiên thấy mình khao khát điều gì đó. Tôi cười và cứ thế dự lễ. Đó là năm tôi học lớp 5.
Và chuyện gì đến cũng đến. Gia đình biết tôi đi lễ nhà thờ. Ba mẹ tôi ra sức cấm cản. Lúc đầu nói, rồi la mắng, và biện pháp mạnh hơn: đánh. Những cái đòn roi nghe chan chát vào mỗi sáng chúa nhật phát ra từ nhà tôi thu hút bọn trẻ cùng xóm đến xem và trêu chọc. Tôi buồn lắm chứ nhưng biết làm gì hơn. Nhưng rồi, tôi không hiểu, động lực nào lại cứ thúc đẩy đôi chân lê bước đến với Chúa. Dẫu biết rằng, mỗi chúa nhật là một trận đòn, có khi đến từ cả ba và mẹ nhưng tôi vẫn đi. Tôi đi mà chẳng hề suy nghĩ gì. Tôi hay lén đi rồi lễ xong tôi tranh thủ chạy về nhà thật nhanh. Đôi khi, lễ xong tôi ở lại và ngồi học lóm giáo lý bên ngoài cửa sổ nghe các thầy cô dạy và tôi hiểu được phần nào các điều mà bấy lâu nay tôi không hiểu về đạo Công giáo. Mỗi khi đi chơi, thấy nhà nào đọc kinh thì tôi thích lắm. Nhìn ngó xung quanh, không có ba mẹ với chị, vui lắm, đứng vào và nhẩm kinh theo. Nhờ vậy mà tôi thuộc được các kinh ngắn và thông dụng. Hạnh phúc của tôi bé lắm, chỉ vậy thôi.
Rồi năm tôi học cấp 3, ba mẹ càng ngăn cấm tôi quyết liệt hơn. Ba tôi phải dùng biện pháp mạnh là ông mua sợi dây xích về và đến sáng chúa nhật là ông cho tôi ăn sáng và xích chân tôi vào cầu thang để tôi không đi nhà thờ được. Lúc ấy tôi cảm thấy mình thật tội lỗi vì không đến nhà thờ dự lễ. Tôi cảm thấy mặc cảm với bạn bè vì mình không được đi học giáo lý. Tôi thầm trách ba tôi tại sao ông lại bỏ đạo rồi lạ ngăn cấm tôi thế này. Và tôi đọc kinh như đã học lõm giáo lý để cầu xin Chúa. Được hai tuần thì nhà tôi có tin vui. Còn tôi thì vui gấp trăm lần. Chị tôi cưới chồng có đạo. Vậy là chị tôi đi học giáo lý. Nhìn ba cũng sốt sắng hẳn. Bên nội có 3 người cô đi tu cũng về dự lễ cưới của chị. Tôi nghĩ Chúa đã lắng nghe tôi cầu xin.
Nhưng nào có ngờ, chưa được 3 tháng thì gia đình chị có chuyện xích mích. Họ phải ly thân. Chị hận anh rể nên không đi lễ. Ba tôi vốn đã có mối hận đạo, nay thêm chuyện này lại càng thêm hận. Rồi ngày nọ, chị tôi nhận hung tin từ người em bên phía nhà chồng là anh rể tôi đã có con với người con gái khác. Không tin nên chị đến nhà chồng xem nhưng đó lại là sự thật. Chị tôi đau lắm. Chị quyết ly dị dân sự. Bỏ đạo và cưới một người chồng khác. Tôi lại buồn. Tôi chạy đến nhà thờ, dưới chân Đức Mẹ, tôi cầu xin Mẹ.
Sau vụ việc này, gia đình tôi lại càng hận đạo hơn. Tôi đi lễ, sáng mẹ tôi đánh bằng roi, chiều tối ba tôi đánh bằng dây nịt. Kéo dài mãi sáu năm, dường như Chúa nhật nào Đức Giêsu cũng muốn tôi “khổ nạn” cùng Ngài. Cứ như vậy, họ cứ mãi đánh còn tôi cứ mãi mê trong những thánh lễ. Tôi thấy hạnh phúc và bình yên trong tâm hồn mỗi khi đến nhà thờ, đặc biệt là dự lễ. Tôi xin “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được đi lễ mà không cần phải trốn, xin cho ba mẹ con biết Chúa”. Mỗi Chúa nhật tôi đều cầu nguyện như vậy. Một số người có đạo gần nhà tôi thấy vậy cũng thương tôi lắm. Họ bảo rằng:
- Thôi mày đừng theo đạo đi lễ nữa, ba mẹ mày không cho rồi mà cứ đi, có ngày ba mẹ mày đánh chết? Không sợ hả?
Tôi trả lời rằng:
- Nếu sợ thì con đâu có đi đâu. Mà kệ, đánh chết thì nhiều khi con được làm thánh tử đạo thì sao.
Họ phá lên cười cho câu trả lời ngây ngô của tôi. Tôi cũng cười cho câu trả lời từ tận đáy lòng mình. Tôi khao khát thèm muốn lắm. Nên mỗi khi giáo xứ tôi tổ chức gì tôi đều có mặt. Từ lễ Giáng sinh cho đến Phục sinh, từ vai diễn nguyện thằng bé cho đến các vị thánh, tôi đều được kêu gọi đóng giúp. Những lúc ấy, tôi có phần vui mà cũng sợ. Vui vì được làm việc nhỏ bé tầm thường nhưng ý nghĩa sâu sắc ấy. Sợ vì ba mẹ tôi có thể thấy tôi. Còn nhớ, Noel năm 2013, một Sơ Phaolo nhờ tôi múa. Tôi nhận lời ngay. Qua nói chuyện, Sơ biết hoàn cảnh của tôi nên đã dạy tôi học giáo lý. Tôi được các Sơ dạy giáo lý, nuôi dưỡng đức tin, tâm hồn mến Chúa. Tôi xem các Sơ Phaolo như những người mẹ thứ hai sinh ra mình. Tôi ao ước mẹ tôi cũng như thế. Mỗi ngày, tôi thường hay lên cộng đoàn Phaolô để học giáo lý. Những bài giáo lý làm tôi say mê chẳng hề chán. Hiểu rõ thêm về Kitô hữu, tâm hồn tôi như lâng lâng niềm vui khôn tả. Các sơ thương tôi lắm nên tận tình dạy bảo.
Mỗi lần đến nhà thờ, nhìn mọi người lên rước lễ, tôi ao ước lắm. Dẫu biết rằng, tôi chưa được rửa tội nên tôi không được rước lễ, tôi cố kìm chế bản thân mình. Vì lòng quá khao khát, tôi đã quyết định lên rước Chúa. Nhưng tôi đã bị một cô biết được và cản lại. Tôi xấu hổ quá, tôi chạy xuống dưới cuối nhà thờ mà dự lễ cho xong. Hôm đó là tối thứ 7. Lễ xong tôi về nhà, ba tôi đã chuẩn bị xong 2 sợi dây nịt. Tôi thấy, biết thời khắc đã đến. Tôi không sợ. “Chúa chịu được thì mình cũng phải cố chịu”. Bố tôi không đánh túi bụi như mẹ tôi. Ông đánh ở bắp chân và đùi. Tôi nhớ như in. Tối hôm đó ông đánh tôi đi không được. Tôi đứng lên không nổi. Chị tôi đứng xem chỉ nói: chừa cái tật. Tôi nằm một lúc cho đỡ đau, nhưng cũng không đi được. Tôi lết lên phòng ngủ. Đến ngày hôm sau, không biết điều gì thúc đẩy, tôi lại đi lễ nữa. Mẹ tôi thấy và chửi tôi. Tôi vụt chạy. Đến nhà thờ, tôi trách Chúa, tôi trách nhiều lắm. “Tại sao? Tại sao Chúa bỏ con? Sao Chúa không thương con? Con đến với Ngài hết cả tấm lòng mà”. Tôi không dám về. Tôi ăn cơm nhà bạn. Đến tối, tôi về để học bài. Nhà tôi đóng cửa. Tôi gõ cửa xin vào nhà rất lâu nhưng cũng không ai mở cửa. “Mày đi luôn đi, biến khỏi nhà tao” – tiếng ba tôi vọng ra. Tôi ngồi bên ngoài đợi của mở. Mãi đến 23 giờ, tôi gọi bạn tôi xin ngủ nhờ. Ngày hôm sau, tôi nói bạn tôi chở ra bến xe. Tôi đón chuyến xe đi Nha Trang. Tôi lang thang 2 ngày ở nơi xứ người. Tôi đến nhà thờ Núi xin cha sở cho tôi làm việc nhà thờ và cho tôi chỗ ngủ sống qua ngày. Cha không chấp nhận. Tôi đi lang thang với 20.000 đồng. Tôi đói. Tôi xin một nhà kia là phật tử để ở nhờ một đêm. Lúc đầu, bà ấy nghĩ tôi là kẻ hút chích hay cờ bạc nên bị gia đình ruồng bỏ. Sau khi nghe tôi kể, bà khuyên tôi nên về, rồi bà đưa tôi 100.000 đồng về xe. Chiều ngày thứ hai sau khi bỏ nhà đi, tôi quyết định về. Thầm nghĩ, nếu như lần này về bị đuổi thì tôi sẽ đi luôn.
Về đến nhà, ba mẹ và chị tôi đều im không nói lời nào. Nhắc đến chuyện đi lễ, mẹ tôi chỉ la mắng thay vì đánh như trước. Tôi vui quá, chạy lên núi Đức Mẹ Hòa Bình tạ ơn. Chắc là ba mẹ tôi đã suy nghĩ khác hay Chúa đã biến đổi tâm hồn họ? Dù sao đi nữa đó cũng là điềm tốt. Rồi tôi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học. Tôi đậu một trường cao đẳng tại Nha Trang. Ngoài đi học ở trường, tôi thường đến nhà thờ học hỏi thêm giáo lý. Tôi nhớ như in là cha Quý dòng Phanxico ở xứ Antôn Vĩnh Phước dạy tôi. Tôi còn xin gia nhập nhóm sinh viên Công giáo Tin yêu Nha Trang để sinh hoạt nữa.
Ngày 08/09/2014. Đây là ngày gì? Sinh nhật Đức trinh nữ Maria đó. Đây cũng là ngày tôi được sinh ra bởi Nước và Thần Khí. Mười chín tuổi, khát khao trở nên một Kitô hữu “chính hiệu” cũng đã đến. Ngày tôi rửa tội, tôi vui lắm, niềm ao ước bấy lâu nay được trở thành hiện thực. Ngày tôi rửa tội, tôi xin phép cha sở đóng hết cửa nhà thờ lại vì sợ. Đến dự lễ, chỉ có các sơ dòng Phaolo, bố đỡ đầu và cô đã đỡ đầu cho chị tôi. Không hoa, không long trọng, nhưng tôi đã có Chúa và Đức Mẹ là bông hoa tuyệt vời nhất của tôi, được trở thành con cái Chúa là sự long trọng nhất trong tâm hồn rồi. Tôi giữ kín gia đình việc này. Vì họ còn sự ngăn cấm. Nhưng cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Họ biết và chửi tôi. Nhưng không hề chi. Những lúc đó tôi cầu nguyện. Tôi cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ mỗi ngày.
“Mẹ nghe tiếng con rồi. Chúa nhận lời con rồi” – tôi thốt lên trong niềm hân hoan sung sướng. Tôi chuẩn bị đi tắm, không biết vô tình hay cố ý, ba tôi mở karaoke lên hát, bài đầu tiên ông hát là “Cung chúc Trinh vương”. Tôi chạy lên. Bấm ngay bài “Xin vâng”. Tôi với ba cùng hát. Ông thuộc rất kỹ, không cần nhìn màn hình ông vẫn hát được. Đó là lần 1. Ba ngày sau, ông cũng mở karaoke, “Con xin dâng mẹ” là bài mở đầu. Vui quá tôi chạy lên nói với các Sơ. Dịp đó, tôi đi hành hương Mẹ Trà Kiệu với các Sơ. Khi về, Sơ mua tặng ông tượng Mẹ La Vang. Nếu như bình thường, ông sẽ vứt đi hoặc cho người khác. Lần này, ông lại cất giữ trong tủ đồ rất kỹ. Thấy vậy lòng tôi mừng rỡ hân hoan. Tôi chạy đến tạ ơn Chúa và Mẹ. Tôi nghĩ chắc ông đang muốn quay về nhưng vì ngại mà thôi. Tôi tiếp tục cầu nguyện.
Trước đó, tôi trách Chúa không thương tôi, không đoái hoài gì đến tôi. Tôi đã lầm. Chúa giàu lòng thương xót đã lắng nghe tôi. Tôi thấy Ngài cho tôi thật nhiều ơn. Từ ơn không từ bỏ Chúa cho đến biến đổi ba tôi. Và giờ đây, là ước muốn hiến dâng cuộc đời cho Chúa. Tuy rằng còn nhiều khó khăn khi lén lút đi “dòng thánh” về gia đình, nhưng chính trong nỗi buồn ấy lại trào dâng trong tôi niềm hy vọng. Tôi thấy mình không còn cô đơn nữa. Chúa quan tâm tôi nhiều hơn rồi. Ngọn tro sắp tàn tôi đây đã bén lửa cho than hồng khác. Con đường ấy sẽ lắm chông gai, gian nan nhưng tôi tin có Chúa quan phòng. Dẫu biết rằng gia đình sẽ rất buồn, nhưng tôi vẫn cứ đi vì tin tưởng Ngài sẽ xoa dịu. Chúa không lầm. Đúng, Ngài đến không phải để đem yêu thương, Ngài đến để đem sự chia rẽ. Sự “chia rẽ” của Chúa làm tôi hạnh phúc vì Đấng giàu lòng xót thương ấy đã mang thân phận như tôi để nhiều người vì thế được hạnh phúc.Và tôi ước mong rằng, ba tôi sẽ đến nhà thờ xưng tội để trở lại là con cái của Chúa. Ước mong rằng mẹ và chị tôi biết đến Chúa, học hỏi giáo lý và được rửa tội để gia đình luôn được sống trong tình thương vô bờ của Chúa.
Quả vậy. “Ai muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo Ngài. Vì ai liều mạng sống mình vì Chúa và Tin Mừng, thì sẽ được sống” (Mc 8, 34-35).
GB Trần Văn Triều
http://giaoxuvnparis.org/chi-tiet/uoc-mo-nho-hanh-phuc-to-gb-tran-van-trieu.html